Thứ Tư, 2 tháng 3, 2016

Khủng hoảng của dân chủ

Một quảng cáo của thương hiệu Ikea nói rằng : "Năm 1968, người ta muốn làm lại thế giới, năm 1988, người ta chỉ còn muốn làm lại cái bếp nhà mình". Người ta đã bước vào kỷ nguyên của cá nhân chủ nghĩa cuồng nhiệt, đoạn tuyệt với những lý tưởng tập thể.
Năm 1979, tại Hoa Kỳ, Christopher Lasch xuất bản "Văn Hóa Tự Luyến" (Culture du Narcissisme), phân tích sự xa lìa ý tưởng tập thể, tập trung vào lạc thú của riêng mình, vào sự phát triển cá nhân, hoàn toàn ám ảnh bởi "cái tôi", với tất cả tính phù phiếm tự thân của nó. Năm 1983, Gilles Lipovetsky phê phán óc tôn thờ cá nhân, đề cao sự quyến rũ, trong tác phẩm "Kỷ Nguyên Hư Vô" (Ere du Vide), như một trả lời từ bên này Đại Tây Dương.
Philippe Murray gọi con người như thế là "Homo Festivus" (con người lễ hội, vui chơi), hệ thống hóa sự náo nhiệt, vui đùa, cố tìm những gặp gỡ, cố chia sẻ cảm súc, trong một xã hội mà người ta chỉ còn thấy những va chạm giữa các tâm hồn cô đơn.
Trong điều kiện ấy, làm sao người dân có thể kết hợp được trong một quốc gia, như lời Ernest Renan :"Không thể từ hư không mà tạo nên được một ước vọng sống chung, và dân chủ sẽ không vươn lên nổi, nếu không xây dựng được một nền tảng chung theo chiều hướng ấy".
Một nền tảng cho ước vọng sống chung, trong điều kiện cá nhân chủ nghĩa cuồng nhiệt ? Vấn đề càng gay go gấp bội phần, khi những lực lượng cực đoan, bằng khủng bố, gây chia rẽ, kỳ thị ... không ngừng đánh phá một xã hội đã sẵn bệnh hoạn ...
Camus, trong diễn văn nhận giải Nobel, chủ trương lùi về một tư thế khiêm nhượng, khi nói : "Có lẽ mỗi thế hệ đều có lúc cảm thấy mình mang sứ mạng làm lại thế giới. Thế hệ của tôi đã nhận ra là mình sẽ không thể làm được điều này. Tuy nhiên, không chừng sứ mạng của thế hệ ấy còn lớn hơn. Đó là tìm cách ngăn chặn sự tan rã của thế giới."
NHV tóm tắt bài giới thiệu sách "Malaise dans la Démocratie" của Jean-Pierre Le Goff - A.M. Stamberger - QdM - 2/3/2016
Nguyen Hoai Van

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét