SỰ LẪN LỘN GIỮA QUỐC GIA VÀ DÂN TỘC:
Khi tuyên bố: “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư”, Lý Thường Kiệt đã nói lên một quan niệm cổ xưa về quốc gia: Nam Quốc là “nơi cư ngụ” của Nam Đế, hay nói cách khác, quốc gia là tổng hợp những gì thuộc quyền sở hữu của một triều Vua. Đó là tư tưởng trọng quyền Vua, và là tư tưởng chính yếu của đa số các nhà cầm quyền ở Đông Á cho đến gần đây.
Bên cạnh đó, cũng ở Đông Á thời xưa, đã có tư tưởng trọng quyền dân, cho nước là của dân, với những tôn chỉ như: “ý dân là ý Trời”, hay “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”.
Mặt khác chữ “dân” trong “quyền dân” cũng không hẳn là “dân tộc”. Sự lẫn lộn giữa “người dân” và “dân tộc”, lồng vào khuôn khổ “quốc gia”, có thể đưa đến nhiều tai hại. Đó là lý do khiến chúng ta cần định nghĩa rõ ràng khái niệm quốc gia.
ĐỊNH NGHĨA QUỐC GIA:
“Quốc Gia” ngày nay thường là sự diễn dịch của chữ “nation”. Chữ này có nhiều nghĩa, nhưng trong phạm vi câu chuyện của chúng ta, quốc gia có thể được coi như một tập thể quy tụ những người :
- cùng nhìn về những mục tiêu chính yếu chung,
- cùng có một số giá trị căn bản,
- cùng chấp nhận một mô hình tổ chức,
- và cùng chia sẻ một tập hợp cấu trúc.
Người ta có thể cụ thể hoá quan niệm quốc gia bằng định nghĩa: quốc gia là một tập hợp quy tụ những người cùng chấp nhận trung thành với một Hiến Pháp. Tuy nhiên đây chỉ là một cách nói “hành chánh” (ai trong người dân biết rành hiến pháp ?), vì trong thực tế, có thể có những chuyện không ghi thành văn trên một Hiến Pháp nhưng vẫn nằm trong bốn điểm căn bản mà chúng ta đã đề ra ở trên (thí dụ : Anh Quốc không có hiến pháp). Xin lần lượt xét qua bốn yếu tố này.
I) MỤC TIÊU CHÍNH YẾU:
Mục tiêu chính yếu định cho tập hợp quốc gia một hướng đi. Có một số mục tiêu rất dễ hiểu, được thấy nơi mọi quốc gia, cũng như mọi tập thể, đó là:
- trường tồn,
- phát triển,
- và bảo vệ tính cá thể của tập hợp.
Điều này ví như một sinh vật, nếu muốn sống thì ít nhất phải ý thức được ba mục tiêu vừa kể, vì:
- không tìm cách trường tồn thì đương nhiên là sẽ biến mất,
- không phát triển thì sẽ bị những sinh vật phát triển hữu hiệu trong môi trường lẫn át và tiêu diệt,
- không bảo vệ được tính cá thể của mình, thì sẽ không còn biết cái gì thuộc về mình và cái gì không thuộc về mình, để một mặt giữ lại những yếu tố của mình, bảo vệ chúng, không cho mất đi, mặt khác, chống cự với những gì không phải của mình, từ ngoài xâm nhập nếu chúng làm hại cho sự tồn tại của mình với tính cách một cá thể.
Ta có thể nhận xét :
Trường tồn và phát triển buộc phải thích nghi với môi trường chung quanh. Thích nghi là đón nhận những yếu tố đến từ môi trường chung quanh và tự điều chỉnh, tu bổ, để phù hợp với môi trường ấy. Ví như đứa bé muốn sống ( trường tồn) và lớn khôn (phát triển), thì phải mở miệng để ăn, mở mũi để thở, mở trí óc để học hỏi. Như vậy, trường tồn và phát triển bao hàm tính cách “mở”.
Ngược lại, việc bảo vệ tính cách cá thể thiên về “đóng”. Muốn bảo vệ cái thuộc về mình cho khỏi tiêu hao mất mát và chống lại những yếu tố tai hại từ ngoài xâm nhập vào thì đương nhiên là phải “đóng”, phải nhận biết và giữ vững ranh giới giữa “ta” và “không ta”.
Như vậy, ba mục đích vừa nêu trên của một tập thể, như tập thể quốc gia, đi trên hai chiều hướng đối nghịch nhau: vừa mở ra với môi trường chung quanh, nhưng lại vừa đóng lại, để tự che chở đối với bên ngoài. Đó là sự mâu thuẫn thông thường của sự sống, của các “hiện tượng sinh động” …
Ngoài ra, khi áp dụng vào một quốc gia, trong một giai đoạn lịch sử nhất định, mỗi mục tiêu nói trên đều có thể được thu gọn vào một số sắc thái thực tế, thí dụ như đối với nước ta ngày nay:
- phát triển đương nhiên không phải là mở mang biên giới, tranh dành đất đai của các nước láng giềng như ở thời Lê, Nguyễn… mà là phát triển kinh tế,
- bảo vệ tính cá thể không chỉ là chống đỡ trước những làn sóng xâm lăng từ bên ngoài, kể cả về văn hoá, kinh tế, chính trị, mà cũng là ngăn ngừa sự tan rã nội bộ, do nạn kỳ thị vùng miền, phe phái, tôn giáo v.v… Cần nói là nếu một phe phái, tôn giáo, hay địa phương không chấp nhận ba mục tiêu căn bản của tập thể quốc gia như đã nói ở trên, thì sẽ không thể là thành phần của quốc gia được nữa. Nếu số thành phần không chấp nhận những mục đích chung ấy nhiều đến một mức độ nào đó, thì quốc gia tan rã. Hiểm họa này đối với nhiều quốc gia hiện đại quan trọng không kém hiểm hoạ bị lệ thuộc bên ngoài.
II) HỆ THỐNG GIÁ TRỊ CĂN BẢN:
Đa số thành viên trong một cộng đồng quốc gia cần chấp nhận một số giá trị căn bản, trong số đó có những giá trị dùng để tranh thủ các “mục tiêu chính yếu” vừa được nói đến ở trên. Nhờ hệ thống giá trị này mà trước một sự việc, người ta có được những tiêu chuẩn để đánh giá rằng việc ấy tốt hay xấu, hay hay dở, nên hay không …
Hệ thống giá trị thường chịu ảnh hưởng của tôn giáo, triết học, chủ thuyết hay ý thức hệ thịnh hành. Cần ghi nhận là trong khi những mục tiêu chính yếu của một tập thể có tính cách gần như tuyệt đối, vì quy định sự sống còn của tập thể ấy, thì ngược lại, hệ thống giá trị có tính cách tương đối. Những thành tố của nó có thể bị thay đổi hay bị đào thải với thời gian. Tuy nhiên, trong một giai đoạn nhất định, thì những giá trị căn bản được đa số thành viên trong xã hội thoả thuận, hiển hiện một cách tương đối rõ rệt. Một thiểu số nào đó có thể có những suy nghĩ khác với những giá trị được đa số chấp nhận, mà vẫn nằm trong tập thể quốc gia với điều kiện trong thực tế hàng ngày, thiểu số này vẫn hành động theo đúng các mục tiêu sống còn của tập thể. Cũng cần nhận xét là hệ thống giá trị của cộng đồng quốc gia càng rộng rãi thì hệ thống ấy càng dễ được nhiều thành phần chấp nhận, và ngược lại.
III) MÔ HÌNH TỔ CHỨC:
Sinh hoạt của cộng đồng quốc gia buộc phải dựa trên một mô hình tổ chức thích nghi với các điều kiện thực tế, với các mục tiêu chính yếu cũng như hệ thống giá trị được đa số thành phần trong cộng đồng chấp nhận. Vấn đề này xin dành cho một diễn đàn khác.
IV) TẬP HỢP CẤU TRÚC QUỐC GIA:
Tập hợp các cấu trúc ở đây chỉ những “nguyên liệu” vật chất để xây dựng một quốc gia, như yếu tố địa lý (lãnh thổ, tài nguyên), hạ tầng cơ sở, yếu tố nhân văn ( cấu trúc xã hội…) v.v…
Ta có thể ví những mục tiêu chính yếu của quốc gia như một con đường, hệ thống giá trị căn bản như luật đi đường, mô hình tổ chức như người lái xe và tập hợp cấu trúc như chính chiếc xe.
Chiếc xe có những đặc tính mà người lái cần biết rõ để sử dụng tối đa khả năng của nó và tránh làm hư xe. Đó là ảnh hưởng của cấu trúc trên mô hình tổ chức. Rồi khi lái xe, cũng phải biết luật đi đường, và nhất là biết phải lái đi đâu, để làm gì ?
§§§§§§§§§§§
TƯƠNG QUAN GIỮA DÂN TỘC VÀ QUỐC GIA:
Dân tộc khác với quốc gia. Một quốc gia có thể bao gồm nhiều dân tộc (như Hoa Kỳ, Bỉ, Trung Quốc …), và một dân tộc cũng có thể sinh sống trên nhiều quốc gia (như các dân tộc Ả Rập, Kurde, Triều Tiên, Phúc Kiến, Quảng Đông, Khách Gia …). Tuy nhiên, dân tộc và quốc gia có những tương quan mật thiết :
Quốc gia khó mà tự nhiên có. Sự hình thành của quốc gia thường gắn liền với những điều kiện lịch sử, địa lý, với ảnh hưởng mạnh mẽ của yếu tố dân tộc.
Một biệt lệ đáng chú ý là các quốc gia đã được kiến tạo dựa trên quyền lợi của các cường quốc, bất chấp yếu tố dân tộc, vào lúc chế độ thực dân cáo chung. Điều này đưa đến tình trạng bất ổn nơi nhiều vùng đất liên hệ, đôi lúc còn nổ tung thành những cuộc chiến lớn, ảnh hưởng đến toàn thế giới.
Nói thể để hiểu rằng yếu tố dân tộc rất quan trọng, vì dân tộc thường có khuynh hướng tự nhiên hội đủ những điều kiện sống còn của một tập thể như đã được trình bày ở trên. Thật vậy, dân tộc tự nó đã có một quá khứ lâu dài, nên những điều kiện sống còn đương nhiên là đã hội đủ. Quốc gia không đương nhiên có được được lợi điểm này. Vì thế, sự hình thành của quốc gia thường phải dựa vào dân tộc. Cần thêm là dựa vào dân tộc cũng là thích nghi với tình chí của người dân, qua truyền thống dân tộc. Thích nghi với tình chí của người dân là điều kiện để cho mọi chính sách, mô hình tổ chức … có thể thành công.
NHỮNG TAI HẠI CỦA SỰ LẪN LỘN QUỐC GIA VÀ DÂN TỘC :
Chúng ta đã xét qua thế nào là quốc gia, đã nhận rõ quốc gia không phải là dân tộc tuy hai thực thể có những tương quan mật thiết với nhau, bây giờ xin thử xét xem khi dân tộc “là” quốc gia thì sẽ có hậu quả ra sao ?
Có thể bỏ qua một bên trường hợp những dân tộc sinh sống trên nhiều quốc gia, mà chỉ bàn đến những quốc gia có nhiều dân tộc. Nếu một trong những dân tộc trong quốc gia ấy tự cho mình “là” quốc gia, thì các thành phần dân tộc khác sẽ tự cảm thấy mình bị gạt ra ngoài tập thể quốc gia. Trong trường hợp này, tính cá thể của quốc gia, như đã nói ở trên, có thể bị tổn hại : các thành phần tự cảm thấy mình không còn ở trong tập thể quốc gia nữa, sẽ không còn hết lòng hướng về những mục tiêu chính yếu của tập thể, mà chỉ nghĩ đến sự trường tồn và phát triển của riêng mình. Tai hại hơn nữa, các thành phần này còn có thể nghĩ đến việc hội nhập vào một tập thể quốc gia khác, nhất là khi có những thế lực bên ngoài can thiệp vào …
Vì thế: định nghĩa quốc gia cần rộng rãi vừa đủ, để một mặt tạo một môi trường tốt đẹp cho sự sinh hoạt của mọi thành phần, đặc biệt là những thành phần thiểu số hay mới hội nhập sau này, mặt khác, vẫn bảo vệ được tính cá thể của tập hợp.
TƯƠNG LAI CỦA KHÁI NIỆM DÂN TỘC:
Nhiều người có thể cho rằng : tư tưởng dân tộc đã lỗi thời, nhân loại đã bước sang một giai đoạn mới trong đó con người gần nhau hơn, liên hệ với nhau ngày một thêm chặt chẽ, và do đó các ranh giới giữa dân tộc này với dân tộc khác buộc sẽ phải ngày một phai nhòa đi.
Cách nhìn này, tuy được xác nhận bởi khoa học khách quan, nhưng vẫn vấp phải những yếu tố chủ quan, khiến cho nó vẫn chưa thể hiện được trong thực tế. Như chúng tôi đã trình bày ở một bài khác, con người ngày nay có khuynh hướng tìm về với những truyền thống, trong đó có truyền thống dân tộc. Thật vậy, khi tương lai đầy bất trắc và lo sợ, hiện tại nhiều thất vọng và ưu tư, thì người ta có khuynh hướng quay về quá khứ, tìm một điểm tựa được cảm nhận như an toàn, vững chắc … Khuynh hướng này đối lại với khuynh hướng tiến bộ (modernisme) theo đó giải pháp của bài toán được đặt ra trong hiện tại nằm ở tương lai, ngày nay buộc phải hơn ngày qua, cũng như tương lai buộc phải hơn hiện tại và quá khứ. Chúng tôi đã nêu lên những vấn đề khó khăn mà cả hai khuynh hướng nêu có thể đặt ra, và đề nghị một quan điểm dung hoà dựa trên triết học Đông Phương, ở phần “Tam Giáo”.
Có thể một ngày nào đó ảnh hưởng của ý tưởng dân tộc sẽ giảm bớt đi, nhưng đó không phải là việc của hiện tại hay của một tương lai gần. Trong hiện tại, chúng ta cần vận dụng ý tưởng dân tộc để hàn gắn những mảnh vụn của cái bình quý Việt Nam đã vỡ tan từ khi đụng chạm với sắt thép Tây Phương, để chữa trị căn bệnh phân hoá ngặt nghèo đã làm đất nước điêu linh. Điều tối cần thiết là phải tuyệt đối tránh rơi vào nạn dân tộc chủ nghĩa cực đoan, hẹp hòi, nguồn của những thảm họa chắc chắn.
Tóm lại, dù cho “lập trường dân tộc” có là phương thuốc cốt yếu để giải quyết những khó khăn hiện tại của đất nước, chúng ta cũng cần xác định rõ một khái niệm quốc gia rộng rãi hợp tình, hợp lý, để tránh rơi vào những khó khăn khác.
Đừng quên mọi dòng sông đều là sự kết hợp của nhiều nguồn nước, đến từ Đại Dương và sẽ cùng chảy về Đại Dương bao la …
Nguyễn Hoài Vân
http://nguyenhoaivan.com/
http://nguyenhoaivan.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét