Thứ Tư, 17 tháng 2, 2016

CHÁNH NGỮ và GIẢI PHÁP TRUYỀN THÔNG

CHÁNH NGỮ và GIẢI PHÁP TRUYỀN THÔNG

Thân chào các quý độc giả, 

Ngôn ngữ là phương tiện chính kết nối với con người với con người và là một trong những yếu tố gây ấn tượng mạnh nhất trong các mối quan hệ: Lời nói càng hay thì càng dễ đi vào lòng người, lời nói càng dở thì càng dễ mang vạ. 

Trong công tác truyền thông và giao tiếp, một câu hỏi luôn được đặt ra là: Thế nào là góp ý xây dựng và tấn công phá hoại, đâu là giới hạn của tự do ngôn luận ? Ranh giới mong manh này làm cho nhiều người chúng ta rất lúng túng trong việc xử lý các vấn đề hàng ngày.

Vài tuần trước, vì một cuộn phim nói xấu nhà tiên tri Mohamed mà cộng đồng Hồi giáo đã nổi giận tấn công sứ quán Mĩ ở Lybia. Người làm phim không vi phạm luật tự do ngôn luận. Thế nhưng, cuốn phim rõ ràng để lại hậu quả rất xấu cho xã hội, làm căng thẳng thêm mâu thuẫn sẵn có giữa cộng đồng Hồi giáo và phương Tây. Dù không phạm luật, nhưng những hành vi như vậy vẫn nên bị lên án.

Người viết đưa tới cho độc giả khái niệm CHÁNH NGỮ trong Phật giáo, hy vọng giúp các các ngôn từ có cái nhìn đúng đắn hơn về việc sử dụng ngôn từ trong giao tiếp và phát biểu trước công chúng.

Chánh ngữ đứng hàng thứ ba trong Bát Chánh Đạo của nhà Phật. Thực hành Chánh ngữ tức là dùng lời nói để tạo thiện nghiệp chứ không phải bất thiện nghiệp, là tránh xa bốn loại lời nói: Vọng ngôn (nói dối), Lưỡng thiệt (nói hai lưỡi), Ác ngôn (nói lời hung dữ ác độc) và ỷ ngữ (đồn thổi, đơm đặt). Người thực hành Chánh ngữ không dùng lời nói để tạo ra các nghiệp ác như xui khiến thiên hạ đánh nhau, nói lời cay độc để người khác đau khổ, buồn rầu, đặt điều để người này ghét người khác.

Để thực hành chánh ngữ, Đức Phật dạy con người phải nghĩ chín 5 điều trước khi nói (viết), đó là:

1. Nói đúng lúc hay sai lúc ?
2. Nói thật hay nói sai sự thật ?
3. Nói lời ác độc hay nhu hòa ?
4. Nói có lợi hay có hại ?
5. Nói với từ tâm hay sân tâm ?

Tức là, trước khi nói (viết) một điều gì, chúng ta hãy:

- Xem đó có phải thời điểm thuận lợi nhất để nói (viết) không ?
- Xem điều mình sắp nói (viết) có thật không - Rất nhiều người có thói quen nói/viết sai sự thật, đến nỗi họ cũng không nhận ra là mình đang nói/viết sai sự thật (ví dụ: tôi biết chắc hay là tôi mới chỉ nghe nói thôi, tôi tận mắt nhìn thấy hay tôi mới nghe người ta kể lại, anh đó là tên ăn cắp hay cả cái làng của anh đó là tên ăn cắp).
-Xem lời mình nói (viết) ra có hợp với đối tượng người nghe (đọc) không: mục đích của mọi thứ ngôn ngữ là để truyền tải thông tin, không phải để cho sướng miệng mình và khổ lỗ tai người khác.
- Xem lời mình sắp nói (viết) có làm tình hình tốt lên không ? – Nếu nói, viết ra mà chỉ làm tình hình tệ đi thì tốt nhất là đừng nói (viết) nữa.
- Xem lời nói của mình có mục đích tốt không – Tức là tự quán chiếu mình xem mình nói vì muốn người ta tốt lên, hay để dìm họ xuống; nói để xây dựng hay mượn cớ xây dựng để nói cho hả giận; dùng lời nói để truyền tải thông tin tốt đẹp hay nói cho sướng miệng mình, nói để hướng người khác tới lẽ phải hay là miệng nói mà trong bụng thầm nhủ: „Quỷ tha ma bắt mày đi“ ?

Hiện nay, trên các trang mạng có nhan nhản những lời mang đến các thông tin dối trá, đơm đặt kích bác, chia rẽ, đâm chọc. Đó là các thông tin rác rưởi. Trong thời đại thông tin, nếu để cho các thông tin rác tràn lan, thì rất nhanh chóng tư duy của con người sẽ bị ảnh hướng do tiếp xúc với các dữ kiện sai lệch. Chúng làm con người không hiểu được nhau, là đầu mối của các bất đồng, là nguyên nhân của nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Hơn nữa, trong thời đại của thông tin mà không tiếp cận được với các thông tin "đúng" thì rất nhanh chóng, con người sẽ bị tụt hậu.

Sống trong xã hội thông tin, chúng ta có trách nhiệm bảo vệ môi trường thông tin khỏi những thứ rác rưởi như vậy và tạo cho mình một thái độ truyền thông đúng đắn: Không lan truyền các thông tin rác và tự kiểm soát thông tin mà mình đưa ra xã hội. Trước tiên, hãy cẩn trọng với những gì mình nói và viết. Dù vì bất cứ lý do gì, xin các bạn đừng vứt thêm rác vào cộng đồng.

Lời nói có thể thay đổi thế giới theo chiều hướng tốt hoặc xấu, và là con đường ngắn nhất để đi từ trái tim đến trái tim. Người viết hy vọng bài viết này có thể tạo được chút tác động tích cực đến suy nghĩ của bạn đọc về công việc truyền thông và cách vận dụng ngôn từ.


@WEGREEN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét