Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2017

CHỮ TÌNH TRONG VĂN HÓA VIỆT

CHỮ TÌNH TRONG VĂN HÓA VIỆT
 TS.Nguyễn Thị Kim Ngân
 (Tham luận trình bày tại California Miramar University in U.S.A và   Ludwig Maximilian University (LMU)  in Germany)

1.Mỗi dân tộc đều có một bản sắc riêng. Bản sắc ấy thể hiện rõ nhất trong văn hóa, trong văn hóa vật thể và phi vật thể, trong nếp nghĩ, nếp sống, trong sinh hoạt tinh thần của con người.
           Cái tìnhlà một đặc điểm trong cách nghĩ, cách ứng xử của người Việt, tạo nên một nét riêng trong tính cách người Việt, thể hiện trong nhiều phương diện văn hóa và do đó có thể được xem như một nét của văn hóa Việt.
2. Xét về phương diện ngôn ngữ, tiếng Việt rất giàu sắc thái tình cảm. Những từ chỉ khái niệm trừu tượng thì còn hạn chế, nhưng từ chỉ cảm giác, cảm xúc thì rất phong phú. Đặc biệt một sự vật tầm thường được gọi bằng những tên khác nhau tùy thuộc vào thái độ tình cảm của người nói. Ví dụ để chỉ cái lạnh, tiếng Việt có rất nhiều chữ khác nhau: lạnh buốt, lạnh cóng, lạnh thấu xương, lạnh lẽo, lạnh lùng, lạnh co ro, lạnh tê tái, rét đậm, rét ngọt, rét hại…. Với cái nóng cũng vậy: nóng, nóng nực, nóng như lửa, nóng như thiêu, oi, bức, hầm…vv..
           Rõ nhất là những đại từ nhân xưng chỉ người. Trong tiếng Việt, những từ ở ngôi thứ nhất, thứ hai, thứ ba, cả số ít và số nhiều đều có thể được gọi bằng những chữ khác nhau tùy thái độ tình cảm của người nói. Ví dụ, khi người nói ở ngôi thứ nhất số ít, nếu trong tiếng Anh thường chỉ dung chữ “I” thì trong tiếng Việt có thể dùng rất nhiều từ, phụ thuộc vào quan hệ và ngữ cảnh: tôi, mình, tớ, anh, em, cháu, ông, bà, dì, cậu, cô con, thầy, chúng tôi… (VD). 
3. Về phương diện ứng xử, người Việt rất coi trọng chữ tình. Người ta thường nói với nhau: “Trăm cái lí không bằng một tí cái tình”. Đây là câu nói của ngày hôm nay, phản ánh một nét tiêu cực trong xã hội hiện tại, nhưng thực ra tâm lí này có căn nguyên sâu xa trong nếp nghĩ người Việt. Từ xưa đã có câu: “Tình sâu nghĩa nặng”, “Tình ngay lí gian”, …vv.. Trong những câu nói trên đây, chữ Tìnhbao giờ cũng đứng  trước chữ Lí . Người Việt thường nói “Tình nghĩa” chứ ít nói “Nghĩa tình”. Điều đó phản ánh tâm lí người Việt rất coi trọng chữ Tình.
           Điều này bộc lộ rất rõ trong cách ứng xử, quan hệ. Dân gian có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”..vv.. Điều này chứng tỏ người Việt rất coi trọng thái độ tình cảm trong quan hệ đối với nhau. Người ta rất dễ giận dữ và cũng rất dễ tha thứ nếu vi phạm hay tôn trọng chữ tình. Trong giao dịch, quan hệ, trong xử lí công việc nhiều khi chữ tình được đặt lên trên chữ lí. Hiện tượng này ở dân tộc nào cũng có, nhưng ở Việt Nam phổ biến hơn, nặng nề hơn.
           Có một hiện tượng mà nhiều người đến Việt Nam thường nhận thấy là người Việt Nam hay cười. Mới gặp đã cười, nhìn nhau là cười, nhất là với người ngoại quốc. Có người nói đó là do người Việt Nam hiếu khách, cởi mở. Lòng mến khách ấy bắt nguồn từ cách cư xử trọng tình của người Việt. Trước hết hãy đối đãi với nhau bằng cái tình, dù chưa biết người đó như thế nào. Đó là cái tình mộc mạc, chân thật, chứ không phải cái tình như một cử chỉ giao tiếp lịch sự hoặc một thủ pháp để chinh phục.
4. Cái tình có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt tinh thần của người Việt. Nhà văn hóa nổi tiếng của Việt Nam là ông Đào Duy Anh trong cuốn “Đại cương văn hóa Việt Nam” từ lâu đã từng nhận xét: “Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam…..giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lí…..thích văn chương phù hoa hơn là thực học.” (NXB Bốn Phương, Sài Gòn. 1951, tr.22). Bản chất của “trí nghệ thuật”, của “văn chương phù hoa” ở đây chính là tình cảm. Tình cảm là cái khởi đầu của sáng tác văn chương. Việt Nam rất lạc hậu về phương diện khoa học, nhất là khoa học kĩ thuật, nhưng Việt Nam có một kho tàng văn học rất phong phú, lâu đời, có kiệt tác tầm cỡ thế giới như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Ở Việt Nam, thơ ca hết sức phổ biến: từ người bình thường đến Chủ tịch nước ai cũng làm thơ, đọc thơ, yêu thơ. Thơ với người Việt chủ yếu là phương tiện bộc lộ cái tình.
            Điều này giải thích vì sao văn học Việt Nam không thật giàu chất triết lí, không nhằm diễn đạt những tư tưởng lớn lao mà rất giàu chất tình: tình thương người thân gia đình, tình yêu nam nữ, tình yêu quê hương, tình thương người nghèo khó. Cái tình là nội dung cơ bản của các sáng tác văn học nghệ thuật ở Việt Nam xưa cũng như nay. Kho tàng ca dao vô cùng phong phú của Việt Nam là một minh chứng rõ rệt. (Chúng ta có thể lấy ví dụ từ ca dao và phân tích). 
5. Vì sao người Việt Nam coi trọng chữ tình? Đây là nét tính cách hình thành hàng nghìn năm, do nhiều yếu tố tác động, không dễ giải thích. Tuy nhiên có thể nêu ra hai yếu tố chính.
            Thứ nhất, xã hội Việt Nam là xã hội nông nghiệp. Do điều kiện sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp, bó hẹp trong phạm vi làng xã, không gắn với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, tư duy lí tính ít phát triển. Trong hoàn cảnh đó, những quan hệ dựa vào chữ “tín”, chữ “tình” có điều kiện chiếm ưu thế.
          Thứ hai, Việt Nam trải qua lịch sử hàng  ngàn năm trong nghèo đói, bị đô hộ. Cái đói, cái nghèo là nỗi ám ảnh truyền kiếp của dân tộc Việt. Con người trong nghèo đói thường thương nhau, đùm bọc nhau, lấy cái đối đãi với nhau là chính. Cách cư xử ấy lâu ngày trở thành một truyền thống. Cho đến ngày nay Việt Nam vẫn chưa phải  là nước công nghiệp, xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội mang tính chất nông nghiệp, vì vậy nếp sống dựa trên chữ Tình vẫn có một vị trí đặc biệt.
 6. Ưu điểm của nền văn hóa dựa trên chữ Tình là tính nhân ái và sự mềm dẻo của nó. Lòng nhân ái, tình thương bao giờ cũng là những giá trị tinh thần quý giá của con người. Nó là cốt lõi của nhiều đạo thánh (Thiên Chúa giáo, Phật giáo…). Thậm chí đối với một số nhà triết học, nhà văn, nó là con đường cứu rỗi nhân loại (L.Tolstoy, F.Dostoevsky…).
         Tư duy dựa trên cái tình bao giờ cũng uyển chuyển, mềm dẻo, không cứng nhắc và do đó nó có sức mạnh riêng của nó, có “trí tuệ” riêng của nó. Triết gia Pháp Pascal từng nói: “Trái tim có những cái lí mà lí trí không hiểu nổi”. Còn L.Tolstoy thì nói: “Trí tuệ của trí tuệ thì luẩn quẩn, nhưng trí tuệ của trái tim thì sáng suốt”.
Sức mạnh của cái tình là sức mạnh của nước. Văn hóa Việt Nam mang tính chất “nước” là vì một phần nó thấm đậm chất Tình.
         Nhờ sức mạnh của cái Tình, dân tộc Việt Nam đã tồn tại bền bỉ hàng ngàn năm, tồn tại vượt qua biết bao thiên tai, ngoại xâm, nghèo đói.
 7. Trong việc xây dựng một xã hội hiện đại, biến Việt Nam thành một nước công nghiệp, nếp sống nặng về chữ Tình cũng bộc lộ những hạn chế của nó. Người ta hay nói “Nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế”. Khi mà giải quyết việc gì cũng đặt chữ tình lên trên chữ lí, trên nguyên tắc, pháp luật thì xã hội sẽ không còn kỉ cương, mọi hoạt động sẽ không còn quy củ nữa. Cái tình dễ gắn với sự yêu ghét cá nhân, với đầu óc bè phái, cục bộ, địa phương. Đó là những cản trở lớn cho việc xây dựng xã hội pháp quyền, cho phát triển khoa học là những thứ đòi hỏi cao tính khách quan, vô tư.
 8. Kết luận:Cái Tình là một đặc điểm của văn hóa Việt. Cũng có thể xem đó là một nét đặc sắc của văn hóa Việt. Hiểu được điều này sẽ giúp giải thích được nhiều đặc điểm của văn hóa Việt, của người Việt. Hiểu được điều này cũng sẽ có ích cho việc xây dựng xã hội Việt Nam hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét