Một số hệ tư tưởng/chủ nghĩa đương đại:
Chủ nghĩa cộng sản: là một tổng hợp các lý luận của một phong trào xã hội rộng lớn nhằm xóa bỏ hình thái kinh tế-xã hội của chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội không giai cấp, không có quyền tư hữu đối với tư liệu sản xuất. Trong đó mọi người là bình đẳng, không có hiện tượng "người bóc lột người" và tiến tới xóa bỏ nhà nước trong một tương lai "thế giới đại đồng" khi người với người là bạn, thương yêu lẫn nhau và tại đó năng suất lao động tăng lên rất cao, của cải làm ra đồi dào tới mức phân phối của cải theo nguyên tắc: "Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Trong xã hội cộng sản, con người được tự do toàn diện (kể cả tự do tình dục) nhưng trên cơ sở của sự nhận thức cao, và trên cơ sở của sự ràng buộc vào tư liệu sản xuất chung để bảo toàn lợi ích chung
Chủ nghĩa tư bản: khẳng định tư hữu, trong khi những người cộng sản hướng tới công hữu tư liệu sản xuất (hiểu theo nghĩa cộng sản đúng nghĩa). Những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản luôn cho rằng không vì những phân hóa xã hội mà vi phạm đến các quyền sở hữu cá nhân, đối lập hoàn toàn với chủ nghĩa cộng sản. Những người ủng hộ cho chủ nghĩa tư bản cho rằng chủ nghĩa này tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế dựa trên nền tảng ham muốn cá nhân làm giàu vô tận, và tạo cơ hội cho sự tự do kinh doanh và tự do lựa chọn lao động, thường cho sự phân hóa xã hội là một sự đào thải của cơ chế thị trường mà những người tụt lùi phía sau là những người kém cỏi chứ không phải là do bóc lột, ngược lại những người phê phán chủ nghĩa tư bản bao gồm những người cộng sản luôn luôn cho là chủ nghĩa tư bản có yếu tố bóc lột, và không bao giờ tạo công bằng thực sự, tạo ra lối sống ham muốn vật chất và hay dẫn đến suy đồi đạo đức. Những người cộng sản thường đổ lỗi cho chủ nghĩa đế quốc là hệ quả của chủ nghĩa tư bản vì các tập đoàn tư bản muốn vươn vòi bóc lột nhân dân các dân tộc thuộc địa, biến các nơi này thành nơi tiêu thụ hàng hóa tư bản và cung cấp tài nguyên và lao động rẻ mạt, trong khi những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản lại hay cho chủ nghĩa đế quốc là hệ quả của chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa quân phiệt (đặc biệt là giai đoạn chủ nghĩa đế quốc thứ hai từ cuối thế kỷ XIX, mà họ cho là nhằm bảo đảm lợi ích của cả dân tộc chứ không chỉ tư bản, trong khi thường nhìn nhân giai đoạn chủ nghĩa đế quốc thứ nhất thường bảo đảm cho quyền lợi của cả quý tộc phong kiến và tư sản). Chủ nghĩa cộng sản cũng cho là chủ nghĩa tư bản thực hiện "chủ nghĩa đế quốc mới" trong khi chủ nghĩa tư bản cũng cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện "chủ nghĩa đế quốc mới"
Chủ nghĩa tự do: đề cao tự do cá nhân, nếu giới hạn gần với bảo thủ, nếu cấp tiến hơn có khi bị xem là cực đoan, hay gần với chủ nghĩa vô chính phủ; trong khi những người cộng sản cũng hướng đến tự do tuyệt đối như những người vô chính phủ, nhưng qua con đường vòng là nhà nước chuyên chính vô sản, coi trọng lối sống tập thể (cộng đồng) và điều hành của nhà nước. Lập trường kinh tế cũng có sự khác biệt, do ủng hộ tự do cá nhân nên những người tự do ủng hộ tư hữu đồng nghĩa sẽ có chủ nghĩa tư bản, chấp thuận phân hóa xã hội như là "sự tất yếu của cơ chế thị trường", coi trọng bình đẳng cơ hội, trừ những người tự do xã hội chấp thuận có điều chỉnh của nhà nước phân phối lại thu nhập thường thông qua đánh thuế cá nhân. Những người cộng sản phản đối cơ chế như vậy. Những người theo chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa cộng sản thường có một lập trường chống lại chế độ phong kiến và độc tôn tôn giáo (chủ nghĩa tự do ủng hộ tự do tôn giáo nhưng tách tôn giáo khỏi nhà nước). Do có lập trường trên nền tảng chủ nghĩa cá nhân nên chủ nghĩa tự do đề cao quyền cá nhân, mà không phụ thuộc vào sự ép buộc bên ngoài bao gồm nhà nước.
Chủ nghĩa bảo thủ: đề cao một sự chuyển hóa từ từ, trong khi những người cộng sản muốn chuyển hóa nhanh chóng một cách cách mạng. Một số người bảo thủ ủng hộ cho quay lại một trật tự cũ, đã bị thay thế, vì thế có còn được xem là phản động, theo cách hiểu của những người cộng sản, thậm chí của những người tự do hay xã hội. Chủ nghĩa bảo thủ đề cao tính dân tộc, trong khi chủ nghĩa cộng sản đề cao tính giai cấp. Chủ nghĩa bảo thủ coi trọng tầng lớp trên mà họ cho là xứng đáng với "phẩm chất" và "đóng góp" của họ, trong khi những người cộng sản luôn bảo vệ quyền lợi tầng lớp dưới. Chủ nghĩa bảo thủ hiện đại ủng hộ cho chủ nghĩa tư bản, coi nó là động lực thúc đẩy kinh tế, và "công bằng trong cơ hội" ít coi trọng phân phối lại tài sản và bàn tay nhà nước (Nhà nước tốt nhất theo họ là nhà nước ít can thiệp nhất). Trong vấn đề đạo đức, chủ nghĩa bảo thủ coi trọng truyền thống (khác với phe tự do đề cao đạo đức cá nhân, nhận thức của bản thân) - khác với những người cộng sản ủng hộ nền tảng đạo đức xã hội chung được xây dựng trên lý thuyết cộng sản. Với vấn đề tôn giáo, chủ nghĩa bảo thủ coi trọng tính dân tộc nên đề cao tôn giáo dân tộc (mà họ cho là cần thiết cho đoàn kết và đạo đức), và thường là người theo tôn giáo dân tộc, nhưng không loại trừ sự tồn tại tôn giáo khác. Một số do ảnh hưởng mạnh của tư tưởng dân tộc nên thường có xu hướng chống người nhập cư. Phần lớn những người bảo thủ ngày nay thường có lập trường gần giống những người tự do nguyên thủy, họ hay coi trọng vấn đề nhân quyền.
Chủ nghĩa phát xít: đề cao tầng lớp trên và nhà nước, trong khi những người cộng sản đề cao tầng lớp dưới và hướng đến một xã hội không còn nhà nước. Chủ nghĩa phát xít đề cao tính dân tộc (tới độ cực đoan), một số sẵn sàng dùng vũ lực để đất nước của mình thống trị dân tộc khác, một số khác không. Trong khi đó những người cộng sản coi trọng tính giai cấp và đoàn kết giai cấp quốc tế không phân biệt dân tộc, ngôn ngữ (chủ nghĩa quốc tế vô sản). Một số lý thuyết gia cho rằng cả chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản đều là hệ quả của phép biện chứng của Hegel, về bản chất khác hẳn nhau, đối nghịch nhau, nhưng về mô hình tổ chức có nhiều điểm rất giống nhau. Về cơ bản chủ nghĩa phát xít đối lập nhiều hơn với chủ nghĩa vô chính phủ hơn là với chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa vô chính phủ: chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa cộng sản có chung mục đích là xóa nhà nước, nhưng những người cộng sản qua con đường vòng là nhà nước chuyên chính vô sản, còn chủ nghĩa vô chính phủ thì không. Biện pháp của những người vô chính phủ phần lớn là cách mạng giống với những người cộng sản, nhưng có phái (đa số ở phương Tây) không sử dụng biện pháp này. Đường lối kinh tế của chủ nghĩa vô chính phủ có thể trùng với chủ nghĩa cộng sản hay chế độ tư hữu tùy trường phái.
Chủ nghĩa dân tộc: đề cao tính dân tộc (có khi cực đoan), trong khi những người cộng sản coi trọng tính giai cấp hơn (và được những người dân tộc xem là "không đoàn kết dân tộc"), nhưng trong quá trình phát triển, có những người cộng sản chịu ảnh hưởng của tư tưởng dân tộc.
Chủ nghĩa xã hội: cả chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản cùng có mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, nhưng chủ nghĩa xã hội vẫn còn tồn tại nhà nước. Do chủ nghĩa xã hội được hiểu nhiều cách khác nhau và nhiều trường phái khác nhau chủ trương khác nhau, nên chủ nghĩa cộng sản được xem là một trường phái chủ nghĩa xã hội. Khác nhau chủ nghĩa cộng sản với chủ nghĩa xã hội dân chủ là cách thức cải tạo chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội. Một số trường phái chủ nghĩa xã hội hướng tư liệu trong tay tập thể, một số khác hướng nhà nước làm đại diện quản lý tư liệu. Lập trường của một số trường phái xã hội chủ nghĩa khác nhau cả thái độ với tôn giáo, hay cách thức để đạt mục đích của mình. Một số khá nhiều người xã hội là những người theo tôn giáo, nhưng hướng văn hóa thế tục và nhà nước thế tục (không kể theo phái xã hội chủ nghĩa gắn với tôn giáo).
Dân chủ xã hội: hướng đến xóa bỏ tư bản hay xóa một phần hoặc chỉ cải tạo chủ nghĩa tư bản theo hướng phân phối công bằng hơn, nhưng không sử dụng biện pháp cách mạng và nhà nước chuyên chính vô sản mà họ lo ngại "chuyên chế đi từ dưới đi lên".
Chủ nghĩa công đoàn: đề cao công đoàn, chứ không phải nhà nước. Đây là điểm khác với chủ nghĩa cộng sản
Chủ nghĩa dân túy: cũng giống chủ nghĩa cộng sản là đề cao bình đẳng thu nhập, nhưng khác ở cách thức, và xác định vai trò giai cấp,... Chủ nghĩa dân túy hay gắn với tính dân tộc hơn.
Dân chủ Thiên Chúa giáo: đề cao vai trò tôn giáo - trong một nhà nước thế tục, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa và đạo đức, tùy theo trường phái, có lập trường ủng hộ tư bản hay chống tư bản, ủng hộ thay đổi tiệm tiến, khác bảo thủ cực đoan là chấp thuận một nền chế độ đại nghị. Trong khi những người cộng sản loại trừ tôn giáo ra khỏi vai trò chính trị và hướng tới nền văn hóa vô thần.
Các tôn giáo: đa số các tôn giáo (trừ một số ngoại lệ như Phật giáo) khẳng định hữu thần và các lực lượng siêu nhiên, trong khi những người cộng sản khẳng định vô thần (chịu ảnh hưởng học thuyết Darwin), họ xem các lực lượng siêu nhiên chỉ là những hiện tượng tự nhiên mà khoa học chưa lý giải được. Các lý thuyết gia chủ nghĩa cộng sản truyền thống thường phê phán tôn giáo, là công cụ của các giai cấp phong kiến quý tộc hay tư sản nhằm làm nhụt ý chí đấu tranh của tầng lớp vô sản với các bất công của xã hội, ngược lại nhũng người bảo vệ cho tôn giáo cho những người cộng sản là vô thần, không có niềm tin vào một thế giới bên kia hay các khía cạnh đạo đức tôn giáo nên thường sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, thiếu khoan dung, nên những lý tưởng nhân văn trong lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản không thể thực hiện được. Nhưng những người cộng sản và những người tôn giáo, đặc biệt những người tôn giáo cánh tả thường phê phán chủ nghĩa tư bản vì về lý thuyết đều thường không khuyến khích cho chủ nghĩa cá nhân.
Một số học thuyết chính trị tôn giáo khác: phát triển đa dạng, có thể không có đường hướng kinh tế rõ ràng, có trường phái ủng hộ một chế độ cộng sản (kinh tế) mà họ cho là công bằng (như một số được xem là cộng sản Thiên chúa giáo, Hồi giáo Marxism, hay Đạt Lai Lạt ma) không như chế độ tư bản - tư hữu, nhưng ủng hộ hữu thần, còn chủ nghĩa cộng sản là vô thần và có lập trường kinh tế rõ ràng. Một số ủng hộ thần quyền (ngày nay ít) và được xem là cực đoan, một số chấp thuận chế độ đại nghị,...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét