Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

TƯ DUY PHÊ PHÁN TRONG CUỘC SỐNG

Tư duy phê phán là quá trình sử dụng trí óc để suy xét vấn đề một cách cẩn thận, thấu đáo, là kỹ năng không thể thiếu ở con người vốn thường xuyên đối diện với chuỗi vấn đề đa dạng cần giải quyết trong cuộc sống. Quá trình tư duy phê phán diễn ra bên trong trí óc, sử dụng dữ liệu hoặc thông tin như là đầu vào, tích hợp những thông tin này vào vốn kiến thức đã có và sử dụng chúng để suy xét. Tư duy phê phán giúp những suy nghĩ, quan điểm và niềm tin của chúng ta trở nên hợp lí và chính xác hơn bằng cách tự khám phá, đặt ra hàng loạt câu hỏi và tìm ra câu trả lời hay giải pháp cho những vấn đề xảy ra trong cuộc sống.

Tư duy phê phán là nguyên tắc cũng là nghệ thuật vận dụng các kỹ năng tư duy, tạo cơ sở chỉ đạo cách ứng xử, là bước đi thiết yếu đến sáng tạo và là thuộc tính của các nhà khoa học, những người thành đạt. Thiếu kỹ năng tư duy phê phán, con người dễ làm theo, nói theo, thiếu quan điểm cá nhân và lệ thuộc vào đời sống tinh thần của người khác. Để có cuộc sống tự chủ, không thể thiếu kỹ năng tư duy phê phán. Wade (1995) xác định 8 đặc điểm của tư duy phê phán: 1. Đặt câu hỏi;  2. Xác định vấn đề; 3. Xem xét chứng cứ; 4. Phân tích các giả định và xu hướng; 5. Tránh lập luận theo cảm tính; 6. Tránh đơn giản hóa vấn đề; 7. Cân nhắc những cách lý giải khác nhau;  8. Chấp nhận tính đa dạng.

Tư duy phê phán gồm những kĩ năng trong đó người suy nghĩ chủ động hướng tới những vấn đề và tình huống phức tạp dựa trên những suy nghĩ, quan điểm và niềm tin của mình, từ đó phát huy các năng lực:

-Tư duy độc lập trên cơ sở suy luận của bản thân;
-Đặt vấn đề logic, biết cách tìm thông tin và giải pháp hợp lý;
-Hoàn thiện cách hình thành giả thuyết;
-Cải thiện kỹ năng tư duy phân tích, tổng hợp;
-Phân biệt cảm tính và tư duy logic;
-Nâng cao khả năng thuyết phục nhờ lập luận có cơ sở;
-Cải thiện chất lượng các kết luận, quyết định, giải quyết tốt vấn đề;
-Trung thực với bản thân, đặt lòng tin đúng chỗ.

Chỉ có kỹ năng tư duy phê phán mới có thể giúp tìm câu trả lời xác đáng, sự lựa chọn đúng đắn, giải pháp hợp lý, giúp đào sâu, suy xét kỹ trước khi đưa ra nhận định, kết luận, giảm thiểu sai lầm, tiến gần hơn với bản chất sự việc, chân lý, làm rõ những gì chưa tốt hoặc tốt trong hệ thống, xác định được đối tượng cần loại bỏ hoặc kế thừa để hệ thống trở nên hoàn hảo hơn và tạo niềm tin vững chắc trong cuộc sống.

tam-sang.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét