MÔT VÀI KÍ VÃNG VỀ HỘI NGHỊ ĐÀ LẠT(2/5)
Hoàng Xuân Hãn
Phái đoàn Đà Lạt gồm 12 đại biểu, 12 cố vấn.
Ngoài trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam và phó trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp, các đại biểu là Trịnh Văn Bính, Cù Huy Cận, Hoàng Xuân Hãn, Vũ Văn Hiền, Vũ Hồng Khanh, Trần Đăng Khoa, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Luyện, Phạm Ngọc Thạch, Bùi Công Trừng và Nguyễn Mạnh Tường.
Cố vấn là: Tạ Quang Bửu, Kha Vạng Cân, Kiều Quang Cung, Đinh Văn Hớn, Phạm Khắc Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Liên, Phan Văn Phát, Nguyễn Văn Tình, Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Tường Thụy và Hồ Hữu Tường.
Trong khi chọn lọc ủy viên, chắc chính phủ đã chú ý chọn những nhân vật có tiếng ở miền Nam về chuyên môn và chính trị. Trong các nhân viên giúp việc cho phái đoàn có: Trần Văn Tuyên về nội vụ và lễ nghi, Võ Hữu Thu về văn phòng, Duông về vô tuyến truyền tin, một sĩ quan bảo vệ Võ Nguyên Giáp. (Tôi chỉ ghi tên và quên họ).
Từ ngày 19 tháng 3, bộ Ngoại giao đã lập ban nghiên cứu hiệp định sơ bộ để định nghĩa những chữ dùng trong đó và lập những bảng kê một chương trình yêu sách tối đa, còn mực tối thiểu thì sẽ có Hội nghị Paris sau này và chính phủ định đoạt. Đại khái, uỷ ban đề nghị rằng:
Nước tự do là một nước có đủ các cơ quan tự chủ để sinh tồn và bảo vệ; chỉ bị ràng buộc bởi những hiệp ước với các xứ Liên bang Đông Dương và Pháp.
Liên bang sẽ tạo thành bởi những dây liên lạc, định rõ ràng: Liên hiệp quan thuế, hiệp ước tiền tệ, hiệp định vận tải, bưu điện, công tác có ích chung, hoặc có nhận thì những yêu cầu nguyên tắc lập theo dân số ở trong các xứ liên bang.
Liên hiệp Pháp là liên hiệp về văn hóa, kinh tế và về ngoại giao với nước ngoài Liên Hiệp. Sẽ yêu cầu có đại sứ ở đâu cần, nhất là ở Paris có đại biểu đặc biệt, nhưng Việt Nam cam kết không kí hiệp ước gì với nước ngoài làm trái quyền lợi Pháp.
Được tin sáng ngày 16 tháng 4 sẽ có máy bay Pháp đưa đi Đà Lạt. Ngày 15 sửa soạn vali: Vài bộ áo rét, một ít vật dụng. Chiều, bốn giờ, chính phủ họp phái bộ để dặn dò.
Cụ Chủ tịch dặn phải trù bị mọi việc cho thận trọng, vì hội nghị này sẽ có ảnh hưởng lớn về sau. Nguyên tắc chính phủ đặt ra là:
1.- Hết sức đoàn kết từ ý kiến đến hành động;
2.- Hết sức cẩn thận;
3.- Giữ bí mật;
4.- Trước lúc tuyên ngôn gì với đại biểu Pháp, phải thảo luận trước;
5.- Sau khi thảo luận với đại biểu Pháp một vấn đề gì, lúc về phải cùng nhau kiểm thảo lại để xem lẽ mình thắng hay bại ở chỗ nào;
6.- Mỗi khi thảo luận nên chia ra làm ba nhóm: xung phong, hậu thuẫn và trừ bị. Cụ Chủ tịch nói: "Phải có người đấm, người xoa".
7.- Mình chỉ xướng ra những vấn đề nghiêm trọng. Ngoài ra, để đại biểu Pháp đặt đề ra;
8.- Khi gặp vấn đề gì hai bên chưa thỏa thuận với nhau, thì để tách nó ra; chứ đừng nói để hỏi ý kến Chính phủ, vì nếu làm vậy thì sẽ thắt Chính phủ vào việc đàm phán này (ý là hội nghị chỉ là sơ bộ; ta dự là để tùy ý D’Argenlieu, chứ Chính phủ chỉ tham dự chính thức vào hội nghị sẽ nhóm tại Pháp).
Cụ phó chủ tịch can thiệp vào, hỏi: "Về vấn đề Nam bộ thì nghĩ thế nào ?" Theo bút kí của tôi chép liền lúc bấy giờ thì Chủ tịch trả lời: "Không nên nêu lên vấn đề đình chiến". Có lẽ bây giờ cụ đã nghĩ rằng sự tác chiến tiếp tục ở miền Nam là hậu thuẫn cho Hội nghị chăng ? Trái với ý trên, trong khi hội đàm, vấn đề đình chiến ta sẽ nêu ra và sự tranh thủ rất là gay gắt mà phái đoàn Pháp nhất định không chịu nhận bàn.
Cụ Huỳnh lại dặn: "Về hòa ước Trung-Pháp, ta đừng tỏ ý kiến gì".
Cụ Hồ nối lời dặn. Về Hiệp định sơ bộ, đại để phải giữ vững những lập trường sau này:
1.- Nước tự do (Etat libre).- Phải nói rõ trình độ tự do; nhất là về lãnh thổ, phải có thống nhất hoàn chỉnh.
2.- Liên Bang (Fédération).- Liên bang Đông Dương chỉ có về mặt kinh tế mà thôi. Nhất định không nhận Chính phủ Liên bang.
3.- Liên hiệp (Union).- Nhận tự do liên hiệp với Pháp, nhưng quyền hạn và nhiệm vụ của Việt Nam phải định rõ. Việt Nam phải được quyền thảo luận và biểu quyết trong sự định đoạt ở Liên hiệp. Về ngoại giao, ta phải có tối thiểu: là ngoại giao độc lập với các nước lớn Anh, Mĩ, Trung, Nga và các nước láng giềng Xiêm, Ấn, Phi Luật Tân. Pháp phải giới thiệu nước ta vào ONU.
Về tài chánh, phải có ngân hàng, tiền tệ;
Về kinh tế thì chủ quyền kinh tế phải thuộc nhà nước;
Về quân sự thì không chịu quân sự liên bang. Phải định rõ số lượng quân Pháp, nhiệm vụ, các địa điểm đóng quân và thời gian đóng quân.
Kết luận, Chủ tịch dặn: "Căn cứ vào Hiệp định sơ bộ để đi đến công tác thực thà với Pháp".
Nguyễn Tường Tam trả lời thay cho phái đoàn: "Xin cảm ơn Chính phủ đã đề cử chúng tôi đàm phán. Xin hứa sẽ làm tròn nhiệm vụ và yêu cầu Chính phủ điều khiển nhân dân ủng hộ phái đoàn, và yêu cầu các đảng phái đoàn kết".
Phó trưởng đoàn, Võ Nguyên Giáp, cũng biểu đồng ý rồi thêm rằng: "Về việc các đại biểu đoàn kết với nhau, thì không đáng lo. Còn về phần các đảng phái đoàn kết thì hai đảng phái đã quyết nghị thống nhất bộ đội".
Cuối cùng cụ Huỳnh Thúc Kháng tuyên bố: "Khi nào anh em muốn được ủng hộ, thì tôi có thể tụ họp đông dân chúng được liền".
Sau hơn sáu tháng đảng tranh, bấy giờ ai cũng đồng lòng nghĩ đến tổ quốc trước hết, tôi rất cảm động và nghe như đang sống một phút thiêng liêng, và nhớ lại lúc nhận cùng cụ Trần Trọng Kim họp Chính phủ tự lập đầu tiên để tìm phương phục sinh cho dân cho nuớc.
***
Năm giờ rưỡi sáng ngày 16 tháng tư, Phái đoàn hội tụ ở phủ Bắc Bộ, trước khi lên đường. Cụ Chủ tịch, cụ Huỳnh và một vài bạn thân nhân viên Phái đoàn tới tiễn chân. Một chi tiết đặc biệt: Chính phủ phát cho mỗi nhân viên một món tiền, 20 tờ bạc một trăm. Tuy rằng ăn ở tại Đà Lạt đã được Cao uỷ Pháp mời, nhưng số tiền ấy giữ để phòng có sự bất trắc. Nếu không cần tới thì lúc về lại nộp cho Chính phủ. Không khí thật có vẻ gia đình, y như đàn con được cha chú tiễn chân khi sắp trẩy.
Ra đến đường bay Gia Lâm thấy Phái đoàn thân thiện đi Paris đang sắp sửa lên máy bay. Các máy bay bấy giờ là do Chính phủ Pháp cho mượn. Chúng tôi lên một chiếc Junker là tàu bay chở binh của Đức mà Pháp đã tịch thu. Thứ tàu ấy có ba động cơ, thân vuông lại hay hỏng máy, cho nên bấy giờ được đặt tên chế giễu là cái quan tài bay. Trong lòng tàu trang bị cực sơ sài, chỉ có hai cái ghế dài hai bên như trong chiếc xe đò ở bên ta. Bay thì không quá ba nghìn thước và tốc độ chỉ chừng 200 kilômét mỗi giờ.
Chúng tôi lục tục lên tàu, một người có vẻ khác mọi người là vị sĩ quan ngồi kèm Võ Nguyên Giáp, mặc binh phục màu vàng, mang nhãn hiệu sao vàng ở mũ và khẩu tiểu liên làm phồng to cái bao da áp đùi. Mỗi người chỉ đem đi một cái vali nhỏ. Võ Nguyên Giáp có cái cặp da căng bởi giấy tờ. Đặc biệt nữa là có cái hòm to dài rất nặng; đó là cái máy vô tuyến điện thu phát tin tức mà kĩ sư Tình phụ trách mang theo.
Mặt trời đã cao, trời nửa nắng nửa mây. Tám giờ kém hai mươi, máy bay tôi ngồi bắt đầu chuyển máy. Mười lăm phút sau, máy bay lìa đất, lượn nửa vòng sang bên sông Nhuệ rồi bay về hướng Nam. Đấy là lần đầu tiên, tất cả chúng tôi được nhìn "đất nước" của ta từ trên không trung. Ai ấy đều quay đầu nhìn qua những cửa sổ nhỏ, phong cảnh thật là tuyệt đẹp: đồng vàng, sông đỏ, làng mạc xanh thâm. Trông xa ở chân trời núi non lam nhạt. Lòng yêu nước càng nồng và sực nghĩ thấy nỗi lo mất nước càng mạnh. Phút chốc, hình non sông đã biến; máy bay đang vượt dặm trên từng mây trắng trải mênh mông. Một giờ sau, ngoài khung cửa kính, thấy le te mấy hòn đảo, lốm đốm bóng thuyền rải rắc trên nền nước xanh. Lấy chừng giờ bay, đoán đang lướt trên cửa Biện là một cửa bể và thương phụ có tiếng đời xưa ở chỗ ranh giới hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Máy bay vẫn giữ hướng Nam, lục địa xa dần về phía phải. Chín giờ băm bảy phút, máy bay vòng vào phía đất. Giáp nước xanh; từ từ hiện rõ một cái thành vuông; đường sá, sông ngòi, nhà cửa trông rõ và xinh như vẽ. Đó là tỉnh thành Hà Tĩnh, tỉnh quê của Cù Huy cận, Phạm Khắc Hòe và tôi. Cố rán nhìn về phía Bắc: đây là núi Hồng Lĩnh, xa hơn nữa hình như thấy vết sông Lam. Các làng chúng tôi xúm xít ở đâu về phía ấy. Rồi máy bay lên cao trở lại, vượt núi Truông Bát, vào đất anh hùng Hương Khê, chỗ nghĩa quân của Phan Đình Phùng đã đánh mấy trận cuối cùng với kẻ ngoại xâm.
Máy bay vẫn ì ạch gắng lên cao, chui qua truông Mụ Già đến địa phận Cam Môn, Cam Cát. Núi rừng mù mịt một màu xanh thẳm, thỉnh thoảng hiện ra mấy lườn núi đá đen sì, vạch trên nền xám. Sông ngòi vô tận, quanh co chia rìa như đường sống lá cây.
Mười giờ năm mươi đã thấy sông Khóng phía xa, và con đường quan lộ thẳng ro. Máy bay sà xuống thấp, lướt trên đống ruộng ướt, rải rác nhà chòi, qua sông rồi vòng trở lại hạ cánh trên một bãi cỏ rộng: sân bay Paksé. Mười một giờ năm phút. Bay mất ba giờ, vượt được sáu trăm năm mươi cây số. Thế là máy đã hết hơi phải dừng lại nghỉ.
***
Đợi cả buổi sáng ngày 17 mà không thấy máy bay tới. Chúng tôi bàn tính việc điều đình. Quá trưa mới ra phi trường.
Một giờ chiều, máy bay lại cất cánh, rồi tiến thẳng hướng Đông Nam. Cũng một Junker, nhưng nghe nói tàu này chỉ bay được 165 cây số mỗi giờ. Trông xuống đất chỉ thấy mông mênh rừng thẳm xám xanh, thỉnh thoảng có vạch đường cong queo sắc bạc bởi dòng nước của sông ngòi. Một lúc gặp bức tường mây trắng xóa. Tàu lắc lư gắng vượt lên cao. Trong tàu ai cũng nôn nao. Muốn nói chuyện phải ghé miệng vào tai mà nói lớn. Hết rừng rậm đến rừng khô, rồi đến cao nguyên cỏ bụi. Máy bay bắt mối được một ngọn sông chảy từ Bắc xuống Nam. Rồi thấy có hồ dài, có đường quanh co. Tàu đâm đầu xuống một quả núi cây, rồi trượt trên một bãi cỏ dốc. Đó là sân bay Liên Khang gần phía Nam Đà Lạt. Đồng hồ chỉ bốn giờ mười lăm.
Mấy người của chính quyền Pháp chực sẵn đó, đón Phái bộ. Hai ba phóng viên báo tiến tới phỏng vấn đoàn trưởng. Trong đó có một cô gái Việt, người đẫy đà, mặc áo dài chấm gót, màu sặc sỡ, bó sát thân. Trông mặt mày vẽ phấn tô son ghê tởm. Chúng tôi suốt một năm nay đã sống trong không khí hồi hộp và trong trẻo, chỉ thấy những kẻ tranh dành độc lập cho xứ sở; mà phút chốc đứng trước cảnh tượng một cô gái Việt theo hùa người Pháp, thì thấy tự xấu hổ cho người mình. Cù Huy Cận đi cạnh tôi, nói nhỏ với tôi rằng: "Việt gian no béo thật!" Rồi đi sau cô. Thấy mình cô vặn vẹo chồng chềnh trên đôi giày cao gót bước trên bãi cỏ, nhà thi sĩ vui đùa nhắc lại bài thơ Le bateau ivre (con thuyền say sóng) của thi nhân Pháp Rimbaud.
Ô tô nhà binh Pháp đưa về Đà Lạt cách sân bay ba mươi cây số. Dọc đường nhận thấy đường và các cầu không bị hư hỏng. Phái đoàn được đưa về khách sạn Langbian, dựng trên đồi cao ngoảnh mặt xuống hồ, trừ đoàn trưởng sẽ ở phòng đặc biệt tại khách sạn sang hơn, là khách sạn Hoa Viên (Hotel du Parc). Bấy giờ, khách sạn mới mở lại, các phòng trống không, thiếu hết mọi đồ dùng. Trời khá lạnh. Thay quần áo ấm rồi xuống họp ở phòng khách, nghe ngóng tin tức.
***
Dalat
Đà Lạt, ngày 04.05.1946, ký hoạ và thủ bút Hoàng Xuân Hãn
Thoạt tiên những tin Pháp cho biết đều báo hiệu nhiều sự không hay. Một viên công sứ cũ, phụ trách đón tiếp, cho hay rằng đã dành riêng hai phòng lịch sự nhất ở khách sạn Hoa Viên cho hai chủ tịch Phái đoàn: Nguyễn Tường Tam và Max André, và một phóng viên Pháp nói: "Ngày mai, trước khi Phái đoàn đi chào Cao ủy, tôi xin phép chụp tấm ảnh".
Bấy giờ mới biết rằng Pháp đã thay thế đoàn trưởng và họ đã đặt chương trình hành động mà không hỏi ý mình. Phái đoàn mình có Bộ trưởng Ngoại giao cầm đầu, thì tất nhiên Phái đoàn Pháp ít ra cũng có Cao ủy Pháp chủ tịch. Trái lại họ đã định hạ Phái đoàn mình vào hàng đại biểu địa phương trong xứ Đông Dương và đã đặt Cao ủy trùm lên hai Phái bộ. Sự tranh thủ đầu tiên của Phái bộ ta là giữ vững lập trường quốc tế ngang hàng với Pháp trong khi điều đình, nghĩa là khi chưa quy định tổ chức Liên bang và Liên hiệp. Còn chính quyền Pháp, thì vẫn coi người Việt là đàn trẻ "chơi trò độc lập". Họ cố ý đánh đòn tâm lý đầu tiên hoặc để thử tinh thần chống cự của dân ta, hoặc để làm át thế và ức chế lòng tin tưởng của ta.
Quả như vậy. Sáng ngày sau, 18 tháng tư, chính quyền Pháp tới khách sạn đòi trục xuất Tạ Quang Bửu và một người tên Chi để giúp Trần Đăng Khoa trong sự giao thiệp với người địa phương. Họ lấy cớ rằng các người ấy không có tên trong sổ dự định trước. Đối với Bửu thì họ nhận để ở lại, tuy họ sợ có liên lạc với quân đội kháng chiến ở vùng này. Còn đối với Chi, thì nhất định họ đem đi. Thế mới biết thám tử của họ ở Hà Nội đã cho họ biết rõ nhiệm vụ từng phái viên ta. Tôi còn nhớ rằng trong khi họp bàn đến Hội nghị Đà Lạt và các vấn đề khác ở trong ban Kiến thiết, Võ Nguyên Giáp một hôm ra hiệu cho tôi cùng đi ra ngoài phòng; rồi bảo tôi rằng: "Hôm nay, anh đừng nói gì về những việc quan trọng, vì có kẻ rình nghe". Tôi rất ngạc nhiên và trả lời: "Ở đấy chỉ có người trong Chính phủ và người được Chính phủ đã chọn". Giáp bảo thật tôi rằng: "Có bác sĩ kia, Pháp đã cho lọt vào Đồng Minh hội. Chúng tôi biết chắc rằng những chuyện bàn ban ngày trước mặt anh ta, thì tối phòng Nhì quân đội Pháp đã biết". Tôi im, nhưng cũng chưa tin chắc hoàn toàn. Chuyện trục xuất này chứng tỏ Pháp có tay trong. Rồi sau này, sau ngày chiến tranh Pháp-Việt bùng nổ ở Hà Nội, vào tháng chạp, quả nhiên bác sĩ kia được huy chương và cất làm Hội đồng An dân, nhưng rồi bị ám sát mấy tuần sau.
Đại diện Pháp tới bảo: mười giờ, hai phái đoàn sẽ đi chào đô đốc D’Argenlieu rồi mười một giờ họp toàn thể đại hội. Ta không bằng lòng. Thế là khi chưa bắt đầu hội nghị, hai bên đã cãi găng. Ta nói: "Ông Tam sẽ lên thăm ông đô đốc". Đại biểu Pháp nói: "Thì để cả ông Max André cùng tới một lần".
Ý bên Pháp muốn coi Đô đốc là chủ trùm cả hai phái, mà ta chỉ nhận Đô đốc là trưởng đoàn Pháp mà thôi. Nhưng cũng phải tìm cách hòa giải, bèn đề nghị: "Ông Tam sẽ tới thăm Đô đốc, rồi Đô đốc sẽ cho biết rằng vì bận việc nên sẽ giao quyền lại cho ông Max André cầm đầu phái đoàn Pháp. Trong thông báo sẽ có lời như thế này: M. Tam a eu une première entrevue avec l’Amiral D'Argenlieu. Les deux chefs de délégations ont arrêté en commun le programme de travail des deux délégations. Monsieur l’Amiral a présenté à M. Tam son remplancant, M. Max André, à la tête de la délégation francaise - Ông Tam đã hội kiến lần đầu với Đô đốc D’Argenlieu. Hai trưởng đoàn đã định chương trình công tác cho hai phái đoàn. Ông Đô đốc đã giới thiệu với ông Tam người thay thế mình, ông Max André cầm đầu phái đoàn Pháp."
Bên Pháp tạm nhận đề nghị, nhưng yêu cầu tất cả phái đoàn ta sẽ tới liền sau đó, vì "Champagne sẵn sàng rồi !"
Trong khi bàn luận lôi thôi, Pignon, phái viên chính trị của Đô đốc, tới nói chuyện với Nguyễn Tường Tam. Theo lời Tam báo cáo thì Pignon đã cho hay rằng: Đô đốc nhất định phải giữ danh hiệu Cao ủy, nhưng trong thông báo có thể xưng là Đô đốc Trưởng đoàn Pháp và Cao ủy Pháp. Còn về thông cáo thì cả hai đều bằng lòng mới tuyên, nếu không thì thôi. Pignon lại cho hay rằng Đô đốc mời ăn cơm trưa.
Sự cãi cọ gay go cả buổi sáng làm không khí khá căng thẳng, vì phủ Cao ủy đ?
***
Lúc 12 giờ rưỡi, thấy có tuyên ngôn của Cao ủy trách. Lời rằng:
"Theo tục lệ quốc tế, Cao ủy Pháp, đại diện chính phủ Cộng hòa, đã đợi ông Nguyễn Tường Tam, bộ trưởng bộ Ngoại giao, trưởng Phái đoàn của chính phủ Cộng hòa Việt Nam, lúc 10 giờ 45 phút. Ngoài sự yêu cầu về điển lễ, sự tiếp kiến này đáng lẽ là dịp để giới thiệu cho ông ấy ông Max André, là phó chủ tịch hội đồng quận hạt quận Seine, đại diện bộ Ngoại giao và bộ Binh, đã được chọn để làm chủ tịch Phái bộ Pháp. Phái đoàn của Cộng hòa Việt Nam cũng đáng lẽ được dẫn yết bởi chủ tịch đoàn.
"Bây giờ là 11 giờ 45 phút, các nhân viên Phái đoàn Pháp đã hội họp để đón tiếp các đồng liêu họ ở Hội phòng.
"Nếu tình trạng này kéo dài, thì chỉ tổn hại cho công tác của Hội nghị. Vậy, Cao ủy ngỏ cùng Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Việt Nam, một lần nữa, ý nguyện tiếp ông liền bây giờ để gây nên một hòa khí thuận lợi cần thiết."
Ta trả lời rằng sở dĩ có sự so le là vì Phái đoàn Pháp không dự định gì trước với Phái đoàn Việt Nam. Nhưng trưởng đoàn Nguyễn Tường Tam sẽ lên thăm Đô đốc, lấy nguyên tắc đoàn trưởng thăm đoàn trưởng. Rồi một giờ chiều, D’Argenlieu tiếp Nguyễn Tường Tam và giới thiệu Max André, và cũng nhận nguyên tắc trong hội nghị không có ai làm chủ cả hai bên, và trong các buổi họp, mỗi bên lần lượt chủ tọa.
Một giờ rưỡi, Đô đốc mời ăn ở dinh Cao ủy. Đô đốc đọc diễn văn; Nguyễn Tường Tam trả lời vắn tắt nhưng đầy đủ. Bữa ăn xong, hai phái đoàn trò chuyện rất vui vẻ, như là đã không xẩy ra chuyện găng co gì. Rồi phát lời tuyên ngôn chung đầu tiên. Rằng:
"Sau khi nhiều chậm trễ trong sự thi hành chương trình Hội nghị trù bị, gây nên bởi máy bay hỏng ở Paksé, ông Nguyễn Tường Tam, bộ trưởng bộ Ngoại giao chính phủ Việt Nam, Trưởng phái đoàn Việt Nam, đã tới nhã kiến Đô đốc D’Argenlieu, Cao ủy nước Pháp, đại diện nước Pháp ở Đông Dương, Trưởng phái đoàn Pháp.
"Cuộc đàm thoại đã triển khai một cách cảm thông và thân thiện tột bậc. Đô đốc đã thết một tiệc, trong bữa ấy hai phái đoàn đã gặp nhau. Cuối tiệc, Đô đốc đã mở lời để chào phái đoàn Việt Nam, tỏ tiếc rằng chủ tịch Hồ Chí Minh không thể dự buổi khai mạc công tác; rồi giải thích tầm quan trọng mà Chính phủ Pháp đặt vào Hội nghị Đà Lạt, lại giải rõ ý nghĩa các chữ Liên bang Đông Dương và Liên hiệp Pháp. Đô đốc cũng đã tuyên bố rằng sự tiếp dẫn tốt đẹp những công tác ở đây sẽ ảnh hưởng đến những kết quả tốt đẹp cho hội nghị chính thức ở Paris. Trong khi tặng lời chúc cho hai phái đoàn, Đô đốc đề xướng nâng cốc rượu chúc mừng chủ tịch Hồ Chí Minh và nước Dân chủ Cộng hòa Việt Nam.
"Ông Nguyễn Tường Tam cảm ơn Trưởng phái đoàn Pháp và tuyên bố rằng nhiệm vụ độc nhất của phái đoàn Việt Nam là trù bị cho Hội nghị chính thức Paris. Ông không muốn dự đoán những bàn luận sau này, vì đó là mục đích công tác của hai phái đoàn; nhưng ông chắc rằng định ý của Phái đoàn Việt Nam, cũng như Phái đoàn Pháp, là đem hết tâm nguyện ra làm việc để lợi cho hai nước, nước Pháp và nước Việt Nam tự do trong khối Liên hiệp Pháp theo đúng tinh nghĩa của Hiệp ước mồng 6 tháng 3 năm 1946. Ông bèn nâng cốc rượu, biểu dương vinh dự của hai phái đoàn, chúc Đô đốc mạnh khoẻ và Hội nghị Đà Lạt thành công.
"Sau khi chuyện trò, những đại biểu hai phái đoàn họp lại để bàn soạn lễ khai mạc Hội nghị. Theo lời ông Max André đề nghị, lễ này sẽ cử với trưởng đoàn Việt Nam làm chủ toạ. Đã định rằng mỗi một phái đoàn sẽ sửa soạn trong hôm nay cái sổ kê những ủy ban sắp nhóm và những vấn đề mà mình thấy cần nêu ra.
Một Toàn thể đại hội sẽ nhóm ngày mai, 19 tháng tư, vào chín giờ sáng ở trường Lycée Yersin. Hai phái đoàn nhắm mục đích xáp lại những đề nghị của hai bên và điều hiệp lại."
Thông cáo trên tóm tắt đủ những sự kiện xảy ra ngày đầu mà Phái đoàn ta phải chạm trán với Chính quyền Pháp ở Đông Dương và với Phái đoàn Pháp. Đô đốc D’Argenlieu là một người rắn rỏi, độc đoán, bảo thủ, tự cao, nhưng cũng là rất nhã nhặn. Trong việc tiếp xúc với Phái đoàn Việt Nam, ông bị chống lại. Chắc ông đã tức tối lắm, nhưng không hề để lộ sự giận trong khi tiếp Phái đoàn. Trái lại, tôi có cảm tưởng rằng ông đã hiểu rằng "tụi trẻ con" này không dễ ức chế; cho nên câu đầu ông nói trong buổi tiệc là: "La France prend au sérieux le Vietnam", nghĩa là nước Pháp quan tâm đến nước Việt Nam, với ý rằng coi đó là một nước thật, chứ không phải đó là một sự đùa của trẻ con. Nhưng liền sau đó, ông đã nhấn mạnh vào chế độ chính trị của Liên bang Đông Dương.
Còn Phái đoàn Việt Nam, trong bữa tiệc cũng vẫn tranh đấu. Phái đoàn đã dự định rằng trưởng đoàn sẽ trả lời Đô đốc bằng tiếng Việt để tỏ ý chí độc lập của dân tộc. Khi Nguyễn Tường Tam đứng dậy đáp lời, biết rằng tâm lí Việt vẫn găng, những người Pháp trong tiệc bắt đầu hơi khó chịu. Nhưng liền sau, Nguyễn Mạnh Tường đứng dậy ở cuối bàn, nét mặt tươi cười, dịch lời trưởng đoàn ra tiếng Pháp, một cách chải chuốt, thanh nhã, hùng hồn, thì ai nấy cũng quay nhìn với vẻ ngạc nhiên và thích thú. Không khí khác hẳn. Một phái viên Pháp khen nức nở, quay hỏi tôi dịch giả là ai. Sau khi tôi cho biết đó là một tiến sĩ văn khoa và luật khoa, ông ta bảo đùa với tôi rằng: "Ông ấy Pháp hơn người Pháp, như hầu hết các anh. Chắc điều đình sẽ không khó." Tôi trả lời: "Với các ông thì chắc không khó, nhưng với Chính quyền Pháp không biết sẽ ra sao".
Chiều hôm ấy còn dư thời giờ; một số phái viên đi du lịch thăm cảnh đập nước và nhà thủy điện Angkroet. Chính quyền để ba ô tô cho phái đoàn dùng. Đường sá xấu. Dọc đường nhiều nhà đóng cửa. Ít thấy bóng đàn ông. Chúng tôi có dừng lại thăm làng Nghệ Tĩnh mà chính Phạm Khắc Hoè đã lập, khi làm Quản đạo tại đây. Làng vắng tanh, chỉ còn một ít đàn bà trẻ con.
Tối, kiểm điểm lại công việc hôm đầu, thấy Phái đoàn mình đã làm tròn nghĩa vụ không hao tổn quốc thể, đã biết cương quyết và hoà nhã. Tuy những sự việc tranh đấu không quan trọng về công tác điều đình, nhưng về đại thể, Phái đoàn đã tỏ rõ thái độ của một nước tự do không chịu nhận một điều gì mà mình không cùng dự định đoạt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét