Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

SỞ HỮU CHÉO NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM (Phần 1)

SỞ HỮU CHÉO NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM (Phần 1)

[Economic Corner - #WEGREEN]

Ngày 31/7/2013 vừa qua, Hội thảo “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính Việt Nam” đã được Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia phối hợp với UNDP (Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc) tổ chức với sự quy tụ của hầu hết các chuyên gia tài chính-kinh tế đầu ngành.

“Sở hữu chéo” được xem là một vấn đề lớn và nan giải đối với hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt khi những năm gần đây, với sự phát triển của ngành tài chính-ngân hàng, thì tình trạng sở hữu chéo ở Việt Nam diễn biến ngày càng phức tạp, khó kiểm soát và đã nảy sinh nhiều hệ quả xấu đối với nền kinh tế.

Trong đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng của Chính phủ có một nội dung quan trọng: Tái cấu trúc đồng thời phải giảm thiểu và đi tới loại bỏ sở hữu chéo không đúng quy định của pháp luật đối với hệ thống tài chính.

Vì thế, Wegreen xin được chia sẻ với các bạn đọc một hiểu biết chung và thực trạng của vấn đề “Sở hữu chéo” này.

1. ĐỊNH NGHĨA SỞ HỮU CHÉO
Sở hữu chéo được hiểu là việc 2 tổ chức sở hữu cổ phần lẫn nhau, ví dụ như công ty A đầu tư vào Cty B, sau đó B lại đầu tư vào A.

Thông thường, sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp (DN) có tính trực tiếp. Ví dụ, DN X sở hữu DN Y và ngược lại DN Y sở hữu DN X. Tuy nhiên, sở hữu chéo có thể tồn tại một cách gián tiếp. Chẳng hạn, khi một nhà đầu tư, hoặc một nhóm nhà đầu tư, hay một DN sở hữu cả Ngân hàng A và Ngân hàng B, thì thực chất Ngân hàng A và Ngân hàng B là sở hữu chéo của nhau. Hình thức này thiếu minh bạch và rất khó kiểm soát.

2. NGUYÊN NHÂN CỦA SỞ HỮU CHÉO
Tình trạng sở hữu chéo xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau:

- Từ nhu cầu tăng vốn của Ngân hàng: Thời kỳ kinh tế tăng trưởng nóng, yêu cầu vốn của các ngân hàng trở nên lớn hơn, theo quy định thì đến năm 2010 vốn điều lệ thực góp của các Ngân hàng thương mại (NHTM) phải đạt 3000 tỉ đồng, điều này đã gây nên áp lực đối với nhiều Ngân hàng khiến họ phải thông qua sở hữu chéo để tăng vốn ảo.

- Từ niềm tin vào đối tác: Khi thị trường tài chính Việt Nam phát triển thì hệ thống giám sát, quản lí ở cấp cao chưa tốt, nên cần có sự tin cậy giữa các DN với nhau và với DN thì sự tin tưởng này chỉ có thể thông qua mối quan hệ gia đình, người quen, hay còn được gọi là nhóm lợi ích.

- Từ những khó khăn trong hệ thống: Hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam hiện nay nổi lên nhiều rủi ro, yếu kém, cả trong hoạt động kinh doanh lẫn trong sự quản lí thiếu đạo đức, năng lực.

- Các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng muốn thâu tóm lẫn nhau với mục đích tăng quy mô hay cho vay “doanh nghiệp sân sau” của mình.

3. TÌNH TRẠNG SỞ HỮU CHÉO TẠI VIỆT NAM
Sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam đã có từ khá lâu. Thời gian đầu chủ yếu do các ngân hàng quốc doanh góp vốn với tư cách cổ đông Nhà nước với mục đích giúp Nhà nước kiểm soát hoạt động của các ngân hàng cổ phần. Về sau, cùng với sự phát triển, các hình thức sở hữu chéo càng ngày càng đa dạng và đến nay, sở hữu chéo trong hệ thống NHTM Việt Nam có thể chia thành 6 nhóm (Nguồn: Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội):

Ba nhóm tích cực:

(1) Sở hữu của các NHTM nhà nước và NHTM nước ngoài tại các Ngân hàng liên doanh
(2) Cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM
(3) Cổ đông tại các NHTM là các Cty quản lý quỹ

Ba nhóm đáng lo ngại:

(4) Sở hữu của NHTM nhà nước tại các NHTM cổ phần
(5) Sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần
(6) Sở hữu NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng Cty Nhà nước và tư nhân


3.1 NGÂN HÀNG NÀO ĐANG CÓ SỰ HIỆN DIỆN CỦA SỞ HỮU CHÉO?
Hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều sở hữu ngân hàng. Điển hình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) An Bình, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sở hữu Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Cao su sở hữu Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu Ngân hàng TMCP Đại Dương…

Nhóm Big 4 ngành Ngân hàng của Việt Nam là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đều đang sở hữu các ngân hàng khác.

Trong khu vực ngoài quốc doanh, sở hữu chéo phổ biến dưới hai hình thức là ngân hàng sở hữu lẫn nhau và doanh nghiệp sở hữu ngân hàng.

Trong hình minh họa, các bạn có thể thấy sự sở hữu lẫn nhau của các Ngân hàng thương mại ở Việt Nam chằng chịt như thế nào, đến nỗi các chuyên gia phải đặt cho nó cái tên “Ma trận Sở hữu chéo”.

Theo quy định, một cổ đông cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ, một cổ đông là tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một Tổ chức tín dụng (TCTD). Thêm vào đó, cổ đông cá nhân và những người có liên quan với cổ đông đó như là ông bà, cha mẹ, vợ chồng... thì không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ của một TCTD. Thế nhưng, nếu chỉ cần nhìn vào thực trạng hội đồng quản trị của các ngân hàng, thì các quy định hiện hành đã bị làm ngơ.

Lấy ví dụ tại ngân hàng An Bình, Tập đoàn Điện lực EVN chiếm tỷ lệ sở hữu 21.3%; Geleximco chiếm 7.7%, May bank chiếm 20.0%, IFC chiếm 10% cổ phần sở hữu, ông Vũ Văn Tiền và gia đình chiếm tỷ lệ sở hữu 8% , …

3.2 SỰ PHỨC TẠP CỦA SỞ HỮU CHÉO

Thực tế mà nói, Khái niệm Sở hữu chéo hiện nay bao trùm rất nhiều vấn đề phức tạp trong ngành ngân hàng, đó là:

- Nhiều trường hợp quyền lực kiểm soát ngân hàng không nằm trong tay cổ đông Nhà nước với cổ phần nắm giữ lớn nhất mà thuộc về nhóm các nhà đầu tư có tỷ lệ sở hữu thấp hơn. Ngân hàng SHB là một ví dụ điển hình, hai Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là Tập đoàn Than Khoáng Sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VNR) đều nắm 4,09% vốn điều lệ, là hai cổ đông lớn nhất. Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Đỗ Quang Hiển chỉ nắm 3,01% vốn điều lệ nhưng nếu tính cả những người có liên quan tới ông Hiển thì ông đang kiểm soát 13,94% cổ phần của SHB.

- Các NH sở hữu lẫn nhau thông qua các Công ty chứng khoán (CTCK), quỹ đầu tư hoặc CTCP Đầu tư Tài chính (những tổ chức mà Ngân hàng đang nắm quyền kiểm soát hoặc là cổ đông của Ngân hàng). Đặc biệt, loại hình doanh nghiệp CTCP Đầu tư Tài chính thường đứng đằng sau việc sở hữu ngân hàng, giúp các ngân hàng sở hữu ngân hàng và giúp các nhà đầu tư sở hữu ngân hàng, thì lại không bị điều tiết, không phải công bố thông tin, báo cáo mặc dù hoạt động không khác gì hoạt động đầu tư tài chính của quỹ đầu tư và CTCK. Việc thông tin không minh bạch như vậy khiến cho các cơ quan giám sát rất khó để truy ra được những ông lớn đứng sau. Vụ việc “Bầu Kiên” trong năm 2012 là một trường hợp tiêu biểu mà hoạt động này bị phát giác mà Wegreen sẽ đề cập đến trong phần II của bài.

- Nhà đầu tư, nhóm nhà đầu tư vừa sở hữu các doanh nghiệp phi tài chính, vừa sở hữu các ngân hàng thương mại. Trong một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Quốc hội năm 2012, ông Đặng Văn Thành, người nắm quyền kiểm soát trong CTCP Viễn thông Sài Gòn và TCT Phát triển nhà Kinh Bắc với số cổ phần chi phối, bị cho là kiểm soát gián tiếp hai ngân hàng là Navibank và Westernbank mặc dù ông chỉ nắm 2,97% cổ phần tại Navibank và không có cổ phần trong Westernbank. Đó là do 2 công ty của ông đã sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp 2 ngân hàng kia với lượng cổ phần lớn.


Tình trạng sở hữu chéo đã trở nên rộng rãi, phổ biến và vô cùng phức tạp. Nó đã dẫn đến nhiều hệ quả trọng hệ thống tài chính-ngân hàng ở Việt Nam, cả tốt lẫn xấu, trong đó không ít mê lộ dẫn đến sự đổ vỡ Domino các ngân hàng. Vậy thì hướng giải quyết của Nhà nước và các chuyên gia tài chính là gì? Những hệ quả và giải pháp này sẽ được Wegreen đem đến các bạn trong phần 2 của bài viết.

Xin cảm ơn quý độc giả.

----------------------
Nguồn tham khảo:
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/hoa-mat-voi-ma-tran-so-huu-cheo-ngan-hang-viet-nam-761840.htm
http://vietstock.vn/2012/09/ong-dang-thanh-tam-la-tieu-bieu-so-huu-cheo-ngan-hang-757-238020.htm
http://www.baomoi.com/Ma-tran-so-huu-cheo/126/11604011.epi
http://vneconomy.vn/2013080904077822P0C6/man-kich-moi-cua-so-huu-cheo.htm

---------------------
https://www.facebook.com/photo.php?fbid=466033663495445&set=pb.246214618810685.-2207520000.1380301007.&type=3&theater 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét