(TBKTSG) - Với những diễn biến phức tạp đang xảy ra trên thế giới, rất có thể, nhận xét tương tự hoặc gay gắt hơn về chủ nghĩa tư bản (CNTB) lại xuất hiện.
Trên thực tế, mô hình TBCN luôn tiến hóa và phát triển để tạo dựng cuộc sống giàu có cho nhiều cộng đồng và tiến bộ nhân loại. Nhìn vào hai thái cực là thị trường tự do ở Mỹ và xã hội thị trường ở các nước Bắc Âu cho thấy rất rõ điều này.
Mô hình thị trường tự do kiểu Mỹ
Hoa Kỳ là một hình mẫu của thị trường tự do với những trục trặc cứ lặp đi lặp lại (nhất là các cuộc khủng hoảng do sự vị kỷ của con người gây ra). Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận là nước Mỹ liên tục phát triển và khẳng định vị trí siêu cường của mình.
Nhìn suốt chiều dài lịch sử nhân loại, nhất là trong ba thế kỷ trở lại đây, Acemoglu và Robinson (trong tác phẩm Tại sao các quốc gia thất bại) cho rằng: “Có rất ít nghi ngờ rằng trong 50 năm, thậm chí 100 năm nữa, Hoa Kỳ và Tây Âu, dựa trên các thể chế kinh tế và chính trị dung nạp, sẽ giàu hơn, khả năng giàu hơn rất nhiều các nước thuộc tiểu vùng Sahara, Trung Đông, Trung Mỹ và Đông Nam Á”.
Nền kinh tế Hoa Kỳ dựa trên bốn lợi thế cơ bản gồm: kinh tế, thể chế, nguồn nhân lực và địa chính trị. Thể chế đã được thiết kế để tạo ra những cuộc đua minh bạch để cuối cùng tài năng hay các nguồn lực xã hội được khai thác và sử dụng hợp lý.
Mô hình phi tập trung với quyền tự chủ rất cao đến từng thị trấn nhỏ đã phát huy tác dụng. Các địa phương ở Mỹ luôn phải cạnh tranh quyết liệt với nhau trong điều kiện không có rào cản và ngày nay còn phải cạnh tranh với các nơi khác trên thế giới nên những quyết định hợp lý có lợi cho nhiều người vẫn thường xuyên được đưa ra thay vì hầu hết là các quyết định chỉ có lợi cho những nhóm nhỏ.
Sức cạnh tranh hay sức hút của những trung tâm kinh tế của Mỹ như Boston, New York và Silicon Valley vẫn đang hết sức mãnh liệt. Đây chính là những cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế dựa trên tri thức hàng đầu thế giới này.
Một điểm rất quan trọng khác là các tổ chức xã hội được tự do phát triển và bắt rễ rất chắc ở Mỹ. Trụ cột này có vai trò hết sức quan trọng trong xã hội Mỹ. Các hoạt động từ thiện, vì cộng đồng ở Mỹ rất đa dạng. Chỉ riêng số tiền đóng góp theo kiểu mạnh thường quân đã vào khoảng 2% GDP (gấp gần hai lần GDP của Việt Nam). Những nhà đại tư bản như Bill Gates, Warren Buffett và Mark Zuckerberg đã hiến phần lớn tài sản của mình cho xã hội.
Tư hữu là động lực phát triển của xã hội. Những nhà đại tư bản giàu có ở nước Mỹ hay trên thế giới có được những giá trị tài sản khổng lồ là nhờ việc tạo ra một giá trị lớn hơn rất nhiều cho nhân loại chứ không phải đi bóc lột của người khác. Hơn thế, họ đang dùng tài sản của mình để có những việc làm thiết thực cho sự phát triển của xã hội chứ không phải chỉ giữ khư khư cho mình.
Tuy nhiên, nền chính trị Hoa Kỳ hiện đang có vấn đề rất nghiêm trọng như Yasheng Huang đã phân tích: “Nền chính trị tiền bạc ở Mỹ là một vấn đề rất lớn và quả thật nó đang khiến cho chế độ như một cỗ máy hỏng nặng, không còn vận hành trơn tru... Nó hỏng hóc chính là vì về cơ bản nó đối nghịch với dân chủ. Nền chính trị tiền bạc là hình thái lệch lạc của dân chủ. Nó phá hoại và làm mất giá trị một trụ cột chuẩn mực của dân chủ - một người một phiếu”.
Thêm vào đó, bất bình đẳng gia tăng cũng là một vấn đề nghiêm trọng khác của Mỹ. Những người giàu đang có được phần nhiều hơn trong miếng bánh xã hội. 1% số người có thu nhập cao nhất của Mỹ chiếm đến 18,3% tổng thu nhập; và trong giai đoạn 2009-2012, thu nhập của nhóm này tăng đến 31%, trong khi 99% còn lại chỉ tăng 1% và 90% thu nhập bị giảm.
Sự giằng co trong các vấn đề liên quan đến luật bảo hiểm y tế mới của Mỹ mà nó có lợi cho hầu hết người nghèo hay sự cực đoan đến mức đề xuất cấm cửa những người theo đạo Hồi ở Mỹ của ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 sắp tới cho thấy những vấn đề của nước Mỹ.
Mô hình các nước Bắc Âu
Chỉ có khoảng 25 triệu người nằm ở các rẻo đất hẹp, nhưng mô hình nhà nước phúc lợi ở các nước Bắc Âu rất được chú ý. Trong gần như tất cả các xếp hạng về mức độ phát triển của các quốc gia trên thế giới, nhìn chung họ đều thuộc nhóm có vị thứ cao nhất.
Nghiên cứu vào năm 2007 của Viện Nghiên cứu kinh tế Phần Lan đã chỉ ra rằng: “So sánh một cách tổng thể với các nước khác, các nước Bắc Âu tốt hơn khi kết hợp hiệu quả kinh tế và tăng trưởng với thị trường lao động nhân bản, phân phối thu nhập công bằng và cố kết xã hội. Mô hình này tạo ra nguồn cảm hứng cho nhiều người tìm kiếm một hệ thống kinh tế - xã hội tốt hơn... Ở chiều ngược lại, điều làm cho nhiều người ngạc nhiên là tại sao các nước Bắc Âu có thể trở nên thịnh vượng và tăng trưởng tốt với các khuyến khích kinh tế được xem là yếu đi cùng với thuế suất rất cao, một hệ thống an sinh xã hội hào phóng và chế độ phân phối bình quân”.
Theo logic thông thường, sưu cao thuế nặng (khoảng 50%) sẽ làm giảm động cơ làm việc của người lao động và phúc lợi xã hội cao mà không phải làm gì khiến người ta lười hơn. Tuy nhiên, người dân ở các nước Bắc Âu vẫn chăm chỉ làm việc để đưa quốc gia của họ đi đến phồn vinh. Các khoản thuế đang được sử dụng rất hiệu quả tạo ra một hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội hào phóng. Dường như chủ nghĩa tư bản vị kỷ và chủ nghĩa xã hội vị tha đang tồn tại ở đó.
Chính sách mỗi nước là rất khác nhau, nhưng tựu trung, có năm yếu tố then chốt tao ra sự thành công của các nước Bắc Âu gồm:
Thứ nhất, tuân thủ các quy luật của thị trường tự do. Trường phái ủng hộ thị trường tự do luôn có những vị trí quan trọng trong chính phủ. Sự phân bổ nguồn lực theo các quy luật của thị trường được tận dụng tối đa, các doanh nghiệp tư nhân có quyền cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung cấp của chính phủ.
Thứ hai, trọng dụng nhân tài. Ví dụ, ngay từ năm 1840, Thụy Điển đã bãi bỏ các ưu tiên cho tầng lớp quý tộc vào các chức danh của nhà nước và tạo ra một dịch vụ dân sự trọng dụng người tài và không có tham nhũng. Rất nhiều người tài đã vào làm việc tại khu vực công ở các nước này và đây được xem là vinh hạnh của họ.
Thứ ba, tính thực tế và ý chí sắt đá là nền tảng tạo ra một chính phủ minh bạch và trung thực. Khi phát hiện ra trục trặc thì cả hệ thống chính trị đã được huy động để tìm giải pháp và điều chỉnh sao cho hợp lý hơn. Các đồng thuận mới có thể thay thế những nguyên tắc cũ kỹ, lỗi thời một cách dễ dàng. Kết quả, mô hình phát triển luôn được điều chỉnh và cập nhật.
Thứ tư, vốn xã hội làm giảm chi phí giao dịch. Sự kết hợp của địa lý và lịch sử đã tạo ra hai nguồn vốn cực kỳ quan trọng trong xã hội đó là sự tin tưởng vào người lạ và niềm tin vào các quyền tự do cá nhân. Đây là vốn xã hội rất quý mà nó giúp giảm thiểu đáng kể các chi phí giao dịch - một rào cản rất lớn làm giảm hiệu quả kinh tế.
Thứ năm, tự chủ cá nhân là một trong những yếu tố then chốt. Sự kết hợp của một quy mô nhà nước lớn với chủ nghĩa cá nhân có vẻ gì đó phi lý đối với nhiều người, nhưng ở các nước Bắc Âu lại không phải là vấn đề lớn. Người dân ở đó cho rằng vai trò của chính phủ là thúc đẩy quyền tự chủ cá nhân và sự vận động của xã hội. Mỗi người được đeo đuổi những mục tiêu ưa thích của mình và không bị ràng buộc hay phụ thuộc vào người khác.
Công thức thành công của các nước Bắc Âu không có gì là bí mật. Tôn trọng các quy luật của thị trường tự do, tôn trọng tự do của các cá nhân và một nhà nước hữu hiệu vì lợi ích của người dân là chìa khóa thành công. Tuy nhiên mô hình này rất khó bắt chước. Hơn thế, mô hình này hiện đang gặp nhiều thách thức với tiến trình toàn cầu hóa, người nhập cư gia tăng làm cho tính đồng nhất trong xã hội ở các nước này giảm đi.
Tóm lại, CNTB đang vận động và tiến hóa để tạo dựng những xã hội hay cộng đồng ngày một văn minh và nhân văn hơn. Tư hữu là động lực của sự phát triển và tiến bộ nhân loại. Do vậy, để có thể trở nên phát triển, Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề này một cách biện chứng.
http://www.thesaigontimes.vn/140774/Can-nhin-nhan-mot-cach-bien-chung-ve-chu-nghia-tu-ban.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét