TRẬN THỦY CHIẾN ĐẠI VIỆT - HÀ LAN NĂM 1643
Kể từ sau chuyến đi của Marco Polo sang Trung Hoa vào thế kỷ 13, vùng đất Á Đông xa lạ trở thành mục tiêu chú ý của hai hạng người: giáo sĩ Thiên Chúa giáo và thương nhân. Với sự ủng hộ của những phe phái nhiều tham vọng ở chính quốc, họ chiếm cứ dần những địa bàn then chốt. Người Bồ Đào Nha xâm nhập Macao (Trung Hoa) năm 1563; người Tây Ban Nha chiếm lĩnh Philippines năm 1568; người Hà Lan chiếm Java năm 1596… Từ những địa bàn này, họ tiếp tục bung ra và đặt chân đến đất nước ta vào đầu thế kỷ 17. Người Bồ Đào Nha đến trước tiên. Năm 1614, một người Bồ tên Jean de la Croix giúp chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lập một lò đúc súng ở Thuận Hóa. Người Hà Lan cũng không muốn chậm chân. Năm 1637, họ được chúa Nguyễn ở Đàng Trong cho mở hiệu buôn ở Faifo (Hội An). Tại Đàng Ngoài, người Hà Lan cũng được chúa Trịnh cho mở hiệu buôn ở Phố Hiến (Hưng Yên). Năm 1672, người Anh mở thương điếm tại Đàng Ngoài, nhưng đến năm 1697 thì giải thể và rút về nước.
Người dân thời kỳ này truyền tụng câu “thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến” cho thấy tính chất quan trọng của hai địa phương tại Đàng Ngoài thời Trịnh-Nguyễn phân tranh. Còn về Hội An tại Đàng Trong, nhà sư Thích Đại Sán của Trung Quốc sang thăm Đại Việt vào cuối thế kỷ 17, đã mô tả như sau:”Hội An là một mã đầu lớn, nơi tập họp của khách hàng các nước; thẳng bờ sông, một con đường dài ba bốn dặm gọi là Đại Đường Cái, hai bên đường, hàng phố mọc liền nhau…” (Hải ngoại kỷ sự - Viện Đại học Huế - 1963). Tập quán cạnh tranh trên thương trường khiến các thương nhân Bồ Đào Nha và Hà Lan tìm mọi cách triệt hạ nhau. Cả hai nhóm đều muốn mượn bàn tay chính quyền bản địa để thực hiện mưu đồ của mình. Người Bồ đến Đàng Trong trước và đông hơn nên tìm cách gây ảnh hưởng với các chúa Nguyễn, thậm chí còn nhờ đại diện chính quyền Bồ Đào Nha tại Macao cử phái bộ đến yết kiến chúa, đưa ra những đề nghị bất lợi cho thương nhân Hà Lan. Còn thương nhân Hà Lan thì ra sức mở mang việc buôn bán tại Đàng Ngoài, hứa hẹn giúp đỡ các chúa Trịnh tàu bè và quân khí. Về sức mạnh quân sự của Đàng Trong và Đàng Ngoài, một số giáo sĩ phương Tây đưa ra nhận định là không có một quốc gia nào ở Viễn Đông, kể cả Trung Quốc, có lực lượng quân sự trên bộ và trên biển có thể so sánh với quân đội Đại Việt. Nhận định trên xem ra có phần quá đáng, nhất là khi so sánh với Trung Quốc, song điều này giải thích vì sao quân đội Đàng Trong có thể một mặt đối phó với hai thế lực đối nghịch ở phía Nam là người Chiêm Thành và người Chân Lạp, mặt khác có thể chống lại đội quân hùng mạnh của Đàng Ngoài.
Nửa đầu thế kỷ 17, hai họ Trịnh-Nguyễn đua nhau tăng cường lực lượng thủy quân, lợi dụng địa thế các bờ biển chạy dài từ Bắc vào Nam. Tại cửa sông Cả, họ Trịnh bố trí thường trực 68 chiến thuyền, còn chúa Nguyễn thì cắt đặt mấy trăm tàu chiến có mặt ở cửa sông Nhật Lệ, sẵn sàng nghênh địch. Cả hai chúa Trịnh -Nguyễn, sau những lần đụng độ tốn nhiều công sức, cũng muốn nhờ sự hỗ trợ của người Hà Lan và người Bồ Đào Nha để tăng thu thuế và mua thêm nhiều vũ khí, quân dụng. Có lần trong một cuộc chạm trán giữa hai bên, quân Nguyễn cho một số binh lính giả làm người Bồ Đào Nha thấp thoáng trong hàng quân, quân Trịnh tưởng đối phương được người phương Tây hỗ trợ nên vội vã rút lui. Còn chúa Trịnh thì tin tưởng vào những hứa hẹn suông của người Hà Lan, có lần gửi cả quốc thư cho Toàn quyền Hà Lan tại Nam Dương (thuộc địa của Hà Lan), đề nghị giúp sức đánh chúa Nguyễn.
Vào thập niên 1630-1640, những thông tin mà chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan nhận được về mối quan hệ khăng khít giữa thương nhân Hà Lan với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài được thương nhân Bồ Đào Nha tô đậm thêm.Và điều này đã mang lại kết quả họ mong muốn. Năm 1641, chúa Nguyễn Phúc Lan hạ lệnh bắt giam tất cả thủy thủ trên hai chiếc tàu buôn Hà Lan bị nạn ngoài khơi Đại Việt. Cũng trong năm này, một biến động khác xảy ra tại Hội An: bọn chủ cửa hiệu ở đây bị lấy cắp hàng hóa đã tra tấn đến chết một người làm công bản xứ. Tin tức loan ra, công chúng vô cùng phẫn nộ. Họ cùng binh lính của quan trấn thủ Quảng Nam bao vây cửa hiệu, bắt giữ những người Hà Lan đang có mặt tại đây và đốt cháy mọi thứ trong cửa hiệu. Sau khi báo cáo về phủ chúa và nhận được sự chấp thuận của chúa Thượng, trấn thủ Quảng Nam cho chém đầu 7 trong số những người Hà Lan bị bắt. Tình hình căng thẳng không có chiều hướng suy giảm khi Thanh Đô vương Trịnh Tráng hay biết việc này. Phủ chúa Trịnh cố khích động người Hà Lan tại Phố Hiến để họ quyết tâm hơn nữa trong việc giúp đánh chúa Nguyễn. Năm 1642, Trịnh Tráng cử một phái bộ đi theo một thuyền Hà Lan sang Nam Dương để cầu viện. Trên đường đi, viên thuyền trưởng Hà Lan ghé lại Hội An để thăm dò tình hình và xin trả tự do cho các thủy thủ Hà Lan còn bị giam giữ. Có lẽ do được mật báo có sự hiện diện của phái bộ của chúa Trịnh trên chiếc thuyền Hà Lan, chúa Nguyễn Phúc Lan cương quyết không thỏa mãn yêu cầu của phía Hà Lan. Viên thuyền trưởng thấy ở lâu không có lợi nên nhổ neo trở về Nam Dương.
Cuối năm 1642, giới thương mại Hà Lan thấy cần phải phô trương thanh thế của một cường quốc hàng hải trên thế giới. Họ cho 5 chiếc tàu chở hơn 200 thủy thủ từ Batavia thẳng tiến sang Đại Việt. Một trong những thủ lĩnh của số người này là Van Liesvelt cho tàu cập bờ biển Quảng Nam và tấn công quân đồn trú của người Việt tại đó. Quân Việt phản công một cách kiên cường, sát hại được cả Liesvelt và nhiều thuộc hạ. Sau trận đánh này, lực lượng Hà Lan không dám vào sâu trong đất liền và áp dụng một hạ sách là bắt giữ và sát hại nhiều ngư dân Việt sống dọc theo bờ biển, sau đó chở ra Đàng Ngoài hơn 100 người dân khác. Chúa Trịnh Tráng hay tin này, định mượn tàu Hà Lan tăng cường cho chuyến vào Nam tấn công quân chúa Nguyễn lần thứ ba (1643), nhưng sau những tổn thất vừa qua, phía Hà Lan lờ đi trước yêu cầu khẩn thiết của nhà chúa.
Tin tức bất lợi bay về Batavia, chính quyền Hà Lan tại đây rất tức tối. Họ cử tướng Pieter Baeck chỉ huy 3 tàu chiến lớn trang bị đầy đủ vũ khí và lương thực, nhắm hướng Đại Việt thẳng tiến. Khi tàu Hà Lan vừa vào đến cửa bể, đã đối đầu với hơn 60 thuyền chiến Việt do trấn thủ Quảng Nam là thế tử Nguyễn Phúc Tần (sau là chúa Hiền vương ) chỉ huy. Mở đầu trận đánh, ba tàu chiến Hà Lan khai hỏa tối đa hòng đè bẹp lực lượng thủy quân Việt. Thủy quân ta chấp nhận tổn thất, dũng mãnh tràn tới, áp sát tàu địch, phóng hỏa, đục tàu, chặt bánh lái và dùng đao kiếm tấn công, làm cho phía Hà Lan rối loạn hàng ngũ, thây người nằm chật cả sàn tàu. Chiếc tàu chiến trên có tướng Baeck bị gãy bánh lái, cột buồm, bị quân Việt truy đuổi ráo riết. Thế cùng lực tận, tướng Baeck chọn cách châm lửa vào thuốc súng, tự đánh đắm tàu. Hai chiếc tàu còn lại thấy thế bỏ chạy, một chiếc va vào đá ngầm, chìm nghỉm, thủy thủ trên tàu đều bị quân Việt bắt sống. Mặc dù đã chiến đấu dũng mãnh, thắng trận vẻ vang, song tổn thất của thủy quân Việt không phải là nhỏ. Chúa Nguyễn Phúc Lan giận dữ, định cho đưa các thương nhân Hà Lan đang bị giam giữ ở Quảng Nam ra Huế để chém đầu nhưng quần thần ra sức can ngăn. Cuối cùng, chúa cho cắt đầu, xẻo mũi những lính Hà Lan đã tử trận, kèm theo một bức thư, gửi ra Đàng Ngoài cho chúa Trịnh.
Trận đại thắng của thủy quân Việt, với thuyền chiến và vũ khí thô sơ hơn so với thủy quân Hà Lan, đã làm cho các thương nhân và giáo sĩ phương Tây tại Đại Việt vô cùng ngạc nhiên và khâm phục. Lúc xảy ra trận chiến, giáo sĩ Alexandre de Rhodes đang có mặt ở Đàng Trong, về sau, ông đã nhắc đến sự kiện này với lòng khâm phục về sự dũng cảm, kiên cường của cha ông ta vào giữa thế kỷ 17.
***
Chiến thắng vang dội trong trận thủy chiến Đại Việt - Hà Lan năm 1643 luôn gợi lên trong lòng mỗi chúng ta niềm tự hào về tinh thần bất khuất của cha ông mình. Nó cũng là lời cảnh tỉnh không bao giờ muộn cho những ai vì quyền lợi của bản thân, gia đình và phe nhóm, cam tâm cúi đầu trước các thế lực ngoại bang, hi sinh những lợi ích thiêng liêng của dân tộc, phản bội lại mồ hôi, xương máu mà cha ông chúng ta đã đổ ra để cho hôm nay chúng ta được sống trên mảnh đất tươi đẹp này.
Lê Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét