Thứ Hai, 1 tháng 8, 2016

NGHĨ TỪ MỘT CUỐN SÁCH "BUỒN CƯỜI

''NGHĨ TỪ MỘT CUỐN SÁCH "BUỒN CƯỜI"...

Hôm qua rảnh rang hơn một chút, mình và Nam ngồi đọc báo.

Mình chỉ cho Nam bài báo nói về những câu văn “ngô nghê, bật cười” trong kì tuyển sinh vừa qua.

Cứ tưởng chắc ít ra Nam cũng tủm tỉm cười.

Nhưng rồi Nam lăn mình trên đệm, hai tay cầm tay mẹ và nói: Mẹ ơi, em kể mẹ nghe về một cuốn sách “kì lạ” này nhé.

Đó là cuốn: Hai mươi bài thơ cho lễ các bà mẹ.

Gọi là sách nhưng thực chất nó là tuyển tập 20 bài thơ của các bạn nhỏ Pháp viết dành cho mẹ nhân “Ngày của mẹ”. Vẫn còn nguyên trên giấy học trò và có kèm theo cả lời phê của cô giáo.

Nhưng điều mẹ biết “lạ” là gì không. Đó là không giống như những bài thơ, bài văn ca ngợi sự hiền dịu, xinh đẹp của mẹ, lòng tốt, tình yêu thương của mẹ bằng những từ hoa mỹ, những câu văn đẹp, chau chuốt, tất cả các bài thơ đó đều hết sức “buồn cười”.

Có em thì nói: Mẹ mặc chiếc áo hoa này rất đẹp. Con sẽ mặc áo này cho mẹ khi mẹ chết.

Có em hứa: Con sẽ thôi không... móc mũi để ăn.

Có em tuyên bố thẳng thừng là mình căm ghét cha dượng.

Có em ngậm ngùi là mình sẽ không bao giờ làm quà cho mẹ nữa vì những món quà mình làm cho, mẹ đều đã vứt hoặc quên ở đâu đó.

Có em hờn tủi: Con hứa sẽ ăn ít để mẹ không còn nói: Mẹ ân hận khi đã sinh ra con và ví con là địa ngục!

Nghe Nam kể xong, cả hai mẹ con đều lặng yên, mỗi người theo đuổi một suy nghĩ.

Một cuốn sách “dị thường” nhưng đầy ắp hơi thở cuộc sống. Có yêu thương chân thật, có tổn thương, có nỗi niềm con trẻ.

Nó khiến những người làm cha làm mẹ cũng nhìn lại quá trình làm cha mẹ của mình.

Nó giúp trẻ con có cái nhìn xét đoán. Được nói ra những điều nằm trong suy nghĩ của chúng.

Trong dạy học, các giáo viên vẫn thường thấy điều này, thấy những suy nghĩ đáng yêu này.
Hoặc chúng ta bật cười, cho qua. Hoặc chúng ta “lên án”, chúng ta uốn nắn: Không được rồi, phải viết thế này, thế này...

Nhưng ở một đất nước xa xôi, họ xuất bản thành sách để mọi người cùng đọc thì quả thực là một cách làm rất vui, rất đáng yêu.

Nó đi ngược lại với “tinh thần văn mẫu”.

Và mình cứ ước ao, ngay từ nhỏ các em sẽ được viết những bài thơ, bài văn như thế. Những bài văn là cách nhìn, cách suy nghĩ của chính cá nhân em, không bị áp đặt bởi bất kì ai.

Mình có đứa cháu, cứ mỗi kì thi là chật vật với việc học thuộc những bài văn mẫu. Có khoảng 3-5 bài cô cho, cứ ra rả đọc cho đến thuộc lòng. Vào thi, nếu “trúng tủ” bài đã thuộc là hớn ha hớn hở. Còn nếu không thuộc, cầm chắc điểm kém. Cứ thế, môn Văn trở thành “gánh nặng”, việc viết văn trở thành ám ảnh với rất nhiều em.

Mình luôn tin rằng, trong mỗi đứa trẻ đều tiềm ẩn khả năng viết lách. Miễn là “viết những gì chúng thích”.

Hồi Nam còn nhỏ, cứ cái gì liên quan đến phương tiện là Nam mê. Thế nên, các “đề văn” của mình toàn là: Tưởng tượng cuộc trò chuyện của những chiếc ô tô đồ chơi/ Cuộc phiêu lưu của ô tô màu đỏ/ Viết về thành phố ô tô/ Chuyến tàu vào vũ trụ... có thể vì thế nên Nam không ngại viết.

Ở lớp học, nhiều lần Nam bị điểm kém môn Văn. Có lần cô giáo “tế nhị”: Thôi, bài của con, con mang về cho... bố chấm nhé.

Mỗi lần như vậy, mình đều cùng Nam ngồi lại xem vì sao bài lại điểm kém. Những lỗi về câu, về chính tả thì phải sửa. Nhưng những điều mà là ý tứ mới mẻ của Nam, khác với những cách làm thông thường, mình thường giả bộ ngạc nhiên và nói: Tuyệt thật đấy, mẹ đọc mà thấy vui ơi là vui. Nhờ Nam viết ra mà mẹ mới biết. Em giải thích cho mẹ thêm đi.

Người ta nói, trong não trẻ thơ luôn có “vùng tối” ngây thơ nhưng đầy bất trắc. Chúng cũng suy nghĩ đủ thứ cả niềm vui lẫn nỗi buồn, cả hạnh phúc và đau khổ.

Người lớn thường “lờ” đi và cho tất cả vào một cái “rọ” an toàn.

Làm thế nào để nhờ có viết, trẻ được bật ra một cách hồn nhiên nhất, những “vùng tối” đó.

Làm thế nào để không phải tất cả lớp hễ “kể về việc giúp mẹ” là chỉ có giặt quần áo và nấu cơm, hễ giúp đỡ người già là tất thảy đều “dắt cụ qua đường”, cho dù cụ có “chống cự quyết liệt”.

Làm thế nào để những đề văn gây được hứng thú. Làm thế nào để mỗi kì thi văn không phải là kiểm tra học thuộc lòng...

Làm thế nào để giáo dục, ngoài những yếu tố cần thiết như: Kiên nhẫn, Yêu thương, Đúng cách còn có Thừa nhận và Tin tưởng...

Những câu hỏi đó càng trở nên sâu sắc hơn, khi mình nghe Nam kể về cuốn sách đặc biệt.

Và vẫn chưa thấy câu trả lời...

Phan Hồ Điệp