CHỜ EM NƠI NÀY
- Mẹ ơi, mẹ ngủ rồi hả mẹ?
- Chưa, mẹ chưa ngủ. Sao Nam không ngủ đi.
- Mẹ ơi, từ lúc đi dịch về đến giờ, em hình như đã tìm ra được con đường đi cho tương lai của mình sau này rồi mẹ ạ.
- Ôi thật á. Em nói cho mẹ nghe được không?
- Mẹ ơi, em nghĩ là em sẽ tìm hiểu về tâm lí học và về giáo dục đặc biệt mẹ ạ. Em cũng sẽ nghiên cứu về thần kinh, não bộ nữa.
Mẹ ơi, mẹ có biết vì sao mà lần này em dịch cả bốn buổi cùng một chủ đề mà không thấy chán không mẹ, là vì em đọc được tâm huyết của cô giáo dạy. Cô thực sự muốn lắng nghe, muốn học hỏi từ mọi người. Mẹ ơi, cô có ba đứa con nuôi, cả ba đều gặp vấn đề về hành vi. Nhưng cô nói về những đứa con của cô bằng yêu thương thực sự, bằng niềm tự hào. Em yêu mến trái tim nhân hậu của cô nên em muốn ở bên cạnh cô để học hỏi.
Và nữa có một bí mật mà đến nay em mới phát hiện ra.
Đó là khi nghe cô nói về chứng: Rối loạn xử lý cảm giác, em thấy chính mình cũng bị hội chứng này đấy mẹ ạ.
Có tới 10-15% dân Mỹ mắc chứng này.
Khi gặp phải hội chứng này, mọi người sẽ hay có những hành động như: cắn nút áo, làm lặp đi lặp lại một việc gì đó không chủ đích và hay... nói leo.
Vì thực ra, có quá nhiều suy nghĩ trong đầu khiến họ muốn bật ra ngay.
Nên những học sinh mắc hội chứng này, các em thường rất nhanh chóng giơ tay phát biểu khi có câu hỏi, muốn được cô giáo gọi đến và khi không được gọi, các em sẽ buồn chán thậm chí thất vọng.
Nhưng điều tuyệt vời là gì mẹ biết không. Với cô, cô khuyến khích các bạn này ghi những điều mình định phát biểu ra giấy. Cuối buổi học, cô sẽ treo tờ giấy đó lên. Cô sẽ nhận xét chi tiết về những điều bạn ấy ghi được. Và tất nhiên, cô tỏ thái độ vô cùng hạnh phúc vì bạn ấy đã thực hiện tuyệt vời.
Điều đó khiến các bạn hài lòng, yêu lớp học, yêu cô giáo.
Nghe cô nói thế em mới thấy: Ồ, hóa ra giáo dục đặc biệt là như thế. Nó giúp cho mỗi người tìm được tiếng nói của chính mình.
Em cũng biết rằng, có những đứa trẻ với những hành vi không tốt có thể do thói quen, do tính cách, do môi trường nhưng cũng có khi hoàn toàn do sự xử lý của não bộ. Trong trường hợp đó, đứa trẻ “vô can”.
Và giáo viên cần biết về điều đó để có những can thiệp phù hợp.
Nên đó chính là điều em muốn tìm hiểu, về cơ chế của não bộ và giáo dục đặc biệt mẹ ạ.
- Để sẽ giúp các em biến điểm yếu thành điểm mạnh phải không Nam?
- Vâng mẹ.
Sau tiếng “vâng” nhè nhẹ, đã thấy em thở đều và đi vào giấc ngủ.
Mẹ ôm Nam chặt hơn, nước mắt chầm chậm lăn...
Nam ơi, bất kể là Nam làm gì, mẹ cũng sẽ ủng hộ. Miễn là Nam biết yêu con người, yêu chính bản thân mình.
Đã sang tháng 8 rồi, chỉ còn có hơn hai chục ngày nữa, Nam lại lên đường với chuyến đi dài như là nỗi nhớ.
Nhưng mẹ biết, Nam sẽ thương về bậc thềm nhà có trăng khuya và hoa dạ lan.
Nam sẽ nhớ về những nụ cười và cả những giọt nước mắt trong ngôi nhà này.
Nam sẽ nhớ và sẽ tha thứ...
Cho những khi mẹ chưa kịp hiểu Nam. Trách Nam hay cắn nút áo, hay bấm liên tục nút home điện thoại, hay gặm bút bi mỗi lần cần sự tập trung cao.
Mẹ làm về giáo dục mà còn như thế nên cần lắm những kiến thức cho tất cả các bà mẹ, cho tất cả các giáo viên để có thể hiểu về mỗi đứa trẻ.
Đêm xuống và ngày lên...
Mẹ ở nơi này chờ Nam...
Phan Hồ Điệp
Cảm ơn những thông tin bổ ích của bạn, rất mong bạn tiếp tục chia sẻ thông tin đến bạn đọc
Trả lờiXóaTrân trọng. viec lam dong nai