Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

Thời thế, anh hùng!

Đối với người Việt Nam, mệnh đề "Thời thế tạo anh hùng" dường như đã thuộc về một chân lý không cần phải bàn cãi. 

Vừa nhận được tin thằng bạn học chung phổ thông mới thăng chức, người ta sẽ nói "Thằng ấy trông thế mà xuân! Đúng là thời thế tạo anh hùng!" Và nếu như được hỏi "Tại sao bác lại bảo thằng ấy nó xuân?", lập tức câu trả lời sẽ là một đoạn hồi ký dài ba tập "Nhớ lại và suy nghĩ" kiểu như "À, tôi lạ gì nó. Ngày xưa ở lớp tôi nó là thằng học dốt nhất lớp. Nó toàn chép bài của tôi chứ đâu." 

"Thằng ấy học dốt nhất lớp", "con ấy ngày xưa toàn quay bài", "trình bố con nhà nó tớ còn lạ"... Vô hình trung, thành tích thời phổ thông trở thành một tiêu chí quan trọng nhất, thậm chí với nhiều người là duy nhất, để đánh giá tài năng một con người. Tại sao nói dân Việt Nam thông minh? Vì chúng ta có một đội tuyển chuyên toán hùng mạnh. Tại sao nói cờ vua Việt Nam mạnh? Vì chúng ta có Nguyễn Ngọc Trường Sơn. Và nếu vì một lý do gì đó những học sinh đạt giải toán quốc tế xưa không thành những nhà toán học lẫy lừng thế giới, vì lý do gì đó mà Nguyễn Ngọc Trường Sơn không thành Karparov, thì người ta sẽ bảo "Chẳng qua họ không gặp thời!" 

Đặt câu hỏi ngược một chút: Tại sao thời thế lại chỉ ưu ái cho những anh hùng, còn những "anh hùng hụt" thì chẳng bao giờ gặp? Tại sao có những con người luôn thành công, trong khi người khác gặp toàn thất bại? Tại sao Stephen Hawking có thể đạt những thành tựu hoành tráng mặc dù ông bị bại liệt? Nếu nhìn nhận yếu tố thời thế thì ta phải nói rằng ông đã gặp may khi sinh ở nước Anh, được hưởng thụ một nền giáo dục tiên tiến. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông sinh ở Việt Nam. Chẳng khó khăn lắm người ta có thể hình dung ra ngay một tương lai vót tăm tre đang chờ ông, và có lẽ ông sẽ là đối tượng để bạn Tiểu Ninh Tử của chúng ta dành cho sự quan tâm đặc biệt. Và như thế lại nảy sinh ra một câu hỏi khác "Tại sao rất nhiều học sinh chuyên toán của chúng ta, mặc dù được ra nước ngoài, hưởng thụ một nền giáo dục đại học tiên tiến, vẫn chỉ là những nhà khoa học làng nhàng và hầu như vô danh trong giới của họ?" 

Nếu mở rộng vấn đề ra đến tầm một dân tộc thì người ta không khỏi ngạc nhiên khi nhận ra rằng lịch sử Việt Nam chưa bao giờ là lịch sử của những người may mắn. Chúng ta chưa bao giờ là một quốc gia hùng mạnh trong bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử. Đôi khi những người miền Nam vẫn tiếc nuối cái thời mà kinh tế Việt Nam cách đây 40 năm chẳng kém gì Hàn Quốc, vượt hẳn Thái Lan, và họ đặt giả thiết rằng nếu như đất nước không thống nhất, hẳn miền Nam Việt Nam bây giờ sẽ là một bản sao của Hàn Quốc. Nhưng vấn đề là tại sao họ không tưởng tượng ra một miền Nam Việt Nam là bản sao của Philipins bởi cách đây 40 năm kinh tế Phi thậm chí còn hơn cả kinh tế Hàn? Điều này quả là hài hước bởi dường như tư duy của một dân tộc, cụ thể ở đây là dân tộc Việt Nam, có một cái gì đó tuyến tính một cách cực đoan giống hệt tư duy của chị Vìu. Một đứa trẻ từ bé thông minh, lớn lên ắt nó sẽ thông minh. Một dân tộc ngày xưa đã từng hùng mạnh sẽ mãi mãi hùng mạnh. Tất nhiên nếu điều đó không xảy ra thì nó thuộc về ý muốn của Thượng đế chứ không phải là hệ quả của những nỗ lực. 

Nhìn vào ba quốc gia bị chia cắt ý thức hệ: Việt Nam, Hàn Quốc và Đức, chẳng khó khăn gì người ta không nhận ra rằng, dù đứng trong bất kỳ hệ thống nào, tư bản hay xã hội chủ nghĩa, người Hàn và người Đức luôn là những người đứng đầu. So với các nước trong hệ thống XHCN thời kỳ Liên Xô cũ, CHDC Đức và CHDCND Triều Tiên chưa bao giờ phải đứng cuối bảng như Việt Nam, Lào hay Campuchia. Phải chăng yếu tố may rủi cũng tác động lên một dân tộc giống hệt như cái cách mà nó ảnh hưởng đến từng cá nhân? Nghĩa là người Hàn và người Đức dù theo bất kỳ thể chế nào cũng sẽ gặp nhiều may mắn hơn người Việt hay người Miên. 

Trong lý thuyết xác suất và thống kê, khi số phép thử tăng đến một giới hạn nhất định nào đó thì yếu tố ngẫu nhiên (tức là yếu tố may mắn) không còn ảnh hưởng đáng kể nữa. Hãy tưởng tượng hai người, một người cực kỳ may mắn, một người cực kỳ đen đủi, cùng chơi xúc sắc, một trò chơi hoàn toàn ngẫu nhiên, những phẩm chất cá nhân hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến kết quả. Trong thời gian đầu, có thể là một tuần hay một tháng, ưu thế sẽ nghiêng về người may mắn nhưng nếu trò chơi kéo dài đủ lâu, có thể là 1 năm hoặc 10 năm thì chắc chắn kết quả sẽ là hòa. 

Và câu hỏi đặt ra là liệu giới hạn của số phép thử có lớn hơn dân số của một dân tộc không hay nói cách khác thời gian để hai người chơi xúc sắc có kết quả hòa liệu có dài hơn chặng đường mà lịch sử đã đi qua không? 

Nếu câu trả lời là không, thì có lẽ đã đến lúc chúng ta phải đi đến kết luận rằng "chỉ có anh hùng tạo ra anh hùng, thời thế chẳng tạo ra cái gì hết."

________________________________

“Đừng kỳ vọng gì ở đám đông. Đám đông có thể là vị thánh 5 phút trước nhưng có thể trở thành con quỷ 5 phút sau…”

“Thời thế tạo anh hùng…” nhưng trước đó, thời thế tạo ra những kẻ cơ hội, có như vậy anh hùng mới có cớ để mà xuất hiện và ra tay.

Thời thế còn tạo ra những kẻ a dua, a tòng. Những kẻ đó cùng với tâm lý bầy đàn, tạo thành một đám đông. Còn tâm lý đám đông lại là một thứ kỳ lạ và đặc biệt dễ bị lợi dụng.

Chương trình Ape Man trên NatGEO có một thí nghiệm minh họa rất hay về tâm lý bầy đàn và mong muốn được nhập nhóm của con người, dù đã qua thời kỳ nguyên thủy rất lâu. Đối tượng thí nghiệm không biết mình đang bị theo dõi bằng camera. Người ta để cho đối tượng thí nghiệm bước vào thang máy trước, một nhóm 4 người của chương trình bước vào thang máy sau.

Bình thường người đi thang máy, sau khi vào, sẽ quay mặt ra cửa thang máy để đợi ra. Nhưng trong thí nghiệm này – nhóm người ‘hoàn toàn xa lạ’ kia không làm vậy, họ đồng loạt quay mặt vào trong, quay lưng ra cửa, cúi mặt xuống và không nói gì. Gần như ngay-lập-tức, sau vài giây khó hiểu, ngạc nhiên, đối tượng thí nghiệm của chúng ta cũng quay mặt vào trong, cúi mặt xuống. Ai cũng biết đó là một hành động kỳ lạ, kỳ quặc, khó hiểu, khác người, khác với quy định bất thành văn của xã hội (social norms). Vậy mà tất cả các đối tượng thí nghiệm đều hành động ‘kỳ quặc’.

Để làm gì? Đơn giản là để không thấy bị lạc lõng, nhưng trong một tình huống nhỏ, nhóm nhỏ – trong thang máy.

Tương tự, khi ta dừng đèn đỏ ở sát vạch, tuyến đầu, nếu những người xung quanh – mặc dù chưa đến đèn xanh – đã nổ máy, ta bỗng thấy bồn chồn, khó chịu – rồi đến những tiếng còi thúc giục – rồi 1, 2, và nhiều người bắt đầu vượt đèn đỏ. Tự giác, ta sẽ nhấn dí ga và vượt lên (trừ khi đi ô tô). Nếu có ngoan cố dừng lại, thế nào cũng có ngày gặp một vài kẻ sau ở đằng sau, vượt lên và chửi với ‘thằng điên’, ‘dở à’, ‘điếc à’… Tâm lý tự nhiên lần sau, ta sẽ chẳng muốn bị chửi như thế nữa, vậy là vượt đèn đỏ. Dần khi ta vượt đèn đỏ lúc còn 2-3 giây, ta thấy bình thường – thậm chí, dễ chịu. Tâm lý bầy đàn, đám đông, phản ứng theo tình huống là vậy.

Và cứ thế, bầy đàn, đám đông rất dễ bị gợi ý, rất dễ bị dẫn dắt, rất dễ bị lợi dụng. Không ai thoát khỏi tâm lý đám đông một khi đã bị cuốn vào trong nhóm, vì nó nằm trong bản năng sinh tồn.

Đánh chết thằng trộm chó là ví dụ nhỏ, những cuộc cách mạng là minh chứng lớn – rất nhiều cuộc cách mạng bắt đầu từ cái chết của một người được coi là quan trọng. Hình ảnh thường thấy ở Trung Đông khi họ khiêng quan tài của những vị thủ lĩnh đi ngoài đường và có hàng vạn người hô hào, biểu tình đi theo. Những cái chết được tính toán, và những tính toán sau cái chết.

Những Người Khốn Khổ cũng có cảnh đó. Từ một đám tang (Lamarque), đám đông, hỗn loạn, hô hào, toan tính, chuẩn bị, nổi loạn, cách mạng.

Kết cục tất nhiên không phải lúc nào cũng theo ý muốn của những người ‘chủ mưu’, nhóm Cách mạng trong Những Người Khốn Khổ cuối cùng đã phải đập cửa từng nhà xin cầu cứu mà không có một cánh cửa nào mở ra. Đám đông là thế.

Đừng kỳ vọng gì ở đám đông. Đám đông có thể là vị thánh 5 phút trước nhưng có thể trở thành con quỷ 5 phút sau. Và như thế, kẻ có thể điều khiển được cả đám đông theo ý muốn, là kẻ nguy hiểm nhất, đáng sợ nhất.

Truyền thông – cho dù nói sự thật – cũng chỉ là công cụ.


Và cũng đừng bao giờ nghĩ rằng sẽ không còn anh hùng nào nữa, chỉ cần có thời thế, tất sẽ có anh hùng, chỉ có điều, kẻ cơ hội sẽ xuất hiện trước mà thôi.
_____________________________

 Câu hỏi của bạn lúc nào cũng khó. Dù chẳng phải kẻ thức thời, tôi cũng đưa ra một số ý kiến của mình.
"Thức thời" là biết thời thế.
"Tuấn kiệt" là người tài giỏi.
(Từ điển Hán Việt).
Như vậy "Kẻ thức thời là trang tuấn kiệt" có nghĩa là: kẻ biết thời thế là người tài giỏi.
Câu này thì tất nhiên là đúng rồi. Nắm bắt được thời thế, được xu thế phát triển của thời đại mình đang sống đâu phải dễ. Thường là khi người ta đi qua nó rồi, nhìn lại mà đánh giá thì dễ dàng hơn rất nhiều. Nhưng đã đi qua rồi thì những cơ hội chỉ còn là quá khứ. Vì vậy kẻ thức thời chính là người nắm bắt được cơ hội trong thời điểm thích hợp nhất.
Vậy nắm bắt được thời thế là gì? Nắm bắt được thời thế có nghĩa là nắm bắt được quy luật phát triển của xã hội.
Kẻ thức thời là những con người bé nhỏ, nhưng có tầm nhìn xa trông rộng. Họ đang sống trong những ngày tháng này nhưng họ có thể biết được hàng chục năm sau xã hội sẽ phát triển như thế nào.
Từ xưa đến nay, kẻ thức thời cũng rất nhiều, và ngày nay, người thức thời cũng không ít.
Nắm được quy luật phát triển của xã hội đã là giỏi rồi, tìm ra trong đó những cơ hội tốt cho mục đích của mình lại càng giỏi hơn nữa. Những người thức thời không chỉ đơn giản là người nắm bắt được quy luật phát triển của xã hội, những xu thế tất yếu phải xảy đến mà người thức thời còn phải là người biết vận dụng thời thế đó để phục vụ cho mục đích của mình.
Những trang tuấn kiệt có khi còn biết lợi dụng thời thế để tạo ra thời thế.
Nếu bạn đã đọc "Mật mã Da Vinci" của Dan Brown thì sẽ thấy có một nhân vật Constantine.
"Ông ta cả đời là một kẻ ngoại đạo mãi đến khi nằm trên giường lâm chung, quá yếu không thể phản đối được, mới chịu lễ rửa tội. Dưới thời Constantine, quốc giáo của La Mã thờ thần Mặt trời - thờ Sol Invictus tức là Mặt trời không gì thắng nổi - và Constantine chính là tu sĩ đứng đầu quốc giáo đó. Rủi cho ông ta, một cuộc náo loạn tôn giáo ngày càng dữ dội đã tràn ngập La Mã. Ba thế kỉ sau khi Chúa Jesus Christ bị đóng đinh câu rút, số tín đồ của Người đã tăng bội lên theo cấp luỹ thừa. Những tín đồ Thiên Chúa giáo và những người ngoại đạo bắt đầu gây chiến với nhau, và cuộc xung đột phát triển đến mức đe doạ chia cắt La Mã làm hai. Constantine quyết định phải làm một điều gì đó. Vào năm 325 sau Thiên Chúa Giáng Sinh, ông ta quyết tâm thống nhất La Mã dưới hình thức một tôn giáo duy nhất. Đó chính là Thiên chúa giáo".
"Tại sao một hoàng đế ngoại đạo lại lựa chọn đạo Thiên chúa làm quốc giáo?".
"Constantine là một nhà kinh doanh rất giỏi. Ông ta thấy rõ Thiên chúa giáo ở xu thế đang lên, và đơn giản là ông ta ủng hộ con ngựa thắng cuộc. Các sử gia lấy làm thán phục sự xuất sắc của Constantine trong việc cải đạo cho những người thờ thần Mặt Trời thành những tín đồ Thiên chúa giáo. Bằng việc phối quyện những biểu tượng, ngày tháng, nghi lễ ngoại đạo vào truyền thống Thiên chúa giáo đang ngày càng phát triển, ông đã tạo ra một thứ tôn giáo lai tạo có thể chấp nhận được với cả hai phía".
"Những dấu tích của dị giáo trong những biểu tượng của Thiên chúa giáo là không thể chối cãi được. Đĩa mặt trời Ai Cập thành hào quang quanh đầu các thánh Thiên Chúa giáo. Những hình diễn đạt nữ thần Isis cho Horus bú, đứa con trai được thụ thai một cách kì diệu, đã trở thành mẫu phác thảo cho các hình vẽ hiện đại thể hiện Đức Mẹ Đồng Trinh Mary cho Chúa Hài Đồng Jesus bú. Và gần như mọi yếu tố trong các nghi lễ của Ki tô giáo như mũ tế, bàn thờ thánh, thánh ca, lễ ban thánh thể cũng như nghi thức rước mình Thánh Chúa đều được lấy thẳng từ những nghi lễ bí nhiệm dị giáo có từ trước đó".
"Chẳng có gì trong Thiên chúa giáo là chính gốc. Mithras - mà người ta vẫn quen gọi là Con trai của Thượng đế và Anh sáng của thế giới - là một vị thần tiền - Thiên chúa giáo chào đời vào ngày 25 tháng 12, và khi chết được chôn trong một ngôi mộ bằng đá, rồi tái sinh sau đó ba ngày. Tiện đây xin nói ngày 25 tháng 12 cũng được coi là ngày sinh của Orisis, Adonis và Dionysus. Thần Krishna lúc mới sinh ra đã được dâng tặng vàng, trầm hương và cả nhựa trầm hương. Thậm chí ngày thánh hàng tuần của Cơ đốc giáo cũng là thứ đánh cắp từ những người ngoại đạo".
"Thiên chúa gỉáo tôn vinh ngày hành lễ thứ Bảy Sabbath của người Do Thái, nhưng Constantine đã chuyển ngày lễ đó cho trùng với ngày lễ thần Mặt Trời của người ngoại đạo". Ông dừng lạí và cười. "Cho đến tận bây giờ, những con chiên đi lễ chầu sáng Chủ nhật vẫn không mảy may biết rằng họ ở đó để dự tế thần Mặt Trời hàng tuần của người ngoại đạo - Chủ nhật có nghĩa là ngày của mặt trời mà".
(Mật mã Da Vinci - Dan Brown).
Ngày nay, để chọn đúng nghề nghiệp tương lai, người ta phải nắm bắt được xu thế phát triển, suy vong của từng ngành nghề. Nếu không, sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Tôn Tử nói: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Bốn nguyên tắc cơ bản được khuyến cáo là: “Hiểu rõ xu hướng dịch chuyển cơ cấu ngành nghề”, “Tìm ra ngành nghề mới”, “bỏ qua quan niệm cũ về việc làm” và “Chọn ngành nghề mới”
Nhưng thức thời không có nghĩa là chạy theo trào lưu, chạy theo những mốt mới, chạy theo những ý thích nhất thời của dân chúng trong thời điểm cụ thể mà phải biết được xu thế nào sẽ phát triển lâu dài, bền vững, xu thế nào sẽ nhanh chóng bị triệt tiêu.

Quy luật phát triển của xã hội cũng như dòng sông cuồn cuộn chảy, người đi xuôi dòng ắt thành công, kẻ đi ngược dòng dễ nếm mùi thất bại. 
____________________________

- Theo mình thì cái này như 2 nhưng là một thôi:
+ Thời thế tạo anh hùng (cái này đúng với thời chiến loạn hơn): Như Ngôn Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Võ Nguyên giáp ở Việt Nam. Hay Hạng Vũ, Hàn Tín trong Hán Sở Tranh Hùng. Tất cả những người này đều sinh ra trong thời kỳ chiến loạn đã phát huy hết sở trường của họ. Có câu anh hùng phải có đất dụng võ là thế.
+ Anh hùng tạo thời thế: Như vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn đã đi khắp Á - Âu, ông đã lại lịch sử dấu ấn to lớn là niềm tự hào của người dân Mông Cổ. Hay trường hợp của Nhật Hoàng đã thực hiện cải cách đưa Nhật Bản trở thành một nước hùng mạnh của thế kỷ 20 và cả ngày nay.
+ Xét trường hợp của Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sinh ra trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, tủi nhục, lầm than lên tư tưởng giải phong dân tộc của Bác đã hình thành từ nhỏ. Cộng thêm ảnh hưởng của gia đình (đặc biệt là cụ Sắc), quê hương, bạn bề, của các tiền nhân (2 cụa Phan, cụ Huỳnh...), của các phong trào yêu nước đã bồi đắp lên một con người có ý chí, quyết tâm, niềm tin vào con đường mình đã chọn.
=> Như vậy do hoàn cảnh đất nước ta lúc đó (tức là thời thế) đã tạo lên một Hồ Chí Minh như ta đã biết (tức là tạo lên anh Hùng).
=> Nhưng ngược lại nhiều người cho rằng "Không có Hồ Chí Minh" sẽ có người khác, đất nước ta thời nào mà chẳng có anh hùng? Và mọi người phải đặt thêm câu hỏi là tại sao không phải Cụ Phan, Cụ Huỳnh? Nhưng không, lịch sử đã chọn Bác và chính Bác đã tạo lên lịch sử ngắn liền tên mình với hai cuộc kháng Chiến chống Pháp và Mỹ và mọi người còn nhắc tới đến tận hôm nay và mai sau(tức là anh Hùng tạo ra thời thế). Bác đã đưa nước Việt Nam sang một thời kỳ mới, người dân tự làm chủ đất nước mình. Thân phận con người bước sang một trang mới, chúng ta không còn tủi hờn khi bị người ta gọi là An-Nam-Mít (Tức là dân An Nam chỉ biết kéo xe và biết chịu đòn).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét