Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

TƯ MÃ Ý

TƯ MÃ Ý – CHỨNG NHÂN, NẠN NHÂN HAY TÁC NHÂN CỦA MỘT THỜI ĐẠI? (made by Nguyễn Đỗ Thuyên)



Tặng Bảo Uyên - một người rất yêu thích Trọng Đạt

1 – Lang cố

“Lang cố…Đầu sói có thể quay nhìn trước sau, tiến có thể tấn công, lui có thể ổn”

Trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên (HPLN), hình ảnh ấy giờ đây gắn liền với Tư Mã Ý, gắn liền với sự phản trắc, gian hiểm và khó lường.

Thật ra, Nhân Tướng Học từng ghi nhận một vài trường hợp có thể quay đầu lại phía sau, thân mình không chuyển động, chỉ có đầu quay một nửa vòng tròn một cách dễ dàng tự nhiên. Hy Trương gọi nó là tướng “Long đầu cách cục”, là một nét quý tướng, mà cũng có thể xem là “ẩn tướng”, bởi nó không dễ gì lộ ra… Tổng đốc Lưỡng Quảng Trương Thụ Thanh đời Quang Tự cũng vì thế mà hiển quý cả đời…




Vậy thì “lang cố”, (hay “long đầu cách cục”), rốt cuộc vì lẽ gì, lại là kẻ đặt nền móng cho triều đại nhà Tấn – triều đại thống nhất tồn tại ngay sau thế cục tam phân Ngụy - Thục - Ngô? Là một xếp đặt ngẫu nhiên của lịch sử? Hay là kết quả tự nhiên của một quá trình? 

2 – Từ một nhân vật lịch sử…

Trong chính sử, Tư Mã Ý được miêu tả như một kẻ đã từng cực kỳ không thích làm quan. Dù là một trong “Bát Đạt Tư Mã” - tám người con danh tiếng của một dòng tộc lâu đời, là cháu của tằng tổ Tư Mã Thiên (người viết Sử Ký), cháu nội của Thái Thú Dĩnh Xuyên Tư Mã Tuấn, con của Lạc Dương Lệnh, Kinh Triệu Doãn, Kỵ Đô Úy Tư Mã Phòng; nhưng Ý lại luôn từ chối những lời mời từ phía Tào Tháo, Tào Hồng, và mãi đến năm ba mươi tuổi (năm 209), khi Tào Tháo trở thành Thừa Tướng, Ý mới chính thức bước vào quan trường.

Thế nhưng, khi đã bước chân vào bàn cờ chính trị chốn cung đình, Tư Mã Ý lại thể hiện rõ đức tính nhẫn nại hiếm có, tư duy chính trị sắc bén, dứt khoát và vượt tầm so với hầu hết các đối thủ lớn thời bấy giờ; để rồi từ một “Văn Học Duyện” bé nhỏ dưới trướng “Tào thừa tướng”, từ một quan Chủ Bộ vốn bị Tào Tháo nghi ngờ, Ý trở thành “Lục Thượng Thư Sự” dưới trướng Tào Phi - được Phi ví như “Tiêu Hà” của mình, trở thành Phiêu Kỵ Đại Tướng Quân nắm Dự Châu và Kinh Châu dưới thời Tào Duệ. Và từ một kẻ bị tước bỏ quyền lực thời Tào Phương, Ý một lần nữa giành lại thực quyền, giết chết Tào Sảng, Vương Lăng, trở thành kẻ còn lại sau cùng, kẻ đặt nền tảng cho sự thống nhất của Trung Hoa cuối thời Đông Hán.

Một thành tựu như vậy, há có thể được thực hiện bởi một kẻ chẳng tha thiết làm quan?

Cho đến nay, các tranh luận về Tư Mã Ý chủ yếu xoay quanh cuộc đối đầu Tư Mã Ý – Gia Cát Lượng, vốn là kết quả do sự lan truyền sâu rộng của Tam Quốc Diễn Nghĩa (TQDN). Thật ra, liên hệ với các tài liệu lịch sử khác, chúng ta còn có thể tìm ra nhiều điều thú vị khác về y, cũng như về Tư Mã gia.

- Chẳng hạn, không phải ngẫu nhiên mà Tào Tháo năm lần bảy lượt mời Tư Mã Ý ra làm quan. Ngoài việc là một trong “Bát Đạt Tư Mã” nổi danh, ngoài việc Tư Mã gia là dòng họ có danh tiếng, thì còn một chi tiết đáng chú ý: kẻ tiến cử Tào A Man (năm 20 tuổi, vừa thi đỗ Hiếu Liêm) ra làm quan (chức Bắc Bộ Úy ở Lạc Dương) chính là cha của Tư Mã Ý – Kinh Triệu Doãn Tư Mã Phòng.

- Chẳng hạn, Tư Mã Lãng chính là người đã nhìn thấy trước việc Liên quân Quan Đông khi tiến sát Lạc Dương sẽ thả quân cướp bóc, do đó trước khi chiến loạn đã chủ động dời cả gia tộc từ Thành Cao về Lê Dương. Đến cuộc chiến Bộc Dương giữa Lữ Bố - Tào Tháo, một lần nữa Tư Mã Lãng lại đưa gia tộc về Ôn huyện. Lãng không chỉ bảo toàn được tài sản và tính mạng cho gia tộc, mà còn cứu chẩn họ hàng, dạy bảo các em, không vì thời loạn mà bỏ nghiệp, trong hoàn cảnh Năm đó đói to, quân lính cướp bóc, dân chúng chết đến gần nửangười dân ăn thịt nhau (Tam Quốc Chí – Tư Mã Lãng truyện). (trong HPLN, người có góc nhìn tương tự là Tư Mã Ý).

- Chẳng hạn, Tư Mã Lãng chính là người đã khởi xướng khôi phục chế độ “tỉnh điền” thời Tây Chu (chia đất ra làm chín khu hình chữ tỉnh. Những khu ở chung quanh làm tư điền, khu ở giữa để làm công điền. Mỗi một tỉnh cho 8 nhà ở, đều phải xuất lực cày cấy công điền rồi nộp hoa lợi cho nhà vua). Tuy không được Tào Tháo chấp nhận, nhưng đây là tiền đề cho các hoạt động như: chiêu tập nạn dân, cung cấp gia súc, cung cấp nông cụ và hạt giống cho các hộ dân…để từ đó tiến tới chế độ “đồn điền dân sự” (cải tiến lên từ phép “tỉnh điền” – tuy nhiên có quy rõ sản lượng tô thuế theo phần trăm tùy theo việc ai là chủ sở hữu của gia súc và công cụ).

- Chẳng hạn, chính Tư Mã Ý là người kiến nghị lập ra các “đồn điền quân sự” do binh sĩ tự canh tác và quản lý, mỗi năm mang lại hàng triệu hộc lương, góp phần ổn định những khu vực đã chiếm đóng.

- Chẳng hạn, cũng chính Tư Mã Ý, nhiều năm sau là người đã lập ra “chợ quân” ở  Trường An - chợ trao đổi hàng hóa đầu tiên do quân đội quản lý, để trao đổi hàng hóa giữa quân đội với dân thường.

- …

Phải chăng, Tư Mã Ý trong lịch sử, là kẻ “đã không làm thì thôi, hễ làm phải làm triệt để”, “không bước vào chính trường thì thôi, đã làm chính trị thì phải dẫn đầu”?

Phải chăng, gia tộc Tư Mã thật sự sở hữu những bộ óc trác việt, nhìn thấu được bản chất chính trị của thời cuộc, có hiểu biết khá sâu sắc về quy luật kinh tế và thương mại, mà minh chứng chính là những cách nghĩ, việc làm và kết quả đạt được của anh em Tư Mã Lãng, Tư Mã Ý, và sau này là Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu (thành công đoạt lấy binh quyền của Chung Hội và Đặng Ngải, thâu tóm quyền lực về mình, hưởng trọn thành quả của công cuộc phạt Thục, trong tình cảnh Ngải và Hội nắm đại quân bên ngoài)?

Và phải chăng, đấy chính là cơ sở cho Trần Mưu sáng tạo nên hình tượng Trọng Đạt trong HPLN?

3 – Đến hình tượng trong Hỏa Phụng Liêu Nguyên…

Các bạn nghĩ sao khi biết rằng:

- Trần Mưu thực chất đã cho gán Tư Mã Lãng cái chức “Tri Thư Ngự Sử Lạc Dương”, vốn là của ông bố Tư Mã Phòng.

- Tư Mã Lãng thực ra chưa từng bị bắt làm con tin.

Trong HPLN, Tư Mã Ý được miêu tả ban đầu như một thiếu gia của dòng tộc Tư Mã vốn chỉ chuyên về kinh doanh, buôn bán. Sau khi người anh Tư Mã Lãng (vốn là Tri Thư Ngự Sử ở Lạc Dương) bị Đổng Trác bắt giữ, dòng tộc Tư Mã gần như không còn mối liên hệ nào về mặt thân tộc đối với quan trường.

Điều này, phải chăng là để cho Tư Mã gia hoàn toàn mang hình ảnh của một gia tộc doanh thương, chứ không dính líu gì đến chính trường? Để từ đó thấy rõ hơn bước chuyển trong quan điểm của một con sói? Để từ đó nhận rõ hơn quyết tâm lấy thiên hạ của y?

Hay phải chăng, để khẳng định rõ một điều: Trong thời kỳ đầu (trước khi bị diệt môn), Tư Mã Ý chỉ thuần túy là một “chứng nhân”, tự tin rằng tài năng của mình sẽ giúp cho gia tộc phát triển, tự tin rằng dù đứng ngoài cuộc tranh đoạt, chỉ có tiền tài chứ không cần binh lực vẫn có thể thao túng thế cuộc; chứ chưa tự xem mình như là một “tác nhân” tích cực và tất yếu cho xu hướng thống nhất của biến loạn cuối thời Đông Hán?

Và nếu như Trần Mưu có chủ ý này, thì cũng không nên quá ngạc nhiên. Chúng ta vốn đã quen với hình ảnh Trương Dực Đức ngoài thô dữ bên trong tinh tế, sẽ còn ngạc nhiên hơn nếu biết rằng có những tài liệu cho thấy Trương Phi trong lịch sử là kẻ am hiểu thư họa, và là một “nho tướng” đúng nghĩa. Và những ai đã từng tốn thời gian để tranh cãi về Viên Phương, ắt sẽ thấy thú vị khi biết rằng ý tưởng về xuất xứ cho “đứa con rơi của Viên Thiệu” này lại đến từ chính ông bố - Viên Bản Sơ. Theo quan điểm của Bùi Tùng Chi trong “Tam Quốc Chí”, Thiệu được cho là con riêng của người bác Viên Thành. Khi Thành chết, Thiệu để tang, chứ không để tang người cha trên danh nghĩa là Viên Phùng… Cũng như, người thực sự dự đoán được viễn cảnh cướp bóc của liên quân Quan Đông dọc bờ sông phía Bắc Lạc Dương, để chủ động ứng phó, bảo vệ gia tộc, vốn là Tư Mã Lãng…

4 –  Chứng nhân, nạn nhân và tác nhân

Con người không bao giờ tồn tại riêng rẽ. Kể cả cố ý hay không, không ai có thể đặt mình ra khỏi dòng chảy của xã hội.

Nói về tâm thái của một con người đối với xã hội, thường có ba vai trò tiêu biểu:

+ Chứng nhân (Kẻ chứng kiến dòng chảy của xã hội);
+ Nạn nhân (Kẻ bị rác rưởi trong dòng chảy ấy làm vẩn đục, hoặc bị chính dòng chảy ấy cuốn đi);
+ Tác nhân (Kẻ tham gia khơi nguồn dòng chảy).

Với mỗi con người, ba vai trò này có sự hòa lẫn, đôi lúc vì thay đổi nhân sinh quan mà có thay đổi thứ tự ưu tiên vai trò, đôi lúc lại vì hiểu ra chân lý nào đó mà kiên quyết một vai trò nhất định.

Bạn thờ ơ nhìn người khác gặp nạn mà không giúp đỡ, không hô hoán để người khác giúp đỡ, hoặc đơn giản là chẳng có ý nghĩ sẽ giúp đỡ; lúc ấy bạn chỉ là một “chứng nhân” với suy nghĩ rất tiêu cực. Bạn cũng đã từ chối vai trò “tác nhân”.

Bạn cứ tiếp tục thờ ơ, cho đến lúc xã hội đã tệ hại đến mức người ta có thể chặt đứt vài cánh tay ngay giữa phố đông, ngay giữa ban ngày để cướp tài sản; tệ hại đến mức một em gái bị kẹt dưới bánh xe tải mấy tiếng đồng hồ mà không một tài xế nào chịu dừng lại để giúp em…

Sẽ đến lúc, em gái bạn, con gái bạn, người thân của bạn, những người xung quanh bạn, sẽ sẽ phải hứng chịu những sự thờ ơ tương tự như thế đấy. Lúc ấy, bạn đã là “nạn nhân”.

Bạn từ chối làm “tác nhân”, từ chối giúp đỡ, từ chối khuyên người khác sống tốt hơn, từ chối thảo luận về các vấn đề xã hội, từ chối vai trò xã hội của mình, làm chậm đi quá trình giải quyết mâu thuẫn để giúp xã hội phát triển hơn? Bạn cho rằng một ít đóng góp của mình là nhỏ nhoi, chẳng đáng kể, hoặc đơn giản là bạn chẳng được lợi lộc gì nếu làm điều gì đó?

Bạn sai rồi. Sẽ đến lúc, bạn là “nạn nhân” cho chính điều ấy.

Đơn giản là dù đóng góp của bạn có nhỏ đến mức nào, nó vẫn đóng vai trò như một sự thúc đẩy nhất định về lượng, giúp sự vật tiến nhanh tới điểm nút, để có được sự chuyển hóa về chất. Không đóng góp gì, quá trình ấy sẽ chậm lại, mà như ta biết, quá trình chuyển tiếp xã hội nào cũng chứa đựng nhiều mất mát, tổn thất. Có kẻ trục lợi được, có người lại bị hại đến thê thảm. Nếu bạn muốn làm chủ vận mệnh của mình, tại sao không chủ động biến mình thành “tác nhân”?

Trong HPLN thì sao?

“Trung Nguyên mấy ngàn năm qua con người đã sống như thế”…
“Ở dưới chủ, con người phải khóc, phải cười, nô tài cũng giống như thú vật”.
“Kẻ sống như kiến, kẻ chết như tro bay”…
“Đáng buồn mà cũng đáng cười”…

Nhưng mà, có phải thời đại này chỉ có như thế?

Có phải “trung thành”, sự an phận, cái an toàn khi làm tròn chức phận, việc không chịu suy nghĩ về giá trị của bản thân - hoặc tự hài lòng với cái được gọi là “giá trị bản thân” do xã hội áp đặt cho…mới là trật tự và cấu tạo của thời đại hỗn độn này?

Không, ít nhất có hai người không cam chịu mãi mãi làm “chứng nhân” cho thời đại đáng buồn này. Đó là Lữ Bố. Đó là Viên Thuật.

Ít nhất, còn có Lưu hoàng thúc và Tào thừa tướng, những kẻ có tâm, có thực tài, có ước vọng thống nhất thiên hạ, quyết tâm trở thành “tác nhân” cho một thời đại mới.

Còn có tầng lớp trí thức bình dân, xuất thân áo vải, bị chèn ép bởi tầng lớp trí thức Thái Học, trí thức công khanh, đành tan vào trong quần chúng, sau đó là đầu quân vào các thế lực cát cứ, với ước vọng thống nhất, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân. Đó chính là lực lượng mưu sĩ, là Bát Kỳ, là Trần Cung, là Vô Danh Quân Sư…

Vậy còn tầng lớp “thương nhân”?

Vậy còn Tư Mã Ý? Y nghĩ gì?

Y chọn cách trục lợi, từ chối vai trò “tác nhân”, trong một xã hội đầy biến loạn nhưng đang có lợi cho y? Hay y cũng biết nghĩ đến cái chung, cũng nhìn ra được một xã hội tốt đẹp hơn hiện tại, và quyết tâm thực hiện theo xu hướng tiến bộ của xã hội ấy?

5 – Các loại mâu thuẫn cuối thời Đông Hán - Đối tượng của những “tác nhân”

Thời Tam Quốc, xã hội tồn tại nhiều mâu thuẫn:

- Mâu thuẫn trong nội bộ Hán triều.
- Mâu thuẫn giữa Hán triều với các thế lực cát cứ.
- Mâu thuẫn giữa các thế lực cát cứ với nhau.
- Mâu thuẫn giữa phần tử trí thức bình dân và phần tử trí thức danh gia thế tộc (tàn dư Hán triều, phần tử trí thức Thái Học Sinh còn sót lại).
- Mâu thuẫn giữa quần chúng rộng lớn với chế độ lại trị đang đi xuống của chính quyền triều Hán.
- Mâu thuẫn giữa xu hướng thống nhất và xu hướng chia cắt phong kiến.

Đọc HPLN, đọc TQDN, ta thấy nhiều cuộc chiến, nhiều âm mưu, nhiều sự thất bại và nhiều thắng lợi. Thật ra, bản chất của những xung đột ấy chưa hẳn đã giống nhau.

Xung đột giữa những thế lực cát cứ, có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai thủ lĩnh, mâu thuẫn về quyền lực, về đất đai, nhưng cũng có thể xuất phát từ mâu thuẫn giữa xu hướng thống nhất và xu hướng chia cắt.

Cuộc chiến ở Từ Châu giữa Lữ Bố - Viên Thuật – Lưu Bị - Tào Tháo, hay đa số những cuộc chiến ở giai đoạn trước thế cục tam phân Ngục - Thục – Ngô, hầu hết giải quyết các mâu thuẫn về đất đai và quyền bính. Đôi khi nó được khoác lên mình danh nghĩa cá nhân (Tào Tháo đánh Đào Khiêm báo thù cho cha).

Những cuộc chiến trong giai đoạn hình thành tam phân (Tào Tháo đánh Lưu Biểu, Lưu Bị chiếm Ích Châu) là ví dụ điển hình cho mâu thuẫn giữa xu hướng thống nhất và xu hướng chia cắt phong kiến, giữa các lãnh tụ có tầm nhìn chính trị rộng lớn - đồng thời có ước vọng thống nhất Trung Hoa (Lưu Huyền Đức, Tào Mạnh Đức) với những thế lực già cỗi của tôn thất Hán triều, vốn chỉ nằm một chỗ cầu an, không hề có ý đồ chính trị rõ rệt và chỉ là trở ngại cho xu hướng hình thành tam phân (thống nhất từng phần trước khi thống nhất toàn bộ).

Khi giải quyết xong loại mâu thuẫn cuối cùng, những mâu thuẫn còn lại sẽ dần dần được dung hòa. Nhà Tấn ra đời là kết quả của một quá trình dần dần giải quyết tất cả các mâu thuẫn này.

Quan niệm về “chứng nhân”, “nạn nhân” và “tác nhân” của người viết từ đây trở về sau, là dành cho đối tượng “xu hướng thống nhất”.

6 – Thương nhân Tư Mã Ý, y nghĩ gì?

Đương nhiên, với con mắt hiện đại nhìn về lịch sử cổ đại gần hai ngàn năm sau, chúng ta không thể biết chắc chắn rằng quan điểm và tầm nhìn chính trị - xã hội của Tư Mã Ý lúc ấy đã đạt đến tầm mức nào. Nhưng ít ra chúng ta biết, nó có sự khác biệt đối với phần còn lại của các nhân vật “chính” trong HPLN. Bởi vì, Ý là một thương nhân.

Xuất phát điểm khác nhau dẫn đến cách tiếp cận khác nhau. Lưu Bị chỉ có hai bàn tay trắng, nên đầu tiên phải kiến lập lợi ích về mặt danh nghĩa, lợi dụng những năm cuối cùng của thời đại, khi chữ “Lưu” còn chưa bị thiên hạ lãng quên. Tào Tháo, Tôn Sách đều có ít nhiều điểm tựa từ phía quan trường, kẻ có bộ hạ cũ, người có đất (và cùng có danh tiếng), có thể dần dần khuếch trương thế lực về mặt quân sự. Vậy Tư Mã Ý có gì?

Tư Mã Ý có vốn liếng, có mạng lưới hoạt động làm ăn rộng lớn, có danh tiếng (trên thương trường), và có tài năng kinh doanh. Một thương nhân điển hình và thành công như thế, nhu cầu của y là gì?

Con người, sau khi thỏa mãn được nhu cầu về sinh lý (ăn, mặc, ở…), nhu cầu về an toàn, nhu cầu về giao tiếp xã hội, sẽ tiến đến hai nhu cầu quan trọng: nhu cầu được tôn trọng (liên quan đến tự chủ, địa vị), và nhu cầu tự thể hiện mình (muốn trở thành một người theo khả năng của mình, được phát triển bản thân).

Liên quan đến nhu cầu được tôn trọng, Tư Mã Ý từng nói về Đổng Trác:

“Loại người dùng bạo tàn để trị nước này chỉ làm cho sinh linh đồ thán. Ta không muốn trong những năm ta sống lại nhìn thấy một Tần Thủy Hoàng”.

Ý tứ rất rõ ràng, Trọng Đạt muốn tự chủ trong việc lựa chọn kẻ đứng đầu thiên hạ, và y đã tham gia cải biến quá trình chọn lọc ấy (chiến dịch diệt Đổng ở Trường An).

Liên quan đến nhu cầu tự thể hiện mình, Ý đã mơ…

“Kẻ tin vào mộng thường là kẻ yếu đuối, cho nên xưa nay ta chưa từng tin vào mộng. Điều buồn cười là dạo này ta thường thấy một giấc mộng lặp đi lặp lại, một giấc mộng điên cuồng…”

“Tất cả trong giấc mộng ấy đều vượt quá sức tưởng tượng. Chỉ là mộng hay là điềm báo trước của số mệnh?...Ta không biết.”

“Nhưng ta lại mong muốn điều đó trở thành sự thực… Tin tưởng vào đó cũng là điều hay.”

Có lẽ khi “trót” tin tưởng vào giấc mộng ở đầu truyện, có lẽ TMY cũng không ngờ rằng nhiều năm sau, gia tộc của y có thể khuynh đảo cả một thời đại, tác động đến nhiều cuộc chiến quan trọng và chính y sẽ là kẻ đặt nền móng cho nhà Tấn sau này. Cái “mong muốn điều đó trở thành sự thực” lúc ban đầu ấy chỉ đơn thuần là dục vọng ẩn sâu trong mỗi con người mà ai cũng có: muốn đứng trên ngôi cao nhất, làm chủ tể thiên hạ. Ở góc nhìn khác, hình ảnh “Tư Mã thái phó” đạp tiểu hoàng đế xuống đất và bắt y quỳ lạy hai đứa con trai Tư Mã Sư, Tư Mã Chiêu có thể xem như một ước muốn về “thân tộc hóa” tồn tại một cách bản năng (kể cả trong mơ!). Có thể xem thân tộc hóa như một hiện tượng chính trị có nguồn gốc từ trong bản năng xã hội của con người. Con người, khi có quyền lực trong tay, có khuynh hướng đưa thân nhân và những người có quan hệ mật thiết với họ vào nắm các vị trí quan trọng trong chính quyền.


Hiện tượng thân tộc hóa xuất hiện trong tất cả các xã hội và hệ thống chính trị khác nhau, được lặp đi lặp lại trong lịch sử; nay ước vọng thân tộc hóa cũng lặp đi lặp lại trong giấc mơ của Trọng Đạt, có thể xem nó như một dấu hiệu đặc trưng cho xuất phát điểm, nhu cầu và tham vọng của y?

7 – Tác nhân cho xu hướng thống nhất

Giấc mơ ấy, có bao nhiêu người biết?

Không rõ, chỉ biết rằng không dưới hai lần, các trưởng lão nhà Tư Mã đã nhắc đến “thiên hạ của Lã Bất Vi”, và “mơ mộng Lã Thị Xuân Thu”. Lại nói “Nhà ta, vẫn còn chân mệnh thiên tử”.

Lã Bất Vi có thể xem như lái buôn số một thiên hạ. Người khác buôn hàng hóa, ông ta buôn vua.

“Thời đại ấy, quyền lực là dùng tiền bạc bồi đắp lên”
“Mà uy danh, là dùng sinh mạng xây đắp thành”.

Ai cũng rõ Tư Mã Ý muốn “phò kẻ mạnh đoạt thiên hạ, sau đó soán ngôi". Vấn đề là y làm điều đó như thế nào?

Y làm rất khéo.

“Mua bán có giá, đánh giá của ta là dựa theo con mắt của thương nhân” 

Con mắt thương nhân của Tư Mã Ý vô cùng lanh lẹ:

- Dự báo được nhu cầu của thị trường, thu mua sạch sẽ nguồn nguyên vật liệu và vét cạn nhân công cho nhu cầu xây thành Lạc Dương, sau đó nâng giá.
- Đánh giá đúng đắn tiềm năng của thương vụ đầu tư vào Giang Đông.
- Chiến lược định giá theo cảm nhận của khách hàng cực kỳ chính xác: dùng giá gỗ tăng để nâng giá bán hạm thuyền đối với “khách hàng thường xuyên, vốn lớn” Viên Thuật, nhưng lại lấy giá ưu đãi cho “khách hàng lần đầu, vốn ngắn” Tôn gia.
- …

Con mắt chính trị thì sao?

Giết Hứa Lâm, trừ Đổng Trác, trợ giúp Trần Đăng ở Đàm Huyện, cứu Tào Tháo ở Bộc Dương, đầu tư vào Tôn gia để bình định Giang Đông, các hoạt động ấy đều dung hòa được lợi ích của gia tộc với cái đại thế của thiên hạ mà Ý muốn: giữ được sự cân bằng trong cán cân chính trị, quân sự, lãnh thổ; cho đến khi kẻ đủ sức thay đổi thời cuộc lộ diện hoàn toàn. Tư Mã Ý đã làm điều đó rất tốt, cho đến khi…


”Đêm ấy, nhà không còn là nhà, nước không còn là nước…”

Từ kẻ luôn đứng sau giật dây, bỗng phút chốc buộc phải lộ mặt. Những “nhân” do Tàn Binh gieo ngày trước, giờ đây kẻ “hung tàn” tên Hứa Định đã quay lại, gặt lấy “quả” đau thương… Để rồi, ngày hôm đó, con sói đã chày ra nước mắt...


« Nhiều năm sống lay lắt, ta cuối cùng đã tìm ra mục tiêu sống rồi ».

Có muộn quá không? Cái giá phải trả có đắt quá không? Cho cái mà Hỏa đã phải bức xúc gọi tên là « Đáng ghét, cái phương thức sinh tồn không có chí khí của Trọng Đạt! »?

Tất cả đã không còn quan trọng nữa…

Từ sau ngày hôm đó, người ta ít khi thấy được nụ cười như thế này nữa…


« Tứ thúc », người chú mà Ý vẫn hay trêu đùa, cũng đã chết, cũng như Quách Ngang, cũng như bao nhiêu anh em, quyến thuộc, gia nhân, thực khách, thủ hạ, lợi ích, vị thế, quan hệ… trong cái đêm biến loạn đó…

Gia tộc, điểm tựa từ ngày đầu của Trọng Đạt, đã bị giáng một đòn quá nặng nề…

Có phải đấy là hậu quả của sự dùng dằng không quyết, của sự tham lam rặt kiểu thương nhân, của những toan tính chiến lược « khéo quá hóa vụng », của sự tự tin thái quá, của sự không quyết đoán muốn trở thành « tác nhân » của thời cuộc một cách triệt để, để rồi trở thành « nạn nhân » một cách đáng tiếc?

Từ quan điểm cá nhân, người viết cho rằng « thảm sát nhà Tư Mã » là kết cục tất yếu của một mối tình vẹo vọ « thương nhân – chính quyền », khi cán cân quyền lực bị lầm tưởng rằng đang cân bằng, khi tương quan lợi ích và quyền lực được xây dựng không đồng đều, khi xã hội chưa đạt tới một mức độ « văn minh » nhất định, nên chưa thể có được những sự « hợp tác » tương tự như giữa vua dầu mỏ Rockefeller với giới chức chính quyền Mỹ những năm cuối thế kỷ 19, hay giữa giới lái súng (và gần đây là giới tài chính) với Nhà Trắng những năm của thế kỷ 20 này.

Thế nhưng, đây có phải là thời điểm thích hợp nhất để Hỏa Phụng trùng sinh? Để Tư Mã Trọng Đạt chính thức bước ra từ đống đổ nát của gia tộc, bước thẳng vào trung tâm quyền lực của thiên hạ, tạo dựng vây cánh, uy tín, binh lực và quyền lực cho bản thân, tiếp tục nuôi dưỡng giấc mơ ngày trước?

Mạnh Tử nói : « Kẻ được đạo thì nhiều người giúp, kẻ mất đạo thì ít người giúp ».

« Đạo » ở đây là gì? Phải chăng chính là cái « tất yếu » của thời đại? là nhu cầu chính trị thiết thực và cấp bách nhất lúc bấy giờ? là thống nhất? Và « kẻ được đạo » chính là kẻ nắm bắt được nhu cầu chính trị ấy, thay đổi chiến lược và tập trung nguồn lực để trở thành « tác nhân » tích cực cho nhu cầu ấy ?

Xác định lại mục tiêu, lạnh lùng hơn, quyết liệt hơn và triệt để hơn, có thể Tư Mã Ý cũng không nhận ra rằng, bước chuyển của bản thân sau biến cố diệt môn ngày đó, lại có ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc thống nhất toàn Trung Hoa sau này. Từ gia tộc, bước ra thiên hạ. Từ thao túng, điều khiển đến trực tiếp tạo dựng lực lượng để chờ thời cơ chiếm đoạt. Trận Xích Bích vẫn đang dang dở, nhưng người viết tin rằng, Trần Mưu sẽ để cho Trọng Đạt - bằng góc nhìn của một thương nhân, sẽ tiếp tục giữ một ảnh hưởng lớn đến thế cục tam phân, giúp duy trì sự cân bằng chân vạc, đồng thời với việc thống nhất cục bộ để tạo thành 3 mảnh ghép lớn nhất sau cùng.

« Đá có thể vỡ, nhưng sự cứng chắc không thể bị đoạt đi »
« Thuốc chu sa có thể mài, nhưng sắc đỏ không thể bị đoạt mất »

Phải chăng, lịch sử muốn người sống như thế?
Vậy thì, phải tiếp tục mà sống.
Sống ngoạn mục hơn! Sống rực rỡ hơn! 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét