Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

SỞ HỮU CHÉO NGÂN HÀNG VIỆT NAM (Phần 2)

SỞ HỮU CHÉO NGÂN HÀNG VIỆT NAM (Phần 2): Hệ quả của Sở hữu chéo - Lợi bất cập hại

[Economic Corner - #WEGREEN

Wegreen xin dẫn lại một câu chuyện xảy ra cách đây hơn 1 năm, sự việc mà đã dẫn đến một trong những cơn chấn động khủng khiếp nhất trên thị trường tài chính Việt Nam nhiều năm trở lại đây. Một vị lãnh đạo Ngân hàng (NH) đã lợi dụng sự phát triển của thị trường tài chính và những kẽ hởtrong luật pháp để thực hiện thao túng nhiều nhà băng, trong đó có cả NH Á Châu ACB mà ông sáng lập và trục lợi trong một thời gian dài trước khi bị bắt. Ông ta chính là Nguyễn Đức Kiên, hay Bầu Kiên. Đây được xem là câu chuyện điển hình về sở hữu chéo và lợi ích cục bộ. Trước đó, Kiên đã thành lập một loạt các công ty đầu tư, và sử dụng các công ty này cùng vị trí lãnh đạo trong NH ACB để thực hiện một loạt các thương vụ mua bán cổ phiếu của nhiều NH, trong đó có nhiều thương vụ Kiên dùng tiền vay NH với tài sản thế chấp là cổ phiếu NH để mua thêm cổ phiếu các NH. Cứ như vậy, thế lực của bầu Kiên trong ngành NH ngày một lớn và ông ta thực hiện thêm nhiều hành vi sai trái khác gây thiệt hại lớn cho các NH và đem về cho nhóm lợi ích của Kiên những món tiền kếch xù. Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, Kiên sẽ không bị xử lý một số hành vi thao túng NH và sở hữu chéo cổ phiếu do những điều này “chưa được Pháp luật quy định”. Sau đây chúng ta hãy cùng tìm hiểu những hệ quả có thể xảy đến trong một hệ thống NH tồn tại sở hữu chéo.

1. NHỮNG HỆ QUẢ TÍCH CỰC
Không thể phủ nhận 1 điều là Sở hữu chéo đem lại nhiều hệ quả tích cực cho NH và Doanh nghiệp (DN). Đó là:
- Sở hữu của Ngân hàng nhà nước (NHNN) trong các Ngân hàng thương mại (NHTM) giúp làm tăng sự kiểm soát của các cơ quan nhà nước đối với những NHTM này, giảm thiểu tính rủi ro trong các quyết định và ngăn ngừa hoạt động tiêu cực của các nhóm lợi ích khác trong NHTM.
- Sở hữu của các Tổ chức tài chính nước ngoài trong NHTM, đặc biệt là với tư cách cổ đông chiến lược sẽ giúp mở rộng quy mô, mở rộng thị trường của Ngân hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, chuyên nghiệp hơn trong quản trị.
- Sở hữu chéo giữa NHTM với DN góp phần làm tăng hiểu biết giữa Ngân hàng với DN, đồng thời hình thành nên một cơ cấu sở hữu và quản trị ổn định trong các DN, qua đó nâng cao chất lượng của hoạt động kinh doanh thông qua sự hợp tác bổ trợ lẫn nhau.

Nhìn chung, NH có thể tạo ra giá trị gia tăng cao nếu như biết sử dụng sở hữu chéo một cách thích hợp trong chuỗi giá trị của mình. Tuy nhiên, những mặt tích cực của sở hữu chéo cũng chỉ như phần nổi của tảng băng.

2. NHỮNG HỆ LỤY TIÊU CỰC
Trong vài năm trở lại đây, dưới tác động của suy thoái kinh tế và sự yếu kém trong quản trị, hệ thống NH ngày càng bộc lộ ra nhiều trục trặc và bất cập, trong đó có nhiều vấn đề rất nghiêm trọng như sở hữu chéo, nợ xấu, nhóm lợi ích, rủi ro đạo đức,… Đặc biệt, sở hữu chéo, một trong những vấn đề khó nhận biết và kiểm soát nhất, lại chính là một phần căn nguyên của những hệ lụy tiêu cực khác. Thay vì mục tiêu nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ thì nhiều NHTM đã dùng sở hữu chéo như một công cụ để lách các quy định đảm bảo an toàn hoạt động do NHNN ban hành.
- Một là tình trạng TĂNG VỐN ẢO để vượt qua các quy định về vốn.
Trong giai đoạn từ năm 2006 đến nay, các NHTM một mặt phải chịu áp lực tăng vốn từ Nghị định 141/2006/NĐ-CP của NHNN, một mặt phải đối diện với áp lực cạnh tranh giữa các NH với nhau khi mà ngành dịch vụ tài chính phát triển mạnh. Vì thế mà thông qua sở hữu chéo, các cổ đông NH A có thể vay tiền NH B để góp vốn vào chính NH của mình và ngược lại, việc này được thực hiện theo một thỏa thuận ngầm giữa hai bên. Và kết quả là, cả 2 NH A và B đều có đủ số vốn mình cần, nhưng phần vốn tăng đó chỉ là ảo. Thực tế là nhiều NH đã thực hiện tăng vốn với một tốc độ nhanh đáng ngạc nhiên, và để rồi sau khi hoàn thành được mức khoán 3000 tỉ của NHNN thì nhiều NHTM cỡ nhỏ đã rơi vào tình trạng khó khăn do năng lực quản lí nguồn vốn hạn chế.
- Hai là hoạt động cấp TÍN DỤNG DỄ DÃI, sai quy định cho DN sân sau.
Cụm từ “DN sân sau” ở đây được hiểu là các DN có sở hữu cổ phần của Ngân hàng, hoặc người chủ DN đó cũng đồng thời sở hữu Ngân hàng, trực tiếp hoặc gián tiếp. Chính vì sự “dây mơ rễ má” đó mà các quy định hiện hành về tín dụng đã bị vô hiệu hóa. Sở hữu chéo có thể giúp 1 cổ đông nắm giữ hoặc chi phối số cổ phần lớn có thể gây áp lực để NH cấp vốn cho các dự án của DN sân sau của mình, trong đó có nhiều dự án Bất động sản mà hiện giờ đã trở thành những gánh nặng của nền kinh tế. Các quy định về giới hạn tín dụng, thẩm định và kiểm soát tín dụng, về các đối tượng cấm cho vay và hạn chế cho vay đều có thể bị lách dễ dàng trong trường hợp này. Nếu nói các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước không dính dáng gì đến những hoạt động này thì thật khó có thể tin được, thực tế là các DN Nhà nước luôn đi đầu phong trào “tín dụng dễ dãi”, tất nhiên với điều kiện là sở hữu một lượng cổ phần “vừa đủ” ở các NH.
- Ba là hiện tượng ĐẦU TƯ chéo, đầu tư gián tiếp vào các hoạt động RỦI RO CAO giữa các NHTM.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 đã cho thấy những rủi ro vô cùng lớn trong hoạt động NH đầu tư. Theo luật các tổ chức tín dụng năm 2010, cũng như Thông tư 12/2010/TT-NHNN, hoạt động đầu tư phải được tách bạch khỏi hoạt động của NH thương mại, NH không được cấp tín dụng cho công ty có hoạt động kinh doanh chứng khoán trực thuộc mình. Tuy nhiên, nhờ có sở hữu chéo mà thay vì cấp tín dụng trực tiếp thì một NH A có thể tác động NH B (hoặc mua trái phiếu của B) mà A đang sở hữu để NH này cho vay hoặc mua trái phiếu của các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ của NH A. Việc này được xem là một rủi ro đạo đức rất lớn khi các NHTM đem tiền gửi của khách hàng đi kinh doanh chứng khoán (một cách gián tiếp) và liệu nếu biết được thì người gửi tiền còn dám đưa tiền của mình cho những NH đó giữ hay không?
- Bốn là việc các NHTM làm sai lệch các quy định về QUẢN LÝ NỢ XẤU.
Các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của NHNN có thể không được các NHTM tuân thủ đúng. Khi một khách hàng mất khả năng thanh toán nợ, thay vì xếp khoản vay đó vào mục nợ xấu và tiến hành trích lập dự phòng rủi ro theo quy định, một biện pháp hi sinh lợi nhuận nhằm đảm bảo an toàn thanh khoản và nguồn vốn. Tuy nhiên thông qua sở hữu chéo, NHTM có thể cho vay đảo nợ, hãy hình dung như sau, một DN X nợ NH A một khoản nợ tương đương với nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn), Ngân hàng A thông qua NH B (mà A sở hữu) cho vay gián tiếp DN X để họ có tiền để trả cho món nợ xấu trước đó, như thế thì NH A sẽ giảm được mức nợ xấu trên sổ sách và không phải trích lập dự phòng. Hành vi đảo nợ bị luật pháp nghiêm cấm triệt để nhưng với quy trình như trên thì thật khó để kiểm soát.

HỆ LỤY ĐỐI VỚI TOÀN HỆ THỐNG

Hoạt động lách luật của các NH thông qua sở hữu chéo đã làm nảy sinh nhiều trục trặc trong toàn ngành từ nhiều năm trở lại đây và để lại những hậu quả không mong muốn đối với hệ thống và nền kinh tế. Tín dụng có một giai đoạn bùng nổ nhưng không hiệu quả. Nợ xấu gia tăng nhanh một cách chóng mặt nhưng đã bị nhiều NH cố tình che giấu, thực tế là nợ xấu của hệ thống NH càng cao thì sở hữu chéo NH càng chằng bịt. Sở hữu chéo cũng làm sai lệch việc đánh giá rủi ro của hệ thống NH, vì rất nhiều chỉ số dựa trên số vốn tự có, trong khi đó lại là vốn ảo. Việc che giấu nợ xấu và tăng vốn ảo có thể khiến cho Đề án tái cơ cấu hệ thống Ngân hàng của Chính phủ bị sai mục đích do không hướng tới đúng đối tượng cần tác động. Nhiều NH thuộc khu vực ngoài quốc doanh bị lũng đoạn bởi các thế lực tài chính. Hoạt động cho vay sân sau đầy rủi ro đã làm thất thoát một lượng lớn vốn đầu tư xã hội vào những dự án kém chất lượng.
Có thể thấy các rủi ro trong thị trường tài chính đến từ sở hữu chéo là rất nguy hiểm, vì chúng mang tính hệ thống nên một khi bùng phát thành khủng hoảng thì nó không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến NH mà sẽ lây lan ra toàn hệ thống và nền kinh tế. Hậu quả khi đó sẽ vô cùng khủng khiếp.
3. NHỮNG HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Thật không dễ dàng để phát hiện và xử lý sở hữu chéo, kể cả đối với các cơ quan chuyên trách như Thanh tra của NHNN hay Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, có một số hướng giải pháp sau đây cho vấn đề sở hữu chéo:
- Cần phải luật hóa vấn đề sở hữu chéo, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của các cơ quan chức năng. Giám sát hệ thống NH cần phải được thực hiện đồng bộ, bảo đảm sự giám sát thông suốt là rất cần thiết để làm rõ tình trạng phức tạp và tìm cách ngăn chặn sự lặp lại sở hữu chéo trong tương lai.
- Cần khống chế tỷ lệ sở hữu tại các Tổ chức tín dụng của cá nhân, DN và cả những sở hữu giữa họ với các công ty con, quỹ trực thuộc. Đặc biệt là mối quan hệ sở hữu chéo giữa NH và các DN tư nhân vẫn chưa được NHNN lường hết mặc dù tiềm ẩn rủi ro trong đó rất cao. Yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thoái vốn tại Tổ chức tín dụng.
- Cần có cơ chế để các cổ đông có thể giám sát hoạt động của Hội đồng Quản trị và đảm bảo tính độc lập của kiểm toán để đảm bảo tính minh bạch cần thiết trong các hoạt động của NH.
- Cần đưa nguồn vốn mới, đặc biệt là vốn ngoại vào các NHTM để khắc phục tình trạng yếu kém và thay thế cho những khoản đầu tư chéo sẽ bị bắt buộc phải rút ra.Việc này nên được thực hiện cẩn thận để tránh các thế lực tài chính nhăm nhe muốn sở hữu chéo trong NH.

Sở hữu chéo có mặt ở nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam sở hữu chéo có những đặc thù riêng khiến cho nó trở nên phức tạp và nghiêm trọng. Sở hữu chéo thực sự đã làm cho nhiều người hạnh phúc khi có những NH nhỏ hào phóng cho cổ đông của mình vay đến 50% tổng số tín dụng huy động của NH. Tình trạng sở hữu chéo trong NHTM hiện nay ở Việt Nam được nhận định là có nhiều điểm chung so với Hàn Quốc những năm 90, nhưng là giữa các tập đoàn lớn. Và cuối cùng thì kinh tế Hàn Quốc cũng đã bị trừng phạt nặng nề trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997, mà một trong những căn nguyên là sở hữu chéo, điều đã khiến cho con rồng của châu Á thiếu một nền tảng bền vững. Sau đó Hàn Quốc đã phải giám sát một cách rất chặt chẽ sở hữu chéo và khiến nó không còn hoành hành được nữa. Nền kinh tế Việt Nam đang chứng kiến một sự hồi phục chậm chạp sau giai đoạn suy thoái kéo dài và tốn kém. Tuy nhiên, những vấn đề cơ bản của nền kinh tế như sở hữu chéo, nợ xấu, bất động sản, nợ công… vẫn chưa được giải quyết. Không biết được mối hiểm họa từ chúng lớn đến mức nào, và Việt Nam sẽ phải trả cái giá là bao nhiêu nếu như những quả bom đó nổ tung?
____________________________
Nguồn:
http://www.vietinbank.vn/web/home/vn/research/12/tu-so-huu-cheo-tai-chaebol-den-thuc-te-nhtm-viet-nam.html
http://www.baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/ong-bui-kien-thanhma-tran-so-huu-cheo-rat-nghiem-trong-2354918/index.htm
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/manh-khoe-thao-tung-cac-ngan-hang-cua-bau-kien-765659.htm
http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2013/07/21/thuc-trang-so-huu-cho-trong-he-thong-ngn-hng-viet-nam-hien-nay-v-mot-so-khuyen-nghi/
____________________________
https://www.facebook.com/WegreenVietnam/photos/a.295680247197455.63320.246214618810685/475688412529970/?type=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét