Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

Lorca Nguyễn Văn Trỗi

Lorca Nguyễn Văn Trỗi

Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” của Thanh Thảo được đưa vào sách giáo khoa môn Ngữ văn lớp 12 tập 1 năm học 2008/2009 và từ đó hay được chọn làm đề thi tốt nghiệp, thi thử đại học và thi đại học. Năm nay cũng như vậy.
Tôi không có gì phản đối. Mọi thứ đều tốt hơn ngủ vùi trong thời đại muôn thuở Vợ chồng A Phủ. Thực tình tôi đã ngại nó lại một lần nữa được chiếu cố, như một nén nhang cho cụ Tô Hoài, chúng ta thường thích những cử chỉ nghĩa tình và đa cảm. May rằng không phải như thế. Nhưng tôi đoán Thời đại Đàn ghi ta của Lorca cũng sẽ kéo dài vài thập kỉ. Mấy dòng sau đây là một lời an ủi cho những sĩ tử năm nay chống bút than “nếu em rớt, hãy chôn em với đề thi này”.
Ở hoàn cảnh của các em, tôi cũng sẽ chống bút. Không phải vì đó là một bài thơ khó hiểu. Truyện Kiều khó hiểu hơn nhiều, và khó hiểu nhất là những bài thơ không có gì để hiểu. Thứ này chúng ta có bạt ngàn, đọc chúng thực sự điên đầu vì thần kinh của chúng ta bị tra tấn kinh khủng bởi sự vô nghĩa. Cái bẫy giăng ra cho các em trong đề thi Lorca năm nay lẽ ra nên sập vào người ra đề, người bảo các em lên chuyến tầu nối thi ca với hiện thực nhưng bắt các em xuống nhầm ga. Lorca trong bài thơ của Thanh Thảo và Lorca có thật trong lịch sử chỉ giống nhau như một hình chữ S vẽ trên giấy và nước Việt Nam cũng hình chữ S ngoài đời, như cặp mắt sáng “như sao” với chòm “râu hơi dài” của một nhân vật được gọi là “Bác” trong một bài hát với Hồ Chủ tịch trong hiện thực. Bài thơ ấy khóc thương một chàng nghệ sĩ ghi ta xứ Tây Ban Nha tên là Lorca đột ngột bị giết hại dã man. Chấm hết. Tuyệt không đề cập điều gì hơn. Hình tượng Lorca trong bài thơ ấy không gánh vác câu chuyện gì về chàng, nó chỉ chở cảm xúc của Thanh Thảo trước cái chết đau thương của một nghệ sĩ tài năng, bằng một ngôn ngữ thơ mà nền thi ca hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở thời điểm ấy còn lạ lẫm.
Chỉ có chừng ấy, song đề thi yêu cầu như sau: “Về hình tượng Lor-ca trong bài thơ ’Đàn ghi ta của Lor-ca’ của Thanh Thảo, có ý kiến cho rằng: Đó là mẫu nghệ sĩ-chiến sĩ, vì dấn thân tranh đấu cho dân chủ và tự do nên bị bọn phát xít hành hình. Ý kiến khác thì khẳng định: Đó là mẫu nghệ sĩ thuần túy chỉ đam mê cái đẹp và sáng tạo nghệ thuật, nhưng bị giết hại oan khuất. Bằng cảm nhận về hình tượng Lor-ca, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.”
Những thứ ầm ĩ đó ở đâu ra nhỉ? Bọn phát xít nấp ở chỗ gieo vần trúc trắc nào mà tôi không thấy? Tôi cũng không phát hiện được chiến sĩ nào dấn thân tranh đấu cho dân chủ tự do trong bài thơ của Thanh Thảo. Nếu có thì nó đã không vào được sách giáo khoa trong nhà trường Việt Nam, vì về nguyên tắc tiêu diệt người khác chính kiến thì các nhà nước cộng sản không cần phải hổ thẹn sánh vai với các nhà nước phát xít. Các tác giả Nhân văn-Giai phẩm bị ai “hành hình”? Đó là chưa kể lối bình giảng mà đúng ra nên gọi là “mớm lời” đầy tinh thần giáo án: nghệ sĩ nên là một chiến sĩ vị nhân sinh hay nên thuần túy vị nghệ thuật. Tôi xin cược toàn bộ tài sản tinh thần của mình vào cửa này, rằng câu trả lời chiết trung vô tận sẽ là: phải dung hòa cả hai. Thật là một nhận thức lay động thế giới!
Thi sĩ Tây Ban Nha Federico García Lorca quả thật bị lực lượng dân binh cực hữu dưới trướng tướng phát xít Franco hành hình ngày 19.8.1936. Song cuộc đời và cái chết của ông nằm ngoài bài thơ của Thanh Thảo. Ông không là một chiến sĩ tranh đấu, không trực tiếp tham gia các phong trào chính trị, thậm chí có nhiều bạn bè và cả người bảo trợ trong giới thuộc hạ Franco. Ông bị bắt khi nương náu trong chính một gia đình thân phát xít. Ông cũng không là một thiên tài cô đơn, trước khi bị giết ông đang ở đỉnh cao của danh tiếng. Ông là cái gai trong mắt giới cực hữu thủ cựu vì tư tưởng thiên tả, vì lối sống phóng túng, vì tài năng và sự nổi tiếng. Quá nổi tiếng. Một bài thơ, một vở kịch của ông có tác động hơn ngàn khẩu súng, những kẻ muốn trừ khử ông nghĩ thế. Song còn một chi tiết nữa, có thể là chi tiết quan trọng nhất: ông là người đồng tính luyến ái. Trong chế độ phát xít, đó là án tử hình. Một trong những đao phủ giết ông đã khoe bắn thêm hai phát vào mông “thằng đồng cô”. Cho đến bây giờ cái chết của ông vẫn chưa hoàn toàn sáng tỏ và xác ông chôn ở đâu không rõ.
Tôi không nghĩ rằng câu chuyện thực về Lorca không thể kể trong nhà trường Việt Nam. Bảo thủ và lạc hậu trong rất nhiều lĩnh vực, song chính quyền Việt Nam cởi mở và tiến bộ đến bất ngờ trong vấn đề đồng tính luyến ái. Khi cuốn Lorca y el mundo gay của nhà viết tiểu sử Lorca uy tín Ian Gibson ra mắt mấy năm trước, chính là Thông tấn xã Việt Nam đã thông tin đầu tiên. Gần đây hơn, một số tờ báo chính thống khác cũng không ngần ngại thông tin về người tình đồng tính cuối cùng của Lorca, soi thêm vào một góc còn khuất về những ngày cuối cùng của ông. Song ào ào giảng và tán, rồi ào ào ra đề thi về chiến sĩ nghệ sĩ chống phát xít hi sinh gì đó thì dễ hơn. Tôi thật thông cảm nếu có em nào quá tuyệt vọng, miêu tả chàng Lorca cầm cả đàn lẫn súng ra trận đánh Franco trong Nội chiến Tây Ban Nha, để rồi bị địch bịt mắt bắt ra pháp trường như Nguyễn Văn Trỗi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét