Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

SỰ ÁP ĐẢO CỦA PHƯƠNG TÂY ĐỐI VỚI PHƯƠNG ĐÔNG TRÊN PHƯƠNG DIỆN VĂN HÓA VÀ TINH THẦN TRUYỀN THỐNG

SỰ ÁP ĐẢO CỦA PHƯƠNG TÂY ĐỐI VỚI PHƯƠNG ĐÔNG TRÊN PHƯƠNG DIỆN VĂN HÓA VÀ TINH THẦN TRUYỀN THỐNG
A. SỰ ÁP ĐẢO NÀY LÀ CÓ THẬT VÀ CÓ NGUYÊN NHÂN
1. Ai cũng biết: trong thời cổ đại, thế giới có 3 nền văn minh tiêu biểu và rực rỡ nhất thì trong đó, phương Đông chiếm hai: Văn minh cổ đại Ấn Độ và văn minh cổ đại Trung Hoa. Còn phương Tây chỉ một: Văn minh cổ đại Hy La. Vậy mà, trải qua thời kỳ trung đại, do điều kiện địa lý, lịch sử của hai bên khác nhau mà dẫn đến tình trạng: phương Tây bứt lên, phát triển ào ạt, tạo dựng được một nền văn minh vật chất, văn minh động (chữ dùng của Đông kinh nghĩa thục trong Văn minh tân học sách) của phương Đông. Từ đó mà có cuộc tấn công, áp đảo của phương Tây đối với phương Đông trên mọi mặt: chính trị, kinh tế văn hóa, tinh thần…
2. Tại sao có hiện tượng một bên thì tiến nhanh, một bên thì tiến chậm để đến bị áp đảo? Có thể có nhiều cách giải thích. Sau đây là hai cách giải thích đáng được lưu ý.
- Do điều kiện sống của hai bên khác nhau để tạo cho mỗi bên một kiểu tư duy khác nhau. Với phương Tây là kiểu tư duy thiên về tuyến tính (linéaire), kèm theo là năng lực tư duy phân tích (analytique), từ đó đi vào con đường phát triển khoa học, đặc biệt là khoa học thực nghiệm, thực dụng (pragmatique), tạo ra một nền văn minh vật chất đồ sộ, phi thường, kèm theo là một nền văn minh tinh thần kiểu phương Tây, có nhiều mặt khác phương Đông. Trong khi, với phương Đông lại có kiểu tư duy thiên về cầu tính (globale, sphèrique) mang tính chất hỗn hợp giữa trực giác và lý tính, vô thức và hữu thức, tiềm thức và ý thức, ít năng lực duy lý, phân tích, do đó không phát triển mạnh về khoa học kỹ thuật, không xây dựng được đời sống văn minh vật chất bề thế như phương Tây, để rút cục bị phương Tây tấn công áp đảo. Sau này, đặc biệt là hiện nay, nhờ có sự giao lưu Đông Tây được mở rộng, sự xâm nhập lẫn nhau tăng tiến trong mọi lĩnh vực của đời sống thì sự khác biệt giữa hai kiểu tư duy trên, tuy có được rút ngắn rõ rệt, nhưng không phải là không còn. Điều này hoàn toàn có thể chứng minh bằng nhiều phương diện.
- Cách giải thích thứ hai lại muốn đi theo một hướng khác là cho rằng xét trong tổng thể và ở cấp độ vĩ mô nhất, trường cửu nhất trong sự sống nhân loại, thì cái gọi là cao thấp về văn minh giữa Tây và Đông, chưa hẳn đã đúng. Ở đây là sự lựa chọn giữa hai con đường xây dựng và duy trì sự sống. Con đường xây dựng sự sống của phương Tây trước mắt là được, là cao tuyệt, nhưng xét lâu dài, vào các kỷ nguyên sau, chắc gì đã được. Bởi cái mặt trái của tấm huấn chương này cũng là tày trời. Ở đây quả thật có quy luật như Tản Đà đã nói: Sự văn minh tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu (Giấc mộng con, tập 1) Còn phương Đông, đành là chịu thua kém về cuộc sống vật chất, nhưng lại chăm lo nhiều hơn đến cuộc sống tinh thần, và như thế, xét lâu dài, chắc gì đã dại. Ở đây, luật đối trọng và luật cân bằng giữa hai phương diện vật chất và tinh thần là điều quan trọng nhất để duy trì và phát triển sự sống lâu dài. Cách lý giải thứ hai này liệu là một sự ngụy biện, một thứ AQ theo chủ nghĩa chiến thắng tinh thần từng bị Lỗ Tấn chế giễu không? Thiết tưởng không thể đơn giản trong sự kết luận về kiến giải này được.
3. Dù nói gì thì nói, hiện tượng phương Đông bị phương Tây áp đảo trên phương diện văn hóa – tinh thần vẫn là một sự thật không thể chối cãi và đáng buồn là cho tới hôm nay vẫn chưa được chính người phương Đông (ở đây hẵng cứ nói người Việt Nam) nhận rõ tới mức cần thiết để có cách thanh toán, có lợi cho sự phát triển của mình. Quy luật của sự áp đảo và bị áp đảo là quy luật của cái mạnh đối với cái yếu. Cái mạnh nhờ mạnh mới áp đảo được. Cái yếu thì vì yếu nên mới bị áp đảo. Nhưng không chỉ thế. Phía mạnh không phải cái gì cũng hay. Ngược lại, phía yếu không phải cái gì cũng dở. Có điều là một khi đã bị áp đảo thì cái dở của phía mạnh cũng tham gia chiến thắng, và cái hay của phía yếu cũng thành chiến bại. Nhìn vào cuộc hôn phối Tây Đông gần hai thế kỷ qua cho tận hôm nay, thấy rõ quy luật phức tạp vừa nói.
B. NHỮNG ĐIỀU BIỂU HIỆN CƠ BẢN CỦA SỰ ÁP ĐẢO
1. Nhìn từ mặt ngoài: sự áp đảo đã diễn ra trên nhiều lãnh vực thuộc đời sống văn hóa – tinh thần như: triết học, văn học, y học, võ thuật, thể dục, trò chơi…
- Về triết học: đó là hiện tượng làm mất địa vị chủ nhân và mai một những điều không đáng mai một đối với các học thuyết Nho, Phật, Lão sản phẩm bản địa của phương Đông, một cách rất oái ăm là: tự người phương Đông (tất nhiên không phải tất cả, nhưng là khá đông) vì choáng ngợp, vì “trông người mà ngậm đến ta”, không đủ độ tỉnh táo, quay ra chê bai, phủ nhận thành quả triết học của cha ông tổ tiên mình. Chưa dám nói đâu xa, cứ nói chuyện, không ít người người Trung Quốc và người Việt Nam từ cuối thế kỷ XIX lại đây, chê bai Nho giáo, coi thường Phật giáo, bỏ rơi Lão Trang, khinh thường Kinh Dịch… trong khi sùng bái một chiều tư tưởng Phục hưng, chủ nghĩa duy vật, triết học ánh sáng, chủ nghĩa duy lý… phương Tây, kể cả cách đón nhận chủ nghĩa Mác theo kiểu đã có… thì không thể không nghĩ đến sự áp đảo đó, trên phương diện triết thuyết. Điều cần nói thêm cho hiểu hết độ oái ăm của hiện thực là không phải người ít học, ngược lại có người thuộc bậc đại trí đại thức, không phải không yêu phương Đông, và dân tộc mình, ngược lại đều là yêu nước, yêu phương Đông đã làm nên việc này. Ví như Lỗ Tấn ở Trung Quốc. Và ở Việt Nam, cũng là thế. Xin miễn ví dụ.
- Về văn học: đó là hiện tượng kiểu tư duy lý luận, phê bình văn chương thiên về cầu tính, hỗn hợp trực giác và lý tính, rất coi trọng trực giác chân lý nghệ thuật và có nhiều khả năng tiếp cận chân lý nghệ thuật, tồn tại lâu đời, nay đã bị lép vế hẳn so với kiểu tư duy lý luận, phê bình văn chương thiên vào sự phân tích, duy lý, thậm chí là lạm phát lý tính, ít nhiều xa với chân lý nghệ thuật vốn từ phương Tây đến. Ví dụ phê bình Truyện Kièu của Nguyễn Du ngày trước, cụ Mộng Liên Đường chỉ cần một câu rằng “Nguyễn Du có một con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ tới muôn đời”, còn ngày nay, ông Lê Đình Kỵ viết cả một cuốn sách “Chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du trong Truyện Kiều” hơn 500 trang. Ở đây không thể coi thường giá trị cuốn sách của Lê Đình Kỵ. Nhưng thử hỏi: giá như Nguyễn Du sống lại, hỏi tiên sinh: ai tri âm với mình hơn? Không khéo tiên sinh đáp: Mộng Liên Đường! Mộng Liên Đường! Bởi Lê Đình Kỵ nói đến chủ nghĩa hiện thực bằng hệ thuyết phương pháp phân tích của lý luận văn học hiện đại được du nhập từ phương Tây, từ Liên Xô tới, tuy có đưa đến nhiều sự khám phá lý thú, nhưng thật ra vẫn chưa thấm vào đâu so với luận điểm “con mắt trông thấu sáu cõi” mà Mộng Liên Đường đã tặng cho Nguyễn Du. Cũng vậy, Lê Đình Kỵ nói về chủ nghĩa nhân đạo trong truyện Kiều cùng với không biết bao nhiêu nhận xét hấp dẫn. Nhưng cũng chưa nói hết cái sức hàm chứa trong lời của Mộng Liên Đường rằng: Nguyễn Du có “Tấm lòng nghĩ tới muôn đời!”. Vậy mà ngày nay, giới phê bình văn học, kể cả các thầy giáo trong nhà trường dạy văn, có mấy ai để ý tới kiểu cách phê bình của Mộng Liên Đường mà cũng là của truyền thống tiếp nhận văn chương của phương Đông xưa nữa đâu. Và biết bao giờ, trong đời sống văn học Việt Nam mới có được sự phối hợp bình đẳng Đông Tây trong tiếp nhận nghệ thuật này.
- Về y học: đó là hiện tượng nền y học cổ truyền của phương Đông, đặc biệt là của Trung Hoa với những tên tuổi vĩ đại như Biển Thước, Hoa Đà… đã là kỳ diệu trên cả hai phương lý thuyết và thực hành, có cơ sở triết học độc đáo và sâu sắc, in cá tính tư duy thiên về cầu tính của phương Đông, từng là phương tiện chữa trị rất thần hiệu cho người phương Đông, vậy mà từ đầu thế kỷ XX đến nay đã bị nền Tây y lấn át rõ rệt, sống lay sống lắt, bị dè bỉu bởi mấy ông đốc tờ Tây. Tất nhiên hiện nay đã có khác, y học cổ truyền phương Đông đang có cơ hội hồi sinh.
- Về võ thuật: Đó là hiện tượng nền võ thuật phong phú lâu đời, hấp dẫn của phương Đông vốn dựa trên nguyên tắc tổng hợp sức mạnh của trí lực, của cơ bắp, đặc biệt là sức mạnh tiềm ẩn thuộc nội tại cơ thể con người, vậy mà từ đầu thế kỷ XX này đến nay đã bị lép vế rõ rệt trước nền võ thuật của phương Tây xem ra có vẻ thiên vào sức mạnh trí lực, cơ bắp và những năng lực hiển hiện, trông thấy được ở con người. Cả về mặt sự luyện tập của con người, đó là hiện tượng các hình thức cổ truyền của phương Đông như khí công, khinh công, nội công… bị lép vế trước các hình thức thể thao thể dục của phương Tây. Nghĩ thêm sang chuyện trò chơi giải trí cũng thấy như vậy. Bao nhiêu hình thức vốn là đặc sản phương Đông: cờ tướng, cầu lông, tổ tôm, mã chược, vật cầu… nay chỉ là thứ sống dở chết dở, trước sự áp đảo của các trò chơi phương Tây. Nghe tin em bé tỉnh Thanh vừa qua đạt giải vô địch cờ vua thế giới ở độ tuổi 12, người Việt Nam ai mà không sướng bụng. Nhưng giá gì có một em nào đó của Việt Nam lại đạt được giải nhất như thể về cờ tướng, thì còn sướng biết mấy. Tất nhiên là trước khi mong điều này, còn phải mong là thế giới sẽ có giải thi quốc tế về cờ tướng đã.
2. Nhìn thêm vào trong: trở lên là những hiện tượng bị áp đảo dễ thấy vì nó lộ ra trước mắt mọi người. Nhưng quan trọng hơn, còn là những vấn đề thuộc phía bên trong, tức là thuộc quan niệm triết lý, đạo đức, xã hội, thuộc đời sống văn hóa, tinh thần của con người, vốn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn nhưng lại tồn tại dưới dạng trừu tượng không dễ gì nhận ra với số đông, nhất là với những ai đã ly hôn với chúng lâu ngày. Người viết bài này, vừa chưa đủ sức dàn dựng vấn đề một cách hệ thống, vừa do khuôn khổ bài viết không cho phép, nên tạm ghi lại đôi điều như sau:
2.1. Quan niệm về con người: quả thực có sự khác nhau bên cạnh sự giống nhau giữa Tây và Đông chung quanh quan niệm về con người. Và trên phương diện này, không phải cái gì thuộc phương Đông cũng thua phương Tây. Thậm chí còn ngược lại. Ví như quan niệm “tam tài” (thiên-địa-nhân) “Vạn vật tương đồng”, “thiên nhân hợp nhất”, “Thiên nhân nhất thể” của Nho giáo và quan niệm con người và muôn loài là bình đẳng của Phật giáo, chứ con người không phải là trung tâm vũ trụ, chúa tể của muôn loài theo kiểu phương Tây. Quan niệm tam tài rõ ràng là đặt con người trước hết là trong quan hệ với vũ trụ với đất trời rồi mới đến quan hệ giữa con người với nhau giữa cõi nhân gian. Quan niệm con người bình đẳng với muôn loài từ đó dẫn đến sự kêu gọi tình thương tới muôn loài, chủ trương không sát sinh, đúng là có mặt phi thực tế nhưng không hẳn hoàn toàn phi lý. Cũng như quan niệm coi con người là trung tâm của vũ trụ, chúa tế của muôn loài, thực tế đã đưa đến cho con người một đời sống vật chất và tinh thần vô cùng lớn lao, nhưng không phải là không có mặt trái. Khoa chiêm tinh học và học thuyết về môi trường sinh thái nhân loại, các lý thuyết nhân văn hiện đại đã cho phép suy nghĩ một cách phức tạp hơn trước những quan niệm trên, ít ra là không thể quá đơn giản trong việc khẳng định sự hơn thua đã có mà xét cho cùng chính là sự áp đảo gây nên ở nhiều thập kỷ qua do ảnh hưởng phương Tây. Đó là chưa muốn nói rằng đã có loại ý kiến muốn đặt quan niệm “tam tài” lên trên hết mọi quan niệm khác về con người và muốn cuộc sống nhân loại được triển khai theo quan niệm đó.
2.2. Cách xử lý mối quan hệ đức – trí, đức – tài trong cuộc sống con người: quả đây cũng là chỗ có sự khác nhau giữa Tây và Đông. Ở phương Đông cổ trung đại, nói chung thiên về đức trị hơn là pháp trị. Nhiều người từng cho đó là chỗ thấp kém của phương Đông so với phương Tây sớm biết coi trọng pháp trị. Cách kết luận đó, ít nhiều vẫn có mặt chưa thỏa đáng bởi lẽ chưa nhìn hết tính năng của việc coi trọng đức trị. Phương Đông có Nho giáo với thuyết NHÂN, NGHĨA, LỄ, TRÍ, TÍN trong đó TRÍ đứng thứ tư sau NHÂN LỄ NGHĨA thuộc phạm trù đạo đức. Với thuyết NHÂN, TRÍ, DŨNG thì TRÍ vẫn là thứ hai sau NHÂN. Với thuyết “Tiên học lễ, hậu học văn”, VĂN là sau LỄ. Với thuyết “tam lập” (tam bất hủ) thì trên hết là lập đức rồi đến lập công. Còn lập ngôn đứng cuối. Rõ là đặt ĐỨC cao hơn TRÍ. Với chữ TÀI cũng vậy. Phải sau TÂM (cũng là ĐỨC), đúng như Nguyễn Du nói: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Trong khi ở phương Tây, khuynh hướng chủ đạo là đặt TRÍ trên hết và từ đó đã tạo ra những thành tựu vĩ đại về khoa học kỹ thuật, tạo ra một đời sống vật chất và tinh thần bề thế như mọi người đã biết. Nhiều người cũng đã cho rằng như thế là ở mặt này, phương Tây cao hơn phương Đông. Nhưng nếu xét ở cấp độ vĩ mô nhất, vĩnh hằng nhất của sự sống nhân loại thì có thể nghĩ khác. Công trình của Cao Minh Trí, quốc tịch Trung Hoa, quan chức cao cấp của Unesco thuộc Liên hiệp quốc có nhan đề “Văn hóa và phát triển: từ mô hình đạo đức – vị kỷ - nhân loại đến mô hình đạo đức – sinh thái – vũ trụ” gửi tới hội thảo quốc tế về vấn đề “Con người với tư cách mục tiêu và động lực phát triển kinh tế - xã hội” họp tại Hà Nội vào tháng 8/1994 đã muốn đặt lại vấn đề theo hướng thiên về giải pháp của phương Đông cổ truyền.
2.3. Thuyết âm dương và luật đối trọng, cân bằng (quân bình) để đảm bảo sự sống nói chung, sự sống con người nói riêng: Học thuyết âm dương vốn là đặc sản triết học vô cùng cao diệu của Trung Hoa cổ đại và đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống của nhiều nước phụ cận Trung Hoa tại phương Đông. Nó có dáng vẻ siêu hình nhưng chính là có giá trị thực tiễn lớn lao trong sự sống con người ở mọi lĩnh vực. Vậy mà từ ngày bị phương Tây áp đảo, người đời, trước hết vẫn là người phương Đông, hầu như đã bỏ rơi mất ý nghĩa thực tiễn để chỉ nhìn thấy bề mặt siêu hình của nó và từ đó dường như đã phủ nhận trơn nó nốt. Giá trị thực tiễn của thuyết âm dương chính là ở chỗ đã đưa con người tới quy luật đối trọng để tạo sự cân bằng; vốn là quy luật lớn nhất đảm bảo độ vững chải cho sự sống nói chung, sự sống con người nói riêng. Nhận thức tường minh về học thuyết âm dương và quy luật đối trọng, cân bằng này và dùng nó làm hệ quy chiếu, làm công cụ rà soát, kiểm tra lại nhiều phương diện cơ bản trong sự sống Việt Nam hôm nay, hẳn là có sự bổ ích rất lớn. Nhưng biết tới ngày nào mới có được như thế một khi nó vẫn bị sự áp đảo của nhiều lý thuyết từ phương Tây đến. Tất nhiên, khả năng phục sinh của nó không phải là không có với nhiều dấu hiệu gần đây. Xin chờ.
2.4. Tôn giáo và sự sống con người: nói thế này đã đúng chưa: trước khi tiếp xúc với phương Tây, ở phương Đông chưa hề sa vào chủ nghĩa vô thần và phương Đông đã tồn tại vừa trong sự kìm hãm vừa trong sự nâng đỡ của tôn giáo. Phật giáo quả có ru ngủ con người nhưng trước hết là sự níu kéo con người ở lại với cõi thiện. Nho giáo không phải là tôn giáo nhưng có cách ứng xử về tôn giáo thật là tuyệt với hai luận điểm ngắn gọn mà cần thiết nhất, không dễ gì các học thuyết khác đã có: “Tế thần như thần tại” ( tế thần thì như có thần) “kính nhi viễn chi” (kính thần nhưng phải xa thần vậy). Vậy mà chủ nghĩa vô thần, với trạng thái này trạng thái khác từ phương Tây tới, lần lượt đã gây ra sự chao đảo cho người phương Đông mà tới nay xem ra cũng không dễ gì gỡ được. Trên đất nước ta hiện nay, đang có chiều hướng muốn gỡ. Nhưng muốn gỡ nhanh, thì lại cần có sự tường minh về tôn giáo. Lại xin chờ.
2.5. Về chế độ phong kiến và ông vua của nó: sự tấn công và áp đảo của phương Tây đối với phương Đông, ngoài sự mạnh yếu của hai bên, còn là sự tấn công áp đảo của hai hình thái xã hội, một bên là chủ nghĩa tư bản, một bên là chế độ phong kiến (kiểu phương Đông không giống hệt chế độ phong kiến phương Tây trước đó). Chế độ phong kiến phương Đông bị tấn công, bị hạ bệ, cơ bản là đáng kiếp, nhưng cũng có điều đáng thương đáng tiếc, nhất là những gì nhân dân, đất nước đã tạo dựng được hoặc cùng giai cấp phong kiến phối hợp tạo dựng được trong lòng chế độ phong kiến mà thực tế đã có giá trị tích cực, lớn lao trong sự sống của đất nước, của nhân dân mình. Tâm lý coi trọng đức trị, cùng với đó là hệ thống lý thuyết đạo đức, coi trọng gia đình, cùng với đó là những thiết chế cần cho sự tồn tại vững chãi của gia đình để đóng được vai trò tích cực là tế bào khỏe của xã hội, coi trọng sự học vấn, cùng với đó là việc tổ chức xã hội dựa trên cơ sở học vấn… có bao nhiêu đáng giá như thế, vậy mà sau này, vì lẽ này lẽ khác, trong đó có lẽ là bị lý thuyết này khác của phương Tây ám, áp đảo để rồi chính tự mình giáng lên chúng mấy chữ đơn sơ nhưng rất tai hại là “đồ phong kiến”, “đồ lạc hậu”, đáng vứt bỏ, phải cải tạo lại. Nhân đây xin nói thêm về khái niệm ông vua vốn là biểu trưng số một của chế độ phong kiến và đó là đối tượng số một của sự phủ định, tiêu diệt, điều đã được xem là chân lý hiển nhiên, miễn bàn luận. Nhưng trở lại nguồn gốc thì lại thế này. Trong hệ thống quan niệm tam tài (thiên địa nhân), thiên nhân hợp nhất, thiên nhân nhất thể, vua trước hết là con trời (thiên tử) được trời giao cho quyền chăn dân, trị dân theo ý trời, mà ý trời lại là ý dân như có sách đã nói. Trị dân mà dân được sung sướng, thanh bình là hợp ý trời. Trị dân mà để dân nghèo đói chết chóc là trái ý trời, và như thế thì vua phải làm lễ sám hối, tạ tội với trời đất. Điều này sử sách đã có chép nhiều. Lễ tế Nam giao hàng năm chính là dịp để vua tự kiểm điểm trước trời. Trong thực tế, vua đã có quyền uy tối thượng, trên tất cả, nhưng vẫn là dưới, chịu sự chi phối của trời, dù là một biểu tượng siêu hình nhưng lại có quyền uy tuyệt đối. Cho nên, cũng trong thực tế, không ít ông vua xấu, gọi là hôn quân, nhưng vua tốt, minh quân nào có hiếm. Vua tốt là vua biết theo ý trời, biết sợ trời, để làm điều thiện với dân. Thử so sánh hai mô hình tổ chức xã hội giữa phương Đông cổ trung đại và phương Tây hiện đại:
+ PĐ: TRỜI + VUA + LUẬT PHÁP PHONG KIẾN + THIÊN HẠ
+ PT: 0 + TỔNG THỐNG + HIẾN PHÁP + THIÊN HẠ
Rõ ràng không thể kết luận về sự hơn kém một cách quá đơn giản như lâu nay đã có (coi mô hình trên là lạc hậu, thua hẳn mô hình dưới) vì thực ra mỗi bên đều có cái hay và cái dỡ. Có vua được trời hướng vào cõi thiện là hay nhưng không có trời hỗ trợ theo điều lành thì chúa đất dễ biến thành chúa trời để rồi mặc sức tung hoành trước sinh mạng người dân. Điều này quả không hiếm ví dụ, chẳng phải chỉ trong quá khứ, mà còn là ở hiện tại. Xin nhớ rằng, hiến pháp có chặt chẽ đến đâu, pháp luật dù có quy định ngóc ngách đến đâu, so với sự sống thiên hình vạn trạng, vẫn còn khe hở. Cảnh sát trần gian dù đông đặc nghiêm túc đến đâu (mà thực tế làm gì có nghiêm túc cả) vẫn không đủ bao hết sự đời. Phải có thêm loại cảnh sát cõi âm, loại cảnh sát nằm ngay trong chính tâm linh mỗi người không loại trừ ai, kể cả ông vua có quyền uy tối thượng, trị vì trăm họ, mới mong đảm bảo có cuộc sống tốt lành nhiều hơn trong điều kiện thiện ác vốn dĩ cứ tranh chấp nhau triền miên cùng nhân loại. Thực tiễn lịch sử phương Đông đã chứng minh cho lý thuyết của nó trên đây. Xin đừng chối bỏ và cũng xin đừng để lý thuyết phương Tây cứ áp đảo mãi nữa ở phương diện này. Vấn đề là phải có sự kết hợp Đông Tây.
C. K ẾT LUẬN.
1. Những điều được trình bày trên đây dù là kết quả suy ngh của bản thân trong nhiều năm nhưng vẫn là bước đầu và có tính chất gợi ý. Chỉ mong có sự tiếp nối, thậm chí có cả sự phản bác theo hướng cùng nhau tìm chân lý
2. Nêu những ý kiến như trên, bản thân tự cho rằng mình không sa vào chủ nghĩa vị kỉ phương Đông, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi bởi lẽ chính mình đang tha thiết và mong muốn có dịp sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề tác động tích cực của văn hoá và tinh thần của phương Tây đối với phương Đông. Hai vấn đề có vẻ là nghịch lý nhưng thực ra là thuận ý.
3. Trong khi nói những điều trên đây, người viết đã để Nhật Bản ra ngoài, bởi Nhật Bản đã không chịu đi theo quy luật chung của phương Đông. Do đó, để rõ hơn những vấn đề nêu ra rất cần lấy Nhật Bản làm đối tượng so sánh.
4. Những vấn đề nêu lên như trên có lẽ thiên về lịch sử, tư tưởng hơn là lịch sử thông sử. Nhưng muốn được chứng minh rõ nét hơn lại rất cần được vai trò của lịch sử thông sử hỗ trợ.
Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, Hà Nội, 1995, số 3
và Văn hoá học đại cương và cơ sở Văn hoá Việt Nam,
Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1996.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét