Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

QUẦN CHÚNG?

Những từ ngữ như "quần chúng" , "toàn dân", "người dân", "nhân dân", v.v... thường được dùng với một ý nghĩa trừu tượng, không diễn tả được một cái gì có thật
Một anh bạn hỏi tôi về "động cơ" đấu tranh của quần chúng tại Việt Nam, nhân một bài viết của Hà Sĩ Phu mà tôi chưa được đọc.
QUẦN CHÚNG NÀO ?
Những từ ngữ như "quần chúng" , "toàn dân", "người dân", "nhân dân", v.v... thường được dùng với một ý nghĩa trừu tượng, không diễn tả được một cái gì có thật trong cuộc sống . Nói đến "quần chúng" một cách chung chung là chẳng nói đến cái gì cụ thể cả. Ở trên cõi ta bà này không có thực thể nào gọi là "quần chúng", hay "nhân dân", mà chỉ có những quần chúng, với những ưu tư, bất mãn, đòi hỏi, khác nhau mà thôi. Những khẩu hiệu, tuyên bố, tuyên ngôn... nếu nhắm vào "quần chúng" hay "toàn dân", thì trong thực chấtø chẳng nhắm vào đâu hết, và sẽ chìm vào quên lãng, hay giỏi lằm thì cũng chỉ khích động được người đã làm ra chúng. Vì thế, bất cứ hành động hay lời nói nào muốn có ảnh hưởng chính trị thực sự, đều phải hướng vào một quần chúng cụ thể, tức là phải trả lời câu hỏi : quần chúng nào ?
QUẦN CHÚNG ĐẤU TRANH
Thay vì đặt câu hỏi : đâu là động cơ đấu tranh của "quần chúng", người ta có thể đặt vấn đề cách khác : đâu là quần chúng sẵn sàng đấu tranh, trong một xã hội nhất định, ở một thời điểm nhất định ?
Nói cách khác : trong xã hội, đâu là những quần chúng bất mãn ? Quần chúng bất mãn nào có nhiều điều kiện nhất để phát động đấu tranh ? Và đâu là những điều kiện ấy ?
Tôi chỉ xin được nêu lên ở đây vài điều kiện thông thường :
- thứ nhất : cần có một bộ phận trong quần chúng ấy sẵn sàng đứng lên đấu tranh. Thật vậy, cho dù sự bất mãn có ở mức độ cao, đại đa số thành viên của một "quần chúng bất mãn" vẫn không tự họ sẵn sàng đấu tranh. Chỉ một số nhỏ người trong quần chúng ấy sẵn sàng đứng dậy, dấn thân nhập cuộc. Ta tạm gọi họ là nhóm tiên phong. Khi nhóm tiên phong đạt được mốt số thành quả nào đó, thì dần dần càng có thêm người trong quần chúng bất mãn tham gia công cuộc đấu tranh.
- thứ hai : cần có những người có khả năng làm cho nhóm tiên phong khởi phát đấu tranh. Khả năng ấy đến từ cá tính, từ địa vị, từ quá khứ v.v... của những người này. Đối phương thường cố gắng nhận diện những người này và dùng nhiều phương pháp để "hóa giải" họ. Ta gọi họ là người khởi phát.
- thứ ba : cần có một sự lãnh đạo, về nhân sự cũng như kế hoạch, đủ để cho người khởi phát, cũng như nhóm tiên phong tin tưởng rằng hành động đấu tranh của họ có nhiều hy vọng thành công, tức là bảo đảm được thế tất thắng của một công trình trong bản chất nặng tính phiêu lưu. Lãnh đạo cũng là yếu tố cần thiết để phong trào đấu tranh lan rộng ra tới những quần chúng khác, khi chứng minh được rằng việc làm của mình có lợi cho đất nước dân tộc nói chung, và mình có khả năng đưa công việc đến nơi đến chốn, để lãnh đạo quốc gia đến một tương lai tốt đẹp.
Tức là đặt vấn đề sự tiếp theo của cuộc đấu tranh, vấn đề chính quyền, vấn đề quản lý đất nước trong điều kiện mới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét