Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

XÃ HỘI DÂN SỰ

Cho đến nay, có nhiều định nghĩa về xã hội dân sự được các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trung tâm xã hội công dân đưa ra, và trên cơ sở nghiên cứu các định nghĩa trên có thể thấy rằng xã hội dân sự bao gồm mọi nhóm và mọi hoạt động không bị "ràng buộc" bởi chính quyền: tổ chức chính trị, các hội kinh doanh, các tổ chức tôn giáo, hiệp hội truyền thông, tổ chức từ thiện, công dân, tổ chức phi Chính phủ...
Xã hội dân sự, vì thế, không phải điều gì đó hay ai xa lạ. Xã hội dân sự là bạn, là tôi, là bất cứ ai mong muốn làm một điều gì để để cuộc sống này tốt đẹp hơn. Chúng ta có thể giống hoặc khác nhau về nghề nghiệp, tính cách, hay hoàn cảnh sống, nhưng chỉ cần chúng ta chung tay vì cùng một lý tưởng, một niềm tin, cùng nhau hướng tới sự thay đổi mà mình mong muốn, chúng ta đã là một phần của xã hội dân sự.
iSEE tin rằng, một xã hội dân sự lành mạnh, minh bạch, hiệu quả và có tính trách nhiệm cao sẽ đóng góp tốt hơn cho sự phát triển chung của đất nước. Một xã hội dân sự phát triển sẽ tạo nhiều không gian tự do cho người dân thể hiện ý chí và nguyện vọng của mình, trao đổi ý tưởng và kiến thức để sáng tạo, hợp tác và thúc đẩy cho mục đích chung. Một xã hội dân sự phát triển tốt cũng sẽ giúp cho việc thúc đẩy và bảo vệ quyền của những đối tượng yếu thế và thiệt thòi hơn như người dân tộc thiểu số, người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Vậy bạn đã là một phần của xã hội dân sự chưa?
===========================================

Bảy nguyên tắc bảo vệ xã hội dân sự


Bên cạnh một nhà nước pháp quyền, một nền kinh tế thị trường, để một quốc gia phát triển cần thêm một xã hội dân sự độc lập. Để xã hội dân sự phát triển cần có khung pháp lý rõ ràng để người dân thực thi quyền lập hội, quyền tự do biểu đạt cũng như hội họp hòa bình. Trên thế giới có nhiều kinh nghiệm khác nhau trong việc thúc đẩy xã hội dân sự phát triển. Diễn Ngôn xin giới thiệu bảy nguyên tắc đúc kết được trình bày trong báo cáo “bảo vệ xã hội dân sự” do Trung tâm quốc tế về luật phi lợi nhuận (ICNL) và các đối tác xuất bản.

Nguyên tắc 1: quyền gia nhập vào xã hội dân sự 
Luật quốc tế bảo vệ quyền của các cá nhân thành lập, tham gia vào các tổ chức xã hội dân sự. Điều này có nghĩa, các cá nhân có quyền thành lập công đoàn, hội, và các hình thức tổ chức khác của xã hội dân sự. Các tổ chức xã hội dân sự có quyền hoạt động trong các lĩnh vực rộng khắp, thường được coi là “hợp pháp”, bao gồm cả quyền thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Luật quốc tế không giới hạn ai được quyền thành lập tổ chức xã hội dân sự, vì đó là một quyền cơ bản của con người. 

Con người có quyền thành lập tổ chức xã hội dân sự, nhưng không có nghĩa con người phải thành lập tổ chức hợp pháp mới thực thi được quyền tự do lập hội. Quyền tự do lập hội là quyền tự nhiên, có trước và không phụ thuộc vào các quyết định hành chính của nhà nước. Ngược lại, luật quốc tế quy định quá trình đăng ký thành lập tổ chức xã hội dân sự phải rõ ràng, đơn giản, nhanh chóng, phi chính trị, và không đòi hỏi chi phí lớn. Đặc biệt hệ thống đăng ký phải theo tiêu chí khách quan, và không cho phép các nhà chức trách quyết định hoặc diễn giải theo ý chủ quan của mình. 

Nguyên tắc 2: Quyền hoạt động không bị can thiệp bởi nhà nước 

Khi thành lập các tổ chức xã hội dân sự phải có quyền hoạt động tự chủ và tự do, không chịu sự can thiệp của nhà nước. Sự can thiệp của nhà nước chỉ được phép khi được quy định rõ ràng trong luật, và vì lợi ích công cộng về sức khỏe, an ninh, đạo đức, hoặc bảo vệ quyền tự do của người khác. Luật liên quan đến hoạt động của tổ chức xã hội dân sự cần được thực thi một cách công bằng, phi chính trị, khách quan, minh bạch và nhất quán. Việc giải thể tổ chức xã hội dân sự phải do quyết định tự nguyện của tổ chức, hoặc do quyết định của cơ quan chức năng (tòa án) khi tổ chức vi phạm pháp luật. 

Nguyên tắc 3: Quyền tự do biểu đạt 
Đại diện của xã hội dân sự, các cá nhân và tổ chức của họ có quyền tự do biểu đạt. Quyền tự do biểu đạt được bảo vệ ngay cho các ý tưởng có tính xúc phạm, gây sốc, hoặc khó chịu vì đa nguyên và tự do ý tưởng rất quan trọng trong bất cứ xã hội dân chủ nào. Vì vậy, các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhận được bảo vệ khi phê phán chính sách và luật pháp của nhà nước, hoặc lên tiếng bảo vệ quyền con người và tự do cơ bản của công dân. 

Việc hạn chế tự do biểu đạt chỉ được quy định bởi luật, khi cần thiết cho việc bảo vệ quyền tự do và nhân phẩm của người khác; hoặc bảo vệ an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng và đạo đức xã hội. 

Nguyên tắc 4: Quyền hợp tác 

Các tổ chức xã hộ dân sự và các cá nhân có quyền trao đổi và hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự khác, với doanh nghiệp, tổ chức quốc tế và tổ chức chính phủ trong và ngoài nước. Các tổ chức xã hội dân sự có quyền tiếp nhận và truyền bá thông tin không giới hạn qua các phương tiện truyền thông, internet, và công nghệ thông tin. Các cá nhân và các tổ chức có quyền thành lập và tham gia các mạng lưới, liên minh để cùng hướng tới mục đích chung. 

Nguyên tắc 5: Quyền hội họp hòa bình 
Các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân có quyền hội họp tự do và hòa bình. Cũng như quyền tự do lập hội, quyền hội họp là tự nhiên, tồn tại không phụ thuộc vào quyết định hành chính của nhà nước. Khi việc thông báo trước là cần thiết thì yêu cầu chỉ là đăng ký, chứ không phải là xin phép, hoặc bất cứ hình thức nào mà dẫn tới việc từ chối một cách tự tiện. 

Luật cần cho phép việc hội họp bất chợt trong những trường hợp việc thông báo trước là bất khả kháng. Luật cũng cần cho phép tổ chức biểu tình phản đối biểu tình, và trách nhiệm bảo vệ biểu tình hòa bình này thuộc nhà nước. Việc can thiệp vào quyền hội họp hòa bình phải được quy định bởi luật, và chỉ trong trường hợp ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an toàn công cộng, sức khỏe cộng đồng, đạo đức xã hội, hoặc bảo vệ quyền tự do của người khác. 

Nguyên tắc 6: Quyền được tìm kiếm và bảo đảm nguồn lực 

Các tổ chức xã hội dân sự có quyền được tìm kiếm, tiếp nhận và bảo đảm nguồn lực từ các nguồn hợp pháp, bao gồm đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp, xã hội, tổ chức quốc tế, tổ chức liên chính phủ, cũng như chính quyền các cấp. 

Nguyên tắc 7: Trách nhiệm bảo vệ của nhà nước 

Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền con người và tự do của cá nhân và tổ chức xã hội dân sự. Trách nhiệm của nhà nước bao gồm cả việc hạn chế can thiệp vào hoạt động tự do của các tổ chức xã hội dân sự, lẫn việc tôn trọng và bảo vệ quyền của họ. Trách nhiệm của nhà nước bao gồm cả việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi cho một xã hội dân sự tự do, xây dựng các thể chế phù hợp để các quyền này được thực thi. 

Bảy nguyên tắc bảo vệ xã hội dân sự
Khoảng trống trong xã hội dân sự Việt Nam

Xã hội dân sự

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét