Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

3 câu hỏi của ông Vương Trí Nhàn giúp giới trẻ tránh “vết xe gian dối”

3 câu hỏi của ông Vương Trí Nhàn giúp giới trẻ tránh “vết xe gian dối”

Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn cho rằng để không dẫm vào “vết xe gian dối”, thế hệ người Việt trẻ nên chấp nhận sự thật, chấp nhận mình làm lại từ con số không. Thay vì vui mừng với tấm bằng đẹp nhờ gian dối các bạn trẻ nên làm lại bằng cách học thật, dám nhìn vào thực chất vấn đề, đặt ra câu hỏi cho riêng mình: Mình đã làm được gì? Mình đang làm gì? Và sẽ làm gì cho tương lai của chính mình…?


Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Vương Trí Nhàn
Phản hồi bài viết “Rất nhiều người Việt tham lam, vô cảm, hèn nhát…” của GS-NGND Nguyễn Lân Dũng, nhà nghiên cứu – phê bình văn học Vương Trí Nhàn cho rằng: “Không phải số ít người Việt như thế mà ngược lại nhiều là đằng khác, nó là đại đa số điều đó thể hiện trình độ sống của người Việt còn thấp lắm…”.
Căn nguyên từ Tham và Gian
– Ông từng nói người Việt chẳng có tính nào tốt, GS-NGND Nguyễn Lân Dũng chỉ ra 5 thói xấu, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cũng nói đến tính sính ngoại hám danh của người Việt…Vậy theo ông “tử huyệt” trong căn tính người Việt là ở đâu?
NNC Vương Trí Nhàn: Tôi nghĩ rằng tất cả tính xấu người Việt, ở đây tôi muốn dùng người Việt vì theo tôi “số ít” người Việt như GS Nguyễn Lân Dũng có nói có lẽ là chưa đủ. Không phải là “số ít người Việt” đâu mà là rất nhiều, đại đa số là khác. Nhưng suy cho cùng cái xấu đó cũng bắt nguồn từ lòng tham và sự dối trá.
Người Việt càng giàu thì càng tham càng xấu hổ hơn khi người Việt chỉ tham những thứ tầm thường nhỏ mọn. Có những anh giàu “nứt đố đổ vách” nhưng vẫn tham con gà, quả trứng với anh em, xóm làng. Cái tham này tôi nghĩ không phải chỉ do cơ chế thị trường bây giờ mà nó là ung nhọt lâu rồi trước đây cứ nói đến cái tham của người Việt là hết thảy mọi người “nhảy cẫng” lên chối. Bây giờ thì từ sư tham, thầy tham, dân tham, quan tham…Ai cũng vơ vét cho mình.
Từ tham nên người Việt dối trá, muốn đạt được mục đích muốn thỏa mãn lòng tham thì người ta phải dối trá, lừa gạt nhau. Hai thói xấu đó nó có logic biện giải cho nhau trở thành thói xấu người Việt từ bao lâu nay. Để giải thích cho việc làm sai, giải thích cho thói xấu của mình người Việt thường quanh co bịa ra lý do để chống chế vì thế càng khiến sai lầm, thói xấu đó nhiễm sâu hơn vào đời sống người Việt.
– Nói như ông thì rõ ràng người Việt biết mình tham, biết mình dối trá nhưng sao không sửa?
NNC Vương Trí Nhàn: Đúng! Tôi nghĩ không cần tôi, GS Nguyễn Lân Dũng hay bất cứ ai nói ra nhưng người Việt thừa biết căn bệnh của mình là gì? Nhưng sao không sửa thì lại là câu chuyện đáng để nói. Tôi chỉ so sánh như cái anh bị bệnh gan, dạ dày biết chết nhưng vẫn cứ uống rượu theo kiểu biết chết nhưng vẫn lao vào. Chuyện tham lam và dối trá người Việt cũng như thế, mà như GS Nguyễn Lân Dũng cũng nói nó làm mất đi mối quan hệ xã hội đồng thời mất cả uy tín quốc tế, mất đi tình anh em. Hỏi rằng mối người Việt tham lam có biết điều này không, tôi là nghĩ biết nhưng họ vẫn làm vì cái suy nghĩ cái nhìn của người Việt ngắn chỉ phản ứng tức thì, biết trước mắt, hiện tại mà thôi.
Hơn nữa như tôi nói ở trên người Việt thường biện ra những lý do để giải thích cho cái sai của mình. Người ta đưa ra lý do nghèo để đi ăn trộm, đói để đi ăn cắp…hay tại vì thế này, tại thế kia nên tôi như thế… Mà ngay cả trong cách lý giải cũng thể hiện cái nhìn ngắn thiếu suy nghĩ bỏ qua luân thường đạo lý phép tắc xã hội.
– Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho cái tham và dối trá của người Việt trong đó nhấn mạnh vai trò của giáo dục. ông nghĩ sao về điều này?
NNC Vương Trí Nhàn: Tôi nghĩ học là cái ý thức cao của con người mà để giỏi không phải là ham học, hứng thú học như người ra hay nói mà quan trọng là biết học Giáo dục ta trước đến nay cứ mải theo cải cách, nâng cao chương trình học, đổi mới phương pháp…sách nhiều, trường lớp khang trang nhưng điều quan trọng là dạy cho con người làm sao để biết học thì lại thiếu.
Biết học ở đây là biết học có cả hai nghĩa là cách học và học cái gì, trước tiên phải dạy cho người ta cách học, học như thế nào để có kết quả tốt, để tiếp thu tốt. Nhưng theo tôi trước điều đó là phải giải bài toán học cái gì? Có câu “tiên học lễ – hậu học văn” hiểu đơn giản nghĩa là trước tiên phải học lễ nghĩa sau đó với học văn hóa. Nhưng lễ nghĩa học ở đâu? Đó là gia đình phải từ gia đình, tôi cho rằng gần như 100% vợ chồng trẻ bây giờ không có cho mình khái niệm thế nào là gia đình, vai trò của thành viên trong gia đình…Vì thế người ta làm sao biết dạy con thế nào.
Vì vậy tôi nghĩ giáo dục ở đây không chỉ là môi trường giáo dục văn hóa ở trường lớp mà nền tảng là phải từ các gia đình.
Trình độ sống thấp
– Nói như vậy ông cho rằng người Việt xấu hoàn toàn là do giáo dục?
NNC Vương Trí Nhàn: Không hẳn như thế sâu xa cốt lõi vấn đề này tôi nghĩ rằng trình độ sống người Việt còn rất thấp. Tác động của cơ chế thị trường, khi đồng tiền vật chất trở thành tiêu chuẩn để đánh giá con người cũng một phần tác động làm tính cách người Việt trở nên xấu hơn. Cũng chính trình độ sống thấp đó khiến cho sự tham lam, gian dối của người Việt trở nên hài hước chua cay.
– Ông có nói đến trình độ sống của người Việt thấp nhưng cụ thể là thấp ở đâu?
NNC Vương Trí Nhàn: Nói đến trình độ sống của người Việt thấp tôi muốn nói đến cách ứng xử, phản ứng hiện tượng xã hội của người Việt từ trước đến nay có cái gì đó nông nổi, không suy xét kỹ càng cứ lu loa cho to chuyện lúc đó sau lại thôi. Trình độ sống thấp còn thể hiện ngay trong việc cắt nghĩa những giá trị cuộc sống đơn giản như thế nào là một gia đình? Dạy con thế nào?…Tôi cược rằng bây giờ hầu hết ông bố bà mẹ trẻ không biết dạy con và dạy như thế nào, dạy gì cho con? Họ chỉ chăm chăm đi làm kiếm tiền rồi sau đó sắm sửa cái này, cái kia cho con.
Hay như chuyện một gia đình điều gì là quan trọng nhất? Nhiều người cũng không hiểu, cái ích kỷ của mình kiểu: “Ông ăn chả bà ăn nem”. Tôi thấy gia đình trước đây dù người vợ, người chồng có sai có lầm đường lạc lối nhưng người chồng người vợ kia vấn sẵn sàng tha thứ. Họ nín nhịn để trong ấm ngoài êm vì con để chúng có mái ấm gia đình.
Cũng chính trình độ sống thấp nên người Việt mất đi dây thần kinh xấu hổ, trong bài báo tôi đọc thấy GS Nguyễn Lân Dũng nói đến vấn nạn tiêu cực trong lực lượng cảnh sát giao thông bây giờ. Nó là câu chuyện nói đi nói lại nhiều lần nhưng vì trình độ sống thấp vì không còn dây thần kinh xấu hố, không còn sự sĩ diện liêm sỉ nên người ta cư xử như vậy.
– Vậy làm sao để chữa “căn bệnh” nan y này, thưa ông?
NNC Vương Trí Nhàn: Đã là trình độ sống thì không dễ để thay đổi và cần nhiều yếu tố theo sự phát triển chung của đất nước. Để chữa “căn bệnh” không dễ và trước hết xuất phát từ gia đình, cái xã hội thu nhỏ đầu tiên. Nếu đứa trẻ sinh ra mà thấy bố mẹ chúng sẵn sầng tham lam, dối trá thì liệu chúng sẽ đi về đâu? Tôi nghĩ rằng giờ gần 100% bố mẹ khi thấy con quay cóp bài trên lớp, gian dối thi cử cũng chỉ cười nói: “Chúng mày quy cóp thế nào cho nó khéo”. Như thế vô hình chung chúng ta đã đồng tình cho sự gian dối.
Vì vậy như tôi từng nói hiện giờ tôi chưa có phương thuốc nào đặc trị căn bệnh này, tất cả chỉ làm “căn bệnh” này thuyên giảm.
– Có thể thực tế đúng như ông nói, vậy theo ông trước thực trạng gian dối có hệ thống như vậy thế hệ trẻ cần làm gì để không dẫm vào “vết xe” đó?
NNC Vương Trí Nhàn: Tôi nghĩ nên chấp nhận sự thật, chấp nhận mình làm lại từ con số không như chuyện quay cóp trong thi cử, học giả bằng thật chẳng hạn… Thay vì vui mừng với tấm bằng đẹp nhờ gian dối các bạn trẻ nên làm lại bằng cách học thật dám nhìn vào thực chất vấn đề đặt ra câu hỏi cho riêng mình, đặt ra câu hỏi mình đã làm được gì? Mình đang làm gì? Và sẽ làm gì cho tương lai của chính mình…? Hơn hết theo tôi các bạn trẻ bây giờ nên cố gắng sống thật không ảo tưởng mơ mộng, nên tự lập đi bằng đôi chân của mình.

Nguồn: Giáo dục Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét