Trong tiềm thức chúng ta đã luôn có một ý nghĩ rằng "học là để biết". Chính vì thế mà sinh viên Việt Nam luôn được coi là biết rất nhiều. Cái gì chúng ta cũng đọc, cũng quan tâm. Nhưng chúng ta không thật sự đi sâu vào một lĩnh vực, một vấn đề nào.Thế nên nếu hỏi thật cặn kẽ thì hóa ra ta lại chẳng biết gì. Đương nhiên không phải tất cả các bạn sinh viên đều như vậy. Những bạn mong muốn tìm hiểu sâu về vấn đề mình quan tâm, đã không biết thì thôi, đã biết thì phải hiểu thật cặn kẽ thì thường sẽ thành công trong sự nghiệp sau này.
Ví như các cụ đã bảo: Một nghề thì sống đống nghề thì chết. Hay cũng giống như việc bạn nhìn thấy người ta cắt kim cương. Kim cương là một vật thể siêu cứng, không một thứ kim loại nào có thể cắt được kim cương. Vậy người ta làm cách nào để cắt được. Rất đơn giản, người ta dùng tia laze, tia laze chính là một đại diện cho sự tập trung, và thử hỏi nếu chùm tia laze đó không tập trung vào một điểm thì liệu nó có cắt được kim cương không. Việc học cũng vậy, nếu học dàn trải, học để biết thật nhiều thì hiệu quả sẽ không cao.
Tôi không phản đối việc học để lấy kiến thức. Học để mưu cầu kiến thức là một điều hết sức hoan nghênh. Nó giúp cho bạn trở nên uyên bác, hiểu biết hơn. Nhưng liệu học để biết đã đủ hay chưa. Ngày xưa chưa có Internet chưa có công cụ tìm kiếm google thì người biết nhiều sẽ rất có lợi ích. Học không chỉ để biết, học còn để hiểu và quan trọng hơn là học để làm và làm chuyên nghiệp.
Ngày nay đang là thời đại công nghệ thông tin, khi mà lượng thông tin là bình đẳng với nhau. Ta có thể ngồi ở nhà để tìm kiếm mọi thông tin liên quan đến một vấn đề nào đó ta quan tâm. Ta có thể giao tiếp với những chuyên gia cách chúng ta hàng ngàn cây số. Ta có thể tiếp cận lượng kiến thức khổng lồ trên mạng. Khi đó điều gì sẽ xảy ra. Liệu trí nhớ của ta có thể hơn được một công cụ tìm kiếm như Google. Khi mà lượng thông tin được tiếp cận một cách dễ dàng thì chúng không còn tạo nên sự cạnh tranh nữa. Con người không thể hơn nhau bởi thông tin và kiến thức họ biết nữa, họ chỉ có thể hơn nhau bởi kỹ năng tra cứu thông tin mà thôi.
Một điều nữa mà chúng ta phải công nhận rằng, xã hội không dùng được kiến thức trong đầu chúng ta, chỉ khi nào ta biến kiến thức đó thành sản phẩm dùng được thì khi đó kiến thức mới thực sự có giá trị. Nhiều người khoe rằng ta rất giỏi, ta biết rất nhiều, ta sẽ làm thay đổi cả thế giới. Nhưng chỉ khi nào chúng ta đem áp dụng những kiến thức đó vào trong thực tế cuộc sống hay trong công việc của chúng ta thì ta mới thấy được giá trị thực sự của nó. Chúng ta cũng thấy rằng trong xã hội có nhiều người rất có tiềm năng, nhưng xã hội không cần tiềm năng mà cần những người làm được việc. Tiềm năng mà không được phát huy đúng lúc, đúng chỗ thì cũng sẽ bị phí phạm. Một hành động còn hơn một đống lời bàn, một hành động bằng mười suy nghĩ.
Vậy điều quan trọng nhất để tạo nên lợi thế cạnh tranh chính là thay đổi tư duy. Từ việc nghĩ rằng học để biết, học để thi chuyển sang cách nghĩ học là để làm.
Khi ta tư duy học đểlàm thì ta sẽ biết học trọng tâm vào cái gì. Cái gì xã hội thật sự cần. Ta sẽ biết được cái gì bắt buộc phải học, cái gì cần học, cái gì nên học. Khi đó ta sẽ tìm được điểm giao nhau giữa những cái ta học và những cái xã hội cần. Điều đó cũng giống như đường cung và cầu trong kinh tế học. Khi ta học đúng cái xã hội cần thì ta sẽ thành công. Khi tư duy học để làm, ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc trau dồi kỹ năng. Ví dụ như rất nhiều người cảm thấy lúng túng khi phải trình bày một đề tài hay một dự án. Công việc chuẩn bị rất công phu, đề án làm rất hoàn thiện nhưng không thể diễn tả hết được điểm tốt, điểm khác biệt của đề án và dẫn tới việc không thuyết phục được người khác ủng hộ đề án.
Khi ta tư duy học để làm ta sẽ quan tâm nhiều hơn đến kinh nghiệm thực tế thay vì lý thuyết đơn thuần. Các bạn sinh viên sẽ đi làm thêm để có được nhiều kinh nghiệm hơn, tự tin hơn, giao tiếp giỏi hơn. Và khi đó tự các bạn đã làm thu hẹp khoảng cách giữa những cái biết và những cái làm được.
Gieo nhân nào thì sẽ gặt quả đấy, học để biết thì biết rất nhiều, học để thi thì kết quả thi sẽ tốt, học để làm thì sẽ có khả năng làm việc tốt, sẽ thích ứng nhanh với môi trường làm việc sau này.
http://www.vdctraining.vn/
--------------------------
Chúng ta đi học để làm cái gì?
Sẽ có rất nhiều người băn khoăn, tại sao chúng ta phải đi học ?
Chúng ta đi học để làm gì ?
Những kiến thức ở nhà trường có phải lúc nào cũng dùng đến đâu ?
Có khi nào đi làm người ta hỏi giải phương trình bậc 2 đâu mà học ?
Có nhiều người có học hành gì đâu tại sao người ta vẫn giàu có và thành đạt ?
Hãy thử hỏi cha mẹ, tại những câu như vậy, và câu trả lời thường là :
- Không đi học thì con làm được trò trống gì.
- Hay sao mày lại có những suy nghĩ vớ vẩn như thế, trẻ thì phải lo mà học đi không suy nghĩ linh tinh.
- Không đi học thì ở nhà làm ruộng nhé.
- Đi học sau này cố gắng đi làm để có một cuộc sống ổn định.
- Hay học để xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, sánh vai cùng cường quốc năm châu (xa vời quá).
Thường là những câu trả lời như vậy khiến ta không phục nhưng mà rốt cục lại ta vẫn phải đi học. Và trong đầu thi thoảng vẫn lăn tăn. Mình đi học làm cái gì nhỉ ? Những cái bằng tốt nghiệp có ý nghĩa gì đối với cuộc đời mình ? Trong khi thời buổi này bằng cũng cần thật, nhưng người ta cũng bắt đầu cần đến năng lực thật sự không quá coi trọng bằng cấp.
Vậy tại sao người ta vẫn phải đi học :
Học để thưởng thức cuộc sống. Cuộc sống ngày càng phát triển, kiến thức thường thức ngày càng nhiều, quá trình học dưới ghế nhà trường chính là điều kiện rất tốt để bạn hiểu biết rất nhiều cuộc sống. Môi trường học sinh, sinh viên là nơi ta giao lưu rất tốt để có thể biết được nhiều hơn, học nhiều hơn. Nó hiệu quả hơn rất nhiều so với bạn nghiên cứu qua sách báo, Internet, hay đài báo tivi.
Học để rèn luyện trí não : Tại sao chúng ta phải làm bài tập, tại sao thầy giáo hay đưa ra các bài toán khó, ngoài đời chả ai gặp nhau bằng cách : " Hello, phương trình bậc 2 này có mấy nghiệm cả" :)). Đó thật ra là cách thức để rèn luyện trí não, tập nhớ, tập tìm phương pháp giải quyết vấn đề. Nếu bạn tư duy theo cách này thì việc học tập sẽ đỡ nhàm chán hơn rất nhiều.
Học để được xã hội công nhận. Lại nói về bằng cấp, tại sao chúng ta lại nể những người có học vị cao? Tất nhiên người ta có thể có học vị cao không phải bằng con đường học hành, nhưng những người có học vị cao xứng đáng được xã hội nể trọng bởi những cố gắng của họ. Còn những người không phải đi bằng con đường học hành thì sẽ bị khinh bỉ. Bởi vì bằng cấp là một chứng nhận cho chúng ta vì những cố gắng của bản thân ta trong quá trình rèn luyện, nó đánh dấu những mốc lớn của cuộc đời. Nó thể hiện, ghi lại những cố gắng, phấn đấu, nghị lực của chúng ta. Đừng ai nói với tôi rằng không hề tự hào khi cầm trong tay một tấm bằng khen vì thành tích xuất sắc trong học tập, kể cả bạn mua nó bằng tiền.
Học để sống lâu hơn. Chúng ta được như ngày nay vượt xa tổ tiên cũng chúng ta là nhờ có lao động trí tuệ. Thực tế cho thấy những người lao động trí tuệ thường xuyên có tuổi thọ cao hơn những người lao động chân tay.
Điều cuối cùng, học để biết rằng ta phải học rất nhiều. Học dưới mái trường xong cũng mới chỉ là sự khởi đầu của quá trình học tập, tất cả các vấn đề chỉ mới ở dạng gợi mở. Chúng ta còn phải cố gắng trong suốt cả cuộc đời. Có những kiến thức chúng ngày nay có được như một sự tất nhiên thì đã có người vì nó mà hi sinh cả tính mạng của mình. Hãy trân trọng những kiến thức đó. Hãy cố gắng học thật nhiều để biết rằng ta vẫn là con ếch ngồi trong đáy giếng, trừ khi bạn chấp nhận ngồi trong đáy giếng không bao giờ đi ra ngoài.
Txtzeus
Nguồn: http://kynangsong.org/
https://www.facebook.com/notes/clb-ky%CC%83-n%C4%83ng-s%C3%B4%CC%81ng/ch%C3%BAng-ta-%C4%91i-h%E1%BB%8Dc-%C4%91%E1%BB%83-l%C3%A0m-c%C3%A1i-g%C3%AC/540224045997657
--------------------------
Học để làm gì?
Một câu hỏi giản dị, tưởng không quá khó trả lời đối với mỗi người. Một câu hỏi- do tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành giáo dục- cũng không được phép có câu trả lời không rõ ràng. Nhưng trong thực tế, thật ngạc nhiên, nó lại vẫn là một câu hỏi lớn không có câu trả lời.
Hôm nay, lần đầu tiên tôi được đi dự một lễ tốt nghiệp đại học ở Việt nam: lễ phát bằng tốt nghiệp của trường ĐH Luật tp. HCM. Tràn ngập sân trường, hội trường, là những gương mặt trẻ măng, tươi rói rạng ngời niềm tự hào. Người sắp tốt nghiệp mặc áo thụng đen, đội mũ vuông đen, có lẽ rất tự hào về thành quả học tập của mình, có thể cả về kiến thức mà mình làm chủ nữa. Bậc sinh thành tự hào vì là cha mẹ của những sinh viên đang rạng ngời hạnh phúc kia, có lẽ cả tự hào về những cố gắng hết lòng hết sức mình cho thành quả của họ.
Tôi hỏi một người mặc áo thụng, đội mũ vuông đỏ về ý nghĩa chiếc áo. Đó là áo dành cho người sẽ lên phát bằng. Áo thụng đỏ dải xanh là của tiến sĩ, dải đen là thạc sĩ.
- „Tại sao sinh viên sắp tốt nghiệp lại phải mặc áo thụng đen và người trao bằng mặc áo thụng màu đỏ?“ Tôi tò mò hỏi một thầy giáo ngồi cạnh.
- „Tôi không biết, có lẽ do bộ qui định“.
- „Anh biết họ bắt chước nước nào không? Chứ truyền thống Việt nam đâu có vậy?“ Tôi hỏi tiếp.
- „Tôi không rõ“.
Lễ tốt nghiệp diễn ra vừa cảm động vừa nghiêm trang với một qui trình không khác một buổi lễ tốt nghiệp trung học ở Mỹ. Trên bức tường trong hội trường có treo tuyên ngôn về sự học; một của bác Hồ: „ Học là để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại“; một của tổ chức Văn hóa Giáo dục Liên Hiệp Quốc: „Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để làm người“; và một của F. Engel (người Đức) về tầm quan trọng của tri thức. Quốc tế có gì, ta có đủ cái đó. Đây hẳn là bằng chứng của sự quốc tế hóa trong thời đại Toàn cầu hóa rồi.
Nhưng… Tôi chỉ cho vài bạn sinh viên mặc áo thụng đen câu trả lời của bác Hồ, của UNESCO cho câu hỏi học làm gì trên tường và hỏi họ có thấy chúng „cực kỳ“ mẫu thuẫn với nhau không? Rất tươi cười, họ đều „ thưa, không ạ“.
Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, tổ quốc và nhân loại“ đó là sự học không cho, không vì bản thân mà là vì người khác. Trước hết là để phụng sự đảng, đoàn, và sau cùng mới là tổ quốc và nhân loại. Đối tượng hưởng kết quả của sự học này không phải là cá nhân mà là tổ chức, tập thể. Vì thế, cách truyền đạt kiến thức cho sinh viên cũng chỉ là làm sao để họ trở thành người phục vụ tốt nhất.
Học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để làm người“ là học cho chính bản thân mỗi người, vì bản thân mỗi người. Người thầy phải làm tất cả để truyền đạt cho sinh viên tri thức- ít nhất cũng đủ để biết; kỹ năng sử dụng tri thức đó-ít nhất cũng đủ để làm việc; đạo lý khi sử dụng tri thức và kỹ năng làm việc mưu cầu hạnh phúc cá nhân-ít nhất cũng đủ để sống được với mọi người; và cuối cùng, với tất cả những điều đó-ít nhất cũng biết định hình giá trị chân chính của con người cho mình.
Hiển nhiên, người ta chỉ có thể tuân theo một trong hai tuyên ngôn về sự học ấy mà thôi. Việc kết hợp cả hai sẽ cho ra đời những kẻ học cho tổ chức để vì cá nhân. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng giáo dục hiện nay? Không lẽ đây chính là sự khác biệt về triết lý giáo dục của Việt nam chăng?
Học để làm gì ư!
http://tamnhin.net/
--------------------------
“Học để làm gì?”
Câu hỏi này tưởng chừng “xưa như trái đất” và ai cũng có thể trả lời được nhưng với nhiều người, ở mỗi thế hệ, mỗi thời đại người ta vẫn đau đáu về cái sự học này, và đó cũng là chủ đề của chương trình “đối thoại trẻ” vừa diễn ra tại trường quay của Đài truyền hình Việt Nam.
Chủ nhân của cuộc đối thoại là giảng viên Nguyễn Thu Giang (ĐHKHXH và NV Hà Nội) và vị khách mời đặc biệt Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân. Tham gia trong cuộc tọa đàm có nhiều ý kiến khác nhau về việc học. Có người cho rằng học để lấy tri thức, người thì nói học để làm tốt công việc của mình, học để tiến thân… nhưng với Bộ trưởng thì mục đích học theo thời gian có sự thay đổi khác nhau, lúc nhỏ học cho cha mẹ vui lòng, khi lớn học để phục vụ đất nước, học cho bản thân. Còn theo tổ chức Unesco thì việc học có 4 mục tiêu chính: học để biết, học để làm việc, học để sống chung với người khác và học để tồn tại. Nói chung xung quanh việc học có trăm ngàn ý kiến khác nhau nhưng phải chăng tựu chung ở hai điều cơ bản:
Học để cuộc sống tốt đẹp hơn
Cho dù với mục đích nào thì trước tiên việc học cũng nhằm phục vụ cuộc sống của cá nhân mình, gia đình và lớn hơn là xã hội. Cứ cho là học để biết, để có nhiều tri thức làm cho cuộc sống của mình phong phú hơn, rộng lớn hơn và có ý nghĩa hơn. Hay học để làm việc thì cũng là phục vụ cho cuộc sống của mình rồi mới đến xã hội. Như vậy việc học cho dù với động cơ nào thì cũng nhằm làm đẹp hơn lên cho cuộc sống. Cổ nhân cũng từng dạy “nhân bất học, bất tri lý”, học để biết đúng sai, điều hơn lẽ phải trong cuộc sống. Học để làm người, một người có ích cho xã hội.
Trong những ngày gần đây, báo chí đưa tin rất nhiều về một nam sinh đã tạt axit vào người thầy của mình. Chỉ vì phạm một lỗi lầm cơ bản để lấy được tấm bằng phục vụ cuộc sống mà lại vô tình làm cho cuộc sống hoen ố đi. Đây là hai mặt của một vấn đề, vì cuộc sống mà chà đạp lên nhân cách, lên giá trị con người, lên cái đẹp mà cuộc đời ban tặng cho chúng ta. Ngay cả là những người thầy, người cô ở nơi nào đó, đôi khi vì những phút mải mê chạy theo cái lợi trước mắt mà đánh mất nhân phẩm của mình. Vâng, hỏi việc học để làm gì thì có trăm đường và việc nhận thức cũng muôn ngả. Nhưng vấn đề là có thể rất nhiều người nhận thức đúng đắn cái sự học nhưng khi đi vào hành động lại sai lầm, hoặc họ cố tình làm sai. Vì thế việc học nói chung hay công tác giáo dục trong nhà trường hiện nay không chỉ là nhận thức mà còn phải bằng những hành động cụ thể.
Học không chỉ để lấy tri thức. Học để cuộc sống phục vụ mình.
Trong 4 mục tiêu của Unesco về việc học thì có lẽ mục tiêu “học để sống chung với người khác” và “học để tồn tại” là hai mục tiêu làm cho việc học trở nên thiết thực hơn. Hay nói cách khác học để cho cuộc sống phục vụ mình. Trở về với kỷ nguyên mà con người thay nhau chinh phục vũ trụ. Từ thời nguyên sơ, họ biết tạo ra lửa, rồi đến công cụ sản xuất, những cuộc du hành vào vũ trụ… Nếu như con người không chịu khó tìm tòi khám phá thông qua việc tự học thì không thể có những thành tựu to lớn như ngày nay, rồi cũng từ việc học ấy mà cuộc sống đã không phụ công họ. Sau đó học để sống chung với người khác, sống trong gia đình, sống chung với cộng đồng. Những việc làm ấy cũng xuất phát từ việc học. Cuộc sống sẽ tốt biết bao nếu con người sống vì nhau, phục vụ lẫn nhau.
Trở lại với vấn đề bằng cấp trong việc học. Học để lấy bằng cũng không phải là lý do thực dụng như người ta vẫn nói. Chẳng phải hiện nay nhiều nơi người ta vẫn thực hiện “mức lương tỷ lệ thuận với bằng cấp”? Điều đó là có thật. Vì thực tế như vậy nên con người phải lái bánh xe theo hướng học để lấy cho được tấm bằng càng cao càng tốt. Nói như vậy không có nghĩa là việc học chỉ cần chú trọng vào bằng cấp mà cần phải làm thế nào để việc học vừa cung cấp cho ta kiến thức, vừa chứng nhận về những gì ta đã học và tất cả những điều đó sẽ phục vụ chúng ta một cách hữu ích nhất. Đó cũng chính là lý do học để cuộc sống phục vụ mình.
http://www.hftc.edu.vn/
--------------------------
Học để làm gì?
http://vnexpress.net/
http://tuoitre.vn/tin/
--------------------------
Tâm sự Thủ Khoa:''Bằng Đại Học Để Làm Gì?''
http://vtc.vn/
----------------------------
Học để làm gì?
Một vị giáo sư hỏi học sinh nhân ngày khai trường 5 tháng 9: “Theo cháu, học để làm gì?” Cô học sinh lớp 9 nhanh nhảu trả lời: “Thưa bác, học để làm người ạ!” Giáo sư hỏi tiếp: “Vậy làm người là như thế nào?” “Nghĩa là biết yêu gia đình, yêu quê hương đất nước, đóng góp sức lực xây dựng quê hương. Nếu thế hệ đầu tiên vững chắc, thì thế hệ tương lai vươn lên.”
Không riêng gì Giáo sư thừa nhận, câu trả lời này “tương đương” trình độ nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục, tôi cũng thật bất ngờ và hân hoan cho trình độ ứng biến lẫn trả lời của cô gái lớp 9 (bạn nên nhớ, bằng tuổi cô bé, bạn chưa đủ bản lĩnh như thế đâu). Vậy tôi tạm kết luận, nguyên Bộ trưởng chỉ thông minh tương đương học sinh lớp…9.
Tôi cũng đi tìm câu trả lời, “học để làm gì?”, bởi tôi không thông minh hơn học sinh lớp 9. Dò tìm trong nhiều tài liệu và tra hỏi google “học để làm gì mày?”, có đến 10 triệu 500 kết quả tìm kiếm trong 0.19 giây “HỌC ĐỂ LÀM NGƯỜI”. Ohm hay, sao giống câu trả lời của cô gái lớp 9 thế!
Không thể chịu thua, ngồi lục lại trí nhớ của mình. Có một lần Lý Quang Diệu diễn thuyết trước sinh viên Singapore, một đất nước mạnh là một đất nước hội tụ nhiều nhân tài và sử dụng họ theo đúng sở trường. Sở trường đó chỉ phát huy khi họ biết học để làm gì? Học để làm giàu, tập hợp mỗi cá nhân giàu có thì sẽ hình thành một đất nước giàu có. Sự giàu có đến từ nền tảng của tri thức (không nhớ rõ nguồn, xin thứ lỗi).
Chẳng lẽ học chỉ để làm giàu, một lần nữa quyết tâm đi tìm câu trả lời cho câu hỏi. Chợt nhớ ra lời Đức Phật giáo huấn “con người sinh ra đều có một bức màn vô minh che phủ (ngu muội, dốt nát, tham lam, độc ác…), chính cái vô minh đã làm Người trong lốt Con. Hãy giải thoát vô mình và hướng đến chí minh thì Người mới là Người. Muốn vậy con người hãy tìm sự học, học để tìm kiếm tri thức – đây là phần đầu tiên của để khai minh nhưng chưa đạt được chí minh, học để biết yêu thương – giúp đỡ người khác, bạn đã có chí minh rồi đó.
Một chút tư lự để suy ngẫm câu trả lời cho chính mình: “Học để làm gì Linh?” Tôi sinh ra ở miền Trung – một vùng đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi”, quanh năm chịu rét như cắt da, chịu nóng như thiêu đốt và chịu đói như cơm bữa. Vậy đừng trả lời tôi “học để làm người”, tôi chỉ biết học để thoát cái nghèo, thoát đúng nghĩa bằng vận dụng chất xám và óc sáng tạo, thoát bằng thực chất bản lĩnh và sự hội tụ tri thức. Hãy thử nghĩ mà xem, bạn sống trong một gia đình không có gì, chỉ có chút ít của cải để đầu tư cho học hành thì bạn sẽ làm cách nào để thoát nghèo – tất nhiên tri thức sẽ quyết định. Còn bạn sống trong một gia đình, đào cái gì lên trong nhà đều có thể chuyển đổi ra tiền, vậy bạn học để làm gì. Cuộc sống của bạn ở hoàn cảnh nào cũng đều tương tự một quốc gia, hãy xem Israel và Việt Nam.
Vậy thoát nghèo để làm giàu, nên nhớ tập hợp một cá nhân giàu có thì sẽ hình thành một đất nước giàu có. Nhưng cái giàu đó, bạn đừng chỉ hưởng thụ một mình – nếu chỉ phục vụ cho cái tôi ích kỷ của bạn thì tôi có thể gọi bạn là “trọc phú” không hơn không kém!
Cái giàu hãy san sẻ và giúp ích, trước hết cha mẹ, anh em, bà con…nhưng không chăm chăm giúp con cá mà hãy cho họ cả cần câu và cách câu – để cùng nhau giàu có. Nếu bạn muốn đạt đến đỉnh cao của chí minh thì hãy làm những hành động chia sẻ sự giàu có như các tỷ phú thế giới đang làm hoặc đơn giản hơn tham gia các chương trình thiện nguyện hoặc chỉ cần yêu thương những người xung quanh.
Học không chỉ để có những câu trả lời sáo rỗng, học để hội tụ tri thức, học để làm giàu, học để giúp đỡ những người xung quanh, học để biết yêu thương, học để biết trân trọng cuộc sống… học để làm người – khi đóng nắp quan tài.
Cuộc sống mấy ai là người…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét