Yannick Madesclaire
Lời tựa: Tác giả bài viết mong muốn đưa ra “một cái nhìn khác” về Việt Nam “trong thực tế”, mặc dù vậy vẫn không thoát khỏi những xét đoán “xa rời thực tế”, thậm chí có cả những võ đoán sai lệch thiên kiến không phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam sau năm 1975. Tuy nhiên, từ cái nhìn của một người ngoài cuộc ở một nước công nghiệp hóa phát triển, tác giả bày tỏ những “suy ngẫm” có giá trị gợi ý đáng chú ý về một số hiện tượng đang bộc lộ trong công việc của chúng ta hôm nay – Đó là sự khác biệt mà tác giả gọi là “sự đối lập Nam – Bắc” cần phải quan tâm; sự tăng trưởng kinh tế thiếu sự quản lý của Nhà nước cùng những hậu quả xã hội và sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng; mục tiêu, điều kiện, khó khăn và những vấn đề phải giải quyết trong đầu tư vào Việt Nam, và cả vai trò của khoa học xã hội trong điều kiện một đất nước muốn cất cánh và thành công về kinh tế…
Xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của Yannik Madesclaire.
Do có một lịch sử luôn sôi động mà Việt Nam thường làm nảy sinh những phản ứng đa cảm và những xét đoán cực đoan. Những phân tích, xét đoán ấy đôi khi xa rời thực tế mà nguyên nhân là do sự đóng cửa lâu dài của Việt Nam đối với thế giới. Vào thời điểm mà đất nước này đang từ từ tái hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, có lẽ sẽ có ích nếu ta suy ngẫm về một số điều như huyền thuyết, cả trong quá khứ lẫn hiện tại: sự đối lập Nam – Bắc, di sản Mácxít – Lêninít, sức mạnh quân sự Việt Nam, “con rồng nhỏ” mới.
I/ Bắc – Nam: Có những gì khác nhau?
Sau một giai đoạn chiến tranh kéo dài 35 năm, Việt Nam tái thống nhất, đã lại tái hiện những sự manh nha một thứ tư tưởng li khai dưới hình thức bất tuân thủ trong việc phân chia của cải do có nhịp độ phát triển kinh tế khác nhau giữa hai miền Nam – Bắc, và những sự manh nha li khai ấy cũng đã có thể tung ra, một lần nữa, cái luận đề về “hai nước Việt Nam”. Trong thực tế thì sự khác biệt giữa hai miền Việt Nam có thể chỉ là hậu quả của một quá khứ mới gần đây.
Nước Việt Nam đã tồn tại từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên như một Vương quốc vùng châu thổ sông Hồng. Từ thế kỷ thứ 10 quốc gia này đã trải rộng trên 2000 km từ bắc xuống nam, còn Sài Gòn thì đã được lấn chiếm vào năm 1698 và các đường biên giới hiện nay thì được khẳng định vào cuối thế kỷ 18, ít lâu trước khi trở thành thuộc địa của Pháp. Chính là xuất phát từ châu thổ sông Hồng quá đông dân mà Vương quốc Việt Nam đã dần dần bành trướng, lấn đất của các Vương quốc Chàm và Khmer thông qua những cuộc di dân kế tiếp nhau về các miền đất phía nam vừa ít dân vừa có đất đai màu mỡ và khí hậu ôn hòa hơn.
Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, nhưng nếu ở đây cần có một sự phân chia địa lý hoặc dân tộc thì đó phải là kiểu phân chia đông – tây hoặc đồng bằng – miền núi, bởi vì trên suốt dải đồng bằng từ châu thổ phía bắc đến châu thổ phía nam mặc dù xa nhau về địa lý nhưng lại có một sự đồng nhất đại thể về dân tộc và văn hóa (ảnh hưởng của thế giới đạo Khổng). Thực vậy, người Kinh chiếm 80% dân số cả nước, cư trú trước hết trên các châu thổ và đồng bằng và đẩy lùi dần dần các dân tộc thiểu số vào các vùng cao nguyên và miền núi ở phía tây. Những dân tộc thiểu số này là phần dân cư nguyên sơ của bán đảo và do ngôn ngữ, văn hóa và cách sống của mình không phải tất cả đều bộc lộ những đặc điểm của thế giới mang ảnh hưởng Trung Hoa. Chính vì vậy mà chỉ cách Hà Nội 50km về phía tây, đã có những người không biết nói tiếng Việt, thế mà tiếng nói này lại được sử dụng tới tận 2000km về phía nam.
Trong bối cảnh như vậy, việc đối lập Nam – Bắc (“hai nước khác nhau”) với sự cố ý bỏ qua các tỉnh miền Trung và không tính đến những nét độc đáo địa phương, nổi lên như một ý đồ đã từng là đường lối của chính quyền thuộc địa Pháp và Mỹ trước đây nhằm thổi phồng những khác biệt giữa các miền với sự viện lý về địa lý và lịch sử hòng chia rẽ những người Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập của họ. Sự chênh lệch Nam – Bắc của Việt Nam cũng thuộc cùng một loại với sự chênh lệch trong nội bộ Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Italia, Trung Quốc, Brazil, Thái Lan và chẳng có gì có thể đủ tư cách để chia đất nước này thành 2 quốc gia, và những đụng độ đã từng làm cho Việt Nam đẫm máu trong 30 năm qua có lẽ trước hết chỉ là hậu quả trực tiếp của chiến tranh lạnh Đông – Tây vậy.
Nước Việt Nam không thể đem so sánh với Nam Tư mà có lẽ nó tương đồng hơn cả với cặp đôi Đông Đức – Tây Đức: trong khung cảnh đối đầu tư tưởng toàn cầu, những khác biệt về kinh tế và văn hóa đã bị thổi phồng, thậm chí đã bị khiêu khích bởi sự phát triển của hai miền thuộc hai chế độ chính trị – xã hội đối ngược nhau, những tác nhân đã từng nhào nặn nên những tâm lý và từng tạo ra những ảo tưởng về hai quốc gia khác nhau.
Vậy nên những người miền Nam mà trước năm 1939 được xem như là uể oải so với những người miền Bắc chăm chỉ làm lụng, đến 1994 lại được coi là những động lực của đời sống kinh tế của Việt Nam khi đối mặt với một cư dân miền Bắc bị mất hướng và thụ động sau 45 năm, dưới chế độ kinh tế kế hoạch hóa. Thực tế còn cho thấy những khía cạnh tinh tế hơn: ở Sài Gòn những động lực của đời sống kinh tế phần nhiều là những người Hoa và những người miền Bắc di cư vào năm 1954. Ở miền Bắc thì dân chúng bắt đầu không còn thụ động nữa kể từ khi họ được giải thoát khỏi sự bảo hộ, đỡ đầu của Đảng và trong một tình thế kinh tế tự do hơn, họ có thể tỏ ra là có khả năgn hơn dân chúng miền Nam trong việc làm chủ một số hoạt động công nghiệp.
Chiến tranh từng là một tác nhân quan trọng tạo ra sự phân hóa vùng bằng cách đẩy nhanh quá trình đô thị hóa ở miền Nam, trong khi ở miền Bắc nó lại dẫn tới việc giải tỏa, sơ tán các thành phố về nông thôn. Khi hòa bình trở lại, những khác biệt về kinh tế đã trở nên rõ nét hơn và người ta đều chấp nhận rằng các tỉnh phía Nam do bị chìm ngập trong chế độ kinh tế kế hoạch hóa ngắn ngủi hơn, nên tiến nhanh hơn so với các tỉnh miền Bắc, chủ yếu có độ tăng trưởng mạnh trong thương nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, miền nam có những khả năng tốt hơn cho sự đầu tư của các nhà công nghiệp nước ngoài và người ta có thể dự báo sự gia tăng của khoảng cách giữa hai miền. Tại sao vậy? Ở miền Bắc, việc kinh doanh của người dân bị kiềm tỏa từ năm 1954, song vẫn còn sót lại nhờ có truyền thống lâu đời về trao đổi hàng hóa và thương mại (truyền thống đặc trưng của những xã hội ảnh hưởng Trung Hoa) và tạo thuận lợi cho sự quá độ sang nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, óc kinh doanh ấy cũng chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, chứ không gắn bó với những hoạt động sản xuất (tìm kiếm những lợi nhuận tức thời), còn về kết cấu hạ tầng thì hoặc là không có hoặc đã lỗi thời. Ở miền Nam, mặc dù chiến tranh, các kết cấu hạ tầng tối thiểu vẫn tồn tại, óc kinh doanh có mặt khắp mọi nơi trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch và ở mức độ thấp hơn trong các lĩnh vực sản xuất: đó chính là nhân tố chủ chốt của sự phục hưng kinh tế.
Năm 1975, không phải là người ta đã chứng kiến một sự xâm lấn của miền Bắc đối với miền Nam, mà là một sự nắm lấy quyền quản trị bởi những người nông dân – cách mạng đối với một miền đất từng sống dưới chế độ kinh tế thị trường thống trị bởi một tầng lớp người thành thị; vả lại, người dân Sài Gòn cũng từng cảm nhận sự việc này như là sự tiến vào thành phố của “những người nông dân” hơn là sự tiến vào miền Nam của những người cộng sản hoặc của “những người miền Bắc”. Kể từ 1946, “các nhà lãnh đạo miền Bắc”, dù đó là người gốc Nam hay gốc Bắc, phần nhiều đều là các nhà cách mạng xuất thân từ nông thôn từng trải qua phần lớn đời mình trong các nhà tù thuộc địa hoặc trong các bưng biền. Chính xác hơn nữa, rất nhiều “nhà lãnh đạo miền Bắc” (trong đó có ông Hồ Chí Minh) là người gốc từ các tỉnh miền Trung, những tỉnh nghèo khó nhất ở Việt Nam và đã nhiều thế kỷ qua những tỉnh này từng là nơi bắt nguồn của những cuộc nổi loạn. Những “nhà lãnh đạo” Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975 đa phần xuất thân là dân thành thị từ tầng lớp tư sản bậc trung chống cộng sâu sắc và bao gồm một số lớn những người “Bắc” di cư vào Nam năm 1954 trong đó có nhiều người Công giáo với những chức vụ cao cấp trong quân đội và chính phủ, vậy mà người ta cứ thiên về trình bày cuộc đụng độ ở Việt Nam như là giữa 2 nước Việt Nam hơn là một cuộc nội chiến được nuôi dưỡng bởi những đối kháng quốc tế.
Hiện nay, trong số “các nhà lãnh đạo của Hà Nội” không một ai là người có gốc gác thuộc chính thành phố này, một số ít có nguồn gốc từ châu thổ sông Hồng. Dân cư Hà Nội, bản thân nó cũng không phải là điều người ta có thể tin được: người Hà Nội gốc chỉ chiếm không quá 10% và đã phải ca thán rằng họ đã bị trở nên ít ỏi bởi sự lấn át của “những người nông dân”: năm 1954 đã có một đợt di cư ồ ạt vào Sài Gòn và sang Pháp, đồng thời chính quyền cách mạng đã tổ chức những đợt nhập cư vào thành phố từ các vùng nông thôn của các tỉnh miền Trung. Một số lớn những người Hà Nội mới này còn xa mới trở thành “người thành thị” theo đúng nghĩa: những năm gần đây, Hà Nội trở nên giống một làng khổng lồ hơn là thủ đô chính trị và hành chính của một đất nước với 72 triệu dân; có lẽ không thể nói rằng đó là hậu quả của những trận bom Mỹ.
Nông thôn chống lại thành thị, dường như đó là một nét cố hữu của các cuộc cách mạng Cộng sản ở châu Á. Trái với những nguyên tắc mácxít, những cuộc cách mạng ấy đều được thực hiện bởi những người nông dân chứ không có giai cấp công nhân (hầu như chưa tồn tại), cho dù giai cấp này luôn được nhắc tới ở mọi lúc mọi nơi trong ngôn ngữ cách mạng. Ở Trung Quốc, chủ nghĩa Mao được đặc trưng bởi chiến thắng của những người công sản – dân cày (gọi là những người mácxít – Khổng Tử) đối với những người cộng sản – thành thị, tiếp đó là đối với những người “dân tộc chủ nghĩa – thành thị” thuộc Quốc dân Đảng và sau chốt là bởi cuộc bắt bớ đại trà các nhà tri thức trong thời kỳ cách mạng văn hóa. Ở Campuchia thì đó là chủ nghĩa diệt chủng đối với người thành thị và sự hoang vắng hóa các thành phố do những người Khmer đỏ theo chủ nghĩa Mao thực hiện. Cũng như các phong trào cộng sản Campuchia, Triều Tiên, Indonesia, chủ nghĩa Mao đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong trào cộng sản Việt Nam, trở thành dòng tư tưởng chính thống của nó trong suốt 30 năm trời. Dưới ảnh hưởng của cuộc cách mạng văn hóa Trung Quốc và sau khi ông Hồ Chí Minh qua đời, chế độ (cộng sản) đã thanh trừng nhiều người giữ chức vụ quan trọng trong thời kỳ từ 1969 đến 1977 sau khi đã tận dụng những hiểu biết của họ từ 1945 đến 1969, những trí thức ở miền Bắc (chủ yếu là các nhà khoa học và kỹ thuật); rồi kể từ 1976 việc áp dụng thứ “xã hội chủ nghĩa” giáo điều đã dẫn đến sự ra đi của nhiều nhà trí thức miền Nam.
(còn tiếp)
Người dịch : Đào Đình Bắc
Nguồn: Yannick Madesclaire – Au dela des apparences: un autre Regard sur le Vietnam des années 90 – Revue Tiers Monde, t. XXXV, no 140, Octobre – Decembre 1994, pp 891 – 906.
TĐB 95 – 01 & 02
https://
Đằng sau những vẻ bề ngoài một cái nhìn khác về Việt Nam những năm 90 - Phần I
https://
Nhận diện lợi ích nhóm ở Việt Nam Phần đầu
https://
Ổn định và thay đổi trong lịch sử kinh tế - Phần III
https://
Thỏa thuận hạt nhân Iran nhân tố thay đổi cuộc chơi
https://
Chế độ Liên Bang Mỹ - Phần cuối
https://
Quan điểm của ông Ngô Đình Nhu về hiểm họa xâm lăng của Trung Cộng - Phần I
https://
Luận Văn của ông Nhu
http://5xublog.org/2013/11/20/luan-van-cua-ong-nhu/
Khai quát về chính quyền Mỹ
http://maxreading.com/sach-hay/khai-quat-ve-chinh-quyen-my
Chính Trị Luận
http://maxreading.com/
Tóm tắt về nền kinh tế Mỹ
http://maxreading.com/sach-hay/tom-tat-nen-kinh-te-my
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét