Thứ Hai, 15 tháng 2, 2016

Kỷ niệm ngày mất triết gia Immanuel Kant (22.4.1724- 12.2.1804)

Kỷ niệm ngày mất triết gia Immanuel Kant (22.4.1724- 12.2.1804).
Trong phần Mệnh Lệnh Nhất Quyết: Chuẩn Mực Tối Thượng của Đạo Đức ở cuốn An Introduction to Kant's Ethics (Roger J, Sullivan, 1994), ông chỉ ra mọi người mạnh mẽ hơn họ tưởng nhiều khi viết về sức mạnh cần thiết để làm điều gọi là 'virtue' (đức hạnh), cho biết nó đến từ đâu, và bằng cách nào để phát triển nó.
Thử đề cập về tính tự trị (autonomy) đã. Trong các thuật ngữ đậm chất Kant, đây là năng lực, mọi người thảy đều sở hữu, tạo ra các lựa chọn độc lập với tác động bên ngoài (áp lực xã hội, quyền lực) và các ham muốn nội tại; khiến chúng ta làm điều đúng, ngay cả khi kẻ khác nài nỉ mình đừng làm, và thường thấy hơn là bất kể bản thân mình không hề muốn thực hiện.
Xét dưới chiều kích đạo đức học (ethics), tính tự trị hàm ý chúng ta định đoạt quy luật đạo đức cho chính bản thân và để nó dẫn dắt mình tiến hành lựa chọn riêng có; theo cách hiểu ấy, nó không chỉ là thứ quyền lực đáng ngạc nhiên mà còn là trách nhiệm kinh hoàng nữa. Trong khi hết thảy chúng mình đều có tính tự trị đích thị hoặc sự tự do nội tại (tự do lựa chọn, đối lập với tự do ngoại giới, hoặc tự do hành động), chúng mình phải dùng nó một cách đạo đức. Dựa trên năng lực lựa chọn tự trị này, Kant thuyết rằng con người mang chứa phẩm giá (dignity), một giá trị khó mà so sánh và chẳng thể lường nổi, khi ta nhìn từ phiên bản phái sinh của mệnh lệnh nhất quyết (categorical imperative) đã nêu.
Nói khác, chúng ta đòi hỏi sức mạnh. Dẫu đấy là năng lực để vượt qua tất cả các xung năng trái ngược dễ nhận thấy ở con người và đơn giản phải được đoán chừng trước trong quyết toán của anh ta về mặt đạo đức, tuy thế năng lực được xem là sức mạnh này là điều phải thu liễm cho bằng được. Cách nào? Đề cao động cơ đạo đức (suy tư về luật lệ), cả bởi việc ngẫm ngợi phẩm giá của quy luật thuần lý (pure reason) trong chúng ta và nhờ ở việc thực tập đức hạnh.
Vậy nên, sức mạnh không khơi khơi mà có, chúng ta cần nỗ lực đạt tới. Giống như cơ bắp, càng rèn luyện thì càng săn chắc hẳn lên và rệu rã khi bị bỏ bê; diễn đạt theo điệu của Kant, 'nếu không khởi lên, đố mà thoát khỏi chìm nghỉm', còn ngôn ngữ hiện đại thì thẳng thừng luôn 'không dùng thì sẽ mất'. Như thế, Kant gây cảm hứng dạt dào, vì ông xác quyết tiềm năng này trong mỗi một chúng mình là mãnh liệt vô cùng so với tưởng nghĩ bấy lâu, và đa phần sức mạnh ấy do nỗ lực thực tập mà thành; vâng, dù chẳng dễ dàng gì song rõ ràng nó là khả thể!--

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét