Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

TƯ MÃ Ý

TƯ MÃ Ý – CHỨNG NHÂN, NẠN NHÂN HAY TÁC NHÂN CỦA MỘT THỜI ĐẠI? (made by Nguyễn Đỗ Thuyên)


Tặng Bảo Uyên - một người rất yêu thích Trọng Đạt

1 – Lang cố

“Lang cố…Đầu sói có thể quay nhìn trước sau, tiến có thể tấn công, lui có thể ổn”

Trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên (HPLN), hình ảnh ấy giờ đây gắn liền với Tư Mã Ý, gắn liền với sự phản trắc, gian hiểm và khó lường.

Thật ra, Nhân Tướng Học từng ghi nhận một vài trường hợp có thể quay đầu lại phía sau, thân mình không chuyển động, chỉ có đầu quay một nửa vòng tròn một cách dễ dàng tự nhiên. Hy Trương gọi nó là tướng “Long đầu cách cục”, là một nét quý tướng, mà cũng có thể xem là “ẩn tướng”, bởi nó không dễ gì lộ ra… Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Thụ Thanh đời Quang Tự cũng vì thế mà hiển quý cả đời…




Vậy thì “lang cố”, (hay “long đầu cách cục”), rốt cuộc vì lẽ gì, lại là kẻ đặt nền móng cho triều đại nhà Tấn – triều đại thống nhất tồn tại ngay sau thế cục tam phân Ngụy - Thục - Ngô? Là một xếp đặt ngẫu nhiên của lịch sử? Hay là kết quả tự nhiên của một quá trình? 

2 – Từ một nhân vật lịch sử…

Trong chính sử, Tư Mã Ý được miêu tả như một kẻ đã từng cực kỳ không thích làm quan. Dù là một trong “Bát Đạt Tư Mã” - tám người con danh tiếng của một dòng tộc lâu đời, là cháu của tằng tổ Tư Mã Thiên (người viết Sử Ký), cháu nội của Thái Thú Dĩnh Xuyên Tư Mã Tuấn, con của Lạc Dương Lệnh, Kinh Triệu Doãn, Kỵ Đô Úy Tư Mã Phòng; nhưng Ý lại luôn từ chối những lời mời từ phía Tào Tháo, Tào Hồng, và mãi đến năm ba mươi tuổi (năm 209), khi Tào Tháo trở thành Thừa Tướng, Ý mới chính thức bước vào quan trường.

Thế nhưng, khi đã bước chân vào bàn cờ chính trị chốn cung đình, Tư Mã Ý lại thể hiện rõ đức tính nhẫn nại hiếm có, tư duy chính trị sắc bén, dứt khoát và vượt tầm so với hầu hết các đối thủ lớn thời bấy giờ; để rồi từ một “Văn Học Duyện” bé nhỏ dưới trướng “Tào thừa tướng”, từ một quan Chủ Bộ vốn bị Tào Tháo nghi ngờ, Ý trở thành “Lục Thượng Thư Sự” dưới trướng Tào Phi - được Phi ví như “Tiêu Hà” của mình, trở thành Phiêu Kỵ Đại Tướng Quân nắm Dự Châu và Kinh Châu dưới thời Tào Duệ. Và từ một kẻ bị tước bỏ quyền lực thời Tào Phương, Ý một lần nữa giành lại thực quyền, giết chết Tào Sảng, Vương Lăng, trở thành kẻ còn lại sau cùng, kẻ đặt nền tảng cho sự thống nhất của Trung Hoa cuối thời Đông Hán.

Một thành tựu như vậy, há có thể được thực hiện bởi một kẻ chẳng tha thiết làm quan?

Cho đến nay, các tranh luận về Tư Mã Ý chủ yếu xoay quanh cuộc đối đầu Tư Mã Ý – Gia Cát Lượng, vốn là kết quả do sự lan truyền sâu rộng của Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN). Thật ra, liên hệ với các tài liệu lịch sử khác, chúng ta còn có thể tìm ra nhiều điều thú vị khác về y, cũng như về Tư Mã gia.

- Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà Tào Tháo năm lần bảy lượt mời Tư Mã Ý ra làm quan. Ngoài việc là một trong “Bát Đạt Tư Mã” nổi danh, ngoài việc Tư Mã gia là dòng họ có danh tiếng, thì còn một chi tiết đáng chú ý: kẻ tiến cử Tào A Man (năm 20 tuổi, vừa thi đỗ Hiếu Liêm) ra làm quan (chức Bắc Bộ Úy ở Lạc Dương) chính là cha của Tư Mã Ý – Kinh Triệu Doãn Tư Mã Phòng.

- Chẳng hạn, Tư Mã Lãng chính là người đã nhìn thấy trước việc Liên quân Quan Đông khi tiến sát Lạc Dương sẽ thả quân cướp bóc, do đó trước khi chiến loạn đã chủ động dời cả gia tộc từ Thành Cao về Lê Dương. Đến cuộc chiến Bộc Dương giữa Lữ Bố - Tào Tháo, một lần nữa Tư Mã Lãng lại đưa gia tộc về Ôn huyện. Lãng không chỉ bảo toàn được tài sản và tính mạng cho gia tộc, mà còn cứu chẩn họ hàng, dạy bảo các em, không vì thời loạn mà bỏ nghiệp, trong hoàn cảnh Năm đó đói to, quân lính cướp bóc, dân chúng chết đến gần nửangười dân ăn thịt nhau (Tam Quốc Chí – Tư Mã Lãng truyện). (trong HPLN, người có góc nhìn tương tự là Tư Mã Ý).

- Chẳng hạn, Tư Mã Lãng chính là người đã khởi xướng khôi phục chế độ “tỉnh điền” thời Tây Chu (chia đất ra làm chín khu hình chữ tỉnh. Những khu ở chung quanh làm tư điền, khu ở giữa để làm công điền. Mỗi một tỉnh cho 8 nhà ở, đều phải xuất lực cày cấy công điền rồi nộp hoa lợi cho nhà vua). Tuy không được Tào Tháo chấp nhận, nhưng đây là tiền đề cho các hoạt động như: chiêu tập nạn dân, cung cấp gia súc, cung cấp nông cụ và hạt giống cho các hộ dân…để từ đó tiến tới chế độ “đồn điền dân sự” (cải tiến lên từ phép “tỉnh điền” – tuy nhiên có quy rõ sản lượng tô thuế theo phần trăm tùy theo việc ai là chủ sở hữu của gia súc và công cụ).

- Chẳng hạn, chính Tư Mã Ý là người kiến nghị lập ra các “đồn điền quân sự” do binh sĩ tự canh tác và quản lý, mỗi năm mang lại hàng triệu hộc lương, góp phần ổn định những khu vực đã chiếm đóng.

- Chẳng hạn, cũng chính Tư Mã Ý, nhiều năm sau là người đã lập ra “chợ quân” ở  Trường An - chợ trao đổi hàng hóa đầu tiên do quân đội quản lý, để trao đổi hàng hóa giữa quân đội với dân thường.

- …

Phải chăng, Tư Mã Ý trong lịch sử, là kẻ “đã không làm thì thôi, hễ làm phải làm triệt để”, “không bước vào chính trường thì thôi, đã làm chính trị thì phải dẫn đầu”?

Phải chăng, gia tộc Tư Mã thật sự sở hữu những bộ óc trác việt, nhìn thấu được bản chất chính trị của thời cuộc, có hiểu biết khá sâu sắc về quy luật kinh tế và thương mại, mà minh chứng chính là những cách nghĩ, việc làm và kết quả đạt được của anh em Tư Mã Lãng, Tư Mã Ý, và sau này là Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu (thành công đoạt lấy binh quyền của Chung Hội và Đặng Ngải, thâu tóm quyền lực về mình, hưởng trọn thành quả của công cuộc phạt Thục, trong tình cảnh Ngải và Hội nắm đại quân bên ngoài)?

Và phải chăng, đấy chính là cơ sở cho Trần Mưu sáng tạo nên hình tượng Trọng Đạt trong HPLN?

3 – Đến hình tượng trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên…

Các bạn nghĩ sao khi biết rằng:

- Trần Mưu thực chất đã cho gán Tư Mã Lãng cái chức “Tri Thư Ngự Sử Lạc Dương”, vốn là của ông bố Tư Mã Phòng.

- Tư Mã Lãng thực ra chưa từng bị bắt làm con tin.

Trong HPLN, Tư Mã Ý được miêu tả ban đầu như một thiếu gia của dòng tộc Tư Mã vốn chỉ chuyên về kinh doanh, buôn bán. Sau khi người anh Tư Mã Lãng (vốn là Tri Thư Ngự Sử ở Lạc Dương) bị Đổng Trác bắt giữ, dòng tộc Tư Mã gần như không còn mối liên hệ nào về mặt thân tộc đối với quan trường.

Điều này, phải chăng là để cho Tư Mã gia hoàn toàn mang hình ảnh của một gia tộc doanh thương, chứ không dính líu gì đến chính trường? Để từ đó thấy rõ hơn bước chuyển trong quan điểm của một con sói? Để từ đó nhận rõ hơn quyết tâm lấy thiên hạ của y?

Hay phải chăng, để khẳng định rõ một điều: Trong thời kỳ đầu (trước khi bị diệt môn), Tư Mã Ý chỉ thuần túy là một “chứng nhân”, tự tin rằng tài năng của mình sẽ giúp cho gia tộc phát triển, tự tin rằng dù đứng ngoài cuộc tranh đoạt, chỉ có tiền tài chứ không cần binh lực vẫn có thể thao túng thế cuộc; chứ chưa tự xem mình như là một “tác nhân” tích cực và tất yếu cho xu hướng thống nhất của biến loạn cuối thời Đông Hán?

Và nếu như Trần Mưu có chủ ý này, thì cũng không nên quá ngạc nhiên. Chúng ta vốn đã quen với hình ảnh Trương Dực Đức ngoài thô dữ bên trong tinh tế, sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu biết rằng có những tài liệu cho thấy Trương Phi trong lịch sử là kẻ am hiểu thư họa, và là một “nho tướng” đúng nghĩa. Và những ai đã từng tốn thời gian để tranh cãi về Viên Phương, ắt sẽ thấy thú vị khi biết rằng ý tưởng về xuất xứ cho “đứa con rơi của Viên Thiệu” này lại đến từ chính ông bố - Viên Bản Sơ. Theo quan điểm của Bùi Tùng Chi trong “Tam Quốc Chí”, Thiệu được cho là con riêng của người bác Viên Thành. Khi Thành chết, Thiệu để tang, chứ không để tang người cha trên danh nghĩa là Viên Phùng… Cũng như, người thực sự dự đoán được viễn cảnh cướp bóc của liên quân Quan Đông dọc bờ sông phía Bắc Lạc Dương, để chủ động ứng phó, bảo vệ gia tộc, vốn là Tư Mã Lãng…

4 –  Chứng nhân, nạn nhân và tác nhân

Con người không bao giờ tồn tại riêng rẽ. Kể cả cố ý hay không, không ai có thể đặt mình ra khỏi dòng chảy của xã hội.

Nói về tâm thái của một con người đối với xã hội, thường có ba vai trò tiêu biểu:

+ Chứng nhân (Kẻ chứng kiến dòng chảy của xã hội);
+ Nạn nhân (Kẻ bị rác rưởi trong dòng chảy ấy làm vẩn đục, hoặc bị chính dòng chảy ấy cuốn đi);
+ Tác nhân (Kẻ tham gia khơi nguồn dòng chảy).

Với mỗi con người, ba vai trò này có sự hòa lẫn, đôi lúc vì thay đổi nhân sinh quan mà có thay đổi thứ tự ưu tiên vai trò, đôi lúc lại vì hiểu ra chân lý nào đó mà kiên quyết một vai trò nhất định.

Bạn thờ ơ nhìn người khác gặp nạn mà không giúp đỡ, không hô hoán để người khác giúp đỡ, hoặc đơn giản là chẳng có ý nghĩ sẽ giúp đỡ; lúc ấy bạn chỉ là một “chứng nhân” với suy nghĩ rất tiêu cực. Bạn cũng đã từ chối vai trò “tác nhân”.

Bạn cứ tiếp tục thờ ơ, cho đến lúc xã hội đã tệ hại đến mức người ta có thể chặt đứt vài cánh tay ngay giữa phố đông, ngay giữa ban ngày để cướp tài sản; tệ hại đến mức một em gái bị kẹt dưới bánh xe tải mấy tiếng đồng hồ mà không một tài xế nào chịu dừng lại để giúp em…

Sẽ đến lúc, em gái bạn, con gái bạn, người thân của bạn, những người xung quanh bạn, sẽ sẽ phải hứng chịu những sự thờ ơ tương tự như thế đấy. Lúc ấy, bạn đã là “nạn nhân”.

Bạn từ chối làm “tác nhân”, từ chối giúp đỡ, từ chối khuyên người khác sống tốt hơn, từ chối thảo luận về các vấn đề xã hội, từ chối vai trò xã hội của mình, làm chậm đi quá trình giải quyết mâu thuẫn để giúp xã hội phát triển hơn? Bạn cho rằng một ít đóng góp của mình là nhỏ nhoi, chẳng đáng kể, hoặc đơn giản là bạn chẳng được lợi lộc gì nếu làm điều gì đó?

Bạn sai rồi. Sẽ đến lúc, bạn là “nạn nhân” cho chính điều ấy.

Đơn giản là dù đóng góp của bạn có nhỏ đến mức nào, nó vẫn đóng vai trò như một sự thúc đẩy nhất định về lượng, giúp sự vật tiến nhanh tới điểm nút, để có được sự chuyển hóa về chất. Không đóng góp gì, quá trình ấy sẽ chậm lại, mà như ta biết, quá trình chuyển tiếp xã hội nào cũng chứa đựng nhiều mất mát, tổn thất. Có kẻ trục lợi được, có người lại bị hại đến thê thảm. Nếu bạn muốn làm chủ vận mệnh của mình, tại sao không chủ động biến mình thành “tác nhân”?

Trong HPLN thì sao?

“Trung Nguyên mấy ngàn năm qua con người đã sống như thế”…
“Ở dưới chủ, con người phải khóc, phải cười, nô tài cũng giống như thú vật”.
“Kẻ sống như kiến, kẻ chết như tro bay”…
“Đáng buồn mà cũng đáng cười”…

Nhưng mà, có phải thời đại này chỉ có như thế?

Có phải “trung thành”, sự an phận, cái an toàn khi làm tròn chức phận, việc không chịu suy nghĩ về giá trị của bản thân - hoặc tự hài lòng với cái được gọi là “giá trị bản thân” do xã hội áp đặt cho…mới là trật tự và cấu tạo của thời đại hỗn độn này?

Không, ít nhất có hai người không cam chịu mãi mãi làm “chứng nhân” cho thời đại đáng buồn này. Đó là Lữ Bố. Đó là Viên Thuật.

Ít nhất, còn có Lưu hoàng thúc và Tào thừa tướng, những kẻ có tâm, có thực tài, có ước vọng thống nhất thiên hạ, quyết tâm trở thành “tác nhân” cho một thời đại mới.

Còn có tầng lớp trí thức bình dân, xuất thân áo vải, bị chèn ép bởi tầng lớp trí thức Thái Học, trí thức công khanh, đành tan vào trong quần chúng, sau đó là đầu quân vào các thế lực cát cứ, với ước vọng thống nhất, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Đó chính là lực lượng mưu sĩ, là Bát Kỳ, là Trần Cung, là Vô Danh Quân Sư…

Vậy còn tầng lớp “thương nhân”?

Vậy còn Tư Mã Ý? Y nghĩ gì?

Y chọn cách trục lợi, từ chối vai trò “tác nhân”, trong một xã hội đầy biến loạn nhưng đang có lợi cho y? Hay y cũng biết nghĩ đến cái chung, cũng nhìn ra được một xã hội tốt đẹp hơn hiện tại, và quyết tâm thực hiện theo xu hướng tiến bộ của xã hội ấy?

5 – Các loại mâu thuẫn cuối thời Đông Hán - Đối tượng của những “tác nhân”

Thời Tam Quốc, xã hội tồn tại nhiều mâu thuẫn:

- Mâu thuẫn trong nội bộ Hán triều.
- Mâu thuẫn giữa Hán triều với các thế lực cát cứ.
- Mâu thuẫn giữa các thế lực cát cứ với nhau.
- Mâu thuẫn giữa phần tử trí thức bình dân và phần tử trí thức danh gia thế tộc (tàn dư Hán triều, phần tử trí thức Thái Học Sinh còn sót lại).
- Mâu thuẫn giữa quần chúng rộng lớn với chế độ lại trị đang đi xuống của chính quyền triều Hán.
- Mâu thuẫn giữa xu hướng thống nhất và xu hướng chia cắt phong kiến.

Đọc HPLN, đọc TQDN, ta thấy nhiều cuộc chiến, nhiều âm mưu, nhiều sự thất bại và nhiều thắng lợi. Thật ra, bản chất của những xung đột ấy chưa hẳn đã giống nhau.

Xung đột giữa những thế lực cát cứ, có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai thủ lĩnh, mâu thuẫn về quyền lực, về đất đai, nhưng cũng có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa xu hướng thống nhất và xu hướng chia cắt.

Cuộc chiến ở Từ Châu giữa Lữ Bố - Viên Thuật – Lưu Bị - Tào Tháo, hay đa số những cuộc chiến ở giai đoạn trước thế cục tam phân Ngục - Thục – Ngô, hầu hết giải quyết các mâu thuẫn về đất đai và quyền bính. Đôi khi nó được khoác lên mình danh nghĩa cá nhân (Tào Tháo đánh Đào Khiêm báo thù cho cha).

Những cuộc chiến trong giai đoạn hình thành tam phân (Tào Tháo đánh Lưu Biểu, Lưu Bị chiếm Ích Châu) là ví dụ điển hình cho mâu thuẫn giữa xu hướng thống nhất và xu hướng chia cắt phong kiến, giữa các lãnh tụ có tầm nhìn chính trị rộng lớn - đồng thời có ước vọng thống nhất Trung Hoa (Lưu Huyền Đức, Tào Mạnh Đức) với những thế lực già cỗi của tôn thất Hán triều, vốn chỉ nằm một chỗ cầu an, không hề có ý đồ chính trị rõ rệt và chỉ là trở ngại cho xu hướng hình thành tam phân (thống nhất từng phần trước khi thống nhất toàn bộ).

Khi giải quyết xong loại mâu thuẫn cuối cùng, những mâu thuẫn còn lại sẽ dần dần được dung hòa. Nhà Tấn ra đời là kết quả của một quá trình dần dần giải quyết tất cả các mâu thuẫn này.

Quan niệm về “chứng nhân”, “nạn nhân” và “tác nhân” của người viết từ đây trở về sau, là dành cho đối tượng “xu hướng thống nhất”.

6 – Thương nhân Tư Mã Ý, y nghĩ gì?

Đương nhiên, với con mắt hiện đại nhìn về lịch sử cổ đại gần hai ngàn năm sau, chúng ta không thể biết chắc chắn rằng quan điểm và tầm nhìn chính trị - xã hội của Tư Mã Ý lúc ấy đã đạt đến tầm mức nào. Nhưng ít ra chúng ta biết, nó có sự khác biệt đối với phần còn lại của các nhân vật “chính” trong HPLN. Bởi vì, Ý là một thương nhân.

Xuất phát điểm khác nhau dẫn đến cách tiếp cận khác nhau. Lưu Bị chỉ có hai bàn tay trắng, nên đầu tiên phải kiến lập lợi ích về mặt danh nghĩa, lợi dụng những năm cuối cùng của thời đại, khi chữ “Lưu” còn chưa bị thiên hạ lãng quên. Tào Tháo, Tôn Sách đều có ít nhiều điểm tựa từ phía quan trường, kẻ có bộ hạ cũ, người có đất (và cùng có danh tiếng), có thể dần dần khuếch trương thế lực về mặt quân sự. Vậy Tư Mã Ý có gì?

Tư Mã Ý có vốn liếng, có mạng lưới hoạt động làm ăn rộng lớn, có danh tiếng (trên thương trường), và có tài năng kinh doanh. Một thương nhân điển hình và thành công như thế, nhu cầu của y là gì?

Con người, sau khi thỏa mãn được nhu cầu về sinh lý (ăn, mặc, ở…), nhu cầu về an toàn, nhu cầu về giao tiếp xã hội, sẽ tiến đến hai nhu cầu quan trọng: nhu cầu được tôn trọng (liên quan đến tự chủ, địa vị), và nhu cầu tự thể hiện mình (muốn trở thành một người theo khả năng của mình, được phát triển bản thân).

Liên quan đến nhu cầu được tôn trọng, Tư Mã Ý từng nói về Đổng Trác:

“Loại người dùng bạo tàn để trị nước này chỉ làm cho sinh linh đồ thán. Ta không muốn trong những năm ta sống lại nhìn thấy một Tần Thủy Hoàng”.

Ý tứ rất rõ ràng, Trọng Đạt muốn tự chủ trong việc lựa chọn kẻ đứng đầu thiên hạ, và y đã tham gia cải biến quá trình chọn lọc ấy (chiến dịch diệt Đổng ở Trường An).

Liên quan đến nhu cầu tự thể hiện mình, Ý đã mơ…

“Kẻ tin vào mộng thường là kẻ yếu đuối, cho nên xưa nay ta chưa từng tin vào mộng. Điều buồn cười là dạo này ta thường thấy một giấc mộng lặp đi lặp lại, một giấc mộng điên cuồng…”

“Tất cả trong giấc mộng ấy đều vượt quá sức tưởng tượng. Chỉ là mộng hay là điềm báo trước của số mệnh?...Ta không biết.”

“Nhưng ta lại mong muốn điều đó trở thành sự thực… Tin tưởng vào đó cũng là điều hay.”

Có lẽ khi “trót” tin tưởng vào giấc mộng ở đầu truyện, có lẽ TMY cũng không ngờ rằng nhiều năm sau, gia tộc của y có thể khuynh đảo cả một thời đại, tác động đến nhiều cuộc chiến quan trọng và chính y sẽ là kẻ đặt nền móng cho nhà Tấn sau này. Cái “mong muốn điều đó trở thành sự thực” lúc ban đầu ấy chỉ đơn thuần là dục vọng ẩn sâu trong mỗi con người mà ai cũng có: muốn đứng trên ngôi cao nhất, làm chủ tể thiên hạ. Ở góc nhìn khác, hình ảnh “Tư Mã thái phó” đạp tiểu hoàng đế xuống đất và bắt y quỳ lạy hai đứa con trai Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu có thể xem như một ước muốn về “thân tộc hóa” tồn tại một cách bản năng (kể cả trong mơ!). Có thể xem thân tộc hóa như một hiện tượng chính trị có nguồn gốc từ trong bản năng xã hội của con người. Con người, khi có quyền lực trong tay, có khuynh hướng đưa thân nhân và những người có quan hệ mật thiết với họ vào nắm các vị trí quan trọng trong chính quyền.


Hiện tượng thân tộc hóa xuất hiện trong tất cả các xã hội và hệ thống chính trị khác nhau, được lặp đi lặp lại trong lịch sử; nay ước vọng thân tộc hóa cũng lặp đi lặp lại trong giấc mơ của Trọng Đạt, có thể xem nó như một dấu hiệu đặc trưng cho xuất phát điểm, nhu cầu và tham vọng của y?

7 – Tác nhân cho xu hướng thống nhất

Giấc mơ ấy, có bao nhiêu người biết?

Không rõ, chỉ biết rằng không dưới hai lần, các trưởng lão nhà Tư Mã đã nhắc đến “thiên hạ của Lã Bất Vi”, và “mơ mộng Lã Thị Xuân Thu”. Lại nói “Nhà ta, vẫn còn chân mệnh thiên tử”.

Lã Bất Vi có thể xem như lái buôn số một thiên hạ. Người khác buôn hàng hóa, ông ta buôn vua.

“Thời đại ấy, quyền lực là dùng tiền bạc bồi đắp lên”
“Mà uy danh, là dùng sinh mạng xây đắp thành”.

Ai cũng rõ Tư Mã Ý muốn “phò kẻ mạnh đoạt thiên hạ, sau đó soán ngôi". Vấn đề là y làm điều đó như thế nào?

Y làm rất khéo.

“Mua bán có giá, đánh giá của ta là dựa theo con mắt của thương nhân” 

Con mắt thương nhân của Tư Mã Ý vô cùng lanh lẹ:

- Dự báo được nhu cầu của thị trường, thu mua sạch sẽ nguồn nguyên vật liệu và vét cạn nhân công cho nhu cầu xây thành Lạc Dương, sau đó nâng giá.
- Đánh giá đúng đắn tiềm năng của thương vụ đầu tư vào Giang Đông.
- Chiến lược định giá theo cảm nhận của khách hàng cực kỳ chính xác: dùng giá gỗ tăng để nâng giá bán hạm thuyền đối với “khách hàng thường xuyên, vốn lớn” Viên Thuật, nhưng lại lấy giá ưu đãi cho “khách hàng lần đầu, vốn ngắn” Tôn gia.
- …

Con mắt chính trị thì sao?

Giết Hứa Lâm, trừ Đổng Trác, trợ giúp Trần Đăng ở Đàm Huyện, cứu Tào Tháo ở Bộc Dương, đầu tư vào Tôn gia để bình định Giang Đông, các hoạt động ấy đều dung hòa được lợi ích của gia tộc với cái đại thế của thiên hạ mà Ý muốn: giữ được sự cân bằng trong cán cân chính trị, quân sự, lãnh thổ; cho đến khi kẻ đủ sức thay đổi thời cuộc lộ diện hoàn toàn. Tư Mã Ý đã làm điều đó rất tốt, cho đến khi…


”Đêm ấy, nhà không còn là nhà, nước không còn là nước…”

Từ kẻ luôn đứng sau giật dây, bỗng phút chốc buộc phải lộ mặt. Những “nhân” do Tàn Binh gieo ngày trước, giờ đây kẻ “hung tàn” tên Hứa Định đã quay lại, gặt lấy “quả” đau thương… Để rồi, ngày hôm đó, con sói đã chày ra nước mắt...


« Nhiều năm sống lay lắt, ta cuối cùng đã tìm ra mục tiêu sống rồi ».

Có muộn quá không? Cái giá phải trả có đắt quá không? Cho cái mà Hỏa đã phải bức xúc gọi tên là « Đáng ghét, cái phương thức sinh tồn không có chí khí của Trọng Đạt! »?

Tất cả đã không còn quan trọng nữa…

Từ sau ngày hôm đó, người ta ít khi thấy được nụ cười như thế này nữa…


« Tứ thúc », người chú mà Ý vẫn hay trêu đùa, cũng đã chết, cũng như Quách Ngang, cũng như bao nhiêu anh em, quyến thuộc, gia nhân, thực khách, thủ hạ, lợi ích, vị thế, quan hệ… trong cái đêm biến loạn đó…

Gia tộc, điểm tựa từ ngày đầu của Trọng Đạt, đã bị giáng một đòn quá nặng nề…

Có phải đấy là hậu quả của sự dùng dằng không quyết, của sự tham lam rặt kiểu thương nhân, của những toan tính chiến lược « khéo quá hóa vụng », của sự tự tin thái quá, của sự không quyết đoán muốn trở thành « tác nhân » của thời cuộc một cách triệt để, để rồi trở thành « nạn nhân » một cách đáng tiếc?

Từ quan điểm cá nhân, người viết cho rằng « thảm sát nhà Tư Mã » là kết cục tất yếu của một mối tình vẹo vọ « thương nhân – chính quyền », khi cán cân quyền lực bị lầm tưởng rằng đang cân bằng, khi tương quan lợi ích và quyền lực được xây dựng không đồng đều, khi xã hội chưa đạt tới một mức độ « văn minh » nhất định, nên chưa thể có được những sự « hợp tác » tương tự như giữa vua dầu mỏ Rockefeller với giới chức chính quyền Mỹ những năm cuối thế kỷ 19, hay giữa giới lái súng (và gần đây là giới tài chính) với Nhà Trắng những năm của thế kỷ 20 này.

Thế nhưng, đây có phải là thời điểm thích hợp nhất để Hỏa Phụng trùng sinh? Để Tư Mã Trọng Đạt chính thức bước ra từ đống đổ nát của gia tộc, bước thẳng vào trung tâm quyền lực của thiên hạ, tạo dựng vây cánh, uy tín, binh lực và quyền lực cho bản thân, tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ ngày trước?

Mạnh Tử nói : « Kẻ được đạo thì nhiều người giúp, kẻ mất đạo thì ít người giúp ».

« Đạo » ở đây là gì? Phải chăng chính là cái « tất yếu » của thời đại? là nhu cầu chính trị thiết thực và cấp bách nhất lúc bấy giờ? là thống nhất? Và « kẻ được đạo » chính là kẻ nắm bắt được nhu cầu chính trị ấy, thay đổi chiến lược và tập trung nguồn lực để trở thành « tác nhân » tích cực cho nhu cầu ấy ?

Xác định lại mục tiêu, lạnh lùng hơn, quyết liệt hơn và triệt để hơn, có thể Tư Mã Ý cũng không nhận ra rằng, bước chuyển của bản thân sau biến cố diệt môn ngày đó, lại có ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc thống nhất toàn Trung Hoa sau này. Từ gia tộc, bước ra thiên hạ. Từ thao túng, điều khiển đến trực tiếp tạo dựng lực lượng để chờ thời cơ chiếm đoạt. Trận Xích Bích vẫn đang dang dở, nhưng người viết tin rằng, Trần Mưu sẽ để cho Trọng Đạt - bằng góc nhìn của một thương nhân, sẽ tiếp tục giữ một ảnh hưởng lớn đến thế cục tam phân, giúp duy trì sự cân bằng chân vạc, đồng thời với việc thống nhất cục bộ để tạo thành 3 mảnh ghép lớn nhất sau cùng.

« Đá có thể vỡ, nhưng sự cứng chắc không thể bị đoạt đi »
« Thuốc chu sa có thể mài, nhưng sắc đỏ không thể bị đoạt mất »

Phải chăng, lịch sử muốn người sống như thế?
Vậy thì, phải tiếp tục mà sống.
Sống ngoạn mục hơn! Sống rực rỡ hơn!

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

Các sai lầm có thể mắc phải khi đánh giá nhân viên

Các sai lầm có thể mắc phải khi đánh giá nhân viên:

Có nhiều sai lầm mà người đánh giá có thể mắc phải khi đánh giá nhân viên, vì vậy chúng ta cần hiểu để có thể hạn chế đến mức tối đa những sai lầm đó.
-Tiêu chuẩn đánh giá không rõ ràng: Điều này dẫn đến hậu quả đánh giá không chính xác về nhân viên. Sự mơ hồ về các tiêu thức đánh giá cũng như các quyết định có tính tùy tiện , ngẫu hứng của người đánh giá có thể đưa đến sự không thống nhất giữa các thành viên trong Hội đồng đánh giá , giữa Hội đồng và người bị đánh giá .
-Hiệu ứng tương phản: Xu hướng đánh giá một người nào đó bằng cách so sánh họ với những người khác hơn là so sánh với yêu cầu nhiệm vụ và so với hiệu quả tuyệt đối của người đó. Điều này dẫn đến sau một số người yếu kém, một người ở mức trung bình sẽ được nâng lên ở mức khá giỏi.
-Cảm tưởng ban đầu: Những ấn tượng từ ban đầu mà người bị đánh giá tạo nên sẽ có thể ảnh hưởng đến tình cảm người đánh giá và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá. An tượng có thể là thuận lợi và cũng có thể đem đến sự bất lợi cho người bị đánh giá . Và thông thường người đánh giá luôn tìm kiếm những yếu tố để khẳng định những nhận định ban đầu đó.
-Hiệu ứng Halo (hay còn gọi là hiệu ứng quầng): Từ một yếu tố duy nhất (hoặc chỉ vài yếu tố) , tốt hoặc xấu , người đánh giá có xu hướng phóng đại cho toàn bộ các yếu tố khác , coi như một tổng thể. Chẳng hạn khi nhận thấy nhân viên có những thành tích tốt trong thể thao thì nhà quản trị khi cảm tình sẽ đánh giá các yếu tố khác cũng như vậy.
-Lỗi thiên kiến: Lỗi do nhà quản trị luôn cảm tình với người bị đánh giá nên chỉ thấy các ưu điểm của họ, mọi nhược điểm đều được cho qua hoặc được coi là không đáng kể.
-Lỗi định kiến: Lỗi này thường xảy ra khi nhà lãnh đạo chịu ảnh hưởng những thành kiến không đúng nên cố gắn những thành kiến đó cho những người mà họ có đặc điểm tương tự. Ví dụ nhà lãnh đạo có thể định kiến với nhân viên về sự khác biệt có tính cá nhân như tuổi tác, quê quán, giới tính … Đôi khi sự các cảm cá nhân làm cho lãnh đạo quy kết hiện tượng vào bản chất . Ví dụ : ít nói cho là kiêu ngạo , thiếu hòa đồng ; ăn mặc diện là luời biếng … Lỗi thiên kiến hay định kiến như ông bà ta nói : “ Thương ai thương cả đường đi, ghét ai ghét cả tông ty họ hàng ” .
-Xu hướng trung bình chủ nghĩa: Xu hướng này cho rằng mọi nhân viên đều thuộc loại trung bình, không ai tốt cũng không ai kém. Cách đánh giá này đại diện cho những người không muốn chấp nhận rủi ro trong đánh giá. Họ ngại sử dụng những thái cực của thang điểm. Đây cũng là cách đánh gía đơn giản vànhàn hạ nhất. Điều đó dẫn đến cách đánh giá này không tạo ra sự phân biệt giữa các nhân viên và vì vậy không tạo được sự khuyến khích động viên nhân viên.
-Sự khoan dung: Là một dạng sai lầm xảy ra khi người đánh giá có khuynh hướng đánh giá mọi nhân viên đều tốt. Họ có khuynh hướng sử dụng mức đánh giá cao của thang điểm. Đánh giá quá cao thường là những người đại diện cho tư tưởng “dĩ hòa vi quý” muốn cho mọi người vui vẻ cả. Đó cũng là cách đánh giá của những người thích lấy lòng người khác qua việc đánh giá một cách thật dễ dãi.
-Xu hướng quá nghiêm khắc: Có những người khi đánh giá lại quá khắt khe, không bằng lòng với mọi ai. Họ cho rằng mọi nhân viên đều dưới mức trung bình. Người giám khảo trong trường hợp này thiên về việc sử dụng thái cực thấp của thang điểm. Qúa nghiêm khắc hay quá khoan dung đều được coi là sai lầm theo khuynh hướng cực đoan. Sai lầm này trái ngược với loại sai lầm theo xu hướng trung bình chủ nghĩa.Tất nhiên, chúng ta cần phải chú ý rằng tất cả nhân viên không phải là “tuyệt hảo” hay “bất tài”.
-Giống với người đánh giá: Đây là một phần của lỗi thiên kiến. Người đánh giá có xu hướng cho điểm cao đối với người giống ta. Ví dụ: cho điểm cao đối với những người cúng quê, cùng trường, yêu thích thể thao… Các sai lầm như vậy có thể bắt nguồn từ việc chúng ta đi xa dần những tiêu chí đánh giá.
-Sai lệch gần đây: Người đánh giá chỉ chú trọng những hành vi, thái độ của người bị đánh giá trong khoảng thời gian gần đây. Những thành công hay những thiếu sót trước đó thường được bỏ qua. Những người có những đóng góp trước đây sẽ cảm thấy sự bất công đến với họ và chắc chắn sự phản đối ở họ đối với hệ thống đánh giá hiệu quả.
Những sai lầm của đánh giá làm chúng ta khó phân biệt được đâu là người tài đâu là người bất tài, giữa người tốt và người xấu và như vậy sẽ không đạt được mục đích của đánh giá. Hệ thống đánh giá cố gắng đòi hỏi một sự khách quan trong đánh giá; đem đến sự công bằng không phân biệt và sự ủng hộ của tổ chức công đoàn cũng như toàn thể nhân viên.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra những nguyên nhân của thất bại trong đánh giá có thể là:
1. Thiếu thông tin
2. Các tiêu chuẩn để lượng hóa không rõ ràng
3. Không thực hiện việc đánh giá một cách cẩn thận
4. Không được chuẩn bị cho việc thảo luận kết quả với người lao động
5. Không khách quan trong quá trình đánh giá
6. Thiếu kỹ năng đánh giá
7. Người lao động không thường xuyên nhận được phản hồi
8. Thiếu các nguồn lực cần thiết
9. Việc thảo luận về phát triển nhân viên kém hiệu quả
10. Sử dụng ngôn ngữ khó hiểu, rắc rối.
Nguồn: Quantri.vn (Biên tập và hệ thống hóa)
 

Sống Không Làm Người Khác Buồn Khổ

Sống Không Làm Người Khác Buồn Khổ
Để sống một cuộc sống có ý nghĩa, con người luôn phải phấn đấu học hỏi, trau dồi và sửa sai suốt cả cuộc đời. Sự nhận thức dần dần được hình thành từ những hình ảnh thấy người khác buồn khổ, lo lắng và sợ hãi. Và cuối cùng đã hiểu được "Sống yêu thương là biết mang niềm vui và hạnh phúc đến cho người, lấy niềm vui và hạnh phúc đó làm niềm vui và hạnh phúc cho mình."
Từ đó mỗi người rút ra và đúc kết được những cách sống hay, những kinh nghiệm sống hữu ích cho chính mình, mọi người và muôn loài vạn vật. Vậy những kinh nghiệm và bài học nào đáng để chúng ta lưu ý học hỏi và ứng dụng vào đời sống thực tế. Xin mời các bạn cùng nghiên cứu.
1. Sống luôn thương yêu và tha thứ, bỏ qua mọi lỗi lầm, không nói cái sai, cái lỗi, cái xấu trước mặt lẫn sau lưng của bất kỳ ai.
2. Chỉ nhìn thấy lỗi mình, không đổ lỗi cho người khác.
3. Luôn giúp đỡ mọi người khi họ yêu cầu, nhờ vả hay mong đợi, không nên từ chối.
4. Sống là CHO đâu chỉ NHẬN riêng mình, CHO càng nhiều thì càng hạnh phúc. Không nên quá bủn xỉn keo kiệt và tham lam. Hãy mở rộng bàn tay ra chia sẻ tất cả.
5. Không nên làm cho người khác thất vọng.
6. Sống khiếm tốn, biết nhường nhịn không nên khoe sự tài giỏi của mình kẻo người khác ganh tỵ dẫn đến thù hận và hại nhau.
7. Sống nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng để cho mọi người cùng vui. Dù ai nói xấu mình, chê bai, chỉ trích, nói cái sai của mình, nhận xét đúng sai phải trái như thế nào, mình đều im lặng không cãi lại, không biện minh, không tìm cách đối phó chống trả thì đó gọi là nhẫn nhục. Sau khi nhẫn nhục được thì tùy thuận theo ý kiến, lời nói và hạnh động của họ để làm cho họ vui. Giả sử họ chê bai chỉ trích, nói xấu nói cái sai của mình thì mình cứ cám ơn họ đã góp ý tốt, giúp mình phản tỉnh lại. Nếu thấy mình sai thì nên xin lỗi ngay để họ bớt giận. Sau khi tùy thuận được thì mình bằng lòng vui vẻ không bực tức giận dự thì mọi việc sẽ trở nên tốt đẹp.
8. Biết tôn trọng quan niệm sống, cách sống, cách nhìn của người khác, không bắt buộc hay không mong muốn người khác sống theo quan niệm sống của mình. Không nhận xét, đánh giá quan niệm sống, cách sống hay cách nhìn của người khác.
9. Sống cung kính và tôn trọng người, luôn lễ độ không dùng những lời nói thô tục, xưng hô mày, tao, nó, thằng, …
10. Sống thành thật, chân thành, không dối gạt người, biết giữ chữ tín.
11. Làm ơn giúp đỡ người, không cần người khác biết ơn. Kẻo họ bị áp lực bởi sự mang ơn.
12. Không tạo ngụy tin tức, hình ảnh, vạch ra đời tư của người khác, nhất là những ký giả biến trắng thành đen, đen thành trắng,...
13. Không nên tạo chứng cớ giả gán tội hãm hại người khác.
14. Không lợi dụng người khác làm việc gì đó hại người lợi mình.
15. Không tham lam trộm cắp, lấy đồ của người không xin phép dù là vật nhỏ như cây kim hoặc là chỉ cầm lên xem.
16. Không nên đem đồ vật trộm cắp, đồ vật phi nghĩa không trong sạch tặng cho người khác.
17. Không nên nhận những thứ mà người khác dùng mồ hôi, nước mắt, thời gian, công sức, trí tuệ đánh đổi.
18. Nhặt được tiền vật bị đánh rơi thì tìm cách đem trả lại cho thân chủ.
19. Có vật gì quý hiếm, lạ thì không nên khoe khoang, kẻo tạo lòng tham ở mọi người.
20. Đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, mọi dân tộc màu da, nông thôn hay thành thị, nghèo hay giàu, sang hay hèn, đồng tôn giáo hay khác tôn giáo, có học thức hay thiếu học thức, chủ hay tớ, nam hay nữ…
21. Không la mắng, nói lớn tiếng, quát mắng, trách mắng, phạt bất kỳ ai dù là trẻ con, người giúp việc hay người dưới quyền. Dù ai làm sai chỉ nên dùng lời nói ôn tồn nhã nhặn dịu dàng nhẹ nhàng để nói chuyện, khuyên bảo.
22. Nên động viên, khuyến khích người khác hơn là nói người khác không có khả năng, không có năng khiếu làm việc này việc nọ.
23. Quá hy vọng, mong đợi người khác thành tài, đỗ đạt, thành đạt công danh, lợi lộc, tình cảm và những điều khác trong cuộc sống sẽ tạo áp lực lớn ảnh hưởng đến sự thăng bằng tâm lý của người khác.
24. Không nên phụ lòng sự mong đợi của người khác.
25. Khi được thăng chức phát tài thì không nên chà đạp người khác, không nên quên ơn những người đã từng giúp đỡ mình, vẫn nên tôn trọng mọi người, luôn khiêm tốn và nhẫn nhục.
26. Dù cho ai có xấu xí, hôi thúi, quái dị đến đâu cũng không nên nói hoặc để lộ một chút kinh ngạc nào.
27. Trước khi nói hay làm việc gì nên suy nghĩ trước lời nói đó, hành động đó có đem đến làm khổ mình và người hay không. Nếu có thì chớ nên nói và hành động.
28. Trước khi nói hay làm việc gì nên nghĩ đến cảm nhận của người, không nên quá ích kỹ, quá phô trương cái tôi mà làm khổ người.
29. Không nên đổ oan cho người khác khi chưa có bằng chứng chứng minh. Mọi sự tình ở đời này đều do hiểu lầm mà ra, trước khi nói, phải suy nghĩ kỹ và phải có bằng chứng.
30. Không nên nói những lời nói châm biếm, nói móc, lời nói làm người khác tức giận, lấy sự tức giận đó làm thú vui cho mình.
31. Không nên vì che đậy tội lỗi của mình, nói dối, vu oan, đổ oan cho người khác.
32. Không nói những lời nói, câu chuyện làm cho người khác lo lắng, sợ hãi như chuyện ma, chuyện cướp của giết người, chuyện liên quan đến tiền bạc tài chánh eo hẹp, chuyện vỡ nợ, chuyện thất bại trong làm ăn, chuyện xích mích với người khác, chuyện tranh giành danh lợi trong xã hội, cơ quan hay tổ chức nào đó,...
33. Không nên chê bai những khiếm khuyết tật nguyền của người khác như hôi nách, mù, mắt lé, lùn, cà thọt, răng hô, miệng rộng, ...
34. Khi thấy bất kỳ chuyện gì chướng mắt thì tự mình làm lấy, không nên chê bai hoặc nhắc nhở với người khác, kẻo làm người ta tự ái,...Ví dụ: khi thấy nhà dơ, cửa sổ kính đầy bụi thì tự lấy chổi quét, lấy khăn lau sạch.
35. Biết giữ im lặng. Có những việc giữ trong lòng còn tốt hơn là nói ra, bởi vì ta hiểu rằng khi nói ra sẽ đụng chạm đến lòng tự ai, sự tôn nghiêm và danh dự của người khác.
36. Không nhát ma, hù dọa làm cho người khác giật mình sẽ dẫn đến các bệnh đau tim.
37. Không nói những điều nghi ngờ xa gần.
38. Không nên nghi ngờ người khác là người xấu, người ác, người tham lam, người dối trá,... Ngược lại nên tin tưởng mọi người là người tốt, người thiện. Khi chúng ta nghi ngờ ai là lúc chúng ta đã đánh mất lòng yêu thương.
39. Không để cho người khác lo lắng về bất kỳ chuyện gì trong gia đình. Đừng để ai nhắc làm việc gì đến lần thứ hai. Ví dụ: ai nhờ sửa ống nước, bàn ghế, dọn dẹp phòng thì nên làm ngay, hoặc khi mình thấy cần sửa hay dọn dẹp cái gì trong nhà là tự mình làm ngay, đừng nhờ vả ai, đừng ra lệnh cho ai, dù là mình có vai vế lớn trong gia đình.
40. Chỉ nhìn thấy lỗi mình, không nhìn lỗi người, nếu người ta đúng thì họ sẽ bị tự ái, nếu họ sai thì họ sẽ giận dữ và dẫn đến nhiều chuyện tệ hại khác. Người biết nhìn lỗi mình là người có tri kiến nhân quả.
41. Không tài lanh dạy đời, nói lên sự hiểu biết, kinh nghiệm hay khuyên bảo người khác. Bất kỳ ai cũng có tự ái, do vậy hãy cẩn thận vì dạy đời khuyên bảo người khác sẽ làm cho lòng tự tôn của họ bị đụng chạm.
42. Không bình luận, nhận xét đúng sai phải trái về tôn giáo, chính trị của bất kỳ ai.
43. Luôn giữ lời hứa, không hứa lèo.
44. Không nói những lời nói ly gián, chia rẻ bất kỳ ai.
45. Không nên xuyên tạc, nói chuyện không có, hoặc chuyện có thì nói không.
46. Không nên nói những lời nói hung dữ, lớn tiếng, quát mắng, chê bai, chỉ trích ai.
47. Ăn nói tế nhị. Ví dụ: khi ăn món ăn của người khác nấu, không nên nói món ăn này nhạt quá, mặn quá, ngọt quá, hoặc nói vật này xấu, vật này màu xấu, vật này củ, đồ này là đồ rẻ tiền,...
48. Không nên nói những lời nói quá khích động làm người khác buồn, biết khéo nói sẽ làm người khác không bị tổn thương. Ví dụ: Thay vì nói "người khác ngu khờ điên dại, ngu như con bò", nên nói là "người đó không được sáng suốt minh mẫn, không được thông minh lắm".
49. Khen một người tài giỏi, thông minh,... trước mặt người khác sẽ có thể làm hại chính họ. Họ sẽ tự mãn, tự cao hoặc sẽ bị người khác ghen tức, ganh tỵ,...
50. Không nên lấy ai ra làm đề tài để nói chuyện cười đùa hay giểu cợt. Không nên cười trên sự đau khổ hay sự thất bại của người khác.Khi nói chuyện không nên bắt bí người khác, dồn người khác vào ngã cụt. Không nhắc đến những quá khứ và chuyện đau buồn của người khác.
51. Khi bị bệnh đau không rên la, không lộ vẻ sợ hãi lo lắng. Càng rên la, sợ hãi lo lắng thì càng làm cho người xung quanh lo lắng thêm. Hãy nhắc tâm: "Tâm phải bất động trước mọi bệnh tật. Bệnh tật là vô thường, đến rồi đi, không việc gì phải lo lắng và sợ hãi cả."
52. Đi đâu ra khỏi nhà cũng nên báo trước cho ai đó biết để mọi người không lo lắng cho mình, khi về trể cũng nên gọi điện về báo. Không nên đi về quá khuya, ra nhà quá sớm.
53. Không mượn tiền, xin tiền của bất kỳ ai.
54. Sống chung thủy trước mặt lẫn sau lưng, không lăng nhăng bắt cá 2 tay. Sống không chung thủy sẽ phá hoại gia đình mình và gia đình người khác.
55. Không nên lường gạt tình cảm của người khác. Tình yêu làm cho con người mù quáng, khi bị phụ tình, nhiều người không sáng suốt có thiên hướng tự tử hoặc làm những chuyện bất thường.
56. Không nên vì danh lợi, chạy theo tình mới, phụ tình cũ, phản bội người khác.
57. Không nên đùa giỡn với tình yêu.
58. Không nên trở thành kẻ thứ ba phá hoại tình cảm của hai người khác.
59. Không nên lợi dụng quan hệ tình cảm để làm giàu, gây dựng danh tiếng, địa vị,...
60. Không nên khen con gái khác trước mặt bạn gái mình, hoặc ngược lại.
61. Trước khi sinh con nên có kế hoạch hoặc suy nghĩ kỹ sẽ cho con mình hạnh phúc như thế nào.
62. Sống chung với người buồn rầu, ủ rũ, tiêu cực suốt ngày sẽ làm cho người khác chán ghét. Do vậy hãy luôn sống tích cực, vui vẻ, chấp nhận và sẵn sàng đối diện với hiện thực để vượt qua.
63. Không nên bỏ rơi bạn bè lúc khó khăn.
64. Ủng hộ, giúp đỡ bạn bè thì ủng hộ, giúp đỡ, tin tưởng đến cùng. Không nản lòng, bỏ rơi bạn bè khi chưa đến phút cuối.
65. Làm sai, có lỗi thì xin lỗi ngay và sửa sai.
66. Không nên tự ý dời đồ của người khác hay cất đi chổ khác trừ khi đã hỏi trước.
67. Không nên giết người, đánh người, chém, đâm, đầu độc hoặc làm hại người khác.
68. Không nên bắt cóc, tống tiền,...
69. Không nên rượu chè, hút chích nghiện ngập các chất kích thích.
70. Không nên chơi cờ bạc, cá độ, chơi đề, chơi cổ phiếu, mua vé số.
71. Biết người khác không thích mình thì nên tránh mặt.
72. Không nên quá quan tâm, quản lý hoặc kiểm tra người khác, vì họ sẽ cảm thấy mất tự do.
73. Luôn tôn trọng mọi quyết định của người khác, dù là họ đang dấu ta điều gì, không nên moi móc tìm hiểu. Mỗi người có nổi khổ riêng, có mối lo riêng, có đời sống riêng. Dù là vợ chồng, cũng nên tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người, không nên lúc nào củng phải quản lý, nghi ngờ. Ngược lại phải luôn tin tưởng nhau tuyệt đối rằng người kia có lý do và nguyên nhân để làm những việc gì đó mà họ không muốn chia sẻ với ta.
74. Giải quyết mọi vấn đề trước tiên phải tránh những cảm giác chủ quan, cảm tình hay thành kiến, phải đặt mình vào vị trí khách quan và công bằng.
75. Tình yêu không phải là sự chiếm hữu hay ai là của ai. Mỗi người vẫn có cuộc sống riêng và sự tự do của mình. Không nên nghĩ rằng vợ là của mình, chồng là của mình. Hãy luôn tự do tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người, tôn trọng sở thích riêng, lối sinh hoạt riêng, những chuyện thầm kính bí mật riêng của mỗi người.
76. Không nên tìm cách trả thù xưa hoặc ghen tuông như tạt axit, rạch mặt,...
77. Chớ nên hiểu lầm tình bạn thành tình yêu, không phải ai đối xử tốt với mình là có ý tình cảm với mình đâu! Sự hiểu lầm có thể dẫn đến tình bạn xứt mẻ.
78. Chớ nên lừa gạt tình cảm, cảm tình của người khác.
79. Biết tạo cảm giác an toàn cho tất cả mọi người. Ví dụ như người thân con cháu, bà con, hàng xóm, bạn bè, người làm công, cho nhân viên,...của mình bằng những đức hạnh: thương yêu, tha thứ, thành thật, chung thủy, chung tình, dũng cảm, khiêm nhường, nhường nhịn, bền chí, kiên trì,.... Quá chú ý đến họ, nghi ngờ, suốt ngày vạch lá tìm sâu sẽ làm cho người khác có cảm giác bất an, tâm lý bị mất cân bằng, luôn lo sợ và tìm cách tránh xa mình,...
80. Đối xử với con cái như là đối xử với bạn bè. Không nên la mắng đánh đập hay phạt con mà ngược lại luôn thương yêu và tha thứ cho con. Tôn trọng cuộc sống riêng của con. Dùng lời nói ôn tồn, nhã nhặn và dịu dàng nói chuyện với con, không nên quát hay lớn tiếng với con mình.
81. Không nên sắp xếp, ép buộc hay áp đặt cuộc đời cho con mình, hãy luôn tôn trọng sở thích và quyền quyết định của con. Là cha mẹ chỉ nên gợi ý, còn quyết định theo hay không thì tùy theo ý của con cái.
82. Hạnh phúc không phải chỉ là lo cho con cái no đủ, có quần áo để mặc, có nhà để ở là đủ, hạnh phúc là phải xem lòng của con cái, nhìn thấy con có vui hay là không.
83. Cha mẹ đối xử nhợt nhạt hoặc thường chê bai con rể hoặc con dâu sẽ làm cho tình cảm của vợ chồng con mình bị xứt mẻ. Cách đối xử của cha mẹ rất quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc của con cái mình.
84. Cha mẹ không nên dạy cho con cái những việc làm bất nghĩa, hại người và những điều vô đạo đức.
85. Tiền bạc không phải là thứ quan trọng nhất mang hạnh phúc đến cho con cái. Cái quan trọng nhất là có thể giúp cho con cái hạnh phúc chính là đạo đức, đức hạnh. Thiếu đạo đức đức hạnh tiền bạc cũng chỉ là cỏ rác và làm hại con cái. Do vậy, cha mẹ ngoài chuyện kiếm tiền, nên rèn luyện trau dồi đạo đức đức hạnh cho con cái từ lúc còn nhỏ, biết sống thương yêu, tha thứ, tôn trọng, kính trọng mọi người, chia sẻ bố thí, giúp đỡ, tiết kiệm, thành thật,...
86. Cha mẹ không nên mê tín (xem tuổi vợ chồng,...) phá hoại hạnh phúc tương lai của con cái mình.
87. Cha mẹ không nên chiều chuộng con cái quá sẽ làm cho chúng hư. Hãy tạo cơ hội cho con cái thử thách để biết khả năng của chúng, hiểu đời và trưởng thành hơn.
88. Cha mẹ, thầy cô, người lớn, ông chủ không nên trách mắng, đuổi con cái, người dưới quyền, người ở, học trò ra khỏi nhà, trường, công sở,...Vì như vậy chỉ làm hại họ, khiến họ mất đi niềm tin, có thể trở thành kẻ bụi đời, xin ăn, tự tử hoặc tham gia vào các băng đảng xã hội đen, cướp của, giết người,...
89. Là con cái, nên hiếu thảo với cha mẹ. Khi giàu có chớ khinh thường cha mẹ nghèo. Dù cha mẹ có lỗi gì thì con cái không nên giận, chỉ có luôn mở rộng vòng tay ra thương yêu và tha thứ.
90. Dù cho cha mẹ có cằn nhằn điều gì, con cái cũng không nên lớn tiếng cãi lại hoặc biện minh rồi bỏ nhà ra đi. Nên áp dụng 3 đức nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng.
91. Con cái không nên vì giận mà bỏ cha mẹ ở lại một mình đi nơi khác sống.
92. Khi cha mẹ về già, cần có con cái bên cạnh, ở xa thì nên về thăm hoặc gọi điện thoại về hỏi thăm.
93. Không nên để cho người khác chờ đợi, nhớ nhung, thương nhớ,...
94. Lái xe luôn cẩn thận, giữ gìn trật tự luật lệ an toàn giao thông.
95. Ra hay vào nhà đều khóa cửa cẩn thận.
96. Trước khi đi ngủ kiểm tra cửa nẻo có khóa chưa.
97. Không nên kết bạn xấu. Không tham gia vào những băng đảng xã hội đen, không lui tới những nơi có những băng nhóm xã hội đen tụ tập như quán bar, dancing, quán nhậu, quán karaoke, caffee ôm, bia ôm, massage,...
98. Khi thấy ai làm sai cái gì hay bị thất bại thì chớ nên đổ thêm dầu vào lửa, châm chích, mỉa mai, nói rằng họ không nghe lời mình khuyên,...Chỉ nên an ủi họ "Lấy cái sai, sự thất bại này làm bài học" hoặc "Biết đâu trong cái rủi có cái mai", hoặc "Đừng thất vọng, hãy bình tĩnh lại",...
99. Nếu biết được kế hoạch hại ai của bất kỳ ai dù là người thân, bạn bè thì cũng không nên tham gia vào. Nên tìm cách âm thầm khéo léo ngăn cản hoặc báo cho người bị hại biết trước hoặc giúp đỡ bảo vệ họ (tránh lộ mặt càng tốt)
100. Nếu đã cho người khác mượn tiền thì phải tính trước khả năng người ấy không có tiền để trả hoặc trả chậm. Do vậy khi thấy họ trả chậm thì nên an ủi trấn an họ để họ yên tâm. Ví dụ như "Nếu bị kẹt tiền chưa có thì từ từ cũng được, tụi tôi vẫn chưa cần đến số tiền đó"
101. Không nên kiện tụng ra tòa, cố gắng tự thu xếp ổn thỏa đôi bên. Không nên làm nhân chứng sai, nghi oan cho người khác. Đôi khi những gì mình thấy, mình nghe chưa chắc là sự thật. Con người thường bị chính ngũ quan của mình lừa chính mình mà không biết, do vậy, càng không nên nhận xét, phán đoán, đưa ra kết luận bừa bãi. Kết tội người phải có bằng chứng cụ thể.
102. Dù là ai có phạm tội tài trời, cũng không nên tự ý trả thù riêng hoặc thế thiên hành đạo, nên giao cho chính quyền để pháp luật trừng trị.
103. Không nên lôi kéo người khác vào những thù hận của mình. Khiến người khác cũng trở nên sân hận và tìm cách trả thù cho mình.
104. Không nên nhờ người khác trả thù cho mình.
105. Không nên mướn xã hội đen đòi nợ dùm mình và cũng không nên dính đến xã hội đen.
106. Nếu có hẹn thì nên đến sớm hơn hoặc đúng giờ. Không nên để mọi người chờ đợi mình, nếu không đến đúng giờ thì nên báo trước.
107. Nếu được hẹn, người khác đến trễ hơn thì không nên giận, vẫn vui vẻ và trả lời rằng mình có dư nhiều thời gian, được ngồi yên tĩnh một mình cũng là một cái thú, giúp đầu óc được nghỉ ngơi thanh thản.
108. Dù ở hoàn cảnh nào cũng không nên làm cho người khác sân giận, lo lắng, buồn phiền và sợ hãi.
109. Đừng tạo cơ hội cho người khác phạm pháp. Ví dụ như không nên để xe nơi công cộng mà không khóa, ra vào nhà không khóa cửa, đeo dây chuyền, bông tai, hoặc đồ trang sức quý giá ra ngoài đường, giữ số tiền lớn trong mình ra ngoài phố,...
110. Đừng làm điều gì trái ý người khác.
111. Khi nói chuyện nên nắm được ý của người khác muốn gì để không nói trái ý người.
112. Không nên bác bỏ ý kiến, lời nói của người khác.
113. Không nên nói lên quan điểm của mình khi biết quan điểm đó khác với ý của người khác.
114. Không nên ích kỷ chỉ biết những gì mình thích, muốn người khác làm theo ý mình mà quên đi cảm nhận của người khác.
115. Buôn bán không nên cân non, cắt xén, bán hàng không chất lượng, có độc tố hóa học hoặc hàng giả.
116. Tự do cạnh tranh công bằng trên thương trường kinh doanh buôn bán, không nên dùng thủ đoạn gian trá hãm hại nhau.
117. Ở đâu có quyền hành, ở đó có đau khổ. Dù là gia đình, trường lớp, tập thể, cơ quan, công ty, chính phủ, trong đất nước...không nên ra lệnh, áp đặt, đàn áp, ép buộc, bắt nạt, xử phạt, đánh đập, la mắng, bắt buộc, ... người khác làm việc theo ý mình. Chức vị chỉ đi đôi với bổn phận, trách nhiệm và kỹ năng quản lý, lãnh đạo chứ không phải đi đôi với quyền hành.
118. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn nhà cửa, nơi ngủ và nơi làm việc ngăn nắp.
119. Không nên trốn học, bỏ học, kết bạn xấu để gia đình và người thân lo lắng.
120. Không nên sử dụng kiến thức, sự hiểu biết để phá hoại, ví dụ như những hackers cài virus vào mạng internet, gửi thư rác.
121. Đừng bao giờ nghĩ đến chuyện tự tử. Hãy mạnh dạn đối diện với thực tế và vượt qua.
122. Không tranh chấp tài sản tiền bạc thừa kế với bất kỳ ai (anh chị em,...). Sự tranh chấp chỉ làm cho mất tình cảm giữa những người trong gia đình, con người trở nên độc ác hơn và kẻ bị hại có khả năng không còn mạng để sống. Nếu mình được thừa kế nhiều hơn, thì cùng bàn thảo lại với người trong gia đình để chia đều lại, giúp cho mọi người cùng vui vẻ.
123. Khi nghe ai đó nói chuyện về người thứ ba, không nên chỉ tin một chiều. Sự vội vã tin vào những gì người khác nhận xét hay đánh giá sẽ đem đến những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy nên tìm hiểu kỹ thêm từ nhiều ý kiến khách quan khác.
124. Không nên cố gắng tìm hiểu những lời nói, việc làm của người khác trong quá khứ. Hãy luôn tin rằng họ có đầy đủ lý do chính đáng để nói và làm việc đó vào thời điểm đó.
125. Không nên có định kiến xấu về những người đã phạm tội, người đồng tính luyến ai bởi vì chính thành kiến đó có thể làm tổn thương đến họ.
126. Sự cư xử vô tình đối với người không thiện cảm, kẻ phạm tội, đôi khi sẽ gây cho họ tâm lý rằng họ bị cô lập với xung quanh. Từ đó sẽ nảy sinh những hậu quả nghiêm trọng. Do vậy dù là ai, người tốt hay xấu, người có thiện cảm hay không thiện cảm, chúng ta hãy luôn tôn trọng họ. Đối xử bình đẳng, thương yêu, dịu dàng, quan tâm và luôn nhìn họ với ánh mắt đầy thiện cảm.
127. Đừng bao giờ dồn người khác vào đường cùng. Ngược lại khi thấy ai rơi vào đường cùng thì nên ra tay giúp đỡ ngay.
128. Không nên hấp tấp, vội vã, luôn từ tốn khoan thai và bình tĩnh.
129. Sống nên biết đủ, nghèo chớ tham giàu, chớ sài sang, tiêu xài hoang phí.
130. Không nên tranh công với người khác.
131. Không nên mê tín, tin vào bói toán, tử vi, xem tướng; tin vào thần thánh, ma quỷ, thần linh, cầu cơ, cầu an, cầu siêu. Không nên đem những điều mê tín đó truyền bá vào lòng người khác.
132. Tôn trọng tôn giáo của mỗi người, không nên ép buộc hay dụ dỗ, hăm dọa ai theo tôn giáo của mình. Nên để họ chọn lựa và tự nguyện.
133. Lòng yêu thương của người thường thể hiện qua những hành động như cho tặng quà, lời khuyên, nhường nhịn, khuyên giải, góp ý, chia sẻ thông tin, quan tâm, hỏi thăm... Do vậy chớ làm mất lòng người.
134. Khi thấy ai bị bệnh thì hãy để người đó có thời gian và không gian nghỉ dưỡng, không nên nhờ họ làm bất kỳ việc gì cho mình, dù là một viêc nhỏ. Ví dụ như nhờ họ chở đi đây đi đó, hoặc mua đồ này đồ nọ,...
135. Không nên đánh giá giá trị của món quà, mà hãy cảm nhận được lòng yêu thương của mọi người với nhau. Đánh giá hoặc nhận xét giá trị của món quà chỉ làm cho tình cảm bị rạn nứt và sứt mẻ thêm.
136. Không nên phụ lòng tốt của người khác. VD: nhà mình có trồng cây nha đam, ông hàng xóm nói cây nha đam của ông trồng mới là cây có thể chữa bệnh và tốt cho tóc, ... lấy mà trồng. Ta nên nhận về trồng kẻo ông buồn.
137. Làm bất cứ nghề nào cũng phải có trách nhiệm, thiếu trách nhiệm sẽ dẫn đến tai nạn, chết người,...Ví dụ: làm bác sĩ không cẩn thận khám bệnh cho thuốc sai, mổ để quên dụng cụ trong thân thể người bệnh, thợ cơ khí sau khi ráp máy thấy dư ra một con ốc, vẫn bỏ qua, thợ điện để dây chạm mạch dẫn đến người dùng bị dựt và máy bị cháy, nông dân thì dùng thuốc sát trùng, phân urê làm cho trái cây chín hoặc xịt thuốc trừ sâu nhiều quá,...
138. Không nên để đồng tiền làm mờ mắt, vì đồng tiền con người có thể trở nên mất nhân tính. Ví dụ: làm gạo giả bằng nhựa, sản xuất sữa cho trẻ em có chất melamine, đồ chơi cho trẻ em có chất chì, xây dựng thì dùng vật liệu không đúng chất lượng,...
139. Không nên đánh, đá, bắt, cướp, làm thịt, hoặc bán những con thú nuôi thương yêu của người khác. Ví dụ như chó, mèo, chim, cá, gà, vịt, bò, heo, trâu,...
140. Không nên tổ chức đánh cờ bạc, cá độ, chơi đề, hốt hụi, đánh bi da, và các trò chơi cá độ trong nhà, bởi vì những trò đó sẽ ảnh hưởng đến con cháu của mình, khi chúng lớn lên chúng sẽ bị nhiễm những thói quen xấu thích chơi những trò đó. Khi không có tiền chúng sẽ tìm cách ăn cắp, trộm cướp và giết người,...
141. Không nên biến người khác thành con cờ, công cụ hoặc trò chơi của mình.
142. Không nên vì lợi ích, ích kỷ cá nhân, muốn đạt được mục đích của mình mà phải hy sinh tính mạng của người hoặc phá hoại hạnh phúc của người khác.
143. Không nên ép người khác thề độc.
144. Đừng dùng quyền hành bắt buộc người khác làm việc ác, hãm hại người, gian trá lừa gạt người.
145. Không nên ép người khác nói ra những gì họ không muốn nói hoặc đã hứa giữ bí mật với người khác, biết đâu họ có nổi khổ của họ.
146. Sự ngu muội, vô tư, không dũng, vô mưu, háo thắng, liều lĩnh, không lượng sức của tuổi trẻ thường làm nhiều việc dẫn đến hại mình, hại người. Do vậy hãy tự biết khả năng của bản thân, luôn cẩn thận, học hỏi, khiêm tốn và biết lắng nghe người lớn. Ngược lại, người lớn tuổi nên thông cảm cho tuổi trẻ, bỏ qua và tha thứ, từ từ uống nắn, giải thích lợi hại cho những người trẻ tuổi, chớ nên vì những sai lầm của họ mà trách mắng, phạt, đuổi họ.
Tóm lại, còn rất nhiều bài học hay cần được góp ý và học hỏi. Người sống biết yêu thương là người sống không làm khổ mình, khổ người và khổ các loài vật khác. Mặc dù trong cuộc đời ai ai cũng có lúc hoặc cố ý hoặc vô ý đã tự làm khổ mình, làm khổ người và làm khổ các loài vật khác, chỉ cần chúng ta biết rút ra kinh nghiệm trên lỗi lầm của mình và sửa sai thì đó là một điều đáng mừng và trân quý. Kính chúc các bạn, gia đình và toàn xã hội sẽ luôn tràn đầy niềm vui và hạnh phúc, luôn sống biết yêu thương để mang lại niềm vui và hạnh phúc cho mình, mọi người và muôn loài vạn vật khác.