Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Quyền Lực Của Các Tư Tưởng Và Nguồn Gốc Của Chúng

Quyền Lực Của Các Tư Tưởng… Và Nguồn Gốc Của Chúng

Vậy quan niệm duy tâm về lịch sử có dựa trên chân lý chăng?
Tôi trả lời rằng vừa có vừa không. Và đây là nhận thức của tôi về điểm đó.
Quan niệm duy tâm về lịch sử là đúng theo ý nghĩa là nó cũng có cái đúng. Đúng, nó cũng có cái đúng. Tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với người. Như vậy chúng ta có quyền cho rằng tư tưởng thống trị thế giới. Nhưng chúng ta cũng rất có quyền tự hỏi chúng ta rằng: cái tư tưởng thống trị thế giới đó lại không bị cái gì thống trị hay sao? Nói cách khác, chúng ta có thể và phải tự hỏi có phải tư tưởng và tình cảm của con người là do ngẫu nhiên mà có không. Đặt vấn đề ấy cũng chính là giải quyết nó tức khắc theo hướng phủ định. Không, tư tưởng và tình cảm của con người không phải do ngẫu nhiên. Sự phát sinh và phát triển của chúng đều chịu sự chi phối của những quy luật mà chúng ta phải nghiên cứu. Một khi các bạn đã thừa nhận điều đó – và có cách nào để không thừa nhận nó? – các bạn sẽ bắt buộc phải thừa nhận rằng, nếu tư tưởng thống trị thế giới, thì nó không thống trị như một chúa tể tuyệt đối, mà chính nó cũng bi thống trị, do đó, người nào viện đến tư tưởng sẽ không chỉ ra được cho chúng ta cái nguyên nhân căn bản, cái nguyên nhân sâu xa nhất của sự vận động lịch sử.
Như vậy là có chân lý ở trong quan niệm duy tâm về lịch sử. Nhưng không có toàn bộ chân lý.
Để nhận thức được toàn bộ chân lý, chúng ta phải tiếp tục việc nghiên cứu ở chính chỗ mà quan niệm duy tâm bỏ dở. Ta phải cố gắng để nhận thức đúng đắn những nguyên nhân của sự phát sinh và sự tiến triển của tư tưởng của con người sống trong xã hội.
Muốn làm việc đó được dễ dàng, chúng ta phải tiến hành có phương pháp. Và trước hết chúng ta hãy xem tư tưởng, nghĩa là, theo định nghĩa của Suard, cái mớ chân lý và sai lầm lan tràn trong mọi người có phải là bẩm sinh không, có phải nó sinh ra và mất đi cùng với họ không. Thế nghĩa là chúng ta tự hỏi liệu có những tư tưởng bẩm sinh không.
Đã có một thời người ta tin chắc rằng những tư tưởng, ít ra là một phần, là bẩm sinh. Khi thừa nhận có những tư tưởng bẩm sinh, người ta cũng đồng thời thừa nhận rằng những tư tưởng ấy làm thành một cái vốn chung cho toàn nhân loại, một cái vốn không bao giờ thay đổi, dù ở thời nào hay nơi nào cũng vậy.
Quan niệm ấy, trước kia rất phổ biến, đã bị một nhà triết học đại tài Anh là John Locke đánh bại. Trong cuốn sách nổi tiếng của ông nhan đề là Tiểu luận về trí năng của người, ông đã chứng minh rằng không hề có những tư tưởng, nguyên lý hoặc khái niệm bẩm sinh trong trí óc con người.
Những tư tưởng hoặc nguyên lý của người ta đều từ kinh nghiệm mà có, và điều đó cũng đúng đối với cả những nguyên lý tư biện, cũng như những nguyên lý thực tiễn hoặc nguyên lý đạo đức. Những nguyên lý đạo đức thay đổi theo thời gian và địa điểm. Khi người ta lên án một hành động, đó là bởi hành động ấy có hại cho họ. Khi người ta khen ngợi một hành động, đó là bởi hành động ấy có ích cho họ. Vậy thì lợi ích (không phải lợi ích cá nhân mà là lợi ích xã hội) quyết định những phán đoán của con người trong lĩnh vực đời sống xã hội. Đó là học thuyết của Locke, mà các nhà triết học Pháp ở thế kỷ XVIII là những người ủng hộ triệt để. Vậy thì chúng ta có quyền lấy học thuyết ấy làm xuất phát điểm cho việc phê phán quan điểm về lịch sử của họ.
Không hề có những tư tưởng bẩm sinh trong trí óc người ta. Chính kinh nghiệm quyết định những ý niệm thuần lý và lợi ích xã hội quyết định những ý niệm “thực tiễn”. Ta hãy thừa nhận nguyên lý ấy và hãy xem nguyên lý ấy dẫn đến những hậu quả gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét