Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

THẾ KỶ 21 ÂM

Thế Kỷ 21 Âm 

Tuỳ theo quan niệm, chúng ta có thể đánh giá trình độ phát triển của một dân tộc qua những dấu hiệu khác nhau. Bom nguyên tử, chẳng hạn. Hay, xếp hàng, chẳng hạn. Xem: "văn minh" Mỹ cao hơn nên bom Mỹ có sức công phá mạnh hơn, "văn minh" Tàu thấp hơn nên bom của họ... giết được ít người hơn. Lại xem: người văn minh thì kiên nhẫn và lịch sự những khi xếp hàng, người... không văn minh thì không là như thế! 

Thì cũng là một cách đánh giá, tuy nhiên, theo tôi, cái cung cách họ tranh luận với nhau mới là dấu hiệu giản tiện nhất mà bao quát nhất. Ít ra, cái cung cách họ chí choé cãi cọ tranh giành hay điềm tĩnh tranh luận cũng bao hàm cả một bề dày của lịch sử văn minh: nó khai sinh từ những bản năng thấp nhất và hình thành với những khát vọng cao nhất. 

Thoạt kỳ thuỷ, khi sở dục của con người chỉ đơn thuần đóng khung trong những nhu cầu vật chất, họ không tranh luận mà chỉ tranh giành. Họ tranh thứ này. Họ giành thứ kia. Và họ giành giật theo bản năng của loài dã thú, theo luật của rừng, thứ luật của "mạnh được yếu thua". Trí tuệ nẩy nở rồi thì nhu cầu tri thức, nhu cầu "biết" mới đưa đẩy đến trò chơi tranh luận: trước là mạnh sức, sau là mạnh trí. Không ai biết đích xác điều đó đã thực sự nẩy nở như thế nào, tuy nhiên, bằng cách suy diễn, chúng ta cũng có thể tàm tạm tái tạo lại một chút lịch sử. 

Tưởng tượng khung cảnh thời tiền sử khi con người còn sống trên cây hay trong hang đá, còn săn bắt hay hái lượm để sinh tồn, nam - nữ còn chung chạ với nhau trong mối quan hệ quần hôn. Họ hầu như, chỉ bị thôi thúc bởi những sở dục đơn giản và cụ thể: một bao tử để nhét cho đầy, một thân thể để che chắn và sưởi ấm, và sau nữa là những nhu cầu dục lạc cần phải thoả mãn thế thôi. 

Trên lý thuyết thì, thoạt đầu, hết thảy đều là muôn sự của chung. Săn được một con thú, hái nhặt được một mớ sản phẩm của núi rừng, ai ai cũng có phần đề huề vui vẻ cả làng; cả cái việc yêu đương tình ái cũng thế khi mà ai cũng có thể chung chạ với nhau, chung chạ tưng bừng loạn xà ngầu đến độ con cái sinh ra chỉ biết có mẹ mà không biết có cha. Ðủ đầy thì không nói làm gì, đến khi khốn đốn vì cung thấp hơn cầu, đói rừng chẳng hạn, phụ nữ bị bệnh dịch toi mạng chết gần hết chẳng hạn, rắc rối mới diễn ra: người đông của hiếm thì chuyện giành giật nhau là sự dĩ nhiên. 

Tưởng tượng tiếp cảnh một đám đàn ông nóng nảy hậm hực trước mẩu thịt bèo nhèo bạc nhạc còn sót lại hay trước một vài chị đàn bà mũm mĩm tươi tốt: ai cũng muốn phần hơn về mình, và cái hơn nhau, lúc này, lại là "một tiếng anh hùng mà thôi"! 

"Tiếng anh hùng", trong ngày ấy, thực ra, chỉ là những bắp thịt, những nắm đấm, những cú đánh chỏ, những cú thúc đầu gối, thậm chí những... hàm răng thật sắc: đấm, đá, cào, cắn xé, ào ào, ào ào. Cần thiết thì gân cổ la hét cho thêm phần khí thế: sở dục đơn giản, tư duy đơn giản thì cách giải quyết cũng chẳng thể nào phức tạp hơn. 

Ðầu tiên có thể chỉ là "mạnh được", nhưng đến khi ý thức được cái sự "đông được" trong nội bộ cộng đồng với nhau, con người mới bắt đầu tập tành làm... chính trị. Họ sẽ không đơn thuần dùng hàm răng để cắn xé mà còn tập tành múa may bộ lưỡi để lôi kéo đám đông, hay ít ra là lôi kéo kẻ "mạnh được" về phía mình. 

Ðời sống còn phức tạp dần với những ý niệm quyền lực, địa vị, giai tầng v.v..., và rồi, điều này, đến lượt, sẽ ảnh hưởng đến mô thức xã hội thể hiện qua những tập tục, lề luật và định chế. Khi đó, một cách chính thống, những hình thức chia chác hay tranh giành quyền lợi sẽ được thể chế hoá trong những khuôn khổ này và như thế, cái lưỡi và cái cổ họng con người không còn đơn thuần đảm nhiệm cái nhiệm vụ gấu ó như xưa nữa: tranh giành cái gì thì cũng phải nương theo lề luật và tập quán, nghĩa là xoay xở, diễn dịch sao cho chúng nghiêng về phía mình. 

Cao hơn vật chất, khi khả năng tư duy đã đạt đến những mức độ hoàn thiện hơn và trừu tượng hơn thì con người, ở một mức độ nào đó, lại nẩy sinh nhu cầu phô diễn tư tưởng. Ðó có thể là ý hướng bảo vệ lẽ phải và rao truyền những giá trị tin là tốt đẹp cho cõi nhân sinh, đó cũng có thể là tham vọng nâng ý tưởng của mình thành một thứ khuôn vàng thước ngọc, nhưng, dù gì thì gì, con người đã từ chỗ cãi lộn đi đến chỗ tranh luận. 

Không phải ngẫu nhiên mà nghệ thuật tranh luận lại hình thành cùng lúc với sự thăng hoa rực rỡ của nền văn minh cổ đại. Ðó là thành tựu của luận lý học, của tinh thần duy lý. Ðó là những khát vọng dân chủ, dù là trong hình thức sơ khai nhất, của một xã hội lý tưởng thể hiện trong niềm mơ ước cộng hoà, của Plato, của Aristotle, hay của Cicero.

Thử trở lại với ánh huy hoàng của nền Cộng Hoà La Mã thời cổ đại cùng nhà hùng biện Cicero. Với Cicero (106-43 B.C), khoa hùng biện được xem như là một thể loại, như thể thi ca hay kịch nghệ, qua đó con người chỉ thuần tuý so tài cao thấp bằng luận lý trong một quan hệ dân chủ. Ðó là logic, là những tư tưởng, những phép suy diễn dù hình thành từ thời cổ đại nhưng vẫn sáng giá ở mười mấy thế kỷ sau. Ðó là không khí của một xã hội cộng hoà với những thiết chế về Nguyên Lão Nghị Viện hay Toà Án mà thế giới hiện đại đang áp dụng. Họ tranh luận là để tìm kiếm cái đúng, cái phải, và để làm được điều ấy, họ có những luật chơi phải, đúng. 

Sợ cuộc chơi thì mới phá luật chơi. Bất lực trước luật chơi duy lý và dân chủ người ta mới cầu viện đến những hình thức này kia của bạo lực. Ðó là trường hợp của tên võ biền Mark Antony khi hắn hèn nhát dùng lưỡi gươm để đối phó với cái lưỡi của Cicero. Cicero dùng bộ óc, hắn dùng bắp thịt. Cicero dùng lý trí, hắn dùng sức mạnh. Cicero vận dụng những logic bén nhọn, hắn muá may lưỡi gươm bén nhọn. "Chân lý", như thế, đã loé lên từ nước thép của lưỡi gươm, hay như về sau, bay ra từ họng súng, theo kiểu Mao Trạch Ðông. 

Văn minh nhân loại đã thoái hoá và thụt lùi theo những hành vi bịt miệng như thế. Cộng Hoà La Mã chết theo cái lưỡi của Cicero. Âu Châu đắm chìm trong đêm đen Trung Cổ khi giáo quyền La Mã sử dụng Tôn Giáo Pháp Ðình và những dàn hỏa thiêu để bịt miệng bất kỳ kẻ nào dám ngờ vực thần quyền. Những trại tập trung cải tạo, những màn đấu tố rải rác trên lãnh thổ Á, Âu một thời, hết thảy cũng chỉ là phương tiện để dập tắt tiếng nói và làm thui chột những bộ óc không chịu khuất phục trước những giáo điều đóng hộp. 

Ðấy cũng chỉ là một hình thức mới của luật rừng thế thôi. Người tiền sử giành giật miếng ăn, nhà nước độc tài giành giật độc quyền lẽ phải. Người tiền sử cắn xé bằng hàm răng sắc nhọn, nhà nước giành giật bằng cả một hệ thống sen đầm và ngục tù. Người tiền sử dùng cổ họng để la hét tạo thanh thế, nhà nước có bộ máy tuyên truyền một chiều, có những đội quân vu khống và đấu tố theo kiểu Hồng Vệ Binh. 

Và để gươm súng có thể "bốc" ra chân lý một cách danh chính ngôn thuận, lại có cái trò "nhân danh" đi kèm những bản án. Giáo quyền thời Trung Cổ nhân danh Ðấng Tối Cao để đốt sống những kẻ tà đạo. Nhà nước độc tài nhân danh mấy thứ chủ nghĩa lạ lùng hay cuồng dại của mình để trưng ra tội danh "phản động". Loài người, như thế, đã tự làm khổ mình ngay từ khi phát minh ra cái ý niệm "nhân danh": bởi, khi đã có một cái gì đó để nhân danh rồi thì luật rừng, luật của loài thú, cũng sẽ biến thành luật của loài người! 

Ðấy mới là... phản động. Vì nó phản tiến bộ. Vì nó níu giật lịch sử trong những bước chân thụt lùi: cổ Cicero bị cắt thì ánh sáng huy hoàng rực rỡ của nền Cộng hoà La Mã tàn lụi theo; những trại tập trung, những màn đấu tố v.v... của thế kỷ 20 đã đưa con người quay về với không khí nghẹt thở của thời Trung Cổ. Nhân loại, như thế, bao giờ cũng bị bước thụt lùi theo những hành vi cắt lưỡi và bịt miệng, cầu chứng với những nhãn hiệu nhân danh. 

Ðã có những nhà nước phản động thì cũng có những cá nhân phản động. Nhà nước phản động theo cung cách của loài hổ báo khi sử dụng sức mạnh của bộ máy cai trị để áp dụng luật rừng. Không có sức mạnh của loài hổ báo, cá nhân phản động bằng những trò lường lận ăn gian, bằng sự tinh quái của loài chồn cáo. 

Ðiều gì cũng có mặt trái: nếu những bản năng dã man hàm chứa ít nhiều tính hồn nhiên thì những lớp lang văn minh lại mở ra những kẽ hở lưu manh. Khi một bộ lạc thời tiền sử đi săn người ở bộ lạc khác về làm thực phẩm thì, xét cho cùng, họ cũng làm công việc kinh khủng ấy một cách hồn nhiên như thể hôm nay chúng ta đi câu cá những ngày nghỉ cuối tuần. Tuy nhiên, nếu xã hội cần đến những lớp lang lễ nghĩa và định chế để có thể tổ chức và điều hành một cách êm thắm thì chính những lớp lang đó, đến lượt, sẽ bày ra cho con người những cơ hội xoay xở và nhân danh. 

Cứ để ý những cuộc "tranh luận" của chúng ta, trong hay ngoài nước: "nhân danh" thì toàn những điều cao đẹp, chúng lại hỗn loạn và bát nháo như thể cái cảnh của một bộ lạc thời tiền sử đang gấu ó tranh giành theo luật của rừng. 

Thiếu tính duy lý đã đành, chúng ta thiếu cả tính dân chủ, dù là trong hình thức sơ khai nhất khi cảm tính và đầu óc bè phái trở thành yếu tố chi phối. "Dân chủ", với họ, là quyền biến thiên kiến cá nhân thành tâm thức cộng đồng, quyền phun nước bọt vào những lĩnh vực hoàn toàn i tờ. "Dân chủ", với họ, là quyền tự trao cho mình thanh gươm lệnh để vung chém bừa bãi, bằng những bản án cũng không kém phần bừa bãi. 

Báo chí trong nước từng đề cập đến trường hợp nhà phê bình vớ được bản thảo của một nhà thơ và thẳng tay phang trên mặt báo. [2] Mà, ở bất cứ đâu, trong hay ngoài, người ta cũng có thể dễ dãi hùa theo một nhận định vu vơ nào đó để đả kích bất kỳ tác giả nào đó, không cần đọc qua một trang một chữ nào của họ, như một trò chưởi leo. Mà đó là văn học, bước sang chính trị thì sự thể càng tệ hại hơn khi mọi vấn đề -- văn chương, văn hoá hay lịch sử -- đều có thể soi qua những thứ kính chiếu yêu tạo thành từ những hiểu biết và những "lập trường" hay "quan điểm" cực kỳ chủ quan. Với thứ kính chiếu yêu đó người ta có thể kết án hay chụp mũ bất cứ ai, dựa trên những bằng chứng thực vu vơ, và với những lập luận còn vu vơ hơn nữa. 

Xã hội không phải là một viện hàn lâm và nếu cãi nhau chuyện tôm cá, người ta có thể hành xử theo lối hàng tôm hàng cá, tuy nhiên, đi với Phật mặc áo cà sa, sự nghiêm túc của mục tiêu bao giờ cũng đòi hỏi sự nghiêm túc ở thái độ nhập cuộc và ở khía cạnh phương pháp luận. Sự tách rời giữa cảm tính và lý trí, chẳng hạn. Những lề lối sử dụng thông tin, chẳng hạn. Rồi sự rạch ròi giữa những phạm trù khác nhau, từ lịch sử, chính trị, văn học đến chuyện đời tư cá nhân, chẳng hạn. Và, đó còn là một thái độ tự trọng, không nấp mặt trong đám đông để gấu ó và vu khống.[3] 

Không phải người Việt không hề biết đến tranh luận. Có thể từ ngày xưa cha ông ta -- trừ những trường hợp hiếm hoi như Nguyễn Trãi, qua những lá thư "mưu phạt tâm công" nhằm đánh vào ý chí của tướng Minh -- chưa hề thực sự tranh luận: họ không có diễn đàn để thi thố trong khi mọi sự đều rập khuôn theo kinh điển, tuy nhiên, khi đã tiếp xúc với điều mà Phan Khôi gọi là "cô nàng logic", "cô nàng lý luận", những cuộc tranh luận đúng nghĩa đã thực sự diễn ra. 

Cứ nhớ những cái tên Phạm Quỳnh, Phan Khôi, Trần Trọng Kim một thời với những vấn đề như Nho giáo hay Quốc học: họ hướng tới một ngả đường văn hoá tin là đúng đắn, tin là tử tế cho dân tộc nên cách hành xử trong tranh luận cũng tử tế và tự trọng như thế. Họ nhiệt thành tranh luận và gay gắt phê phán mà vẫn có đủ bình tĩnh để tôn trọng nhau. Họ chú mục vào những điều đáng nói, vào lối lập luận, vào những ý tưởng chính yếu chứ không phải những tiểu tiết lông bông hay những chuyện đời lông bông. Những thái độ tranh luận như thế, như là dấu hiệu của một văn hoá cạnh tranh lành mạnh, chỉ mới loé lên để rồi lịm dần, thoái hoá dần giữa những nhiễu nhương chính trị. Cứ như thế cho đến bây giờ: càng "tranh luận", chúng ta càng trở nên gần gũi với hình ảnh của một đám đàn ông thời tiền sử khi họ ầm ầm gấu ó tranh giành nhau bên mấy miếng thịt bèo nhèo bạc nhạc hay một vài chị đàn bà tươi tốt hiếm hoi còn lại. 

Ðể đi tới thì phải cạnh tranh nhưng tinh thần cạnh tranh của chúng ta vẫn phảng phất cái gì đó man dại của thời tiền sử, cứ như thể bước vào thế kỷ 21 mà vẫn vấp váp với cái dấu trừ ở ngay đằng trước. Dấu trừ của thế kỷ 21 âm. Thế kỷ 21 trước công nguyên. Cái thế kỷ mà loài người vẫn chưa biết mặc quần. 

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=248&rb=0102

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét