Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

SỰ ÁP ĐẢO CỦA PHƯƠNG TÂY ĐỐI VỚI PHƯƠNG ĐÔNG TRÊN PHƯƠNG DIỆN VĂN HÓA VÀ TINH THẦN TRUYỀN THỐNG

SỰ ÁP ĐẢO CỦA PHƯƠNG TÂY ĐỐI VỚI PHƯƠNG ĐÔNG TRÊN PHƯƠNG DIỆN VĂN HÓA VÀ TINH THẦN TRUYỀN THỐNG
A. SỰ ÁP ĐẢO NÀY LÀ CÓ THẬT VÀ CÓ NGUYÊN NHÂN
1. Ai cũng biết: trong thời cổ đại, thế giới có 3 nền văn minh tiêu biểu và rực rỡ nhất thì trong đó, phương Đông chiếm hai: Văn minh cổ đại Ấn Độ và văn minh cổ đại Trung Hoa. Còn phương Tây chỉ một: Văn minh cổ đại Hy La. Vậy mà, trải qua thời kỳ trung đại, do điều kiện địa lý, lịch sử của hai bên khác nhau mà dẫn đến tình trạng: phương Tây bứt lên, phát triển ào ạt, tạo dựng được một nền văn minh vật chất, văn minh động (chữ dùng của Đông kinh nghĩa thục trong Văn minh tân học sách) của phương Đông. Từ đó mà có cuộc tấn công, áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên mọi mặt: chính trị, kinh tế văn hóa, tinh thần…
2. Tại sao có hiện tượng một bên thì tiến nhanh, một bên thì tiến chậm để đến bị áp đảo? Có thể có nhiều cách giải thích. Sau đây là hai cách giải thích đáng được lưu ý.
- Do điều kiện sống của hai bên khác nhau để tạo cho mỗi bên một kiểu tư duy khác nhau. Với phương Tây là kiểu tư duy thiên về tuyến tính (linéaire), kèm theo là năng lực tư duy phân tích (analytique), từ đó đi vào con đường phát triển khoa học, đặc biệt là khoa học thực nghiệm, thực dụng (pragmatique), tạo ra một nền văn minh vật chất đồ sộ, phi thường, kèm theo là một nền văn minh tinh thần kiểu phương Tây, có nhiều mặt khác phương Đông. Trong khi, với phương Đông lại có kiểu tư duy thiên về cầu tính (globale, sphèrique) mang tính chất hỗn hợp giữa trực giác và lý tính, vô thức và hữu thức, tiềm thức và ý thức, ít năng lực duy lý, phân tích, do đó không phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật, không xây dựng được đời sống văn minh vật chất bề thế như phương Tây, để rút cục bị phương Tây tấn công áp đảo. Sau này, đặc biệt là hiện nay, nhờ có sự giao lưu Đông Tây được mở rộng, sự xâm nhập lẫn nhau tăng tiến trong mọi lĩnh vực của đời sống thì sự khác biệt giữa hai kiểu tư duy trên, tuy có được rút ngắn rõ rệt, nhưng không phải là không còn. Điều này hoàn toàn có thể chứng minh bằng nhiều phương diện.
- Cách giải thích thứ hai lại muốn đi theo một hướng khác là cho rằng xét trong tổng thể và ở cấp độ vĩ mô nhất, trường cửu nhất trong sự sống nhân loại, thì cái gọi là cao thấp về văn minh giữa Tây và Đông, chưa hẳn đã đúng. Ở đây là sự lựa chọn giữa hai con đường xây dựng và duy trì sự sống. Con đường xây dựng sự sống của phương Tây trước mắt là được, là cao tuyệt, nhưng xét lâu dài, vào các kỷ nguyên sau, chắc gì đã được. Bởi cái mặt trái của tấm huấn chương này cũng là tày trời. Ở đây quả thật có quy luật như Tản Đà đã nói: Sự văn minh tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu (Giấc mộng con, tập 1) Còn phương Đông, đành là chịu thua kém về cuộc sống vật chất, nhưng lại chăm lo nhiều hơn đến cuộc sống tinh thần, và như thế, xét lâu dài, chắc gì đã dại. Ở đây, luật đối trọng và luật cân bằng giữa hai phương diện vật chất và tinh thần là điều quan trọng nhất để duy trì và phát triển sự sống lâu dài. Cách lý giải thứ hai này liệu là một sự ngụy biện, một thứ AQ theo chủ nghĩa chiến thắng tinh thần từng bị Lỗ Tấn chế giễu không? Thiết tưởng không thể đơn giản trong sự kết luận về kiến giải này được.
3. Dù nói gì thì nói, hiện tượng phương Đông bị phương Tây áp đảo trên phương diện văn hóa – tinh thần vẫn là một sự thật không thể chối cãi và đáng buồn là cho tới hôm nay vẫn chưa được chính người phương Đông (ở đây hẵng cứ nói người Việt Nam) nhận rõ tới mức cần thiết để có cách thanh toán, có lợi cho sự phát triển của mình. Quy luật của sự áp đảo và bị áp đảo là quy luật của cái mạnh đối với cái yếu. Cái mạnh nhờ mạnh mới áp đảo được. Cái yếu thì vì yếu nên mới bị áp đảo. Nhưng không chỉ thế. Phía mạnh không phải cái gì cũng hay. Ngược lại, phía yếu không phải cái gì cũng dở. Có điều là một khi đã bị áp đảo thì cái dở của phía mạnh cũng tham gia chiến thắng, và cái hay của phía yếu cũng thành chiến bại. Nhìn vào cuộc hôn phối Tây Đông gần hai thế kỷ qua cho tận hôm nay, thấy rõ quy luật phức tạp vừa nói.
B. NHỮNG ĐIỀU BIỂU HIỆN CƠ BẢN CỦA SỰ ÁP ĐẢO
1. Nhìn từ mặt ngoài: sự áp đảo đã diễn ra trên nhiều lãnh vực thuộc đời sống văn hóa – tinh thần như: triết học, văn học, y học, võ thuật, thể dục, trò chơi…
- Về triết học: đó là hiện tượng làm mất địa vị chủ nhân và mai một những điều không đáng mai một đối với các học thuyết Nho, Phật, Lão sản phẩm bản địa của phương Đông, một cách rất oái ăm là: tự người phương Đông (tất nhiên không phải tất cả, nhưng là khá đông) vì choáng ngợp, vì “trông người mà ngậm đến ta”, không đủ độ tỉnh táo, quay ra chê bai, phủ nhận thành quả triết học của cha ông tổ tiên mình. Chưa dám nói đâu xa, cứ nói chuyện, không ít người người Trung Quốc và người Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX lại đây, chê bai Nho giáo, coi thường Phật giáo, bỏ rơi Lão Trang, khinh thường Kinh Dịch… trong khi sùng bái một chiều tư tưởng Phục hưng, chủ nghĩa duy vật, triết học ánh sáng, chủ nghĩa duy lý… phương Tây, kể cả cách đón nhận chủ nghĩa Mác theo kiểu đã có… thì không thể không nghĩ đến sự áp đảo đó, trên phương diện triết thuyết. Điều cần nói thêm cho hiểu hết độ oái ăm của hiện thực là không phải người ít học, ngược lại có người thuộc bậc đại trí đại thức, không phải không yêu phương Đông, và dân tộc mình, ngược lại đều là yêu nước, yêu phương Đông đã làm nên việc này. Ví như Lỗ Tấn ở Trung Quốc. Và ở Việt Nam, cũng là thế. Xin miễn ví dụ.
- Về văn học: đó là hiện tượng kiểu tư duy lý luận, phê bình văn chương thiên về cầu tính, hỗn hợp trực giác và lý tính, rất coi trọng trực giác chân lý nghệ thuật và có nhiều khả năng tiếp cận chân lý nghệ thuật, tồn tại lâu đời, nay đã bị lép vế hẳn so với kiểu tư duy lý luận, phê bình văn chương thiên vào sự phân tích, duy lý, thậm chí là lạm phát lý tính, ít nhiều xa với chân lý nghệ thuật vốn từ phương Tây đến. Ví dụ phê bình Truyện Kièu của Nguyễn Du ngày trước, cụ Mộng Liên Đường chỉ cần một câu rằng “Nguyễn Du có một con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ tới muôn đời”, còn ngày nay, ông Lê Đình Kỵ viết cả một cuốn sách “Chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” hơn 500 trang. Ở đây không thể coi thường giá trị cuốn sách của Lê Đình Kỵ. Nhưng thử hỏi: giá như Nguyễn Du sống lại, hỏi tiên sinh: ai tri âm với mình hơn? Không khéo tiên sinh đáp: Mộng Liên Đường! Mộng Liên Đường! Bởi Lê Đình Kỵ nói đến chủ nghĩa hiện thực bằng hệ thuyết phương pháp phân tích của lý luận văn học hiện đại được du nhập từ phương Tây, từ Liên Xô tới, tuy có đưa đến nhiều sự khám phá lý thú, nhưng thật ra vẫn chưa thấm vào đâu so với luận điểm “con mắt trông thấu sáu cõi” mà Mộng Liên Đường đã tặng cho Nguyễn Du. Cũng vậy, Lê Đình Kỵ nói về chủ nghĩa nhân đạo trong truyện Kiều cùng với không biết bao nhiêu nhận xét hấp dẫn. Nhưng cũng chưa nói hết cái sức hàm chứa trong lời của Mộng Liên Đường rằng: Nguyễn Du có “Tấm lòng nghĩ tới muôn đời!”. Vậy mà ngày nay, giới phê bình văn học, kể cả các thầy giáo trong nhà trường dạy văn, có mấy ai để ý tới kiểu cách phê bình của Mộng Liên Đường mà cũng là của truyền thống tiếp nhận văn chương của phương Đông xưa nữa đâu. Và biết bao giờ, trong đời sống văn học Việt Nam mới có được sự phối hợp bình đẳng Đông Tây trong tiếp nhận nghệ thuật này.
- Về y học: đó là hiện tượng nền y học cổ truyền của phương Đông, đặc biệt là của Trung Hoa với những tên tuổi vĩ đại như Biển Thước, Hoa Đà… đã là kỳ diệu trên cả hai phương lý thuyết và thực hành, có cơ sở triết học độc đáo và sâu sắc, in cá tính tư duy thiên về cầu tính của phương Đông, từng là phương tiện chữa trị rất thần hiệu cho người phương Đông, vậy mà từ đầu thế kỷ XX đến nay đã bị nền Tây y lấn át rõ rệt, sống lay sống lắt, bị dè bỉu bởi mấy ông đốc tờ Tây. Tất nhiên hiện nay đã có khác, y học cổ truyền phương Đông đang có cơ hội hồi sinh.
- Về võ thuật: Đó là hiện tượng nền võ thuật phong phú lâu đời, hấp dẫn của phương Đông vốn dựa trên nguyên tắc tổng hợp sức mạnh của trí lực, của cơ bắp, đặc biệt là sức mạnh tiềm ẩn thuộc nội tại cơ thể con người, vậy mà từ đầu thế kỷ XX này đến nay đã bị lép vế rõ rệt trước nền võ thuật của phương Tây xem ra có vẻ thiên vào sức mạnh trí lực, cơ bắp và những năng lực hiển hiện, trông thấy được ở con người. Cả về mặt sự luyện tập của con người, đó là hiện tượng các hình thức cổ truyền của phương Đông như khí công, khinh công, nội công… bị lép vế trước các hình thức thể thao thể dục của phương Tây. Nghĩ thêm sang chuyện trò chơi giải trí cũng thấy như vậy. Bao nhiêu hình thức vốn là đặc sản phương Đông: cờ tướng, cầu lông, tổ tôm, mã chược, vật cầu… nay chỉ là thứ sống dở chết dở, trước sự áp đảo của các trò chơi phương Tây. Nghe tin em bé tỉnh Thanh vừa qua đạt giải vô địch cờ vua thế giới ở độ tuổi 12, người Việt Nam ai mà không sướng bụng. Nhưng giá gì có một em nào đó của Việt Nam lại đạt được giải nhất như thể về cờ tướng, thì còn sướng biết mấy. Tất nhiên là trước khi mong điều này, còn phải mong là thế giới sẽ có giải thi quốc tế về cờ tướng đã.
2. Nhìn thêm vào trong: trở lên là những hiện tượng bị áp đảo dễ thấy vì nó lộ ra trước mắt mọi người. Nhưng quan trọng hơn, còn là những vấn đề thuộc phía bên trong, tức là thuộc quan niệm triết lý, đạo đức, xã hội, thuộc đời sống văn hóa, tinh thần của con người, vốn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn nhưng lại tồn tại dưới dạng trừu tượng không dễ gì nhận ra với số đông, nhất là với những ai đã ly hôn với chúng lâu ngày. Người viết bài này, vừa chưa đủ sức dàn dựng vấn đề một cách hệ thống, vừa do khuôn khổ bài viết không cho phép, nên tạm ghi lại đôi điều như sau:
2.1. Quan niệm về con người: quả thực có sự khác nhau bên cạnh sự giống nhau giữa Tây và Đông chung quanh quan niệm về con người. Và trên phương diện này, không phải cái gì thuộc phương Đông cũng thua phương Tây. Thậm chí còn ngược lại. Ví như quan niệm “tam tài” (thiên-địa-nhân) “Vạn vật tương đồng”, “thiên nhân hợp nhất”, “Thiên nhân nhất thể” của Nho giáo và quan niệm con người và muôn loài là bình đẳng của Phật giáo, chứ con người không phải là trung tâm vũ trụ, chúa tể của muôn loài theo kiểu phương Tây. Quan niệm tam tài rõ ràng là đặt con người trước hết là trong quan hệ với vũ trụ với đất trời rồi mới đến quan hệ giữa con người với nhau giữa cõi nhân gian. Quan niệm con người bình đẳng với muôn loài từ đó dẫn đến sự kêu gọi tình thương tới muôn loài, chủ trương không sát sinh, đúng là có mặt phi thực tế nhưng không hẳn hoàn toàn phi lý. Cũng như quan niệm coi con người là trung tâm của vũ trụ, chúa tế của muôn loài, thực tế đã đưa đến cho con người một đời sống vật chất và tinh thần vô cùng lớn lao, nhưng không phải là không có mặt trái. Khoa chiêm tinh học và học thuyết về môi trường sinh thái nhân loại, các lý thuyết nhân văn hiện đại đã cho phép suy nghĩ một cách phức tạp hơn trước những quan niệm trên, ít ra là không thể quá đơn giản trong việc khẳng định sự hơn thua đã có mà xét cho cùng chính là sự áp đảo gây nên ở nhiều thập kỷ qua do ảnh hưởng phương Tây. Đó là chưa muốn nói rằng đã có loại ý kiến muốn đặt quan niệm “tam tài” lên trên hết mọi quan niệm khác về con người và muốn cuộc sống nhân loại được triển khai theo quan niệm đó.
2.2. Cách xử lý mối quan hệ đức – trí, đức – tài trong cuộc sống con người: quả đây cũng là chỗ có sự khác nhau giữa Tây và Đông. Ở phương Đông cổ trung đại, nói chung thiên về đức trị hơn là pháp trị. Nhiều người từng cho đó là chỗ thấp kém của phương Đông so với phương Tây sớm biết coi trọng pháp trị. Cách kết luận đó, ít nhiều vẫn có mặt chưa thỏa đáng bởi lẽ chưa nhìn hết tính năng của việc coi trọng đức trị. Phương Đông có Nho giáo với thuyết NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN trong đó TRÍ đứng thứ tư sau NHÂN LỄ NGHĨA thuộc phạm trù đạo đức. Với thuyết NHÂN, TRÍ, DŨNG thì TRÍ vẫn là thứ hai sau NHÂN. Với thuyết “Tiên học lễ, hậu học văn”, VĂN là sau LỄ. Với thuyết “tam lập” (tam bất hủ) thì trên hết là lập đức rồi đến lập công. Còn lập ngôn đứng cuối. Rõ là đặt ĐỨC cao hơn TRÍ. Với chữ TÀI cũng vậy. Phải sau TÂM (cũng là ĐỨC), đúng như Nguyễn Du nói: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Trong khi ở phương Tây, khuynh hướng chủ đạo là đặt TRÍ trên hết và từ đó đã tạo ra những thành tựu vĩ đại về khoa học kỹ thuật, tạo ra một đời sống vật chất và tinh thần bề thế như mọi người đã biết. Nhiều người cũng đã cho rằng như thế là ở mặt này, phương Tây cao hơn phương Đông. Nhưng nếu xét ở cấp độ vĩ mô nhất, vĩnh hằng nhất của sự sống nhân loại thì có thể nghĩ khác. Công trình của Cao Minh Trí, quốc tịch Trung Hoa, quan chức cao cấp của Unesco thuộc Liên hiệp quốc có nhan đề “Văn hóa và phát triển: từ mô hình đạo đức – vị kỷ - nhân loại đến mô hình đạo đức – sinh thái – vũ trụ” gửi tới hội thảo quốc tế về vấn đề “Con người với tư cách mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội” họp tại Hà Nội vào tháng 8/1994 đã muốn đặt lại vấn đề theo hướng thiên về giải pháp của phương Đông cổ truyền.
2.3. Thuyết âm dương và luật đối trọng, cân bằng (quân bình) để đảm bảo sự sống nói chung, sự sống con người nói riêng: Học thuyết âm dương vốn là đặc sản triết học vô cùng cao diệu của Trung Hoa cổ đại và đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của nhiều nước phụ cận Trung Hoa tại phương Đông. Nó có dáng vẻ siêu hình nhưng chính là có giá trị thực tiễn lớn lao trong sự sống con người ở mọi lĩnh vực. Vậy mà từ ngày bị phương Tây áp đảo, người đời, trước hết vẫn là người phương Đông, hầu như đã bỏ rơi mất ý nghĩa thực tiễn để chỉ nhìn thấy bề mặt siêu hình của nó và từ đó dường như đã phủ nhận trơn nó nốt. Giá trị thực tiễn của thuyết âm dương chính là ở chỗ đã đưa con người tới quy luật đối trọng để tạo sự cân bằng; vốn là quy luật lớn nhất đảm bảo độ vững chải cho sự sống nói chung, sự sống con người nói riêng. Nhận thức tường minh về học thuyết âm dương và quy luật đối trọng, cân bằng này và dùng nó làm hệ quy chiếu, làm công cụ rà soát, kiểm tra lại nhiều phương diện cơ bản trong sự sống Việt Nam hôm nay, hẳn là có sự bổ ích rất lớn. Nhưng biết tới ngày nào mới có được như thế một khi nó vẫn bị sự áp đảo của nhiều lý thuyết từ phương Tây đến. Tất nhiên, khả năng phục sinh của nó không phải là không có với nhiều dấu hiệu gần đây. Xin chờ.
2.4. Tôn giáo và sự sống con người: nói thế này đã đúng chưa: trước khi tiếp xúc với phương Tây, ở phương Đông chưa hề sa vào chủ nghĩa vô thần và phương Đông đã tồn tại vừa trong sự kìm hãm vừa trong sự nâng đỡ của tôn giáo. Phật giáo quả có ru ngủ con người nhưng trước hết là sự níu kéo con người ở lại với cõi thiện. Nho giáo không phải là tôn giáo nhưng có cách ứng xử về tôn giáo thật là tuyệt với hai luận điểm ngắn gọn mà cần thiết nhất, không dễ gì các học thuyết khác đã có: “Tế thần như thần tại” ( tế thần thì như có thần) “kính nhi viễn chi” (kính thần nhưng phải xa thần vậy). Vậy mà chủ nghĩa vô thần, với trạng thái này trạng thái khác từ phương Tây tới, lần lượt đã gây ra sự chao đảo cho người phương Đông mà tới nay xem ra cũng không dễ gì gỡ được. Trên đất nước ta hiện nay, đang có chiều hướng muốn gỡ. Nhưng muốn gỡ nhanh, thì lại cần có sự tường minh về tôn giáo. Lại xin chờ.
2.5. Về chế độ phong kiến và ông vua của nó: sự tấn công và áp đảo của phương Tây đối với phương Đông, ngoài sự mạnh yếu của hai bên, còn là sự tấn công áp đảo của hai hình thái xã hội, một bên là chủ nghĩa tư bản, một bên là chế độ phong kiến (kiểu phương Đông không giống hệt chế độ phong kiến phương Tây trước đó). Chế độ phong kiến phương Đông bị tấn công, bị hạ bệ, cơ bản là đáng kiếp, nhưng cũng có điều đáng thương đáng tiếc, nhất là những gì nhân dân, đất nước đã tạo dựng được hoặc cùng giai cấp phong kiến phối hợp tạo dựng được trong lòng chế độ phong kiến mà thực tế đã có giá trị tích cực, lớn lao trong sự sống của đất nước, của nhân dân mình. Tâm lý coi trọng đức trị, cùng với đó là hệ thống lý thuyết đạo đức, coi trọng gia đình, cùng với đó là những thiết chế cần cho sự tồn tại vững chãi của gia đình để đóng được vai trò tích cực là tế bào khỏe của xã hội, coi trọng sự học vấn, cùng với đó là việc tổ chức xã hội dựa trên cơ sở học vấn… có bao nhiêu đáng giá như thế, vậy mà sau này, vì lẽ này lẽ khác, trong đó có lẽ là bị lý thuyết này khác của phương Tây ám, áp đảo để rồi chính tự mình giáng lên chúng mấy chữ đơn sơ nhưng rất tai hại là “đồ phong kiến”, “đồ lạc hậu”, đáng vứt bỏ, phải cải tạo lại. Nhân đây xin nói thêm về khái niệm ông vua vốn là biểu trưng số một của chế độ phong kiến và đó là đối tượng số một của sự phủ định, tiêu diệt, điều đã được xem là chân lý hiển nhiên, miễn bàn luận. Nhưng trở lại nguồn gốc thì lại thế này. Trong hệ thống quan niệm tam tài (thiên địa nhân), thiên nhân hợp nhất, thiên nhân nhất thể, vua trước hết là con trời (thiên tử) được trời giao cho quyền chăn dân, trị dân theo ý trời, mà ý trời lại là ý dân như có sách đã nói. Trị dân mà dân được sung sướng, thanh bình là hợp ý trời. Trị dân mà để dân nghèo đói chết chóc là trái ý trời, và như thế thì vua phải làm lễ sám hối, tạ tội với trời đất. Điều này sử sách đã có chép nhiều. Lễ tế Nam giao hàng năm chính là dịp để vua tự kiểm điểm trước trời. Trong thực tế, vua đã có quyền uy tối thượng, trên tất cả, nhưng vẫn là dưới, chịu sự chi phối của trời, dù là một biểu tượng siêu hình nhưng lại có quyền uy tuyệt đối. Cho nên, cũng trong thực tế, không ít ông vua xấu, gọi là hôn quân, nhưng vua tốt, minh quân nào có hiếm. Vua tốt là vua biết theo ý trời, biết sợ trời, để làm điều thiện với dân. Thử so sánh hai mô hình tổ chức xã hội giữa phương Đông cổ trung đại và phương Tây hiện đại:
+ PĐ: TRỜI + VUA + LUẬT PHÁP PHONG KIẾN + THIÊN HẠ
+ PT: 0 + TỔNG THỐNG + HIẾN PHÁP + THIÊN HẠ
Rõ ràng không thể kết luận về sự hơn kém một cách quá đơn giản như lâu nay đã có (coi mô hình trên là lạc hậu, thua hẳn mô hình dưới) vì thực ra mỗi bên đều có cái hay và cái dỡ. Có vua được trời hướng vào cõi thiện là hay nhưng không có trời hỗ trợ theo điều lành thì chúa đất dễ biến thành chúa trời để rồi mặc sức tung hoành trước sinh mạng người dân. Điều này quả không hiếm ví dụ, chẳng phải chỉ trong quá khứ, mà còn là ở hiện tại. Xin nhớ rằng, hiến pháp có chặt chẽ đến đâu, pháp luật dù có quy định ngóc ngách đến đâu, so với sự sống thiên hình vạn trạng, vẫn còn khe hở. Cảnh sát trần gian dù đông đặc nghiêm túc đến đâu (mà thực tế làm gì có nghiêm túc cả) vẫn không đủ bao hết sự đời. Phải có thêm loại cảnh sát cõi âm, loại cảnh sát nằm ngay trong chính tâm linh mỗi người không loại trừ ai, kể cả ông vua có quyền uy tối thượng, trị vì trăm họ, mới mong đảm bảo có cuộc sống tốt lành nhiều hơn trong điều kiện thiện ác vốn dĩ cứ tranh chấp nhau triền miên cùng nhân loại. Thực tiễn lịch sử phương Đông đã chứng minh cho lý thuyết của nó trên đây. Xin đừng chối bỏ và cũng xin đừng để lý thuyết phương Tây cứ áp đảo mãi nữa ở phương diện này. Vấn đề là phải có sự kết hợp Đông Tây.
C. K ẾT LUẬN.
1. Những điều được trình bày trên đây dù là kết quả suy ngh của bản thân trong nhiều năm nhưng vẫn là bước đầu và có tính chất gợi ý. Chỉ mong có sự tiếp nối, thậm chí có cả sự phản bác theo hướng cùng nhau tìm chân lý
2. Nêu những ý kiến như trên, bản thân tự cho rằng mình không sa vào chủ nghĩa vị kỉ phương Đông, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi bởi lẽ chính mình đang tha thiết và mong muốn có dịp sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề tác động tích cực của văn hoá và tinh thần của phương Tây đối với phương Đông. Hai vấn đề có vẻ là nghịch lý nhưng thực ra là thuận ý.
3. Trong khi nói những điều trên đây, người viết đã để Nhật Bản ra ngoài, bởi Nhật Bản đã không chịu đi theo quy luật chung của phương Đông. Do đó, để rõ hơn những vấn đề nêu ra rất cần lấy Nhật Bản làm đối tượng so sánh.
4. Những vấn đề nêu lên như trên có lẽ thiên về lịch sử, tư tưởng hơn là lịch sử thông sử. Nhưng muốn được chứng minh rõ nét hơn lại rất cần được vai trò của lịch sử thông sử hỗ trợ.
Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, 1995, số 3
và Văn hoá học đại cương và cơ sở Văn hoá Việt Nam,
Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

CHA CON MẠC CỬU VÀ ĐẤT HÀ TIÊN

CHA CON MẠC CỬU VÀ ĐẤT HÀ TIÊN

[Nhân đọc trên Wiki về nhân vật đồng hương Quảng Đông là Mạc Cửu, nhận thấy bài ấy có phần sơ sài và nhiều sai lạc, như cho rằng thuở Mạc Cửu sang khai phá thì Hà Tiên là đất hoang vô chủ, lại cho rằng Cửu sở dĩ có được ngân lượng và thế lực là nhờ đào được cả kho vàng bạc, y như giai thoại về Chú Hỏa mua ve chai được hũ vàng. Nói thiệt: Cứt thì còn có khi tự nhiên trôi vào tận họng cho mình, chứ của đâu sẵn trên trời rớt xuống để ta lượm?
Xin nhấn mạnh, cả hai – Cửu và Hui – đều là tay có duyên hoạnh tài, giỏi kinh thương, và phải đổ mồ hôi sôi máu mắt mới nên cơ đồ. Còn Panthaimas (tức Hà Tiên) thuở đó là thuộc về Cao Miên. Lâu nay sử sách chỉ ghi qua loa về công khai phá của họ Mạc, khiến người đời sau tưởng là dễ dàng như giựt hụi, có biết đâu, mảnh đất kia từng là bãi chiến trường tranh giành quyết liệt giữa Việt-Miên-Thái. Máu và nước mắt của tiền hiền khai phá đã đổ xuống không ít để có được mảnh đất lành ngày nay.
Sau đây, tôi xin trích một đoạn từ công trình biên khảo “Người Hoa tại Việt Nam” của Nguyễn Văn Huy, nhằm bổ sung thêm chút hiểu biết về công khó của người đi trước. Thành thật xin lỗi Giáo sư Nguyễn Văn Huy, vì tôi có chỉnh lại đôi chút về tên đất (như Chân Lạp thành Cao Miên, vì tôi cho rằng vào giữa thế kỷ XVII thì Chân Lạp đã không còn, mà đế quốc Campuchia thì chưa định hình, nên đành tạm mượn tên Cao Miên thông dụng để gọi, nhằm giúp người đọc dễ theo dõi những diễn biến trong thời kỳ hỗn loạn đó); về tên người (vua Taksin của Thái họ là TRỊNH 鄭國英, chứ không phải TRÌNH); và phần cuối bài, tôi cũng mạo muội xin đưa vào một nhận xét riêng, xin lượng thứ tội tài lanh!
Không rảnh để sửa Wiki, tôi chỉ post lên đây để bạn bè cùng đọc với nhau cho biết. Nào, mời mời mọi người cùng thẩm].
_______
Nguồn: http://truyengicungco.com/gia-…/Nguoi-Hoa-Tai-Viet-Nam-6608/
... Giữa thế kỷ 17, nhiều cuộc khởi nghĩa chống nhà Mãn Thanh đã xảy ra trong lục địa Trung Hoa. Dưới sự chỉ đạo của Trịnh Thành Công, một vị tướng Minh triều cũ gốc Triều Châu, dân chúng nổi lên chống lại quân Thanh nhưng đều bị đánh bại, tất cả các làng xã của người Tiều ở Triều Châu và vùng ven biển Hạ Môn đều bị thiêu rụi. Tàn quân của Trịnh Thành Công (Kosinga) phải chạy ra đảo Đài Loan lập chiến khu “phản Thanh phục Minh”.
Trong đám tàn quân này có một người tên Mạc Cửu (hay Mạc Kính Cửu 鄚敬玖), quê ở Lôi Châu tỉnh Quảng Đông, theo Trịnh Thành Công kháng chiến. Năm 1671 thấy chống không nổi quân Thanh, Mạc Cửu mang cả gia đình, binh sĩ và một số sĩ phu khoảng 400 người rời khỏi Phúc Kiến bằng đường biển. Quân của Trịnh Thành Công ngày càng suy yếu, bị quân Thanh đánh bại năm 1680. Quân Thanh tàn sát hết kháng chiến quân, những người sống sót bỏ chạy bằng đường biển đến các quốc gia Đông Nam Á tị nạn, hòa nhập với những nhóm Minh triều cũ đã di cư từ trước.
Mạc Cửu cùng thân bằng quyến thuộc sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cả đã cập thuyền vào đảo Koh Tral, rồi đổ bộ lên một vùng đất lạ (được gọi là Panthaimas) trong Vịnh Thái Lan. Mạc Cửu dò hỏi và được biết vùng đất này thuộc ảnh hưởng của vương triều Cao Miên. Phái đoàn Mạc Cửu đến Oudong gặp Nặc Ông Thu (Chey Chettha IV) và ở lại hợp tác cho đến năm 1681. Sau đó Mạc Cửu xin vua Kh’mer cho khai khẩn vùng đất sình lầy Panthaimas trong Vịnh Thái Lan.
Thật ra trong giai đoạn này vương quyền của vua Cao Miên không còn ảnh hưởng mạnh trên những vùng đất ven biển. Vịnh Thái Lan là nơi hành nghề của các đám hải tặc vì nơi này thương thuyền qua lại rất đông. Quan quân Cao Miên vì bận rộn với những cuộc nội chiến và không đủ khả năng bảo vệ vùng đất này nên đã bỏ trống mặc cho hải tặc lập căn cứ. Hơn nữa đây là vùng đất sình lầy phèn chua nước mặn, đầy muỗi mòng, không ai dám đến lập nghiệp, chỉ một số dân phiêu lưu đến ở. Thời này đất Panthaimas chỉ có độ mươi nóc gia của người Kh’mer làm nghề săn bắn và đánh cá.
Mạc Cửu cũng là một tay giang hồ giỏi tổ chức. Trong suốt thời gian lênh đênh trên biển cả, ông đã chiêu tập được một số binh sĩ Minh triều cũ đang hành nghề hải tặc dưới trướng. Thấy có khả năng khai thác nguồn lợi của những đám hải tặc trong vùng, ông lập ra 7 xã: Mán Khảm (Peam), Long Kỳ (Ream), Cần Bột (Kampot), Hương Úc (Konpong Som), Sài Mạt (Cheal Meas), Linh Quỳnh (Rạch Giá) và Phú Quốc (Koh Tral). Thủ phủ đặt tại Mán Khảm (cảng của người Mán), về sau đổi thành Căn Khẩu (tiếng Hoa tùy theo ngữ âm gọi là Căn Kháo hay Căn Cáo). Mạc Cửu cho thành lập nhiều sòng bạc để kinh tài. Được nổi tiếng, ông mộ thêm lưu dân gốc Hoa từ khắp nơi về lập nghiệp và đặt tên vùng đất mới thành Căn Khẩu quốc. Căn Khẩu quốc, tuy là một lãnh địa của Cao Miên, nhưng không lệ thuộc trực tiếp vào nền hành chánh của vương triều Kh’mer, được hưởng qui chế tự trị.
Lưu dân, đa số là người Triều Châu, Quảng Đông và Phúc Kiến, lúc ban đầu là những người không chấp nhận sống dưới trướng nhà Thanh bỏ nước ra đi xây dựng cuộc sống mới. Thành phần xã hội cũng rất đa dạng: người giỏi về văn học, kẻ giỏi nghề đi biển, người thạo nghề buôn bán, nắm vững kỹ thuật chế biến thực phẩm, kẻ biết canh tác lúa nước và đánh cá trên sông lạch, nói chung họ là những thành phần ưu tú của vương triều vừa thất sủng. Về sau có thêm dân chúng nghèo khó dưới thời nhà Thanh đến xin tị nạn. Chẳng bao lâu sau Căn Khẩu quốc nổi tiếng khắp vùng là miền đất trù phú, dễ kiếm tiền. Đảo Koh Tral được đổi tên thành đảo Phú Quốc, có nghĩa là vùng đất giàu có, phú cường. Những tay phiêu lưu giang hồ đến đầu quân dưới trướng Mạc Cửu ngày càng đông và thành một đe dọa đối với uy quyền của Xiêm La (tức Thái Lan sau này), một thế lực đang lên trong vùng.
Trước sự lớn mạnh của đế quốc Xiêm La, Mạc Cửu yêu cầu vua Cao Miên bảo vệ nhưng không được thỏa mãn. Cao Miên cũng đang bị Xiêm La khống chế. Mạc Cửu dò tìm một thế lực mạnh trong vùng để xin được bảo vệ, ông được một thương gia người Minh Hương tên Tô Quân cho biết xa hơn về phía Tây-Bắc, những người Hoa tị nạn khác được chúa Nguyễn cho định cư tại miền Đông đang phát triển nhanh chóng. Thêm vào đó, quân của chúa Nguyễn đang làm chủ miền Tây đất Cao Miên và đang đối đầu với quân Xiêm La. Năm 1708 Mạc Cửu sai hai người thân tín, Trương Cầu và Lý Xa, ra Huế xin được che chở. Năm 1711, Mạc Cửu được Minh vương Nguyễn Phúc Chu mời ra Huế bái kiến. Năm 1714, Mạc Cửu xin làm thuộc hạ của chúa Nguyễn và được phong chức tổng binh cai trị đất Căn Khẩu.
Năm 1717, vua Xiêm mang 20.000 quân tấn công các làng xã của những di dân gốc Hoa tại Căn Khẩu, Mạc Cửu thua phải bỏ chạy. Năm 1724, ông đích thân vào Gia Định dâng luôn đất và xin Ninh vương Nguyễn Phúc Trú giúp khôi phục lại Căn Khẩu quốc. Chúa Nguyễn mang quân xuống đánh, quân Xiêm thua phải rút về nước. Ninh vương thu hồi tất cả làng xã bị chiếm rồi phong Mạc Cửu làm đô đốc cai trị đất Căn Khẩu. Căn Khẩu quốc được đổi thành Long Hồ dinh.
Từ 1729, Long Hồ dinh nổi tiếng là vùng đất trù phú nhất vịnh Thái Lan. Tuy bị đổi tên nhưng di dân Trung Hoa vẫn tiếp tục gọi Long Hồ dinh là “Căn Khẩu quốc”. Người Hoa từ khắp nơi trong vùng (bị người Tây Ban Nha và Hòa Lan đàn áp) đổ về đây lập nghiệp. Quân Kh’mer và Xiêm La đã tấn công nhiều lần vào vùng đất này nhưng đều bị Mạc Cửu đẩy lui.
Mạc Cửu mất (1735), con là Mạc Sĩ Lân, sau đổi thành Mạc Thiên Tứ, được Ninh vương Nguyễn Phúc Trú phong làm đô đốc, kế nghiệp cha cai trị Long Hồ dinh. Gia đình họ Mạc được Ninh vương nâng lên hàng vương tôn. Long Hồ dinh đổi thành trấn Hà Tiên.
Mạc Thiên Tứ (còn gọi là Mạc Thiên Tích 鄚天錫) là một vị tướng giỏi, đã nhiều lần mang quân tấn công Xiêm La và bảo hộ vùng phía nam đất Cao Miên. Mạc Thiên Tứ có công mở rộng thị trấn Hà Tiên và năm 1739 lập thêm bốn huyện: Long Xuyên (miền Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (miền Cần Thơ) và Trấn Di (miền bắc Bạc Liêu). Mạc Thiên Tứ còn là một nhà học thức lỗi lạc, kiến thức uyên bác, giỏi ngoại giao, có tài thơ văn, đã để lại nhiều tác phẩm giá trị.
Thời bấy giờ nội bộ Cao Miên có loạn. Năm 1747, Nặc Ông Thâm (Thommo Racha III) từ Xiêm La về đánh đuổi Nặc Ông Tha (Chettha V) chiếm ngôi, Ông Tha chạy sang Gia Định cầu cứu. Nặc Ông Thâm sau đó bị Satha II giết, con cháu lại tranh giành ngôi báu. Năm 1749, Nguyễn Phúc Khoát cho quân hộ tống Ông Tha về nước lấy lại ngôi vua. Một người con của Ông Thâm tên Nặc Nguyên (Nac Snguon) nhờ quân Xiêm La sang đánh, Ông Tha thua phải chạy về Gia Định.
Nặc Nguyên mật giao với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài hợp lực đánh chúa Nguyễn. Nguyễn vương biết trước nên năm 1753 cử Nguyễn Cư Trinh sang Nam Vang đánh. Nặc Nguyên thua bỏ thành chạy về Hà Tiên nương náu nhà Mạc Thiên Tứ. Năm 1755, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng chúa Nguyễn lãnh thổ hai phủ Tầm Bôn (Cần Thơ) và Lôi Lập (Long Xuyên) để tạ tội và xin được về lại Nam Vang cai trị, chúa Nguyễn ưng thuận.
Năm 1758 Nặc Nguyên mất, không người kế vị. Nặc Nhuận là chú họ tạm quyền giám quốc nhưng bị con rể là Nặc Hinh giết rồi tự xưng vương. Chúa Nguyễn sai Trương Phúc Du mang quân sang đánh, Nặc Hinh bị thuộc hạ giết chết. Do đề nghị của Mạc Thiên Tứ, chúa Nguyễn thuận cho Nặc Tôn (Ang Ton II) con của Nặc Nhuận lên làm vua Cao Miên.
Nặc Tôn tặng chúa Nguyễn lãnh thổ Tầm Phong Long (Meat Chruk hay Mật Luật, nay là Châu Đốc và Sa Đéc) để tạ ơn. Nặc Tôn tặng riêng Mạc Thiên Tứ lãnh thổ 5 phủ miền Đông-Nam Chân Lạp: Hương Úc (Kompong Som), Cần Bột (Kampot), Trực Sâm (Chưng Rừm), Sài Mạt (Cheal Meas) và Linh Quỳnh (vùng duyên hải từ xã Sré Ambel đến làng Peam), nói chung là toàn bộ vùng biển ven duyên quanh đảo Phú Quốc. Mạc Thiên Tứ dâng hết cho Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Chúa Nguyễn sáp nhập tất cả vùng đất mới vào trấn Hà Tiên rồi giao cho Mạc Thiên Tứ cai trị.
Chúa Nguyễn quy các lãnh thổ miền Tây thành ba đạo: Đông Khẩu đạo (Sa Đéc), Tân Châu đạo (Tiền Giang) và Châu Đốc đạo (Hậu Giang), chuyển Long Hồ dinh về đất Tầm Bào (Vĩnh Long) thuộc Châu Đốc đạo. Đất Tầm Bào trước kia gồm có một phần bờ biển của Cao Miên do Nặc Tôn tặng. Công cuộc bình định đất đai miền Nam xem như hoàn tất.
* * *
Nói về tình hình Xiêm La lúc bấy giờ, cũng có một người Tàu khác lập nên đại nghiệp.
Năm 1767, quân Miến Điện tiến chiếm Xiêm La, bắt được vua Xiêm là Phong vương (Boromoraja V) và con là Chiêu Đốc, thiêu hủy thành Ayuthia, nhưng sau đó phải rút về vì Miến Điện bị Trung Hoa tấn công. Hai người con của Phong vương: Chiêu Xỉ Khang chạy thoát sang Cao Miên, còn Chiêu Thúy thì chạy sang Hà Tiên lánh nạn. Trong thời gian này Xiêm La không có vua.
Trịnh Quốc Anh 鄭國英, một người Hoa gốc Triều Châu, giữ chức Phi Nhã (xã trưởng) đất Mang Tát thuộc Xiêm La, khởi binh chống lại quân Miến Điện rồi tự xưng vương năm 1768, đó chính là Taksin Maharaj – vị vua lừng lẫy được người Thái Lan tôn kính. Trịnh Quốc Anh tổ chức lại binh mã, chiêu mộ rất nhiều hải tặc gốc Hoa đang hoạt động trong Vịnh Thái Lan để tăng cường lực lượng. Trịnh Quốc Anh muốn triệt hạ uy lực của gia đình Mạc Thiên Tứ tại Hà Tiên, vì đó là một đe dọa và là địch thủ lợi hại cho uy quyền của ông trong Vịnh Thái Lan. Sự giàu có của Hà Tiên cũng khơi động lòng tham của rất nhiều tướng cướp trong vùng, ai cũng muốn đánh cướp vùng đất này nhưng tất cả đều sợ Mạc Thiên Tứ. Khi Trịnh Quốc Anh kêu gọi hợp tác, các nhóm hải tặc liền hùa theo binh lực Xiêm La tấn công Hà Tiên để cướp của.
Năm 1768 lấy cớ truy lùng hoàng tử Chiêu Thúy của Xiêm, Trịnh Quốc Anh mang quân tiến chiếm Hòn Đất, bắt giam và tra tấn nhiều giáo sĩ Công giáo để tìm nơi trú ẩn của Chiêu Thúy, đồng thời sai tướng Chất Tri (Chakri) mang quân bảo hộ Cao Miên và đưa Nặc Ông Nộn (Ang Non III) lên làm vua. Nặc Tôn chạy về Gia Định lánh nạn. Quân của Trịnh Quốc Anh đã ở lại Hòn Đất ba tháng để truy lùng vị hoàng tử Xiêm lưu vong nhưng không tìm ra. Trước khi rút về nước, Trịnh Quốc Anh cho thành lập trên đảo một căn cứ hải quân và để lại một toán cướp biển nghe ngóng tình hình, tìm cơ hội đánh chiếm Phú Quốc và Hà Tiên.
[Năm 1765 giáo sĩ Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) đã thành lập tại Hòn Đất một chủng viện nhỏ với khoảng 40 giáo dân Việt, Xiêm và Hoa sống trong mấy ngôi nhà bằng tre. Năm 1767, Bá Đa Lộc cho vị hoàng tử Xiêm trú ẩn trong chủng viện].
Năm 1769, quân Kh'mer dưới sự chỉ đạo của một cướp biển người Triều Châu tên Trần Liên đổ bộ lên Hòn Đất. Trần Liên đánh cướp trụ sở truyền đạo, sát hại nhiều giáo sinh và giáo dân. Bá Đa Lộc cùng một vài giáo sinh thoát được chạy sang Malacca (Indonesia), rồi về Pondichéry (Ấn Độ) lánh nạn. Hoàng tử Chiêu Thúy được người đưa vào Hà Tiên xin Mạc Thiên Tứ che chở. Quân của Trần Liên, kết hợp với hai gia nhân của Mạc Thiên Tứ (Mạc Sung và Mạc Khoán), tiến đánh Hà Tiên. Hai gia nhân làm phản và một số lớn cướp biển Kh’mer bị Thiên Tứ giết chết, Trần Liên thoát được chạy sang Xiêm La tị nạn. Lợi dụng cơ hội này Mạc Thiên Tứ chuẩn bị đưa hoàng tử Chiêu Thúy về Xiêm La đoạt lại ngôi báu. Ông cho luyện tập binh mã rồi mang quân ra chiếm lại Hòn Đất (1770) và chuẩn bị tiến công Xiêm La.
Công việc đang tiến hành thì vào đầu năm 1771, một cận thần của Mạc Thiên Tứ tên Phạm Lam nổi lên làm phản. Phạm Lam kết hợp với hai cướp biển Trần Thái (Vinhly Malu, người Mã Lai) và Hoắc Nhiên (Hoc Nha Ku, người Kh’mer) lập đảng gồm 800 người và 15 tàu thuyền tiến vào Hà Tiên nhưng bị Mạc Thiên Tứ đánh bại.
Giữa năm 1771, nhận thấy những đám cướp biển không đánh lại Mạc Thiên Tứ, Trịnh Quốc Anh đích thân mang đại binh gồm 20.000 người tiến chiếm Hà Tiên với sự chỉ điểm của Trần Liên. Trịnh Quốc Anh thiêu rụi thành phố, chiếm tất cả các đảo lớn nhỏ quanh Hà Tiên, mang về rất nhiều vàng bạc. Con cháu, hầu thiếp và người con gái út của Mạc Thiên Tứ bị Trịnh Quốc Anh bắt sống đem về Bangkok. Mạc Thiên Tứ cùng các con trai phải rút về Rạch Giá, cho người về Gia Định cầu cứu chúa Nguyễn.
Năm 1772, chúa Nguyễn mang 10.000 quân cùng 300 chiến thuyền sang Cao Miên đánh quân Xiêm và đưa Nặc Ông Tôn lên ngôi. Trịnh Quốc Anh làm áp lực tại Hà Tiên buộc quân Việt phải dừng chân tại Nam Vang, không được tiến xa hơn. Sau cùng hai bên đi đến một thỏa thuận để quân Xiêm rút khỏi Hà Tiên: chúa Nguyễn rút quân khỏi Cao Miên và chấp nhận để Nặc Ông Nôn (Ang Non III), người được vua Xiêm chỉ định, lên ngôi vua. Năm sau (1773) Trịnh Quốc Anh rút quân khỏi Hà Tiên, Phú Quốc và Hòn Đất, trả lại người con gái bị bắt làm tù binh cho Mạc Thiên Tứ, nhưng buộc phải giao hoàng tử Chiêu Thúy cho quân Xiêm. Chiêu Thúy bị Trịnh Quốc Anh mang về Bangkok hành quyết.
Hà Tiên sống lại thời yên bình. Năm 1774, Bá Đa Lộc trở về Hòn Đất thành lập họ đạo, năm sau ông được Mạc Thiên Tứ tiếp đãi trọng hậu và cho phép đi giảng đạo khắp Hà Tiên.
Năm 1777 quân Tây Sơn tiến chiếm Gia Định, Nguyễn Phúc Ánh (hay Nguyễn Ánh), lúc đó còn là hoàng tử (15 tuổi), bị quân Tây Sơn truy lùng ráo riết, phải ẩn lánh trên đảo Phú Quốc, sau đó về lập chiến khu trong một khu rừng gần Hà Tiên. Quân Tây Sơn chiếm luôn Hà Tiên. Nguyễn Ánh sai Mạc Thiên Tứ sang Xiêm La cầu viện. Thiên Tứ cùng gia quyến dẫn theo một số binh sĩ đến Bangkok xin gặp Trịnh Quốc Anh. Chẳng may vua Xiêm bị Tây Sơn tráo thư nên nghi Thiên Tứ lập mưu chiếm Bangkok, tất cả đều bị bắt giam. Bị tra tấn dã man, Mạc Thiên Tứ cùng hai con, Mạc Tử Hoàng và Mạc Tử Thượng, tướng Tôn Thất Xuyên tự vẫn, 50 người trong đoàn tùy tùng đều bị xử trảm (tháng 4-1780). Một trong ba người con sống sót, tên Mạc Tử Sanh, được Nguyễn Ánh sau này phong chức lưu thủ cai quản Hà Tiên...
[Một người giao liên của Mạc Thiên Tứ tên Thân bị quân Tây Sơn bắt được. Quân Tây Sơn bèn giả làm một thư trả lời của Nguyễn Ánh sai Mạc Thiên Tứ chiếm kinh đô của Xiêm La. Thư này được dàn xếp để lọt vào tay một người Kh’mer thân Xiêm La tên Bổ Ông Keo. Ông Keo giao thư giả này lại cho Trịnh Quốc Anh. Vua Xiêm sai quân giữa đêm tràn vào trại bắt tất cả đoàn tùy tùng của họ Mạc vào thành Bangkok giam giữ. Bị bắt giam trong một hoàn cảnh như vậy đối với họ Mạc là một điều sỉ nhục. Hơn nữa sứ mệnh cầu viện được giao phó không hoàn thành, Mạc Thiên Tứ cùng các tướng lãnh uống thuốc độc tự vẫn để tỏ lòng trung thành với Nguyễn Ánh và làm gương cho thuộc hạ. Tất cả binh sĩ tùy tùng và gia quyến bị vua Xiêm thảm sát. Một người Kh’mer phục dịch vua Xiêm tên Ỹ La Hom che giấu được bảy người con và cháu trai của Mạc Thiên Tứ].
- Theo ý riêng kẻ hèn mạt học này thì lá thư giả kia khó đánh lừa được quốc vương Taksin, chẳng qua ông ta nhân đó mượn cớ để tiêu diệt họ Mạc mà thôi, Nguyễn Ánh đã sai lầm khi phái Thiên Tứ đi sứ cầu viện, để hai kẻ tử đối đầu chạm mặt nhau trong tình thế bất lợi cho Tứ; hoặc cũng có thể Ánh muốn mượn tay Taksin khử Tứ không chừng, đòn hồi mã thương khử công thần của lãnh tụ, người phàm khó mà lường được. Sau này, Ánh đã phải nhịn nhục, dâng cây vàng cành bạc, chịu làm chư hầu cho vua Xiêm thì lại mượn được quân để đánh nhau với Tây Sơn, chuyện đó ta sẽ cùng bàn ở khi khác].

MỘ DUNG PHỤC CON RỒNG CHƯA ĐIỂM NHÃN

MỘ DUNG PHỤC: CON RỒNG CHƯA ĐIỂM NHÃN
Người chưa tới mà huyền thoại đã tới trước, thân chưa xuất hiện mà danh đã làm chấn động giang hồ, tưởng không có ai bằng được Mộ Dung Phục. “Bắc Kiều Phong, Nam Mộ Dung” là câu truyền tụng trong giới võ lâm. Kiều Phong ở phương Bắc, Cô Tô Mộ Dung ở phương Nam trở thành biểu tượng võ công và hào khí cho tất cả hào sĩ giang hồ. Kể ra Kim Dung đã dày công xây dựng bối cảnh xuất hiện của Mộ Dung Phục, theo thủ pháp mà La Quán Trung đã bài trí cho sự xuất hiện của Khổng Minh trong Tam quốc chí. Trước khi Khổng Minh xuất hiện, người đọc phải cùng Lưu Bị gặp những người bạn hoặc người thân của Khổng Minh, để qua đó dần dần hình dung ra con người Khổng Minh. Những nhân vật như Từ Thứ, Thủy Kính tiên, Thôi Châu Bình, Gia Cát Quân … đều là những bậc thềm giúp người đọc tuần tự bước lên những tầng cao hơn nữa để đối diện với chân dung của vị quân sư tương lai nhà Hậu Hán.
Mộ Dung Phục cũng thế. Sự xuất hiện của Mộ Dung Phục còn hấp dẫn và lôi cuốn hơn cả sự xuất hiện của Lệnh Hồ Xung trong Tiếu ngạo giang hồ. Nếu trước khi xuất hiện, Lệnh Hồ Xung chỉ có mặt trong những câu chuyện kể, qua lời các sư đệ đồng môn và cô tiểu ni Nghi Lâm xinh đẹp, thì sự hiện diện thấp thoáng trong những lời đồn đại, trong những giai thoại được truyền tụng khắp võ lâm đã khiến Mộ Dung Phục giống như con thần long chỉ thấy đầu mà không thấy đuôi. Thủ pháp “gậy ông đập lưng ông” (dĩ bỉ chi đạo hoàn thi bỉ thân 已 彼 之 道 還 施 彼) đã gieo hoang mang khắp giang hồ. Thoạt đầu, nhà sư Tuệ Chân vượt đường xa vạn dặm đến nước Đại Lý để báo tin Huyền Bi đại sư, trên đường từ Thiếu Lâm đến Đại Lý, bị đánh chết tại chùa Thân Giới vì chính tuyệt kỹ Đại Vi Đà Chử của mình. Rồi Hoàng My đại sư kể lại câu chuyện bản thân mình hồi trai trẻ bị một cậu bé đánh bại cũng bởi chính tuyệt kỹ Kim cương chỉ của mình. Kế đó, Kim toán bàn Thôi BáchTuyền kể chuyện mình bị một cặp nam nữ trung nỉên dùng con toán đánh ngay vào những huyệt đạo trong cơ thể, khiến tay cao thủ của phái Phục Ngưu này phải mai danh ẩn tích, đổi tên là Hoắc tiên sinh làm kẻ hầu hạ chuyên lo chuyện tạp dịch trong cung điện Đại Lý, nhằm tránh hoạ sát thân. Lạc thị tam hùng đất Hà Bắc chuyên dùng phi trùy thì chết về phi trùy. Chương Hư đạo nhân thường thi hành thủ đoạn chặt chân tay của địch nhân để hành hạ, thì cuối cùng lại chết vì chính thủ đoạn trên. Những cái chết bí ẩn của các tay cao thủ bởi chính tuyệt kỹ của mình đã phủ trùm lên võ lâm một bầu không khí khủng bố, và dòng họ Mộ Dung được thêu dệt như những nhân vật thần thông quảng đại vì thấu triệt được tất cả những tuyệt học trong thiên hạ.
Ngay cả nhân vật lỗi lạc nhất Thiên Long Bát Bộ là Tiêu Phong cũng xuất hiện trước Mộ Dung Phục. Tại rừng trúc, nơi đông đảo quần hùng tụ hội để quyết định số phận của Tiêu Phong, thì Mộ Dung Phục cũng chỉ xuất hiện qua những người liên quan như Vương Ngữ Yên, Bao Bất Đồng, tỳ nữ A Châu và qua lời kể của Tiêu Phong về Phong Bá Ác. Dung nhan tuyệt tục của Vương Ngữ Yên, võ công của Bao Bất Đồng, phong cách của Phong Bá Ác, trí tuệ của A Châu đều là những chất liệu nền để làm sáng thêm vầng hào quang của Mộ Dung Phục, khiến bạn đọc lại càng thêm náo nức đón chờ con người tài hoa tuấn nhã của vùng sông nước Giang Nam.
Họ Mộ Dung ở Cô Tô thuộc dòng dõi nước Đại Yên. Đến đời Tống thì nước Đại Yên không còn nữa. Và giấc mơ phục quốc đã trở thành một nỗi ám ảnh của hậu duệ đời sau. Mộ Dung Bác đặt tên con là Phục, với ý đồ muốn con mình sẽ phục quốc xưng vương, khôi phục lại cơ nghiệp tổ tông. Ông muốn khuấy động can qua giữa hai nước Trung Quốc và Khiết Đan để Đại Yên thừa cơ quật khởi. Chỉ vì tham vọng chính trị đó mà Mộ Dung Bác đã dựng lên vụ huyết án tại Nhạn môn quan, đẩy cặp phu phụ Tiêu Viễn Sơn vào chỗ chết và khởi đầu cho cuộc đời đầy bi kịch của Tiêu Phong.
Ngay từ bé, Mộ Dung Phục đã phải mang nặng trách nhiệm khôi phục nước Đại Yên. Một cậu bé phong tư ngọc lập, cốt cách thanh kỳ nhưng không có được tuổi thơ, mà phải gánh cây thập tự quá nặng nề trên vai vì những ảo vọng của cha ông, quả là điều đáng ân hận trong nhân gian. Để rồi đến khi lớn lên, y lại bị hút vào vòng xoáy của cơn lốc phục quốc mà không cách nào thoát ra được. Sứ mệnh chính trị nặng nề đã khiến y phải ngoảnh mặt đi trước tình yêu của Vương Ngữ Yên. Trong trái tim của y, giấc mộng đế vương đã choán sạch chỗ, nên tình yêu không còn chỗ đứng. Trong cuộc xung đột giữa “tư tình” và “đại nghiệp”, chiến thắng nghiêng hẵn về hai chữ “đại nghiệp”.
Bạn đọc có thể thầm tiếc và thầm trách vì sao Mộ Dung Phục lại hững hờ vô tâm với người con gái dung nhan tuyệt tục như Vương Ngữ Yên, nhưng dù sao đó cũng là phong cách thường tình của những người muốn dựng nên nghiệp bá ở phương Đông. Người phương Đông thường cho rằng người đàn bà đẹp luôn luôn là chướng ngại cho khách anh hùng trên đường dựng nên nghiệp lớn. “Nhi nữ tình trường, anh hùng khí đoản”. Tình cảm quyến luyến của người con gái dễ làm chí khí anh hùng sút giảm. Vừa là một vị vua đa tình lại vừa là một thiên tài quân sự thì cổ kim họa chăng chỉ có Napoléon, và trong văn học họa chăng chỉ có Từ Hải! Đó là những người mà “khí” không những không bị “đoản” bởi “tình trường” của nhi nữ, mà còn xem “tình trường” đó là chất men kích thích để dựng nên đại nghiệp. Điều hòa được “hồng nhan” và “đại nghiệp”, dung hợp được “thiên hạ” với “mỹ nhân”, đó mới đích thực là bản sắc tài hoa của kẻ anh hùng. Nếu Napoléon có thể viết thư tình giữa chiến trường máu lửa, thì người anh hùng đất Việt Đông dù cùng Thúy Kiều “nửa năm hương lửa đang nồng”, vẫn có thể “trượng phu thoắt đã động lòng bốn phương”, để rồi ra đi xây dựng một cơ đồ “triều đình riêng một góc trời” đáp tạ lòng tri kỷ.
Kim Dung đã dày công tô vẽ nên hình ảnh một con rồng võ lâm Cô Tô Mộ Dung Phục nhưng lại không “điểm nhãn” để con rồng ấy bay lên cõi trời cao, mà để nó từng bước, như con giun đất, lún sâu vào vũng bùn của ảo vọng hão huyền. Hình ảnh thiểu não của Mộ Dung Phục xuôi Bắc ngược Nam, lao tâm khổ tứ, dùng mọi thủ đoạn để mưu đồ phục quốc ngẫm cũng đáng thương. Người đọc càng hồi hộp chờ đợi nhân vật Mộ Dung Phục xuất hiện bao nhiêu thì càng thất vọng bấy nhiêu trước những hành động của y. Đầu tiên y gia nhập đám các động chủ, đảo chủ trong Vạn tiên đại hội để cùng tấn công lên đỉnh Linh Thứu, và không ngần ngại giết hại bao nữ thuộc hạ của cung Linh Thứu chỉ nhằm mục đích muốn tạo được mối quan hệ với đám quần hùng ô hợp đó nhằm mưu đồ lợi dụng về sau. Khi vị tân chủ nhân của Linh Thứu cung là Hư Trúc xuất hiện, y liệu chừng tình thế không thuận lợi cho mưu đồ của mình nên phải bỏ đi. Đó là bước mở đầu cho sự sa đọa Mộ Dung Phục, về phong độ lẫn lương tri.
Tại chùa Thiếu lâm, khi thấy Tiêu Phong bị quần hùng vây hãm, nhưng chưa ai dám khiêu chiến thì y lại nhảy ra phối hợp với Du Thản Chi và Đinh Xuân Thu để cùng đối phó với Tiêu Phong. Dù biết rõ Du Thản Chi và Đinh Xuân Thu tuy võ công cao cường nhưng nhân cách bị tất vả quần hùng khinh bỉ, và Đinh Xuân Thu đã từng giao chiến với mình, nhưng y vẫn làm điều đó cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là lấy lòng quần hùng. Khi bị Đoàn Dự dùng Lục mạch thần kiếm đánh cho tơi tả, và chỉ thoát chết nhờ lời cầu xin của Vương Ngữ Yên, thì y lại dùng thủ đoạn đánh lén Đoàn Dự! Hình ảnh Mộ Dung Phục thảm hại với đầu tóc xổ tung, bị Tiêu Phong ném lăn long lóc trên mặt đất đã đặt dấu gạch chéo lên hình ảnh của “con rồng Cô Tô” trong lòng người đọc.
Từ đó, bắt đầu cho một chuỗi việc làm thương luân bại lý của Mộ Dung Phục. Khi thấy không thể liên kết được với người của võ lâm để phục quốc thì y lại nghĩ đến việc lợi dụng sức mạnh quân sự của triều đình. Trên đường sang Tây Hạ cầu hôn, y lừa bắt Đoàn Dự ném xuống giếng vì muốn loại bỏ bớt một đối thủ. Y lại làm ngơ khi Vương Ngữ Yên lao mình xuống giếng trong cơn tuyệt vọng, vì y đã quyết tâm đặt đại nghiệp lên trên tư tình. Y không hiểu rằng một trái tim không còn biết yêu thương sẽ biến thành ngôi nhà lý tưởng cho quỷ dữ. Rồi ước vọng trở thành phò mã Tây Hạ cũng không thành. Mộ Dung Phục bắt đầu cơn khốn quẫn.
Khi thời gian càng trôi đi, nghĩa là cái mục tiêu phục quốc trở nên ngày càng xa hơn, thì ta thấy Mộ Dung Phục càng thêm hoảng loạn. Con rồng đáng thương ấy ngày càng quay cuồng một cách tuyệt vọng trong cơn lốc của giấc mơ đại nghiệp. Mộ Dung Bác là kẻ thâm mưu viễn lự, nhưng cái hào quang quá khứ của ông cha đã khiến ông trở nên mê muội, cho nên dù nước Yên là một nước quá bé, ông vẫn cứ mãi mê lao theo con đường phục quốc. Rồi ông lại đặt sứ mệnh tranh giành thiên hạ lên vai con. Mộ Dung Phục, vì áp lực nặng nề của quá khứ và vì giấc mộng làm vua, đã dần dần biến thành nạn nhân trong tham vọng chính trị mù quáng của tổ tiên, mà kết cục thảm bại đã bày ra trước mắt. Ai cũng hiểu được điều đó trừ cha con họ Mộ Dung. Kẻ có tài năng nhưng cuồng vọng tự mãn và mê muội bởi quyền lực, một khi đã quyết tâm thực hiện điều gì thì vào những phút cuối cùng họ sẽ không ngần ngại dùng mọi thủ đoạn để đạt được mục đích, nhất là lúc linh cảm được “quỹ thời gian“ đang từng lúc cạn dần. Cho nên, dù Mộ Dung Bác đã bừng tỉnh cơn mê “trục lộc” để quy y cửa Phật, nhưng “lực quán tính” của giấc mộng đế vương vẫn cứ kéo Mộ Dung Phục tiếp tục trượt dài trên con đường sa đọa.
Giây phút hoảng loạn nhất của Mộ Dung Phục là lúc y dùng áp lực để cầu xin Đoàn Diên Khánh nhận y làm nghĩa tử. Y giết tất cả các nhân tình của Đoàn Chính Thuần để gây áp lực, buộc vị vương tử đa tình này nhường ngôi nước Đại Lý đã là việc làm bại hoại và quá ư tàn nhẫn, nhưng chỗ sa đọa cùng cực của Mộ Dung Phục về nhân cách, đạo đức lẫn suy tư là hành động giết Bao Bất Đồng, một thuộc hạ suốt đời tận tụy trung thành với dòng họ Mộ Dung. Một đại ma đầu ban lĩnh như Đoàn Diên Khánh làm gì không nhận ra dã tâm của Mộ Dung Phục, cần gì Bao Bất Đồng phải nói ra những điều bất hiếu, bất trung bất nghĩa của y? Cầu xin ân huệ bằng áp lực, trong khi điều cầu xin là quan hệ thiêng liêng giữa cha con, quả là điều quá buồn cười, nếu không nói là ngu xuẩn. Mộ Dung Phục vẫn làm điều đó không phải vì y bất trí mà chỉ vì cuồng quẫn trong giấc mộng đế vương, khi thấy mọi nỗ lực đều thất bại.
“Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường đời mưa bay gió cuốn còn nhiều …”. (Chiều mưa biên giới- Nguyễn Văn Đông). Khi viết đến những dòng này, tôi chợt nhớ đến những lời ca đó. Nếu để Mộ Dung Phục chịu đựng bao cảnh ma chiết của “đường đời mưa bay gió cuốn” và chết đi trong giấc mơ phục quốc, thì dù sao cái “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng” đó cũng còn có điểm đáng cảm thông; đằng này Kim Dung lại tàn nhẫn để y biến thành “hoàng đế” sống hoang tưởng trong cơn mộng đế vương hư ảo với y phục của phường tuồng, quần thần là đám trẻ con chạy theo xin bánh kẹo, còn “triều đình” thì được dựng lên nơi nghĩa địa. Đó là tất cả những gì còn lại của “con rồng võ lâm” do Kim Dung sáng tạo ra nhưng lại không “điểm nhãn”!
-Lai rai chén rượu giang hồ - Huỳnh Ngọc Chiến
st

FB: Thiên Long Bát Bộ

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Đọc sách là một phương tiện bồi dưỡng trí nhớ và tư duy

Đọc sách là một phương tiện bồi dưỡng trí nhớ và tư duy

doc_sach_la_phuong_tien_boi_duongChúng ta không cần lối “học gạo” mà chúng ta cần phát triển và hoàn thiện trí nhớ của mỗi học sinh bằng sự hiểu rõ các sự kiện cơ bản.
V. I. Lênin(1)
Trí nhớ và tư duy có liên quan khăng khít với nhau: không thể suy nghĩ một cách nhất quán nếu quên khuấy mất những ý nghĩ lúc trước và không nhớ những điều cần thiết để xây dựng các phán đoán và suy lý của mình. Đọc sách một cách tự lực và có nghiền ngẫm kỹ chẳng những cho phép ta tiếp thu được tư tưởng của tác giả mà còn giúp ta đối chiếu tư tưởng đó với tư tưởng của các tác giả khác về vấn đề đó, và ta sẽ đi tới một phán đoán riêng của mình về những điều đọc được.
Phán đoán của người đọc có thể đúng hay sai. Phán đoán là đúng nếu người đọc vận dụng những luận cứ chắc chắn cho phán đoán của mình, người đọc am hiểu vấn đề hơn tác giả, phán đoán có thể sai nếu người đọc không tán thành ý kiến tác giả, không chịu nhượng bộ tác giả một ly nào trong khi tranh luận chỉ vì không muốn suy nghĩ, hoặc vì suy nghĩ “đồng bóng”, vì suy nghĩ “tùy tiện” hay vì không chịu vận dụng đến suy luận, đến lý trí mà chỉ thuần dựa vào cảm giác, vào ý thích chứ không đếm xỉa đến các luận cứ mà tác giả đưa ra để chứng minh cho luận đề nêu lên.
Phán đoán cũng có thể sai trong trường hợp người đọc vi phạm các luật lôgic và phép biện chứng trong quá trình tư duy.
Như đã nói ở trên, trong khi đọc sách, độc giả cần đọc, hiểu, đào sâu, phân tích kỹ, ghi chép, nhớ, lĩnh, hội.
Tất cả các việc đó, không việc nào có thể tiến hành được nến không có sự tham gia của trí nhớ vả tư duy, cho nên trong quá trình đọc sách đương nhiên sẽ rèn luyện, phát triển hoàn thiện được trí nhớ và tư duy.
Đọc sách là một sự liên hệ qua lại giữa người đọc và tác giả, tựa hồ như người đọc và tác giả trao đổi, đàm đạo với nhau. Không phải vô cớ mà người ta thường nói: “Đọc những cuốn sách hay khác nào đàm đạo với những bậc hiền nhân quân tử”.
Đôi khi đọc sách biến thành một cuộc tranh luận thầm lặng với tác giả, khi đó người đọc sẽ biểu lộ kỹ năng tranh luận của mình, tức là biết tư duy đúng cách theo logic. Trong việc này, để đạt kết quả tốt, người đọc nên nghiên cứu các tài liệu dạy cách chứng minh quan điểm của mình nếu các quan điểm đó là đúng, là chân thực, và bác bỏ những luận cứ sai, vạch trần những lầm lẫn trong tư duy của bản thân mình và người khác(2)
Nhờ “trao đổi”, “đàm đạo” với những cuốn sách nội dung quý báu, người đọc sẽ ngày càng trở nên thành thạo, giàu kinh nghiệm hơn trong việc phân tích những con đường phức tạp, ngoắt ngoéo của tư tưởng con người trong mối liên hệ qua lại giữa ý nghĩ, tình cảm, rung động của con người.
Chỉ riêng đọc sách chưa đủ để rèn luyện trí nhớ và tư duy: còn cần làm sao cho đọc sách chiếm một vị trí xứng đáng trong số các biện pháp quan trọng khác nhằm giáo dục vả trau dồi văn hóa cho con người, trong đó có cả việc bồi dưỡng tinh độc lập tư duy.
V.I. Lênin dạy: “... chúng ta phải thay lối học cũ, lối học gạo, lối học khắc khổ thời xưa bằng kỹ năng biết nắm lấy toàn bộ vốn tri thức của loài người, và nắm theo cách thế nào để chủ nghĩa cộng sản của chúng ta không phải như cái chúng ta đã học thuộc lòng, mà như cái do tự chúng ta nghĩ ra: như những kết luận không thể trách được trên quan điểm học vấn hiện đại”.
Độc lập ngẫm nghĩ về đối tượng nhận thức là một trong những dấu hiệu cần thiết và cực kỳ quan trọng của tự đọc sách.
Không phải ngẫu nhiên mà V.I.Lênin trong một buổi nói chuyện với SV Trường Đại học tổng hợp Xvéclôpxcơ ở Maxcơva đã nó: “Điều chủ yếu nhất là phải làm sao cho sau khi đọc sách, sau khi thảo luận và nghe các bài giảng về Nhà nước, các bạn luyện được kỹ năng nhìn nhận vấn đề đó một cách độc lập... Chỉ khi ấy các bạn mới có thể tự coi mình là đã đủ vững vàng về lập trường và có đủ khả nấng giữ vững lập trường ấy trước bất cứ ai và trong bất kỳ lúc nào”(3)
Tính độc lập suy nghĩ như thế được khơi dậy không đồng đều và vào cùng một lứa tuổi ở tất cả mọi người. Trong mọi trường hợp, việc đọc sách có thể và cần phải xúc tiến quá trình đó.
Có tác dụng đặc biệt tốt đẹp đối với bồi dưỡng tư duy là đọc những cuốn sách trong đó tư duy được trình bày dưới dạng trực tiếp nhất, tức là được hình thức những suy tưởng trừu tượng của tác giả.
F. Enghen chỉ rõ, để phát triển năng lực tư duy lý thuyết: “... từ trước tới nay chưa có một cách nào khác ngoài việc nghiên cứu toàn bộ nền triết học trước đây”.
Người đọc cũng nên tìm hiểu một số biện pháp đơn giản giúp bồi dưỡng trí nhớ và tư duy trong quá trình đọc sách, trước khi áp dụng những hình thức phức tạp hơn của tư duy độc lập để nghiên cứu các tài liệu có tính chất triết học thật sự.
Một là, trong khi đọc phải hiểu rõ ràng trong bất cứ bài văn nào cũng đều thể hiện hai mặt của nó. Cái mà người ta nói đến, tức là đối tượng tư duy, và cái mà người ta nói về đối tượng tư duy ấy. Phải luyện tập kỹ xảo phân biệt hai yếu tố đó của chính văn mà không cần dừng lại, tựa hồ như ngay trong “mạch đọc”, làm sao cho sự hiểu đó diễn ra tự nhiên.
Bao giờ cũng cần phải tự mình nhận ra trong mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi tiết, mỗi chương... đang nói về cái gì và nói gì rồi sau đó hình dung rõ ràng và hiểu trong toàn bộ bài báo, toàn bộ cuốn sách nói về cái gì và nói gì, rồi sau đó hình dung rõ ràng và hiểu trong toàn bộ bài báo, toàn bộ cuốn sách nói về cái gì và nói gì…
Chẳng hạn như trong đoạn:
“… Những người lao động trí óc cỡ lớn cũng là những bậc thầy lỗi lạc trong công tác, những người tổ chức tuyệt diệu lao động cá nhân. Đó là những nghệ sĩ điêu luyện trong nghệ thuật hợp lý hóa, lựa chọn kỹ thuật và cách thức làm việc cá nhân. Chính các vị đó đã từng nhiều lần nhấn mạnh rằng nguyên nhân chủ yếu của thành công của mình chỉ một phần là ở năng lực làm việc thể lực hay ở thiên bẩm tự nhiên, còn phần chính là ở phương pháp làm việc được áp dụng thường xuyên và thực hiện kiên trì”(4)
Có xét đến vấn đề nguyên nhân thành công trong sáng tác của những người lao động trí óc cỡ lớn.
Người ta đã nói những gì để giải đáp câu hỏi ấy?
Người ta khẳng định rằng nguyên nhân chủ yếu của thành công, đó là ở phương pháp làm việc được áp dụng thường xuyên và thực hiện kiên trì. Cách thứ hai để bồi dưỡng kỹ xảo lôgic trong đọc sách là người đọc chẳng những phải chăm lo tiếp thu cái ý mà còn phải đi sâu vào ý nghĩa của cái “ý” đó, tùy thuộc vào xu hướng của cái “ý” đó, vào việc tác giả, rồi sau đó độc giả xác định từ then chốt (trọng điểm logic) như thế nào.
Chẳng hạn, trong câu: “Tinh thần ham đọc sách được trau dồi ngay từ tuổi nhỏ”(5) thì trọng điểm logic rơi vào từ “tuổi nhỏ”.
Trong chính văn, từ này không được làm nổi bật bằng cách gạch dưới hay bằng một cách khác (bằng kiểu chữ riêng...), nhưng người đọc tự mình phải hiểu cái “ý” câu mình đang đọc, và trong đầu mình phải nhấn mạnh từ ấy khi tiếp thu ý của cả câu này.
Dưới đây, chúng tôi dẫn ra cả một đoạn văn chứ không phải một câu trích trong cuốn sách của nhà văn V.Lidin.
“Với các sách trên giá của tôi, tôi có một liên hệ thân thiết tâm tình. Tôi biết rõ số phận và lai lịch của hầu hết các sách ấy. Mỗi khi cầm một cuốn trong tay, tôi cứ tưởng như sách cũng hiểu tôi, và chúng tôi chẳng có gì phải giải thích cho nhau nữa”(6)
Ở đây, trong chính văn, tác giả không nêu bật ý chính bằng một cách nhấn mạnh nào hết (chẳng hạn bằng kiểu chữ riêng). Song người đọc phải tự mình suy nghĩ, nghiền ngẫm, quán triệt đoạn văn để thấy rõ ý chính, ý chính đó là điều quan sát chân thực và tinh tế của tác giả rằng đối với các cuốn sách trong tủ sách riêng của ông, ông có một “liên hệ thân thiết tâm tình”. Tính chất của liên hệ ấy được tác giả thuyết minh trong câu thứ hai của đoạn văn.
Đọc xong phần kết luận của cuốn sách, người đọc cần phát biểu ngắn gọn cho bản thân mình rõ ý chính của phần đó, mà chính vì để khẳng định cái ý ấy tác giả đã viết phần này.
Trong việc đó, người đọc cần hiểu rõ qua chương này mình đã thu hoạch được điều gì mới, và đọc cuốn sách này mình đã nảy ra những ý nghĩ và tình cảm gì mới.
Nghiền ngẫm, quán triệt ý chính trong quá trình đọc sách có liên quan không tách rời với bồi dưõng trí nhớ và tư duy, bởi vì người đọc phải nhớ lại những điều đọc được và hiểu thấu ý nghĩa của chúng. Còn ghép những điều mới mẻ vừa đọc được vào vốn tri thức sẵn có trong trí nhớ và ý thức của mình sẽ có tác dụng mở mang tầm mắt và hình thành thế giới quan khoa học của độc giả. Chúng ta đều biết, “nhà văn, cũng như mọi nhà nghệ thuật khác, biết nhìn ra trong cuộc sống xung quanh và vạch cho ta thấy những điều ta thường không nhận xét được buộc ta phải ngẫm nghĩ về những điều xưa nay ta vẫn tưởng là hết sức giản đơn hoặc không đáng quan tâm”(7)
Một việc có tác dụng tốt, giúp rèn luyện các kỹ xảo lôgic trong đọc sách, đồng thời củng cố và bồi dưỡng trí nhớ người đọc là nêu bật những ý chính tìm ra được, bằng cách gạch dưới các từ hay các câu trong chính văn nếu sách là của mình hoặc bằng cách ghi chép dưới hình thức một dàn ý lôgic nêu rõ cuốn sách nói về vấn đề gì, và theo trình tự nào.
Dĩ nhiên, không phải tự nhiên độc giả có thể phân tích lôgic bài văn và ghi lại ý chính, mà đó là kết quả của việc đọc sách tự lực ta có nghiền ngẫm.
Không có lao động tự lực thì không thể tìm ra được chân lý trong một vấn để nghiêm túc nào hết, cho nên người nào ngại lao động thì người ấy tự tước đoạt khả năng tìm ra chân lý.
Trong khi rèn luyện, bồi dưỡng trí nhớ và tư duy người đọc cần lưu ý thường xuyên đem mối liên hệ khăng khít giữa hai cái đó.
Có thể vì ý nghĩ như đầu mũi tên, còn trí nhớ là đuôi mũi tên: hai cái đó trợ giúp lẫn nhau trong lúc tên bay đến đích.
Nhà y học kiêm nhà giáo dục học Nga lỗi lạc N.I.Pigô-rôp đặt câu hỏi: “Học thuộc một các thông minh nghĩa là thế nào? Phải chăng đó không thể là công việc của trí nhớ đơn thuần, mà là một sự lĩnh hội các tri thức bằng lý trí... Mọi người đều biết một mình lý trí, mà thiếu trí nhớ, thì không làm được trò trống gì. Không tài nào xây dựng được một suy luận ba đoạn (suy lý, suy diễn – A.P) và thậm chí một biểu thức rút gọn của suy luận ba đoạn nếu thiếu trí nhớ. Ai quên mất tiền đề thứ nhất hoặc tiên đề thứ hai thì không thể đi đến kết luận được”(8)
Sau khi đã quán triệt ý chính, ta nên - và đôi khi cần phải – gắn cho nó một số thành ngữ thật đích đáng, một số câu phát biểu cô đúc, một số so sánh ví von thú vị.
Học thuộc nhẩm trong óc một số đoạn chọn lọc cũng có tác dụng củng cố trí nhớ và làm giàu vốn hiểu biết. Nhờ được các châm ngôn, tục ngữ, các đoạn chọn lọc trong các tác phẩm cổ điển và tác phẩm thơ văn khác, chẳng những làm giàu ngôn ngữ viết và nói, mà còn giúp trau dồi hoạt động trí óc, chứ chưa nói đến giáo dục thẩm mỹ cho độc giả.
Ghi chép, đến lượt nó lại giúp người đọc nhìn và nghe, vì nó có tác dụng trau dồi cái gọi là “văn hóa cảm giác” (tức là văn hóa của hoạt động của các giác quan), văn hóa cảm giác có liên quan không tách rời với bồi dưỡng trí nhớ và tư duy(9)
Nhà tư tưởng lỗi lạc phương Đông Luxuphơ Hat Hatgip quả quyết:
“Trí nhớ dù bền lâu thật là đại phúc.
Song giấy trắng mực đen vẫn đáng tin hơn!
(10)
L.N.Tônxtôi là người có một trí nhớ khổng lồ, suốt cuộc đời sáng tác dài, vẫn ghi lại những ý nghĩ và quan sát của mình, những bài tổng kết đọc sách…
Ông khuyên “lúc nào cũng nên mang theo một cây bút chì và một quyển sổ để ghi lại tất cả những tài liệu, những quan sát, những ý nghĩ và những quy tắc bổ ích, lý thú thu lượm được trong lúc đọc sách, trong lúc trò chuyện hay ngẫm nghĩ và tối đến sẽ chép lại những cái đó vào một quyển sách riêng, theo từng mục(11)
Ghi chép giúp ích ta nhiều nhất về mặt trau dồi trí nhớ và tư duy trong trường hợp các ghi chép có hình thức phức tạp, chẳng hạn khi ta không chỉ ghi lại những điều đọc được vào một quyển vở riêng hay một phiếu riêng, mà còn viết lời chú vắn tắt, còn ghi lại những nhận định (phán đoán) của mình về cuốn sách kèm với những lập luận làm cơ sở cho nhận định đó và không chỉ nhận xét về từng cuốn sách mà nhận xét về từng đề tài, từng vấn đề.
Một cách tốt để bồi dưỡng tư duy, đồng thời cũng giúp dễ nhớ những điều đọc được là tự mình tập hợp các khái niệm và thuật ngữ, các sự kiện và định nghĩa vụ đọc được trong sách, sắp xếp, phân loại chúng vào những bảng, những sơ đồ…
Đôi khi, phân tích cấu tạo của cuốn sách về mặt số lượng, chẳng hạn kiểm điểm xem trong cuốn sách tác giả nêu lên bao nhiêu luận đề cơ bản hoặc bao nhiêu tên người, ngày tháng, biên cố, thuật ngữ, kết luận... (12) cũng là một cách bổ ích đối với người đọc.
Mọi kiểu sắp xếp các tài liệu đọc được, mọi kiểu phân đó, rút ra những kết luận riêng từ các điều đọc được đều giúp ghi nhớ dễ dàng hơn và rèn luyện kỹ xảo lĩnh hội vững chắc.
Một biện pháp tốt giúp nhớ lâu là xem lướt tổng quát phần vừa đọc, nhất là trước khi tạm nghỉ đọc.
Trong quá trình nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, người đọc có dịp tốt để bồi dưỡng tính độc lập tư duy và rèn luyện trí nhớ.
N.G. Tsecnưsepxki khuyên: “Hãy gắng đọc những cuốn sách chủ chốt, những tác phẩm độc đáo, nguồn của những tư tưởng vĩ đại và những hứng thú cao quý”(13)
Ông nhận xét rằng ngôn ngữ trong các tác phẩm kinh điển rất ngắn gọn, các tác giả kinh điển biết cách gói gém một nội dung phong phú trong một số ít từ, biết cách truyền cho người đọc “tính chất” của các thành tựu của loài người.
Nhà bác học Nga vĩ đại cho rằng: “Trong mỗi bộ môn, chỉ có rất ít những tác phẩm thuộc loại chủ chốt như vậy tất cả các tác phẩm khác chỉ là lặp lại, pha loãng và làm sứt mẻ những diều chứa đựng một cách đầy đủ và sáng tỏ hơn nhiều trong các tác phẩm ít ỏi nói trên”(14)
Song N.G. Tsecnrsepxki không nhắc đến ý nghĩa của những cuốn sách giúp người đọc hiểu thấu hơn, lĩnh hội sâu hơn và sử dụng có lợi hơn các tác phẩm kinh điển.
Mặt này của vấn đề đã được viện sĩ V.I.Vecnatxki làm sáng tỏ. Ông chỉ rõ: “Các tác phẩm kinh điển chứa đựng kho tàng văn hóa phong phú của loài người và giữ mãi giá trị của chúng gần hệt như các tác phẩm văn học cổ điển… Muốn người đọc hiểu được các tác phẩm đó, phải có những bài bình luận. Các khái niệm và các từ trong khoa học có lịch sử của chúng, có cuộc đời của chúng và nếu ta không lưu ý đến những biến đổi của chúng theo thời gian thì độc giả hậu sinh sẽ không hiểu nổi và các khái niệm, các từ càng cổ xưa bao nhiêu thì càng khó hiểu bấy nhiêu. Thuộc loại sách kinh điển này là tác phẩm của hàng ngàn nhân vật, từ Arixtôt hay Côpecnic hay Galilê... cho đến những người cùng thời với chúng ta như Đ.I. Menđêleep hay I.P. Pavlôp.
Tìm hiểu các tác phẩm đó trong nguyên bản hay qua một bản dịch tốt là một còng cụ rất mạnh của nền giáo dục cao đẳng, của nền văn hóa nhân dân. Không được để các tác phẩm đó bị mai một, bị quên lãng, mà phải đem ra đọc đi đọc lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, trước hết là thế hệ trẻ được trau dồi học vấn trong những năm học ở trường Đại học(l5)
Việc đọc sách phải có tác dụng biến đổi và hoàn thiện tư duy người đọc, ý thức người đọc, thế giới nội tâm người đọc và do đó phải ảnh hưởng đến hành vi người đọc, đến trình độ văn hóa người đọc trong lao động và trong sinh hoạt, đến hoạt động xã hội của người đọc, phải có tác dụng hình thành con người mới, con người xây dựng xã hội tiên tiến.

(1) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, tr.305.
(2) V.I.Lênin, Toàn tập, tập 39, tr.65.
(3) C.Mác và F.Ăngghen. Tác phẩm, Xuất bản lần thứ hai, Tập 20, Maxcơva, Nxb Chính trị Nhà nước, 1961, tr.366.
(4) G.Pôpôp. Kỹ thuật làm việc cá nhân. Xuất bản lần thứ hai, Maxcơva “Công nhận Maxcơva”, 1968, tr.46.
(5) và (6) V.Lidin. Bạn tôi, các quyển sách, Maxcơva “Nghệ thuật”, 1962, tr.8.
(7) V.I.Calitin. Nghệ thuật làm độc giả. Maxcơva “Đội cận vệ thanh niên”, 1962, tr.41.
(8) N.I.Pigôrôp, Tác phẩm của Nicôlai Ivanôvit Pigôrôp, Tập 1, Kiep, 1910, tr.104 - 106.
(9) Xem: N.I.Calitin, Nghệt thuật nhìn và nghe, Maxcơva “Tri thức”, 1965, tr.127.
(10) Luxuphơ Hat Hatgip. Khoa học làm người hạnh phúc. Tat-sken, 1965, tr.56.
(11) L.N.Tônxtôi. Toàn tập, tập 11, Maxcơva “Văn học”, 1939, tr.203.
(12) Xem: Đ.I.Xôlôtcôp. Bồi dưỡng các kỹ xảo đọc sách trong quá trình dạy học môn toán. Nxb Antai, 1959, 62 tr.
(13) và (14) N.G. Tsecnưsepxki, Làm gì? Toàn tập, tập 11, Maxcơva tr.203.
(15) V.I.Vecnatxki. Gơt, nhà tự nhiên học - “Thông báo của Hội các nhà tự nhiên học Maxcơva” (Loại sách mới, Khoa địa chất). Tập 21, 1946, tr.9.
Phan Tất Đắc dịch
 Nguồn: http://www.chungta.com/

http://d.violet.vn/hoanghai29/entry/show/entry_id/1776976

Tại sao chúng ta nên dành thời gian viết mỗi ngày?

Việc tự xây dựng thói quen viết hàng ngày mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân, hơn thế nữa sau cùng bạn còn có thể viết một cuốn tiểu thuyết dành cho chính mình. Cho dù muốn tăng vốn từ vựng, ghi lại những giấc mơ hay giữ một cuốn sổ ghi lại tất cả những thứ xảy ra xung quanh mình, việc viết hàng ngày có thể mang lại những tác động thần kỳ cho cuộc sống của bạn. Dưới đây là 5 lợi ích tuyệt vời của việc viết giải thích cho câu hỏi: "Tại sao chúng ta nên dành thời gian viết mỗi ngày?". Mời các bạn cùng tham khảo!

Đánh thức não bộ

Đánh thức não bộ
Đã bao giờ bạn cố gắng hết sức để bắt đầu làm việc nhưng cuối cùng lại ngồi đấy trong suốt mấy tiếng đồng hồ, đợi cho não bộ của bạn khởi động đủ để hoạt động hiệu quả và nhanh chóng chưa? Điều đó thật tốn thời gian, đặc biệt là khi công việc bắt buộc phải thực hiện ngay trong một khoảng thời gian nhất định.
Thay vào đó, hãy cân nhắc việc bắt đầu làm mọi việc một cách nghiêm túc bằng cách ghi chép vài dòng trong khi đang thưởng thức một ly cà phê, trà hay sinh tố chẳng hạn. Bạn có thể lập ra hàng loạt những chủ đề mà bản thân có thể nghĩ tới lên giấy, viết hết chúng ra và rồi mỗi ngày có thể chọn viết về 1 chủ đề bất kỳ hoặc đăng ký một trong vô vàn chủ đề trong danh sách thư gửi đến mail vào mỗi sáng. Figment có thể làm được điều đó, nhưng tất cả những gì bạn cần làm là sử dụng công cụ tìm kiếm nhanh của Google cho cụm từ "daily writing prompts - nhắc nhở viết hàng ngày" và sẽ không thiếu các chủ đề dành cho bạn. Rời khỏi nhà vào lúc sáng sớm thúc đẩy não bộ và quy trình làm việc tốt để khi bước vào văn phòng làm việc bạn sẽ phản ứng nhạy bén, tập trung và giải quyết được bất cứ việc gì trên bàn làm việc.

Tuôn trào ý tưởng

Tuôn trào ý tưởng
Viết vài trang ngay khi thức dậy thật sự là cách hoàn hảo để bắt đầu ngày mới một cách hiệu quả. Bạn không cần phải viết cả một câu chuyện, mà hãy ghi lại những suy nghĩ xuất hiện thoáng qua trong đầu vào buổi sáng sớm. Nó có thể là những thứ không ăn nhập gì với nhau như: "Thật tuyệt vời, lại một buổi sáng thứ Tư nữa bắt đầu. Mình đã quên mua đồ ăn cho mèo, vậy nên hôm nay Mr. Flipples sẽ được ăn món cá hồi chiên trứng. Đôi tất của mình đang nằm đâu rồi nhỉ? Hy vọng rằng Martha sẽ nhớ lấy thêm cà phê cho văn phòng..."
Vậy làm những việc này có lợi ích gì? Nó giúp bạn giải tỏa những lo lắng hay băn khoăn trong đầu suốt đêm qua, do đó bạn có thể bắt đầu một ngày mới với một tinh thần thoải mái. Đó cũng là một cách tuyệt vời để khám phá bản thân và tự hồi tưởng lại sau khi bạn bắt đầu viết mỗi ngày trong vài tuần, hãy dành một buổi chiều cuối tuần nào đấy, xem lại toàn bộ những điều bạn đã phác thảo ra. Nếu tìm thấy những nỗi lo lắng hay vấn đề giống nhau xuất hiện hàng ngày, đó là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy rằng những điều ấy cần phải được giải quyết triệt để, ngừng ảnh hưởng đến bạn. Nếu phát hiện ra rằng mình bắt đầu ngày mới bằng việc chỉ trích bản thân, hãy cố gắng đối xử tốt với bản thân hơn, bắt đầu ngày mới với những suy nghĩ tích cực, lạc quan hoặc bằng một bài tập xoa dịu chính mình như Yoga, đi dạo trong công viên hay dành vài phút để ngồi thiền chẳng hạn.

Khơi gợi những giấc mơ

Khơi gợi những giấc mơ
Nếu bạn đang tìm kiếm chủ đề cụ thể nào đấy để viết, hãy thử suy nghĩ về việc viết lại những giấc mơ của bạn xem sao. Luôn giữ nó bên mình để bạn có thể ghi chú lại khi chẳng may giật mình giữa đêm khuya hoặc dành vài phút để viết lại vài dòng mỗi sáng. Nếu bạn không mơ gì cả, hãy ghi chú lại điều đó. Còn nếu đêm hôm trước bạn có mơ một giấc mơ, hãy cố gắng viết lại mọi thứ mà bạn nhớ những sự kiện không liền mạch, thậm chí là hình ảnh hay màu sắc mờ nhạt cũng được. Dần dần bạn sẽ nhận ra rằng khả năng nhớ chi tiết trong giấc mơ của mình được cải thiện đáng kể và có thể bắt đầu chú ý đến vật thể hay chủ đề trong mỗi giấc mơ.

Duy trì và mở rộng vốn từ vựng

Duy trì và mở rộng vốn từ vựng
Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu nói "sử dụng hay làm mất đi"? Câu nói này có thể áp dụng cho nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống và vốn từ vựng cũng không ngoại lệ. Trong kỷ nguyên khi mà mọi người đều sử dụng tin nhắn như một trong những cách thức chủ yếu cho việc giao tiếp hàng ngày, nhiều người nhận ra rằng ngân hàng từ vựng trong trí não họ đang bị suy giảm vì những cách mới ngưng đọng suy nghĩ bởi một vài từ hay ký tự. Điều này có thể là một vấn đề khi bạn đang ngồi trong buổi họp và không thể nhớ ra những thuật ngữ chuyên môn quan trọng hay khi viết một bài văn mà từ ngữ chỉ nhảy nhót ở đâu đó trong trí nhớ không thể bật ra được, lúc đó có thể bạn phải dùng một cụm từ hoàn toàn không phù hợp vì không có thời gian tra cứu từ điển để tìm ra từ chính xác.
Một cách thú vị để mở rộng vốn từ là theo dõi hòm thư của "Word of the Day - mỗi ngày một từ vựng": mỗi sáng bạn sẽ nhận được một từ mới (thường khá khó hiểu) và bạn có thể cố gắng đưa nó vào một cuộc hội thoại hay trao đổi văn bản vào một thời điểm nào đó trong ngày. Thật thú vị làm sao khi đưa những từ như "confrere" (đồng nghiệp) và "factotum" (quản gia) vào trong thư gửi đồng nghiệp và thành viên gia đình?

Suy nghĩ cẩn thận và thư giãn vào buổi tối

Suy nghĩ cẩn thận và thư giãn vào buổi tối
Hầu hết mọi người trong số chúng ta đều rất bận rộn hoặc cảm thấy khá căng thẳng trong suy nghĩ, đôi khi điều này còn "đè nặng" khi chúng ta thực sự có thời gian nghỉ ngơi sau ngày làm việc không ngừng nghỉ - ngay cả khi chúng ta cố gắng đi ngủ. Hãy cân nhắc về việc giữ giấy ghi chú hay cuốn sổ ở bên cạnh giường ngủ và dành 15-20 phút mỗi tối để viết lại suy nghĩ của bạn về một ngày trôi qua. Nếu có những việc xảy ra trong ngày khiến bạn cảm thấy stress, hãy viết lại toàn bộ như một sự khẳng định có thể làm giảm lo lắng và bạn có thể được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nghĩ về tất cả những điều tốt đẹp đã đến với bạn trong ngày hôm đó để suy nghĩ cuối cùng mang theo vào giấc ngủ sẽ là những suy nghĩ lạc quan, mang tính chất xây dựng.

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2017

Tuy mạnh yếu khác nhau Song hào kiệt thời nào cũng có

Bình Ngô Đại cáo, bản Tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của Việt Nam, được Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi, người sáng lập triều đại Hậu Lê, công bố vào năm 1428, sau khi quét sạch giặc Minh, là một áng hùng văn kiệt tác bất hủ của Nguyễn Trãi, một nhà văn, nhà thơ, một chiến lược gia chính trị quân sự xuất chúng của mọi thời đại.
Sử không cho biết chính xác năm Nguyễn Trãi gia nhập lực lượng kháng chiến do Lê Lợi lãnh đạo, nhưng nhiều tư liệu xác định ông không có mặt trong Hội thề Lũng Nhai do Lê Lợi tổ chức để khởi nghĩa (1416).
Theo Đinh tộc ngọc phả, mãi đến năm 1423, bảy năm sau ngày Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Trãi mới đến bái yết Bình Định Vương Lê Lợi. Nhưng từ khi có ông, cục diện kháng chiến chống Minh đã thay đổi. Thực hiện những kế sách của Nguyễn Trãi, lực lượng kháng chiến đã liên tục giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Nguyễn Trãi giỏi sử dụng chiến thuật dùng yếu đánh mạnh, dùng ít đánh nhiều và là một nhà tâm lý chiến đại tài. Ông là người đề xuất và thực hiện một mưu kế nổi tiếng vừa làm nản lòng quân xâm lược, vừa xây dựng niềm tin cho tướng lĩnh, binh sĩ và nhân dân ta là dùng mật ong viết lên lá rừng tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” cho kiến đục thành lỗ khiến quân Minh nghi là có thần giúp.
Tuy nhiên, các tướng lĩnh như Lê Sát, Phạm Vấn… (những người đã vào sinh ra tử cùng Lê Lợi trong buổi đầu kháng chiến) rất bất bình, cho là Nguyễn Trãi kiêu ngạo không coi họ ra gì. Đinh Liệt đứng ra hòa giải bằng cách yêu cầu sửa lại là “Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần” (Lê Lợi là vua, trăm họ là bề tôi). Mối hiềm khích giữa Nguyễn Trãi, một người thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt (ông là cháu ngoại quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán, thuộc tôn thất nhà Trần) và các công thần nhà Lê vốn xuất thân là những nông dân áo vải, đã nảy sinh từ lúc đó và có thể đó cũng là mầm mống di họa cho ông sau này.
Nguyễn Trãi đã dành trọn tâm huyết của cả một đời để viết Bình Ngô Đại cáo, lời bố cáo khắp thiên hạ của hoàng đế nước Nam. Văn phong của ông trác tuyệt, lời lẽ sắc bén hơn gươm đao, khí thế mạnh mẽ, hùng tráng hơn cả vạn binh, thấm đượm tình yêu nước, thể hiện ý chí độc lập tự cường, khí phách kẻ cả không hề nhún nhường kém cạnh với cường quốc phương Bắc, uy vũ hiên ngang mà vẫn giữ phong độ trang nghiêm văn hiến, càng đọc càng thấy lòng tự hào dân tộc trỗi dậy bừng bừng.
Nhưng đó không chỉ là một bản tuyên ngôn thể hiện niềm tự hào về lịch sử lẫy lừng hàng ngàn năm của Đại Việt, tán thán công lao dựng nước giữ nước của tiền nhân và của hoàng đế đương triều, tuyên dương mạnh mẽ chủ quyền độc lập thiêng liêng, chính thống và bất khả xâm phạm, sự toàn vẹn lãnh thổ và bản sắc văn hóa dân tộc Đại Việt, ghi nhận chiến công oanh liệt hiển hách của các tướng sĩ trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, mà còn chất chứa cả tấm lòng của một trung thần muốn nhắc nhở những người lãnh đạo triều đại mới một điều cốt tử trong sự nghiệp bảo vệ vương triều, bảo vệ chủ quyền độc lập và xây dựng đất nước: đó là cần phải trọng dụng người hiền tài.
Ngay trong phần mở đầu của bản Tuyên ngôn nhằm khẳng định chủ quyền độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ và nền văn hóa phong tục khác biệt giữa Đại Việt và Trung Hoa, Nguyễn Trãi đã viết hai câu cuối có ý nghĩa rất sâu sắc: “Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”.
Mới đọc qua, người đọc có thể chỉ nghĩ rằng đây là một nhận xét phù hợp với thực tế lịch sử, vì đúng là các triều đại nối tiếp nhau của hai nước có lúc thịnh lúc suy, nhưng nhân tài hai nước thì thời nào cũng xuất hiện. Tuy nhiên, phân tích kỹ ý nghĩa của phần mở đầu, mới thấy hai chữ hào kiệt dùng ở đây là chỉ hào kiệt nước Nam.
Nguyễn Trãi muốn nhắn nhủ người láng giềng phương Bắc rằng dân tộc Đại Việt thời nào cũng sản sinh ra anh hùng hào kiệt đủ tài năng bảo vệ đất nước, đừng uổng công phí sức âm mưu chiếm đoạt. Hàm ý trong hai câu này tương tự nội dung bốn câu thơ trong bản Tuyên ngôn Độc lập lần thứ nhất của Lý Thường Kiệt “Sông núi nước Nam, vua Nam ở, Rành rành định phận ở sách trời, Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm, Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”.
Ngẫm đi ngẫm lại, chúng ta lại phát hiện một nghịch lý trong hai câu “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có”. Vì sao đất nước thời nào cũng sản sinh ra anh hùng hào kiệt lại có lúc yếu lúc mạnh? Hiển nhiên là các triều đại Nam Bắc xưa nay nối tiếp nhau có lúc thịnh, lúc suy và sự thịnh suy đó không xảy ra cùng lúc, nên nhận xét của Nguyễn Trãi “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau” là hoàn toàn chính xác. Nhưng nếu câu này đúng, chẳng lẽ câu “song hào kiệt đời nào cũng có” lại chỉ là một lời khoa trương? Chẳng lẽ đất nước đã có anh hùng hào kiệt mà vẫn yếu, vẫn suy hay sao? Vì sao anh hùng hào kiệt lại không thể làm đất nước cường thịnh?
Bình Ngô Đại cáo là tuyên cáo của một hoàng đế nước Nam cho khắp thiên hạ, lời của hoàng đế phải là lời chân thật, quân bất hý ngôn. Nguyễn Trãi là một học giả uyên bác, trong đoạn mở đầu ông đã viết “Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu” thì câu kết “song hào kiệt đời nào cũng có” là một hệ quả tất yếu hợp lẽ.
Đại Việt có nền văn hóa lâu đời, dân trí cao, khí thiêng sông núi hùng mạnh bền vững thì đương nhiên thời nào cũng có nhân tài xuất hiện. Truyền thuyết dân gian kể rằng khi được vua Tàu cử sang làm Thái thú Giao Châu (tên gọi của nước ta khi còn bị Bắc thuộc), Cao Biền thấy xứ này long mạch rất vượng, tất phát đế vương ngàn đời, nên có dã tâm muốn phá, thường mặc áo phù thủy, cưỡi diều giấy đi khắp nơi để xem địa thế, hoặc giả tảng lập đàn cúng tế để lừa thần bản địa đến rồi dùng kiếm báu chém đầu, xong đào hào, chôn kim khí để triệt long mạch, nhưng cuối cùng cũng không thành công.
Tuy chỉ là truyền thuyết, nhưng một dải giang sơn Đại Việt nằm dọc bờ Biển Đông từ đó nổi tiếng là nơi địa linh nhân kiệt.
Nếu nhận xét ở cả hai câu đều đúng, chúng ta cần tìm ra ẩn số để giải mã nghịch lý này? Ẩn số đó phù hợp với mọi thời đại, mọi quốc gia, ngày trước cũng như bây giờ. Thời nào mà người lãnh đạo quốc gia biết trọng dụng hiền tài, quốc gia sẽ thịnh trị, còn thời nào hiền tài bị bỏ phế, đất nước phải suy vong.
Là một trí thức, Nguyễn Trãi tin rằng sự thịnh suy hưng phế của các quốc gia, các triều đại xưa nay đều do con người tạo nên, không phải do mệnh trời hay do lẽ tuần hoàn của tạo hóa. Ông mong muốn vị hoàng đế sáng lập triều đại Hậu Lê hiểu rằng muốn xây dựng đế nghiệp vững bền, quốc gia dân tộc cường thịnh khiến ngoại bang không dám dòm ngó thì phải thực thi chính sách chiêu hiền đãi sĩ, trọng dụng nhân tài. Ông đã gửi gắm tâm sự của ông qua những lời lẽ thiết tha bày tỏ tấm lòng cầu hiền như khát nước của Lê Lợi trong thời kỳ kháng chiến qua những câu sau đây:
Lại ngặt vì:
Tuấn kiệt như sao buổi sớm
Nhân tài như lá mùa thu
Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần
Nơi duy ác hiếm người bàn bạc
Tấm lòng cứu nước, vẫn đăm đăm muốn tiến về Đông
Cỗ xe cầu hiền, thường chăm chắm còn dành phía tả
Trông người, người càng vắng bóng, mịt mù như nhìn chốn bể khơi…
Trong kháng chiến, nhờ có nhân tài mới đánh đuổi được quân xâm lược thì trong hòa bình, càng cần nhân tài nhiều hơn để xây dựng và bảo vệ đất nước. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi lãnh đạo quốc gia biết trọng dụng nhân tài, hiền sĩ khắp nơi sẽ theo nhau mà đến. Trọng dụng nhân tài là một quốc sách lâu dài làm cho nước Nam cường thịnh, đó chính là tâm huyết của Nguyễn Trãi khi viết Bình Ngô Đại cáo cho Lê Lợi.
Nhưng Lê Lợi thiển cận, chỉ nghĩ đến việc bảo vệ vương triều mà không xem lợi ích quốc gia làm trọng. Ông nghi kỵ và bức hại công thần. Nguyễn Trãi chỉ được phong chức Nhập nội Hành khiển, không phải là chức quan đầu triều mặc dù công lao ông rất lớn, chưa kể ông còn bị nghi ngờ trong vụ án Trần Nguyên Hãn, bị cánh trọng thần như Lê Sát, Phạm Vấn… gièm pha, đả kích, bị tước bỏ quốc tính, phải từ quan.
Đến đời Lê Thái Tông, ông được vời ra làm Gián nghị Đại phu nhưng vẫn không được tin dùng để thi thố tài năng nên cáo lão về quê ẩn dật. Về sau lại bị vướng vào án oan Thị Lộ, bị xử uống thuốc độc chết, cả nhà bị tru di tam tộc. Mấy mươi năm sau, khi Lê Thánh Tông lên ngôi, ông mới được giải oan, phục hồi danh dự.
Đỗ Nghị, một vị quan triều Hậu Lê, đã cảm thương cho ông: Nhà Lê sở dĩ lấy được thiên hạ đều do sức ông cả. Tiếc thay trời chưa muốn bình trị thiên hạ, cho nên cuối cùng ông vẫn chỉ làm chức Hành khiển Đông đạo, không được dùng hết hoài bão của mình; việc đó không phải là không may cho ông, mà chính là không may cho sinh dân đời Lê vậy.
Thật không có nhận xét nào đúng hơn.
HUỲNH BỬU SƠN /DNSGCT