Thứ Hai, 24 tháng 8, 2015

Học - một giải pháp của hiện đại và văn minh ...........

Học - một giải pháp của hiện đại và văn minh, nhìn từ “Khuyến học” của Fukuzawa Yukichi và “Văn minh tân học sách” của phong trào duy tân Việt Nam

1. “Học” trong truyền thống giáo dục Việt Nam, Nhật Bản

Là hai trong bốn nước đồng văn, nằm trong vùng văn hóa chữ Hán nên dễ dàng nhận ra một đặc điểm chung giữa Việt Nam và Nhật Bản trong truyền thống giáo dục là chọn Nho giáo - học thuyết chính trị - đạo đức của Khổng giáo Trung Hoa áp dụng vào đời sống văn hóa, giáo dục của mỗi nước.

Dấu ấn của văn hóa Trung Hoa nói chung, của Nho giáo (trong đó có Nho học) nói riêng tại Nhật Bản được ghi lại từ thời kỳ Nara (710-784) và thời kỳ Heian (794-1185). Tuy sớm tiếp thu Nho học nhưng nhờ tư duy độc lập và thế giới quan tự do[1], người Nhật đã tỏ ra linh hoạt và chủ động trong việc chọn lọc nội dung cũng như nhìn nhận khá khách quan vai trò của nó đối với quá trình phát triển của lịch sử xã hội. Nhật Bản không thi hành chế độ khoa cử theo kiểu Tống Nho trong đời sống văn hóa giáo dục của đất nước. Nho học ở Nhật Bản thường tồn tại dưới dạng nhiều quan điểm, lối giải thích khác nhau. Chẳng hạn, khi Chu Tử học còn nắm vai trò chủ đạo thì ít nhất cũng được phân làm hai phái chính là Chu Tử học Kinh học và Chu Tử học Nam học… Bởi vậy, Nhật Bản đa nguyên trong nhiều lĩnh vực: từ năm 1185 (thời Kamakura) đã tồn tại hai thế lực song song là Thiên hoàng – đấng chí tôn và Shôgun – đấng chí cường, đến thời Tokugawa (1600-1868), bên cạnh Nho học là sự góp mặt của các học phái khác như Rangaku (Lan học) và Kokugaku (Quốc học) chứng tỏ Nhật Bản sớm sẵn sàng hé cửa với thế giới chứ không chỉ giới hạn trong khuôn khổ của nền văn hóa chữ Hán đến từ Trung Hoa. Vì thế, “trong lối suy nghĩ của người Nhật luôn luôn có sự hiện diện đồng thời của hai khái niệm. Một khi người Nhật đã chấp nhận hai khái niệm thì “đương nhiên họ sẽ chấp nhận một giá trị thứ ba, đó là nguyên tắc của lí trí… Và khi không có một khái niệm đơn độc nào chiếm vị trí độc tôn, thì tinh thần tự do tự nhiên sẽ nảy sinh”[2]. Thêm nữa, “tâm hồn người Nhật chấp nhận tư tưởng ngoại lai rất dễ dàng; nó chấp nhận một cách không phải là nô lệ; nó lãnh hội tư tưởng, một khi tư tưởng được lãnh hội, nó tháp nhận tư tưởng một cách gắn bó vào toàn thể truyền thống của nó và tất cả lại trở nên đồng nhất”[3]. Đây chính là những tiền đề quan trọng để Nhật Bản sớm vượt thoát khỏi quỹ đạo văn hóa truyền thống Đông phương sang quỹ đạo văn hóa hiện đại phương Tây.

Khác với Nhật Bản, trong suốt thời kỳ trung đại Việt Nam, Nho học, cụ thể là Tống Nho, đã giữ vai trò chính thống và độc tôn. Gắn liền với nó là chế độ khoa cử được mô phỏng theo hệ thống khoa cử Trung Quốc bắt đầu từ năm 1075 cho đến tận năm 1919. Trong gần một nghìn năm ấy, người đi học tuân theo lối học trọng từ chương, hư văn “Thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi”[4], và không được phép đưa ra lập luận khác với những phát ngôn chính thống của Tống Nho. Nghĩa là, từ những khuôn vàng thước ngọc có sẵn, người học chỉ cần dùi mài kinh sử (chủ yếu là Tứ thư, Ngũ kinh và Bắc sử) rồi tầm chương trích cú, gọt giũa câu văn là có thể thi đỗ, làm quan. Lối học ấy đã ăn sâu vào đời sống người Việt, trở thành một thói quen, một truyền thống không dễ gì thay đổi và để lại di hại không hề nhỏ: “Học như vậy thì học trò chỉ chăm học thuộc lòng một số ít sách kể trên, và chăm lựa lời cho khéo, gọt câu cho chỉnh, viết chữ cho tử tế, một ý tứ có thể diễn ra năm bảy cách, miễn là lời văn cho bóng bảy mà ý tứ dù là bã cặn của Tống Nho cũng không cần gì. Cái thói trọng từ chương, ưa hư văn đã trở thành một thiên tính của dân tộc ta. Với cách giáo dục ấy thì dù người thiên tư lỗi lạc cũng phải nhụt đi, huống gì những người tư chất tầm thường, thực là một giáo dục giết chết nhân cách vậy”[5]. Hình ảnh sĩ tử - những trí thức Nho học[6] mong muốn tiến thân, hiển đạt chỉ có con đường duy nhất là đi học, đi thi để được ra làm quan cũng hiện lên thảm hại qua “Thất tự” (còn gọi là Thất tự chi trường)[7].

Lối học khoa cử như thế đã khiến Việt Nam hiện lên trong cái nhìn khá nghiệt ngã của Chu Thuấn Thủy (1600-1682) người Trung Hoa như sau: “Tuy là nước nhỏ, nhưng khí kiêu ngạo, học vấn nông cạn, kiến thức có giới hạn, tuy có thể tuyển chọn được người tài năng trong nước Dạ Lang[8] của mình, nhưng không tránh được vẻ ếch ngồi đáy giếng”[9].

Bất chấp những hạn chế làm thui chột nhân tài và kìm hãm sự phát triển của đất nước, Nho học vẫn giữ vị trí chính thống và độc tôn trong nền giáo dục Việt Nam đến hết thập kỷ thứ hai đầu thế kỷ XX. Cộng với đặc điểm về địa lý, lịch sử, xã hội, văn hóa tĩnh (ít đi, không thích phiêu lưu mạo hiểm…), có thể nói sự hiểu biết về thế giới bên ngoài của người Việt Nam quá ít ỏi và phiến diện. Điều này khiến cho tâm lý lấy chính mình là thước đo chân lý thêm phần tự đắc. Tuy vậy, từ khi buộc phải đối mặt với văn minh phương Tây, bắt đầu xuất hiện một số nhà nho mẫn cảm với thời thế. Họ đã giật mình ngẫm lại về sự học và vai trò của kinh sách thánh hiền. Trong chuyến đi “Dương trình hiệu lực” sang Indonexia, được chứng kiến tận mắt chiếc Hồng mao hải thuyền (tàu chiến của hải quân Anh), Cao Bá Quát đã thổ lộ tâm sự xót xa của mình về sự học mà ông theo đuổi bấy nay trong bài Đề Sát viện Bùi công “Yên Đài anh ngữ” khúc hậu:

Đáng phàn nàn cho ta chỉ đóng cửa mà gọt giũa câu văn,

Lải nhải nhai lại từng câu, từng chữ.

Có khác chi con sâu muốn đo cả trời đất?

Từ khi vượt bể qua đất Ba Sơn,

Mới thấy vũ trụ là bao la.

Chuyện văn chương trước đây thực là trò trẻ con!
Trong thế gian này có ai thật là bậc tài trai,

Mà lại phí cả một đời đọc mấy pho sách cũ?

Khoảng 50 năm sau, một danh nho dành nửa đời cho 9 lần đi thi trong đó có 6 lần “không đâu cả” - Nguyễn Khuyến (1835-1909). Nhưng đến khi đạt được đỉnh cao của vinh quang là đỗ “tam nguyên”, được làm quan dưới thời Tự Đức, Yên Đổ lại ngộ ra sự vô dụng của sách chữ thánh hiền và ý thức rõ về sự bất lực của học vấn nhà nho trước nhiệm vụ cấp thiết của lịch sử nước nhà:

Sách vở ích gì cho buổi ấy

Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già

(Nguyễn Khuyến – Ngày xuân dặn các con)

Trần Tế Xương (1870-1907) có thể xem là nạn nhân tiêu biểu của chế độ khoa cử truyền thống buổi thoái trào. Được hậu thế phong là “thần thơ thánh chữ” nhưng tám khoa ứng thí Tú Xương đều phải nếm trải nỗi niềm “Đau quá hờn ghen/Rát hơn lửa bỏng/Tủi bút tủi nghiên/Hổ lều hổ chõng”. Một trong những lí do thi trượt mà ông oán thán là những quy phạm trường thi của nền Nho học độc tôn:

Tế đổi ra Cao mà chó thế

Kiện trông ra tiệp hỡi trời ơi!

Chung nỗi chua xót, bất lực không làm được gì cho nước cho dân, Nguyễn Khuyến tìm về làng quê với đôi mắt “không vầy cũng đỏ hoe” còn Tú Xương trong những Đêm dài[10], không biết đi đâu về đâu trước những biến đổi của thời cuộc:

Hỏi người chỉ thấy non xanh ngắt,

Đợi nước càng thêm tóc bạc phơ.

Đường đất xa khơi ai mách bảo?

Biết đâu mà ngóng đến bao giờ?

(Lạc đường)

Sự bối rối, lạc lõng, mất phương hướng của Tú Xương cũng là nỗi niềm chung cho cả lớp nhà Nho cựu học đang bị tước mất và tự đánh mất vai trò lịch sử của mình trong buổi đầu “Thổ nạp Á – Âu”,“mưa Âu gió Mĩ”…

2. Nhận thức về nhu cầu hiện đại và văn minh của Nhật Bản và Việt Nam những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

Những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự hiện diện của các nước tư bản phương Tây tại vùng văn hóa gốc Hán với tất cả đặc điểm của nó về mọi mặt từ quân sự, chính trị, văn hóa… đã buộc Nhật Bản,Việt Nam phải từ “những điều trông thấy” mà có những nhận thức mới và từ đó nảy sinh nhu cầu về hiện đại và văn minh khác truyền thống.

Ở Việt Nam, tiếng súng ở cửa biển Đà Nẵng ngày 01 tháng 9 năm 1858 báo hiệu cuộc “khai hóa văn minh” của người Pháp chính thức bắt đầu. Trên đại cục, giới trí thức Việt Nam chia làm hai phe: một là chủ chiến kiên quyết đánh Pháp và hai là chủ hòa để duy tân, tự cường. Ban đầu, hầu hết những bên phe chủ hòa đều là những người sớm được tiếp xúc với văn minh phương Tây. Theo năm tháng, cuộc tiếp xúc Đông Tây ngày càng rộng sâu, càng có thêm nhiều người có tư tưởng mới so với truyền thống đấu tranh giành độc lập của dân tộc, trong đó có vai trò đáng kể của lớp nhà Nho duy tân đầu thế kỷ XX (mà chúng tôi sẽ còn trở lại). Tuy nhiên, vai trò khởi xướng cho những nhu cầu đổi mới đất nước thuộc về lớp tiên phong có kiến văn vượt khỏi quỹ đạo quốc gia và khu vực như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ, Trần Đình Túc, Nguyễn Huy Tế, Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Trương Vĩnh Ký… Chẳng hạn, không giữ quan điểm biệt lập và kỳ thị chủng tộc[11], Phan Thanh Giản thừa nhận sức mạnh của văn minh phương Tây và đề nghị triều đình: “cử thần dân đi học ở các nước văn minh hơn, vì đó là điều kiện không thể thiếu để đất nước cường thịnh”. Phạm Phú Thứ sau những chuyến sang châu Âu cũng dâng điều trần lên vua với mong muốn thiết tha: “Nay xin cởi mở ngờ vực cho mọi người…, cho người đi học phương Đông, phương Tây để thu thập lợi ích của mọi nước, mở được giao thông buôn bán, học theo lối nước Thanh, nước Tiêm để làm cho nước ta có nhiều của, bồi dưỡng sức lực mà chúng không nghi ngờ, kết bè bạn với nước ngoài, khiến cho có nhiều nước giúp đỡ ta…”. Trần Đình Túc và Nguyễn Huy Tế xin “mở cửa biển Trà Lý (thuộc Thái Bình) để chiêu dân tụ của, mưu lợi lâu dài”; Nguyễn Tư Giản, Ngô Hoàng và Bùi Viện kêu gọi: “Trên vũ đài thế giới ta không thể cứ bịt mắt bưng tai được”. Nguyễn Lộ Trạch với Thời vụ sách phân tích rõ: “những thuyền to súng lớn của người không phải do thợ quỷ bùa thần tạo nên, mà chính là tự người nghiên cứu và gắng sức tạo ra”… Đặc biệt, Nguyễn Trường Tộ, với Thiên hạ phân hợp đại thế luận, Dũ tài tế cấp luận, Giáo môn luận, Tế cấp bát điều, đã đặt vấn đề canh tân đất nước về mọi mặt, trong đó có giáo dục và vai trò của sự học… Song, tất cả các ý tưởng, các phương sách tiến bộ đó đều bị rơi vào quên lãng. Lý do đơn giản vì họ đã tra chìa khóa nhầm ổ: cánh cửa triều đình vốn độc tôn Nho giáo, thủ cựu và biệt lập vẫn lạnh lùng khép kín.

Cũng theo con đường canh tân để tự cường vì độc lập dân tộc, Trương Vĩnh Ký đã chủ trương tự mình hoạt động văn hóa trong sự o ép của chính quyền thực dân và nhiều mối liên hệ phức tạp giữa mới-cũ, Đông-Tây, truyền thống-hiện đại… Chọn chữ quốc ngữ làm phương tiện canh tân văn hóa, tất cả mọi hoạt động của ông từ báo chí, biên khảo, dịch thuật, làm từ điển, sáng tác… đều không ngoài mục tiêu phổ biến chữ quốc ngữ và phổ thông sự học trong dân gian. Đặc biệt, ông đã đưa ra và thực thi phương án dung hòa mới-cũ, Tây-Đông khá hiệu quả trong trước tác đồ sộ của mình: “… Tôi đã tìm cách thêm những ý tưởng mới của nền học vấn hiện đại vào nền học vấn Annam cũ để người Annam vẫn có thể giữ lại nền học vấn Annam cũ được bổ túc và thêm phong phú bằng nền học vấn mới để tạo thành một tổng hợp đầy đủ và hoàn hảo”[12]. Tuy vậy, một mình Trương Vĩnh Ký ngay lập tức đã không đủ sức để giúp Việt Nam có được “một nền học vấn mới” “tổng hợp đầy đủ và hoàn hảo” như khao khát của ông. Phải sang đầu thế kỷ XX, khi ngọn gió duy tân từ Nhật Bản, qua Trung Quốc vào Việt Nam, ngọn lửa âm ỉ đó mới bùng phát thành phong trào có sức lan tỏa toàn quốc, nhờ đó tạo được tiền đề cho nhận thức và nhu cầu hiện đại và văn minh rõ ràng hơn, hệ thống hơn. Chúng tôi sẽ làm rõ điều này ở mục 3.

Như trên đã nói, do học chữ Hán, đọc kinh sử Trung Hoa để trau dồi tri thức chứ không có mục đích đi thi nên trí thức Nhật Bản không bị gò ép trong khuôn mẫu của tư duy Nho học giống như các trí thức Nho học ở Trung Quốc hay Việt Nam. Hơn nữa, Nho học không có vị trí độc tôn trong đời sống giáo dục Nhật Bản nên phần lớn trí thức Nhật Bản ở giai đoạn này đều có hành trình tri thức phong phú: lúc nhỏ học chữ Hán – Hán học (Kangaku), sau đó chuyển sang học tiếng Hà Lan – Lan học (Rangaku), rồi cuối cùng học các ngôn ngữ Tây phương khác như Anh, Pháp, Đức – Dương học (Yôgaku). Nhờ đó, họ có tư duy độc lập, khách quan và không suy nghĩ, hành động một cách rập khuôn. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp người Nhật sớm nhìn thẳng vào sự thật và nhận ra nguyên nhân cơ bản của sự chậm tiến so với phương Tây của các nước Á Đông là không chịu thừa nhận thế giới có nhiều xã hội văn minh hơn, ưu việt hơn và không biết mình biết người (tri kỷ tri bỉ). Hầu hết trí thức Nhật Bản thời Minh Trị đều nhận ra thái độ tự phụ và hiếu chiến của các nước phương Tây trên bước đường khai hóa văn minh ở Châu Á nhưng họ sẵn sàng chấp nhận một cách tạm thời sự phân công cá lớn, cá bé đó. Và để trở thành cá lớn, người Nhật đã tìm mọi cách học theo văn minh phương Tây, phủ nhận học phong Nho giáo đã từng là một phần của văn hóa truyền thống của mình. Họ hưởng ứng Thoát Á luận (1885) của Fukuzawa, “yêu chuộng và say mê văn minh phương Tây vào đầu thời Minh Trị không khác gì họ đã say mê và yêu chuộng văn minh Trung Quốc vào thế kỷ thứ bảy và thứ tám”[13]… Đương thời, người Nhật còn luôn xem Trung Hoa như một tấm gương phản diện cho sự bất lực và ấu trĩ khi đối diện với văn minh phương Tây. Con mắt thực dụng và tỉnh táo đã giúp người Nhật sớm xác định được kẻ thù nguy hiểm nhất là thương mại và trí lực chứ không phải là quân sự và vũ lực. Họ không xây dựng mô hình nền văn hóa chính trị truyền thống với quan niệm độc lập quốc gia theo kiểu Trung Quốc, Việt Nam mà xây dựng một nền văn hóa thương mại – văn minh - hiện đại để giữ vững độc lập dân tộc trong thế trận quốc tế phức tạp đương thời. Họ sớm phân biệt được khái niệm độc lập với biệt lập, văn hóa và văn minh, và nhìn ra mối quan hệ máu thịt giữa văn minh và độc lập dân tộc: “Phương sách giữ gìn độc lập không thể tìm đâu ra ngoài văn minh. Hiện nay nước Nhật đang tiến lên đài văn minh cũng chính vì bảo vệ độc lập quốc gia. Độc lập quốc gia là mục tiêu và nền văn minh của quốc dân là phương tiện để đạt mục tiêu đó”[14].

3. Vị trí của học trong chiến lược “Âu hóa” đương thời, nhìn từ “Khuyến học” ở Nhật Bản và “Văn minh tân học sách”ở Việt Nam.

Nhờ nhận thức sáng suốt về con đường phát triển là duy tân, từ cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản đã làm cả thế giới kinh ngạc bằng chiến thắng oai hùng trước triều đình Mãn Thanh năm 1895 và mười năm sau (1905) là nước Nga rộng lớn. Một nước vốn bị coi là “giống vàng” nhược tiểu, là “đàn em” của thiên triều Trung Hoa bỗng chốc trở thành một liệt cường sánh tầm thế giới. Nhật Bản trở thành tấm gương sáng cho nhiều nước khác trên thế giới soi chung. Riêng với các nước Á Đông, một luồng sinh khí ngưỡng mộ Nhật, tự hào nòi giống da vàng, hi vọng người láng giềng anh em sẽ chìa tay giúp đỡ... được phủ khắp. Ở Việt Nam, có thể nói, hầu như tất cả những gì phong trào duy tân Nhật Bản đã đề xướng và thực hiện đều được tiếp thu bằng một niềm tin tưởng, hào hứng:

Cờ tự lập đứng đầu phất trước,

Nhật Bản kia vốn nước đồng văn.

Thái Đông nổi hiệu duy tân,

Nhật hoàng là đấng minh quân ai bì!

...

Gương Nhật Bản đất Á Đông,

Giống ta, ta phải soi chung kẻo mà!

(Á tế á ca)

Hay:

Kìa xem Nhật Bản người ta,

Vua dân như thể một nhà kính yêu.

(Hải ngoại huyết thư)

Không khí đổi mới sôi sục thể hiện qua nhiều con đường khác nhau của các nhà nho duy tân Việt Nam. Họ thành lập tổ chức Duy tân hội, nô nức gia nhập phong trào Đại Đông du, mở Đông Kinh nghĩa thục... Tân thư, tân văn dù bị cấm đoán gắt gao vẫn âm thầm tìm đến độc giả tri âm và tạo nên những đợt sóng tư tưởng mới. Và không ngẫu nhiên, trào lưu mới đó cùng tạo nên những cuốn cẩm nang có ảnh hưởng sâu rộng đến công chúng mỗi nước: Khuyến học (Gakumon no susume) của Fukuzawa và Văn minh tân học sách của các nhà nho duy tân Việt Nam.

Được viết trong khoảng 4 năm (1872-1876), Khuyến học là tập hợp 88 bài luận nhỏ của Fukuzawa được chia làm 17 chương xoay quanh chủ đề mục tiêu/vai trò/ý nghĩa/hiệu quả thực thụ của học vấn và tinh thần cơ bản của con người nhằm trả lời câu hỏi “Làm thế nào để bảo vệ nền độc lập Nhật Bản” trong tình thế các nước tư bản phương Tây đang đua nhau giành giật thị trường châu Á. Thừa nhận sự lạc hậu, trì trệ và sự bất lực của các nước châu Á nói chung trước văn minh phương Tây, Fukuzawa cho rằng, đối với Nhật Bản học theo phương Tây để nâng cao dân trí là kế sách tối ưu có thể áp dụng vào thời điểm này. Vai trò của việc học đối với sự sống và nhân cách của một cá nhân được đề cập một cách trực tiếp, rõ ràng qua nhiều đề mục: Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn, Không có gì đáng sợ hơn là ngu dốt, Học để dám nói lên chính kiến và thực hiện đầy đủ bổn phận với đất nước, Học để hiểu trách nhiệm của bản thân, Học để hiểu “thế nào là làm tròn công việc của mình”... Vậy, có ý thức về việc học rồi thì cần phải học cái gì? Theo Fukuzawa, cần phải học ngay những môn thiết thực cho cuộc sống – những môn đã trở thành thông dụng trong giáo dục ở phương Tây nhưng vẫn vắng bóng ở Nhật. Ông thúc giục người Nhật đương thời học bốn mươi bảy ký tự Kana của tiếng Nhật, các phép toán và bàn tính, cách sử dụng dụng cụ đo đạc và khối lượng, tiếp đó là địa lý, vật lý, lịch sử, kinh tế, pháp luật và đạo đức. Đồng thời, ông chỉ trích nền giáo dục truyền thống của Nhật vốn hạn hẹp trong những cuốn sách cổ xưa, không có tính thực tế và thực dụng; cộng với phương pháp chính là học thuộc lòng đã làm thui chột sự sáng tạo của người học. Trên cơ sở đó, ông đề xuất các môn học thực dụng, mới mẻ và đưa ra các phương pháp học thúc đẩy khả năng và kỹ năng của người học như Diễn thuyết và tranh luận... theo mô hình giáo dục phương Tây. Trên hết, ông khẳng định, việc học là điều kiện tiên quyết để con người có thể phát huy năng lực, mang lại độc lập cho cá nhân và mang lại cả độc lập và tự do cho đất nước.

Nhìn chung, các luận điểm mà ông đưa ra trong cuốn sách cho thấy tính biện chứng và tính hệ thống cao về nội dung của học – tổng thể tri thức trong mối quan hệ với con người cá nhân và độc lập quốc gia: một mặt ông cổ súy học theo phương Tây nhưng mặt khác ông cảnh tỉnh “không được quá sùng bái”; ông khẳng định phẩm chất cá nhân của con người thông qua học vấn nhưng cũng luôn nhắc nhở “không được tự mãn”; ông kêu gọi người Nhật có ý thức về bình đẳng đồng thời lại giải thích “Tại sao không triệt để vận dụng “bình đẳng””; ông mong muốn con người được tự do nhưng lại yêu cầu con người phải hiểu rõ bổn phận trách nhiệm của cá nhân đối với đất nước;... Quan trọng hơn, cuốn sách được viết với một văn phong bình dân, dễ hiểu vì thế phù hợp với tất cả mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi nên đã “có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản” và “đã làm lay chuyển tâm lý người dân Nhật Bản dưới thời Minh Trị”[15]. Có thể nói, với tuyên ngôn “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, nếu có khác biệt là do học vấn”, Fukuzawa thực sự đã gây sốc cho người dân của đất nước Phù Tang vốn bị trói buộc bởi đẳng cấp và thân phận, quen phục tùng, phó mặc và e sợ quan quyền suốt hàng trăm năm dưới chính thể phong kiến Mạc phủ.

Giống như Khuyến học của Fukuzawa, khoảng 30 năm sau ở Việt Nam, Văn minh tân học sách - một tác phẩm “chấn hưng dân khí, khai thông dân trí, mở rộng nhân quyền, cải thiện dân sinh” trở thành sách học cơ bản của Đông Kinh nghĩa thục[16] và là cẩm nang của phong trào duy tân tại một số địa phương đầu thế kỷ XX. Khoảng 12 nghìn chữ, viết bằng chữ Hán, khuyết danh; Văn minh tân học sách gồm 2 phần chính:

Phần 1 bàn về văn minh ta và tây, phân tích những nguyên nhân làm cho nước ta bị ngưng trệ kéo dài bằng phương pháp so sánh, đối chiếu. Chẳng hạn, sau khi nhận xét những điểm mạnh của giáo dục phương Tây, tác giả viết : “Những món ta học và nhớ ấy chỉ là sách Tầu, những bài ta chú thích ấy chỉ là lời của cổ nhân”, hay “Nước ta (...) hành chính thì cấm thay đổi, sửa sang. Dùng người thì quý im lìm lặng lẽ (…) luật cũng có ban bố đấy, nhưng dân gian không được đọc luật”. Và “Nước ta, ngoài văn chương, không có gì là quý; ngoài áp chế, không có gì là tôn chỉ, ngoài phục tòng không có gì là nghĩ xa!”…

Phần 2 đề ra 6 biện pháp thúc đẩy Việt Nam tiến kịp với các nước phương Tây:

1. Dùng văn tự nước nhà, lấy chữ quốc ngữ làm phương tiện.

2. Soạn lại các sách theo chương trình, học những điều bổ ích cho nhân tâm thế đạo.

3. Sửa đổi phép thi, bỏ lối văn bát cổ, cho học trò bàn bạc, đối đáp tự do.

4. Cổ vũ nhân tài, làm cho mọi người phát huy được những tri thức mới.

5. Chấn hưng công nghệ, đón thầy giỏi, mua đồ mẫu, chọn người khéo tay, nhanh trí khôn cho vào học, khuyến khích sáng tạo.

6. Mở rộng báo chí, thông tin.

Như vậy, Văn minh tân học sách chính là sách lược phát triển kinh tế, văn hóa dân tộc nhằm xây dựng một nền học thuật có thể đưa người Việt Nam từ chỗ trì trệ, lạc hậu lên một mức độ văn minh, tiến bộ hơn. Dễ thấy, hầu như những điều Văn minh tân học sách đề cập đến đều đã được Fukuzawa thể hiện trong Khuyến học: Cổ vũ dùng quốc tự, phê phán lối học từ chương, hư văn và nhấn mạnh phải xây dựng một nền thực học theo kiểu phương Tây; nền học vấn thực học phải gắn với cuộc sống hàng ngày, phải dựa trên tinh thần khoa học, tinh thần độc lập và phải mang tính thực dụng; khuyến khích người dân tiếp cận tri thức mới, thông tin thời sự qua báo chí… Nói cách khác, giữa Khuyến học của Fukuzawa và Văn minh tân học sách của các nhà nho duy tân Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, từ cách hình dung về vai trò, nội dung của sự học và cả các giải pháp được đề xuất. Vì thế, trong thực tế, hai cuốn sách là những tài liệu quý cho các nhà duy tân mỗi nước tiến hành thực hiện mục tiêu của mình.

Fukuzawa Yukichi (1835–1901) được coi là nhà canh tân giáo dục Nhật Bản thời Minh Trị. Với ông, con đường hiện thực hóa nhận thức và nhu cầu đổi mới thân phận nước Nhật không gì khác là sự học để nâng cao trình độ dân trí, bắt kịp với văn minh phương Tây. Năm 1868, ông đã mở trường Keio Gijuku (Keio Nghĩa thục hoặc Khánh Ứng nghĩa thục nay là đại học Keio - Tokyo) nhằm đào tạo miễn phí thanh niên, sinh viên – những người có nhiệm vụ gánh vác trọng trách xây dựng một nước Nhật hiện đại, văn minh trên bản đồ thế giới. Đây có thể coi là hoạt động văn hóa – giáo dục tiên phong có hiệu vừa thời sự vừa lâu dài của một trí thức Tây học sau hai chuyến bôn ba Châu Âu. Đã có thời điểm, Khánh Ứng nghĩa thục là trường học hoạt động duy nhất trong cả nước Nhật. Song, Fukuzawa đã động viên thầy trò nhà trường cùng quyết tâm: «dù bên ngoài có đổi thay, có biến động thế nào thì trường vẫn vững vàng duy trì ngành Tây phương học. (...). Chừng nào trường này còn thì Nhật Bản vẫn còn là một nước văn minh trên thế giới»[17]. Phải đến 6 năm sau, Bộ giáo dục Nhật Bản mới được thành lập. Từ đó, chính phủ mới bắt đầu thực sự chú ý đến phát triển giáo dục. Đương nhiên, Nhật Bản phát triển giáo dục theo chủ trương tiến bộ và đã thử nghiệm của Phúc Trạch Dụ Cát. Hơn thế, do nhận rõ ích lợi của sự học theo văn minh phương Tây, 5 năm sau (1873), Fukuzawa đã cùng các nhà trí thức khải mông Nhật Bản đoàn kết, chung tay canh tân đất nước bằng việc: thành lập hội trí thức Meirokusha để truyền bá tư tưởng khai sáng thông qua viết sách, dịch thuật, tổ chức các buổi diễn thuyết, xuất bản tập san Meroku làm diễn đàn phổ biến và tranh luận các vấn đề của một đất nước thời hiện đại như chính trị, giáo dục, tôn giáo, pháp luật, kinh tế, phong tục, Nhật ngữ, vai trò phụ nữ trong xã hội... Năm 1879, Viện Học sĩ Tokyo (nay là Viện Hàn lâm Nhật Bản) ra đời và Fukuzawa được bầu làm Viện trưởng đầu tiên. Năm 1882, tờ báo tư nhân Thời sự tân báo do Fukuzawa làm chủ bút cũng được xuất bản để trao đổi quan điểm về các vấn đề thời sự của xã hội Nhật Bản... Điều đáng nói là, dù ở hoạt động nào, bằng phương thức gì các trí thức khải mông Nhật cũng tuân thủ khẩu hiệu “Đông phương đạo đức, Tây phương kỹ thuật”, “Hòa hồn Dương tài”, “Đông đạo Tây khí”... do chính họ đặt ra. Tuy nhiên, trên thực tế, họ luôn ý thức về nhu cầu tiếp thu khoa học kỹ thuật và cả các giá trị tinh thần của văn minh phương Tây. Đồng thời, họ cũng ý thức một cách tự giác việc đổi mới tư duy dựa theo lối mòn của Nho học bên cạnh nhiệm vụ cung cấp tri thức mới cho nhân dân. Nhờ đó, Nhật Bản sớm từ giã “đàn cá bé” “đồng bệnh” ở Á Đông và gia nhập vào hàng ngũ các nước tư bản “phú quốc cường binh”.

Tiếp thu «Gió Duy tân từ Đông Hải thổi vào», Văn minh tân học sách nói riêng, các phong trào Đông du, Duy tân... cũng diễn ra sôi nổi, rộng khắp đất nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Văn chương giai đoạn này cũng mang mầu sắc riêng bởi tiêu chí yêu nước gắn chặt với tinh thần duy tân. Các tác giả đã đưa vào văn chương những nội dung chưa từng có trong truyền thống là tuyên truyền văn minh tân học, kêu gọi cắt tóc, tế sống thầy đồ hủ, cổ động tân học, kỹ nghệ, Âu hóa, bàn luận về dân quyền, về bình đẳng, quân trị, dân trị... Không chỉ thể hiện quyết tâm «Phen này cắt tóc đi tu», không chỉ kêu gọi: «Nền tân học kíp nên dựng trước/Hội dân đoàn cả nước cùng nhau», có những người còn dùng cả máu để truyền bá tư tưởng mới, tinh thần mới như Phan Bội Châu với Lưu Cầu huyết lệ tân thư, Hải ngoại huyết thư,...

Xuất phát từ động cơ yêu nước và nhằm đạt mục tiêu cao nhất là đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, các nhà Nho duy tân đương thời đã làm những việc «trái với bản chất nhà nho»[18], trái với đạo học đã thấm nhuần là duy tân – Âu hóa: phải học theo kẻ thù, phải lấy giặc man di làm tấm gương về văn minh, đồng thời phải phủ nhận kinh sách thánh hiền vốn «thiên kinh địa nghĩa» lâu nay... Vì vậy, dù vận động lối học mới, đề xuất nội dung học mới, nhưng các nhà nho duy tân vẫn chưa sẵn sàng muốn xóa bỏ tận gốc nền Nho học mà mình đã từng theo đuổi. Văn minh tân học sách mong muốn bỏ lối học từ chương, bỏ khoa cử nhưng vẫn chủ trương học chính văn của kinh truyện mà chỉ bỏ những lời chú giải, những lời bàn suông, bỏ thơ phú, kinh nghĩa mà vẫn giữ lại sách, luận; chuộng thực dụng nhưng vẫn vẫn «soạn lại các sách» và «học những điều bổ ích cho nhân tâm thế đạo» - tức «lời hay nết tốt của thánh hiền»... Trong khi đó, động lực phát triển của lịch sử nhân loại không phải là đạo đức mà là tri thức, là học vấn. Đã chỉ rõ bốn nguyên nhân khởi điểm khiến nước yếu dân hèn là «hậu cổ bạc kim», «trọng vương khinh bá», «nội hạ ngoại di», «trọng quan khinh dân» nhưng chính các tác giả cũng vẫn là trí thức Nho học chưa thoát khỏi thế giới quan nhà nho với những nguyên tắc chính trị cao xa, trừu tượng và một niềm tự hào Hoa Hạ không dễ gì phủ nhận sạch trơn. Thêm nữa, ra sức phê phán Nho học với lối học cũ, lên án gay gắt lớp hủ nho (Bài hát khuyên hủ Nho, Cáo lậu hủ văn, Văn tế thầy đồ hủ...) nhưng khi muốn kêu gọi hợp đoàn, Nguyễn Thượng Hiền vẫn mong dựa vào uy tín của kẻ sĩ để vận động quốc dân; trong mười hạng người cần đoàn kết cứu nước Phan Bội Châu cũng khẳng định «Đứng đầu tiên là bạn làng Nho»... Do chỗ không có gì ngoài sở học Nho giáo theo kiểu Việt Nam, các nhà nho duy tân Việt Nam dù nỗ lực đến tận cùng, vẫn gần như không thể thấu đáo một nền Âu học thực sự.

Khác Việt Nam, với mục đích cuối cùng trong chủ trương khuyến học là xây dựng một đất nước độc lập phú cường, Nhật Bản chọn học theo phương Tây: «Sức mạnh của bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ bắt nguồn từ giáo dục, nhưng phương pháp giáo dục của phương Đông và phương Tây lại khác nhau. Phương Đông nặng về tư tưởng Nho giáo, còn phương Tây thiên về chủ nghĩa văn minh»[19]. Trên cơ sở đó, Fukuzawa nhận định phương Đông nói chung, Nhật Bản nói riêng thiếu hai điểm quan trọng: một là các khoa học tự nhiên và hai là thiếu tinh thần độc lập. Cả hai điểm này đã được chỉ rõ và nhấn mạnh trong Khuyến học. Kết luận của Fukuzawa: chỉ «những người có tinh thần độc lập mới có thể toan tính sâu xa cho đất nước của họ» thêm lần nữa khẳng định vai trò tiên quyết của việc học đối với sự tồn vong hưng thịnh của Nhật Bản không chỉ đương thời.

Ngay văn chương – phương tiện để có thể bày tỏ nhiều nhất, rõ nhất chủ kiến của người dân khi đất nước mất chủ quyền cũng thể hiện những hạn chế tương tự. Nếu Kana – quốc tự của Nhật sớm trở thành lợi khí hiển nhiên trong cuộc canh tân văn hóa văn học Nhật thì chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latinh ở Việt Nam đã phải trải qua gần thế kỷ vật lộn nhọc nhằn mới được công nhận là quốc tự[20]. Sự chậm trễ trong việc tiếp thu văn hóa văn minh hiện đại phương Tây của Việt Nam so với Nhật Bản cũng thể hiện rõ ở từng mảng nhỏ. Chẳng hạn, tính đến cuối thế kỷ XIX, số lượng sách Anh, Pháp, Hà Lan, Đức được dịch ra tiếng Nhật so với ở Việt Nam cùng thời điểm đó là một trời một vực[21]. Đáng lưu ý hơn là các loại sách dịch được chọn dịch và giới thiệu ở Nhật lúc này đều thiên về tư tưởng, chính trị, luật pháp, kinh tế, giáo dục... tiêu biểu của phương Tây, như: Tự giúp mình (Self-help) của Samuel Smiles (1812 – 1904), Tự do luận (On Liberty), Chính trị Kinh tế học (Political Economy), Chủ nghĩa công lợi (Utilitarianism) của J.S.Mill (1806-1873), Nam nữ bình quyền luận (Social Statics), Giáo dục (Education) của Herbert Spencer (1820 – 1903), Tinh thần Pháp luật của Montesquieu (1689 – 1755), Khế ước Xã hội của Rousseau (1712- 1778), Tự do mậu dịch của Adam Smith, Thuyết tiến hóa của Darwin... Không chỉ là chậm trễ, cách người Việt tiếp thu văn minh phương Tây qua nhiều lần chuyển ngữ (qua Nhật, qua Hán) và không được tự mình chọn lựa đã hạn chế tính chủ động và tính cấp thiết của kênh thông tin này. Ngoài ra, trong một số phương diện khác của một tác phẩm văn học như thể loại (chủ yếu và thông dụng vẫn là vè, văn vần) đề tài, hình tượng trung tâm, phương thức nghệ thuật... cũng vẫn chưa thoát khỏi những ràng buộc của khuôn hình truyền thống Nho học, khiến cho hiệu quả của những vũ khí tinh thần này chưa đạt tới mức độ tương xứng với tầm vóc đáng có của nó. Ngược lại, với các tác phẩm của mình, «Fukuzawa đã cắm được ba cột mốc văn chương»[22] trong tiến trình lịch sử văn học Nhật Bản.

Sở dĩ, Khuyến học của Fukuzawa hay phong trào Duy Tân Minh Trị có những đóng góp quan trọng cho nước Nhật là bởi nó được hình thành và thực hiện từ những trí thức Tây học dám tuyên chiến, «đối địch với cả nền Hán học trong nước» như Fukuzawa. Sau khi phân tích hai điểm yếu của văn minh phương Đông so với phương Tây, ông khẳng định: «Tôi tin tưởng một cách sâu sắc, đó là do lỗi của nền giáo dục Hán học»[23] và kiên quyết «quét sạch ảo giác về cổ xưa và tạo ra quá khứ cho chính mình»[24]. Do không chấp nhận sự độc tôn, chính thống của Nho, với tư duy độc lập của những người đi nhiều, biết lắm và sẵn sàng đón nhận tri thức không kể Đông Tây, cũ – mới, trong – ngoài, người Nhật không bị rào cản ngôn ngữ, không máy móc rập khuôn theo mẫu hình canh tân định sẵn nên đã sớm đưa Nhật Bản lên hàng cường quốc. Trong khi đó, người Việt gặp biết bao phiền lụy của việc «tiếng Nhật đã không thông mà tiếng Tàu lại ú ớ, nói phô bằng bút, giao thiệp bằng tay... Ngoại giao như thế, thật đáng xấu hổ!»[25]. Những di hại của Nho học gắn với khoa cử được chính các nhà nho ngộ ra thật đáng xót xa: «Trừ ra ba câu chữ Hán, chứa đầy bụng cũng như là không. Tấm thân con người mất nước tính mạng vốn không đủ gì trọng khinh, nhưng tài học cũng không đủ gì phẩm lượng, thật mình làm trụy lạc mất cả giá trị quốc dân mình tới đâu mà nói sao cho xiết»[26]. Hơn thế, do không có tinh thần thực học nên nhà Nho Việt Nam đã đơn giản hóa những khó khăn của quá trình tích lũy kiến thức: «Việc học tập tinh thông nghề nghiệp ở các nước Anh, Nhật, Đức, Mỹ nhanh cũng đến hai năm, noi theo đó chớ nên lấy khó; việc học tập thành thạo cho các ngành binh, công nông thương có nhanh cũng đến năm năm, ta chớ lấy làm lâu!»[27]. Nhìn rộng ra, cả phong trào duy tân rập khuôn theo Trung Quốc, tiếp thu Tân thư, Tân văn qua tiếng Hán (đã mang thêm tinh thần Trung Hoa)... khiến cho kết quả cuối cùng là Việt Nam gần như lặp lại tất cả những thất bại của Trung Hoa trong cuộc giao tranh không cân sức Tây – Đông đương thời.

Đôi lời tạm kết:

Đi sau Nhật Bản khoảng 30 năm, phong trào cải cách giáo dục của Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX có thể coi là bản sao của phong trào canh tân giáo dục Nhật Bản mà Fukuzawa là đại diện tiêu biểu nhất. Có thể thấy sự ngưỡng mộ của trí thức duy tân Việt Nam (chủ yếu là nho sĩ) đối với các nhà Minh Trị Duy Tân Nhật Bản một cách cụ thể qua việc xây dựng và đặt tên trường Đông Kinh nghĩa thục (mô phỏng theo Khánh Ứng nghĩa thục), tiếp thu Tân thư, Tân văn từ Nhật, thực hiện các hoạt động truyền bá văn hóa mới như chữ quốc ngữ, báo chí, dịch thuật, soạn sách, làm từ điển, sáng tác... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công cuộc xây dựng Việt Nam theo mẫu hình Nhật Bản, Việt Nam vấp phải nhiều rào cản , trong đó có một nguyên nhân sâu xa là do tư tưởng, thói quen của nền văn hóa chính trị - giáo dục khoa cử chặn đường. Sự chính thống và độc tôn của Nho học hàng ngàn năm ở Việt Nam đã tạo ra đội ngũ trí thức dù tiến bộ đến đâu cũng không dễ gì thoát khỏi lối nhìn tự tôn, hoài cựu và khép kín. Vì thế, người Việt không sớm mở rộng cánh cửa với xã hội phương Tây, không sớm biết mình biết người để tạm thời chấp nhận trật tự thế giới đương thời như Nhật Bản. Vô tình, con đường chúng ta đã đi (bằng truyền thống quân sự) đã được Fukuzawa cảnh báo trong Khuyến học: «Quốc dân không có chí khí độc lập, không có tinh thần tự do thì lòng yêu nước cũng hàm hồ nông cạn, vô trách nhiệm».

Có thể chỉ ra những nguyên nhân căn bản tạo nên chỗ khác biệt về mức độ, sắc thái của nhận thức về vai trò của học trong Khuyến học và Văn minh tân học sách như sau: Trước hết, Khuyến học được xây dựng trên cơ sở tinh thần "thoát Á" rất quyết liệt, và dựa trên một cơ sở học vấn phương Tây khá sâu rộng của Fukuzawa. Đồng thời Khuyến học cũng xuất phát từ một thực tế lịch sử khác: Nhật Bản không mất chủ quyền dân tộc, nên mục tiêu canh tân của họ là giàu có, và văn minh để độc lập trước phương Tây. Bên cạnh đó là tính độc lập, khả năng phán xét cao trước mỗi lựa chọn vốn có sẵn trong truyền thống học bên ngoài... của Nhật Bản.

Ở Việt Nam, Văn minh tân học sách là minh chứng cho sự chuyển biến mạnh mẽ về tư tưởng của tầng lớp sĩ phu yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Tuy vậy, qua một vài đối sánh cụ thể với Khuyến học của Fukuzawa, có thể nói cho đến nửa đầu thế kỷ XX, khó có thể phủ nhận sự tụt hậu trong thang bậc nhận thức của Việt Nam so với Nhật Bản nói riêng, với phương Tây nói chung. Cố nhiên, mục đích chính của các phong trào duy tân ở Việt Nam không chỉ dừng ở việc cải cách văn hóa mà cao hơn là giành độc lập tự do cho đất nước. Vấn đề tự do vốn không đặt ra với Nhật vì họ không bị mất chủ quyền như Việt Nam. Ngoài lí do lịch sử đó, phải chăng còn một nguyên nhân khác cũng hết sức quan trọng là quan niệm của mỗi nước về vị trí của học trong chiến lược Âu hóa đương thời?


http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=972%3Ahc-mt-gii-phap-ca-hin-i-va-vn-minh-nhin-t-khuyn-hc-ca-fukuzawa-yukichi-va-vn-minh-tan-hc-sach-ca-phong-trao-duy-tan-vit-nam&catid=85%3Ahi-tho-qua-trinh-hin-i-hoa-vn-hc&Itemid=147

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét