Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

Cái Lý Cái Tình



Cái Lý Cái Tình



Con người thường hay nói: làm chuyện gì cũng phải cho hợp lý hợp tình thì mới được kết quả tốt đẹp. Cái Lý thuộc về sự hoạt động của trí óc, cái Tình thuộc về sự rung động của con tim.Người sống nhiều theo tiếng gọi của con tim thường bị chê là con nguời đa cảm đa tình giống như một vị quân vương nước Anh ngày xưa đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để sống với người yêu là một bà đã ly dị chồng.  Người sống nhiều theo những suy luận của trí óc lại được khen là con người có lý trí giống như Huyền Trân Công Chúa đã hy sinh tình cảm cá nhân của mình để đổi lây châu Ô châu Lý ngày xưa.
Mỗi sự chọn lựa đều có giá trị riêng của nó tùy theo hoàn cảnh tình lý riêng của mỗi vấn đề, quan điểm riêng của mỗi cá nhân đương sự cho nên không thể nói rằng ai đáng trách hay ai đáng khen nếu ta không phải là người trong cuộc.
Bây giờ sống trên đất Mỹ, nếu bạn sợ trể hẹn với “người yêu bé nhỏ” của bạn, nên phóng xe nhanh với tốc độ 100 miles trên xa lộ để có thể đến điểm hẹn đúng giờ, chẳng may gặp ông cảnh sát lưu thông thì chắc chắn rằng bạn sẽ nhận một ticket phạt xe chạy quá tốc độ chớ không thể cải lý rằng bạn đã sống hết mình với tình cảm yêu đương với ngưười yêu bé nhỏ của bạn nên xin được miễn phạt!? Ở đây cái Tình phải nhường chỗ cho cái Lý là bạn phải “thượng tôn luật pháp ” trước đã rồi bạn muốn tả tình , tả oán với người yêu của bạn thế nào cũng được sau này !
Ngày xưa nếu bạn sống ở Việt Nam vào một hai thế hệ về trước và bạn lại là một tiểu thơ đài các và được giáo dục là chuyện hôn nhân của con cái là do cha mẹ quyết định sao cho hợp với gia phong, môn đăng hộ đối, thì dù bạn đã thề non hẹn biển với chàng sinh viên ở trọ cạnh nhà bạn thì bạn cũng đành phải cúi đầu vâng lệnh song đường lên xe hoa để “theo những cô áo đỏ” sang….nhà một ông bác sĩ hay một ông kỷ sư mà bạn chưa hề biết mặt biết tên vì ông ấy là “quý tử” của ông bạn của bố mình!! Ở đây cái Lý đã thắng cái Tình vì bạn nghỉ rằng cha mẹ lúc nào cũng thương yêu mình và biết nghe lời cha mẹ là hiếu để, là hợp lý!!
Tuy nhiên ở đời không có cái gì là hoàn toàn tuyệt đối cả, ngay cả luật pháp đôi khi còn có những kẻ hở để cho kẻ gian lợi dụng để thủ lợi hay chạy tội, cho nên vấn đề Tình Lý cũng không có giá trị đúng sai tuyệt đối trong những chuyện bình thường của đời sống hằng ngày của chúng ta vì quan diểm của mỗi người khác nhau, chưa biết rằng ai là đúng, ai là sai khi người viết chợt nhớ đến một câu nói đầy dí dỏm nhưng lại đầy ý nghĩa như sau “Bên kia cầu Công lý đã khác ” tùy theo giọng nói và cách nói của mình khi nói lên câu nói đó!!
Có một điều người viết vẫn nhớ là ông bà ta đã dạy: “ Một trăm cái Lý không bằng một tí cái Tình ” khi giao tế xử sự với mọi người trong xã hội. Có nhiều người trong xã hội này thích dùng chữ “PHẢI” nhiều hơn chữ “CẦN” nên thế giới này vẫn triền miên trong đau khổ.  Nếu chúng ta có thể thay thế được những câu: “Tôi phải chiến thắng, tôi phải giàu sang, tôi phải”.. bằng những câu “Tôi cần an bình, tôi cần thương mến, tôi cần”, thì thế giới này sẽ thiên đàng hạnh phúc !!
 Bạn là những người đã có những kỷ niệm vui buồn của  một thời đã qua .  Bạn là những người trẻ được sinh ra nơi đất Việt nhưng lớn lên nơi xứ lạ.  Bạn đã làm được gì cho quê hương đất nước trong quá khứ?  Bây giờ chúng ta không thể ngồi trách mắng, đổ lỗi cho nhau vì quá khứ đã qua rồi.  Hiện tại là chúng ta có may mắn được sống ở một nơi mà tự do và nhân phẩm con người đưọc tôn trọng, vây thì những viêc làm hướng về tương lại cuả bạn sẽ như thế nào đây?
Câu chuyện Tình Lý là những chuyện bình thuờng trong đời sống nhân thế. Con người vẫn muôn đời cố gắng xử sự, quyết định sao cho các sinh hoạt trong đời sống của mình được hợp tình hợp lý với Thiện Tâm và Nhân Ái. Mùa Xuân đã đến, Ngày của Cha và của Mẹ sẽ đê’n, chúng ta sẽ cho và sẽ nhận nhiều món quà,nhưng món quà Tình cảm và Yêu Thương vần là món quà quan trọng mà mọi người đều mong ước đón nhận nhất bên trong món quà vật chất đang được trưng bày và mở ra trong những ngày quan trọng này.
Xin mượn bốn câu thơ dưới đây làm kết luận cho bài viết những chuyện bình thường Tình Lý này:
Xin chúc Bạn: Thiện tâm luôn tinh tấn 
Xin nguyện cầu: Nhân Ái trải muôn phương
Để mọi người sống An Lạc, Yêu Thương !
Thì trần thế sẽ thiên đàng, hạnh phúc!!
Sương Lam
https://suonglamportland.wordpress.com/2011/11/21/cai-ly-cai-tinh/

Nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống coi trọng tình nghĩa


Dân tộc Việt Nam là dân tộc coi trọng tình nghĩa, không thích xích mích và luôn muốn biến to thành nhỏ, biến nhỏ thành không để các mối quan hệ được vững bền. Vì thế, từ xưa, các cụ đã có câu lưu truyền cho con cháu “Dĩ hoà vi quý” và “Một trăm cái lí không bằng một tí cái tình”. Quan niệm sống đó không chỉ có mặt tích cực mà vẫn có mặt tiêu cực tồn tại.
Dĩ hòa vi quý: lấy sự hòa thuận làm điều quý

Một trăm cái lí không bằng một tí cái tình: “lí”: lẽ phải, lí lẽ, nguyên tắc ứng xử giữa người với người được xác định bằng hệ thống pháp luật nhất định; “tình”: tình cảm, tình nghĩa giữa người với người trong cuộc sống. Tình nghĩa giữa người với người cao hơn lí lẽ, dù có sai thì nghĩ đến cái tình mà bỏ qua.
Cả hai quan niệm trên đều coi trọng vai trò của tình nghĩa, sự hoà thuận trong đời sống. Quan niệm này đã ăn sâu vào máu mỗi người Việt, tạo nên bản sắc riêng trong tính cách của cộng đồng người Việt nhưng cũng đồng thời gây ra nhiều tiêu cực, khó khăn, đặc biệt trong thời kì xây dựng pháp trị - sống và làm việc theo pháp luật. 
Người Việt ta có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ nói đến “tình”. Tình thân máu mủ thì có câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”; tình hàng xóm: hàng xóm tối lửa tắt đèn; bán anh em xa mua láng giềng gần; Tình thầy trò: Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy; Nhất tự vi sư, bán tự vi sư…Tình cảm giữa người với người tạo nên cung cách ứng xử coi trọng người lớn tuổi, coi trọng an hem thân thiết, coi trọng hàng xóm

Một người vi phạm giao thông, khi bị bắt, luôn có câu : Anh tha cho em lần này, đây là lần đầu em vi phạm. Có những người còn hăm dọa: Chú tao/ Anh tao/ Bác tao…làm chức a,b,c to lắm…Tại sao khi vi phạm, không chấp nhận bị xử phạt mà lại có lời xin hoặc đe dọa cậy quyền như thế? Xin xỏ chính là một trong những hệ quả của “cái tình”. Các cụ xưa cũng có câu “Một người làm quan cả họ được nhờ”, anh em họ hàng luôn được ưu tiên làm việc cho xong trước (ở cơ quan hành chính), được khám trước mà không cần xếp hàng, hẹn lịch (ở bệnh viện, phòng khám), …khiến làm việc không thể công minh, hay sai phạm pháp luật. 

Rồi chính chữ “tình” ấy khiến cho nhiều người làm việc cả nể, không dám hành động dứt khoát, nương tay với người thân, sợ bị chỉ trích không có tình nghĩa, không coi trọng tình thân, lâu dần dễ trở nên hèn nhát, dễ bị lợi dụng bởi tính cả nể. 

Quá coi trọng chữ tình sẽ khiến cho xã hội bị đảo lộn, người vi phạm pháp luật gia tăng, nạn đi cửa sau, xin xỏ, các cá nhân làm việc không công tư phân minh. 
Nhưng nếu làm gì cũng không nghĩ đến chữ tình, làm gì cũng chỉ vin vào luật thì làm gì cũng cứng ngắc, con người sẽ giống cỗ máy hơn là sinh vật biết đến tình cảm. 
Như lần trước tôi đọc báo, thấy có cô gái trẻ ăn trộm quần áo, bị chủ cửa hàng đem lột đồ, chửi bới làm nhục giữa chợ; hay đứa bé trộm sách trong cửa hàng, bị chủ cửa hàng bắt được liền bắt quỳ giữa cửa hàng đeo tấm biển: Tôi là kẻ trộm. Khi người ta không đối xử với nhau bằng chữ tình, chỉ muốn trừng phạt thẳng tay kẻ gây ra bất lợi cho mình, ta thấy người đối xử với người không khác gì những con thú khác đàn giành mồi. 

Hoặc có trường hợp người cha giết con, nếu chỉ vin theo luật pháp thì người cha kia chắc chắn sẽ bị xử tử hình. Nhưng xét trên góc độ tình người, những người xử án tra ra được nguyên do hành động của ông bố là bởi ngăn thằng con trai bất trị lâu nay chuyên trộm cắp, cướp giật lấy tiền hút chích, còn đánh cả mẹ, bà. Trong lần ngăn cản con đánh mẹ, đánh vợ, uy hiếp đòi giết cả nhà, ông bố đã buộc phải giết đứa con. Người cha sau đó được tất cả dân làng kí đơn xin giảm nhẹ tình tiết và bị tuyên án giảm. Luật pháp cũng xây dựng để phục vụ con người, làm cho cuộc sống con người tốt hơn. Chính vì vậy, luật pháp là quan trọng để giữ gìn trật tự, bảo đảm an toàn, công bằng cho cuộc sống mỗi người, nhưng cái đích cuối cùng cũng chính là để tạo ra môi trường sống hoà thuận, giàu tình cảm, tình nghĩa, thân thiện giữa người với người, tất cả mọi người sống yêu thương, đoàn kết thành một khối bền vững.

Giữa cuộc sống hiện đại, con người ngày càng bộn bề, lo toan nhiều thứ, công việc chiếm đa số thời gian, vậy nên khoảng để mỗi người củng cố tình cảm với gia đình, người thân, hàng xóm, bạn bè ngày càng ít đi. Còn đâu cảnh khi hàng xóm có chuyện là cả khu xóm kéo đến giúp đỡ, hỏi thăm, tối tối đưa trẻ con sang nhà nhau nói chuyện. Giờ nhà nào cũng đóng cửa im lìm, có chuyện gì là chỉ báo công an, gọi cứu thương, mọi chuyện có thể tốt hơn nếu lúc ấy có người hàng xóm phát hiện kịp thời. Chúng ta càng lúc càng thấy được ý nghĩa của những câu tục ngữ người xưa truyền dạy. 

Cả luật pháp và cái tình đều quan trọng, chúng ta cần phải biết cân bằng cả hai để cuộc sống xã hội trở nên văn minh theo đúng nghĩa của nó. 

http://butnghien.com/nhan-thuc-ve-nhung-mat-tich-cuc-va-tieu-cuc-cua-loi-song-coi-trong-tinh-nghia.t65354/

"Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình": Cái tình hay cái lý mới mở cửa hôn nhân cùng giới?


Bài viết gần đây trên Diễn ngôn với tựa “Lý lẽ mở cánh cửa hôn nhân cùng giới?” của tác giả Sáu Sắc muốn nhấn mạnh vào tầm quan trọng của lý lẽ. Nhưng một câu hỏi đặt ra là ở Việt Nam khi mà “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” thì cái lý hay cái tình sẽ thực sự giúp mở cánh cửa hôn nhân cùng giới? 

Bàn thêm về cái tình

Có lẽ câu tục ngữ trên không phải cổ xúy cho việc hành xử cảm tính mà nó chỉ muốn nhấn mạnh rằng người Việt Nam chúng ta trọng cái tình. Những câu như “Bán anh em xa mua láng giềng gần” cũng là đề cao cái tình giữa con người với con người. Trong một xã hội như vậy thì việc tác động đến tình cảm của con người là rất quan trọng trong bất kỳ cuộc vận động nào, và với bất kỳ mục đích nào bao gồm cả tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng hay là để vận động chính sách.

Một lý do nữa để thấy tác động đến cái tình rất quan trọng, đó là vì trong não chúng ta có một vùng ghi nhớ những cảm xúc và vì thế cảm xúc là thứ xuất hiện đầu tiên và ra đi sau cùng khi nhớ về một sự kiện, một con người nào đó. Trong cuốn “Think fast and slow” của Daniel Kahneman (Nhà tâm lý học đạt giải Nobel kinh tế 2002) đã mô tả một thí nghiệm: người ta cho một nhóm sinh viên xem một loạt các bức ảnh các khuôn mặt với các sắc thái cảm xúc khác nhau. Mỗi bức ảnh hiện lên trong 10”. Sau đó các sinh viên được yêu cầu mô tả lại là họ đã nhìn thấy gì. Kết quả là những bức ảnh của những khuôn mặt hoàn toàn bình thản không có cảm xúc thì ít được nhớ trong khi đó những khuôn mặt thể hiện rõ trạng thái cảm xúc như sự tức giận, hạnh phúc v.v thì được nhiều người nhớ. 

Tương tự như vậy, sau khi xem một bộ phim và được hỏi, chúng ta sẽ nói ngay là phim đó hay hay không, thích hay không chứ ít khi mô tả nội dung. Và như trong bài viết về quản lý cảm xúc tôi đã chia sẻ cảm xúc là thứ điều khiển hành vi tiếp theo của chúng ta . Chính vì vậy, khi muốn tác động đến hành vi của ai đó, chúng ta cần phải tác động đến cảm xúc của họ. Hay nói một cách khác chúng ta không chỉ dùng cái lý mà còn phải tác động đến cái tình. 

Lý lẽ mở cánh cửa hôn nhân cùng giới?

Trong những năm vừa rồi cộng đồng LGBT đã tạo ra được những sự cảm thông từ số đông và những nhà làm luật. Đạt được điều này, tôi tin rằng cộng đồng LGBT không chỉ dùng cái tình như tác giả Sáu Sắc đã đề cập mà thực sự là đã dùng cả cái lý. Cái lý lẽ của các bà mẹ có con là đồng tính trong hội PFLAG đã thuyết phục những nhà làm luật. Họ nói về việc chính họ đã từng kỳ thị con mình cho đến khi tìm hiểu và biết con mình là người đồng tính tự nhiên, chứ không phải vì “đua đòi” như mình nghĩ. Cái lý lẽ các bạn chuyển giới đưa ra thuyết phục các nhà làm luật là việc họ sẵn sàng chịu đau thậm chí chấp nhận nguy hiểm đến tính mạng để được sống là chính mình. Cái lời khẳng định “Ở đâu có yêu thương, ở đó có gia đình” là một lý lẽ để thuyết phục về một mô hình gia đình mới. 

Có một khía cạnh tôi đồng ý với tác giả Sáu Sắc đó là cộng đồng LGBT trong những năm qua đã tập trung vào tạo ra sự cảm thông của xã hội. Với sự cảm thông hay thương cảm thì những gì mà xã hội làm tiếp đó là “cho phép yêu nhau” hay là “không phản đối việc yêu nhau và sống chung nhưng không đồng ý cho kết hôn”. 

Tuy nhiên lý lẽ như vậy thì chưa đủ và cần có thêm những lý lẽ khác để tạo ra những cảm xúc khác và từ đó có những hành động khác. Còn nhớ những ngày đầu tiên khi các bậc phụ huynh có con là đồng tính gặp nhau, lần nào các mẹ cũng khóc. Cái lý lẽ làm các mẹ khóc là “Ngày xưa nghĩ là bệnh thì tìm cách chữa, giờ biết không phải là bệnh thì có nghĩa là không chữa được”. Rồi các mẹ cũng sợ “mọi người” xung quanh chê cười và chế giễu khi biết con là người đồng tính. Với cảm xúc thương xót cho mình và cho con, với sự lo sợ bị chê cười đó, các mẹ chỉ dừng lại ở chỗ khóc với nhau và có thể là cả “thương thân và trách phận”. 

Rồi tới một lần họp, các mẹ đã cùng nhau khám phá một lý lẽ khác: lý lẽ về việc mọi người sinh ra đều bình đẳng và không ai có quyền quyết định thay hạnh phúc của người khác, các mẹ đưa ra những lý lẽ mới -  con mình đang bị “lấy mất quyền” và vì thế cần đấu tranh để dành lại quyền đó; sự chế giễu cười chê của “mọi người” có thể đẩy những đứa con của mình đến chỗ tự vẫn; cộng đồng LGBT không đi xin số đông cho họ quyền được sống đúng là mình, quyền được yêu người mình yêu, mà họ đang đi lấy lại quyền được sống là mình và được yêu thương đúng nghĩa. Với những lý lẽ mới, các mẹ có những cảm xúc mới: bất bình trước những bất công mà con mình phải gánh chịu và muốn hành động để xóa bỏ sự bất công đó.  

Thấu tình đạt lý

Lý lẽ là tối cần thiết trong cuộc sống để thuyết phục người khác và cộng đồng LGBT cần lý lẽ để thuyết phục những nhà làm luật và xã hội. Những lý lẽ của cộng đồng LGBT cần thức tỉnh xã hội về những bất công mà xã hội đang vô tình ủng hộ. Và như thế lý lẽ của cộng đồng LGBT không chỉ là những lập luận logic, những bằng chứng xác thực về quyền mà còn cần là những hồi chuông rung động những trái tim về sự ân hận khi nhận ra mình đã vô tình làm tổn thương người khác, về tính nhân văn trong mỗi con người. Như tác giả Sáu Sắc đã nói “Lý lẽ là chìa khóa để mở cánh cửa hôn nhân cùng giới” và tôi xin bổ sung thêm lý lẽ cần mở được trái tim của những người làm luật và của xã hội. Và chỉ khi trái tim mở ra thì cái đầu mới mở ra như nhà thơ người Ireland - James Stephens - đã nói “What the heart knows today the head will understand tomorrow – điều mà trái tim biết ngày hôm nay thì khối óc sẽ hiểu vào ngày mai!” 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét