Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

''Chợ Tình'' Mộc Châu



Chợ tình Châu Mộc (Sơn La) diễn ra hàng năm vào ngày 1/09 dương lịch và cũng được coi là ngày tết độc lập của người Mông. Đây cũng là phiên chợ tình duy nhất trong năm. Chợ đẹp lắm vì trang phục của người Mông chia thành nhiều dòng: Mông Đơ (trắng), Mông Đu (đen), Mông Si (đỏ), Mông Lềnh (hoa), Mông Súa (Mông Mán)... Các sắc áo váy sặc sỡ hòa trộn vào nhau như một rừng hoa.
Hai chữ “chợ tình” đã đi vào cách hiểu của người vùng xuôi như một phạm trù xã hội về tình yêu, hôn nhân. Giải thích thì có thể, nhưng chưa có cách nào định nghĩa thấu đáo về hai từ ghép này. Bởi lẽ, gọi là chợ thì ở đó phải có mua có bán, nhưng cái chợ tình ở đây không ai bán mà cũng chẳng ai mua. Vậy, sao gọi là chợ? Nhưng thật trớ trêu, những người yêu nhau lại lấy chợ làm nơi hò hẹn. Bởi vậy, nôm na có thể hiểu, chợ tình là nơi hò hẹn, trao gửi tình cảm, có những cử chỉ yêu đương diễn ra ở đó theo phong tục, tập quán của từng địa phương. Cũng đương nhiên và dễ hiểu vì chợ là đầu mối, là điểm nút của hầu hết những sinh hoạt văn hóa của đồng bào vùng cao.
Chợ tình Châu Mộc cũng có dáng dấp như chợ tình Khau Vai (Hà Giang), trải qua hơn 40 năm, nhiều thế hệ thanh niên gặp nhau ở đây đã nên vợ nên chồng. Cũng có mối tình không dẫn đến hôn nhân, nhưng vẫn giữ mối quan hệ bạn bè, họ gặp lại nhau trong đêm tết, thăm hỏi động viên nhau trên bước đường đời. Vì vậy, đêm về khuya, bố đi đường bố, mẹ đi đường mẹ, con trai, con gái lớn đi lối riêng của mình. Họ hẹn nhau đến sáng thì đợi ở một điểm nào đó để cùng về bản, tuyệt nhiên không hỏi đêm qua gặp ai, ở đâu, làm gì... Một đặc điểm của phiên chợ này là, tuy người rất đông, kín đường, kín chợ, ngựa xe không đi nổi, nhưng không hề có cãi cọ, không có người say rượu. Người Mông có câu: “Tan chợ không say không phải là người tốt”, ý nói người không uống say là không thật lòng với bạn, hoặc không có bạn.
Theo năm tháng, chợ tình Châu Mộc ngày một thêm đông. Từ những năm 90 của thế kỷ XX đã có hàng nghìn người Mông ở khắp các tỉnh vùng Tây Bắc đến dự. Sang những năm 2000, lại thêm người Mông ở Đông Bắc, Thanh Hóa, Nghệ An và cả người Mông bên nước bạn Lào cũng về vui Tết với người Mông Mộc Châu. Các dân tộc anh em như Dao, Kinh, Khơ Mú, Mường Thái ở các bản lân cận cũng kéo về thị trấn Mộc Châu vui tết cùng bà con người Mông.
Khi xưa, cuộc sống còn nghèo, mọi người đến chợ phải đi bộ hoặc đi ngựa mất cả ngày trời, đêm không về kịp phải ngủ lại. Bây giờ thì khác, phương tiện đi lại chính của đồng bào là xe máy. Đường đông như trẩy hội. Có những chàng trai đến gần chợ thì dừng xe để thay bộ cánh mới theo kiểu dân tộc cổ truyền. Họ mang theo cả radio cassette đi tìm bạn, mở băng ghi âm những bài hát mà bạn mình ưa thích, bạn nghe được sẽ tự tìm đến. Rồi hai người dắt nhau đi trò chuyện, họ lại mở máy, ghi âm tiếng nói, lời ca hoặc điệu khèn của nhau. Họ trao băng ghi âm cho nhau để mỗi khi nhớ bạn lại mở ra nghe giọng nói thân thương. Trong “rừng người” chen vai, người ta bắt gặp cả những khuôn mặt ngơ ngác của những cô bé 13, 14 tuổi lần đầu xuống chợ. Cánh con trai chầu chực ở tiệm uốn tóc để rẽ ngôi, gọt rửa, xịt keo. Sau đó, họ rủ cánh con gái đi ăn phở rồi đi chụp ảnh và chờ bọc răng vàng. Đó là những lệ bộ cần thiết. Ai cũng đẹp, cũng vui. Cánh thanh niên bắt đầu trêu chọc “kéo” nhau, “kéo” tuột cả nùn tóc giả mà các cô gái vẫn tươi cười, bởi hôm nay là ngày hạnh phúc của tuổi trẻ. Những bàn tay nắm tay, những ánh mắt đắm đuối, những cử chỉ vuốt ve... Cuộc vui rồi cũng qua, để lại kỷ niệm sâu nặng về tình yêu, tình anh em, bạn bè, và những âm vang của những bài ca, điệu múa ẩn chứa tâm hồn người dân miền sơn cước. Năm kia là điệu nhảy khèn độc đáo của anh Thào A Say, năm ngoái là tiết mục múa Sênh Tiền của Đội văn nghệ nghiệp dư huyện Mộc Châu. Năm nay, nhiều người thuộc bài dân ca Khơ Mú “Chằm ơi” (Người đẹp ơi), lời mới, nói về các dân tộc anh em cùng đến đây chung vui với người Mông: “Người đẹp ơi/ Người đẹp về đây cùng núi, cùng rừng/ Tiếng hát ta theo gió bay cao/ Tiếng hát của tình yêu lứa đôi/ Tiếng hát của tình yêu sông núi/ Người đẹp ơi... Người đẹp ơi...”. Chợ tình Mộc Châu là điểm khởi đầu cho một tình yêu trong sáng. Sự gặp gỡ, ưng thuận ở đây vừa là tỏ tình, vừa là đính ước để mùa hoa ban tới, tình yêu sẽ kết thành trái chín...

Mục đích thật sự của giáo dục?

Mục đích thật sự của giáo dục?
Con người vì ‘mang vác’ trên mình qua nhiều thứ nặng nề, có lẽ không thật cần thiết, không ngẩn mặt nhìn lên, nhìn vẻ đẹp tự nhiên và luôn phải ‘đi trên cái bóng’ của chính mình. Sao có thể gọi là con người tự do? Sao để đánh mất ‘cái bóng’? ‘cái bóng’ xám xịt và không đẹp đẽ gì.
MỤC ĐÍCH THẬT SỰ CỦA GIÁO DỤC LÀ GÌ?
“Khi mà mỗi người có cùng một tầm nhìn tốt đẹp, cùng nhận thức, và cùng nhau hành động thì chúng ta sẽ có Một-Thế-Giới với tầm nhìn rộng lớn với nhiều hy vọng và ước mơ ngọt ngào có thể thành sự thật.” (thông điệp bài hát One Vision – Queen)
“Cách hiệu quả nhất để ngăn chặn sự bạo ngược bất công là soi sáng đến hết mức có thể tâm trí của quần chúng và đặc biệt là cho họ tri thức và sự thật.” – Thomas Jefferson
“Thế giới đã chịu tổn thất quá nhiều, không phải bởi vì những kẻ xấu mà vì sự im lặng của người tốt.” – Napoleon
“Sự im lặng cũng như một bệnh ung thư đang phát triển, nó cần phải được ngăn chặn.” – thông điệp của Simon and Garfunkel từ The Sound of Silence
“Nếu chúng ta mất tinh thần, buồn và chỉ phàn nàn, chúng ta sẽ không giải quyết vấn đề của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ cầu nguyện cho một giải pháp, chúng ta sẽ không giải quyết vấn đề của chúng ta. Chúng ta cần phải đối mặt với chúng, để đối phó với chúng một cách nhẹ nhàng mà không cần bạo lực, nhưng với sự tự tin – và không bao giờ bỏ cuộc. Nếu bạn áp dụng một phương pháp nhẹ nhàng, bất bạo động, nhưng cũng đang do dự trong lòng, bạn sẽ không thành công. Bạn cần phải có sự tự tin và theo kịp những nỗ lực của bạn – nói cách khác, không bao giờ bỏ cuộc..” – Dalai Lama 14
Học để làm gì? Học để làm gì?
Học để trở thành người tự do thật sự
Vì người tự do luôn tự tin.
Tự tin là một vấn đề ở bên trong, bên trong tâm, thâm tâm, sâu trong lòng… mỗi người. Tự tin là cái mà chắc chắn, thật sự, không phụ thuộc vào hoàn cảnh bên ngoài, vật chất bên ngoài, ai đó bên ngoài. Tự tin thật sự là vấn đề của nhận thức, của kiến thức, của những giá trị tốt đẹp, hữu hình hay vô hình mà ai đó theo đuổi, tin tưởng và nắm giữ, những giá trị sẽ đem điều tốt đẹp cho mình cùng với người khác xung quanh.
Chắc chắn một điều rằng, không một ai thật sự tự tin sâu trong thâm tâm khi mà người đó đang làm một điều sai hay một điều xấu, không tốt hoặc có hại, tổn thương hay không lợi ích gì, cho người khác hay môi trường xung quanh. Nói ngắn gọn thì tự tin sẽ đem lại tự do và bình an trong tâm hồn. Ngược lại là sự bất an hay lo lắng hay sợ sệt hay nghi ngờ hay ích kỷ hay giận hờn hay ganh tỵ hay chấp trách hay ngã mạn hay tự cao hay tham lam hay mê lầm… trong lòng. Là sự thường xuyên bất an trong lòng. Điều này là nguyên nhân quan trọng nhất của sự thiếu hạnh phúc, nhiều buồn đau, thường hay dằn vặt nội tâm, hay sự không như ý, hay sự bất toại nguyện… mà rất nhiều người gặp phải thường xuyên trong đời sống.
Nếu 1 người có nhiều kiến thức, kinh nghiệm và sự từng trãi, sẽ nhìn thấy rõ điều này trong ánh mắt, giọng nói, cử chỉ v.v.. của mỗi người. Bên trong và bên ngoài phản ánh lẫn nhau. Nghĩa là sự tự tin rất dễ bị phát hiện ra nếu đó là sự tự tin không chân thật, không tự nhiên, nói khác hơn là giả tự tin. Không dễ gì để ai đó trong trường hợp nào cũng tự tin, nhưng tối thiểu cũng không nên giả tự tin.
Tự tin cũng là sự không tự lừa dối/ tự huyễn hoặc chính bản thân mình (đương nhiên cũng phải không lừa người khác nữa), tự tin là sự đơn giản-đơn giản thật là chính mình
Tự tin, một cách đúng đắn, cũng sẽ đem đến trách nhiệm cùng sự dũng cảm một cách tự nhiên ở trong lòng: Vì khi ai đó có đủ tự tin vào mình và những gì tốt đẹp mà mình theo đuổi, chắc chắn họ sẽ có đủ dũng cảm và trách nhiệm để chia sẽ nó với người khác, người thân, người họ tin tưởng, người quan trọng với họ, vì sự cần thiết phải giữ gìn những giá trị đúng đắn tốt đẹp và luôn luôn, vì sự chia sẻ không bao giờ là một điều dễ dàng thuận lợi. (Sự chia sẻ và sự tiếp nhận là một vấn đề khác cũng rất quan trọng mà sợ quá dài để nói ở đây.)
Và khi tự tin, ta nhẹ nhàng bao dung, chúng ta tha thứ, chúng ta có lòng biết ơn chân thành ngay cả với điều nhỏ nhỏ nhoi, và dĩ nhiên cả sự kiên nhẫn nữa, để làm điều tốt đẹp có ý nghĩa cho người khác, thậm chí là hoàn toàn xa lạ, với “Sự Khiêm Nhường, sự tử tế và sự lãng mạn,” (****) (San Francisco – Be Sure To Wear Flower In Your Hair)
Khi tự tin đã thật sự nảy sinh ở bên trong, ta chịu được áp lực từ bên ngoài. Tự tin ta dám nhìn thẳng vào những lỗi lầm của mỗi-người-trong-chúng-ta, dù là nhỏ nhất, để phân tích sự việc đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp, hay không đúng cũng không sai, điều tốt điều xấu và điều không tốt cũng không xấu, để rút kinh nghiệm, để học từ sai lầm, để phát triển bản thân, để trở nên trí tuệ hơn, mạnh mẽ hơn. Có tự tin ta sẽ biết đâu là sự thật, đâu là lẽ phải, đâu là điều trái, đâu là điều gì nên nắm giữ, đâu là điều gì phải từ bỏ, đúng vậy không?
Với sự tự tin vào chính mình, chúng ta không phán xét mọi thứ theo góc nhìn riêng của ta, chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận sự khác biệt giữa mình và người, chấp nhận và bảo vệ sự đa dạng, nói chung.
Vì hiện thực thế giới ngày nay đã chứng minh cho giá trị của sự tự tin – tự do – sự thật – là nền tảng cho sự sáng tạo, phát triển và chân lý, nên câu hỏi đặt ra là: “Như vậy, tự tin – tự do – sự thật – sự bình an trong tâm – có đáng để ai đó phải học hỏi, tìm kiếm và thử thách hay không?”
Tự tin nếu xét cho kỹ ta sẽ thấy đó là nền tảng của sự thành công, nền tảng của hạnh phúc, nền tảng của sự thành tựu các mong ước của mình. Ta sẽ dễ dàng tìm được các ví dụ sống động trong cuộc sống… chứng mình cho sự thật này. Có tự tin, bạn có nền tảng để có tất cả, nhưng có lẽ bạn phải đánh đổi bằng ‘cái tôi’ ‘cái bản ngã’ của chính mình.
Việc học đích thực, nói khác hơn, là việc đi tìm sự tự tin đích thực chắc chắn là một ‘hành trình dài và ngoằn nghèo’ (mượn tựa đề bài hát ‘the long and winding road’ của the beatles) [2] với nhiều vấp váp, nhưng tin rằng rất đáng để thử.
Vậy mục đích thật sự của sự học và giáo dục có phải là tạo ra những người công dân tự do, tự tin, bình an nội tâm, dũng cảm và có trách nhiệm để tránh điều xấu xa và bảo vệ điều tốt đẹp đúng đắn, hay không? Những công dân đó sẽ giảm thiểu điều xấu, gánh nặng cho xã hội và bảo vệ lẽ phải và sự tốt đẹp trong cuộc sống, phải không?
Trong hiện trạng xã hội của chúng ta ngày nay, nền giáo dục, sự học và dạy, nhìn tổng thể là bức bức tranh nhiều màu sắc nhưng chủ đạo vẫn là màu xám sen lẫn những mảng tối. Nó gợi cho nhiều nhiều người ở trong cũng như ở ngoài nhìn vào có một cảm giác bao trùm là nặng nề và khó chịu, tốn nhiều thời gian nhưng ít hữu dụng, có thể ví như là đêm tối đen trống vắng những ánh sao.
Tự hỏi rằng là khi nào bức bức tranh này sẽ chuyển sang thành sáng sủa những màu sắc, vui tươi và lãng mạn, sống động và đẹp đẽ, như ‘bầu trời đêm ngập tràn ánh sao'[3] (Starry, Starry Night), như hình ảnh tạo ấn tượng sâu sắc về con người cùng thiên nhiên đa dạng tươi đẹp những tia nắng ấm áp… như trong những bức tranh rất đắc giá của danh họa Vincent Van-Gogh?[3] Người nghệ sĩ nào, những ai, sẽ có tài năng thậm chí là phép thuật để làm được điều đó cho nền giáo dục của chúng ta?
Trong khi chờ đợi họ xuất hiện, có lẽ mỗi-một-cá-nhân-trong-chúng-ta nên tự bắt đầu bằng việc tự định nghĩa lại trong nhận thức của mình, hãy tự hỏi mình rằng, vậy thật sự việc học là gì? mục đích việc học là gì? ý nghĩa việc học là gì? phương pháp học là gì? ai sẽ là người ta phải học theo? ai dạy ta học? học ở đâu? bao nhiêu phần trăm là phải tự học? giá trị đem lại cuối cùng là gì? ta hay ai khác phải chịu trách nhiệm cho việc học hay cho kiến thức của chính ta? vân vân và vân vân
Nhiều câu hỏi cho việc học được đặt ra và chìa khóa được dấu bên trong bên trong mỗi người, trong nhận thức. Và khi ‘cánh cửa của nhận thức được mở thì hình trình đến với tự do sẽ không còn xa, vì con đường và mọi thứ đã hiện ra trong suốt đến vô cùng’ (The Doors of perception). Nói cách khác, khi cánh cửa tự tin đã mở ra, không gì là quá muộn. Không gì không thể. Chỉ cần liên tục đặt đúng câu hỏi (?) Và rồi kiên nhẫn ‘lắng nghe và đi theo’ ‘tiếng-nói-ấm-áp-âm-thầm-vang-vọng-ở-ở-bên-trong bạn’, bạn sẽ đến cái đích mà bạn muốn, đúng nơi, đúng lúc. (tôi biết là có một bí mật thật thật sự được cất dấu ở ở đây). Hãy liên tục kiếm tìm, không bao giờ bỏ cuộc……
Hãy suy nghĩ, thật sự suy nghĩ sự thật, hãy tìm mục đích thật sự của Giáo Dục, vì nói theo cách của người Mỹ là: ‘Vào sự thật, chúng ta tin tưởng’ / (in truth we trust.)
Hãy tìm kiếm, hãy lắng nghe âm thanh-thầm lặng-vang vọng của sự thật, hãy đừng ‘bịt tai mình lại’, hãy đừng “tự cắt mất tai mình”, như thông điệp mà ‘Van-Gogh đã chịu bao đau đớn’ để nói-thì thầm với chúng ta.
Hãy để sự thật-tự do thật sự lên tiếng, và, với lòng tin, chúng ta sống và chết không hối tiếc
Ảnh minh họa (2): Self-portrait with Bandaged Ear– Vincent Van Gogh.
Con người tự bịt kín mình lại, tự bịt tai mình, tự cắt tai mình (để khỏi phải nghe sự thật..), có mắt-có thị giác-nhưng-không-có-tầm-nhìn… có lẽ đó là những người tự kỹ, ích kỷ… họ quên rằng, phía sau họ là những trẻ thơ, phụ nữ.. cần được làm gương, được dạy tốt và được che chở vân vân và vân vân.
Nguồn: Triết học đường phố.

--------------------------------------------------
Mục đích và mục tiêu giáo dục ngày nay
http://congdoan.hnue.edu.vn/chuyen-de/chuyen-mon/article/59.aspx
Xác định đúng mục tiêu giáo dục
http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=113&News=5687&CategoryID=6
MỤC TIÊU GIÁO DỤC: Điểm xuất phát của đổi mới giáo dục đại học
http://www.cemd.ueh.edu.vn/?q=node%2F171
Mục tiêu của giáo dục tổng quát
http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/muc_tieu_cua_giao_duc_tong_quat.html
Thế nào gọi là giỏi

Mục Đích
1. Có tính định hướng, tính lí tưởng
2. Thời gian thực hiện dài
3. Tính rộng lớn khái quát của vấn đề
4. Không thể đo được kết quả
5. Cấu trúc phức tạp, được tạo thành do nhiều mục tiêu kết hợp lại

Mục Tiêu
1. Có tính cụ thể với hành động và phương tiện xác định
2. Thời gian thực hiện ngắn, xác định
3. Tính xác định của vấn đề
4. Kết quả có thể đo được
5. Là một bộ phận của mục đích

Trong hội nghị với bộ Đại học, UNESCO đề xướng mục đích học tập: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Trường học chúng ta hiện đang nặng về học để biết.

Thế nào là người trí thức?

Thế nào là người trí thức?
Paul A. Baran là một nhà kinh tế học người Mỹ theo chủ nghĩa Marx. Tiểu luận "The Commitment of the Intellectual" [*] ra đời trên Monthly Rewiew tháng 5 năm 1961. Bản dịch tiếng Pháp, đăng trên tạp chí Partisans tháng 10 năm 1965 dưới tựa đề "Qu’est-ce qu’un Intellectuel", đã được Trần Sóc Sơn sử dụng để chuyển sang Việt ngữ trên Gió Nội lần đầu vào khoảng cuối thập niên 1960. Trong lần dịch lại này, chúng tôi sử dụng bản gốc tuy nhiều chỗ vẫn dựa trên bản cũ, đồng thời giữ lại tựa đề của bản Pháp văn và đặt thêm một số tiểu tựa cho dễ đọc.
Ở đây, khi lập đường phân thủy giữa "trí thức" với "lao động trí thức", Baran đã đưa ra một sự phân biệt hợp lý và cần thiết. Và mặc dù được khai sinh trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, thật ra nó đã vượt thoát khuôn khổ của môi trường này. Phê phán của ông đối với một thành phần xã hội nào đó ở Hoa Kỳ vẫn còn nguyên giá trị, nếu đường ranh trên được áp dụng trong một khung cảnh khác, quốc gia chậm tiến hay chủ nghĩa xã hội đương tồn.
Thế nào là người trí thức? Câu trả lời hiển nhiên nhất có lẽ như sau: đấy là người lao động dùng trí tuệ của mình, và kiếm sống (hoặc trong trường hợp không phải bận tâm vì sinh kế, thoả mãn lợi ích riêng của mình) nhờ bộ óc hơn là bằng bắp thịt. Tuy khá giản tiện và trực tiếp, nhìn chung, định nghĩa này vẫn không thích hợp. Đúng cho bất cứ ai không làm việc tay chân, rõ ràng là nó không ăn khớp với nghĩa thông thường của từ "trí thức". Những thành ngữ như "dài lưng tốn vải" và "trí thức trùm chăn" [1] cho phép ta nghĩ rằng có một khái niệm khác hẳn trong công luận để chỉ hạng người nào đó như một tầng lớp nhỏ hơn bên trong loại người "lao động bằng trí óc".

Phân công xã hội
Đây không phải là sự tinh tế gò bó và vô bổ về từ ngữ. Thật ra, sự tồn tại của hai khái niệm khác nhau đó phản ánh một điều kiện xã hội hiện thực: hiểu rõ điều này, chúng ta sẽ đánh giá trung thực hơn vị trí và chức năng của người trí thức trong xã hội. Tuy rộng, định nghĩa đầu áp dụng chính xác cho một nhóm người khá đông, hợp thành một thành phần quan trọng của xã hội: họ làm việc với óc não nhiều hơn là bắp thịt, và sinh sống bằng trí tuệ hơn là bàn tay. Hãy gọi họ là người lao động trí thức. Đó là những nhà kinh doanh, y sĩ, quản đốc xí nghiệp, người phổ biến "văn hoá", nhân viên chứng khoán và giáo sư đại học… Tập hợp này, cũng như tập hợp "tất cả người Mỹ" hay "tất cả những người hút ống điếu" không có gì là xúc phạm. Sự sinh sôi nẩy nở đều đặn của nhóm lao động trí thức này là một trong những nét nổi bật nhất của tiến hoá lịch sử cho đến nay. Nó phản ánh một khía cạnh chủ yếu của việc phân công xã hội, đã bắt đầu với sự kết tinh của một tập đoàn tu sĩ chuyên nghiệp và đạt đến tột đỉnh với chủ nghĩa tư bản phát triển: sự tách rời hoạt động trí óc khỏi hoạt động tay chân, "dân thầy" khỏi "dân thợ".
Cả nguyên nhân lẫn hậu quả của sự phân cách này đều rất phức tạp, và lý do sâu xa cũng như tác động của nó đều nhiều như nhau. Vừa nhờ ở sự bành trướng liên tục của năng suất mà có, lại vừa đóng góp mạnh mẽ vào sự bành trướng ấy, cách biệt này cùng lúc trở thành một trong những nét chính của hiện tượng phân tán tiệm tiến nơi mỗi cá nhân, của cái mà Marx gọi là "sự tha hoá của con người đối với chính hắn". Sự tha hoá ấy không chỉ biểu lộ qua sự tê liệt và méo mó mà phân cách này tạo ra cho sự trưởng thành và phát triển của mỗi cá nhân (việc người lao động trí thức "vận động" chút đỉnh trong khi người lao động chân tay thỉnh thoảng tham gia vào hoạt động "văn hoá" chỉ có tác dụng làm cho hiện tượng này trầm trọng hơn, chứ không thuyên giảm), mà còn biểu lộ qua sự phân cực triệt để xã hội thành hai phe xung khắc và không còn chút liên hệ nào với nhau. Sự phân cực này, thẳng góc với những mâu thuẫn đối kháng giữa các giai cấp xã hội, còn gây ra một lớp sương ý thức hệ dày đặc, che lấp những thách thức đích thực mà xã hội phải đối phó, đồng thời tạo ra những vấn đề giả, những đổ vỡ cũng khốc hại chẳng kém gì trường hợp các thành kiến về chủng tộc hoặc mê tín tôn giáo. Rõ ràng là tất cả người lao động trí thức đều có một quyền lợi chung: tránh bị dồn đến chỗ phải làm những công việc tay chân cực nhọc nhưng lương kém hơn, và - bởi vì chính họ lập ra tiêu chuẩn về sự khả kính – ít được trọng vọng. Do quyền lợi này dẫn dắt, họ có khuynh hướng tuyệt đối hoá vị trí xã hội của mình, phóng đại mức khó khăn của công việc và độ phức tạp của loại khả năng cần thiết, thổi phồng sự quan trọng của cái học hình thức, của bằng cấp đại học, v. v… Rồi, tìm cách bảo vệ ưu thế của mình, họ chống lại những người lao động tay chân, tự đồng hoá với nhóm lao động trí thức thuộc giai cấp lãnh đạo, và đứng về phe ủng hộ cái trật tự xã hội đã tạo ra và che chở địa vị cùng những đặc quyền, đặc lợi của họ.
Người lao động trí thức
Vì thế, trong chế độ tư bản, người lao động trí thức là hình ảnh điển hình của tên đầy tớ trung thành, nhân viên thừa hành, công chức và phát ngôn nhân của hệ thống tư bản chủ nghĩa. Anh ta xem cái trật tự hiện hữu xung quanh là tự nhiên, và chỉ chất vấn hiện tình, hiện trạng xã hội trong khuôn khổ giới hạn của những bận tâm trước mắt, nghĩa là chỉ liên quan đến công việc trong tầm tay. Nếu không hài lòng về phí tổn sản xuất của nhà máy mà anh là sở hữu chủ, giám đốc hay người làm công, anh ta sẽ tìm cách làm nó giảm bớt. Nếu được giao trách nhiệm "bán" một thứ xà bông hoặc một ứng cử viên chính trị mới cho dư luận, anh sẽ làm tròn nhiệm vụ một cách chu đáo và khoa học. Nếu không thỏa mãn với những kiến thức hiện có về cấu trúc nguyên tử, anh sẽ dành hết nghị lực và tài năng siêu phàm để tìm ra phương thức làm tăng thêm hiểu biết về cấu trúc ấy. Người ta có thể nghĩ rằng đó là một kỹ thuật gia. Nhưng điều này dễ gây ngộ nhận. Với tư cách là chủ tịch xí nghiệp, anh có thể lấy nhiều quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế quốc gia, đến công ăn việc làm và đời sống của hàng triệu người. Với tư cách là công chức cao cấp trong chính phủ, anh có thể ảnh hưởng lên cả những biến chuyển của tình hình thế giới. Là giám đốc một viện hay một cơ quan khoa học quan trọng, anh có thể quy hoạch chiều hướng và phương pháp nghiên cứu cho một số lớn các nhà khoa học trong nhiều năm liền. Tất cả những điều trên dĩ nhiên là không phù hợp chút nào với nội dung của từ "kỹ thuật gia". Danh từ này thường được dùng để chỉ loại cá nhân mà công việc là áp dụng chủ trương chứ không phải là soạn thảo chính sách, là chọn lựa những phương tiện thích nghi chứ không phải là quyết định các mục tiêu nhắm đến, là theo dõi việc thực hiện chương trình trong chi tiết chứ không phải là quy hoạch những dự án lớn. Tuy nhiên, danh từ "kỹ thuật gia" nói lên bản chất của tập hợp gọi là "người lao động trí thức" còn trung thực hơn cả nghĩa thông thường của từ này.
Tôi lặp lại: đối tượng công tác và suy tư của người lao động trí thức là những việc làm trong tầm tay. Ðó là sự hợp lý hoá, chế ngự và vận dụng cái phần thực tại mà anh phải chăm lo trước mắt. Trong nghĩa này, anh ta không khác bao nhiêu hoặc không khác chút nào với người lao động tay chân chuyên cán mỏng những tấm kim khí, ráp máy hay xây tường. Nói bằng thể phủ định, người lao động trí thức, trong tư cách này, không quan tâm tới ý nghĩa, tính chất, vị trí của công việc mình làm trong toàn bộ sinh hoạt xã hội. Nói cách khác nữa, anh ta không nghĩ gì tới mối tương quan giữa phần nhân lực trong đó có hoạt động của mình với những phần nhân lực khác, và với toàn bộ quá trình lịch sử. Phương châm "tự nhiên" của anh ta là hãy lo chuyện của mình, và nếu cần mẫn và có tham vọng, cố sao trở thành người hữu hiệu nhất, thành công nhất trong lãnh vực này. Còn về phần những người khác, cũng vậy, họ hãy lo công việc của họ, bất cứ đó là việc gì. Quen suy nghĩ với những danh từ như huấn luyện, kinh nghiệm, khả năng, người lao động trí thức cho rằng lo nghĩ đến những vấn đề có tính cách toàn thể như thế cũng là một công việc chuyên môn như bao việc khác. Ðối với anh ta, đó là "lãnh vực" của các triết gia, chức sắc tôn giáo, nhà chính trị, cũng như "văn hoá" hay "giá trị" là địa hạt của các nhà thơ, nghệ sĩ và bậc hiền minh.
Từng cá nhân, người lao động trí thức có thể không phát biểu quan điểm trên một cách rõ ràng; cũng có thể là anh ta không ý thức được nó nữa. Nhưng mỗi người, gần như tự bản năng, nếu có thể nói như thế, đều ưa thích loại lý thuyết đã thu nhập và hợp lý hoá được quan điểm này. Một trong những lý thuyết ấy là quan niệm nổi tiếng lâu đời của Adam Smith về một thế giới trong đó mỗi người làm vườn, bằng cách chăm lo mảnh vườn riêng của mình, sẽ góp phần tốt nhất vào sự thịnh vượng chung của tất cả các mảnh vườn khác của mọi người. Dưới ánh sáng của triết lý này, sự quan tâm về cái toàn thể bị đặt ngoài trung tâm của những lo nghĩ cá nhân, và chỉ còn tác động trên anh ta một cáchhời hợt bên lề, nếu chưa hoàn toàn mất hết hiệu lực, nghĩa là chỉ ảnh hưởng tới anh ta trong tư cách công dân. Sức mạnh và ảnh hưởng của thứ lý thuyết đó xuất phát từ một chân lý quan trọng mà nó hàm chứa: trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, cá nhân phải đương đầu vớicái toàn thể như một quá trình đã được khách quan hoá, toàn năng, chuyển động một cách phi lý bởi những lực tăm tối mà anh ta không thể hiểu được, do đó, lại càng không thể ảnh hưởng tới được.
Một lý thuyết khác cũng phản ánh điều kiện của người lao động trí thức và thỏa mãn những đòi hỏi của anh ta, đó là quan niệm về sự cách ly giữa phương tiện với cứu cánh, sự ly dị giữa một bên là khoa học và kỹ thuật học, một bên là sự xác định mục tiêu và giá trị. Thái độ này, đến từ một giòng tư tưởng cũng cao quý không kém gì giòng tư tưởng của Adam Smith, đã được Charles Percy Snow [2] xem rất đúng là "một phương thức thoái thác trách nhiệm". Theo ông: "Những người muốn trốn tránh trách nhiệm thường nói:chúng tôi sản xuất ra dụng cụ. Chúng tôi ngừng ở đó. Bây giờ đến lượt các ông, những người còn lại, những người làm chính trị, nói rõ cách dùng các món đồ đó. Có thể là chúng sẽ được dùng vào những mục đích mà phần lớn chúng ta cho là xấu xa. Nếu thế, chúng tôi rất lấy làm tiếc. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, việc đó không thuộc thẩm quyền chúng tôi". Và những gì áp dụng cho nhà khoa học, cũng áp dụng cho tất cả những người lao động trí thức khác, với một áp lực tương đương.
Dĩ nhiên, "thoái thác trách nhiệm", trên thực tế, dẫn đến cùng một thái độ với "lo lấy phần việc của mình"; đó chỉ là cách nói mới. Và thái độ này vẫn không thay đổi, dù hiện nay một khuynh hướng khá phổ biến đặt tín nhiệm ở chính phủ nhiều hơn ở nguyên tắc phó mặc buông trôi, thay thế bàn tay vô hình của Thượng Đế bằng bàn tay lộ liễu hơn, nếu không nhất thiết phải là hữu ích hơn, của nhà nước tư bản chủ nghĩa. Kết quả vẫn thế: quan tâm tới cái toàn thể không phải là việc của cá nhân; và bỏ mặc mối lo đó cho kẻ khác, cá nhân chấp nhận, qua chính sự bỏ mặc ấy, cấu trúc hiện hữu của cái toàn thể như một dữ kiện, đồng thời tán đồng các tiêu chuẩn về lý tính, những giá trị đang giữ phần ưu thắng trong xã hội, cũng như loại thước đo về hiệu năng, sự thực hiện và sự thành đạt hiện hành.

Thế nào là người trí thức ?
Tôi đề nghị chúng ta tìm đường phân thủy giữa người lao động trí thức và trí thức [3] qua thái độ của họ đối với những vấn đề đặt ra bởi toàn bộ quá trình lịch sử. Bởi vì một đặc tính của người trí thức giúp ta phân biệt anh ta với người lao động trí thức, và với tất cả những người khác, là sự kiện này: sự quan tâm của anh ta đối với toàn bộ quá trình lịch sử không phải là một thái độ hời hợt ngoài mặt, nó ăn sâu vào tâm trí anh, và chi phối công việc anh ta làm. Tự nhiên, điều đó không có nghĩa là trong sinh hoạt thường nhật, người trí thức lăn xả vào việc nghiên cứu tất cả quá trình phát triển lịch sử. Chuyện ấy hiển nhiên là không thể xảy ra. Nó chỉ thật sự có nghĩa là người trí thức luôn luôn tìm cách gắn liền bất kỳ phạm vi lao động riêng biệt nào của mình với những mặt khác của cuộc sống. Chính sự cố tâm nối liền các sự việc với nhau – những sự việc mà, trong trường hợp người lao động trí thức sinh hoạt trong khuôn khổ các định chế tư bản chủ nghĩa và thấm nhuần cả ý thức hệ lẫn văn hoá tư sản, nhất định sẽ bị nhốt cứng trong các ngăn kiến thức hoặc lao động xã hội rời rạc -, chính cố tâm nối kết đó xác lập một trong những đặc điểm nổi bật của người trí thức. Và cũng chính nó xác nhận một trong những chức năng chính của người trí thức trong xã hội: nhắc nhở và biểu trưng cho một sự kiện hết sức cơ bản trong hệ thống tư bản chủ nghĩa, là những mẩu nhỏ của cuộc sống xã hội, tuy bề ngoài có vẻ độc lập, hỗn tạp và rời rạc – văn học, nghệ thuật, chính trị, trật tự kinh tế, khoa học, điều kiện văn hoá và tâm lý cá nhân - đều có thể được hiểu rõ (và bị chi phối) khi nào chúng được nhận diện rõ rệt như các bộ phận của toàn bộ quá trình lịch sử.
Nguyên tắc "chân lý là cái toàn thể" này – nói theo ngôn ngữ của Hegel -, ngược lại, bao hàm điều tất yếu không thể tránh: từ chối chấp nhận bất cứ một bộ phận nào của cái toàn thể chỉ như dữ kiện, hoặc xem nó như không thể nào tìm hiểu, phân tích được. Dù là nghiên cứu về nạn thất nghiệp trong một nước hay sự lạc hậu và đói rách ở một nước khác, về tình trạng giáo dục hiện nay hay sự phát triển của khoa học trong giai đoạn trước, không một toàn bộ những điều kiện chi phối bất cứ xã hội nào có thể được chấp nhận như tự nhiên vốn như thế, hoặc nằm "ngoài lãnh vực". Hoàn toàn không thể nào chấp nhận được sự trốn tránh phơi bày mối liên hệ phức tạp giữa bất kỳ hiện tượng gì ta đang khảo sát với vấn đề trung tâm quá hiển nhiên của sự phát triển lịch sử: tính năng động và sự tiến hoá của ngay chính trật tự xã hội.
Quan trọng hơn nữa, cần phải ý thức rõ hậu quả của thói quen xem những cái gọi là "giá trị" được mọi người tôn trọng như hoàn toàn nằm ngoài phạm vi nghiên cứu khoa học; đây là một lối hành xử đã được hệ tư tưởng tư sản chủ tâm bồi dưỡng. Bởi vì các "giá trị" và những "phán đoán đạo đức" này, mà người lao động trí thức thường xem như loại dữ kiện bất khả xâm phạm, không hề từ trên trời rơi xuống. Bản thân chúng cũng chính là những khía cạnh và kết quả quan trọng của sự phát triển lịch sử; ở đây, không những chúng cần phải được nhận diện dứt khoát như thế, mà nguồn gốc và vai trò lịch sử của chúng còn cần phải được khảo sát kỹ lưỡng. Thật ra, sự phi thiêng hoá các "giá trị", "phán đoán đạo đức" và những thứ tương tự, sự nhận diện các nguyên nhân xã hội, kinh tế và tâm lý đã khiến chúng xuất hiện, tiến hoá và biến mất, cũng như sự lột trần loại quyền lợi đặc thù mà chúng phục vụ ở từng thời kỳ lịch sử nhất định… chính là đóng góp riêng lớn nhất mà người trí thức có thể mang đến cho sự tiến bộ của loài người.
"Trung lập đạo đức ?"
Ðiều này nêu lên một vấn đề mới. Khi nhận định rằng chức năng của mình chỉ là áp dụng những phương tiện tốt nhất để đạt đến các mục tiêu cho sẵn, người lao động trí thức đã lấy thái độ bất khả tri đối với ngay chính các mục tiêu đó. Trong khả năng như chuyên viên, giám đốc hay kỹ thuật gia, họ tin rằng họ không có thẩm quyền chi hết trong việc quyết định những mục tiêu phải theo đuổi, cũng như trong việc phát biểu sự ưa chuộng một mục tiêu nào đó hơn một mục tiêu khác. Như đã nói, họ chấp nhận là họ có thể, trong tư cách công dân, có một vài sở thích, với hệ số không hơn cũng chẳng kém gì sở thích của người khác. Nhưng với tư cách là nhà khoa học, chuyên gia, nhà thông thái,… họ khước từ lên tiếng tán đồng "phán đoán giá trị" này hoặc phán đoán khác. Một sự thoái vị như thế, trên thực tế, chỉ có nghĩa là tán đồng mãi mãi hiện trạng, là đưa tay cứu giúp những kẻ đang tìm đủ cách để ngăn cản mọi nỗ lực thay đổi trật tự xã hội hiện hữu bằng một trật tự mới tốt đẹp hơn. Chính sự "trung lập đạo đức" này đã khiến hơn một nhà kinh tế, xã hội, nhân chủng học... tuyên bố rằng, vì là nhà khoa học, họ không thể phát biểu một ý kiến nào hết về việc các nước kém mở mang có nên bước vào con đường tăng trưởng kinh tế hay không; cũng chính nhân danh cùng một thứ "trung lập đạo đức" này mà nhiều nhà khoa học lỗi lạc đã cống hiến không ít năng lực và thiên tài của mình vào việc phát minh và hoàn chỉnh loại vũ khí vi khuẩn.
Đến điểm này, người ta có thể bắt bẻ rằng tôi đang lập luận luẩn quẩn, tiên quyết cho là đúng chính cái điều cần phải chứng minh, rằng nếu có vấn đề ở đây chính là vì không ai có thể suy diễn, chỉ bằng sự hiển nhiên và lý luận không thôi, tính chất tốt hay xấu, lợi hoặc hại của một sự việc nào đó đối với hạnh phúc của nhân loại. Dù mạnh đến đâu, luận cứ trên nằm ngoài vấn đề đang bàn cãi. Ai cũng có thể đồng ý rằng, về những gì tốt hay xấu cho sự tiến bộ của nhân loại, người ta không thể nào đạt đến một phán đoán có giá trị tuyệt đối cho mọi nơi và mọi thời. Nhưng có thể nói một phán đoán tuyệt đối và phổ quát như thế chỉ là vấn đề giả, và nhấn mạnh trên tính thiết yếu của nó chính là một khía cạnh của hệ tư tưởng phản động. Sự thật hiển nhiên là cái gì có thể thúc đẩy sự tiến bộ, có cơ may cải thiện kiếp người, những gì thuận lợi cho số phận con người hoặc ngược lại, khác nhau tùy từng thời kỳ lịch sử và từng địa điểm trên trái đất. nhưng những vấn đề mời gọi phát biểu ý kiến không hề thuộc loại trừu tượng, tư biện về "thiện", "ác" chung chung, mà luôn luôn là các vấn đề cụ thể, đặt ra trên lịch trình xã hội bởi những căng thẳng và đối kháng, bởi các tập hợp chóng đổi thay của lịch sử. Cổ kim chưa thời nào, nơi nào có khả năng, mà cũng không hề có sự bắt buộc, đạt đến những giải pháp có giá trị tuyệt đối; tuy ở mọi nơi, mọi thời đều có thách đố sử dụng sự khôn ngoan, kiến thức và kinh nghiệm đã tích tụ được của nhân loại để tiến đến càng sát càng tốt, một giải pháp ước chừng như tốt đẹp nhất trong những điều kiện hiện hữu.
Nếu chúng ta theo gương kẻ "thoái thác trách nhiệm", những người chủ trương "trung lập đạo đức" chỉ quan tâm đến phần việc riêng của mình, thì chính chúng ta sẽ ngăn cản tầng lớp này của xã hội - lớp người có (hay đáng lẽ phải có) những kiến thức và học thức phong phú đầy đủ nhất, nhiều khả năng khám phá và hấp thụ kinh nghiệm lịch sử nhất - trong việc cung cấp cho xã hội một phương hướng nhân bản cùng sự lãnh đạo sáng suốt có thể thu góp ở mỗi ngã tư của cuộc hành trình lịch sử. Nếu "tất cả mọi ý kiến có thể phát biểu đều có giá trị không hơn không kém gì ý kiến của tôi", như gần đây một nhà kinh tế học lỗi lạc đã lưu ý, thì đâu là sự đóng góp mà các nhà khoa học và người lao động trí thức đủ loại có ý muốn và có khả năng mang lại cho hạnh phúc xã hội? Trả lời rằng đấy là sự "biết làm như thế nào" cần thiết để thực hiện mọi mục tiêu mà xã hội có thể chọn lựa không phải là giải đáp thỏa đáng. Phải thấy rõ rằng "sự chọn lựa" của xã hội không phát sinh từ phép lạ: dù ở thời điểm nào, xã hội cũng bị đưa đẩy đến một vài chọn lựa bởi những quyền lợi có năng lực cám dỗ, dọa dẫm hoặc bắt buộc. Khi người lao động trí thức từ bỏ việc tìm cách ảnh hưởng lên quyền quyết định những chọn lựa đó, sự đào nhiệm này không hề để lại khoảng trống nào trong lãnh vực tạo tác giá trị. Nó chỉ đơn thuần buông thả công việc cực kỳ quan trọng ấy vào tay bọn lang băm, bịp bợm và bè lũ, mà dụng tâm có thể là mọi thứ trừ lòng nhân.
Khát khao chân lý ?
Cần nêu ra đây một luận cứ khác của những người chủ trương "trung lập đạo đức" mạch lạc nhất. Họ nhận thấy, đôi khi với chút do dự và hổ thẹn nào đó, rằng nói cho cùng, chưa ai chứng minh được bằng sự hiển nhiên và lý luận rằng sống nhân đạo có đôi chút giá trị đạo đức nào. Tại sao một số người lại không cam tâm chịu đói khổ, nếu sự đói khổ của họ giúp kẻ khác được hưởng thụ giàu sang, tự do và hạnh phúc? Tại sao lại phải tìm cách cải thiện điều kiện sinh sống của đại chúng thay vì chăm lo quyền lợi riêng tư? Tại sao lại phải bận tâm chở "sữa nuôi mọi" [4], khi sự bận tâm này là đầu mối của mọi lo lắng, khó chịu? Thái độ nhân đạo phải chăng tự nó chỉ là một "phán đoán giá trị" thiếu nền tảng luận lý? Cách đây khoảng 30 năm, một lãnh tụ sinh viên quốc xã đã đặt cho tôi loại câu hỏi trên trong một buổi họp công cộng (về sau, anh ta trở thành sĩ quan SS nổi tiếng của Gestapo), và câu trả lời hay nhất mà tôi tìm ra lúc ấy vẫn còn là câu hay nhất đối với tôi ngày nay: thảo luận về các sự việc liên quan đến con người chỉ có nghĩa giữa những kẻ có nhân tính; nói chuyện về con người với súc vật chỉ tổ mất thì giờ.
Đây là điểm trên đó người trí thức không có quyền thoả hiệp. Bất đồng, tranh luận, và ngay cả xung đột trầm trọng là điều không thể tránh, và trên thực tế, không thể không có để xác định nội dung cũng như phương tiện thực hiện những điều kiện cần thiết cho sức khỏe, sự phát triển và hạnh phúc của con người. Nhưng sáp nhập vào chủ nghĩa nhân bản, và tôn trọng nguyên tắc theo đó việc tìm kiếm sự tiến bộ của loài người tự nó không cần tới bất kỳ một biện minh nào của khoa học hay luận lý phải là thứ nền tảng có giá trị định đề cho mọi nỗ lực trí thức xứng đáng; và cá nhân nào không chấp nhận nền tảng đó đều không thể tự xem hoặc được xem như người trí thức.
Dựa trên những bài viết của ông, chắc chắn là Charles Percy Snow đã chấp nhận không chút đắn đo khởi điểm đó; tuy nhiên, dường như ông tin rằng sự dấn thân của người trí thức có thể tóm thu vào bổn phận nói lên sự thật (ở đây, xin ghi thêm rằng cũng không có cơ sở hiển nhiên hay lý lẽ nào khiến sự thật phải được yêu chuộng hơn sự gian trá!). Thật ra, lý do chính khiến ông khâm phục các nhà khoa học là sự tận tụy với chân lý của họ. Ông viết: "Họ muốn tìm ra những gì có đó. Không có ham muốn này, không có khoa học. Đấy là động lực của toàn bộ sinh hoạt này. Nó bắt buộc nhà khoa học phải tuyệt đối tôn trọng sự thật, từ đầu đến cuối cuộc nghiên cứu. Nếu anh muốn tìm ra cái gì đang có đó, anh không được lừa gạt mình hoặc gạt gẫm bất cứ ai khác. Không được tự dối trá. Ở mức độ sơ đẳng nhất, anh không được giả mạo trong các cuộc thí nghiệm". Tuy nhiên, nếu mệnh lệnh trên góp phần biểu hiện thể thức dấn thân căn bản của người trí thức, nó không thể bao gồm toàn bộ vấn đề. Thật thế, vấn đề không phải chỉ là nói lên sự thật hay không, mà còn là cái gì là sự thật trong mỗi trường hợp nhất định, là nói lên sự thật về cái gì, và không nói lên về cái gì. Ngay trong lãnh vực khoa học tự nhiên, đây là những vấn đề quan trọng, và rất nhiều thế lực hiện đang cố gắng vận chuyển nghị lực và tài năng của các nhà khoa học theo một vài chiều hướng nào đó, hoặc đang tìm cách ngăn chận và phá hoại những kết quả họ đã thu hoạch được ở các phương hướng khác. Vấn đề còn mang một ý nghĩa then chốt khi đề tài nghiên cứu gắn liền với cấu trúc và tính năng động của xã hội. Sự thật về một sự kiện xã hội có thể (và chắc chắn sẽ) biến thành điều láo khoét, nếu sự kiện đó bị tách rời khỏi toàn bộ xã hội, hay biệt lập với quá trình lịch sử mà nó là thành phần cấu tạo. Như thế, trong lãnh vực này, cái gọi là sự thật thường được truy tầm và nói lên (một cách an toàn) về những việc chẳng quan trọng chút nào; sự đeo đuổi và phát biểu thứ sự thật đó dần dần trở thành một vũ khí tư tưởng mạnh mẽ cho những kẻ bảo vệ hiện trạng. Ngược lại, nói lên sự thật về những gì quan trọng, tìm kiếm sự thật về vấn đề toàn bộ, phát hiện ra những nguyên nhân xã hội, lịch sử, cùng sự thâm nhập vào nhau của các thành phần khác biệt bên trong cái toàn thể, là một thái độ dễ bị kết án là phản khoa học và có tính chất tư biện; thái độ đó sẽ bị trừng phạt bằng sự kỳ thị nghề nghiệp, cô lập hoá hoặc doạ nạt công khai.

Trí thức, người phê phán xã hội
Khao khát nói lên sự thật, vì vậy, chỉ là một điều kiện để làm người trí thức. Điều kiện khác nữa là phải can đảm, phải dám suy nghĩ đến cùng, "dám phê phán không xót thương tất cả những gì hiện hữu, không xót thương ở chỗ sự phê phán đó không lùi bước trước chính những kết luận của nó, hay trước mọi đụng chạm dù với bất cứ thứ quyền hành nào" (K. Marx). Như vậy, người trí thức tự bản chất là kẻ phê phán xã hội, người mà ưu tư là nhận diện, phân tích sự vật, và bằng cách đó, góp phần vượt qua mọi trở ngại ngăn cản sự vươn tới một trật tự xã hội tốt đẹp, nhân đạo và hợp lý hơn. Do đó, anh ta trở thành lương tri của xã hội và là phát ngôn nhân của những lực lượng tiến bộ mà trong bất kỳ thời kỳ lịch sử nào xã hội cũng có. Tất nhiên là anh ta sẽ bị giai cấp lãnh đạo, luôn luôn tìm cách duy trì hiện trạng, xem như phần tử gây rối, phá hoại, và anh ta cũng sẽ bị ngay chính những người lao động trí thức làm thuê cho họ cáo buộc như kẻ không tưởng, hoặc – trong trường hợp tử tế nhất – nhà siêu hình học, và – trong trường hợp tồi tệ nhất – tên phiến loạn.
Giai cấp lãnh đạo càng phản động, thì trật tự xã hội mà nó thống trị ngày càng hiển nhiên là đã trở thành một chướng ngại cho sự giải phóng con người, hệ tư tưởng của nó lại càng bị chế ngự bởi tính phản trí thức, phi lý và mê tín. Đồng thời, sự kiện người trí thức phải chịu đựng những áp lực đè nặng trên mình, để không khuất phục trước ý thức hệ của giai cấp lãnh đạo và không gục ngã trước tinh thần khuôn phép vừa tiện vừa lợi của người lao động trí thức, lại càng trở nên cam go, khó khăn. Trong những điều kiện như vậy, nêu rõ chức năng của người trí thức và nhấn mạnh trên tính cách dấn thân của họ là điều cực kỳ quan trọng và cấp thiết. Bởi vì chính trong loại điều kiện như thế mà người trí thức phải nhận lãnh số phận, cả như đặc quyền lẫn đặc nhiệm, là bảo toàn truyền thống nhân bản, lý trí và sự tiến bộ - gia sản quý báu nhất của nhân loại qua suốt toàn bộ quá trình lịch sử.
Người ta nói rằng, đối với tôi, làm trí thức đồng nghĩa với làm anh hùng. Người ta cũng có thể cho rằng nhân danh tiến bộ của nhân loại để đòi hỏi con người phải chịu đựng tất cả mọi áp lực của bao kẻ cố bám víu lấy quyền lợi đã chiếm hữu được, phải đương đầu với mọi hiểm nguy đang đe dọa hạnh phúc cá nhân của mình là điều không hợp lý. Tôi nhìn nhận rằng yêu sách điều đó quả là quá đáng. Cho nên tôi sẽ không làm thế. Nhưng lịch sử cho chúng ta thấy rằng, ngay trong các thời kỳ đen tối nhất và trong những điều kiện gian nan, thử thách nhất, nhiều cá nhân đã biết vượt lên trên quyền lợi riêng tư ích kỷ của mình để đặt chúng dưới quyền lợi của toàn thể xã hội. Ðiều đó luôn luôn đòi hỏi rất nhiều can đảm, trong sạch và trí tuệ. Tất cả những gì chúng ta có thể hy vọng hiện nay là đất nước chúng ta cũng sẽ sản xuất được một số người, nam cũng như nữ, biết bảo vệ danh dự của người trí thức, chống lại sự cuồng nộ của những quyền lợi hiện đang ở vào địa vị thống trị, và những cuộc tấn công dồn dập của chủ nghĩa bất khả tri, chủ nghĩa ngu dân và tính phi nhân.

VÂY NGỤY CỨU TRIỆU

BINH PHÁP TÔN - NGÔ

Vây Ngụy cứu Triệu

Cộng địch bất như phân tán, địch dương bất như địch âm.
Đánh địch tập trung không bằng khiến cho địch phân tán, đánh địch trực diện không bằng đánh từ sau lưng.

Kế sách này bắt nguồn từ Sử kí Tư Mã Thiên, chương sách Tôn Tử, Ngô Khởi liệt truyện. Thời Chiến Quốc, nước Ngụy vây đánh nước Triệu, Triệu bèn sang cầu cứu nước Tề.
Tề vương bèn sai Điền Kị, Tôn Tẫn đem quân đi cứu Triệu. Tôn Tẫn xét thấy quân nước Ngụy tuy tinh nhuệ nhưng từ xa đi đến đánh Triệu ( nước Ngụy cách xa nước Triệu ), nếu như đem quân đi đánh quân tinh nhuệ của nước Triệu thì không bằng đánh thẳng vào thành Đô Đại Lương "đang trống không" của Ngụy ( vì quân tinh nhuệ của Ngụy đã đưa hết đi sang đánh Triệu ). Theo tính toán của Tôn Tẫn, nếu đánh vào Đại Lương của quân Ngụy, quân Ngụy buộc phải rút về bảo vệ thành đô. Kế sách đưa ra, Điền Kị liền chấp nhận. Quả nhiên khi quân Tề tiến công vào Đại Lương, quân Ngụy hay tin, lập tức rút quân khỏi nước Triệu. Quân Tề nhân lúc quân Ngụy rút về mỏi mệt, đặt trận đánh chặn trên đường, quân Ngụy thua to.
Kế sách "vây Ngụy cứu Triệu" của Tôn Tẫn không chỉ giải vây cho quân Triệu mà bản thân quân Tề còn thu được thắng lợi lớn.

Người đời sau lấy kế sách "vây Ngụy cứu Triệu" để chỉ việc tập kích cứ điểm hậu phương quân địch, buộc quân địch đang tấn công phải rút về. Trong thương trường, kế sách này rất đắc dụng : với đối thủ cạnh tranh rất lớn mạnh, có thực lực tập trung, nếu ta không có cách phân tán lực lượng đối phương thì cách tốt hơn là tấn công mặt bên hoặc mặt sau ( thay vì tấn công chính diện).

Phạm Húc Đông là một nhà kinh doanh túc trí đa mưu. Khi thế chiến thứ nhất bùng nổ, các nước Tây Âu dồn cả vào chiến tranh, lượng xà phòng nhập từ Tây Âu sang bị giảm đột ngột về số lượng từ 31500 tấn năm 1914 còn 21000 tấn năm 1916.
Thị trường xà phòng Trung Quốc rơi vào tình trạng lỗ hổng cung - cầu, hàng hóa bị thiếu hụt trầm trọng. Khi ấy, Phạm Húc Đông đang kinh doanh nghề muối, đã nhanh chóng nhìn ra và nắm bắt cơ hội này. Sau nhiều công sức nổ lực của Phạm Húc Đông, cuối cùng xí nghiệp chế tạo xà phòng đầu tiên của Trung Quốc - Công ty chế tạo xà phòng Vĩnh Lợi đã ra đời (năm 1918).
Thế chiến thứ nhất kết thúc, công ty Brunner Mond của Anh, vốn từng độc quyền thị trường xà phòng ở Trung Quốc vội vã quay lại thị trường này.Họ nhận ra thị trường độc quyền không còn nữa, một đối thủ TQ đã trở thành rào cản vô cùng khó khăn đối với Brunner Mond. Để đối phó với tình hình này, sau 1 thời gian tổ chức và chuẩn bị, Brunner Mond chuyển sang Trung Quốc 1 số lượng lớn xà phòng nguyên chất, bán tung ra thị trường với giá thấp hơn giá gốc - Brunner dự định bằng cách này sẽ lật đổ Vĩnh Lợi.

Xét về thực lực, so với Brunner Mond, Vĩnh Lợi còn yếu hơn rất nhiều, công ty Vĩnh Lợi ra đời chưa được bao lâu, nếu thực hiện chính sách hạ giá sản phẩm để cạnh tranh với Brunner Mond là điều vô cùng khó khăn. Vĩnh Lợi sẽ không đủ sức trụ vững để chạy đua với Brunner Mond, Phạm Húc Đông hết sức lo lắng. Thế nhưng nếu giữ nguyên giá thì hàng sẽ không bán chạy được. Hàng không bán chạy được thì không có tiền quay vòng, tái sản xuất được. Phạm Húc Đông suy nghĩ rất nhiều ngày, không lẽ phải chịu cúi đầu khuất phục Brunner Mond, không lẽ vứt bỏ công sức xây dựng bấy lâu nay. Ông nhớ lúc mới khởi nghiệp, đại diện Brunner Mond ở Trung Quốc đã từng giễu cợt ông : "ở quý Quốc, xà phòng thật rất quan trọng, chỉ tiếc là tiên sinh khởi nghiệp hơi sớm đấy. Xét về điều kiện mà nói thì chừng 30 năm nữa tiên sinh bắt đầu thì cũng chưa muộn đâu".
Khi ấy Phạm Húc Đông đã khẳng khái đáp lại :" căn bản không phải là sớm hay muộn, việc là do người làm ra, bây giờ bắt đầu nhưng chạy thật nhanh, như thế đâu có thể coi là muộn được". Nhưng giờ đây, đứng trước khó khăn, ông phải làm gì đây?
Hôm ấy Phạm Húc Đông cúi đầu đi đi lại lại trong thư phòng, ông đang suy nghĩ về phương sách cho công ty Vĩnh Lợi. Bất chợt, ông ngẩng đầu nhìn lên tấm ảnh của ông thời đi du học ở Nhật Bản. Ông nhớ đến thời trẻ, năm ấy vì bị liên đới đến " chỉnh biến mậu tuất ", để tránh sự đàn áp của chính quyền Mãn Thanh, ông buộc phải trốn sang Nhật Bản. Trong giây lát, ông tự bảo với chính mình : việc sáng lập Vĩnh Lợi không phải là lợi dụng lúc Brunner Mond tạm lùi đó sao ?
Nay Brunner Mond đang tấn công mạnh, hay là cũng tìm sang Nhật bản ?
Bấy giờ, công nghiệp Nhật Bản khá phát triển, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của Brunner Mond ở khu vực Viễn Đông. Chiến tranh ở châu Âu mới kết thúc, tất cả đều phải phục hồi lại, sản lượng của Brunner Mond có hạn, số lượng xà phòng chở tới Viễn Đông chắc chắn sẽ không nhiều. Nếu Brunner Mond chở tới Trung Quốc quá nhiều xà phòng như hiện nay thì thị trường xà phòng ở Nhật Bản sẽ giảm đi.
Tiến sang Nhật Bản, đó thật sự là 1 con đường hay cho Vĩnh Lợi vào thời điểm này, không những cách này mở ra cho Vĩnh Lợi 1 lối thoát, mà còn là đòn tấn công từ mặt sau vào Brunner Mond.

Nhìn sang Nhật Bản, Phạm Húc Đông nhận định, lúc này 2 tập đoàn tài chính lớn của Nhật Bản là Mitsubishi và Mitsui đều muốn cầm trịch nhau trong giới doanh nghiệp. Mitsubishi có nhà máy sản xuất xà phòng cho riêng mình còn Mitsui thì không có, họ hoàn toàn phải trông chờ vào việc nhập khẩu.Đây không phải là con đường mở cho Phạm Húc Đông và công ty Vĩnh Lợi hay sao?
Phạm Húc Đông nhanh chóng đàm phán với Mitsui, về phía Trung Quốc, Phạm Húc Đông chấp nhận để Mitsui làm đại lý bán xà phòng cho Vĩnh Lợi ở Nhật Bản, Mitsui được bán xà phòng của Vĩnh Lợi với giá thấp hơn Brunner Mond. Về phía Mitsui nhận thấy một là bản thân không bỏ ra một chút đồng vốn, hai là vụ làm ăn này có khả năng thu lợi nhuận lớn, và điều này giúp họ giải quyết khó khăn trong cuộc đối đầu với Mitsubishi. Vì những tính toán như vậy, Mitsui và Vĩnh Lợi nhanh chóng đạt được thỏa thuận song phương. Số lượng xà phòng của Vĩnh Lợi vốn bằng 1/10 của Brunner Mond tại thị trường Nhật Bản nhưng thông qua mạng lưới tiêu thụ khổng lồ phủ khắp Nhật Bản của tập đoàn Mitsui, xà phòng của Vĩnh Lợi từng bước tấn công vào trị trường Nhật Bản. Với chất lượng không thua kém Brunner Mond, xà phòng Vĩnh Lợi có ưu thế về giá, do đó nhanh chóng lách chân trong thị trường Nhật Bản. Trước tình thế ấy 1 lần nữa Brunner Mond lại phải triển khai chiến dịch hạ giá.
Do lượng tiêu thụ xà phòng ở Nhật Bản lớn hơn rất nhiều lượng bán ra ở Trung Quốc, đợt giảm giá này đương nhiên là Brunner Mond phải gánh chịu những thua thiệt rất lớn. Lượng tiêu thụ xà phòng ở Nhật Bản của Vĩnh Lợi không quá lớn, giá cả dù đã hạ nhưng vẫn đạt mức cao hơn so với giá của Brunner Mond ở thị trường Trung Quốc. Như thế xét về tổn thất vẫn ít hơn Burnner Mond. Kết quả dù chiếm được trường Trung Quốc nhưng tại thị trường Nhật Bản, Brunner Mond đã khốn đốn trước những thách thức liên tục từ phía Vĩnh Lợi. Tại đây, Brunner Mond rơi vào tinh thế hết sức bất lợi.

Trước tình hình này, Brunner Mond buộc phải cân nhắc lợi hại, điều chỉnh chiến lược. Nhận thấy giữ được thị trường ở Nhật Bản quan trọng hơn tấn công Vĩnh Lợi ở Trung Quốc rất nhiều, chỉ 1 thời gian sau khi Vĩnh Lợi mở đợt tấn công sang thị trường Nhật Bản, Brunner Mond tuyên bố chấm dứt việc chèn ép giá xà phòng tại thị trường Trung Quốc, và đề nghị Vĩnh Lợi cũng hành động tương tự tại Nhật Bản. Nhân cơ hội đang giành thế chủ động, Phạm Húc Đông buộc Brunner Mond phải bằng lòng thỏa thuận rằng từ nay về sau, khi muốn điều chỉnh giá cả xà phòng trên thị trường Trung Quốc, thì trước hết phải được sự đồng ý của Vĩnh Lợi. Brunner Mond trong tình thế " không thể làm khác được" đã chấp nhận yêu cầu của Vĩnh Lợi.

Brunner Mond dù rất lớn mạnh nhưng cũng không thể luôn hoành hoành, họ đã lầm tưởng Vĩnh Lợi là 1 công ty non trẻ không thể chịu được sức ép, "chỉ 1 đòn tấn công cũng có thể hạ gục được ngay". Chúng ta có thể thấy, kế sách của Phạm Húc Đông cũng chính là "vây Ngụy cứu Triệu"- bao vây Brunner Mond ở Nhật Bản để tự cứu mình ở Trung Quốc.

Bất kì 1 đối thủ nào, dù là kẻ lớn mạnh nhất cũng có nhược điểm, khi ra trận cần phải tránh chỗ mạnh, để đánh vào chỗ yếu của địch - đó là ý nghĩa tinh túy của kế sách " vây Ngụy cứu Triệu".

Một điều quan trọng mà người viết muốn nhắn nhủ người đọc phải luôn luôn nhớ đó là : có thể bạn đã biết kế sách này nhưng vận dụng nó thì chưa hoặc vận dụng rất ít, vậy thì bây giờ bạn hãy nhớ như in kế sách này và vận dụng thường xuyên vào cuộc sống, lúc đó lợi ích sẽ được rất nhiều, trong thương trường lại càng đắc dụng.
Một chút kiến thức thôi nhưng vận dụng thành thạo sẽ gặt hái được nhiều thành công, còn hơn học nhiều, học rộng mà không vận dụng gì cả thì cũng vô dụng.

- Qua Binh pháp Tôn – Ngô, bạn sẽ hiểu và nắm được các kế sách để cạnh trạnh, bạn có thể chưa làm đã có thể biết được thành bại - Điều đó do đâu? Bạn hãy đến Intelligence Way, không có một nơi nào, một nhà trường nào chỉ ra điều đó.

- Những điều gì bạn cần để quản lý điều hành Doanh nghiệp, phòng, ban, bộ phận qua 13 Thiên của Binh pháp Tôn Tử và Binh pháp Ngô Tử? - Hãy đến cùng Intelligence Way để trao đổi.

http://conduongtritue.com/index.php?mod=covantuvandn&kh1id=403&kh1theloaitin=40

CUỐN SÁCH & CHIẾC GIỎ ĐỰNG THAN

CUỐN SÁCH & CHIẾC GIỎ ĐỰNG THAN
Có một câu chuyện kể rằng tại một trang trại ở miền núi xa xôi, miền Đông bang Kentucky, có một ông cụ sống với người cháu của mình. Mỗi buổi sáng, ông cụ đều dậy rất sớm để đọc sách. Có những cuốn sách ông đã đọc nhiều lần, đến mức cuốn sách sờn cũ, nhưng lúc nào ông đọc cũng say mê và chưa một buổi sáng nào ông quên đọc sách.
Cậu cháu trai cũng bắt chước ông, cũng cố gắng mỗi ngày đều ngồi đọc sách. Rồi một ngày, cậu bé hỏi ông mình:
- Ông ơi, cháu cũng thử đọc sách như ông, nhưng cháu không hiểu gì cả. Hoặc là có những đoạn cháu hiểu, nhưng khi gấp sách lại là cháu quên ngay. Thế thì đọc sách có gì tốt đâu mà ông đọc thường xuyên thế ạ...
Ông cụ lúc đó đang đổ than vào lò, quay lại nhìn cháu và chỉ nói:
- Cháu hãy đem cái giỏ đựng than này ra sông và mang về cho ông một giỏ nước nhé!
Cậu bé liền làm theo lời ông, dù rằng tất cả nước đã chảy ra hết khỏi giỏ trước khi cậu bé quay về đến nhà.
Nhìn thấy cái giỏ, ông cụ cười và nói:
- Nước chảy hết mất rồi! Có lẽ lần sau cháu sẽ phải đi nhanh hơn nữa!
Rồi ông bảo cháu quay lại sông lấy một giỏ nước.
Lần này cậu bé cố chạy nhanh hơn, nhưng lại một lần nữa, khi cậu về đến nhà thì cái giỏ đã trống rỗng. Thở không ra hơi, cậu nói với ông rằng “đựng nước vào cái giỏ là điều không thể”, rồi đi lấy một chiếc xô để múc nước. Nhưng ông cụ ngăn lại:
- Ông không muốn lấy một xô nước. Ông muốn lấy một giỏ nước cơ mà! Cháu có thể làm được đấy, chỉ có điều cháu chưa cố hết sức thôi!
Rồi ông lại bảo cháu ra sông lấy nước. Vào lúc này, cậu bé đã biết rằng không thể đựng nước vào giỏ được, nhưng cậu muốn cho ông thấy rằng dù cậu chạy nhanh đến đâu, nước cũng sẽ chảy hết ra khỏi giỏ trước khi cậu về đến nhà. Thế là cậu bé lại lấy nước, lại chạy nhanh hết sức, và khi về đến chỗ ông, cái giỏ lại trống rỗng.
- Ông xem này - Cậu bé hụt hơi nói - Thật là vô ích!
- Cháu lại nghĩ nó là vô ích ư... - Ông cụ nói - Cháu thử nhìn cái giỏ xem!
Cậu bé nhìn vào cái giỏ, và lần đầu tiên, cậu bé nhận ra rằng cái giỏ trông khác hẳn ban đầu. Nó không còn là cái giỏ than đen bẩn nữa, mà đã được nước rửa sạch sẽ.
- Cháu của ông, đó là những gì diễn ra khi cháu đọc sách. Có thể cháu không hiểu hoặc không nhớ được mọi thứ, nhưng khi cháu đọc, sách sẽ thay đổi cháu từ bên trong tâm hồn, như nước đã làm sạch giỏ than kia vậy.

''Người nghèo có những chiếc TV lớn, người giàu có những tủ sách lớn''
_Jim Rohn_
------------------------------------------
Trong số chúng ta,chắc hẳn đã có người từng đọc câu chuyện Những cuốn sách và chiếc giỏ đựng than. Truyện kể rằng có một chú bé luôn thấy tò mò về thói quen đọc sách hàng ngày của ông mình. Người ông đã đưa cho chú bé một chiếc giỏ đầy bụi than để đi xách nước mặc dù đã thử nhiều lần nhưng chú đều trở về với vẻ mặt thất vọng. Tuy nhiên có một điều kì lạ mà chú đã không nhận ra: đó là mỗi lần chú đi lấy nước cũng là mỗi lần chiếc giỏ được gột sạch thêm một chút. Câu chuyện đã đem lại cho người đọc một bài học đầy ý nghĩa về việc đọc sách. Đó là: đọc sách làm cho tâm hồn mỗi người trở nên trong sáng, hướng thiện hơn. Cũng giống như câu ngạn ngữ phương Đông : ‘’Những người đọc sách tuy chưa thành danh nhưng cũng đã có một tư cách cao thượng”.

Trước hết ta có thể hiểu danh ở đây là danh tiếng, địa vị cương vị; là một phương tiện để tạo nên giá trị con người trong cuộc sống, nó là cái bên ngoài ta. Còn tư cách cao thượng là phẩm chất đạo đức của con người, là cái tồn tại ở trong ta, nó vượt lên những cái tầm thường thấp kém. Qua đó ta có thể thấy câu ngạn ngữ đến vai trò quan trọng của việc đọc sách đối với sự hình thành và hoàn thiện những phẩm chất quý giá cho con người. Đó chính là nền tảng căn bản để con người khẳng định danh tiếng, xây dựng địa vị trong tương lai. Đã từ lâu, sách là món ăn tinh thần không thể thiếu hằng ngày của chúng ta. Sách luôn là một kho tàng huyền bí làm kích thích sự tò mò của biết bao người. Nó càng bí ẩn bao nhiêu thì càng gợi sự say mê của con người bấy nhiêu. Nếu chúng ta không thể sống thiếu bạn bè thì chúng ta cũng không thể sống thiếu sách được. Sách là chiếc thìa khóa vạn năng mở ra mọi cánh cửa tri thức và làm đẹp cuộc đời. Chính nhờ có sách mà đời sống con người trở lên thoải mái hơn, tầm hiểu biết được mở rông, nâng cao hơn. Sách bao giờ cũng mang đến cho chúng ta những điều mới mẻ. Sách có nhiều loại mang nhiều đề tài khác nhau. Hồ Chí Minh đã từng nói: ‘’ Không có sách không có tri thức” tức là sách chứa đựng một kho tàng tri thức khổng lồ của nhân loại không chỉ về các lĩnh vực tự nhiên mà còn về các vấn đề xã hội. Đọc sách- chúng ta không chỉ biết được những việc xảy ra từ xa xưa mà còn biết được những vấn đề liên quan ở trên mặt trăng hoặc ở sâu dưới đáy đại dương huyền bí. Không chỉ cung cấp tri thức cho con ngươi, mỗi cuốn sách còn là một kho vốn tư tưởng, tình cảm vô cùng phong phú của con người. Đọc những câu chuyện cổ tích, ta biết được cuộc sống, ước mơ của ông cha ta từ thuở trước. Những cuốn sách lịch sử giúp ta hình dung những trận chiến ác liệt với kẻ thù, những thời vàng son rực rỡ qua các triều đại… 

Hơn thế nữa, sách còn mang đến cho người đọc những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm ứng xử cũng như kinh nghiệm lao động sản xuất được đúc rút ra từ bao đời nay. Ngoài ra, sách còn tựa như một hướng dẫn viên đưa ta đến khám phá những danh lam thắng cảnh, những kì quan mà tạo hóa đã ban tặng cho con người. Tất cả những điều đó chính là “ chân trời mới” như nhận định của nhà văn Mác-xim Go-rơ-ki: ‘’Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. Sách còn dạy cho ta biết được bao điều hay lẽ phải trong cuộc sống, nó có vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách cho con người, giúp con người sống tốt đẹp hơn. Cho nên có thể nói sách là người bạn thân vô cung hữu ích mang lại niềm tin yêu, vui vẻ đến cho cuộc sống của ta thêm tươi đẹp. 

Sách không những giúp ta mở mang kiến thức, mở rộng tầm nhìn, hiểu biết về các hiện tượng tự nhiên và xã hội, các vấn đề tồn tại trong cuộc sống, từ đó có thể lí giải được và nắm rõ bản chất của con người và cuộc sống mà còn giúp ta nhạy cảm , sâu sắc hơn trong nắm bắt những cảm xúc tình cảm, sâu sắc trong suy nghĩ, cách sống, cách ứng xử và trở nên tinh tế hơn trong cách phát hiện cũng như sáng tạo. Như vậy có thể nói sách vừa là người bạn vừa là người thầy luôn có mặt trong cuộc sống của chúng ta, theo ta trên mọi hành trình. Điều đó lí giải được vì sao sau mỗi trận chiến súng nổ đến rát mặt, không khí còn khét mùi bom đạn, những người lính vẫn dành cho mình những khoảng lặng bình yên, những giây phút thư giãn cùng với trang sách hiếm hoi bên cánh võng mắc giữa rừng Trường Sơn lộng gió.

Như đã nói ở trên: sách được chia làm rất nhiều loại nhưng không phải bất kì loại sách nào cũng là người bạn tốt cho con người. Bao giờ cũng vậy, bên cạnh cái tốt luôn có mặt xấu. Cho nên chúng ta cần phân biệt loại sách chứa đựng nội dung tốt và loại sách chứa nội dung xấu. Đọc sách tốt, ta có được những hiểu biết đúng đắn về cuộc sống, từ đó có những cái nhìn toàn diện, thấu đáo hơn. Sách tốt góp phần giúp giáo dục ta biêt sống nhân ái, biết khát vọng để vươn tới cái đẹp. 

Bên cạnh đó, những loại sách xấu cũng ảnh hưởng không ít đến con người. Sách xấu là những văn hóa phẩm đồi trụy, đen tối, hoặc loại sách ấy lại kích động, mở đường cho những hành vi thấp kém, những lối sống tầm thường. Xã hội sẽ ra sao khi thanh thiếu niên đều say sưa đọc sách xấu , làm những việc không lành mạnh, hại đến bản thân, gia đình và xã hội? Bởi vậy, phải biết lựa chọn sách tốt, loại bỏ sách xấu, phải biết lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi của mình. Đồng thơi, mỗi người phải biết tự hình thành cho mình bản lĩnh, củng cố hiểu biết để phân biệt tốt xấu, đúng sai và để dù có tiếp xúc với cái xấu cũng chiến thắng sức cám dỗ của nó cũng như không bị nó cuốn hút, quyến rũ, mê hoặc. Mỗi người chúng ta tìm đến sách với một mục đích khác nhau nên sẽ có những cách đọc khác nhau. Có người đọc sách để giải trí một cách trong sáng lành mạnh, coi đó là một thú vui tinh thần. 

Có người đọc sách chỉ để học thuộc hay tích lũy. Như vậy ta mới có được cái vỏ ngoài của sách và việc đọc ấy mới chỉ có ích cho bản thân mình. Một cách đọc sách có hiệu quả nhất là đọc để vận dụng và sáng tạo, từ đó tạo nên những giá trị thực sự cho cuộc sống của chúng ta và cả cộng đồng. Trong thời đại ngày nay,yêu cầu chuyên môn hóa cao thì mỗi người có quyền lựa chọn nhiều loại sách song ưu tiên đặc biệt cho những loại sách phù hợp với chuyên môn và năng lực bản thân. Vì chỉ khi đọc những cuốn sách phù hợp với chính mình, ta mới có thể vận dụng và sáng tạo. Sách chỉ thực sự là một người bạn tốt cho những ai biết nâng niu, trân trọng và biết học hỏi, tìm tòi.

Sau khi tìm hiểu và suy nghĩ về câu ngạn ngữ, chắc chắn mỗi người sẽ rút ra những bài học khác nhau để từ đó vận dụng và sáng tạo sao cho có ích nhất đối với bản thân mình, giúp thanh lọc tâm hồn trong sáng, hoàn thiện hơn. Chúng ta sẽ không tiến bộ nêu lười đọc sách nhưng lại càng có hại hơn nếu đọc sách mà không hiểu hoặc đọc bừa bãi và không đúng cách. Vì thế mỗi người hãy tự tìm cho mình một cách đọc sách thích hợp để có được hiệu quả cao nhất.


Nguồn Bài: http://tuthienbao.com/forum/showthread.php?t=110213#.VeQ_giWqqko#ixzz3kOPW3AJq

Sự giàu có được tạo ra từ đâu?



Sự giàu có được tạo ra từ đâu?
Để tôi mở đầu bằng một câu hỏi nghe rất đơn giản: Thành phần quan trọng nhất trong việc tạo ra sự thịnh vượng và sự tăng trưởng kinh tế là gì? Hầu như ai cũng sẽ trả lời: Tiền. Hay có thật nhiều tài nguyên thiên nhiên. Nhưng câu trả lời lại thật sự là… tri thức.
Thật dễ để chứng minh. Sự khác biệt giữa chúng ta và người tiền sử là gì? Sự khác biệt duy nhất chính là chúng ta biết được nhiều hơn. Về mặt sinh học, chúng ta là như nhau: Các tế bào thần kinh trong não bộ là như nhau. Thế giới vật chất cũng như nhau. Nhưng cuộc sống của chúng ta rõ ràng là tốt hơn nhiều. Tại sao? Là do tri thức.
Bạn không cần trở về thời kỳ tiền sử để chứng minh quan điểm này. Bạn có thể trở về 50 năm trước. Kiến thức mới, như sự khám phá ra penicillin, hoặc những thuật toán mới đã dẫn đến những công cụ tìm kiếm tốt hơn, luôn luôn đến như một sự ngạc nhiên. Chúng ta gọi những điều ngạc nhiên này là sự đột phá bởi vì chúng không thể được đoán định trước. Những sản phẩm mới được đưa ra dường như không biết từ đâu, đột nhiên, chúng ta có đèn điện! một chiếc xe hơi hay một chiếc Iphone.
Dĩ nhiên, những sản phẩm này không phải tự nhiên mà có, chúng là sự tổng hợp của những kiến thức đã được tích lũy dẫn đến những phát minh này, những ngạc nhiên này. Vậy thì, theo định nghĩa, những sáng kiến mới không thể được lên kế hoạch; nó bao hàm sự biến vị. Những người tạo ra roi ngựa đã không có một tương lai tươi sáng khi Henry Ford giới thiệu mẫu xe Model T đầu tiên và nó luôn luôn nhắm tới tương lai.
Những phát minh – kiến thức mới — không chỉ dẫn đến những sản phẩm mới mà còn những công ty mới và cả những nền công nghiệp mới. Phát minh tạo ra của cải, của cái cuối cùng lại được phân phối xuyên suốt toàn nền kinh tế.
Đây là cách nó hoạt động. Nhiều tự do hơn, nhiều tri thức hơn, nhiều phát minh hơn. Và nhiều phát minh hơn dẫn đến kinh tế tăng trưởng năng động hơn. Ít tự do, ít tri thức, ít phát minh…kinh tế tăng trưởng ít hơn. Vì vậy, nếu tự do kích thích kiến thức và sáng tạo, dẫn đến tăng trưởng kinh tế tại sao mọi người và chính phủ không ôm hôn nó? Để hiểu được điều đó chúng ta phải trở lại với những gì tôi đã nói rằng đổi mới luôn mang yếu tố bất ngờ, không thể đoán trước. Sự bất khả đoán định này làm cho nhiều người khó chịu. Mục tiêu của họ là loại bỏ bất ngờ. Người ta tìm thấy điều này trong tất cả các cái nhìn không tưởng từ chủ nghĩa cộng sản tới chủ nghĩa xã hội cho tới niềm tin rằng ngân hàng có thể bảo vệ mình tránh khỏi một cuộc khủng hoảng thế chấp nhà đất thảm khốc thông qua các gói bảo hiểm phức tạp.
Ở Châu Âu với hệ thống phúc lợi đang sụp đổ của nó và càng rõ ràng hơn ở Mỹ. Chúng ta đang thấy rõ nhu cầu muốn loại bỏ sự “ngạc nhiên” bằng sự mở rộng vai trò của chính phủ, những bộ đoàn lớn hơn nhiều luật lệ hơn, nhiều quy chế hơn. Sau mỗi cơn khủng hoảng mới, dù thật hay tưởng tượng, đều mang đến nhiều bộ luật mới.
Enron, một tập đoàn tham nhũng đã sụp đổ năm 2011. Một năm sau, Bộ luật Sarbanes-Oxley được thông qua, bổ sung thêm hàng nghìn trang mới các quy định vào bộ luật liên bang. Và năm 2011 thêm 2300 trang nữa trong bộ luật Dodd Frank được soạn ra để phản ứng với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Và từ đó đến nay đã được bổ sung thêm hơn 8000 trang. Hầu hết những quy chế mới này đơn giản là chỉ ngăn cản tự do vì thế ngăn cản luôn cả sự phát triển và sự phân bố của kiến thức. Chúng chuyển hướng năng lượng và tài nguyên của giới doanh nhân khỏi sự cách tân để hướng tới sự phục tùng. Chúng tạo nên sự mơ hồ về tương lai.
Và chúng dựng lên rào cản hội nhập cho những doanh nhân mới. Trớ trêu thay, những người được nhiều lợi ích nhất từ những điều lệ này lại là những tập đoàn lớn cùng với đội ngũ luật sư, kế toán và những người vân động hành lang của họ. Họ là những người duy nhất có đủ tài nguyên để gỡ rối sự lộn xộn và sống sót trong nó.
Nhưng sự xa rời tự do này có thể bị đảo ngược một cách nhanh chóng thậm chí chỉ trong một vài năm, thực tế là vậy. Có không ít những ví dụ gần đây: nước Mỹ dưới thời Reagan, Chile trong những năm 1970, Đông Âu sau sự sụp đổ của Chủ nghĩa cộng sản, New Zealand và Israel trong những năm 1980, Trung Quốc và Ấn Độ trong những năm 1990, Canada trong thập kỷ đầu của thế kỷ 21. Bởi vì đó là một nền kinh tế của ý thức, tương lai có thể thay đổi với tốc độ nhanh như ý thức có thể thay đổi.
Mỗi khi chính quyền rút đi, tri thức được mở mang và sự thịnh vượng cũng sẽ đi theo sau. Cơ hội cho sự phát triển năng động tồn tại không chỉ ở mỗi nước Mỹ, mà còn ở tất cả mọi nơi trên thế giới chỉ nếu như chúng ta có đủ can đảm và đủ tự do để nắm lấy nó.