- HIỆN TƯỢNG SỬ DỤNG NGÔN TỪ TỤC DƯỚI GÓC NHÌN VĂN HOÁ HỌC
- ThS. Trần Duy Khương
Ngôn từ tục là một bộ phận trong hệ thống từ vựng của các dân tộc trên thế giới. Sử dụng ngôn từ tục thường được xem là một biểu hiện vô văn hoá, phi văn hoá. Nó trở thành cấm kỵ của xã hội: không được sử dụng những từ ngữ thô tục (rõ nhất là liên quan đến cơ quan sinh dục và cơ quan bài tiết, hoạt động tính dục và hoạt động bài tiết cùng một số sản phẩm của những hoạt động trên). Chính vì vậy mà ngôn từ tục là lĩnh vực ít được nghiên cứu hơn cả.
Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, ngôn từ tục luôn là đối tượng bị quản chế bởi đạo đức xã hội và cả những quy ước, nội quy, quy định, thậm chí là pháp luật. Thế nhưng, người ta vẫn chưa định nghĩa và hạn định phạm vi một cách rõ ràng về ngôn từ tục, từ đó, ngôn từ tục trở thành một phạm trù mập mờ, được hiểu theo cảm tính dựa trên tiền lệ chung của một cộng đồng văn hoá nào đó. Đồng thời, cho đến hiện nay, ngôn từ tục vẫn chưa được nhìn nhận một cách tổng quát về bản chất cũng như vị trí của nó trong xã hội.
Do vậy, bài viết này sẽ tiếp cận hiện tượng sử dụng ngôn từ tục dưới một góc nhìn mang tính tổng hợp, liên kết từ những thành tựu của một số ngành nghiên cứu khoa học khác để tạo nên tính khái quát hơn, đó là góc nhìn của văn hoá học. Trong đó, chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu hơn về bản chất và hình thức thể hiện, cũng như những tác động của ngôn từ tục đối với xã hội loài người.
Trên thế giới, ngôn từ tục và hiện tượng sử dụng ngôn từ tục đã được chú ý nghiên cứu trong cùng thời gian hoặc sớm hơn so với Việt Nam. Ở phương Tây, hiện tượng này được tập trung chú ý từ những thập niên 70, 80 của thế kỷ XX, nhưng đấy không phải là đề tài được nghiên cứu chính thức, mãi cho đến giai đoạn hiện nay, giới nghiên cứu ngôn ngữ học và xã hội học mới đi sâu vào như là một đề tài hoàn toàn mới mẻ.
Ở phương Đông, Trung Quốc (bao hàm cả Hong Kong và Đài Loan) được xem là quốc gia có lượng từ dùng để nói tục, chửi thề vào loại phong phú nhất thế giới. Kể từ sau khi kinh tế của khu vực này phát triển, giới nghiên cứu văn hoá, ngôn ngữ, điều tra xã hội… của quốc gia này (đặc biệt là ở khu vực Đài Loan) đã bắt đầu dịch thuật hoặc nghiên cứu trực tiếp về hiện tượng sử dụng từ ngôn từ tục.
Trong khi đó, ở Việt Nam, giới nghiên cứu văn hoá - xã hội có rất ít những công trình nghiên cứu về hiện tượng này, đa phần là do lực cản của cấm kỵ xã hội. Năm 1968, với quyển sách “Ngôn ngữ và thân xác” của Nguyễn Văn Trung, hiện tượng nói tục và chửi thề lần đầu tiên mới được nghiên cứu với những bước sơ khởi, mang tính chất liệt kê, phân tích theo cách nhìn của ngôn ngữ học. Trong bài viết “Bàn về dâm và tục” của Đỗ Lai Thuý, tác giả đã lý giải nguồn gốc hình thành nên cái tục được định vị trong thế so sánh với cái dâm: “Thế giới quan của người tiền sử là một thế giới quan toàn thể, không có (hoặc chưa có thì đúng hơn) sự phân biệt, sự lưỡng phân. Bởi vậy, khi nói đến cơ quan sinh dục hoặc khi thực hành hoạt động tính giao, người ta coi đó là chuyện bình thường” [Đỗ Lai Thuý 1999: 19].
Thế nhưng, cuối cùng những gì được xem là tục, vì sao lại xuất hiện cái tục, bản chất của cái tục ra sao để từ đó tìm hiểu ngôn từ tục là cái gì thì đó vẫn là một vấn đề còn bỏ trống.
Xét về bản chất, mọi sự vật đều mang tính tương đối, quan niệm của xã hội về cái tục cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhưng, tất cả các sự vật hiện tượng đều chịu sự chi phối của trật tự, do vậy, khi một sự vật nào đó đặt không đúng vào vị trí thì nó sẽ làm mất đi hoặc làm sai lệch giá trị và bản chất vốn có.Vì vậy, bài tiết và tính dục khi xuất hiện không đúng vào không gian, thời gian và chủ thể sử dụng thì người ta sẽ gán cho chúng một giá trị mới, một tính chất bề mặt mới, đó là bẩn (bài tiết) hoặc tục (tính dục). Ngôn từ thể hiện liên quan đến hiện tượng này cũng vậy, khi ấy, chúng sẽ bị gọi là tiếng bẩn hoặc từ tục. Như vậy, nếu xét theo nghĩa hẹp thì thông thường, tục là cái gắn liền với tính dục, còn bẩn là cái gắn liền với bài tiết. Thế nhưng, giữa tục và bẩn theo nghĩa hẹp có nhiều khả năng biến hoá và chuyển đổi cho nhau, vì vậy, bài viết này xem xét cái tục trên một hàm nghĩa tổng thể, tức là cái tục cộng gộp giữa cái tục từ nguồn gốc tính dục và cái bẩn từ nguồn gốc bài tiết.
Xét về bản chất của cái bẩn, thì bất kỳ một sự thay đổi hệ tọa độ (= xáo trộn vị trí vốn có) nào cũng đều có khả năng trở thành cái bẩn. Ví dụ như một đôi giày mới đặt trên bàn ăn; thức ăn ngon trên quần áo; quần áo sạch trên bàn tiếp khách, tất cả những cái sạch ngon này đều tạm thời bị biến thành cái bẩn. Đối với thân xác con người cũng vậy, cái bẩn bị quyết định bởi trật tự của khoảng cách: khi càng rời xa cơ thể chủ thể, những cái bình thường đều càng có khả năng trở thành cái bẩn. Khi hôn nhau, người ta không thấy ghê sợ vì nước miếng trong miệng của người yêu, nhưng lại ghê sợ nước miếng của người xa lạ. Nước miếng trong miệng của người yêu lại không tởm lợm như khi nước miếng ấy đã bị nhổ ra ngoài… Có nghĩa là, những góc độ khác nhau về không gian, thời gian và chủ thể sẽ quy định những đặc tính khác nhau, những giá trị khác nhau ở cùng một sự vật hiện tượng. Do vậy, cái bẩn cũng vì thế mà thay đổi nếu đặt vào hệ toạ độ văn hoá khác.
Cái tục cũng tương tự như thế. Bản thân chuyện tính dục là một hiện tượng hoàn toàn phổ biến ở hầu hết các loài động vật, nhưng nếu hoàn cảnh thể hiện không thích hợp thì nó sẽ trở thành cái tục, và hình thức khác của cái tục chính là dâm (trong đó, theo Trần Thanh Mại, tục là một loại phương tiện để biểu đạt trạng thái tình cảm con người, còn dâm là cái cứu cánh).
Như vậy, tính tương đối của các sự vật hiện tượng sẽ được quyết định bởi vị trí thể hiện của nó trong một trật tự phân loại. Sự phân loại vị trí này sẽ đưa trật tự xã hội tiến đến biên giới mang tính tượng trưng (symbolic boundary 象徵性邊界) của không gian - thời gian - đối tượng; đồng thời, nó cũng tạo nên một trật tự tương ứng với quan niệm, niềm tin về đạo đức trong xã hội. Khi các sự vật, hiện tượng cùng với quan niệm, niềm tin đạo đức về những sự vật, hiện tượng ấy bị đụng chạm hoặc hoà trộn vào nhau sẽ hình thành nên sự sắp xếp lại về giá trị và tính chất của các đối tượng, trong đó có trật tự về thiêng liêng - tục tĩu; sạch sẽ - dơ bẩn.
Ngôn ngữ thể hiện tư duy và tình cảm của nhân loại cũng được sắp xếp theo một trật tự trong hệ thống hoàn chỉnh. Trong đó, ngôn từ tục được xuất hiện khi một lớp ngôn từ chuyên chỉ về tính dục và bài tiết bị đặt ở một vị trí không thích hợp. Nhưng vị trí được thiết lập bởi trật tự phân loại này lại bị quyết định bởi không gian, thời gian cùng với chủ thể là con người, do vậy, ở từng nơi, từng thời kỳ mà một từ ngữ nào đó sẽ bị xem là tục hoặc bẩn hay không lại còn tuỳ thuộc vào quan niệm thẩm mỹ, niềm tin tôn giáo, niềm tin đạo đức xã hội… Có nghĩa là, từ tục ở bất kỳ một nơi nào, thời gian nào và chủ thể nào cũng đều có sự tương đồng về một số bản chất chủ yếu, nhưng chúng có thể xuất hiện ở những hình thức khác nhau. Chính vì thế mà ngôn từ tục trở nên rất phức tạp và phong phú, thậm chí, trong những ngôn ngữ khác nhau thì sự khẳng định hay phủ định về tính tục cũng có nhiều cấp bậc khác nhau hoặc trái ngược nhau, hình thành thế đối chọi giữa thiêng và tục trong cách nhìn nhận một sự vật hiện tượng nào đó.
Xét về mối quan hệ giữa thiêng và tục, đây không hoàn toàn là hai phạm trù đối lập nhau một cách triệt để, mặc dù chúng có khả năng bài trừ lẫn nhau. Đó là vì thiêng hay tục cũng đều là cách nhìn nhận của văn hoá trong xã hội loài người, cả hai đều chịu sự tác động bởi không gian, thời gian và chủ thể văn hoá, khiến chúng biến hoá không ngừng. Và kết quả là, các sự vật hiện tượng đối nghịch nhau thường có mối quan hệ rất mật thiết với nhau.
Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, mối quan hệ này mới được nhà nghiên cứu phê bình Đỗ Lai Thuý đề cập đến. Trong bài “Bàn về dâm và tục”, ông viết: “Thế giới quan của người tiền sử là một thế giới quan toàn thể, không có (hoặc chưa có thì đúng hơn) sự phân biệt, sự lưỡng phân. […] Vì thế, bấy giờ chưa có sự phân biệt thành hai phạm trù nhị nguyên là thiêng (sacré) và tục (profance) với ý nghĩa đối lập như ngày nay. Tín ngưỡng phồn thực cứ tồn tại như vậy, không phân biệt thiêng và tục (dâm cũng chỉ là một hình thái của tục) cho đến khi các tôn giáo lớn ra đời và du nhập vào Việt Nam” [Đỗ Lai Thuý 1999: 19-20].
Trong thời kỳ giao thoa giữa chất thần thánh và chất trần tục, giữa thần thánh và con người thì chất thiêng và chất tục cũng trở thành một quan hệ khăng khít lẫn nhau. Vào khoảng thế kỷ VII TCN, thông qua bài thơ trữ tình về Déméter của Homes, người ta đã chứng minh rằng người Hy Lạp vẫn đang sống một cuộc sống hoà đồng với thần thánh, hoà đồng cả với một lớp ngôn ngữ thô lỗ và những lời vui đùa dung tục phóng đãng [Frazer J.G. 2007: 634]. Ở đây, sự kích thích năng lực sinh sản của thần thánh này được đồng nhất với sự kích thích khả năng sinh sôi nảy nở của cây lúa mì, một loại lương thực chính nuôi sống những con người cổ đại.
Khi các tôn giáo lớn bắt đầu ra đời, thì cái thiêng được tôn thờ, còn cái tục bị liệt vào hàng cấm kỵ, và con người của thời hiện tại ngày nay không còn ý niệm về thể nhị nguyên thiêng và tục nữa, mà nó đã đi vào vô thức tập thể của dân gian theo học thuyết của C. G. Jung. Ở những môi trường ít chịu sự tác động của tôn giáo, của lễ nghi như ở các vùng miền quê, ở các dân tộc có nền văn minh kém phát triển, thì ranh giới giữa cái tục và cái thiêng chỉ tồn tại một cách mờ nhạt.
Điều đó có nghĩa là, vào thời kỳ cổ đại, việc sử dụng những từ ngữ liên quan trực tiếp đến tính dục và bài tiết mang lại chức năng song trùng: cái thiêng bị kéo xuống để hoà nhập với cái tục và rồi cái thiêng lại nâng cái tục lên một tầm ý nghĩa cao hơn, cũng như con người được sinh ra từ cơ quan sinh dục của người đàn ông và người đàn bà và thần thánh lại được sinh ra từ con người. Giáng cấp ở đây chính là nhằm vào mục đích tái sinh. Nghiên cứu cuả M. Bakhtin chỉ ra rằng: những lời thề thốt, nguyền rủa, những câu chửi thô tục nơi quảng trường mang tính vật chất vui vẻ của thế giới, “nó vừa là huyệt chôn, vừa là lòng mẹ sinh ra, vừa là quá khứ đang ra đi, vừa là tương lai đang đến gần: đó chính là sự hình thành” [Bakhtin M. M. 2006: 313].
Cũng vào thời cổ đại, lễ nghi được định hình và nhanh chóng trở thành công cụ dùng để quản chế xã hội. “Phú quý sinh lễ nghĩa, lễ nghĩa sinh ẩn ức”, giờ đây, con người phải mang một bộ mặt mới, khoác bên ngoài cái bản ngã của mình, đấy chính là bộ mặt văn hoá của cộng đồng xã hội. Văn hoá chung ấy trở thành một quyền lực chính thống, sẵn sàng cưỡng chế những gì làm trái và đi ngược lại với nó. Những từ ngữ chuyên chỉ về tính dục và bài tiết vốn dĩ đã được sử dụng quen thuộc trước kia nay bị liệt vào hai phạm trù là dâm tục và bẩn thỉu, không được phép thể hiện công khai trong khu vực được quản chế bởi lễ nghi. Thế là, những từ ngữ mới phù hợp với văn hoá chính thống đương thời sẽ được xuất hiện để thay thế cho những từ bị cấm đoán cũ; có nghĩa rằng, lớp từ ngữ bị xem là dâm và bẩn (gọi chung là tục) bị gạt ra ngoài hệ thống từ ngữ chính thống, chúng luôn phải chịu ức chế và bài xích.
Nhưng theo thời gian cùng với sự tác động của văn hoá, của quy ước cộng đồng, cái tục bị hạ xuống ở nơi thấp nhất trong thế đối lập hoàn toàn với cái thiêng, và theo đó, người ta không còn nhìn nhận chức năng song trùng của ngôn từ tục. Như vậy, thể nhị nguyên thiêng và tục chỉ xuất hiện khi tín ngưỡng phồn thực bắt đầu trở thành một dạng tôn giáo dân gian. Trước thời gian đó, người ta đồng nhất giữa cái thiêng và cái tục. Ngày nay, tàn tích của thể nhị nguyên thiêng và tục này còn tồn tại trong các lễ hội dân gian ở các nước nông nghiệp. Ở không gian và thời gian văn hoá ấy, cái thiêng và cái tục có cơ hội kết hợp lại làm thành thể thống nhất, và cái tục trở thành một phương tiện để diễn đạt cái thiêng trong hoài niệm phồn thực của những người chăn nuôi, trồng trọt.
Đi từ cơ sở của cái tục, ngôn từ tục được nhìn nhận như một trong những hình thức thể hiện của cái tục. Thế nhưng, do mối quan hệ giữa thiêng và tục là một loại quan hệ rất phức tạp và biến đổi không ngừng, do vậy, hình thức thể hiện này cũng có nhiều cách quy định khác nhau về ngoại diên và về vỏ ngôn ngữ thể hiện.
Theo Wajnryb Ruth (2006) thì ngôn từ tục sẽ đồng nghĩa với những từ ngữ mang tính không lịch sự, không văn nhã, bao hàm cả lời chỉ trích, chê bai, châm chọc; lời chửi mắng, nguyền rủa; lời cầu khiến hoặc những mệnh lệnh sỗ sàng… Vô hình trung, ngôn từ tục lại có một ngoại diên rất rộng, gồm tất cả lớp từ ngữ khiến cho người ta cảm thấy khó chịu về chúng. Nhưng nhìn chung, trên sự nhìn nhận về ngoại diên, đối với loại từ này, người ta thường quy kết ở hai hàm nghĩa tục và bẩn. Như vậy, tục mang nghĩa rộng bao gồm tục trong mối quan hệ với tính dục (dâm tục) và bẩn trong quan hệ với bài tiết (bẩn thỉu) hoặc trong quan hệ với giáng cấp (mạo phạm, báng bổ, bất kính, soán đổi vai vế với súc vật, vô lễ…). Theo đó, lớp từ được xem là từ tục chủ yếu xuất phát từ ba nguồn: từ ngữ liên quan đến tính dục, từ ngữ liên quan đến bài tiết và từ ngữ liên quan đến giáng cấp. Ở đây, những từ ngữ có nguồn gốc từ tính dục thường bị xem là từ ngữ mang tính tục, và những từ ngữ có nguồn gốc từ bài tiết và giáng cấp thường bị xem là từ ngữ mang tính bẩn.
Nói tóm lại,ngôn từ tục là một lĩnh vực thuộc về ngôn ngữ hiển lộ; bị cấm kỵ hay hạn chế sử dụng trong quan hệ xã giao hoặc ở nơi cộng cộng; có nội dung liên quan đến tính dục, bài tiết, giáng cấp. Theo đó, hiện tượng sử dụng ngôn từ tục chính là một kiểu hành động ngôn từ (speech act), dùng những từ ngữ liên quan đến tính dục, bài tiết và giáng cấp nhằm đạt mục đích phát ngôn nào đó. Có nghĩa là, bản thân ngôn từ tục sẽ chịu sự tác động của hành động ngôn từ và được triển khai cụ thể trong ngữ cảnh sử dụng nào đó. Nếu phân loại theo mục đích thể hiện ngôn từ tục gồm nói và chửi thì ngôn từ tục có các kiểu sau: Mục đích nói của ngôn từ tục có ba hình thức thể hiện là nói tục, nhịu tục và diễn tục. Mục đích chửi của ngôn từ tục có một hình thức là chửi tục. Mục đích hỗn hợp giữa nói và chửi của ngôn từ tục có hai hình thức là văng tục - chửi thề và lịu tục.
Như bất kỳ một sản phẩm văn hoá nào khác, ngôn từ tục cũng là một thực thể bị chi phối bởi hai nhóm quy luật: quy luật tự nhiên và quy luật xã hội. Trong đó, tiền đề tự nhiên được xem là điều kiện cơ bản trong việc chọn lựa cách ứng phó đối với sự vật hiện tượng bên ngoài thông qua phản ứng bản năng của não bộ thần kinh. Ở loài người, khu vực điều khiển ngôn ngữ được chia làm hai vị trí trong vỏ đại não. Những từ ngữ thể hiện tình cảm, cảm xúc, tâm trạng (trong đó có nhóm từ ngữ dùng để chửi mắng) của con người đều tập trung vào hệ thống nếp nhăn ở phần trán của não. Trong khi đó, những từ ngữ được nắm bắt bằng lý trí thì được quy về tầng ngoài của lớp màng não. Khi khu vực thượng tầng của não không ức chế được tình cảm trong hệ thống nếp nhăn ở phần trán thì con người sẽ có khả năng nói ra những từ ngữ mang tính tiêu cực, như nói tục, chửi thề, chửi tục v.v…
Nhưng, không vì thế mà tiền đề xã hội lại phụ thuộc hoàn toàn vào tiền đề tự nhiên, ngược lại, đây mới chính là động lực để cải tạo lại tự nhiên, khiến cho thế giới tự nhiên bị uốn mình theo văn hoá xã hội. Theo đó, ngôn từ tục của nhân loại xuất phát từ tiền đề tự nhiên cũng được hình thành, phát triển và thể hiện theo những con đường đầy phức tạp dưới sự dẫn dắt của văn hoá xã hội. Ở những con đường ấy, nổi bật nhất là hình thức: ẩn ức - cấm kỵ. Có thể nói rằng, hệ thống những cấm kỵ trong thời kỳ sơ khai của xã hội người nguyên thuỷ chính là một bước tiến mới trong sự phát triển văn hoá xã hội. Chính từ những luật lệ mang tính quy ước ngầm ấy mà xã hội dần dần được ổn định, trong đó, đời sống tình dục của các thành viên trong cộng đồng được bình đẳng theo chế độ đơn hôn (một vợ một chồng). Những hành vi và ngôn từ có liên quan đến tính dục (cả bài tiết) bị giám sát chặt chẽ và không có cơ hội bộc lộ công khai, từ đó, quan niệm về trinh tiết và văn nhã được xác lập dần theo chiều dài của lịch sử.
Nhưng tâm lý của con người không thể không được thoả mãn, dù rằng các phương thức sử dụng có thể khác nhau, vì tất cả những cấm kỵ đều có khả năng hình thành nên một sự khêu gợi có sức hấp dẫn rất đặc biệt đối với con người. Cũng chính vì cơ chế này, ngôn từ tục tuy luôn bị đè ép bởi cấm kỵ, bởi lễ nghi, bởi văn hoá chính thống, nhưng chúng vẫn tồn tại, luôn thẩm thấu vào trong cuộc sống đời thường, và cuối cùng, chúng cũng hình thành được một mô hình riêng mang một quyền lực tiềm ẩn, ngõ hầu thể hiện ra quyền lực của mình hoặc chống lại sự thống trị, cưỡng chế của xã hội hay sự áp bức của người khác.
Trong mọi thời đại, tính dục và bài tiết vẫn là hai trong những lĩnh vực quan trọng của con người, do vậy, những từ ngữ dân dã thể hiện chúng bằng những hình thức khác nhau luôn tồn tại một cách bền bỉ theo thời gian và rộng lớn trong không gian. Sự tồn tại của bộ phận từ ngữ này đã chứng minh rằng, việc sử dụng ngôn từ tục cũng mang những đặc tính điển hình như các hiện tượng xã hội khác, trong đó, rõ rệt nhất là tính phổ quát, tính lịch sử và tính giá trị.
Từ góc nhìn văn hoá học, bản thân ngôn ngữ không hề có sự phân chia sang - hèn, thanh - tục, nó xuất hiện là để diễn đạt và truyền tải thông tin giữa cá nhân này đến cá nhân khác trong xã hội, hoặc từ thời đại này sang thời đại khác, chính vì thế, thế giới khách quan đang hiện tồn gồm có những gì thì ngôn ngữ có nhiệm vụ phải tìm cho mình hình thức thể hiện những thứ ấy. Ngôn từ tục cũng xuất phát từ nhu cầu đó mà xuất hiện, tồn tại và biến đổi theo cơ chế như sau: ngôn từ phù hợp với văn hoá chính thống sẽ đẩy lùi những từ ngữ chuyên chỉ về tính dục và bài tiết vốn được sử dụng trước kia và biến nó thành ngôn từ tục; ở đây, để vẫn có thể tồn tại và có vị trí vững vàng trong hệ thống từ vựng, ngôn từ tục phải hiện thân dưới một hình thức không bị quản chế gắt gao: đó là uyển ngữ và từ lóng. Vị trí của từ lóng và uyển ngữ trong cơ chế tâm lý người được xác định qua sơ đồ sau:
Từ sơ đồ này, thì từ lóng và uyển ngữ chính là hình thức trung gian giữa phá cấm và không phá cấm, tức là có thể phá cấm một cách gián tiếp mà không đi ngược lại sự tiến bộ của xã hội. Nhưng, theo thời gian, từ lóng và uyển ngữ khi đã được sử dụng quá nhiều thì hàm nghĩa tục sẽ càng bộc lộ ra, và chính vì thế mà bản thân của chúng cũng sẽ trở thành ngôn từ tục. Khi ấy, một chu kỳ mới lại được bắt đầu: người ta tìm kiếm từ ngữ khác hoặc cách nói khác để thay thế. Ví dụ như, đầu tiên người ta dùng toilet (nhà vệ sinh) để thay thế cho lavatory, sau đó, power room lại thay thế cho toilet, và ngày nay, lavatory lại trở thành uyển ngữ của toilet. Cứ như thế, ngôn từ tục luôn vận động và biến đổi không ngừng, khiến lớp từ lóng và uyển ngữ cũng thay đổi theo thời gian, và như thế, ngôn từ tục trở thành hạt ion tự do trong cấu trúc vật chất của ngôn ngữ xã hội.
Tuy nhiên, ngôn từ tục luôn là đối tượng bị cấm kỵ trong suốt thời kỳ cổ đại đến thời đại ngày nay chính là một hệ quả của sự quản chế từ văn hoá, đạo đức.Chuẩn mực văn hoá, đạo đức lại được xây dựng từ sự mong muốn của đại đa số cá thể nhằm thúc đẩy xã hội phát triển, là thước đo giá trị được áp dụng đối với các quan niệm, tư tưởng, hành vi của con người sống trong môi trường văn hoá ấy; việc cấm sử dụng ngôn từ tục ở một mức độ nhất định nào đó cũng xuất phát từ mục đích này. Do vậy, bất kỳ một sự vật hiện tượng nào cũng đều có giá trị tồn tại của nó, nhưng giá trị ấy phải được phục vụ cho công cuộc tiến hoá của xã hội. Việc sử dụng ngôn từ tục một cách lạm dụng, không đúng cách tất nhiên sẽ vi phạm vào văn hoá chung của xã hội, và trong những trường hợp đó, tự bản thân ngôn từ tục sẽ đánh mất giá trị thực của mình.
Yan Jie từng nhận định, “từ trước đến nay, trên thế giới chưa từng có một thiên đường ngôn ngữ nào. Con người cũng không bị đuổi ra khỏi thiên đường vì cái miệng không sạch của mình” [Yan Jie 2006]. Ngôn từ tục dù muốn dù không vẫn tồn tại trong xã hội như một bộ phận không thể thiếu được trong hệ thống ngôn ngữ của loài người. Đó chính là vì cái thiêng hay cái tục, cái sạch sẽ hay dơ bẩn đều là những ý niệm do con người tạo nên, ký thác vào các sự vật hiện tượng trong xã hội như là một cách đánh dấu sự hiện diện của văn hoá. Những sự vật hiện tượng với bản chất và giá trị tồn tại của nó vẫn được giữ lại như khi nó được sinh ra, tuy rằng có thể chịu ảnh hưởng và bị biến dạng dưới sự ký thác của văn hoá.
Những ý niệm của con người luôn biến thiên, thay đổi, do vậy, cách nhìn nhận về sự hiện tồn của ngôn từ tục trong những giai đoạn thời gian khác nhau, trên những không gian văn hoá khác nhau và với những chủ thể văn hoá khác nhau sẽ có rất nhiều sự sai lệch nhau, từ đó hình thành nên cái có thể gọi là văn hoá sử dụng ngôn từ tục. Trên một mức độ nào đó, văn hoá sử dụng ngôn từ tục có khả năng trở thành một trong những tiêu chí để nhận biết văn hoá nhận thức và ứng xử của một cộng đồng xã hội trong một giai đoạn nào đó, bởi vì nó hàm chứa những đặc trưng cơ bản của một hiện tượng văn hoá điển hình: tính phổ quát, tính lịch sử, tính giá trị, tính biểu trưng, tính hệ thống, tính cộng đồng, tính sùng tín. Vì vậy, chúng ta có thể xem xét chúng trên các góc độ như giới tính, tôn giáo - tín ngưỡng, lứa tuổi, phân tầng xã hội…
***
Văn hoá là sự lựa chọn của con người khi đứng trước những vấn đề của tự nhiên và xã hội. Trong lĩnh vực xã hội, sự lựa chọn của con người bị quyết định bởi cả điều kiện tự nhiên lẫn những điều kiện ràng buộc do con người tạo nên, với mục đích là nhằm duy trì trật tự, ổn định và phát triển xã hội. Do vậy, ngôn từ tục tuy giữ một vai trò không thể thiếu trong nhu cầu phát tiết tình cảm, cảm xúc của con người, nhưng nó luôn nằm trong phạm vi bị kiểm soát bởi lăng kính đã bị nội hoá ở mỗi con người và sự quy ước của cộng đồng. Thậm chí, trong một thời kỳ dài, ngôn từ tục luôn bị xem là một sản phẩm vô văn hoá, phản văn hoá, hay là biểu hiện của sự suy đồi về đạo đức, nhân cách. Ở phương Đông, Trung Quốc là một đất nước của nhã lễ điển hình, do vậy, ngay từ thời cổ đại, những cấm kỵ về ngôn từ tục đã được xuất hiện. Trong Cấm kỵ - Văn hoá dân tục Trung Quốc, Hong Yu đã nhận định: “Thông thường thì người ta cho rằng, những từ ngữ dính dáng đến hành vi tính giao và cơ quan sinh thực chính là một kiểu từ ngữ uế trọc, dơ bẩn, những người được gọi là có giáo dục hay người đứng đắn đều rất e dè, không dám hé răng” [Hong Yu 2004: 126].
Nhưng thực tế đã chứng minh rằng, tính giá trị của bất kỳ một sự vật hiện tượng đã giúp nó tồn tại, và ngôn từ tục cũng đã tồn tại như một đại diện của thành tố văn hoá. Ngôn từ tục cũng chính đáng trở thành một trong những đối tượng nghiên cứu của các ngành khoa học, vì bản thân ngôn ngữ không hề có sự phân chia cao thấp về giá trị đạo đức của nó. Đặc tính bẩn hay tục chính là dấu ấn văn hoá được đóng chặt vào từng bộ phận của từ vựng, khiến con người luôn dùng đến định kiến văn hoá đã được nội hoá của mình mỗi khi nhìn nhận sự vật hiện tượng.
Đứng trên góc độ nghiên cứu khoa học, Ruth Wajnryb cũng nhận định: “Chúng ta sẽ không vì con ốc bươu có dáng hình xấu xí mà cấm sách giáo khoa môn sinh vật nhắc đến chúng; các nhà xã hội học khi nghiên cứu tâm lý tội phạm cũng vậy, dù nội dung phạm tội có biến thái đến đâu. Nếu như những chuyên gia này có thể tự do nghiên cứu lĩnh vực mà họ lựa chọn, hoàn toàn không vì sự lựa chọn của mình mà mặc định giá trị một cách thiên lệch cho những đối tượng đó, và cũng không bị giới hạn bởi óc phán đoán thẩm mỹ của những người khác, thế thì tại sao lại không thể xảy ra ở những nhà ngôn ngữ học?”.
Riêng ở lĩnh vực ngôn từ tục, để có thể làm rõ tính bình đẳng của ngôn ngữ, chúng ta phải đi về nguồn gốc hình thành của nó: trước khi mang dấu ấn của sự phân chia thể nhị nguyên, ngôn từ tục hoàn toàn không mang ý nghĩa bẩn hay tục, mà đó chỉ là cách gọi trực tiếp về cơ quan sinh dục và bài tiết, hoạt động tình dục và bài tiết cùng với một số sản phẩm của nó (bao gồm cả một số sản phẩm hình thành từ quá trình phát triển tính dục). Cụ thể như việc đặt tên cho con cái ở các vùng nông thôn ngày xưa, những từ ngữ liên quan đến cơ quan sinh dục như thằng Cu, cái Hĩm, con Thẹp ở đây hoàn toàn không bị khoác lên một quan niệm về phẩm chất đạo đức (thô tục, dâm đãng), mà đó là sự thể hiện ước muốn của dân gian: mong cho con cháu được khoẻ mạnh, không bị ma quỷ làm hại (niềm tin về linh hồn con người) hay phát dục tốt, mang đặc trưng giới tính rõ rệt (niềm tin về ý nghĩa phồn thực).
Hiện nay, trên thế giới thường có xu hướng bình thường hoá ngôn từ tục, đưa nó trở về thể nhị nguyên ban đầu: bất kỳ một sự phá cấm nào cũng đều hàm chứa một khi giá trị gây sốc (shock value震驚值), giá trị này đương nhiên sẽ có sự biến đổi, được quyết định tuỳ thuộc các điều kiện như chủ thể sử dụng thuộc khu vực văn hoá nào, trong thời đại nào và được hàm dưỡng những giá trị văn hoá nào. Nếu ngôn từ tục được tiếp tục dùng một cách mạch lạc rõ ràng thì giá trị gây sốc tất sẽ dần dần giảm xuống, và có thể sẽ dần trở thành ngôn ngữ trung tính như những lớp từ ngữ khác.
Tuy vậy, văn hoá là sự tiếp biến và đào thải những giá trị trong suốt quá trình con người tương tác với tự nhiên và xã hội. Việc sử dụng ngôn từ tục không đúng vào không gian văn hoá, thời gian văn hoá và chủ thể văn hoá sẽ thực sự trở thành một biểu hiện của cái bẩn, cái tục; đó chính mới chính là đối tượng bài xích của khoa học, của văn hoá văn minh, của đạo đức con người. Nhưng ngược lại, việc sử dụng ngôn từ tục cũng có thể mang trong mình giá trị nhân sinh, nhân đạo, nhân văn; giúp bộc lộ và cải thiện thực trạng xã hội, thúc đẩy con người hướng đến cái chân - thiện - mỹ và sống có giá trị hơn. Đó mới chính là mục đích cuối cùng của tất cả mọi hành vi văn hoá.
Chính vì thế, trong bài giảng về “Văn hoá bài tiết”, Trần Ngọc Thêm [2004] nhận định: “Văn hoá là cái đẹp, nhưng không chỉ ở cái đẹp nhất, tốt nhất, mà còn là việc làm tốt hơn, đẹp hơn ở những phạm vi bị xem là dơ bẩn. Thái độ vô trách nhiệm, không làm đẹp hơn, tốt hơn đối với các hiện tượng bị xem là xấu, là dơ thì mới gọi là vô văn hoá”.
Nói một cách khác, bản thân ngôn từ tục không phải là ngôn ngữ xấu xa (bad language), chỉ có cách nhìn của con người đối với nó mới có sự phân chia cao thấp, sang hèn, đẹp xấu. Trong giới hạn giá trị, người ta vẫn có thể tìm thấy giá trị của ngôn từ tục từ những con người sử dụng chúng một cách có văn hoá.
Tài liệu tham khảo
- Bakhtin M.M. 2006: Sáng tác của François Rabelais và nền văn hoá dân gian Trung cổ và Phục hưng (Từ Thị Loan dịch). - H.: NXB Khoa học Xã hội
- Đỗ Lai Thuý1999: Từ cái nhìn văn hoá. - H.: NXB Văn hoá Dân tộc
- Frazer James George 2006: Cành vàng (Ngô Bình Lâm dịch). - H.: NXB Văn hoá Thông tin
- Nguyễn Văn Trung 1968: Ngôn ngữ và thân xác. - Sài Gòn: NXB Trình Bày.
- Trần Ngọc Thêm2004:Lý luận văn hoá học (tập bài giảng cho HVCH Văn hoá học). – Trường ĐH KHXH-NV, Đại học Quốc gia Tp.HCM.
- Hong Yu 2004: 鴻宇. 禁忌 ─ 中國民俗文化。中國社會出版社. (Hồng Vũ. Cấm kỵ - Văn hoá Dân tục Trung Quốc.Trung Quốc Xã Hội xuất bản xã)
- WajnrybRuth 2006: Language Most Foul嚴韻 譯. 髒話文化史。臺北麥田出版社. (WajnrybRuth 2006: Lịch sử văn hoá ngôn từ tục (Yan Yun [Nghiêm Vận] dịch).Đài Bắc Mạch Điền xuất bản xã)
- Yan Jie 2006: 嚴潔. 美國專家要為髒話“正名”聲稱咒罵對人體有益. [Nghiêm Khiết] 2006: Chuyên gia mỹ muốn “chính danh hoá” ngôn từ tục, lên tiếng cho rằng chửi rủa có lợi cho sức khoẻ con người. http://www.qingdaonews.com/gb/content/2006-01/09/content_5839529.htm
Nguồn:In trong: Những vấn đề Khoa học Xã hội & Nhân văn – Chuyên đề Văn hoá học, Tp.HCM - Nxb Đại học Quốc gia, 2013
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-hoc-ung-dung/van-hoa-giao-tiep/2736-tran-duy-khuong-hien-tuong-su-dung-ngon-tu-tuc-duoi-goc-nhin-van-hoa-hoc.html
http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/van-hoa-hoc-ung-dung/van-hoa-giao-tiep/2736-tran-duy-khuong-hien-tuong-su-dung-ngon-tu-tuc-duoi-goc-nhin-van-hoa-hoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét