Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

SUY NGẪM VỀ TƯ DUY VÀ ĐỊNH KIẾN

SUY NGẪM VỀ MỘT CÁCH TƯ DUY
Sau Cách mạng Văn hóa đã thiếu vắng một sự thanh lọc . Đúng là, đã có vụ xét xử Bè lũ bốn tên, nhưng hầu như đây là vụ duy nhất. Có bản án tử hình dành cho Giang Thanh, người vợ góa của Mao. Nhưng hình phạt này lại kèm theo việc hoãn xử tội trong hai năm, một điều kỳ quặc của Luật pháp Trung Hoa. Giang Thanh không bao giờ nhận tội và bà ta đã chết trong tù, không bị xử tử. Phải nhận thấy rằng đây là xét xử Bè lũ bốn tên, nhưng chưa phải là xét xử Cách mạng Văn hóa.
Cứ nghĩ rằng bi kịch này đã chia rẽ sâu sắc Trung Hoa trong mười năm và đã gây ra một số nạn nhân khá lớn, đã phá hoại những quan hệ gia đình và những tình bằng hữu trên khắp đất nước, thì không thể ngạc nhiên trước việc không thực sự có một sự thanh trừng khi bi kịch này kết thúc cùng với sự sụp đổ của Bè lũ bốn tên. Người ta hỏi Đặng Tiểu Bình về sự phán xử Cách mạng Văn hóa. Ông trả lời Lịch sử sẽ đảm nhiệm công việc này nhưng ít nhất cũng phải chờ một nửa thế kỷ mới có thể phán xử một cách trong sáng. Rõ ràng là sự tìm tòi chân lý là thứ yếu, đặt sau sự cần thiết phải khép lại trang sử những lời đen tối này cốt để xây dựng tương lai, và để làm được việc này Trung Quốc không phải rơi vào tình trạng thanh toán lẫn nhau kèm theo trả nợ máu. Như vậy, Trung Quốc sống hơn một phần tư thế kỷ nay mà không có sự phán xử nào về một trong những bi kịch lớn nhất mà lịch sử Trung Quốc thời gian gần đây biết đến. Giữa mệnh lệnh “Nói sự thật” như đã từng được nêu lên trong vụ án Nuremberg và mệnh lệnh duy trì sự ổn định của đất nước, Trung Quốc lựa chọn cái thứ hai. Nhưng phân tích một cách lạnh lùng biến cố này là một việc, sống nó trong đời thường hàng ngày lại là một việc khác. Hẵng cứ nghĩ đến sự thất vọng của hàng triệu người đã mất đi mươi năm trong cuộc đời của họ trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, hẵng cứ nghĩ đến hàng triệu người không được hành hành, làm ăn, sống hẳn hoi trong suốt thời kỳ này. Làm sao họ có thể chấp nhận đem thời kỳ này vứt luôn vào sự quên lãng của Lịch sử? Trên thực tế, đến cuối thời kỳ Cách mạng Văn hóa, chẳng còn bao nhiêu người tán thành hoặc bàng quan với nó. Những người thực sự đối lập với Cách mạng Văn hóa đã chết, những sự chia tách không chỉ diễn ra trong ội bộ những gia đình mà ngay cả trong bản thân những cá nhân nữa. Làm sao phân rõ được đúng, sai trong tình hình này? Đặng Tiểu Bình, một trong những nạn nhân trứ danh nhất của Mao, khi người ta hỏi ông về Mao, đã trả lời: “Ông ấy đúng ít nhất 70%, bản thân tôi cũng sẽ hài lòng nếu như người ta đánh giá tôi cũng như vậy”, với cách nhìn nhận này Đặng đã có thể phục hồi cho Lưu Thiếu Kỳ, vị cựu Chủ tịch, đối thủ và nạn nhân của Mao, mà không lên án Mao.
Nhà cầm quyền Trung Hoa đã tính rằng cứ để cho Lịch sử phán xử, chứ đem Cách mạng Văn hóa ra xét xử thì nguy cơ đe dọa sự ổn định của đất nước sẽ lớn hơn.
Nhưng liệu ta có thể nói rằng chưa có sự xét xử Cách mạng Văn hóa? Trở về với nhận xét của Đặng Tiểu Bình về 70% tích cực của Mao, nói như vậy chẳng phải là nhấn mạnh rằng có 30% tiêu cực? Thế thì 30% này ở đâu vậy? Đem nói minh thị điều này ra có ích gì chăng?

-----------------------------------------------
SUY NGẪM VỀ ĐỊNH KIẾN
Chúng ta đang bị giới truyền thông và nghiên cứu hàn lâm phương Tây phác họa ra một Trung Quốc "đáng sợ", nhưng thực sự TQ có đáng sợ như vậy không, cái cách mà họ đang thực hiện ngày hôm nay có khác phương Tây không? Hay về bản chất đó là con đường mà các cường quốc phải đi và phải làm như vậy?
Đọc những gì John Perkin viết, lại một lần nữa sau nhiều năm, lại nhìn thấy rõ sự thiển cận và đầy định kiến trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam ngày hôm nay. Nhất là trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.
"Những sát thủ kinh tế", "là những chuyên gia được trả lương hậu hĩnh để đi khắp thế giới và lừa đảo các nước trên thế giới hàng tỷ đôla. Công cụ của những kẻ sát thủ này là những báo cáo tài chính lừa đảo, những cuộc bầu cử gian lận, những khoản tiền thưởng béo bở, những vụ tống tiền, tình dục, và giết người".
John Perkin hẳn phải rõ - ông đã từng là một kẻ sát thủ kinh tế. Công việc của ông là thuyết phục các nước có tầm quan trọng mang tính chiến lược đối với Mỹ - từ Indonesia cho đến Panama - chấp nhận vay những khoản tiền khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng và đảm bảo rằng, các tập đoàn Mỹ thầu sẽ thắng thầu những dự án béo bở đó. Bị chất chồng bởi gánh nặng nợ nần, các nước này phải chịu sự kiểm soát của Chính phủ Mỹ, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức viện trợ khác mà Mỹ có ưu thế, họ như những kẻ cho vay nặng lãi - tự định đoạt các điều khoản trả nợ và ép chính phủ các nước phải quy phục.
Câu truyện đời thực của John Perkin đã vạch trần những mưu đồ quốc tế, những vụ tham nhũng, những hoạt động của các tập đoàn và chính phủ mà ít ai biết tới, và đang gây ra những hậu quả tàn khóc cho nền dân chủ Mỹ và tooàn thế giới.

----------------------------------------------------
HAI BÀI HỌC Ý NGHĨA VỀ CHIẾN LƯỢC
Việc sử dụng sự vòng vo trong diễn ngôn Trung Hoa bày ra đầy đủ khía cảnh trong một chiến thương mại diễn ra giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ được gọi là “chiến tranh xu-chiêng”.
Tháng 11 năm 2003, Hoa Kỳ quyết định đánh thuế hải quan có tính chất răn đe đối với những xu-chiêng được nhập từ Trung Hoa. Một nhà báo Mỹ đã nói gì về chủ đề này?
Có phải những người sản xuất xu-chiêng Mỹ phát tài trước khi họ va chạm với con rồng? Ngược lại mới đúng: sản xuất của họ đã tụt 14% năm 2001 [trước khi những xu-chiêng Trung Quốc được nhập số lượng đáng kể vào Hoa Kỳ]… Ta hẵng nhìn sát vào những số liệu thống kê năm ngoái: thị phần của những nhà sản xuất Hoa Kỳ đã giảm đi 7% trong khi thị phần của những nhà sản xuất Trung Hoa tăng lên 13%. Vậy thì những nhà sản xuất Trung Hoa lấy đâu ra 6% bổ sung? Họ đã loại trừ những nhà sản xuất ở Mexico và Caraibes là những người trong những năm gần đây thống trị việc xuất khẩu xu-chiêng vào Hoa Kỳ.
Nói một cách khác, công nghệ Hoa Kỳ làm xu-chiêng lần lần mất đi thị phần và những người Trung Hoa đâu có chịu trách nhiệm về việc này. Những người Trung Hoa cạnh tranh với công nghệ Mexico và những nước vùng Caraibes và, nếu như những người Trung Hoa dừng lại, điều này đâu có vực dậy công nghệ Hoa Kỳ, chỉ có những nước xuất khẩu xu-chiêng truyền thống vào Hoa Kỳ mới được lợi thôi. Tuy vậy công luận ở Mỹ rất xôn xao chống lại những hàng nhập khẩu Trung Hoa và văn phòng Tổng thống Mỹ, sắp đến thời kỳ bầu cử năm 2004, đã có những biện pháp để công chúng yên lòng. Với một chính quyền đương nhiên phải am hiểu tình hình, thế mà lại lên án Trung Quốc là nguyên nhân sinh ra những khó khăn cho công nghệ khăn vải ở Hoa Kỳ thì điều này rành rành là không tôn trọng chân lý.
Nhưng điều đáng chú ý là bài báo này được viết ở Mỹ chứ không phải ở Trung Quốc. Phản ứng phía Trung Quốc như thế nào? Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Liu Jianchao tuyên bố: “Trung Quốc hy vọng rằng vấn đề thương mại sẽ được giải quyết đúng đắn bằng đối thoại và tham vấn trên một cơ sở bình đẳng. Những hành động đơn phương không có tính chất xây dựng và không giúp cho sự giải quyết những sự bất đồng”. Trước một vấn đề mà người ta biết rằng động lực sâu xa là chuyện bầu cử, những phản ứng của nhà báo Mỹ và của nhà cầm quyền Trung Quốc khác nhau hoàn toàn. Người thứ nhất tìm tòi chân lý còn nhà cầm quyền Trung Hoa đi thẳng ngay vào giai đoạn sau: giai đoạn thương lượng. Điều mà người ta trách Hoa Kỳ không phải là sự nói dối về những nguyên nhân khó khăn cho những nhà công nghệ Hoa Kỳ, mà người ta trách những biện pháp đơn phương, không thông qua bàn luận. Từ đây có thể rút ra hai bài học: một mặt là cảm phục sự tự do ngôn luận của một nhà báo Mỹ không sợ “nói sự thật” chống lại chính phủ của mình, nhưng mặt khác là sự ghi nhận rằng người Trung Hoa không quan tâm mấy đến sự thật. Mối quan tâm của họ là hiệu quả sinh ra từ những sự thương lượng chứ không phải là từ sự tìm tòi sự thật.
------------------------------------------
SỰ LẠC HẬU NẰM Ở CHÍNH CÁI TƯ DUY THẮNG/THUA – HƠN/KÉM
Bản chất của xã hội loài người nằm ở một sự lồng ghép và phối hợp ăn khớp giữa hai tính đối nghịch – tính đồng nhất (thể hiện qua xu thế toàn cầu hóa, hội nhập…) và tính cá biệt (thể hiện qua sự khẳng định đặc tính cá nhân, dân tộc, sự khác biệt…). Chính nhờ sự lồng ghép và phối hợp ăn khớp giữa hai tính đối nghịch này mà tạo nên động lực cho sự phát triển của thế giới ngày một tiến tới gắn kết chặt chẽ với nhau, dựa trên nền tảng của sự ưu việt cá thể - mâu thuẫn là động lực của sự phát triển.
Nhìn những cuộc tranh luận bất tận về CNXH/CNCS và CNTB, về cái sự thắng/thua – hơn/kém lại càng nhận thức rõ sự ấu trĩ của những tư duy mang tính đối kháng, phủ định lẫn nhau một cách cơ học. Chính sự ấu trĩ đấy đã tạo ra những đối kháng mang tính tiêu diệt lẫn nhau, mang tính thù địch thay vì thực tế bản chất của chúng lại không phải là sự đối kháng mang tính tiêu diệt lẫn nhau mà ngược lại, lại chính là sự đối kháng mang tính cộng sinh cho sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội. CNCS và CNTB về cơ bản là hai cực của một phổ phát triển, và sự phát triển của tất cả các quốc gia trên thế giới đều nằm trong cái phổ này, vấn đề chính là nó gần cái cực nào hơn mà thôi.
Tại sao lại là hai cực? Về bản chất thực tế thì chẳng có cái gọi là CNTB hay CNCS mang tính chất đối kháng nhau hoàn toàn, con đường phát triển luôn là một tổng hòa của tất cả các xu thế, không tồn tại sự đối lập mang tính bản thể. Việc hình thành ra các cực đối lập, trong trường hợp này là CNTB và CNCS về thực chất, chính là việc tạo ra các động lực mang tính đối cực nhằm tạo ra moment đẩy cho sự phát triển được tiến hành một cách tích cực hơn trong một giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử. Chúng ta thấy rõ, trong những thời kỳ đối đầu giữa CNTB và CNCS ở cao trào nhất cũng chính là thời điểm thế giới đã đạt được những thành tựu quan trọng nhất trong khoa học kỹ thuật và nâng cao chất lượng đời sống con người, ở cả hai khối đại diện cho hai cực.
Cũng chính vì thế, khi Francis Fukuyama viết The End of History, để “kết luận” cho sự thắng thế tuyệt đối của CNTB sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu thì không ai khác, cũng chính ông, phải tự phủ định lại “kết luận” này của mình. Nếu CNCS mất đi, CNTB sẽ không còn động lực phát triển nữa bởi moment đẩy của nó đã mất đi đối cực. Sự trỗi dậy của các nước CS cũ như Trung Quốc và ngày nay thực sự là một cường quốc, của Nga như một hình mẫu dựa trên sự kế thừa lại những tiến bộ của Liên Xô trước đây trong một bối cảnh mới dưới sự lãnh đạo của Putin đã tạo ra những động lực mới cho một thế giới đa cực, phát triển cùng một sự đối kháng mang tính đa cực, nhưng thực sự về bản chất vẫn là quy về hai cực được gọi như nó đã tồn tại CNTB và CNCS.
Một hình thái mới về đối cực được hình thành, để thay thế dần cho hai “cái tên” đã bắt đầu có vẻ trở nên cũ kỹ và không phù hợp “CNTB – CNCS/CNXH”, được bắt đầu hình thành vào cuối những năm 1970 với một cặp đối kháng mới “dân chủ tự do – độc tài”. Sự hình thành cặp đối kháng mới này đã cho phép ẩn giấu đi bản chất thực sự của sự vận động của thế giới để hình thành ra một bức tranh mới khi hai cực CNTB và CNCS/CNXH về thực chất đã gần như hòa quyện vào nhau và thu hẹp quá mức cái phổ phát triển, làm cho moment đẩy bị giảm tốc đi tối đa. Người ta đã mở rộng được cái phổ phát triển mới với một cặp đối kháng mới “dân chủ tự do” – về căn bản đại diện cho những nước TBCN và “độc tài” đại diện cho những quốc gia XHCN/CSCN hay những nước không chấp nhận theo con đường TBCN.
Từ những sự phân tích trên chúng ta nhận thấy rõ một điều, sự phân cực đối kháng và tồn tại các cực này như là những thái cực giúp tạo ra moment đẩy cho sự phát triển chung là một tồn tại tất yếu. Không thể có sự tồn tại một cách đơn cực, bởi khi đó, sự phát triển mất đi nguồn lực của nó, không có cực nào “thắng” cực nào, mà cũng chẳng có cực nào “hơn” cực nào cả. Bởi vì, cái cực đối kháng kia chính là nguồn cội cho sự tồn tại của cực này, và nhờ có cái sự đối kháng ấy mà cả hai cực và cốt lõi là tiến trình phát triển nhờ đó mới có thể vận động đi lên được.
Do vậy, chính cái tư duy “thắng/thua” và “hơn/kém” là sự ấu trĩ trong cách nhận thức về sự tồn tại của những đối kháng khác biệt trong cách lựa chọn hướng đi của mỗi chủ thể/quốc gia/chế độ… Bản chất của thế giới đòi hỏi sự đa dạng và khác biệt, tùy theo hoàn cảnh của mỗi chủ thể/quốc gia/chế độ… mà chọn lựa cách thức phù hợp trong mỗi giai đoạn phát triển của mình. Không có một “cái phổ quát” cho tất cả, và cũng không thể đối lập theo kiểu cái này “phủ định toàn bộ” cái kia, cái này hơn hẳn cái kia…
Mối quan hệ giữa các thái cực là một mối quan hệ biện chứng mang tính tương hỗ và kế thừa nhau, mỗi thái cực trong một phổ phát triển đều có giá trị tạo ra moment đẩy cho sự phát triển chung và tương ứng trong mỗi tình thế mà hướng nghiêng về thái cực nào nhiều hơn mà thôi, cũng như sự biến chuyển của các thái cực về hình thức trong từng giai đoạn để phù hợp với những bậc phát triển ngày một cao hơn và phức tạp hơn của đời sống xã hội.

---------------------------------------------------
NGƯỜI NGHÈO VÀ QUỐC GIA
Tôi viết status này với suy nghĩ với một góc độ của người làm kinh tế và cũng một người có một thời gian đủ dài gắn với các dự án xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng đất nghèo nhất Việt Nam. Câu chuyện về ngân sách, dùng nó cho việc gì và vị trí của người nghèo trong xã hội, quốc gia và trách nhiệm hai chiều giữa quốc gia – người nghèo và người nghèo – quốc gia.
Trước hết, cần phải hiểu căn bản vấn đề ngân sách quốc gia chủ yếu được dùng làm gì. Nó được chi dùng cho các hoạt động chi thường xuyên cho bộ máy quốc gia hoạt động (bao gồm cả các ngân sách hành chính, quốc phòng, y tế, giáo dục…) và đầu tư công. Vấn đề đầu tư công là một nội dung phức tạp và có nhiều quan điểm khác nhau. Tuy nhiên, ngân sách được khuyến khích đầu tư cho các hoạt động công cộng – mang tính chất phục vụ lợi ích chung của xã hội, ít hoặc không có khả năng sinh lời, những hoạt động đầu tư mà các đối tượng khác ngoài Nhà nước không muốn, không có xu hướng đầu tư vào, nhưng nó cần thiết cho đời sống sinh hoạt xã hội, an sinh xã hội và tạo nền tảng – cơ sở hạ tầng cho sự phát triển.
Chúng ta hãy nhìn về trách nhiệm hai chiều giữa quốc gia và người nghèo. Trước hết, là mối quan hệ quốc gia – người nghèo. Về căn bản Ngân sách quốc gia được hình thành trên cơ sở sự đóng góp từ nguồn thu thuế và các khoản phí được ấn định và áp đặt một cách công bằng cho tất cả mọi công dân, mọi tổ chức hoạt động trong một lãnh thổ quốc gia. Như vậy, căn bản Ngân sách quốc gia giống như một cái “hũ” mà ở đó mọi công dân, đóng góp các khoản nghĩa vụ của mình để chi dùng cho các công việc mang tính chất phục vụ chung cho tất cả. Người nghèo, về căn bản cũng là một công dân bình đẳng trong xã hội và do vậy, không có lý do nào để loại trừ khỏi nghĩa vụ này. Tuy nhiên, do tính chất bất bình đẳng trong các hoạt động kinh tế, do điều kiện của các cá nhân, tổ chức khác nhau trong đời sống kinh tế - xã hội, cho nên tồn tại những cơ hội cho người này và bất lợi cho những người khác. Người nghèo, theo đó thuộc về nhóm bất lợi, tức là nhóm ít hoặc không có khả năng đóng góp cho Ngân sách quốc gia. Bởi tính chất điều phối của Nhà nước để giảm bớt các khoảng cách chênh lệch do bất bình đẳng tạo ra, nhằm mục tiêu khuyến khích và trợ giúp tất cả các công dân của quốc gia có cơ hội phát triển – cơ hội đó cũng là nền tảng để quốc gia phát triển hơn, Nhà nước đã thực hiện các chương trình An sinh xã hội, Xóa đói giảm nghèo nhằm tạo ra các nguồn lực trợ giúp cho các đối tượng bất lợi của xã hội, tạo nền tảng cho họ có cơ hội phát triển tốt hơn. Đây là một mối quan hệ mang tính chất trách nhiệm xã hội, chứ không phải là một hành động bắt buộc theo kiểu “cứ nghèo là Nhà nước phải lo”. Bởi xét đến cùng, nếu hiểu như vậy, thì đó là một sự bất công xã hội, bất công ở chỗ, một số người nào đó phải lao động cật lực để đóng góp vào cái “hũ” chi phí chung, và một số người nào đó cứ lôi cái “nghèo” ra để rồi không những không đóng góp vào cái “hũ” đó mà còn bòn rút từ cái “hũ” đó, như một gánh nặng quốc gia, một nhân tố làm cản trở sự phát triển của quốc gia.
Chúng ta sẽ xét đến quan hệ Người nghèo – Quốc gia. Rõ ràng, chúng ta nhận thấy, một quốc gia có những công dân “không nghèo”, “khá giả” sẽ là nền tảng cơ bản cho Quốc gia phát triển mạnh mẽ? Vâng, đúng là vậy. Người nghèo, trong xã hội phải nhận thức được vấn đề nghèo của mình là do ở đâu, và trách nhiệm “thoát nghèo” đó trước hết phải tự chính mỗi người nghèo, phải thấy cái nghèo của mình là một vấn đề cần phải được giải quyết bằng mọi cách có thể. Tất nhiên, đôi khi họ không thể tự mình, khi đó những sự trợ giúp của Quốc gia thông qua các chương trình, chính sách là nền tảng giúp người nghèo “có cơ hội” thoát nghèo. Người nghèo, do vậy cần phải sử dụng hiệu quả những nguồn trợ giúp này. Sự sử dụng hiệu quả các cơ hội này chỉ có thể khi tất cả người nghèo ý thức được rằng “trách nhiệm thoát nghèo thuộc về họ”, khi họ “không luôn ngồi chờ đợi những sự trợ giúp của Quốc gia”. Việc thoát nghèo đem đến trước hết không cho ai khác ngoài chính họ và những người liên quan đến họ những lợi ích đầu tiên. Ngày nào họ còn nghèo thì ngày đó họ còn là một trở ngại cho sự phát triển của quốc gia, một gánh nặng mà quốc gia phải gánh vác.
Việt Nam là một quốc gia còn nghèo, và cái “Nghèo” lớn nhất hiện nay của chúng ta chính là cái “Nghèo” tư duy. Một thứ tư duy ỷ lại, một cái tư duy theo kiểu “tôi nghèo” và anh phải có trách nhiệm giúp tôi, một thứ tư duy lúc nào cũng “chờ đợi”, đòi hỏi những “trách nhiệm Quốc gia phải gánh”, nhưng lại rất ít “ý thức được về trách nhiệm của chính mình với Quốc gia”. Muốn thoát nghèo, muốn vươn lên thịnh vượng, trước hết cần thay đổi tư duy về cái “Nghèo”, về “Quyền của người Nghèo”.
Tôi viết bài này, để mọi người hãy dừng lại cái suy nghĩ rằng Ngân sách quốc gia thì cứ phải “chi cho người nghèo” mới đúng. Ở các tỉnh nghèo thì tiền phải chi cho người nghèo là chính… Không, nếu còn tư duy như vậy thì chúng ta sẽ mãi mãi nghèo đói. Mọi khoản chi từ Ngân sách nhà nước cần phải được cân nhắc trên cơ sở giá trị xã hội, kích thích mang tính đòn bẩy cho phát triển chung của toàn xã hội, đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của Chính phủ và An ninh quốc phòng được hiệu quả, đó mới là những yếu tố quan trọng nhất của chi Ngân sách.
Với những người còn nghèo trong xã hội, vấn đề không phải là “Nhận trợ cấp”, việc nhận trợ cấp, và tư duy về nghèo theo kiểu tôi nghèo thì tôi có quyền đòi hỏi trợ cấp xã hội chỉ làm phát sinh thêm “những người nghèo mới”, duy trì “cái nghèo một cách bền vững” và tạo ra những gánh nặng xã hội cho Quốc gia. Hãy ý thức về cái nghèo của mình như một trở lực cho sự phát triển xã hội, hãy ý thức rằng những trợ cấp chỉ là cơ hội mang tính đòn bẩy cho mình thoát ra khỏi cái nghèo, như hàng bao nhiêu gia đình đã thoát nghèo nhờ các chương trình Xóa đói giảm nghèo và các Chương trình chính sách xã hội khác. Có như vậy, xã hội mới phát triển được.
Người nghèo không thể được đặt như một mục tiêu hàng đầu trong chi Ngân sách! Nó chỉ là một vấn đề tái phân phối để giảm bất bình đẳng và tạo cơ hội phát triển hơn cho tất cả những người chị
u bất lợi trong xã hội như một Trách nhiệm Xã hội của Nhà nước mà thôi.

Trên thế giới, có rất nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không quan tâm đầy đủ đến công tác quản trị chiến lược mà vẫn hoạt động bình thường. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng tại những doanh nghiệp phát triển năng động và hiệu quả, nhất là đối với những công ty có quá trình vươn lên tầm vóc kinh doanh toàn cầu nhanh chóng, như Microsoft hay Apple chẳng hạn, thì công tác quản trị chiến lược toàn diện rất được coi trọng ngay từ khi khởi nghiệp.

Đừng để cuộc đời làm bạn nản chí: ai tới được vị thế của mình hôm nay cũng phải bắt đầu từ đâu đó trong quá khứ.
Richard L. Evans

Giang Le

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét