Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Người Tàu là tổ tiên của người Việt?

Người Tàu là tổ tiên của người Việt? Hay con ngáo ộp do chính chúng ta dựng lên?
(bài này có vài từ e là động chạm, vui lòng cân nhắc trước khi xem)
Câu hỏi day dứt nhiều người Việt: người Việt là người Việt hay là người Trung Quốc lai? Và nhiều người cố đi tìm bằng chứng để chứng minh rằng người Việt hiện đại là tộc người khác người Tàu, với bộ gien di truyền khác người Trung Quốc. Hay thậm chí người Trung Quốc cũng do người Việt/Đông Nam Á di cư lên. Câu hỏi là gien di truyền có tác động như thế nào lên gien văn hóa? Không phủ nhận tác động của gien lên văn hóa, một số tính trạng văn hóa có thể chịu tác động từ tận gien di truyền. Nhưng, theo tôi, gien không phải tất cả: Phó thủ tướng Đức Philipp Rösler về mặt gien di truyền là người Việt 100% nhưng có lẽ gien văn hóa của ông thì không. Ông ta không phải người Việt.
Về mặt nhân chủng học, có thể chắc chắn một điều người Trung Quốc (trước khi có sự xâm nhập của người phía Bắc sông Trường Giang) ở phía nam sông Trường Giang, đặc biệt càng gần vùng Đông Nam Á, là chủng người khác người phía Bắc sông Trường Giang, thể hiện qua: ngôn ngữ, vóc dáng, văn hóa. Người Việt và các tộc người Đông Nam Á bao trùm cả một vùng rộng lớn: phía Tây giáp Ấn Độ, phía Bắc giáp sông Trường Giang, phía Đông các quần đảo nằm giữa Thái Bình Dương, phía Nam giáp qua Châu Úc. Và các tộc người này có sự giao lưu, trao đổi gien di truyền từ rất sớm, có thể lên đến 10.000 TCn. Họ cũng có nền văn minh, văn hóa riêng như về nông nghiệp, thuần dưỡng cây trồng vật nuôi (lúa nước, trâu, gà, lợn…) về kỹ thuật, làm chủ công nghệ đúc đồng và kỹ thuật đi biển dài ngày…
Thế nhưng, chính người Trung Quốc phía bắc Trường Giang mới là người đem đến các kỹ thuật tiến bộ hơn hẳn người Việt ở phía nam Trường Giang, qua các phương diện như về kỹ thuật như kỹ thuật làm đồ sắt, các kỹ thuật canh tác mới trên cây trồng, một số loại cây trồng mới,… và đặc biệt là phương thức tổ chức đời sống chính trị - xã hội: hệ thống chính trị Nho giáo tỏ ra đặc biệt chiếm ưu thế, điều này chứng tỏ qua sức mạnh của Nhà Lý-Trần dần dần chiến thắng người Chiêm Thành.
Nói chung, phải thừa nhận một điều, giữa các chủng người và các nền văn hóa này có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa cũng như trao đổi gien.
Quá trình người Trung Quốc xâm chiếm vùng đất phía nam sông Trường Giang cũng là quá trình tiếp biến văn hóa, trao đổi hệ gien giữa hai tộc người, điều này đặc biệt thể hiện rõ ở người Việt so với các người anh em còn lại trong cộng đồng chủng người Đông Nam Á.
Trên hết, về tiếp biến văn hóa, người Việt đã tiếp nhận rất nhiều yếu tố văn hóa Trung Quốc, phía bắc sông Trường Giang. Người Việt giống người Trung Quốc hơn chúng ta tưởng, nhiều thói xấu như ăn tục nói phét, ồn ào, bẩn thỉu, xả rác bừa bãi, chịu thân phận nô lệ trước bọn quan quyền, cần có một ông vua,… chỉ cần đổi tên cuốn sách “Người Trung Quốc xấu xí” thành “Người Việt xấu xí” là giống y chóc.
Trên hết, sao chúng ta thù ghét người Trung Quốc đến vậy? Vì Trung Quốc xâm lược? Chúng ta cũng xâm lược nước người Chăm và vùng đất Tây nguyên của người Thượng. Chúng ta phải trước hết trách chính mình khi tự mình làm mình yếu để ngoại bang đô hộ. Hay do người Trung Quốc đầu độc chúng ta bằng thực phẩm bẩn? Nhưng ai là người nhập và bán các thực phẩm bẩn đó cho người Việt, ngoại trừ chính người Việt? Hay do người Trung Quốc xuất khẩu hệ thống chính trị vào Việt Nam? Chẳng phải chúng ta vẫn dung dưỡng bọn đã nhập khẩu hệ thống đó vào Việt Nam hay sao, nếu ta không dung dưỡng liệu người Trung Quốc có thể làm gì?
Chúng ta, bởi chủ nghĩa dân tộc mù quáng, đã tự bịt mắt chính mình, hả hê với những tin tức kiểu: môi trường Trung Quốc ô nhiễm, nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ, Trung Quốc bị ghét bỏ,… nhưng không thấy chính bản thân mình không khác gì Trung Quốc, mà còn tệ hại hơn Trung Quốc.
Trung Quốc ngày nay là cường quốc thứ hai thế giới, dù gì, và đang tăng tốc phát triển về khoa học công nghệ, những thành tựu mà người phương Tây cũng phải kính nể phần nào.
Hãy bỏ các ảo tưởng do tự minh chuốc lấy điiii.
Nếu có căm ghét thì hãy căm ghét chính những kẻ “đồng bào” mà làm hại chính đồng bào mình.
Người Việt căm thù người Trung Quốc, chính là bởi người Việt sợ hãi người Trung Quốc, một thái độ tư ti yếm thế, khiếp nhược đang lan tràn trong cộng đồng
Thay vì tẩy chay mù quáng thì hãy cúi đầu học hỏi, chỉ thế may ra cái dân tộc thừa thãi này mới có cơ ngẩng mặt lên mà thôi
________________________________
Người Tàu là tổ tiên của người Việt?
Tôi nghĩ nhiều người Việt nghĩ như thế: tổ tiên chúng ta (người Việt) là người Tàu. Họ không hẳn là thuộc nhóm "thân Tàu" hay Lê Chiêu Thống hiện đại đâu, mà có thể là những người có tinh thần dân tộc tốt và có học thức khá. Nhưng chứng cứ khoa học mới nhất cho thấy ngược lại: Người Tàu có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Có thể nhiều bạn cảm thấy sốc với phát biểu đó, nhưng đó chính là bằng chứng về di truyền học chứ không phải của cá nhân tôi. Xin nhắc lại để nhấn mạnh: Người Đông Nam Á là tổ tiên của người Tàu.
Hôm kia, khi bàn về Tố Hữu là nhà văn hoá dân tộc, có một bạn đọc gửi tôi một bài thơ của thi sĩ này. Bài thơ có tựa đề là "Nhớ người chị phương Bắc" do Tố Hữu viết vào năm 1946 để ca tụng giặc Tàu. Bài thơ chẳng có gì đặc sắc, nhưng có những câu làm tôi chú ý và do đó làm động cơ để viết cái note này:
"Cả Trung Hoa đứng dậy thét vang lừng
và Nam Việt em cũng nghe chừng nôn nả
Chị đây rồi Trung Hoa người chị cả
Mấy nghìn năm Đông Á mái che chung
Mà biên cương không xé được đôi lòng ...
...
Trong máu em có dòng máu của chị
Núi sông em rên siết đã bao lần
Dưới vó ngựa bạo tàn quân Nguyên
Những lúc ấy chị cũng đau lòng huyết thống"
Phải công nhận là một cây bút nịnh bợ có hạng, mà Lê Chiêu Thống nếu có sống lại chắc phải chào thua. Thi sĩ tự nhận Việt Nam là "em", còn Tàu là "chị". Em có sau, chị có trước. Vì nhận chị em như thế, nên ông xem hai dân tộc này có cùng huyết thống. Tuy Tố Hữu không viết ra, nhưng tôi đoán rằng trong đầu ông lúc đó nghĩ rằng người Tàu là tổ tiên của ông, của người Việt.
Nhưng công bằng mà nói, ông không phải là người đầu tiên nhận bừa như thế (nếu có), nhiều người Việt Nam cũng tự nhận một cách thành kính rằng họ có nguồn gốc từ người Tàu. Chẳng hạn như mấy năm trước có một cô tên là Đỗ Ngọc Bích viết một bài mà trong đó có câu “Người dân Việt Nam bắt nguồn từ Trung Quốc, Vua của Việt Nam cũng khởi tổ từ người Trung Quốc, coi vua Trung Quốc như anh như cha… từ Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, hay Lý Công Uẩn, rồi các gia tộc họ Trần, Lê, Nguyễn, v.v…”
Nhưng đó là một nhận định chủ quan, thiếu chứng cứ khoa học. Chứng cứ khoa học thuyết phục nhất là gen, là chất liệu di truyền. Đã có nhiều nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc và văn minh Đông Nam Á, và tôi có lần tổng kết trong một bài báo cũng khá lâu rồi. Một trong những tác giả đi tiên phong về lĩnh vực nghiên cứu này là Bác sĩ Stephen Oppenheimer, người Anh và nay làm việc ở ĐH Oxford (sau này là chỗ quen biết của tôi). Trong cuốn sách nổi tiếng "Eden in the East: The Drowned Continent of Southeast Asia" (tạm dịch là "Địa đàng ở phương Đông: Lục địa chìm đắm của Đông Nam Á) (1), qua những dữ liệu dồi dào được thu thập một cách công phu từ nhiều ngành nghiên cứu khác nhau, Oppenheimer đi đến kết luận rằng Đông Nam Á là cội nguồn của văn minh hiện đại, và người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Tàu. Đó là một thách thức ghê gớm với quan điểm chính thống, nhưng cho đến nay khó ai có thể bác bỏ dữ liệu của Oppenheimer.
Gần đây, một nghiên cứu hết sức công phu về nguồn gốc dân tộc chứng minh rằng nhận định của Oppenheimer có thể đúng. Đó là công trình nghiên cứu qui mô lớn gọi là HUGO Pan Asian SNP Consortium công bố trên tập san Science (2) người Đông Á có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Nghiên cứu này phân tích khoảng 50,000 SNP trên 2000 người thuộc 73 sắc tộc, và họ đi đến kết luận:
• Người Đông Á và Đông Nam Á có cùng nguồn gốc;
• Người Đông Á chủ yếu xuất phát từ cư dân vùng Đông Nam Á.
Xin nhắc lại Đông Á ở đây là Tàu, Hàn Quốc, Mông Cổ, và có thể kể cả Nhật. Nên nhớ rằng ngày xưa không có người Thái, Việt, Mã Lai, v.v. mà chỉ có Đông Nam Á nói chung. Do đó, nói Đông Nam Á ở đây tôi muốn nói đến người Thái, Mon-Khmer, Tạng-Miến, Mã Lai, hay gọi chung là Bách Việt.
Đây là một nghiên cứu có thể nói là "final say" - lời phát biểu sau cùng về nguồn gốc dân tộc. Thật ra, trước đó cũng đã có một vài nghiên cứu cho thấy người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Đông Á. Dĩ nhiên, cũng có nghiên cứu cho thấy kết quả ngược lại, nhưng do phương pháp chưa tốt nên cũng khó thuyết phục. Tôi thì thấy chứng cứ trên (Đông Nam Á có trước Đông Á) rất thuyết phục. Thuyết phục là vì nhiều dữ liệu ngoài di truyền cũng cho thấy Đông Nam Á là một trung tâm văn minh thế giới cổ.
Trước hết, hãy nói về trồng lúa nước. Nhiều sách vở Việt Nam (và thế giới) cho rằng Tàu là dân tộc đầu tiên thuần hoá và phát triển kĩ thuật trồng lúa nước. Sách sử Tàu còn viết rằng mấy quan thái thú Tàu như Nhâm Viên và Tích Quang dạy người Việt làm lúa nước (3). Nhưng bây giờ thì chúng ta biết rằng quan điểm này SAI. Người Đông Nam Á mới chính là chủ nhân của kĩ thuật này. Hạt lúa lâu đời nhất được tìm thấy trong một hang động ở Thái Lan. Điều này có lí vì nghề trồng lúa nước đòi hỏi người dân phải nắm vững và thích nghi với thời tiết, môi trường sông nước, rất thích hợp với người Đông Nam Á.
Thứ hai là thuần hoá gia cầm. Nghiên cứu di truyền gần đây cho thấy tất cả các loài gia cầm như gà, chó, heo, v.v. trên thế giới đều có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Trong cuốn “Origin of species”, Darwin cũng từng khẳng định rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới đều có nguồn gốc từ gà rừng Đông Nam Á. Trong một bài viết cho Tập san National Geographic, W. G. Solheim II nhận xét rằng Đông Nam Á là nơi phát triển nền chăn nuôi đầu tiên trên trái đất. Điều này phù hợp với giả thuyết Đông Nam Á là một cái nôi văn minh nông nghiệp đầu tiên của con người, và cư dân tại đây rất là những người phát minh ra kĩ thuật trồng lúa nước, chăn nuôi, và truyền các kĩ thuật này lên phía Bắc (tức miền Nam của Tàu ngày nay).
Câu chuyện người Đông Nam Á là tổ tiên người Đông Á khá dài dòng và phức tạp, nên tôi hẹn các bạn một bài sau để nói chi tiết hơn. Câu chuyện chúng ta nói ở đây xảy ra gần 10 ngàn năm trước, và xảy ra trong bối cảnh di dân từ Phi châu. Nói tóm lại, một nghiên cứu mới nhất và qui mô lớn nhất công bố trên Science cho thấy người Đông Nam Á chính là tổ tiên của người Đông Á, kể cả người Tàu. Phát hiện này giúp chúng ta suy nghĩ lại nguồn gốc dân tộc, mà cũng khẳng định câu của Nguyễn Trãi
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cỏi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Đúng quá!
Nghiên cứu mới nhất công bố trên Science và lời Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi còn là một lời nhắc nhở cho những ai còn ảo tưởng rằng tổ tiên của chúng ta là người Tàu.
=====
(1) Cuốn sách "Eden in the East" do tôi giới thiệu lần đầu ở VN khoảng 10 năm trước, và đã được dịch sang tiếng Việt. Tôi có viết lời giới thiệu cho cuốn sách ở đây: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/dia-dang-o-phuong-dong
(3) Sách Hậu Hán thư (tức sử của Trung Quốc) chép: "Phàm đất thuộc bộ Giao Chỉ, tuy đã đặt quận, huyện, nhập vào lãnh thổ Trung Quốc, nhưng ngôn ngữ vẫn khác nhau, phải có thông ngôn mới hiểu. Người như cầm thú, không phân biệt trưởng ấu (tức không có tôn ti trật tự), búi tóc ở gáy, đi chân không, lấy vải quấn qua đầu làm áo. Sau đó những người tội phạm Trung Quốc đến ở lẫn với họ, mới biết ngôn ngữ dần dần thấy hóa theo lễ. Đến thời Quang Vũ Trung Hung, Tích Quang làm thái thú Giao Chỉ, Nhâm Diên làm thái thú Cử Chân, bấy giờ mới dạy cho dân biết cày cấy, biết đội mũ đi giày, đặt mối lái, dân mới biết hôn nhân, dựng học hiệu dạy lễ nghĩa …"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét