Mấy tháng trước, ngồi với mấy bác lão thành cách mạng, không hiểu câu chuyện đưa đẩy thế nào mà lại ngược về tận những năm 30 của thế kỷ trước, thời kỳ Đảng Cộng sản mới ra đời ở VN.
1 bác, chắc dựa theo những thông tin lấy được trên mạng sau khi vượt tường lửa nhắc đến chuyện những nhà lãnh đạo CS thế hệ đầu của VN như Trần Phú, Hà Huy Tập dường như không phục cụ Hồ, không coi cụ Hồ là CS 100%, mách Quốc tế III về những chính sách sai lầm, dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi hay cải lương thiếu triệt để của cụ Hồ để vô hiệu hóa vai trò của cụ. Bản Luận cương chính trị của Trần Phú và tên gọi Đảng Cộng sản Đông Dương chính là 1 sự uốn nắn lại của Quốc tế III đối với những kết quả của cụ Hồ trong việc thống nhất những người CS ở VN.
1 bác khác lại bảo đó toàn là thông tin của đài địch, không chắc đã đúng, nên chưa thể tin theo.
Cavenui hứa với 2 bác sẽ tìm kiếm thông tin trên những ấn phẩm 100% của ta, cụ thể là của NXB Chính trị quốc gia, rồi đưa lên blog cho 2 bác đọc.
Tìm ra lâu rồi nhưng vì quên khuấy đi mất, nên hôm nay mới đưa lên. Những ai biết chuyện rồi và những ai không quan tâm khỏi phải đọc làm gì cho mất công.
Đầu tiên là đánh giá chính thức của Đảng CSVN ngày hôm nay về những chuyện trong quá khứ, theo đó Quốc tế III đã quá tả khuynh trong việc nhìn nhận phong trào CS ở các nước thuộc địa, đã có những chỉnh lý sai lầm gây thiệt hại cho phong trào. Trích từ cuốn “Quốc tế cộng sản với cách mạng VN” của TS Hồ Tố Lương– NXB Chính trị quốc gia, 2007.
Phần này tên là:
Những hạn chế của Quốc tế Cộng sản ảnh hưởng đến Đảng và cách mạng VN
QTCS do V.I.Lênin sáng lập không những chỉ ra con đường giải phóng dân tộc cho nhân dân các nước bị áp bức, mà còn tích cực giúp đỡ họ trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, khách quan và chủ quan, QTCS không tránh khỏi những hạn chế về lý luận cũng như trong thực tiễn đã ảnh hưởng đến Đảng và Cách mạng VN.
1.Trong cương lĩnh và chương trình nghị sự, QTCS đã nêu vấn đề cách mạng thuộc địa và coi việc giúp đỡ cách mạng thuộc địa là 1 trọng tâm trong sự nghiệp hoạt động của mình. Nhưng trong thực tế, QTCS chưa coi trọng đúng mức loại hình cách mạng này. 1 trong những nguyên nhân của tình trạng đó là lý luận của QTCS về chiến lược và sách lược đối với các nước thuộc địa và nửa thuộc địa còn có mặt hạn chế. QTCS cho rằng cách mạng thuộc địa không thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc, mà nó phụ thuộc vào cách mạng vô sản ở chính quốc. Trong Tuyên ngôn được thông qua tại Đại hội thành lập QTCS năm 1919 có đoạn viết: “Sự giải phóng các thuộc địa có thể được chỉ cùng với sự giải phóng giai cấp công nhân ở các chính quốc. Công nhân và nông dân không chỉ ở An Nam, Angiêri, Bengalia, mà cả ở Iran và Ácmênia sẽ chỉ nhận được khả năng sống độc lập khi công nhân Anh và Pháp lật đổ Lôít Gióocgiơ và Clêmăngxô giành chính quyền nhà nước về tay mình”.
Quan điểm đặt cách mạng giải phóng dân tộc phụ thuộc trực tiếp vào thắng lợi của cách mạng vô sản ở chính quốc đã tồn tại một thời gian dài trong QTCS. Cho mãi đến Đại hội VI năm 1928, Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa vẫn khẳng định như vậy…
Như vậy, QTCS chỉ mới thấy mối liên hệ 1 chiều, sự chi phối của cách mạng vô sản ở chính quốc đến cách mạng thuộc địa. Tư tưởng này đã làm giảm tính năng động cách mạng của các phong trào ở thuộc địa, đã tạo ra tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thụ động của nhiều đảng ở các nước thuộc địa. Tuy nhiên, Đảng ta hoàn toàn không bị chi phối bởi quan điểm trên. Bởi vì, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhìn thấy mối quan hệ biện chứng giữa cách mạng vô sản và cách mạng thuộc địa. Người nhận thấy không những cách mạng vô sản ảnh hưởng đến cách mạng thuộc địa mà cách mạng thuộc địa cũng tác động đến cách mạng vô sản. Người đã dự báo cách mạng thuộc địa có thể thắng lợi trước và đã vận dụng thành công…
2.Đại hội VI QTCS đã đánh giá chưa chính xác, có phần tả khuynh đối với giai cấp tư sản, đặc biệt là giai cấp tư sản dân tộc, nhấn mạnh mặt dao động của họ.
Nhận định tả khuynh này lúc đó đã chi phối hành động của các đảng. Một số đảng viên CS, thậm chí cả một số đảng CS ở các nước thuộc địa, căn cứ vào luận điểm trong Đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa được thông qua tại Đại hội VI về khuynh hướng thỏa hiệp với chủ nghĩa đế quốc của giai cấp tư sản, về tính dao động của giai cấp tư sản, đã rút ra kết luận: chỉ khi nào giai cấp tư sản bị gạt ra ngoài cương vị lãnh đạo phong trào thì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mới có thể thắng lợi…
Ở VN và Đông Dương, 1 thuộc địa lớn của Pháp, nền KT chủ yếu là nông nghiệp lạc hậu, nên đặc điểm của sự ra đời và phân hóa trong giai cấp tư sản khác rất nhiều nước. Vì vậy, việc thực hiện chủ trương này của QTCS đã dẫn đến những biểu hiện tả khuynh trong tập hợp lực lượng cách mạng.
Đầu 4/1931, Xứ ủy Trung Kỳ đã ra chỉ thị “thanh Đảng” và phổ biến xuống tận cơ sở. Nội dung chín
h của chỉ thị thanh Đảng là đưa ra khỏi Đảng những ai xuất thân là trí thức, giàu có hoặc con em các quan lại lớn nhỏ. Đặc biệt, trong Chỉ thị thanh Đảng của Xứ ủy Trung Kỳ có những câu gay gắt: “Thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ”. Trong Chỉ thị truyền đạt của Tỉnh ủy Nghệ An cũng có những câu tương tự. Đây là 1 biểu hiện tả khuynh. Điều đó gây ra sự hoang mang, tiêu cực trong những đảng viên xuất thân từ các giai cấp trên đã từ bỏ giai cấp mình, tích cực tham gia phong trào cách mạng của công nông, làm cho phong trào đã khó khăn khi bị đàn áp lại càng khó khăn hơn…
3.Là 1 tổ chức chính trị cao nhất của phong trào CS và công nhân quốc tế, nhưng do áp dụng cơ chế tập trung quan liêu trong khi việc nắm thông tin, hiểu biết thực tiễn còn bất cập…, nên QTCS không tránh khỏi có lúc cứng nhắc, chưa sát thực tế, đã áp đặt, giáo điều trong việc xác định đường lối. Đối với Đảng CSVN và cách mạng VN, QTCS cũng có những biểu hiện khó tránh khỏi này.
Các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng CSVN được Ban chấp hành QTCS nghiên cứu kỹ lưỡng. Ngoài việc khẳng định ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng ta, QTCS còn đánh giá rằng: “Hội nghị thống nhất tiến hành hợp nhất các nhóm CS khác nhau vào 1 đảng CS chung nhất đã phạm hàng loạt sai lầm, sai lầm chính trong số những sai lầm đó là sự thống nhất được tiến hành thiếu phân định trước một cách đầy đủ và sự lựa chọn từ các nhóm CS đang tồn tại những lực lượng thực sự cách mạng. Vào thời điểm thoái trào cách mạng, tâm trạng thất bại là người bạn đồng hành của những người đã vào Đảng thời kỳ cao trào mà thiếu sự kiểm tra một cách đầy đủ”.
QTCS đã gửi cho VN 1 bức thư với nội dung gồm hàng loạt vấn đề bổ sung liên quan đến đường lối và nhiệm vụ cách mạng VN. Trong bức thư đó cũng đặt vấn đề đổi tên Đảng CSVN thành Đảng CS Đông Dương.
Dựa trên cơ sở 3 nước Đông Dương ở cùng 1 vị trí địa lý, có điều kiện chính trị, kinh tế như nhau, cùng là thuộc địa của Pháp và muốn áp dụng mô hình Liên bang Xô viết nên QTCS đã chủ trương thành lập 1 đảng CS duy nhất ở Đông Dương… Bên cạnh đó, cũng có thể do quan điểm của 1 vài cán bộ lãnh đạo QTCS về các vấn đề dân tộc và vấn đề đấu tranh giai cấp ở tầm vĩ mô có phần cực đoan. Vì vậy QTCS đã buộc Đảng CSVN đổi tên thành Đảng CS Đông Dương.
Việc thành lập Đảng CSVN cùng với việc thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt thấm nhuần tư tưởng mácxít-lêninnít và không làm giảm tính giai cấp, phẩm chất cách mạng của Đảng. Làm như vậy là phù hợp với lý luận Mác-Lênin về xây dựng đảng ở các nước, vừa phù hợp với thực tế cách mạng ở 3 nước Đông Dương lúc bấy giờ. Giai cấp công nhân và đội tiền phong của nó mang bản chất quốc tế trong sáng, song trước hết nó mang tính chất dân tộc-giai cấp và đảng CS phải xây dựng trong 1 quốc gia dân tộc cụ thể. Đảng phải ủng hộ quyền lợi chính đáng của các dân tộc trên thế giới, song trước hết phải chịu trách nhiệm với giai cấp và dân tộc của mình. Việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng CSVN và cách giải quyết mối quan hệ giữa 3 dân tộc Đông Dương trong khuôn khổ mỗi nước riêng biệt là phù hợp với lý luận và thực tiễn cách mạng, thể hiện 1 quan điểm đúng đắn về việc vận dụng tính quốc tế và tính dân tộc trong xây dựng Đảng. Đúng như Nguyễn Ái Quốc đã giải thích về vấn đề đặt tên đảng cho các đại biểu dự Hội nghị hợp nhất: “Cái từ Đông Dương rất rộng, và theo nguyên lý của chủ nghĩa Lênin, vấn đề dân tộc là 1 vấn đề rất nghiêm túc, người ta không thể bắt các dân tộc khác gia nhập đảng, làm như thế là trái với nguyên lý chủ nghĩa Lênin. Còn cái từ An Nam thì hẹp, vì An Nam chỉ là miền trung của nước VN mà thôi, và nước ta có 3 miền: Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ. Do đó, từ VN hợp với cả 3 miền và không trái với chủ nghĩa Mác-Lênin về vấn đề dân tộc”…
Việc QTCS buộc Đảng CSVN phải đổi tên thành Đảng CS Đông Dương chứng tỏ rằng QTCS chưa chú ý đến vấn đề dân tộc, chưa thấy hết đặc điểm lịch sử, chính trị của mỗi nước và đã áp đặt như vậy. Lúc ấy, ở Lào và Campuchia chưa hình thành 1 nhóm CS nào hoạt động độc lập như ở VN. Vì vậy, không có cơ sở nào để hợp nhất các nhóm CS ở Đông Dương như QTCS yêu cầu…
Sáng tạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong Hội nghị thành lập Đảng thể hiện trong việc nêu mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng là đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, cả trong việc xác định lực lượng cách mạng, trong chủ trương thực hiện liên minh công-nông, cả với tiểu tư sản, thực hiện liên hiệp với tư sản dân tộc, phân hóa và cô lập địa chủ, thực hiện mặt trận thống nhất đoàn kết rộng rãi dân tộc, chĩa mũi nhọn cách mạng vào kẻ thù chủ yếu là đế quốc và tay sai.
Những sáng tạo đó của Người đã không được QTCS coi là 1 đóng góp vào kho tàng lý luận Mác-Lênin, trái lại, bị coi là biểu hiện của sự xa rời chủ nghĩa Mác-Lênin, xa rời lý tưởng CS…
Vì hiểu lầm và đánh giá không đúng về Nguyễn Ái Quốc, nên QTCS đã có thời kỳ có phần dè dặt đối với Người. Trong thư gửi đại diện của Đảng CS Pháp ở QTCS, Nguyễn Ái Quốc đã băn khoăn về vị trí của mình: “Lúc này tôi chưa biết rõ vị trí của tôi. Tôi hiện là đảng viên Đảng CS Pháp hay Đảng CSVN? Cho đến khi có lệnh mới, tôi vẫn phải chỉ đạo công việc của Đảng CSVN. Nhưng với danh nghĩa gì?.. Sự ủy nhiệm công tác của QTCS cho tôi đã hết hạn chưa? Nếu chưa, tôi vẫn tham gia Ban Phương Đông ở đây? Tôi đề nghị các đ/c nhắc Ban Thường vụ QTCS cho quyết định về việc này”.
Nguyễn Ái Quốc và Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Người soạn thảo còn bị phê phán từ phía các đ/c của mình, là những đ/c bị ảnh hưởng của QTCS. Sau khi đã tốt nghiệp Trường Đại
học Phương Đông, 4/1930, QTCS cử Trần Phú về nước hoạt động và bổ sung vào BCH Trung ương lâm thời. Trần Phú mang theo tinh thần của Đại hội VI QTCS, trong đó nhấn mạnh vấn đề giai cấp và sách lược mặt trận công nhân thống nhất. Chấp hành chỉ thị của QTCS về việc bổ sung một số vấn đề về đường lối và nhiệm vụ của cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại và vấn đề đổi tên Đảng, 10/1930, Hội nghị BCH Trung ương Đảng họp tại Hồng Kông. Hội nghị đã thông qua Luận cương chính trị của Đảng do đ/c Trần Phú soạn thảo, Điều lệ mới, án nghị quyết về tình hình hiện tại ở Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng, bầu BCH Trung ương và cử đ/c Trần Phú làm Tổng bí thư của Đảng.
Luận cương nêu lên những vấn đề cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Đông Dương do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nhưng do vận dụng máy móc những luận điểm và sách lược mặt trận của QTCS, Luận cương chính trị xác định chưa rõ nhiệm vụ hàng đầu là giải phóng dân tộc, đề cao nhiệm vụ phản phong. Vì bị ảnh hưởng quan điểm của QTCS cho nên có những đánh giá sai về tư sản dân tộc, chưa thấy hết khả năng phản đế của giai cấp tư sản dân tộc. Luận cương chính trị cũng như án nghị quyết của Hội nghị đã không phản ánh được 1 thực tiễn sinh động, phong phú của phong trào cách mạng ở trong nước là ngoài công nông ra, các tầng lớp trí thức và một số sĩ phu, một số trung tiểu địa chủ lại có xu hướng cách mạng rõ ràng… Luận cương vẫn giữ quan điểm là chỉ thấy sức mạnh của cách mạng tư sản dân quyền là “vô sản giai cấp”.
Hội nghị còn phê phán Hội nghị hợp nhất và Nguyễn Ái Quốc đã phạm nhiều sai lầm rất nguy hiểm vì “chỉ lo việc hiệp các đoàn thể ấy lại làm 1 mà ít chú ý đến việc bài trừ những tư tưởng và hành động biệt phái của các đảng phải trước kia”, đặt tên Đảng không đúng, hữu khuynh trong đường lối chính trị, “chỉ lo đến việc phản đế, mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh ấy là 1 sự rất nguy hiểm”. Nguyễn Ái Quốc bị phê phán là hẹp hòi, là theo chủ nghĩa dân tộc. Hội nghị đã quyết định “thủ tiêu chính cương sách lược và điều lệ cũ của Đảng, lấy kinh nghiệm trong thời kỳ vừa qua mà thực hành công việc cho đúng như án nghị quyết và thơ chỉ thị của QTCS. Bỏ tên “Việt Nam Cộng sản Đảng” mà lấy tên “Đông Dương Cộng sản Đảng”.
Trong Thư của Trung ương gửi cho các cấp đảng bộ ngày 9/12/1930, Thường vụ Trung ương đã phê phán những điều sai lầm của Hội nghị hợp nhất như: “chủ trương các công việc rất sơ sài, mà có nhiều điều không đúng với chủ trương của Quốc tế”, “không hợp nhất các phần tử CS chân chính nhất mà lại hợp nhất các tổ chức CS”, “không lấy 1 nền tư tưởng CS và những kế hoạch công tác CS làm căn bổn để chiêu tập Đảng, chỉ bàn chuyện cần phải hiệp nhất mà thôi”, đặt tên Đảng CSVN không phù hợp, chính sách của Đảng đối với địa chủ, tư sản không đúng: “Nói mập mờ về việc lợi dụng hoặc chủ trương những việc làm cho bọn tư sản chưa phản cách mạng như trong Chánh cương sách lược cũ là 1 điều sai lầm chánh trị rất lớn và rất nguy hiểm cho cách mạng”, khuyết điểm về tổ chức…
Hồng Thế Công (bút danh của Hà Huy Tập-Cavenui chú thích) trong tác phẩm Sơ thảo lịch sử phong trào CS Đông Dương viết năm 1933, sau khi đánh giá ý nghĩa lịch sử của Hội nghị thành lập Đảng còn viết: “Nhưng cố nhiên nó đã phạm một số sai lầm và thiếu sót gây nên những hậu quả nghiêm trọng của phong trào cách mạng”.
Sự phê bình đối với những văn kiện của Hội nghị hợp nhất còn kéo dài đến tận trước Đại hội VII QTCS. Trong thư của Ban Chỉ huy ở ngoài viết 31/3/35 gửi QTCS, sau khi báo cáo tình hình diễn biến Đại hội I của Đảng, đã phê phán trực diện Nguyễn Ái Quốc và tổ chức VN Cách mạng Thanh niên do Người sáng lập: “Ở Xiêm và Đông Dương, các tổ chức CS đã tiến hành 1 cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa duy tâm của đảng của các đ/c Hội VN Cách mạng Thanh niên và của đ/c Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành 1 chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển CNCS. Cuộc đấu tranh không nhân nhượng chống những học thuyết cơ hội này của đ/c Quốc và của Đảng Thanh niên là rất cần thiết. 2 Đảng CS Xiêm và Đông Dương đã viết 1 quyển sách chống những khuynh hướng này. Chúng tôi đề nghị đ/c Lin viết 1 quyển sách để tự phê bình về những khuyết điểm đã qua”…
… QTCS chỉ mời Nguyễn Ái Quốc dự Đại hội VII với tư cách là khách mời, và trong thực tế, không chấp nhận Nguyễn Ái Quốc là đại diện của Đảng CS Đông Dương vì đang bận học tập? Phải chăng đó là cách biểu hiện thái độ và xử lý của QTCS đối với “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc…
Ngày 6/6/1938, Nguyễn Ái Quốc đã gửi thư cho 1 đ/c ở QTCS. Bức thư cho thấy rõ hoàn cảnh của Người kể từ sau khi ra khỏi nhà tù đế quốc Anh: “Hôm nay là ngày kỷ niệm lần thứ 7 việc tôi bị bắt giữ ở Hồng Công. Đó cũng là ngày mở đầu năm thứ 8 tình trạng không hoạt động của tôi. Nhân dịp này, tôi viết thư gửi đ/c để xin đ/c giúp đỡ tôi thay đổi tình cảnh đau buồn này… Điều tôi muốn đề nghị với đ/c là đừng để tôi sống quá lâu trong tình trạng không hoạt động và giống như là sống ở bên cạnh, ở bên ngoài của Đảng”.
https://
Phân tích tính đúng đắn, sáng tạo của Cương lĩnh chính trị đầu tiên do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (3/2/1930).
Tính đúng đắn, sáng tạo của Cương lĩnh được thể hiện ở những vấn đề sau:
Về cơ sở lí luận: Cương lĩnh đã dựa trên nền tảng lý luận của Chủ nghĩa Mác-Lênin, một hệ thống lí luận tiến bộ đúng đắn và khoa học.
Cương lĩnh khẳng định cách mạng Việt Nam phải trải qua hai giai đoạn: Cách mạng tư sản dân quyền và Cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai giai đoạn cách mạng này kế tiếp nhau, không có bức tường nào ngăn cách. Cương lĩnh chủ trương: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. Qua đó, ta thấy rằng: ngay từ đầu, Đảng ta đã nhận thức rõ con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là kết hợp và gương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là điều hoàn toàn đúng đắn vì nó phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của lịch sử nước ta. Đồng thời, chúng ta cũng thấy được sự vận dụng sáng tạo và hợp lí lí luận cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác-Lênin.
Cương lĩnh khẳng định, nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở nước ta là chống đế quốc và chống phong kiến. Điều này cũng thể hiện tính đúng đắn và sáng tạo của Cương lĩnh. Tính đúng đắn và sáng tạo thể hiện ở chỗ Cương lĩnh đã giải quyết đúng hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội Việt Nam và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam. Mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Việt Nam lúc đó là: Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược; mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến. Cách mạng Việt Nam muốn đi đến thắng lợi phải giải quyết thành công hai mâu thuẫn đó, nghĩa là phải hoàn thành hai nhiệm vụ mà Cương lĩnh đã đề ra.
Về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ trên, Cương lĩnh đã đề cao vấn đề dân tộc hơn vấn đề đấu tranh giai cấp và chống phong kiến là đúng đắn và sáng tạo. Vì: Xã hội Việt Nam lúc đó có hai mâu thuẫn như vừa nêu trên, nhưng mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp là mâu thuẫn bao trùm, chi phối việc giải quyết các mâu thuẫn khác, vấn đề giải phóng dân tộc là vấn đề bức xúc nhất.
Về lực lượng cách mạng, Cương lĩnh xác định, ngoài giai cấp công nhân, thì cách mạng “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức và trung nông…để kéo họ về phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa lộ rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít ra cũng làm cho trung lập”. Như vậy, ngoài công nhân và nông dân là hai lực lượng chính của cách mạng, Cương lĩnh chủ trương phải tranh thủ các lực lượng khác: tư sản dân tộc, tiểu tư sản, trung tiểu địa chủ các loại. Điều đó hoàn toàn phù hợp với thực tế của lịch sử Việt Nam. Vì các giai cấp khác ngoài công nhân và nông dân, có một số bộ phận khác cũng có tinh thần yêu nước, như: Tư sản dân tộc, tiểu tư sản, địa chủ yêu nước…, vì thế, cần phải tranh thủ kéo họ về phe cách mạng. Đó cũng là vấn đề thể hiện sự ưu tiên hơn cho nhiệm vụ giải phóng dân tộc của Cương lĩnh, điều hoàn toàn hợp lí và đúng đắn.
Cương lĩnh đã xác định đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng: Cách mạng muốn thắng lợi phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, một chính đảng của giai cấp công nhân.
Cương lĩnh khẳng định, cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Đây cũng là một nội dung thể hiện tính đúng đắn và sáng tạo của Cương lĩnh. Vì: giai cấp tư sản ở các nước, trong thực tế đã cấu kết với nhau để đàn áp phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân ở chính quốc và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Cho nên cách mạng ở các nước thuộc địa muốn thắng lợi thì nhân dân các nước thuộc địa phải đoàn kết với nhau và đoàn kết với giai cấp vô sản trên thế giới.
Tóm lại Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta là một cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, nhuần nhuyễn về quan điểm giai cấp, thấm đượm tính dân tộc và tính nhân văn sâu sắc.
https://
http://voer.edu.vn/c/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét