Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Chúng ta cần một nền “Tinh hoa trị” kiểu mới

Chúng ta cần một nền “Tinh hoa trị” kiểu mới

Trong thời kì hậu hiện đại, hậu cấu trúc của chúng ta, người dân trong một quốc gia chắc chắn sẽ không nhìn nhận xã hội theo cùng một cách. Có thể hình thành một lối nhìn chung của đa số, hay một đồng thuận chính trị, nhưng đồng thuận này chỉ có tính dân chủ, chứ không đảm bảo mọi người đều được tự do. Thêm vào đó, trong thời đại hậu-Mill, thế giới phương Tây cũng đã hiểu rõ tư duy đám đông có tác hại thế nào.
Margaret Thatcher từng có một tuyên bố nổi tiếng, rằng “Xã hội không tồn tại”. Nhưng một nhận thức về xã hội, về những niềm tin của nó và lí do tồn tại của nó, là một công cụ rất quan trọng để hình thành các tiêu chuẩn về nhân cách và lễ nghi. Đây từng là những chuẩn mực xã hội được khắc họa bởi thể chế “Tinh hoa trị” (Aristocracy). Sau đó, quá trình tái phân phối quyền lực – từ tay một thiểu số tinh hoa sang tay đám đông bình dân – đã mang lại nhiều tự do hơn cho đa phần dân chúng. Tuy nhiên, sự thiếu vắng những người lãnh đạo về mặt đạo đức là cái giá đắt mà chúng ta phải trả.
Chúng ta có khuynh hướng tin rằng nền đạo đức hiện đại của mình tinh vi hơn nhiều so với những giáo lí thiển cận của hệ luân lí Do Thái – Kitô. Tất nhiên, một nền luân lí lành mạnh sẽ không đàn áp một cách phi lí những cảm xúc và động lực của con người. Tuy vậy, khuynh hướng hiện đại của chủ nghĩa tương đối về mặt đạo đức cũng đang tỏ ra không lành mạnh lắm.
Nếu lái xe quanh thành phố trong một đêm thứ sáu hoặc thứ bảy, bạn sẽ thấy đường phố được tô điểm bới những bãi nôn và trang hoàng bằng những tên nát rượu. Cảnh này không có gì đáng khen. Trong khi những thói xấu sẽ mang vẻ quyến rũ nếu được tiết chế, sự lạm dụng chúng lại có hương vị quá tồi. Đây không phải là một hiện tượng mới. Người ta vẫn luôn cãi lộn trên đường phố, đái vào cột đèn, và làm những chuyện tương tự.
Tuy vậy, vào thời trước, những hành vi này chỉ thuộc về lớp người nghèo thất học, không có gì để mất, và đã vứt bỏ hi vọng vươn lên những tầng lớp cao hơn. Khi sự phân biệt đẳng cấp hàm ý hoặc thăng tiến trong thế giới, hoặc bị bỏ lại và thối rữa ở dưới đáy xã hội, những tầng lớp thấp, bị thôi thúc bởi khát vọng về địa vị xã hội cao hơn, sẽ có động lực phấn đấu để tự cải thiện chính mình.
Tất nhiên, tôi hiểu rằng do tính lưu động xã hội xã hội thường quá nghèo nàn, hầu hết nỗ lực của họ sẽ là vô ích. Tôi hoàn toàn ủng hộ một hệ thống cho phép những người xứng đáng thăng tiến dễ dàng hơn. Tuy nhiên, chúng ta hãy chú ý vào cụm từ “tự cải thiện chính mình”, và xem nó phản ánh điều gì.
Từ “cải thiện”, phải chăng, đang được dùng dưới một góc nhìn chủ quan và định kiến?
Quả là như vậy. Nhưng tôi đang dùng thuật ngữ này trong bối cảnh ngôn ngữ của hệ thống phân cấp xã hội, như cách mà người ta từng sử dụng chúng trước đây. Xin đừng quên rằng cụm từ “Tinh hoa trị” (Aristocracy) hàm ý “sự cai trị của những người có năng lực hàng đầu”. Vào lúc khởi thủy, người ta tin rằng giới tinh hoa được lựa chọn theo thánh ý của Thượng Đế. Vua có quyền thiêng liêng để lên ngôi, nên những tước hiệu mà vua ban cho quần thần cũng có tính thiêng liêng tương tự. Hệ tiêu chuẩn này chắc chắn không còn phù hợp với thời đại thế tục của chúng ta. Tuy nhiên, có những trách nhiệm bền vững gắn liền với hình thức ủy quyền này. Việc đi lệch khỏi những chuẩn mực đạo lí nghiêm ngặt có thể gây ra những scandal kinh khủng nhất. Một lãnh chúa ngoại tình có thể để lại những tai tiếng nào trong dư luận? Trong trường hợp đó, thực tế đã chứng minh rằng ông ta không phải là một người “hàng đầu”, mà trái lại, cũng yếu kém như phần còn lại trong chúng ta.
Ngày nay, chúng ta đều đã nhận ra rằng những danh nghĩa được thừa kế từ bẩm sinh không đảm bảo một nhân cách ưu việt. Trong các nhà vệ sinh công cộng thời hiện đại, các Nam tước và Tử tước cũng chỉ có những quyền tương tự như lớp bần dân. Thật tốt khi chúng ta đã tử bỏ niềm tin ngốc nghếch nơi những địa vị và danh hiệu được thừa kế qua các đời. Nhưng khi ngừng nhìn hệ thống Tinh hoa trị qua cặp kính màu hồng, chúng ta cũng đang mất niềm tin vào nó. Ngày nay, trong mắt chúng ta, các gia tộc lớn của nước Anh không còn là những tượng đài lấp lánh của sự đúng đắn và vĩ đại. Thay vào đó, chúng chẳng khác gì những bia đá đổ nát còn sót lại từ một thời đại bán khai. Tuy vậy, cần vượt qua sự đánh tráo khái niệm này. Cũng như những người Cộng sản từng đề nghị chúng ta không phán xét ý thức hệ của họ chỉ dựa trên những gì xảy ra ở thế giới Soviet – nơi học thuyết của Marx đã bị lợi dụng và hiểu sai, tôi cũng đưa ra một đề nghị tương tự với mọi người, rằng không nên phán xét chính thể Tinh hoa trị chỉ dựa trên tầng lớp quí tộc Anh hiện đang nhân danh nó.
Thời nay, thần quyền của vua chúa không còn tồn tại. Những chính thể Tinh hoa trị mà chúng ta định thiết lập không thể đặt nền tảng trên nền đạo đức giả Do Thái – Kitô. Ngày nay, chúng ta đã hiểu rằng li hôn đôi khi cũng có giá trị như đám cưới; rằng bà mẹ đơn thân không phải là điều đáng xấu hổ hay dẫn đến con cái hư hỏng; rằng đồng tính luyến ái không phải là một tội lỗi, cũng không trái lẽ thường. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta nhìn cụm từ “Tinh hoa trị” bằng một con mắt khác.
Theo tôi thấy, tính chất Tinh hoa trị đặc biệt cần thiết trong thời đại vô thần. Nếu những tiêu chuẩn Nhân Tính từng chỉ xếp sau Thiên Tính, hay tính Thượng Đế thiêng liêng, thì giờ đây, Nhân Tính cần được tôn vinh để thay thế cho Thiên Tính. Ngày nay, những đức tính ngụ ý trong khái niệm “một quí ông”: danh dự, tinh thần thượng võ, lòng can đảm, lòng trung thành, kiên nhẫn, tiết độ, và sự hào phóng, tình yêu, .v.v., tất cả vẫn còn thống trị.
Về mặt thực tế mà nói, hệ thống đẳng cấp, khi dựa trên sự thừa nhận những khiếm khuyết nội tại trong mỗi người, ít nhất cũng khuyến khích mọi người hành xử tốt hơn. Giờ đây, khi hệ cấp bậc đã nằm trong đống đổ nát, chúng ta thấy những hành vi xã hội sai trái không còn là đặc quyền của lớp người cùng cực: sự thô tục đã trở thành một quyền bình đẳng của mọi người.
Nền Tinh hoa trị đưa chúng ta về với Plato và quan điểm của ông này về một nền Cộng hòa được điều hành bởi những vị vua hiền triết. Ông chủ trương trao quyền lãnh đạo xã hội cho những người đàn ông có dũng khí đạo đức, trung thực, thanh liêm, thông thái và văn minh.
Ngày nay, giới quí tộc của nước Anh rất hiếm khi đáp ứng được những tiêu chí này. Thay vào đó, là việc ỉm đi những scandal, trừng phạt những quí tộc “lạc đàn”, và cầu khấn thần thánh. Bây giờ, khi hệ thống cũ đã sụp đổ, chúng ta thấy giới trẻ tìm kiếm một hình mẫu thay thế (để đáp ứng nhu cầu bắt chước cố hữu của họ) nơi các ngôi sao và những người theo chủ nghĩa vật chất, với hệ lụy là nền giáo dục, văn hóa và đạo đức nhanh chóng suy đồi. Mọi lẽ phải đều được hi sinh để phục vụ Cái Tôi – thứ đã được suy tôn thành thần thánh. Tuy nhiên, nếu có thể thay thế những biểu tượng của chủ nghĩa vị kỉ thời hiện đại bằng một tầng lớp tinh hoa thật sự, những người đại diện cho một hệ giá trị xứng đáng để ngưỡng mộ hơn, chúng ta sẽ thấy xã hội nhanh chóng được cải thiện, văn hóa cao cấp lên ngôi, cái đẹp và lễ nghĩa lại đua nở như trong thời đại huy hoàng. Quan điểm của xã hội, một lần nữa, sẽ được dẫn dắt bởi lớp người có tham vọng vươn tới những cấp độ cao hơn về tinh thần và đạo đức.

http://bookhunterclub.com/chung-ta-can-mot-nen-tinh-hoa-tri-kieu-moi/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét