Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Trích "Hồ sơ Đệ tứ Quốc tế Việt Nam"

Sự du nhập chủ nghĩa mác-xít vào Việt Nam không đơn thuần như nhiều
người tưởng và không như đảng Cộng sản Việt Nam đã trình bày. Ngay từ buổi đầu, vào những năm 30, đã có sự phân chia ra hai trường phái, nói giản dị hơn, hai khuynh hướng: xta-lin-nít và trốt-kít, Đệ tam và Đệ tứ. Đệ tam do Nguyễn Ái Quốc, sau này là Hồ Chí Minh, đứng đầu. Đệ tứ do Tạ Thu Thâu đại diện. Khuynh hướng thứ nhất xuất phát từ Stalin, người cầm đầu đảng Cộng sản Liên Xô và Quốc tế Cộng sản (Đệ tam Quốc tế). Khuynh hướng thứ hai bắt nguồn từ tổ chức Tả đối lập do Trotsky thủ xướng, chống lại Stalin và chủ nghĩa xta-lin-nít, được coi là chủ nghĩa tiêu biểu cho đám quan liêu đang bành trướng ở Liên Xô. Tôi nói hai khuynh hướng bởi vì trong thời gian trước đó, cả Trotsky lẫn Stalin đều là ủy viên Bộ Chính trị của đảng Cộng sản Nga, đều là những cộng sự thân cận Lenin trong ban lãnh đạo cách mạng tháng Mười 1917 ở Nga. Sau khi Lenin mất (1924), cuộc cách mạng này bị phản bội rồi bị suy thoái. Năm 1938, nhận thấy đảng Cộng sản Nga và Đệ tam Quốc tế quá suy đồi, không thể cải đổi được nữa, và chính quyền ở Liên Xô đã hoàn toàn lọt vào tay đám quan liêu phản cách mạng "thermidor" (1), Trotsky và Tả đối lập đã tuyên bố thành lập Đệ tứ Quốc tế.
....
Năm 1929, khi còn ở Pháp. Tạ Thu Thâu và các đồng chí tham gia Tả đối lập của Trotsky. Cũng vào thời điểm này, ở Hồng Công, Hồ Chí Minh vận động thành lập đảng Cộng sản Việt Nam. Ở Pháp, Trần Văn Giầu, Nguyễn Văn Tạo gia nhập đảng Cộng sản Pháp và Đệ tam Quốc tế. Vào lúc ấy, sự lựa chọn giữa khuynh hướng trốt-kít và khuynh hướng xta-lin-nít, giữa Đệ tứ và Đệ tam, là sự lựa chọn đầy thử thách. Đệ tam có cả một quốc gia Liên Xô đứng sau và đứng đầu là Stalin, người mà hầu hết lao động trên thế giới coi là "bậc thiên tài lỗi lạc", "một lãnh tụ nhân tài, bác ái", "đáng kính, đáng yêu" của phong trào lao động quốc tế. Đệ tứ chỉ có một nhóm nhỏ người, gia dĩ lại bị trên đe dưới búa. Một đằng bị các lực lượng đàn áp của các nước tư bản săn đuổi, đằng khác, bị Stalin và các đảng xta-lin-nít, thông qua bộ máy tuyên truyền khổng lồ của họ, dán cho cái nhãn hiệu "gián điệp", "tay sai đế quốc tư bản", "tay sai phát-xít Đức, Nhật" v.v... Những vụ án ngụy tạo mà Stalin dựng nên ở Moscow từ năm 1936 đến năm 1938, nhằm đàn áp và diệt trừ những người trốt-kít. Xuyên qua những vụ án này, 70% ủy viên Ban Trung ương đảng Cộng sản Nga và hầu hết các ủy viên Bộ Chính trị, trừ Stalin, bị xử bắn hoặc ám sát. Trong số 1.956 đại biểu của Đại hội XVII, có 1.108 người - nghĩa là hơn nửa số đại biểu - bị bắt và thủ tiêu vì tội "phản cách mạng". Hơn 10 triệu nhân dân Liên Xô, trong đó có hàng triệu đảng viên cộng sản, bị bỏ mạng. Khẩu hiệu của Stalin đưa ra cho các đảng Cộng sản các nước là phải "diệt trừ bọn trốt-kít phản cách mạng".
...
(1) "thermidor": Ám chỉ đám người phản cách mạng xuất hiện sau cuộc cách mạng tư sản Pháp, họ dựa vào thoái trào cách mạng, mở cuộc tàn sát những người cách mạng
~ Trích "Hồ sơ Đệ tứ Quốc tế Việt Nam"
~ Tập 1
~ Trang 5 - 6
~ Hoàng Hoa Khôi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét