TRAO ĐỔI VỀ GIÁ TRỊ
“CHÂN, THIÊN, MỸ, ÍCH”
Hôm qua, cháu Huỳnh Quang Phước từ Bình Định, gọi điện cho tôi, hỏi: “Thưa chú, con thấy trên trang Web mactoc.com, mục Sứ mệnh và Mục tiêu, có nói chia sẻ những giá trị Chân, Thiện, Mỹ, Ích trong Cộng đồng Mạc tộc, nhất là cho những người trẻ tuổi… Chú có thể nói rõ thêm cho con biết, những giá trị đó ý nghĩa thế nào cho những người trẻ chúng con”?...
Qua điện thoại, chú chỉ trao đổi với Phước được vài điều ngắn gọn, nay xin viết dài dài thêm chút xíu, hy vọng rõ thêm phần nào.
Giá trị là vấn đề rộng lớn, đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học, là phạm trù trừu tượng, đa nghĩa, nhiều tầng bậc … Ở đây xin nói nôm na, có tính phổ thông, trao đổi những khía cạnh gần gũi với thực tế đời sống các bạn trẻ.
Những cái gì ta thấy có ý nghĩa, đáng quý trọng, cần thiết cho đời sống vật chất và tình thần của mình, thì cái đó có GIÁ TRỊ, như: cơm ăn, áo mặc, khí trời, nhà cửa, tiền bạc, phương tiện hoạt động, môi trường tự nhiên … (các giá trị vật chất); tình yêu thương, sự tôn trọng, hiếu thảo, tri thức, nhân phẩm, tự do, niềm tin, hòa bình, thân thiện, đoàn kết, giàu sang, địa vị xã hội, môi trường xã hội, “Nhân, Lễ, Nghĩ, Trí, Tín”, “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” … (các giá trị tình thần).
Nhưng tất cả các giá trị vật chất hay tinh thần nói trên đều được soi qua lăng kính của các giá trị cốt lõi là CHÂN, THIỆN, MỸ, ÍCH để thấy giá trị đích thực của nó. Có thể hiểu nôm na:
CHÂN là chân lý, trung thực, sự thật, chân chính …– đối lập với nó là GIẢ;
THIỆN là lương thiện, từ bi, bác ái, thương người, tử tế … - đối lập với nó là ÁC;
MỸ là đẹp, tốt, cân đối, hài hòa, sinh động, hợp thời … - đối lập với nó là XẤU;
ÍCH là những suy nghĩ, việc làm hợp lý đem lại ích lợi – đối lập với nó là HẠI.
Từ đó ta có thể đối chiếu với các giá trị thật, giả lẫn lộn trong đời sống để biết phân biệt, lựa chọn, tránh ngộ nhận, hoặc a dua theo những cái sai lệch, bỏ cái đúng đắn. Có thể nêu một số ví dụ dưới đây.
- Về CHÂN: ta thấy, nếu mọi người sống trung thực, chân thành, lời nói đi đôi với việc làm, thì cuộc sống sẽ phát triển tích cực, lành mạnh, bền vững, tốt đẹp… Nhưng nay có nhiều cái giả dối lại tác oai tác quái: hàng giả lẫn với hàng thật (rượu giả, thuốc giả làm chết người…); bằng cấp giả (giáo sư, tiến sĩ, cử nhân giả làm hại nền khoa học, giáo dục…); làm giầu, nhiều người bằng con đường chân chính, nhưng cũng lắm người bằng con đường bất chính; có cả quan chức giả (tiến thân bằng “chạy chức, chạy quyền”, hoặc nói một đằng, làm một nẻo (Cụ Hồ bảo, “Việc có lợi cho dân phải hết sức làm, việc có hại cho dân phải hết sức tránh”, nhưng có kẻ cậy quyền, làm ngược lại; vân vân … Đức Phật nói về “ý nghiệp”, có nhắc đến những ý nghĩ giả dối, thủ đoạn, lật lọng, âm mưu đen tối …; hay “khẩu nghiệp”, có nhắc đến những lời nói bịa đặt, dối trá, vu khống, tâng bốc, xuyên tạc … Tóm lại, các bạn trẻ cần có bản lĩnh, tỉnh táo để phân biệt đâu là CHÂN, đâu là GIẢ mới rèn luyện được nhân cách chân chính, để lập thân, lập nghiệp được chắc chắn, vững bền.
- Về THIỆN, như Cụ Tổ họ ta, Mạc Đĩnh Chi có nói: “Tri nhân, tri diện bất tri tâm” (đại ý: nhìn người, biết qua bộ mặt bên ngoài, khó biết được được tâm tính). Nên Nguyễn Du viết “Thiện căn bởi tại lòng ta”, cái Thiện phải tự mình tu dưỡng và lương tâm mình “tự biết”, tự đánh giá, tự điều chỉnh. Con người rất giỏi che giấu động cơ thật (“ý nghiệp”) nên người đời khó biết. Động cơ là cái vì nó mà người ta hành động. Vậy thì để hiểu được người đó “Thiện” hay “Ác” phải xét xem người đó làm “vì cái gì”? Nói chung, vì lợi mình, hại người là “ác”. Nếu vì lợi ích của nhiều người, của cộng đồng, của xã hội, của quốc gia, dân tộc, nhân loại, thì đó là “Thiện”; ngược lại, chỉ cốt lợi cho cá nhân, gia đình, phe nhóm mình mà hại đến số đông người khác, thì đó là bất chính, là “ÁC”. Ngay làm từ thiện, làm phúc mà Đức Phật cũng nêu ra mười mấy động cơ “giả”, chỉ có một động cơ đích thực là “Thật”. Làm phúc vì ban ơn, vì cầu tài, cầu lộc, cầu phúc, vì khoe của, sĩ diện với thiên hạ, vì làm vừa lòng ai đó, vì gây uy quyền … đều là “giả”, chỉ có một động cơ: làm phúc vì thương người như thể thương thân, vì lòng tư bi hỉ xả mới là “Chân Thiện”. CHÂN và THIỆN gắn liền với nhau.
- Về MỸ, tức là cái đẹp, từ áo quần, xe hơi, ngôi nhà, ngôi đền, thành quách, cảnh quan, tác phẩm nghệ thuật cho đến ý nghĩ, tình cảm, lời nói, việc làm, hành vi ứng xử… đều có thể “ĐẸP” hay “XẤU”. Đánh giá cái đẹp rất khó, vì có tính lịch sử, ví dụ, người xưa coi tóc dài, răng đen là đẹp, là giá trị văn hóa dân tộc cần được bảo vệ, nên trong lời hịch của vua Quang Trung kêu gọi quân sĩ tiến ra giải phóng Thăng Long, tiêu diệt quân Thanh xâm lược, có viết “…Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng”… Cái thành nhà Mạc ở Tuyên Quang cổ kính rất đẹp, vì đó là đi sản văn hóa lịch sử, nhưng “trùng tu” thành “cái lò gạch” hiện đại thì không thể chấp nhận được! Ở quê tôi có chuyện buồn cười, nhiều gia đình trẻ, muốn “sang”, nên nhìn trên bàn thờ thấy các cụ ngày xưa nông dân, áo vải nâu sồng, “không đành lòng” liền cho các cụ rực rỡ com- lê cà vạt, áo dài kiểu quý tộc tân thời cho oách! Có người dựng tượng ông bố bần nông thành ông Tây chủ đồn điền: hình dáng oai phong, trong com- lê, ngoài khoác pan –tô, mũ phớt, tay chống ba –toong, chân giầy Tây! (Tiếc không chụp tấm hình để các bạn chiêm ngưỡng!). Như thế là “đẹp lấy được” bất chấp văn hóa, lịch sử! Từng vùng văn hóa, từng dân tộc, từng cá nhân có những quan niệm đẹp khác nhau, nhưng nhân loại cũng có những chuẩn mực chung. Các bạn trẻ phải chịu khó học, quan sát, suy ngẫm mới phân biệt được đâu là cái đẹp có văn hóa, đâu là cái “đẹp” kém văn hóa và đâu là cái “đẹp” vô văn hóa.
Khi ra nước ngoài ta càng có ý thức đem những cái đẹp của văn hóa dân tộc giới thiệu với thế giới và loại bỏ dần những cái “xấu xí” của mình đi; đồng thời tiếp thu những cái đẹp của nhân loại làm cho mình đẹp hơn lên.
-Về ÍCH. Chân, Chiện, Mỹ thì xưa nay ở ta nói nhiều, nhưng “Ích” thì ít bàn đến. Giá trị này được nhà giáo dục Tsunesaburo Makiguchi (1871 – 1994) truyền bá sâu rộng trong xã hội Nhật Bản, trở thành một trong những giá trị cốt lõi của người Nhật. Học gì, làm gì người Nhật cũng nhằm đem lại ích lợi cho bản thân, cho gia đình, cho tổ chức, cho xã hội; làm sao để hợp lý hơn, tiết kiệm hơn, tiện ích hơn, hiệu quả hơn…, nên họ rất thành công. Người Việt nghèo mà lãng phí lắm, lãng phí rất nhiều nguồn lực, nhất là thời gian. Ngày xưa dân ta đã “Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai cờ bạc, tháng Ba rượu chè”… và coi chữ “NHÀN” như một giá trị đáng mong muốn, làm gì cũng hỏi “có nhàn không”! Trả lời câu hỏi của một bạn trẻ, nhà Toán học Ngô Bảo Châu nói: “Muốn trở thành người có ích, hãy bớt làm những việc vô ích” (2011).Chúng ta có thể bớt được bao nhiêu chuyện vô ích: Những bữa nhậu lai rai tối ngày, thâu đêm; những cuộc họp dài dòng, triền miên; những khóa học qua loa, thi gian dối, cốt lấy bằng cấp, coi trọng danh hão; những “bệnh thành tích” tràn lan, bày vẽ ra báo cáo thành tích giả dối, khen thưởng tùm lum; những hoạt động phong trào hình thức (500 thanh niên xúm vào sửa đoạn đường 1.000 m); những tiêu xài lãng phí; những việc làm gian dối, vô trách nhiệm khiến các công trình mới làm đã hỏng, hoặc xây xong bỏ hoang; tài nguyên bị đào bới phung phí… Khiến cho tiêu phí biết bao nguồn lực mà có khi lợi ít, hại nhiều! Hoặc chỉ vì cái lợi trước mắt, rồi khổ cháu chắt mai sau phải còng lưng trả nợ!
Cụ Hồ rất coi trọng giá trị ÍCH và luôn kêu gọi “cần, kiệm, liêm, chính”, “ích nước, lợi nhà ”. Các bạn trẻ muốn trở thành chính mình, phát triển vững vàng thì mọi suy nghĩ, hành động, kết quả công việc đều cần đánh giá qua lăng kính của các giá trị CHÂN, THIỆN, MỸ, ÍCH, từ đó mới thực sự hiểu đâu là thật - giả, thiện – ác, đẹp – xấu, lợi – hại. Làm được như vậy, các bạn trẻ đã trưởng thành, “con hơn cha, nhà có phúc”!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét