Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

BÍ QUYẾT CHINH PHỤC CON ĐƯỜNG TRIẾT HỌC

Hoạt động trong lĩnh vực triết học cũng giống như hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học vậy. Mục đích cuối cùng cũng chỉ nhằm giải quyết các vấn đề mà thực tiễn cuộc sống của bản thân ta-thế giới đặt ra.

Vậy nên có nhiều người, họ có lý khi chỉ coi hoạt động nghiên cứu triết học cũng giống như mọi công việc xã hội khác, là nhằm để được xã hội trả công. Thực hiện nhiệm vụ xã hội "đặt hàng" và được trả công. Sinh ra vì lý do gì thì chết đi cũng chỉ vì lý do đó. "Tiền trao cháo múc", kết thúc hoạt động. Tất cả những gì trang bị thường chỉ là tạm bợ. Chỉ còn lại những người thật sự biết trân trọng sự sống hơn tất cả mới dám liều mình đi theo con đường chiêm nghiệm triết học, còn những người "ham sống sợ chết" thì chỉ mong muốn lợi dụng những thành quả đạt được của nó ở những mức độ nhất định.

Các triết gia, cũng giống như các nhà khoa học vĩ đại, họ coi hoạt động của mình là mục đích chứ không phải là phương tiện; xuất phát từ mục đích bên trong chứ không phải mục đích bên ngoài. Họ giải quyết vấn đề với một tố chất nội tâm "ưa mạo hiểm" và "chinh phục"; vì vấn đề thách thức lương tâm-lương tri họ hơn là vì những gì ở phía cuối con đường đang thôi thúc dục vọng của họ.

Tuy nhiên, dù là vĩ đại hay không thì trong khoa học (triết học), đòi hỏi đầu tiên là phải xác định-định hình được vấn đề cần giải quyết; cần phải biết được những người đi trước mình đã giải quyết vấn đề đó như thế nào. Nếu những người đi trước đã giải quyết triệt để được vấn đề thì coi như vấn đề ban đầu đặt ra của nhà khoa học (triết học) đã được hoàn thành. Việc còn lại của họ là đánh giá (phê phán, bổ sung những hạn chế và phát triển theo những dữ liệu mới của hiện thực cuộc sống) và lựa chọn những giải pháp hiệu quả, đem vận dụng giải quyết vấn đề cuộc sống của chính bản thân. "Nói thì dễ, làm mới khó". Bởi vì sao? Bởi vì để biết được những người trước mình đã giải quyết vấn đề như thế nào thì ta sẽ phải trải qua rất nhiều các "rào cản": rào cản về ngôn ngữ, rào cản bởi nguy cơ lạc giữa ma trận của "tam sao thất bản", rào cản về phương pháp tiếp cận đặc thù của các triết gia, rào cản về phương pháp đánh giá (phân tích-tổng hợp) tư tưởng, rào cản về khả năng hữu hạn của bản thân (khả năng tìm kiếm tài liệu, khả năng đọc, khả năng xử lý...). "Mọi con đường đều dẫn tới thành Rome". Muốn nắm được tư tưởng giải quyết của các triết gia thì mọi con đường ta phải đi tới đọc và hiểu được nội dung tư tưởng các tác phẩm gốc của các triết gia. Không bắt buộc là của mọi triết gia, quan trọng là những triết gia đã từng giải quyết tương đối thành công đối với vấn đề mà ta đang phải đối diện. Trên con đường đó, có những lúc ta cần phải đi nhanh hơn nếu có thể, và tất nhiên cũng có những lúc ta cần phải lùi lại để trang bị thêm cho cuộc hành trình.

Cuối cùng, biết phương pháp là một chuyện, quan trọng còn lại là có đủ năng lượng và động lực trên suốt hành trình chinh phục, vượt qua các trướng ngại. Hành đạo cần phải có 'căn duyên' là vậy. Sinh ra vì lý do gì thì nguy cơ chết đi cũng chỉ vì lý do đó.
***
["Muốn đi xa, phải đi từ từ"]

["Nếu muốn đi thật nhanh thì hãy đi một mình. Nếu muốn đi thật xa thì hãy đi cùng nhau."_ Warren Buffett]

["Thành công là một hành trình chứ không phải đích đến"]

- Nguyễn Văn Bắc -

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét