Cai trị là dựa vào số đông
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc bằng quân sự, thừa tướng Lý Tư đã tận sức giúp vua tạo dựng đế chế bằng sự thống nhất về chính trị và tư tưởng. Học thuyết mà Lý Tư ứng dụng trong trị quốc phần lớn dựa vào tư tưởng và trước tác của một người bạn, sau trở thành kẻ đối nghịch là công tử nước Hàn: Hàn Phi.
Hàn Phi và Lý Tư cùng là học trò của Tuân Tử. Hàn Phi bị Lý Tư, người tự nhận là kém tài hơn, gièm pha đến mức bị vua Tần bỏ tù và sau đó chết trong ngục. Trước tác mang tên ông, sau này được nhà Tần áp dụng triệt để trong trị quốc và trở thành kinh điển của pháp gia.
Trong lịch sử Trung Quốc, người mở đường cho Pháp gia là Quản Trọng. Trước Hàn Phi, pháp gia cũng đã có nhiều phái khác biệt về chủ trương và đường lối trị quốc. Phái Thận Đáo đề cao Thế (势) gọi là phái trọng thế. Phái này cho rằng người lãnh đạo chỉ cần dựa vào uy thế (quyền lực) để áp đặt thể chế. Phái Thân Bất Hại đề cao Thuật (術) gọi là phái trọng thuật. Thuật ở đây là phương pháp. Với phương pháp tốt và áp dụng khéo léo, kẻ làm vua sẽ giỏi “thuật cai trị”. Phái cuối cùng là Thương Ưởng, đề cao Pháp (法), gọi là phái trọng pháp. Pháp là phép tắc, pháp luật. Trị nước bằng pháp luật, giống như “rule by law” của phương tây.
Hàn Phi, sống ở thế kỷ III trước Công nguyên. Một mặt ông vẫn đồng ý với quan điểm cai trị dùng đức: “nội thánh ngoại vương – bên ngoài là vua, ở trong là thánh nhân” của nho giáo, tương đồng với quan điểm quân vương – triết gia (philosopher-king) của Plato, Aristotle. Một mặt khác, ông tiến xa hơn khi cho rằng cai trị không thể dùng đức. Ông cho rằng cai trị phải nhắm vào số đông, không nhắm vào số ít. Ông nói: “Trông cậy dân làm điều tốt thì trong nước không quá mười người, nhưng khiến dân đừng làm bậy thì cả một nước được ổn định. Bậc cai trị dùng số đông, không dùng số ít, cho nên không trọng đức mà trọng pháp”.[1]
Từ đây ông cũng cho rằng vua không cần phải tài cao đức trọng, không cần làm gương cho cả nước soi vào. Để cai trị thì vua cần có thế (uy quyền để áp đặt) và có pháp (để chỉ cho dân điều nên làm và không nên làm, để thưởng phạt công minh) Từ đây, ông tiến xa hơn một bước về thuật. Ông cho rằng vua cũng chẳng cần phải làm, thay vào đó ông vua cần nắm vững thuật trị nước để thông qua nó xây dựng và vận hành bộ máy chính quyền. Vô vi nhi vô bất vi (無為而無不為): vua không làm gì nhưng chẳng cái gì không được làm. “Vô vi” là cái cách để vua dùng (cai trị thiên hạ) còn hữu vi là để bầy tôi được vua dùng vào mục đích đó, giống như Trang Tử viết trong Thiên Đạo vậy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét