Thứ Sáu, 4 tháng 9, 2015

Hồ Chí Minh dụng binh pháp Tôn Tử và Tam thập lục kế

Hồ Chí Minh dụng binh pháp Tôn Tử và Tam thập lục kế
Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế (36 kế) là những tác phẩm binh thư cổ có giá trị nhất của Trung Quốc, xuất hiện từ thời xuân Thu và truyền đời mãi mãi. Tôn Tử được suy tôn là “Thuỷ tổ binh học phương Đông”, “Thuỷ tổ binh học thế giới”… Trước tác chính của Tôn Tử binh pháp là bộ binh pháp 13 thiên (Thuỷ kế, Tác chiến, Mưu công, Quân hình, Binh thế, Hư thực, Quân tranh, Cửu biến, Hành quân, Địa hình, Cửu địa, Hoả công và Dụng gián). Được viết bằng cổ văn tiền Tần, với hơn 5.900 chữ.
Tam thập lục kế xuất hiện sớm nhất trong các câu chuyện thời Xuân Thu, Chiến Quốc. Về sau, nhiều đời, nhiều người đã ghi chép, biên soạn, hiệu đính. Hai cuốn sách đó tập hợp lại thành mưu kế trí tuệ của nhân dân Trung Quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, trong suốt cuộc đời đấu tranh cách mạng, giành độc lập tự do cho tổ quốc đã vận dụng Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao và nhất là quân sự, giành những thắng lợi quan trọng, đúng với điều mà binh pháp Tôn Tử đã nói: “Không đánh mà khuất phục đối phương mới là người giỏi trong những người giỏi vậy”.
Để có tài liệu giảng dạy trong các lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cách mạng trong những năm ở Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng (1941 - 1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng biên soạn nhiều tài liệu quân sự như: Chiến thuật du kích (Việt Minh xuất bản tháng 5 - 1944); Kinh nghiệm du kích Tàu, Kinh nghiệm du kích Nga, Phép dùng binh của ông Tôn Tử (Việt Minh xuất bản tháng 2 - 1945)... Không chỉ biên soạn tài liệu mà chủ tịch Hồ Chí Minh còn trực tiếp hướng dẫn, giảng dạy, chỉ đạo trên thực địa (như đã từng trực tiếp hướng dẫn trong lớp huấn luyện Đội Du kích Pác Bó, cuối năm 1941).
Đọc các bài hồi ký cách mạng của những đồng chí đã từng làm việc lâu năm với Bác Hồ trong những tháng ngày Cháo bẹ, rau măng cực kỳ gian khó ta dễ dàng nhận ra tinh thần lạc quan, kiên trì, bền bỉ trong đấu tranh cách mạng và nhất là sự mưu trí, sáng tạo trong việc chỉ đạo cách mạng của Bác Hồ - Những mưu kế được vận dụng là những sáng tạo tuyệt vời những kiến thức trong Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế, đem lại những kết quả bất ngờ (và thú vị). Tuy nhiên không phải thắng lợi nào, mưu kế nào cũng quy cả về Tôn Tử binh pháp và Tam thập lục kế mà những Câu chuyện được trình bày trong bài viết này chỉ là sự liên tưởng, một sự so sánh trong phạm vi hẹp để có những nhận xét bước đầu về tầm chỉ đạo chiến lược, chiến thuật của chủ tịch Hồ Chí Minh trong đấu tranh cách mạng.
Xin kể đôi điều về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một số kế sách trong Tam thập lục kế.
1. Phản khách vi chủ (biến khách thành chủ)
Nội dung của kế sách này là: Thừa cơ hội chen chân vào, nắm lấy chủ quyền, tiến dần dần. Tranh địa vị chủ động là một nguyên tắc tối cao của đấu tranh. Chủ động có thể khống chế đại cục, bị động luôn bị người khác sai khiến. Trong võ thuật có thuật “Cầm nã” và “Phản cầm nã” chính là tranh đoạt thế chủ khách, tranh thủ quyền khống chế chiếm thượng phong, thay đổi hoàn cảnh theo ý chí của mình.
Trong lịch sử Trung Quốc, Lý Uyên thừa cơ khởi nghĩa nông dân, lập ra nhà Đường. Lưu Bang dùng phương châm nhẫn nhịn, đợi thời cơ tiêu diệt Hạng vũ lập nên nhà Hán... đều đã dùng kế sách phản khách vi chủ để giành thắng lợi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng kế phản khách vi chủ trong trường hợp nào?
Trương Bội Công là người Việt, trước làm quan cho Tưởng, đã về hưu. Trương Phát Khuê - Tư lệnh đệ tứ chiến khu đưa Trương Bội Công ra thành lập một tổ chức tập hợp một số thanh niên Việt Nam ở Trung Quốc và những người Trung Quốc ở lâu năm tại Việt Nam để chuẩn bị cho “Hoa quân nhập Việt” nhưng chưa thành lập được thì đã bị điều về Tĩnh Tây lập ra Việt Nam giải phóng uỷ viên hội và “Đội công tác biên khu Trung Việt”, được sự ủng hộ mọi mặt của Quốc dân Đảng Trung Quốc. Dưới sức ép của Trương Phát Khuê yêu cầu hợp nhất Việt Nam độc lập đồng minh hội với Việt Nam giải phóng uỷ viên hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định hợp tác với Trương Bội Công ở Tĩnh Tây để kiềm chế hoạt động phản cách mạng và lợi dụng mối quan hệ giữa ông ta với Quốc dân Đảng Trung Quốc để thuận lợi hơn trong hoạt động công khai ở vùng biên giới Trung Việt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp lên Tĩnh Tây “bàn kế hoạch” với Trương Bội Công để lập ra “Hội giải phóng dân tộc Việt Nam”. Cuối năm 1940 hội đã thành lập ở Tĩnh Tây. Về danh nghĩa Trương Bội Công là người lãnh đạo cao nhất của hội này, nghĩa là Trương Bội Công là Chủ còn ta chỉ là Khách nhưng khi ta đã nhập hội với Trương Bội Công ta tiến hành phân hoá hàng ngũ của chúng, lôi kéo một số thanh niên yêu nước về với hàng ngũ cách mạng, lấy danh nghĩa “Đội công tác biên khu Trung Việt” để mở lớp huấn luyện cán bộ, được quốc dân Đảng Trung Quốc cấp kinh phí. Trên danh nghĩa những hoạt động này do Trương Bội Công chỉ đạo nhưng trên thực tế lại do những người cộng sản chi phối. Với việc làm này ta đã biến khách thành chủ, chủ động, khống chế mọi hành động của Hội giải phóng dân tộc Việt Nam, có lợi cho cách mạng Việt Nam.
Kế sách phản khách vi chủ còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng một cách linh hoạt, giành thắng lợi to lớn ở Liễu Châu năm 1944.
Tháng 10 - 1942 một tổ chức có tên là Việt Nam cách mạng đồng minh hội được Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu đứng ra thành lập, gồm một số nhân sĩ các đảng phái người Việt hoạt động ở Liễu Châu, người đứng đầu Ban Chấp hành là Nguyễn Hải Thần. (Nguyễn Hải Thần tên thật là Vũ Hải Thu, năm 1905 theo cụ Phan Bội Châu sang Trung Quốc, đã theo học các trường võ bị Hoàng Phố, Hồ Nam, Thiều Quan, vốn là thanh niên Việt Nam Quang phục hội sau là đảng viên Đại Việt, tham gia quân đội Quốc dân Đảng được cử làm liên trưởng, kiêm tri huyện. Được bọn Tưởng tin dùng. Năm 1931 mở cửa hàng xem số tử vi ở Quảng Châu. Năm 1942, cùng Vũ Hồng Khanh và một số người có tư tưởng chống cộng lập ra Việt Nam cách mạng đồng minh hội). Hội được thành lập nhưng trong nội bộ có nhiều đảng phái phức tạp, chia rẽ sâu sắc. Nguyễn Hải Thần không có uy tín, không có năng lực tổ chức, lãnh đạo nên thành lập đã lâu mà hội không triển khai hoạt động được, bởi vậy Trương Phát Khuê quyết định cải tổ hội này.
Trong thời gian đó, chủ tịch Hồ Chí Minh vừa được trả tự do (10 - 9 - 1943), nhưng vẫn ở trong cơ quan Bộ Tư lệnh Đệ tứ chiến khu để “xem xét và cảm hoá” (thực chất là Quản thúc). Trương Phát Khuê biết rằng Hồ Chí Minh và mặt trận Việt Minh do Người lãnh đạo có cơ sở rộng rãi và uy tín rất cao trong quần chúng ở Việt Nam nên đã quyết định mời Hồ Chí Minh tham gia cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy đây là một cơ hội tốt để thực hiện kế sách phản khách vi chủ nên đã nhận lời. Trước khi chính thức cải tổ, Trương Phát Khuê yêu cầu Hồ Chí Minh hợp tác với Nguyễn Hải Thần với cương vị Phó chủ tịch Việt Nam cách mạng đồng minh hội. Tại hội nghị trù bị đại hội đại biểu toàn quốc Việt Nam cách mạng đồng minh hội do Trương Phát Khuê triệu tập cuối tháng 2 - 1944 chủ tịch Hồ Chí Minh đề xuất ý kiến: “Thành phần đại hội ngoài Ban Chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội, đại biểu quốc dân Đảng (Việt Nam) và Đảng Đại Việt ra nên có đại biểu của Việt Minh và các tổ chức thuộc Việt Minh cùng đại biểu các tổ chức khác trong nước như hội phật giáo, hội truyền bá quốc ngữ, hội ánh sáng”. Nhưng khi thảo luận, một số người không đồng ý cho các tổ chức Việt Minh cử đại biểu tham dự. Hồ Chí Minh lại đưa ra ý kiến đổi tên đại hội đại biểu toàn quốc thành đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại. ý kiến này được trình lên Trương Phát Khuê. Trương Phát khuê đã đồng ý và uỷ thác cho Hồ Chí Minh khởi thảo kế hoạch triệu tập đại hội đại biểu các đoàn thể cách mạng hải ngoại thuộc Việt Nam cách mạng đồng minh hội (Thẻ đại biểu trưng bày tại Viện Bảo tàng cách mạng Việt Nam hiện nay chính là thẻ mà Chủ tịch Hồ Chí Minh được cấp khi dựa Đại hội này).
Có thể thấy rằng, ngay từ đầu, chủ tịch Hồ Chí Minh đã có kế hoạch, chủ trương làm thế nào để số lượng Khách đông hơn Chủ trong Việt Nam cách mạng đồng minh hội, để nắm quyền chủ động biến khách thành chủ. Đại hội Việt Nam cách mạng đồng minh hội tổ chức vào tháng 3 - 1944 đã diễn ra theo đúng kế hoạch của chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt phân hội Việt Nam chống xâm lược đọc báo cáo tại đại hội: Phong trào giải phóng dân tộc và tình hình các đảng phái trong nước và được bầu vào Ban Chấp hành Việt Nam cách mạng đồng minh hội.
Việc chủ tịch Hồ Chí Minh tham gia cải tổ Việt Nam cách mạng đồng minh hội đã đem lại kết quả là hội này hoạt động rất có lợi cho cách mạng Việt Nam và với uy tín cùng những hoạt động rất có hiệu quả của chủ tịch Hồ Chí Minh, Trương Phát Khuê ngày càng tin tưởng và nể trọng Người, tạo điều kiện để Người về nước (thoát khỏi sự quản thúc).
Tháng 7 - 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ động gửi Đệ tứ chiến khu “kế hoạch về Việt Nam công tác” với những mục đích: Một là, truyền đạt quyết tâm của chính phủ Trung Quốc ủng hộ nhân dân Việt Nam giải phóng dân tộc. Hai là: phát triển tổ chức Việt Nam cách mạng Đồng Minh hội. Ba là: chuẩn bị để đón quân đội Trung Quốc và quân đội Đồng Minh vào Việt Nam. Bốn là: giành độc lập hoàn toàn cho Việt Nam. Người còn đề xuất một số việc cần chuẩn bị kỹ trước khi đại quân của quân đồng minh kéo vào Việt Nam. Một trong những việc cần làm đó, trước hết là dẫn một số đội viên cốt cán bí mật về nước để thăm dò tình hình thực tế, triển khai công tác, rút kinh nghiệm. Yêu cầu được cấp một số kinh phí thích đáng.
Kế hoạch về Việt Nam là một kế hoạch hoàn chỉnh, không thiếu sót, sơ hở một điều gì lại “Trúng ý” hoàn toàn với ý đồ “Hoa quân nhập việt” của Tưởng Giới Thạch, buộc Trương Phát Khuê phải chấp nhận, thỉnh thị cấp trên đồng ý cho Hồ Chí Minh về nước trước để đón “Hoa quân nhập việt”.
Thế là ngày 9 - 8 - 1944 Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn 18 thanh niên đã qua lớp huấn luyện đặc biệt, rời Liễu Châu về nước, qua Long Châu, Na Pha qua cửa khẩu Bình Mãng vào Việt Nam, trực tiếp lãnh đạo tổng khởi nghĩa tháng tám, thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà (nay là cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Có thể thấy rằng việc thực hiện kế sách phản khách vị chủ lần này khó khăn hơn rất nhiều lần thực hiện ở Tĩnh Tây với Trương Bội Công nhưng nhờ nắm vững “địch tình”, “biết người, biết ta” mà tiến hành dần dần kế sách để đạt được kết quả cuối cùng: Việt Nam cách mạng đồng minh hội hoạt động theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa vào Việt Nam cách mạng đồng minh hội để trở về nước ở vào thời điểm rất cần có người để chèo lái cho con thuyền cách mạng Việt Nam vượt phong ba bão táp, đi tới thắng lợi cuối cùng.
2. Tá thi hoàn hồn (Mượn xác hoàn hồn)
Mượn xác hoàn hồn nguyên chỉ việc khiến cho cái đã chết mượn một hình thức nào đó xuất hiện. Khi vận dụng làm mưu kế thì có nghĩa là mượn cái bất tài hoặc cái không thể có tài lợi dụng nó, khống chế nó.
Trong lịch sử Trung Quốc Trịnh Trang Công mượn vương mệnh tấn công nước Tống; Tào Tháo mượn danh nghĩa phò thiên tử để sai khiến chư hầu; Lưu Bị tự xưng “Hoàng thúc” dựng cờ chính tông nhà Hán chống lại Tào Tháo, Tôn Quyền chia ba thiên hạ...
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng Tá thi hoàn hồn như thế nào?
Tháng 6 - 1940, trong cuộc họp với Bộ hải ngoại Đảng cộng sản Đông Dương ở Côn Minh Bác Hồ nhận định: “Việc Pháp mất nước là một cơ hội thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước ngay để tranh thủ thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”. Đó là một quyết định hết sức đúng đắn và kịp thời nhưng để có thể về nước một cách dễ dàng phải có một tổ chức “danh chính”, hoạt động “Hợp pháp”. Lúc đầu ta định dựa vào tổ chức của Trương Bội Công để tìm đường về nước. Thế nhưng qua tìm hiểu thấy rõ Trương Bội Công xưa nay không có tinh thần cách mạng và cũng chưa tham gia tổ chức cách mạng nào. Hắn chỉ dựa vào thế lực của bọn Tưởng để mưu đồ cá nhân. Thực chất đó là một tên tay sai, một tên gián điệp của Tưởng Giới Thạch. Cần cắt đứt quan hệ với hắn. Bác Hồ đặt vấn đề: “Ta tách rời tổ chức của Trương Bội Công lên Quế Lâm thì phải nhân danh một tổ chức gì cho hợp pháp với bọn Tưởng “.
Thật là khó. Qua thảo luận bỗng loé lên một tia sáng. Số là, vào năm 1936, Cụ Hồ Học Lãm, một nhân vật thuộc lớp Đông Du cũ đã thành lập một tổ chức đặt tên là Việt Nam độc lập đồng minh hội, thành viên chính có Lê Thiết Hùng (sau là thiếu tướng quân đội nhân dân Việt Nam); Nghiêm Kế Tổ ... Hội sinh hoạt ở Nam Kinh, xuất bản tờ Việt Thanh. Khi thành lập có báo cáo lên nhà đương cục Tưởng Giới Thạch. Giấy phép hoạt động hiện vẫn còn nhưng hội cứ tan dần, hầu như không hoạt động nữa, nay ta có thể dựa vào danh nghĩa của hội này để hoạt động. Bác Hồ chỉ thị: “Ta có thể lợi dụng tổ chức này. Nhưng phải nói thế nào để chúng không bắt bẻ được ta. Chúng ta báo cáo lên Biện Công Sảnh Đệ tứ chiến khu là tháng giêng năm 1936, ta thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội. Hội này hoạt động ở Trung Quốc một thời gian rồi chuyển về nước hoạt động. Bây giờ trong nước lại phái cán bộ ra để lập một bộ phận của hội, gọi là Việt Nam độc lập đồng minh hội, Hải ngoại Biện sự xứ. Chúng ta cử Cụ Hồ Học Lãm làm chủ nhiệm và Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng) làm Phó chủ nhiệm. Làm như thế không những chúng ta hợp pháp hoá được tổ chức của chúng ta ở đây mà vấn đề quan trọng hơn là chúng ta còn có thể ở đây lâu dài, làm nhiều việc khác. Giữ được mối quan hệ giữa chúng ta với Trung Quốc, nhất là với Đệ tứ chiến khu, đề phòng việc “Hoa quân nhập Việt”. Làm thế nào khi chúng “Nhập Việt” chúng ta đã ở ngay trong nước và với danh nghĩa Việt Nam độc lập đồng minh Hội, chúng ta có thể đường hoàng buộc chúng phải nói chuyện với ta”. (Vũ Anh - Hồi ký Đầu nguồn, nhà xuất bản văn học - 1975).
Thực hiện đúng chỉ thị và “mưu kế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một thời gian ngắn sau đó Việt Nam độc lập đồng minh hội, Hải ngoại biện sự xứ được chính quyền Tưởng Giới Thạch công nhận. Ta có một tổ chức “danh chính” để hoạt động và tìm đường về nước. Tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh hội, Hải ngoại biện sự xứ tồn tại lâu dài giúp ích rất nhiều cho cách mạng Việt Nam. ở trong nước việc thành lập mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh) ngày 19 - 5 - 1941 đã được toan tính từ đây.
Đây thực sự là việc vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời mưu kế Tá thi Hoàn hồn - mượn cái danh của tổ chức đã không hoạt động (xác), nhập “hồn” cách mạng vào để hoạt động công khai, “danh chính ngôn thuận”, theo chủ đích của ta và đã đạt được những kết quả to lớn, mỹ mãn. Việc vận dụng này hết sức mau lẹ, hoàn chỉnh, với những diễn giải rất có lý làm cho các nhà chức trách của Tưởng Giới Thạch không thể bắt bẻ, không thể từ chối. Vĩ đại là ở đấy, thiên tài là ở đấy.
3. Giả si bất điên (Giả ngốc mà không điên)
Nội dung kế này là: Thà giả vờ hồ đồ mà không làm, không tự cho là thông minh mà làm bậy. Phải trầm tĩnh không lộ hình sắc, như mây mù, sấm sét mùa đông mà vẫn ẩn tàng.
Giả vờ không biết nhưng thực tế lại biết rõ ràng, giả vờ không muốn làm, thực tế không thể làm được.
Trong lịch sử việc vận dụng kế giả si bất điên rất phong phú, sinh động. Thời Tam Quốc, Tư Mã ý giả vờ bệnh ốm để giết Tào Sảng. Thời Tống, Địch Thanh đem quân đánh Nùng Trí Cao, vờ xin quỷ thần, gieo 100 đồng tiền xin âm dương, khích lệ tinh thần binh sĩ mà phá được Nùng Trí Cao. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, một ký giả Mỹ đã đăng tải lên một tờ báo ở Chi ca gô toàn bộ kế hoạch tác chiến của Mỹ trước chiến dịch đảo Midway. Tổng thống Rossevelt lại làm ra vẻ hồ đồ không biết gì cả. Kết quả sự tình nhanh chóng bị dập tắt, tình báo Nhật không chú ý nên không có biện pháp gì đối phó. Quân Mỹ tiến hành chiến dịch đảo Midway một cách thuận lợi.
Trong những ví dụ về vận dụng kế sách Giả si bất điên thì ví dụ về Tôn Tẫn giả điên là nổi tiếng nhất.
Trong thời Chiến quốc Tôn Tẫn và Bàng Quyên đều là học trò của Quỷ Cốc Tử, cùng học binh pháp, bái nhau làm huynh đệ. Tôn Tẫn là người trung thành, đôn hậu còn Bàng Quyên là kẻ khắc bạc, vô ơn.
Khi đã học thành tài Bàng Quyên xin sư phụ xuống núi đến nước Nguỵ, được Nguỵ Huệ Vương bái làm quân sư, cầm quân đánh Đông dẹp Bắc, lập nhiều công lớn.
Về sau Tôn Tẫn cũng đến nước Nguỵ. Bàng Quyên biết Tôn Tẫn đến nước Nguỵ tất được vua sủng ái bèn tìm cách kiềm chế, nói với vua rằng tạm phong cho Tôn Tẫn làm khách Khanh, khi nào lập công to thì Bàng Quyên sẽ nhường chức.
Trong thời gian Tôn Tẫn làm khác Khanh, Bàng Quên lập mưu hãm hại Tôn Tẫn. Vua nghe lời Bàng Quyên cho rằng Tôn Tẫn phản bội Nguỵ theo Tề, đáng tội chết. Bàng Quyên “rủ lòng thương” xin vua chỉ chặt xương bách chè Tôn Tẫn và thích vào mặt bốn chữ “Tư thông ngoại quốc”. Hạ độc xong, Bàng Quyên diễn trò mèo khóc chuột, sai người đem Tôn Tẫn về thư phòng bó thuốc. Tôn Tẫn mắc bẫy, cảm kích Bàng Quyên và đồng ý chép lại Tôn Tử binh pháp cho Bàng Quyên.
Về sau, tình cờ Tôn Tẫn biết được sự thực vấn đề, bèn nghĩ cách thoát thân, bỗng nhớ chiếc túi gấm thầy Quỷ Cốc trao, liền mở ra xem, thấy trên mảnh lụa vàng biết ba chữ “Trá Phong Quỉ” (Vờ điên). Tôn Tẫn đã diễn vở kịch vờ điên đạt đến mức Bàng Quyên không cần phải lo nghĩ, đề phòng, giám sát nữa, do đó mà Tôn Tẫn đã trốn thoát về nước Tề. Về sau khi hai nước Triệu và Ngụy đánh nhau, Tôn Tẫn dùng kế “Vây Nguỵ, cứu Triệu” đánh bại Bàng Quyên. Trong chiến dịch Hàn - Nguỵ, Tôn Tẫn lại dùng kế “Tăng binh, giảm táo” lừa cho Bàng Quyên vào Mã Lăng rồi bắn chết.
Có một ví dụ về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng kế Giả Si bất điên mà nhiều người hay kể.
“Một ngày giữa tháng 8 - 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khu căn cứ địa Lam Sơn (huyện Hoà An) trở lại Pác Bó để đi Trung Quốc. Lần này người không đi đường mòn, đường rừng mà công khai đi trên đường cái giữa ban ngày. Người đóng vai một ông thầy cúng vừa ngớ ngẩn, bẩn, điếc, người dẫn đường là Phù Sấn, người Nùng, quê Đào Ngạn (Hà Quảng) đóng vai người đi đón thầy cúng về cúng cho mẹ vợ bị ốm. Khi đến ngã ba Đôn Chương (cách Pác Bó chừng 7 km), hai người lững thững đi qua trước trạm gác của địch. Bất ngờ một tên lính xô ra chặn lại:
- Bọn này đi đâu?
“Ông thày cúng” chỉ vào tai, lắc đầu. “Anh người nhà” mau miệng trả lời:
- Mời thày cúng về cúng cho mẹ vợ ốm đây mà.
- Cúng với bái. Đưa tao xem trong gánh có những gì nào hay là lại toàn truyền đơn cộng sản.
Nó giằng lấy cái gánh trên vai Phù Sấn lục soát. Đã có sự chuẩn bị trước nên hành lý hôm ấy được sắp xếp hoàn toàn giống của một ông thày cúng: Một bên là khẩu mạ, có cụm thóc nếp, một bên là khẩu hương, có một bát đựng gạo làm bát hương với một con gà chích bằng nắm tay. Ngoài ra là sách cúng với đồ lễ lặt vặt.
Thấy không có gì khả nghi, tên lính gác cho hai người qua trạm, nhưng thằng xã đoàn Tòng nghe nói có thầy cúng, bèn gọi giật lại.
- Thầy cúng hả? Vợ tao đang ốm ở nhà, may quá lại cúng cho vợ tao cái đã rồi hãy đi.
Thật là tiến thoái lưỡng nan. Phù Sấn quay lại nhìn “Ông thầy cúng” như xin chỉ thị. Ông thầy cúng vẫn không có gì hốt hoảng, tiến lại gần xã đoàn Tòng, loạng choạng va cả vào người hắn, nhe hai hàm răng đen, bẩn cười nhăn nhở - dáng vẻ của một người vừa câm, vừa điếc, vừa bẩn.
Phù Sấn nhanh trí, biết vai kịch đã bắt đầu biến hoá, tự nhiên nhập vai, quay lại nhìn ông thầy cúng lầu bà, lầu bầu:
- Gớm cái ông thầy vừa điếc, vừa ngớ ngẩn này uống chưa hết hai chén rượu mà đã say điên, say đảo như thế.
Xã đoàn Tòng nhìn dáng điệu của ông thầy cúng điếc tai, say rượu như thế quá ngán, chả thiết nhờ cúng bái làm gì nữa, cho phép đi. Hai người lại rảo bước trên đường về Pác Bó.
Về đến địa điểm an toàn, trong khi Phù Sấn đang toát mồ hôi diễn lại vở kịch cho mọi người xem thì “Ông thầy cúng” có hai hàm răng đen, bẩn dùng một ngón tay vuốt mạnh vào răng, cơm nếp nát trộn với bột than củi miết vào răng giờ đã khô, bong ra”. (Dương Đại Lâm: Bác Hồ đến bản tôi - Hồi ký, Đầu nguồn - Nhà xuất bản văn học - 1975).
Đây thực ra chỉ là một tình huống Giả si bất điên để thoát khỏi tay giặc - một tình huống đã được chuẩn bị, trù tính kỹ càng. Đó là việc: giả vờ không muốn làm, thực tế không thể làm được. Thật vậy việc cúng bái, “Ông thày cúng giả” không thể làm được (nhất là phải cúng bằng tiếng Tày - Nùng), nên ông thày cúng phải giả làm người điếc, ngớ ngẩn, bẩn thỉu, không muốn làm (cúng). Do có sự chuẩn bị kỹ và bình tĩnh nên việc “vào vai” rất đạt, Thoát hiểm trong gang tấc.n
4. Man Thiên Quá Hải (Dối trời qua biển)
Nội dung của kế này là nhân lúc kẻ địch sơ hở, không phòng bị mà mau lẹ hành động đạt lấy kết quả. Câu chuyện Bác Hồ về nước từ làng Nặm Quang ngày 28-1-1941 (tức ngày mùng 2 Tết Tân Tỵ) là một dẫn chứng sinh động cho việc dùng kế sách này.
Hãy trở lại lịch sử những ngày trước 28-1 ít ngày. ấy là những ngày tháng Chạp năm Canh Thìn, sau khi đưa được 40 thanh niên Cao Bằng đang “nương nhờ” Trương Bội công về làng Nặm Quang, Bác Hồ đã mở lớp huấn luyện quân sự tại đây.
Nặm Quang là một ngôi làng nhỏ, nghèo khó và heo hút có mười mấy ngôi nhà – cách biên giới Việt - Trung 7km, cách chợ Cọt Mà 5km. 40 thanh niên Cao Bằng được “rút” về đây chia ra ở nhờ nhà dân của hai làng Nặm Quang, Ngàm Tảy (cách nhau 1km) đã được Bác Hồ và các đồng chí Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng), Dương Hoài Nam (Võ Nguyên Giáp), đồng chí Nhã (Phùng Chí Kiên) tổ chức giảng dạy, huấn luyện trong một khóa học ngắn ngày (khoảng 7, 8 ngày). Sau này, 40 học viên này được ví là 40 con đại bàng tung cánh bay trong bão tố cách mạng, lập được nhiều chiến công, góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Lớp huấn luyện kết thúc vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch (đầu năm 1941). Hôm sau các đồng chí Lâm Bá Kiệt và Dương Hoài Nam trở về Tịnh Tây để giữ liên lạc với các lực lượng cách mạng ở ngoài nước. Một số anh em người Hòa An chia thành từng nhóm nhỏ về nước ăn tết với gia đình. Bác Hồ chỉ giữ lại vài đồng chí ở lại với mình ở làng Nặm Quang. Ngày 30 tết Thế An được giao nhiệm vụ về Pác Bó nắm tình hình. Ngày mùng một tết Bác Hồ ăn tết với gia đình trưởng bản Hứa Gia Khởi. Trong hồi ký NHữNG NGàY SốNG GầN BáC, đồng chí Vũ Anh đã kể rất rõ ngày mùng một tết Tân Tỵ: “Theo phong tục ở địa phương, chúng tôi chia nhau đi ăn tết khắp mọi nhà trong bản. Nhân dân sẵn có cảm tình với cách mạng Việt Nam, thấy chúng tôi nghiêm chỉnh, đứng đắn, thái độ hòa nhã, tôn trọng họ cho nên họ càng quý mến.
Bác đi thăm các gia đình với chúng tôi. Trông Bác mặc bộ quần áo người Nùng màu chàm, đầu vấn khăn, nhanh nhẹn đi vào các nhà trong bản, tôi bỗng nhớ hình ảnh của Bác ngày nào đóng vai một ông khách sang trọng mặc complet, cổ cồn, cà vạt, giày da vào hiệu Vĩnh An Đường. Sự hòa hợp của Bác với mọi hoàn cảnh thật mau lẹ, nhẹ nhàng.
Đến mỗi nhà Bác đều tặng cho một phong bao màu hồng điều viết chữ Trung Quốc thật to: Cung chúc tân xuân (Chúc mừng năm mới). Tuy Bác chỉ vào mỗi nhà một lát, nhưng nhà nào cũng lưu luyến, cũng muốn giữ Bác ở lại.
Ngày mùng một tết qua đi. Thế An từ Pác Bó trở về báo cáo tình hình Pác Bó và các làng bản quanh vùng mọi người đang “say sưa” ăn tết, lính tráng các đồn phần đông được về nhà. Số còn lại canh giữ đồn thì say sưa rượu chè. Bác bảo: “Cứ ở lại ăn tết xong đã”.
Ngày mùng hai tết, Bác cùng anh em đi chúc tết. Thế An được lệnh mang tất cả đồ đạc tư trang của mọi người ra đầu làng. Đoàn người đi chúc tết dềnh dàng đến trưa, đúng vào giờ ăn trưa thì rời nhà cuối cùng ở lẻ ngoài bìa rừng. Bác Hồ phát lệnh: Lên đường! Đoàn trở về có 6 người: Đồng chí Lê Quảng Ba đi trước, tiếp theo là đồng chí Phùng Chí Kiên rồi đến Bác. Sau Bác là đồng chí Hoàng Văn Lộc và Thế An, sau cùng là đồng chí Đặng Văn Cáp (còn mải hái lá rừng về làm thuốc). Tất cả đi trong lặng lẽ, vừa đi vừa quan sát, canh chừng. Đi khoảng hai tiếng đồng hồ thì đến cột mốc 108 an toàn, không bị ai “tra xét”, “thăm hỏi”. Lúc đó mặt trời đã ngả về Tây. Nhà thơ Tố Hữu sau này “tưởng tượng” phút giây ấy thật sinh động:
Ôi! Sáng xuân nay, xuân bốn mốt
Trắng rừng biên giới nở hoa mơ
Bác về, im lặng... con chim hót
Thánh thót bờ lau vui ngẩn ngơ!
Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán chính xác cho nên Bác Hồ đã chọn đúng thời điểm mọi người vui vẻ, say sưa ăn tết, ít ai để ý nhất để rời Nặm Quang trở về, sau khi đã tạo ra một vài động tác giả, hiện trường giả. Nguyên tắc bí mật buộc phải thế. Cứ phải hư hư, thực thực. Chọn đúng thời điểm để Man Thiên Quá Hải. Bác đã về đến Pác Bó an toàn và cũng từ đó Pác Bó trở nên Thơ hơn, linh thiêng hơn. Ngày 28/1/1941 (tức ngày mùng hai tết Tân Tỵ) được ghi vào lịch sử như thế.
5. Thượng thụ khai hoa (Hoa nở trên cây)
Kế sách “Thượng thụ khai hoa” (Hoa nở trên cây) là kế mê hoặc kẻ địch. Trên cây vốn không có hoa, sau khi nguỵ trang tinh tế thì nhìn qua tựa như có hoa. Dùng kế này vào việc quân là nguỵ trang khiến quân ta có vẻ hùng cường.
ở Pác Bó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng kế “Hoa nở trên cây”, ít nhất hai lần. Đạt kết quả mỹ mãn.
Lần thứ nhất là vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 năm 1941. Thời gian này, Bác và các đồng chí của mình “triển khai” nghị quyết hội nghị Trung ương lần thứ tám, tập trung xây dựng, củng cố lực lượng Việt Minh vốn đang còn ít và yếu. Trong tình hình ấy, Đệ tứ chiến khu của quân Tưởng Giới Thạch đề nghị cho người của họ vào khu căn cứ của ta để “bàn kế hoạch hợp tác chống Nhật”. Một số đồng chí cán bộ ta không muốn cho đại diện của Tưởng vào vì sợ “lộ bí mật” và vì lực lượng ta còn “chưa có gì”. Sự việc được báo cáo lên Bác Hồ. Bác nói: “Ta không cho nó vào nó vẫn cứ vào, chi bằng ta tương kế, tựu kế. Lực lượng Việt Minh hiện nay chưa đủ mạnh, phát triển chưa đồng đều, hoạt động bí mật là chính nhưng ta phải làm thế nào cho nó thấy: Lực lượng Việt Minh đã đủ lớn, đủ mạnh đánh đuổi giặc Nhật”. Dừng một lát Bác chỉ tay lên cây Mạy Mạ trước lán Khuổi Nặm, nói một cách hình tượng: “Cây Mạy Mạ đã hết mùa hoa, nhưng ta có thể khiến nó nở hoa bằng cách nhân tạo. Cắt hoa giấy nhiều màu dán lên cành cây, ai không xem kỹ thì không phát giác được. Cây thật, hoa giả tạo thành một cảnh tươi đẹp. Trên cây không có hoa thì ta nguỵ trang khéo, nhìn qua như có hoa. Cũng như lực lượng ta chưa đủ lớn, chưa đủ mạnh nhưng ta phải làm ra lực lượng ta hùng mạnh. Đất ta kiểm soát còn ít, ta phải làm sao cho nó thấy đất ta rộng”. Rồi Bác bày cách thực hiện: “Đại diện của Tưởng vào, ta đưa nó đi lòng vòng vào ban đêm, cho nó leo thật nhiều đèo dốc, cho người nó tã ra. Nó phải chắp tay vái lạy”.
Thực hiện kế sách này, các đồng chí Lê Quảng Ba, Vũ Anh, Võ Nguyên Giáp, Dương Đại Lâm đã đưa đại diện của Đệ Tứ chiến khu là Lục Thượng Hiệu (Thượng tá họ Lục) đi lòng vòng nhiều địa điểm đã được chuẩn bị sẵn, dàn dựng, biểu dương lực lượng. Ngày ngủ đêm đi, đi đến đêm thứ tám, người Lục Thượng Hiệu tã ra như rẻ rách, đôi giày rách bươm, quần áo không kịp thay, nhiều lúc đi như lết. Lục Thượng Hiệu vái lạy, xin về, sau khi viết một báo cáo dài gần 50 trang “trình” các cán bộ Việt Minh, nhấn đi, nhấn lại ý chính: “Đi 18 ngày đêm, qua nhiều tỉnh của Việt Nam đến đâu cũng được quần chúng đón chào nồng nhiệt, cũng thấy khí thế cách mạng lên cao. Quân du kích Việt Minh rất có kỷ luật và được huấn luyện rất tốt có trang bị tốt, Việt Minh hiện nắm trên 80 phần trăm dân chúng trên một vùng lãnh thổ rộng lớn. Nếu Trung Quốc muốn hành động có kết quả ở Việt Nam nhất định phải liên hệ, cộng tác và dựa vào lực lượng lớn mạnh của Việt Minh”.
Khá khen Lục Thượng Hiệu có trí tưởng tượng phong phú và khả năng phóng đại phi thường sau khi ngấm đòn “hoa nở trên cây”.
Lần thứ hai Bác Hồ dùng kế sách này là vào tháng 10/1944. Số là vào cuối tháng 9 một máy bay của không quân Mỹ, bay trên bầu trời Cao Bằng bị hỏng máy, phi công nhảy dù xuống cánh đồng Bản Ngần (cách thị xã Cao Bằng 3km). Việt Minh đã nhanh chóng “đón tiếp” và đưa viên phi công tránh lên núi rồi báo cáo lên Bác Hồ ở Pác Bó. Bác Hồ chỉ thị đưa viên phi công lên Pác Bó theo kiểu lòng vòng! Vì thế đoạn đường từ thị xã Cao Bằng lên Pác Bó dài 60km mà viên phi công đi mất gần một tháng, “đủ thời gian” mục sở thị sự lớn mạnh của Việt Minh. Về tới Côn Minh (Vân Nam - Trung Quốc) viên phi công Mỹ thuộc không đoàn số 14 (tên là Uy Liêm Sao) “trình” lên trung tướng tư lệnh Clai Sê Non một bản báo cáo “hoàn hảo” có đoạn: “Việt Minh hùng mạnh như thế nào, tôi không biết. Nhưng như những gì tôi được chứng kiến thì tổ chức này rất được nhân dân ủng hộ. Đi đến đâu tôi cũng được dân làng chào với hai tiếng “Đồng Minh” “Đồng Minh” và họ làm tất cả để giúp những người yêu nước cho dù họ có bị ngăn cấm và đàn áp.
Tháng 12 những người bạn Đông Dương đã đưa tôi trở về Trung Quốc. Trước khi chia tay họ dặn đi dặn lại tôi phải gửi lời chào tốt đẹp nhất của họ tới quân đội và nhân dân Mỹ. Lần bắt tay cuối cùng họ hô to: “Hoa kỳ muôn năm” “Roosevelt muôn năm! Tướng Chenault muôn năm!” và tôi hô đáp lại “Đông Dương muôn năm!” tôi rất vui khi được quay trở lại và kể với đất nước tôi và những đồng minh của nó về tình hình thực tế ở Đông Dương.
Tôi khiêm nhường nghĩ rằng, vì nhiệm vụ dân chủ cũng như vì lợi ích chiến lược chúng ta phải giúp đỡ phong trào chống Nhật chống phát xít của Đông Dương một cách có hiệu quả”.
*
Bàn về chủ đề Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng Tôn Tử binh pháp và tam thập lục kế không chỉ có vậy. Còn rất nhiều câu chuyện hay tôi mong có dịp sẽ được tiếp tục trình bày (như các kế Rút củi đáy nồi, Vây Ngụy cứu Triệu, Điệu hổ ly sơn, Tẩu Vi Thượng,...). Có thể viết hẳn một chuyên luận chuyên sâu cũng không có gì là quá. Những thu hoạch mà tôi trình bày ở đây chỉ là những nhận xét rất sơ lược, những nhận xét bước đầu, hướng tới một nhận định: Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là nhà lý luận vừa là nhà thực hành, đã dịch, tóm tắt trước tác Tôn Tử binh pháp, không chỉ để dùng vào mục đích quân sự mà còn dùng trong rất nhiều lĩnh vực khác như ngoại giao, kinh tế, chính trị, văn hóa... Chính vì thế khi vừa từ Liễu Châu trở về Pác Bó Người đã tặng cho cháu gái nuôi yêu quý của mình - Cháu Nông Thị Trưng - bản dịch Cách dùng binh của ông Tôn Tử chép trong một quyển vở học sinh với lời đề tặng yêu thương và đầy ý nghĩa:
Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà
“Mai sau cháu giúp nước non nhà” - Lòng mong mỏi của lãnh tụ thật sâu sắc - không chỉ lo cho trước mắt để đánh địch mà chủ yếu để mai sau, khi nước nhà độc lập. Những kiến thức của Tôn Tử binh pháp sẽ giúp rất nhiều cho việc xây dựng tổ quốc. Và không quên lời nhắn đó sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập ở Quảng Trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho đồng chí Đặng Văn Cáp từ Hà Nội lên Cao Bằng đón cháu gái Nông Thị Trưng về Hà Nội. Đời và cách mạng huyền bí làm sao.
Kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ rời bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011), 70 năm ngày Bác Hồ về nước (1941 - 2011) lãnh đạo thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, thêm một lần chúng ta nhìn lại cuộc đời hoạt động cách mạng đầy gian nguy, biến động với một tinh thần yêu nước, yêu dân nồng nàn, lòng quyết tâm sắt đá của một bậc vĩ nhân, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Chúng ta đã nói nhiều tới chữ Nhân trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Chúng ta cũng đã nói tới chữ Dũng khi kể về những tháng năm cam go nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để có thể chiến thắng số phận và hoàn cảnh nhưng còn chữ Trí - một chữ Trí hiểu theo nghĩa rộng, lấp lánh và sâu sắc thì dường như vẫn đang còn là môt vùng đất, một miền sáng mà chúng ta vừa mới như bắt đầu nhập vào... “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không...” vẫn là điều chúng ta luôn tự hỏi với nỗi ám ảnh để hướng tới tương lai mà điều kiện quan trọng để đạt được điều đó là ở chữ Trí. Kể một vài mẩu chuyện về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng Tôn Tử Binh pháp và Tam thập lục kế như là một cách đặt vấn đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những nội dung mới để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tạo dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Nguồn: vanvn.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét