Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

VĂN HÓA TRANH LUẬN - YÊU NƯỚC

YÊU NƯỚC
Yêu nước không phải là lên mạng để tranh cãi xem ai là "anh hùng bàn phím" còn ai là anh hùng thật sự, mà yêu nước là trân trọng những cách thể hiện tình yêu nước (có thể mỗi người mỗi khác) và khuyến khích người Việt đoàn kết lại thay vì cố vặn vẹo, chỉ trích nhau. Mỗi người có một cách yêu nước riêng của họ. Điều quan trọng là họ cũng yêu nước như bạn bởi vì họ cũng là người Việt Nam.
Yêu nước không hẳn là cứ nhất định phải cầm súng để bắn vào một ai đó, vì nếu không được huấn luyện kỹ, cầm súng lên chưa chắc chúng ta đã kịp bắn ai, mà yêu nước là sáng suốt lựa chọn vị trí nào mình có giá trị nhất đối với đất nước. Nếu bạn nghĩ mình là một chiến sĩ can đảm, hãy tòng quân và cầm súng. Nếu bạn nghĩ mình có thể đóng góp về kinh tế, hãy xây dựng kinh tế. Mỗi mặt trận muốn thắng đều cần những "chiến sĩ" giỏi nhất. Chiến thắng thật sự và lâu dài đến từ sự kết hợp nhiều mặt trận chứ không chỉ riêng gì chiến trường.
Yêu nước không phải là thích thì mở miệng ra chửi đồng bào mình là ngu, là hèn, là chỉ biết nói... yêu nước là giúp cho đồng bào mình hiểu thế nào mới thật sự là khôn ngoan, là dũng cảm, là hành động đúng đắn. Mỗi người chúng ta đều hiểu biết giới hạn, hãy khiêm tốn học hỏi lẫn nhau và kiên nhẫn chỉ bảo nhau. Nếu bạn muốn chửi ai đó, có lẽ nên chửi những kẻ đang muốn cướp nước mình.
Yêu nước không phải là đợi đến lúc đất nước có chiến tranh thì mới yêu, mà yêu nước là chiến đấu trước hết với bản thân mình trong thời bình để hiểu biết hơn, thành công hơn, hạnh phúc hơn, để xã hội tốt đẹp hơn, để đất nước giàu mạnh hơn.
Yêu nước không phải là đòi chiến tranh để cho thằng nào đó biết mặt người Việt không sợ chết, mà yêu nước là cố gắng góp phần làm cho đất nước đủ mạnh để chiến tranh không bao giờ có thể xảy ra trên quê hương mình. Để đến khi không còn lựa chọn nào khác buộc phải có chiến tranh, kẻ thù sẽ biết thế nào là sức mạnh của một dân tộc yêu hòa bình.
Yêu nước không phải là hỏi người khác: "Bạn đã làm được gì cho đất nước?", mà yêu nước là tự hỏi chính mình: "Tôi đã làm được gì cho đất nước?". Đó là điều tôi luôn tự hỏi mình và cảm thấy mình vẫn chưa làm được gì nhiều cho đất nước. Chính vì thế, tôi phải cố gắng hơn mỗi ngày, ngay từ ngày hôm nay, ngay từ những việc nhỏ xung quanh mình.
Yêu nước không phải là một tấm huân chương để trao cho người này hay tước của người khác, mà yêu nước là từng việc nhỏ bạn làm vì mình, vì người trong thời bình hay trong thời chiến, nghĩa là từng việc nhỏ bạn làm bắt đầu ngay từ hôm nay cho dù bạn là học sinh, sinh viên, kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên, quản lý, thương nhân, doanh nhân, công nhân, nông dân, chiến sĩ,... bởi vì là ai đi nữa thì bạn cũng là NGƯỜI VIỆT NAM.
(Tôi viết vì tôi trân trọng lòng yêu nước của mỗi người Việt. Đây chỉ là suy nghĩ cá nhân của tôi, bạn có thể đồng ý hay không đồng ý, tôi vẫn luôn tôn trọng. Hy vọng người Việt chúng ta cùng nhau nhận ra đã đến lúc phải đoàn kết lại thay vì mãi chỉ trích nhau.)

-----------------------------------------------------------------------

VĂN HÓA TRANH LUẬN, NỖI XẤU HỔ CỦA VĂN HÓA VIỆT
Trong một cuộc gặp mặt báo chí, ông Nguyễn Sĩ Dũng, phó chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội đã nói: “Báo chí đã thực sự đóng góp rất lớn vào thành công của kỳ họp, đồng thời đóng góp rất lớn và phát triển của đất nước khi mà tranh luận xã hội đã đi cùng với phát triển trước những vấn đề lớn của đất nước, bước đầu đã hình thành văn hóa tranh luận trên báo chí…” Một lời khen đắng ngắt, trải qua gần hai thế kỉ báo chí nước nhà mới hình thành văn hóa tranh luận, quá buồn nhưng có vẻ như lời khen hơi quá.
Liệu chúng ta đã hình thành văn hóa tranh luận hay chưa? Câu hỏi thật khó trả lời. Không phải không có những cuộc tranh luận có văn hóa, nhiều là đằng khác nhưng nó quá ít, như muối bỏ bể, nếu xét trên cái nền chung văn hóa tranh luận nước nhà hiện thời. Những đạo lý lỗi thời tồn đọng từ xưa tới nay trong tâm thức người Việt, nguyên nhân của sự bất bình đẳng trong tranh luận, nói khác đi, khó có thể có văn hóa tranh luận khi mà sự vâng lời, tính tuân thủ, thói quen chấp hành vô điều kiện giữa lớn và bé, cao và thấp, to và nhỏ đang là triết lý sống của người Việt.
Chưa bàn đến việc đó, ngay cả khi hoàn toàn được quyền tranh luận bình đẳng, không có sự cản trở nào của đạo lý cổ truyền hay các luật lệ đương thời, thì người ta cũng không đủ được bình tĩnh để bảo toàn cuộc tranh luận, không chóng thì chầy nó trở thành cuộc cãi lộn, chửi rủa, thóa mạ nhau. Mục đích tối thượng của tranh luận là tìm kiếm chân lý đã không được coi trọng, người ta đánh đồng liêm sĩ với chân lý, bảo vệ ý kiến của mình không còn là bảo vệ một chân lý khoa học mà bảo vệ liêm sĩ của cá nhân mình, khốn thay.
Đấy là lý do để người ta không chịu tranh luận mà ngụy biện, tháu cáy lí lẽ, bẻ quẹo các khái niệm và đổ vấy đối phương bằng sự chụp mũ trắng trợn và thô bạo. Một nhà văn hóa đã nói: “Việc cá thể hóa một tranh luận là điểm khởi đầu hoàn hảo để biến nó thành chiến tranh.” Hoàn toàn chính xác. Một khi đánh đồng sự đúng sai với phẩm hạnh hay trình độ của người tranh luận thì kết cục tất yếu của mọi cuộc tranh luận sẽ là khinh rẻ và thù hằn nhau, không thể khác.
Kể từ khi văn hóa mạng phát triển, các cuộc tranh luận ngày càng lâm vào tình trạng hỗn loạn, lắm khi không còn ra thể thống gì nữa. Một người lấy tên thật phải đối phó với hàng trăm, hàng ngàn kẻ lấy nick name ảo. Có nhiều lý do để người ta lấy nick ảo, nhưng với những kẻ giấu tên thật chỉ để chửi nhau, thóa mạ nhau cho dễ thì người có tên thật khác nào đương cự với đám đông những kẻ ném đá giấu tay. Xuất hiện ngày càng nhiều các cuộc chửi rủa, thóa mạ bất tử. Không cần phải lý lẽ, nếu mày nói ngược lại điều tao muốn thì mày bị ăn chửi. Thật không gì tệ hại hơn.
Về một bài viết nổi tiếng của giáo sư toán học Ngô Bảo Châu đã làm cho anh quá mệt mỏi không phải vì những chỉ trích nghiêm túc, chỉ vì anh không thể nói chuyện được với những kẻ “mở miệng là chửi bậy, viết đi viết lại cũng chỉ dăm câu đại loại “Đèo mạ cái thứ nực cười ….muốn ỉa quá!” và “thóa mạ anh bằng thứ ngôn từ hàng chợ, gọi anh là “giáo sư cừu gặm cỏ”. (Theo nhà báo Trương Duy Nhất).
Có lẽ đó là lý do Ngô Bảo Châu buộc phải đóng cửa blog Thích học toán của mình, cũng là lý do vì sao văn hóa tranh luận nước nhà bị coi là nỗi xấu hổ của văn hóa Việt.
Trích TẠP CHÍ CHIM LỢN.

1 nhận xét:

  1. Page này hay quá! Cảm ơn nha! Mình sẽ đọc hết tất cả những gì mà page này có được để dùng làm hành trang trong tương lai!

    Trả lờiXóa