Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Vì sao chúng ta chưa có chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XX? – Phần cuối

Thắng lợi của Cách mạng tháng Mười, đã đem lại chính quyền cho các lực lượng cực tả một đảng theo định hướng XHCN – những người bônsêvích và phái xã hội – dân chủ cánh tả ủng hộ CNXH, những khía cạnh phức tạp của tình hình trong nước và quốc tế, nguyện vọng của quần chúng đòi cải thiện điều kiện sống và thực hiện những điều đã hứa là những yếu tố góp phần giúp Chính quyền Xôviết hình thành nên một cương lĩnh có tính chất vượt trước nhằm thực hiện những bước đi có tính chất tuần tự, nhưng “không ngừng hướng tới CNXH” (…). Thật khó bác bỏ được rằng một sự kết hợp như vậy các mục tiêu trực tiếp đã được kích thích bởi thực tế là Cách mạng tháng Mười đã được toàn thể giai cấp nông dân ủng hộ và việc những người bônsêvích đã dựa được vào sự ủng hộ gần gũi và dứt khoát đối với các biện pháp tiến lên CNXH đã dự kiến từ phía các cuộc cách mạng XHCN thắng lợi tại các nước TBCN phát triển, trước hết là ở Đức. Sau này L. Trotsky đã thừa nhận: “Tuy nhiên, sai lầm lý luận của đảng cầm quyền vẫn là điều không thể giải thích được nếu không lưu ý rằng mọi tính toán sai lầm lúc đó đều là do tâm lý mong cách mạng ở phương Tây không bao lâu nữa sẽ thành công. Người ta cho rằng cũng là điều đương nhiên khi giai cấp vô sản Đức sẽ trả cho số thực phẩm và nguyên liệu sẽ vay trong tương lai bằng cách cung cấp cho nước Nga không chỉ máy móc, các chế phẩm làm sẵn, mà cả hàng chục vạn công nhân, kỹ thuật viên và nhà tổ chức lành nghề” (…).
Ở đây không có điều kiện để xem xét kỹ hơn việc V.I. Lenin và những người bônsêvích, bất chấp niềm tin sắt đá và những lời tuyên bố không chỉ một lần của mình, vẫn đã là những người đi đầu trong cuộc CHẠY VƯỢT TRƯỚC LỊCH SỬ. Ở đây chúng tôi chỉ xin ghi nhận rằng “CNCS thời chiến” đã là một bước chạy VƯỢT TRƯỚC. Và vẫn cần phải nói một cách vắn tắt về những gì đã xảy ra trong bước ngoặt bi thảm đó.
Xuất phát từ quan điểm định lượng đối với những tiêu chí độ trưởng thành của CNTB, mức độ sẵn sàng của nó trước những cải biến XHCN và đứng trên lập trường đó, cho rằng có thể đồng ý với định hướng phát triển theo con đường XHCN của nước Nga sau Cách mạng tháng Mười mà các Xôviết đa đảng (cũng như Quốc hội lập hiến) đã thông qua, V.I. Lenin và những người bônsêvích như vậy là cũng đồng tình với việc công nhận luận điểm của Marx xuất phát từ quan điểm định tính về độ chín muồi của CNTB, cho rằng CNTB là hình thức cuối cùng của hoạt động kinh tế dựa trên giá trị, sử dụng quan hệ hàng – tiền và thị trường, và tương ứng với điều đó, cái CNXH đang được xây dựng ở nước Nga sẽ là CNXH không có thị trường, không có hàng hóa như mọi người đều đã biết hoàn toàn không phải là từ “Bản thảo kinh tế học” của Marx, trong đó điều này đã được chứng minh bằng sự thay thế các nguồn gốc chủ đạo của việc tạo ra của cải xã hội: lao động dưới hình thức trực tiếp của nó được thay thế bằng Khoa học với tính cách là một lực lượng sản xuất trực tiếp (sự chứng giải này chưa được dư luận biết tới cũng như bản thân “Bản thảo kinh tế học” chứa đựng tư tưởng này). Bởi CNXH không có thị trường, không có hàng hóa và tiền đã được K. Marx và F. Engels miêu tả trong các tác phẩm được dư luận rộng rãi biết đến “Phê phán cương lĩnh Gotha”, “Chống Duhring” và các tác phẩm khác mà không kèm theo sự chứng giải như vậy!
Sau khi thông qua luận đề vượt trước về sự phát triển cách mạng xã hội của giai cấp công nhân ở Nga, về việc đưa đất nước tiến lên CNXH, Đảng Cộng sản Nga (b) tại Đại hội lần thứ VIII của mình, năm 1919 cũng đã thông qua Cương lĩnh tương ứng của Đảng, hướng tới mục tiêu xây dựng trong cả nước các hợp tác xã sản xuất – tiêu thụ (công xã), chấm dứt các quan hệ hàng hóa – thị trường và xóa bỏ tiền tệ. Lenin, người chuẩn bị dự thảo Cương lĩnh, đã khẳng định: CNXH phải là một hợp tác xã thống nhất toàn khắp về sản xuất – phân phối với chế độ sở hữu chung và không dùng đến tiền tệ làm vật trao đổi sản phẩm khi không có hàng hóa. “Trong lĩnh vực phân phối – như trong dự thảo cương lĩnh có nói, – nhiệm vụ của Chính quyền Xôviết hiện nay là vẫn tiếp tục thay thế việc mua bán bằng sự phân phối sản phẩmmột cách có kế hoạch, có tổ chức trên phạm vi cả nước. Mục tiêu là tổ chức toàn dân vào các công xã sản xuất – tiêu thụ…” (…). Và nữa: “PKP (Đảng Cộng sản Nga) sẽ cố gắng thực hiện càng nhanh càng tốt những biện pháp triệt để nhất để chuẩn bị cho việc thủ tiêu tiền tệ, mà trước hết là thay sổ tiết kiệm, séc, các loại tín phiếu ngắn hạn bằng tem phiếu lĩnh sản phẩm công cộng…, thiết lập chế độ gửi tiền bắt buộc trong ngân hàng… Kinh nghiệm thực tiễn của việc chuẩn bị và áp dụng các biện pháp đó đại loại như thế sẽ cho thấy những biện pháp nào trong số đó là hợp lý nhất” (…).
Việc lựa chọn cái CNXH không có thị trường cho nước Nga (có lẽ là chưa ai biết là Marx đã từng có một đối án khác, hay chí ít là nó không hề được bàn đến!) đúng là một sự lựa chọn chết người đối với nền kinh tế đã nửa phần tan hoang của đất nước. Các biện pháp xóa bỏ cưỡng bức của nền kinh tế thị trường còn thoi thóp ngày càng mâu thuẫn hơn với cuộc sống sau khi đã kích động cuộc nổi dậy ở Kronsthtad năm 1921. Trong bối cảnh đó, V.I Lenin và L. Trotsky không ai bảo ai, đều đi đến kết luận là cần phải thay đổi về nguyên tắc chính sách kinh tế, rằng đồng thời với việc từ bỏ chế độ trưng thu lương thực thừa của “CNCS thời chiến”, cần phải thực hiện việc thu thuế lương thực, áp dụng các biện pháp phục hồi nền kinh tế thị trường và quan hệ hàng – tiền. Xét về thực chất, ở đây nói về sự quay trở lại nền kinh tế thị trường, còn chưa bị xóa bỏ hẳn, nhưng không phải ở hình thức của nó dưới CNTB, mà là trong khuôn khổ một nhà nước công – nông đang cố gắng hiện thực hóa quyền lợi của những người lao động. N. Bukharin, người đã viết lúc sinh thời rằng NEP tạo nên “diện mạo tư tưởng” của Cách mạng tháng Mười, tạo thành cương lĩnh kinh tế của nó, có nhận định rằng NEP “đã bị cuộc nội chiến làm gián đoạn” và đã được quay trở lại dựa trên cơ sở thắng lợi của các Xôviết. Như vậy là ở nước Nga đã hoàn tất BƯỚC CHẠY VƯỢT TRƯỚC thứ nhất, NEP đã khép nó lại.
Chẳng có gì là cường điệu khi nói rằng bước ngoặt từ “CNCS thời chiến” chuyển sang “chính sách kinh tế mới” (NEP) ở Liên Xô có một ý nghĩa lịch sử toàn thế giới cả trên bình diện lý luận lẫn thực tiễn. Ngày nay điều này thể hiện đặc biệt rõ. Nếu nói về lý luận thì bước ngoặt ấy có ý nghĩa lịch sử ở chỗ lần đầu tiên, một thức “CNXH thị trường” đã được xác định và luận chứng về mặt lý luận như là một hình thức cần thiết (và tất yếu không tránh khỏi) để tiến tới một xã hội công bằng về mặt xã hội của những nước mà ở đó tính chất gay gắt của các mâu thuẫn xã hội khiến cho không thể giữ nguyên xã hội bóc lột, và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất chưa cao, nền kinh tế thị trường vẫn chưa phải đã cạn kiệt khả năng của nó, tức là chưa có những tiền đề khách quan và chủ quan cần có khiến cho việc tiến lên CNXH là chưa thể trong khuôn khổ lý luận mác-xít cổ điển là lý thuyết áp dụng cho CNTB phát tirển cao, đã cạn hết khả năng của kinh tế thị trường. Còn nếu nói về mặt thực tiễn thì bước ngoặt ấy và bản thân CNXH thị trường được coi là phương sách sửa chữa bước chạy vượt trước lịch sử và đi lên CNXH của các nước còn chưa hoàn toàn trưởng thành, đồng thời đó cũng là triển vọng cách mạng đối với một bộ phận rất lớn các nước trên thế giới ngày nay.
Cả V.I. Lenin lẫn L. Trotsky đều không được đọc “Bản thảo kinh tế học” của K. Marx, là tác phẩm luận chứng về trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất, cái làm cho sự tiêu vọng của kinh tế thị trường trở thành có thể, nhưng khi đưa kinh tế thị trường trở lại với nước Nga thời NEP thì cả hai ông đều đã hành động hoàn toàn phù hợp với chủ nghĩa Marx.
Còn về bản thân bước chạy vượt trước lịch sử xảy ra ngay sau Cách mạng tháng Mười, Lenin vẫn còn sống và về việc Đảng Cộng sản Liên Xô (b) do Người đứng đầu ủng hộ định hướng phát triển XHCN vượt trước của nước Nga bần cùng, nước Nga của nông dân, lạc hậu và nghèo đói thì ngay lúc đó Lenin đã công khai thừa nhận đó là một sai lầm có tính nguyên tắc. Người đã tuyên bố: “Chúng ta định… đánh thức lòng nhiệt tình của nhân dân ban đầu là… về mặt chính trị nói chung, sau đó là… về mặt quân sự, chúng ta đã hy vọng sẽ thực hiện được một cách trực tiếp dựa trên lòng nhiệt tình đó những nhiệm vụ kinh tế quá lớn lao (cũng giống như những nhiệm vụ chính trị chung, cũng giống như những nhiệm vụ quân sự). Chúng ta định, – hay có lẽ nói cho đúng hơn, chúng ta đã trù liệu mà chưa có sự tính toán đầy đủ, – bằng những mệnh lệnh trực tiếp của nhà nước vô sản để ổn định việc tổ chức nền sản xuất của nhà nước và sự phân phối sản phẩm nhà nước theo kiểu CSCN ở một đất nước tiểu nông. Cuộc sống đã chỉ ra sai lầm của hcúng ta” (…). Và nữa: “Đến mùa xuân năm 1921 mới thấy, – Lenin viết, – rằng chúng ta đã thất bại khi định dùng cách “công phá”, tức là phương thức nhanh gọn nhất, trực tiếp để chuyển sang những nguyên tắc XHCN trong sản xuất và phân phối”(…).
Trong đoạn trích thứ nhất của Lenin có chứa đựng một điều hết sức quan trọng: ở đây đã phác họa ra cơ chế mà các lãnh tụ của quần chúng cách mạng mất đi sự suy nghĩ lành mạnh trong điều kiện đang trên đà hứng khởi cách mạng. Lôgích của tình trạng đánh mất đó là: các vị lãnh tụ, khi đã thức tỉnh và đã nâng nhiệt tình cách mạng của quần chúng và do đó cũng bị cuốn hút, say sưa với nhiệt tình đó, kết quả là nhiệt tình của quần chúng lại biến thành sự cao hứng của các lãnh tụ, do nhiệt tình mà dần dần mất đi sự sáng suốt, bắt đầu xây dựng chính sách của mình, lúc đã đã dựa trên niềm tin vào sự nhiệt tình đó, và nhờ đó có thể giải quyết được những nhiệm vụ kinh tế then chốt. Chúng ta là những người đã thức tỉnh nhiệt tình của nhân dân, bản thân chúng ta lại “bị con sóng nhiệt tình đó nâng lên” và do đó không còn trù định nữa, mà bắt đầu “đòi hỏi và không có sự tính toán đầy đủ”, là cái có thể dựa “trực tiếp trên lòng nhiệt tình đó thực hiện những nhiệm vụ cực kỳ lớn lao không chỉ vì mặt chính trị chung và quân sự, mà cả những nhiệm vụ kinh tế nữa”. V.I. Lenin không loại trừ bản thân mình khỏi số nạn nhân của cơ chế khách – chủ thể này.
Bây giờ chúng ta sẽ trở lại với khía cạnh thứ hai của vấn đề đang xem xét: dự báo của Marx trong “Bản thảo kinh tế học” không còn có nghĩa đối với những hành động đã thực hiện quá sớm để khẳng định “CNXH hiện thực”, mà là để đánh giá hiện trạng của thế giới không phải XHCN và những triển vọng đưa nó quá độ lên CNXH.
Nếu quan niệm của Marx trình bày trong “Bản thảo kinh tế học” về thực chất các điều kiện kinh tế – xã hội cần thiết để có thể quá độ lên CNXH là đúng (mà tính xác đáng của nó chưa hề có ai phản bác một cách có chứng lý!), thì điều cần làm là phải xem xét lại tất cả những đánh giá trước đây (cả tả khuynh lẫn hữu khuynh) về những sự kiện cơ bản đã xảy ra với CNXH trong thế kỷ XX. Những người cánh hữu, những người theo chủ nghĩa tự do, cần phải từ bỏ ý kiến khẳng định “CNXH là một điều không tưởng, một ước mơ không thể thực hiện được”, còn những người khuynh tả, những người cộng sản, thì cần phải nhìn nhận rằng mọi chuyện về “CNXH hiện thực” với tính cách là chế độ đã từng tồn tại đều là vô căn cứ, bởi CNXH là cái không những chưa từng có ở đâu cả và không thể có được, nghĩa là chưa có ai có thể kiểm chứng xem đó là một ước mơ có thể thực hiện được hay đúng là một điều không tưởng; cũng y như vậy, sẽ thực nực cười nếu bàn luận về “CNXH hiện thực”, những vấn đề của nó, sự xuất hiện và biến mất của nó nếu nó là cái hoàn toàn chưa thể có được!
Vì vậy, khi trả lời câu hỏi dự báo nói trên của Marx có ý nghĩa thế nào đối với những điều kiện và đường hướng khẳng định CNXH thì có thể nói rằng vô số hành động và sự kiện của thế kỷ XX đã đi vào ý thức xã hội qua tài liệu cung cấp của Z.B. Brzezinsky như là sự ra đời, suy sụp và tiêu vong của CNCS trên thực tế chẳng phải là cái gì khác hơn là một bước chạy vượt trước lịch sử lớn lao – vượt trước để đến với tươn glai, hay là một ý định có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới đầu tiên của nhân dân lao động để xây dựng nên một chế độ công bằng xã hội của mình – CNXH. Ý định ấy đã thất bại, mà cũng không thể khác được, bởi vì còn chưa có những điều kiện cần thiết để thành công. Cứ sang mỗi thập niên mới, loài người lại tiến gần hơn đến điểm hội đủ những điều kiện cần thiết cũng như đến thắng lợi tất yếu gắn liền với những điều kiện đó!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét