Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

BA NGƯỜI THẦY VĨ ĐẠI

Khi Hasan, một nhà hiền triết Hồi giáo sắp qua đời, có người hỏi ông: "Thưa Hasan, ai là thầy của ngài?"
Hasan đáp: "Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi của các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm, và như thế lại quá trễ vì thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy sau của ta.

Người đầu tiên là một tên trộm. Có một lần ta đi lạc trong sa mạc, khi ta tìm đến được một khu làng thì trời đã rất khuya, mọi nhà đều đi ngủ cả. Nhưng cuối cùng ta cũng tìm thấy một người, ông ta đang khoét vách một căn nhà trong làng. Ta hỏi ông ta xem có thể tá túc ở đâu, ông ta trả lời: "Khuya khoắt thế này thật khó tìm chỗ nghỉ chân, ông có thể đến ở chỗ tôi nếu ông không ngại ở chung với một tên trộm."

Người đàn ông ấy thật tuyệt vời. Ta đã nán lại đấy hẳn một tháng! Cứ mỗi đêm ông ta lại bảo: "Tôi đi làm đây. Ông ở nhà và cầu nguyện cho tôi nhé!" Mỗi khi ông ta trở về ta đều hỏi: "Có trộm được gì không?" và ông ta đều đáp: "Hôm nay thì chưa, nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ". Ta chưa bao giờ thấy ông ta trong tình trạng tuyệt vọng, ông ta luôn hạnh phúc.

Có lần ta đã suy ngẫm và suy ngẫm trong nhiều năm ròng để rồi không ngộ ra được một chân lý nào. Ta đã rơi vào tình trạng tuyệt vọng, tuyệt vọng đến nỗi ta nghĩ mình phải chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Ngay sau đấy ta chợt nhớ đến tên trộm, kẻ hằng đêm vẫn quả quyết: "Ngày mai tôi sẽ làm được, có thể lắm chứ!"

Người thầy thứ hai là một con chó. Khi ta ra bờ sông uống nước, có một con chó xuất hiện. Nó cũng khát nước. Nhưng khi nhìn xuống dòng sông, nó thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng đó là một con chó khác. Hoảng sợ, nó tru lên và bỏ chạy. Nhưng rồi khát quá nó bèn quay trở lại. Cuối cùng, mặc nỗi sợ hãi trong lòng, nó nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Ta hiểu đây là một thông điệp đã được gửi đến cho ta: con người phải biết chiến thắng nỗi sợ trong lòng bằng hành động.

Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Ta đến một thành phố nọ và thấy một đứa bé trên tay cầm một cây nến dã thắp sáng để đặt trong đền thờ. Ta hỏi đứa bé: "Con tự thắp cây nến này phải không?" Đứa bé đáp: "Thưa phải." Đoạn ta hỏi: "Lúc nãy nến chưa thắp sáng, nhưng chỉ một thoáng sau đã cháy sáng. Vậy con có biết ánh sáng từ đâu đến không?"

Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: "Ngài thấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu?"

Cái tôi ngạo nghễ của ta hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức kim cổ của ta cũng sụp đổ theo. Lúc ấy ta nghiệm ra sự dốt nát của bản thân. Và từ đó ta vất đi tất cả những tự hào về kiến thức của mình.

Đúng là có thể nói ta không có một ai là thầy, nhưng điều này không có nghĩa ta không phải là một học trò. Ta xem vạn vật là thầy. Tinh thần học hỏi của ta luôn rộng mở hơn tất cả các người. Ta học hỏi từ tất cả mọi vật, từ cành cây ngọn cỏ đến đám mây trên trời kia. Ta không có một người thầy vì ta có hàng triệu triệu người thầy mà ta đã học được mỗi khi có thể. Điều thiết yếu trong cuộc sống là luôn làm một học trò. Điều này có nghĩa là gì? Nghĩa là có khả năng học hỏi, luôn sẵn sàng học để biết chấp nhận ý nghĩa của vạn vật.

Chungta.com
________________________________

Ở một nền giáo dục trọng bằng cấp và thi cử, thì dần dần, học sinh và phụ huynh sẽ hình thành chiến lược tối ưu hóa nhằm đạt được mục đích đó. Nói cách khác là làm theo cách thực dụng nhất.
Dễ thấy nhất là hiện tượng học lệch. Chỉ học chú trọng vào những môn thi đại học, các môn khác chỉ cần đủ điểm sống sót, học sinh trung bình cũng được.
Một xu hướng mới là rời bỏ trường công, chuyển sang học trung tâm giáo dục thường xuyên (TT GDTX ) của các em cấp 3. Vì học ở TT GDTX chỉcần học 7 môn, đề kiểm tra lại không quá khó, lịch học không quá căng. Đây là một bước tối ưu hóa chuyện học lệch với mức độ thực dụng cao nhằm đạt được mục tiêu đỗ đại học mà không thèm quan tâm đến sĩ diện học trường phổ thông ngon lành.

Còn có một xu hướng thú vị nữa là các em sinh viên vừa mới đậu đại học, tập trung cùng nhau viết sách về ôn luyện. Điển hình là sách của Love Book (vedu.vn) Sách các em viết khá đầy đủ, tường tận, đã vậy lại có hỗ trợ trực tuyến. Nó thú vị hơn nhiều so với vô số sách tham khảo hiện giờ được viết bởi giảng viên hoặc thạc sĩ ôn luyện nào đấy. Vì một lý do đơn giản: các em vừa mới thi xong, các em tổng hợp bài vở được dạy và truyền đạt lại. Xem ra, làm thợ giảng cũng không khó.
Tóm lại, kiến thức trong nhà trường hiện nay chỉ là thứ dùng để thi thố mà thôi. Và học sinh chỉ học để thi thố. Quá buồn cho giáo dục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét