Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

ĐỘC LẬP TƯ DUY

Long Nguyễn
Độc lập tư duy
Không gì quý hơn độc lập tư duy.
Ý thức hệ là một hệ thống ý tưỏng. Chữ ý thức hệ được Destutt de Tracy đặt tên vào cuối thế kỷ 18 để định nghĩa một khoa học về tư tưởng. Một ý thức hệ có thể được xem như một sự kiến giải, như một cách đánh giá sự việc, như một lẽ thường tình, hay một hệ ý tưởng được giai cấp thống trị trong xã hội áp đặt lên mọi phần tử trong xã hội.
Chuyện gì xảy ra khi ý thức hệ của một xã hội bỗng dưng sụp đổ? Tưởng tượng rút ngắn 10 năm thành một ngày. Buổi sáng ta gọi bậc sinh thành của mình là "Tên địa chủ bóc lột", giới thương mại là "Thành phần không sản xuất ăn bám xã hội", v.v... Buổi chiều "Tên địa chủ bóc lột" thành "mẹ là nải chuối buồng cau", "Thành phần không sản xuất ăn bám xã hội" thành những nhân sĩ yêu nước, nạn buôn bán nô lệ được gọi một cách mỹ miều thành "hợp tác lao động", "kết hôn ngoại chủng". Một sớm một chiều, mọi giá trị bị đảo lộn cả. Những kẻ thù không đội trời chung trở thành những "tấm gương sáng" cho cả một xã hội chiêm ngưỡng, những anh hùng dân tộc với bao chiến công hiển hách một thời ta ca tụng (như Trung tướng Trần Độ chẳng hạn) bỗng dưng bị nhờm tởm như những tên phản quốc, tay sai cho giặc.Ta mất hướng tư tưởng. Ta không cần bộ óc nữa. Mọi tư tưởng được lãnh đạo, được gán giá trị tùy theo gán như thế nào cho có lợi.
Lại tưởng tượng. Để cứu vãn kinh tế không gì bằng "thắt lưng buộc bụng". Học giả Nguyễn Hiến Lê đã viết trong cuốn "Bán Đảo Ả Rập" trang 84 như thế. Nguyên văn:
-Triều đình Thổ trước kia đã chịu bao nhiêu nhục nhã, đã bị các cường quốc Âu Châu hút biết bao nhiêu máu mủ vì vay tiền của họ mà đành làm tôi tớ cho họ, đưa cổ cho họ bóp, nên ông (Mustapha Kémal) nhắc đi nhắc lại rằng: "Muốn mất độc lập thì không gì bằng nhận tiền của kẻ khác". Phải tự túc. Có bao nhiêu chỉ tiêu bấy nhiêu, có phải chịu cực khổ hàng chục năm thì cũng rán mà chịu...
Trong trường học, trên báo chí chúng ta trâng tráo khoe khoang: Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt tài tình của Đảng, đời sống nhân dân ngày một nâng cao. Các tiện nghi xã hội như trường học, nhà thương, cầu cống, hãng xưởng mọc lên như nấm. Thậm chí ta lăm le bắn vệ tinh lên không gian nữa. Luôn luôn những bài báo tâng bốc kiểu đó kết thúc bằng "Đời đời ghi nhớ công ơn Đảng."Ai cũng biết mọi tiện nghi ấy đều của ngoại nhân. Qua cầu ta phải trả tiền qua cầu cho ngoại quốc Còn những hình thức trả tiền khó nhận thấy như để có một xưởng máy, ngư dân ta trả bằng tôm cá, nông dân ta trả bằng lúa gạo. Chao ôi mồ hôi ta rẻ quá! Biết bao điều kiện nhục nhã mà nhà nước không hề công bố mỗi khi một cơ sở ngoại quốc mọc lên? Nội việc mượn tiền ở World Bank, ta phải cắn răng thi hành những điều kiện họ mong muốn. Vay mượn có liên quan gì đến nhân quyền, đến tự do tôn giáo, đến tự do ngôn luận và hàng trăm điều tréo ngoe khác? Thế mà ta vẫn phải một mực tuân theo lời họ dạy, làm như thể ta chẳng biết thế nào là lãnh đạo đất nước.
Trái ngược với "Thắt lưng buộc bụng" của cụ Nguyễn Hiến Lê, để tạo ảo tưởng phồn vinh, ta tiêu xài như những quốc gia "tiền rừng bạc bể". Ta lái những chiếc xe Mercedes, BMW chứ không xoàng như Pontiac, Chevrolet. Ta mặc những quần áo "hiệu" mà ngay Mỹ và Âu Châu người giàu có thèm thuồng mơ ước. Phí phạm hơn nữa, ta định mở thêm 1 con đường cao tốc Bắc Nam đi song song với quốc lộ 1. Từ trên cao nhìn xuống, địa thế nước ta có những chỗ thắt lại chỉ vài chục kí lô mét. Kẻ lái xe trên con đường cao tốc và trên quốc lộ 1 có thể thấy nhau. Tại sao phải 2 trục lộ chính sít sao nhau trên một mảnh đất không có chiều ngang? Ngoài ta ta còn 2000 cây số đường biển, 1 phương tiện giao thông ít tốn kém nhất. Hai xa lộ, một thiết lộ và 1 đường biển Nam Bắc chen chúc nhau trên một giải đất hẹp chỉ là món trang sức làm đẹp chế độ vốn không đẹp. Sự phí phạm đi đến nực cười khi ta cầu khẩn tư bản phóng hộ ta một vệ tinh lên không gian trong khi chưa chế được cái quạt máy, cái bàn ủi điện đủ sức cạnh tranh với các nước chậm tiến khác. Tất cả chỉ để thuyết phục nhân dân và các em học sinh rằng ta đang phát triển và dĩ nhiên, con cháu chúng ta trả nợ.
Chẳng những chúng ta bị mất độc lập về kinh tế, chính trị mà còn mất độc lập về tư duy nữa. Các em học sinh, mọi tầng lớp nhân dân đều không thắc mắc nếu có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Việt Nam năm 1965 là mất độc lập thì tại Hàn Quốc hiện nay, quân đội Mỹ cũng đồn trú ở vĩ tuyến 38 và các nơi trọng yếu khác, có ai nói Hàn Quốc mất độc lập đâu? Và chắc chắn Hàn Quốc không nghèo. Thời hậu chiến, quân đội Mỹ cũng chiếm đóng Đức và Nhật, 2 nước này cũng không nghèo. Sự hiện diện của quân đội Mỹ tại miền nam Việt Nam bị lên án là xâm lăng thì tại sao ta xua quân tấn công Kampuchia thì gọi là giải phóng? Ta buộc phải nói quanh vì Đảng không cung cấp cho chúng ta cách biện luận. Vậy thì không hẳn mang quân sang nước khác là xâm lăng, và quốc gia bị chiếm đóng không hẳn mất độc lập. Vài chục năm sau nữa, con cháu chúng ta rất lúng túng khi phải trình bày quan điểm cá nhân trước thế giới vì chúng ta không có quan điểm cá nhân. Chúng ta không suy luận mà chỉ biết lập lại những gì được Đảng dạy. Mà như đã nói ở trên, một khi ý thức hệ sụp đổ, quan điểm, lập trường mất phương hướng, nó xoay như chong chóng. Thiếu độc lập tư duy, con cháu ta sau này ăn nói ngớ ngẩn như kẻ từ trên trời rơi xuống, không biết phải trái mà như ta biết, sự suy luận là tiền đề của văn minh, tiến bộ.
Bài này nhằm cắt nghĩa rõ ràng 2 chữ độc lập.
Những thủ đoạn cướp độc lập.
Có một cách giải thích về những sự việc trừu tượng. Đó là nói đến hiệu ứng của nó, một khi khó thấy nó bằng giác quan. Người ta cảm nhận lỗ đen (Black hole) bằng cách quan sát quỹ đạo trồi sụt của các cặp sao trong đó có 1 lỗ đen. Để tìm vai trò một giống loài thực động vật nào đó trong sinh thái, người ta triệt tiêu sự góp mặt của giống loài đó rồi quan sát hiệu ứng. Nói đến độc lập ta cũng có thể suy ra từ hậu quả một quốc gia mất độc lập. Phản nghĩa với độc lập là lệ thuộc. Tước đoạt độc lập kẻ khác là bước đầu của thực dân trong tiến trình cai trị để bóc lột. Tuy nhiên, một khi nhân loại càng văn minh, sự thực dân mang nhiều tên gọi khác nhau và bản chất cũng khác nhau. Chỉ cứu cánh bóc lột là không đổi.
Meta xin lược qua những thủ đoạn thực dân trong thế kỷ của chúng ta. Thuộc địa (Colonialism), Tân thuộc địa (Neocolonialism), Đế Quốc (Imperialism), Nội thuộc địa (Internal Colonialism). Để cô đọng, Meta tránh một số thủ đoạn thực dân khác ít liên quan đến bài viết.
Thuộc địa: Là khi một cường quốc vươn trải chủ quyền quốc gia khỏi lãnh thổ và nhân dân chính quốc, thường nền tảng cho sự thống trị kinh tế về tài nguyên, lao động và thị trường. Gọi là chủ nghĩa thuộc địa là vì có một hệ thống tư tưởng nhằm hợp pháp hoá, nâng đỡ hệ thống này, đặc biệt là niềm tin rằng kẻ "bảo hộ" khai hóa, đem ánh sáng văn minh đến cho những quốc gia thuộc địa. Thực ra, mọi "khai hóa" chỉ là phương tiện giúp cho việc chuyển tài nguyên nước bị lệ thuộc sang chính quốc và ngăn chận mọi triển vọng phát triển kinh tế. Hãy lấy 100 năm lệ thuộc Pháp làm ví dụ.
Tân thuộc địa: là từ ngữ dùng mô tả công việc ở quy mô quốc tế trong thời kỳ khi những đế quốc có thuộc địa ở Âu Châu từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 19, nay đã không còn nữa. Tuy nhiên chủ nghĩa này sống lại nhờ vào sự mở cửa của Việt Nam. Những cáo buộc rằng cả những quốc gia và tập đoàn nhắm khống chế nước khác bằng những phương tiện gián tiếp; thay vì khống chế trực tiếp quân sự chính trị, họ dùng kinh tế, tài chính, thương mại để thống trị các nước yếu.
Sau thế chiến thứ hai, từ ngữ Tân thuộc địa được phổ biến, đặc biệt khi nói đến Phi Châu, tiến trình giải phóng thuộc địa kéo theo phong trào các quốc gia lệ thuộc đứng lên giành độc lập. Một khi giành được độc lập, các lãnh đạo và các nhóm chống đối đế quốc phản đối rằng nước họ vẫn còn bị khống chế bởi một dạng thực dân mới, phát động bởi các cựu mẫu quốc và những nước phát triển khác. Ở Phi Châu, Pháp đóng vai trò nổi bật trong trách nhiệm thực thi một chính sách Tân thuộc địa và binh sĩ Pháp thường liên can trong những vụ đảo chính tạo dựng một chính phủ tay sai đi ngược lại với quyền lợi quốc gia nhưng có lợi cho Pháp.
Ở Congo sau khi trao trả độc lập, Bỉ tiếp tục kiểm soát 70/100 kinh tế xứ này qua hiệp hội Société Générale de Belgique . Đặc biệt tại tỉnh Katanga nơi nghiệp đoàn công nhân hầm mỏ Katanga (Union Minière du Haut Katanga , thuộc hiệp hội), kiểm soát và làm chủ khoáng sản và tài nguyên phong phú của tỉnh.
Một trong những thủ đoạn bị phê phán nhiều nhất là quyền cho vay hoặc từ chối không cho vay bởi các cơ quan tài chính quốc tế như IMF (International Monetary Fund ) và WB (World Bank). Để hội đủ điều kiện vay mượn, các quốc gia nhược tiểu phải thực hiện những bước thuận lợi gọi là “điều chỉnh cấu trúc”(structural adjustments) để trả tiền lãi cho IMF/WB, nhưng có hại cho kinh tế của mình và thường làm cho sự nghèo đói trầm trọng thêm thay vì xóa đói giảm nghèo. Việt Nam đang say mồi IMF/WB, mất dần độc lập nhưng vẫn dạy các em học sinh là ta đang phát triển, đang giàu có. Nhờ ơn Đảng, ta có công nuôi sống chủ nghĩa Tân thuộc địa bằng cách cam tâm làm con nợ ngoan ngoãn với vật thế chân là 80 triệu con người ra sức khuyển mã trả nợ.
Đế Quốc: Là chính sách bành trướng quyền hành sang các quốc gia khác như một phương tiện thủ đắc, duy trì vị thế một đế quốc qua những cách phát huy ảnh hưởng gián tiếp vào chính trị và kinh tế nước khác.
Đế quốc chủ nghĩa bị chỉ trích nặng nề rằng trong lịch sử nó thường được sử dụng để bóc lột kinh tế, trong đó đế quốc dùng tài nguyên của nước khác như lao động rẻ, nguyên liệu thô, nhào nặn kinh tế nước khác sao cho có lợi cho mình và nhất là kìm hãm nước khác trong vòng nghèo đói. Khi đế quốc chủ nghĩa đi kèm với chinh phục quân sự, nó cũng được coi như một vi phạm tự do và nhân quyền.
Thế kỷ 20, Đế quốc chủ nghĩa thường được dùng ám chỉ Đức Quốc Xã và Đế Quốc Nhật bắt đầu từ 1930 và Thế chiến thứ hai. Sau này, tới thời chiến tranh lạnh, nó được dùng để nói đến chính sách của cả Sô Viết lẫn Mỹ mặc dầu hai nước này khác nhau hoàn toàn và cũng khác với Đế quốc chủ nghĩa thế kỷ 19. Ngoài ra, từ ngữ Đế quốc chủ nghĩa còn được khai triển để áp dụng vào bất cứ điển hình lịch sử nào của nước lớn áp chế nước nhỏ. Ví dụ Việt Nam ta đang khống chế Lào và Kampuchia.
Nội thuộc địa: (Internal Colonialism) Khái niệm này do chính con người Marxist như V. I. Lenin and A. Gramsci tạo ra nhằm mô tả sự bất bình đẳng kinh tế chính trị giữa những khu vực bên trong một xã hội. Dùng để đả kích tư bản chủ nghĩa nhưng oái oăm thay, nó chính là xã hội Việt Nam ta ngày nay. Chắc Lenin không ngờ có ngày Cộng Sản sụp đổ và một số còn lại phải mở cửa. Đó chính là sự bất công trong các tầng lớp nhân dân qua đảng tịch hoặc không đảng tịch, dân tộc thiểu số với người kinh, tôn giáo hay vô tôn giáo, yêu nước hoặc không yêu nước; họ bị ngấm ngầm hay công khai loại trừ khỏi những vị trí uy tín xã hội, chính trị.
Sự liên hệ giữa người cai trị và bị trị cũng giống như Thuộc địa chủ nghĩa: bất công và bóc lột. Một nước nội thuộc địa luôn bồi đắp thịnh vượng cho những khu vực có liên hệ mật thiết với quốc gia, thường là khu vực thủ đô. Những phần tử của quốc gia nội thuộc địa có thể bị phân biệt bởi văn hóa như chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo (bao gồm niềm tin vào Đảng). Điểm khác nhau giữa Tân thuộc địa và Nội thuộc địa là nguồn gốc sự bóc lột. Một đằng bóc lột từ bên ngoài quốc gia, còn một đằng thì bóc lột từ bên trong.
Nhận diện bọn tay sai:
Thảm thương cho dân tộc ta nay bị 2 tròng nô lệ của 2 chủ nghĩa: Tân thực dân do tư bản thực hiện và Nội thuộc địa do chính Đảng Cộng Sản chủ xướng. Ở nước ta mỗi khi có chế độ mới thường chê chế độ cũ là tay sai thực dân, đế quốc nhằm gián tiếp xưng tụng chế độ mình tốt hơn. Thật chẳng biết đằng nào mà mò.
Một chỉ dấu của chính quyền tay sai là chúng càng ngày càng giàu có nhờ những bổng lộc bí mật không rõ xuất xứ cộng với việc ngoan ngoãn thi hành mọi mệnh lệnh tài chủ. Đọc báo mỗi ngày ta đều thấy hoan hỉ loan tin Unesco đã hài lòng về cố gắng xóa đói giảm nghèo của ta, nhưng còn nhiều điểm cần phải cải thiện. Quỹ tiền tệ Quốc Tế khen ngợi ta đã có những bước tiến bộ về nhân quyền. Ngân Hàng Thế Giới khuyến cáo phải tích cực hơn nữa về môi sinh. Liên Hiệp Quốc đưa thêm những bước cải tổ buộc ta phải thi hành v.v… Ta không thấy nhục nhã mà chỉ thấy hãnh diện y như ông tù trưởng thông báo với bộ lạc rằng ta đã biết cầm đũa và từ bỏ đóng khố.
Họ là cái thá gì? Thưa họ là chủ nợ.
Họ thương dân ta lắm ư? Thưa họ lo 80 triệu con người không an cư thì sản xuất kém, lấy gì trả nợ.
- Ông về vỗ béo con trâu rồi dắt sang cho tôi xem thì tôi cho vay thóc nhé!
Ông phú hộ nói với thằng bần nông thế. Thưa bạn, ông phú hộ có thương con trâu không? Thưa không, ông chỉ lo cái thằng trên răng dưới dái này để trâu đói thì làm sao cày bừa ra thóc để trả nợ. Thế thôi.
Thời chiến tranh, Việt Nam Cộng Hòa cũng lệ thuộc hoàn toàn vào Mỹ nhưng lệ thuộc vì ở vào thế bị bắt chẹt về viện trợ quân sự mỗi khi tình hình nguy ngập. Ngày nay, kinh hoàng thay, ta tự nguyện xin làm tay sai bằng những cố gắng làm vừa lòng tư bản. Đồng tiền vay mượn ấy chui tọt vào túi bọn lãnh đạo đất nước.
Ấy là chủ nghĩa Tân thực dân, ta làm tay sai cho tư bản. Thế còn Nội thuộc địa thì sao? Ai là tay sai? Để buộc 80 triệu con người nai lưng sản xuất phục vụ cho mình, ta có 2 triệu đảng viên, một mạng lưới công an để trấn áp những kẻ phản động. Đó chính là tay sai. Nhưng một điều không ngờ rằng 80 triệu đồng bào ta cũng là tay sai để tố giác những kẻ nào cả gan tháo gông cùm một chút cho dễ thở. Tại sao thế? Vì tuyên truyền, vì giáo dục nhồi sọ, ta tin rằng tự do dân chủ, công bằng xã hội là …nhảm nhí mà tham nhũng mới chính là yêu nước. Ai kêu đòi nhà nước ban thêm cho tí quyền nữa, chính chúng ta nổi giận, gán cho tội phản quốc. Ta vô lý như thế vì đeo gông cùm quen rồi, ta không muốn tháo cùm và cũng không muốn ai nêu ý tưởng tháo cùm. Ta không suy nghĩ vì mọi việc đã có chỉ thị. Yêu nước là yêu Đảng mà chống Đảng ắt phải là phản quốc. Ta mất chủ kiến. Ta mất độc lập tư duy. Vô hình chung ta làm tay sai cho bọn cai trị để khống chế chính ta.
Thời Pháp thuộc Việt Nam ta tự túc về kinh tế. Tuy nghèo đói, ta vẫn vượt xa nước láng giềng Thái Lan về xuất cảng nông sản, đặc biệt về lúa gạo. Nói tự túc lương thực là độc lập thì quả là nông cạn vì tuy tự túc, ta mất độc lập. Các cơ quan nhà nước mệnh danh cuộc chiến tranh chống Mỹ là cuộc chiến giành độc lập thống nhất đất nước, như trong : <http://www.cpv.org.vn/details.asp?id=BT1380561185>. Thực ra, gọi cuộc chiến ấy là cuộc chiến đấu khôi phục sự toàn vẹn lãnh thổ hay còn gọi cách khác là cuộc đấu tranh thống nhất đất nước mới đúng. Nhưng thống nhất cũng có năm bảy đường. Hãy xem Do Thái lập quốc, người Do Thái khắp nơi trên thế giới đổ về, chung tay xây dựng. Chúng ta thống nhất mọi người đều bỏ trốn ra đi. Không phải chỉ bọn “phản động” thời kỳ vượt biên, mà còn các thanh niên chạy tiền lo lót theo diện hợp tác lao động, các thiếu nữ không màng xứ lạ quê người, đem trinh tiết cho bọn Đài Loan què vầy vò đánh đổi lấy hai chữ tự do. Có người cãi vẫn còn 80 triệu người yêu nước ở lại để xây dựng đất nước đấy thôi, nhưng thực ra chỉ tại họ không có tiền đút lót để thoát khỏi nơi đầy rẫy bất công, bóc lột. Từ nay đất nước thuộc sở hữu 2 triệu đảng viên tham tàn gian ác mặc tình đục khoét. Nhưng chuyện thống nhất nên bàn trong dịp khác, bài này tập trung vào ý nghĩa hai chữ độc lập. Năm 1945 Hồ đã tuyên bố độc lập, tức là ta đã độc lập không lẽ lại phải chiến đấu để giành độc lập nào nữa? Muốn tạo chính nghĩa, ta gán chữ độc lập và thống nhất làm một. Nói cuộc chiến đấu chống Mỹ giành độc lập và thống nhất đất nước nghe vẫn xuôi tai vì 2 từ ấy thường đi chung với nhau. Độc lập bao gồm quyền tự quyết (Self determination), sự toàn vẹn lãnh thổ (Integrity) và chủ quyền quốc gia (Sovereignty). Đáng hận thay, ta trả giá sự thống nhất đất nước (Integrity) bằng đánh đổi lấy quyền tự quyết : Người dân miền Nam không có quyền tự định đoạt tương lai chính trị của mình mà hoàn toàn bị áp đặt sống dưới một thể chế nay thế này mai thế khác, tùy quyền lợi của vài triệu đảng viên Cộng Sản. Như thế vẫn chưa đủ, ta còn phải trả thêm sự toàn vẹn lãnh thổ (Integrity) nữa. Để an thân và có sự hậu thuẫn của Trung Quốc, ta nhường Trường Sa, Hoàng Sa và Nam Quan cho họ. Ba mươi năm xương máu, ta vẫn không độc lập.
Vâng cho đến nay ta vẫn không độc lập. Ta hoàn toàn lệ thuộc vào tư bản. Năm 2004 ta mắc nợ 16.55 tỉ đô la, trả bằng Mỹ kim, hàng hóa và phục vụ (Số liệu từ nationmaster.com). Không kể tôm cá, mắm muối, sản phẩm may mặc v.v… ta phải bù thêm xuất khẩu gái, hợp tác lao động, các dịch vụ du hí phục vụ tư bản để có được một bộ mặt phồn vinh giả tạo. Ta vẫn là một quốc gia bị bóc lột về kinh tế, bị tước đoạt mọi quyền tự do căn bản, và bị ngoại bang khống chế về chính trị ( Ta điều hành quốc gia theo chỉ thị của các cơ quan cho vay tiền quốc tế IMF/WB).
Vậy thì chúng ta phải làm gì bây giờ để thoát ra khỏi vòng lệ thuộc. Bối cảnh hiện nay không đòi võ trang, không đòi xương máu. Ta phải làm giàu. Vâng chỉ giàu có, tự túc tự cường ta mới có độc lập. Ta không vay mượn, ta không nghe những khoe khoang giả dối của Đảng, ta không nhìn vào xe hơi, nhà lầu, cơ xưởng để kết luận đó là công ơn Đảng, là thành quả cách mạng, bởi những thứ đó là của tư bản, không phải của ta.
Nhắc lại lời dạy của cụ Nguyễn Hiến Lê, một giải pháp giản dị để chấn hưng kinh tế là “thắt lưng buộc bụng”. Để “thắt lưng buộc bụng” và để chỉ tin vào chính sức của mình, ta phải độc lập tư duy. Độc lập tư duy mang lại ý thức tự lực tự cường, biết mình biết người, biết đâu là ích quốc lợi dân, đâu là phản dân hại nước. Một khi bọn sâu dân mọt nước, ăn cắp tài sản quốc gia bị chúng ta tước đoạt mọi quyền hành, con đường đi đến dân chủ, độc lập, phú cường thực sự và trường cửu thênh thang rộng mở. Bạn trẻ ta ơi, tuy mới ở bước đầu là độc lập tư duy, hãy cố lên. Vì vận mệnh quốc gia và vì con cháu chúng ta, xin hãy cố lên.
Long Nguyễn Metamorph


Độc lập tư duy 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét