Triết học phương Tây từ giữa thế kỷ XIX đến nay đã cho ra đời nhiều tư trào, nhiều khuynh hướng khác nhau, tạo nên một bức tranh lịch sử triết học đa dạng và phong phú. Một trong những trào lưu triết học có ảnh hưởng mạnh mẽ tới đời sống Văn hoá - Xã hội phương Tây và nhiều quốc gia khác trên thế giới (trong đó có Việt Nam) là triết học hiện sinh. Người ta thường phê phán chủ nghĩa hiện sinh là thứ triết học "mời gọi con người cứ ở lì trong lo âu, vô vọng, vì mọi lối thoát trên đời đều đã bế tắc" và coi nó chỉ là một thứ triết học "vu chiêm nghiệm", vô bổ. Có người coi thuyết hiện sinh là cái chỉ dẫn tới một thứ triết học mang tính tư sản. Những người Công giáo thì chỉ trích triết học hiện sinh đã "bỏ quên mất nụ cười trẻ thơ”... Nhưng, theo Gi.P.Xáctơrơ (Jean - Paul Sartre - 1905 - 1980), chủ nghĩa hiện sinh là một chủ nghĩa nhân đạo. Trong quan niệm của ông, chủ nghĩa nhân đạo này không phải là lý thuyết đề cao "lòng thương người, mà là một học thuyết về con người - một triết học về sự tồn tại của thực thể người trong thế giới. Mục tiêu của nó là mang lại tự do cho con người và vì thế, ông đã dồn công sức để nghiên cứu về con người.
Năm 1946, Gi.P.Xáctơrơ đã tiến hành một cuộc tranh luận về chủ đề triết học hiện sinh trước một cử tọa đông đảo và sau đó, ông biên tập những phát biểu của mình thành tác phẩm Lexistentialisme est un humanisme (tác phẩm này được Thụ Nhân dịch ra tiếng Việt với tên gọi Hiện sinh một nhân bản thuyết). Tác phẩm này không đề cập tới toàn bộ nội dung của chủ nghĩa hiện sinh như cuốn Hữu thể và hư không (Being and Nothingness), mà chỉ tập trung làm rõ mặt nhân đạo, quan niệm về con người của lý thuyết đó. Sau đây là những phạm trù triết học được Gi.P.Xáctơrơ đề cập trong tác phẩm này.
Hữu thể (être) và bản chất (Essence) của con người
Cũng như các dòng triết học truyền thống, triết học hiện sinh chủ yếu bàn về vấn đề "con người". Tuy nhiên, nó không lấy "con người" như một bản thể phổ quát làm đối tượng nghiên cứu, mà chỉ quan tâm tới "con người" tồn tại như một "nhân vị”. Nhân vị của con người với tư cách sự hiện sinh (existence) mang một bộ mặt riêng biệt, đặc thù, xa lạ với mọi tính cách phổ quát. Hiện sinh là một tư chất, một đặc ân dành riêng cho con người - "Hữu thể - người”, bởi chỉ có con người mới có khả năng tự do lựa chọn cách thức, thái độ sống và có ý thức để thành hiện sinh. Con người hiện sinh lấy sự hiện sinh ở mỗi nhân
vị là tính thứ nhất, là cái có trước bản chất. Do vậy, khẩu hiệu trung tâm của các nhà triết học hiện sinh là: "Hiện hữu có trước bản chất”.
Theo Gi.P.Xáctơrơ, "Hiện hữu có trước bản chất” có nghĩa là con người trước hết phải hiện hữu đã, sau đó mới "định nghĩa" mình được, tức là xác định được bản chất của mình. Hiện sinh chỉ tồn tại ở con người, chỉ có con người mới tìm được bản chất của mình thông qua sự hiện hữu (mỗi người hiện sinh được gọi là "hiện sinh thể"). Chính vì vậy, ngay từ đầu, con người, theo quan niệm của ông, là không thể định nghĩa được, bởi ngay từ lúc ban đầu con người không là gì cả, sau đó con người mới sẽ là (thế nọ, thế kia...) và sẽ là cái mình tự tạo nên. Và cũng không thể có một bản tính nhân loại, vì rằng không có một Đấng Thượng đế nào cả để quan niệm bản tính đó. Con người không những chỉ hiện hữu giống như cái mình tự quan niệm ra nhưng còn giống như cái mà con người tự muốn vậy. Vì con người chỉ sau khi mình hiện hữu rồi mới tự quan niệm về mình được, do đó con người chỉ là cái mình tự tạo nên. Đó là nguyên tắc thứ nhất của thuyết hiện sinh.
Gi.P.Xáctơrơ cho rằng, đối với đồ vật thì "bản chất có trước hiện hữu”, bởi trước khi hiện hữu, sự vật đã mang một bản chất xác định. Để lý giải điều này, ông đã đưa ra dẫn chứng về sự hiện hữu của con dao rọc giấy. Ông cho rằng, trước khi con dao được chế tạo ra bởi một người thợ thủ công thì nó đã mang một bản chất xác định. Hình ảnh và công dụng của con dao đã tồn tại như một "ý niệm" trong óc của người thợ thủ công. Về điểm này, chúng ta thấy, ông đã đồng nhất bản chất của sự vật với sự tồn tại của nó.
Là một nhà hiện sinh vô thần, Gi.P.Xáctơrơ đã kịch liệt phê phán quan niệm duy tâm, tôn giáo về sự tồn tại thực của Thượng đế. Theo ông, nếu Thượng đế thực sự hiện hữu thì Ngài có thể tạo ra con người theo ý muốn đã định và như vậy con người tồn tại chẳng khác các sự vật con người cũng phải chịu sự quy định, ràng buộc bởi cái bản chất - cái chung. Không chỉ thế, Gi.P.Xáctơrơ còn bác bỏ quan niệm duy vật thế kỷ XVIII, bởi theo ông, các nhà duy vật thời kỳ này đã thừa nhận con người có bản chất phổ quát.
Đối lập lại những quan điểm này, Gi.P.Xáctơrơ cho rằng, nếu Chúa không hiện hữu thì ít ra, phải có một hữu thể mà sự hiện hữu của nó có trước bản chất và hữu thể đó chính là con người - hữu thể hiện hữu trước khi có thể bị bất cứ quan niệm nào định nghĩa. Rằng, "con người" phải là do chính con người tạo nên và không chịu sự quy định của bất cứ cái gì.
Điều đó cho thấy, mục đích của Gi.P.Xáctơrơ cũng như của các nhà triết học hiện sinh là muốn chối bỏ mọi thứ ràng buộc con người. Trong quan niệm của họ, con người chẳng lệ thuộc vào bất cứ cái gì, ngoài sự đối diện với chính bản thân mình và thông qua sự hiện hữu của mình, con người tự làm nên bản chất của mình với tư cách một cái rất cụ thể.
Kế thừa hiện tượng học của Huxéc, Gi.P.Xáctơrơ cho rằng, con người không chỉ hiện hữu cho bản thân mình, mà còn làm cho các sự vật hiện hữu bằng cách tuỳ thuộc vào "hiện sinh thể", mỗi người ban phát cho sự vật một ý nghĩa nào đó. Và, như vậy, theo ông, con người muốn thực sự hiện hữu thì phải mang đến cho mình và cho sự vật một ý nghĩa nhất định, nghĩa là phải ý thức về mình và ý thức về sự vật.
Vấn đề hữu thể và sự hiện hữu mà Gi.P.Xáctơrơ đề cập trong tác phẩm này là "hữu thể người" và sự "hiện hữu” của con người. Với ông, con người là một nhân vị, một chủ thể tự do, con người tự tạo nên mình, tự "định nghĩa" về mình và theo nghĩa đó, ở con người, sự hiện hữu luôn "có trước bản chất". Với quan niệm này, theo ông, sự hiện hữu là tính thứ nhất, bản chất là tính thứ hai mà trên một bình diện nào đó, hiện hữu thông nhất với bản chất, sự .hiện hữu và bản chất của con người là một, bản chất con người luôn biểu hiện trong tính cụ thể.
Sự lo âu của con người.
Gi.P.Xáctơrơ cho rằng, trong cuộc sống, con người luôn phải chịu trách nhiệm về cái mình "hiện là" và con người có quyền lựa chọn điều mình muốn. Tuy nhiên, sự lựa chọn của cá nhân không thể không liên quan đến mọi người và chính điều này đã tạo nên sự lo âu ở con người. Sự lo âu này ở mỗi con người đều xuất phát từ trách nhiệm của họ đối với chính bản thân họ và từ trách nhiệm của họ đối với toàn thể xã hội. Do vậy, theo ông, lo âu là bản chất của sự hiện sinh và "con người là sự lo âu”.
Sự lo âu mà Gi.P.Xáctơrơ đề cập ở đây chính là một tâm trạng cá nhân khi người đó phải đối mặt với các tình huống buộc phải lựa chọn. Đó là sự lo âu có tính triết học, bởi lẽ, thứ lo âu này không dẫn con người ta đến chỗ "bất động”, "vô vi" mà ngược lại, nó thúc đẩy con người phải có trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm về những điều mình lựa chọn. Tâm trạng lo âu này tồn tại ở tất cả hiện sinh thể, và nếu một ai đó lẩn tránh sự lo âu thì người ấy là kẻ "nguy tín", tự lừa dối bản thân mình.
Con người lo âu vì không có bất cứ một "điểm tựa" nào cả, vì luôn bị bỏ rơi, đơn độc để rồi phải tự đưa ra quyết định của chính mình.
Lo âu là có thật, lo âu đeo đẳng con người suốt cả cuộc đời. Để khắc phục sự lo âu ấy, theo Gi.P.Xáctơrơ, con người không có cách nào khác ngoài sự lựa chọn và bắt buộc phải lựa chọn, phải dấn thân vào hành động. Song, lo âu này chồng chất lo âu khác, chẳng bao giờ con người hết lo âu, nên rất cục, lo âu đã trở thành động lực thúc đẩy con người hành động. Lo âu như vậy luôn đi liền với trách nhiệm, gắn với trách nhiệm.
Con người và dự phóng
Theo Gi.P.Xáctơrơ, con người muốn thực sự hiện hữu thì phải thông qua các "dự phóng". "Dự phóng" là điều kiện, là tiền đề và là quá trình tạo nên bản chất con người. Và, "con người trước hết là một dự phóng sống hoàn toàn theo chủ quan, sống cho mình". Với ông, "dự phóng' là hoạt động dựa trên ý thức chủ quan của con người, chỉ có con người mới có thể thực hiện các "dự phóng”. Bởi lẽ, con người khác các sự vật ở chỗ có ý thức, mà bản tính của ý thức là "dự phóng”. Về điều này, ông đã kế thừa quan điểm hiện tượng học của Huxéc về tính ý hướng của ý thức và thông qua khái niệm dự phóng, ông muốn nhấn mạnh những hoạt động không ngừng nghỉ của con người, khi họ phải lựa chọn và có trách nhiệm thực hiện những chọn lựa ấy, kể cả khi họ không chọn lựa một giải pháp cụ thể nào cả, vì như thế cũng có nghĩa là họ đã thực hiện một sự lựa chọn cho riêng mình.
Cũng như các nhà triết học hiện sinh khác, Gi.P.Xáctơrơ cho rằng, hiện sinh không là "là" (est) và cũng không phải là "sống" (vivre), mà là sống với cuộc sống của mình, nghĩa là ới từ cái "là" đến cái mình "sẽ là", phải sống với cuộc sống đích thực của mình. Điều đó chứng tỏ rằng, mỗi hiện sinh thể không bao giờ được ở nguyên một chỗ, mà phải vươn tới cái mình "sẽ là", tức là luôn hướng tới cái mà mình "hiện chưa là".
Khái niệm dự phóng mà Gi.P.Xáctơrơ nêu ra đã mở đường cho sự tìm tòi, sáng tạo của con người. Con người không được dừng lại ở bất cứ thời điểm nào, mà phải tự chọn cho mình lối đi riêng, những luật lệ riêng, và con người không thể trở thành một hiện sinh trung thực, nếu không tự mình khám phá ra điều đó. Tuy nhiên, sự tự do lựa chọn những dự phóng ấy không có nghĩa là con người có quyền làm bất cứ cái gì, mà chỉ được phép làm những gì thục sự có lợi cho mình và cho người khác.
Con người không là gì khác ngoài đời sống của mình, đời sống được tạo thành bởi trăm ngàn "dự phóng", bởi những sợi dây liên kết để tạo nên bản chết đầy tính hiện sinh của chủ thể. Do vậy, "dự phóng", theo Gi.P.Xáctơrơ, là "dự phóng" của cá nhân, của cái tôi chủ thể với tư cách cái không ngừng hiện hữu, không ngừng siêu việt. Rằng, "dự phóng" không phải là ý thức chủ quan thuần tuý, mà là hoạt động dựa trên sự chỉ đạo của ý thức chủ quan đó. Và, mặc dù, đã nhiều lần nhắc tới hoàn cảnh của những dự phóng cá nhân, tới mối liên hệ giữa người với người và tới một "thân phận con người", song cái "dự phóng" mà ông nêu ra lại mang tính chủ quan. Tuy nhiên, tính chủ quan này không loại bỏ những giá trị đích thực của chủ nghĩa hiện sinh, bởi nhờ có yếu tố chủ quan này mà mỗi người thực hiện được những dự phóng độc đáo cho riêng mình, tức là tìm được "nhân vị".
Sự tự do của con người
Con người, theo Gi.P.Xáctơrơ, có quyền lựa chọn bất cứ cái gì và hành động theo những gì mình đã chọn, nghĩa là được tự do ("bị kết án" là tự do). Tiền đề cho sự tự do chính là ở chỗ con người không chịu ràng buộc bởi bất cứ cái gì, kể cả Chúa. Con người chỉ đối diện với con người và được quyền tự lựa chọn theo cách riêng của mình. Tự do của con người là thứ tự do không theo bất cứ một khuôn mẫu sẵn có nào cả. Con người được sinh ra trên đời để tự do sáng tạo, tự tô vẽ cho "bộ mặt" độc đáo của mình và do vậy, nó phải chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Cái chỉ đạo, dẫn dắt sự lựa chọn của cá nhân chính là yếu tố bản năng trong con người. Bản năng ấy thúc đẩy và dẫn dắt con người hành động. Và, cũng chỉ có hành động dựa vào bản năng, không dựa vào bất cứ sự duy lý nào mới tạo nên sự tự do tuyệt đối cho con người.
Tự do mà Gi.P.Xáctơrơ đã trình bày là thứ tự do của cá nhân, mặc dù trong xã hội, con người không thể tồn tại một cách biệt lập, mà tồn tại trong một hoàn cảnh lịch sử ' cụ thể, trong sự "liên hệ với", "chung sống với" tha nhân và do vậy, tự do của cá nhân phải được đặt trong mối liên hệ với tự do của người khác (tự do của tha nhân), tự do của tôi gắn liền với tự do của tha nhân, tôi muốn mình tụ do thì phải tôn trọng tự do của kẻ khác, tự do của tôi "chung sống” với tự do của tha nhân.
Con người và tha nhân
Nếu Huxéc gọi sự liên hệ giữa các cá nhân với nhau là tính liên chủ thể, nghĩa là mỗi ý thức đều có ý hướng, nó không còn hiện hữu như một cá nhân đơn lẻ mà là hiện hữu với, sống với kẻ khác trong một cộng đồng những nhân vị chứ không phải trong thế giới đồ vật, thì Giaxpe nói tới sự liên thông của cá nhân với tha nhân như khát vọng cuối cùng của con người, bởi con người không đơn thương độc mã tiến tới hiện sinh được, nó chỉ sống với tha nhân, một mình nó chả là cái gì cả, còn với Gi.P.Xáctơrơ thì tha nhân là những kẻ cướp mất tự do của tôi, "tội tổ tông của tôi là sự hiện hữu của tha nhân", "tội tổ tông của tôi là xuất hiện trong thế giới có tha nhân". Và, trong Hiện sinh một nhân bản thuyết, Gi.P.Xáctơrơ cho rằng, trong sụ hiện hữu của mình, con người khám phá ra sự tồn tại của tha nhân và tha nhân là điều kiện cho sự hiện hữu của mình: "Chúng ta tự mình đạt được mình khi đối diện với tha nhân và đối với chúng ta thì tha nhân chắc chắn là có đó, cũng như chúng ta chắc chắn rằng chúng ta có vậy. Như thế con người trực tiếp đạt được mình bằng "cái tôi tư duy” và đồng thời khám phá ra hết mọi người khác, đàng khác, con người lại khám phá ra rằng tha nhân là điều kiện cho sự hiện hữu của mình". Rằng, giữa tôi và tha nhân có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhau và mặc dù, tha nhân là kẻ cướp mất tự do của tôi, nhưng tha nhân là có, nó cùng tồn tại song hành với sự tổn tại của tôi và tôi phải chấp nhận nó, sự tự do của tôi chỉ có thể đạt được nếu tôi cũng tôn trọng tự do của tha nhân.
Như vậy, có thể nói, dẫu chủ nghĩa hiện sinh có nhiều điểm còn xa lạ với thế giới quan mácxít của chúng ta, song qua tác phẩm này của Gi.P.Xáctơrơ, chúng ta thấy, chủ nghĩa hiện sinh cũng đã để lại cho lịch sử tư tưởng nhân loại những giá trị nhất định. Nếu như các dòng triết học truyền thống chỉ quan tâm tới con người như một bản thể phổ quát thì chủ nghĩa hiện sinh nói chung, triết học hiện sinh của Gi.P.Xáctơrơ nói riêng đã khai thác con người ở chiều sâu của ý thức - trực giác, tâm linh, đã xem xét con người với cuộc sống riêng biệt và độc đáo của nó và thừa nhận con người có thẩm quyền bất khả xâm phạm là "sự tự do". Với Gi.P.Xáctơrơ, con người được quyền tự do lựa chọn những hành động của mình và quan trọng hơn, đó phải là những hành động mang tính sáng tạo và độc đáo. Bởi lẽ, con người không đứng nguyên một chỗ, không được tuân theo những công thức có sẵn để rồi đánh mất bản thân mình. Bản chất của con người thể hiện ở cái độc đáo do chính nó tạo ra, hoạt động của con người phải hướng tới việc tạo ra những cái mới, cái chưa có. Điều này đã thực sự góp phần thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo trong hoạt động khoa học và hoạt động thực tiễn của con người. Và, Gi.P.Xáctơrơ đã hoàn toàn có lý khi đặt sự tự do của con người lên một vị thế xứng đáng. Không một ai muốn phủ nhận những giá trị nhân đạo, nhân bản đó trong chủ nghĩa hiện sinh, nhưng người ta đòi hỏi ở nó, như Lucien Séve - đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, đã khẳng định, một sức mạnh "giải phóng cho người lao động” - sức mạnh được coi là "hằng số” cho mọi chủ nghĩa nhân đạo, mọi lý thuyết xã hội.
https://
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét