Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

NELSON MANDELA VÀ 8 BÀI HỌC CHO NHÀ LÃNH ĐẠO

NELSON MANDELA VÀ 8 BÀI HỌC CHO NHÀ LÃNH ĐẠO
[Personal Development - #Wegreen]

Nelson Rolihlahla Mandela, sinh ngày 18/07/1918 là tổng thống Cộng hòa Nam Phi đầu tiên đắc cử trong một cuộc bầu cử dân chủ hoàn toàn đại nghị.

Nelson Rolihlahla Mandela đã lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi và tạo nên nước Cộng hoà Nam Phi bằng việc biết rõ ràng khi nào và bằng cách nào chuyển tiếp giữa các vai trò của ông như chiến sĩ, người cảm tử, nhà ngoại giao và chính khách. Ông là một chiến thuật gia bậc thầy.

Dưới đây là 8 bài học mà Mandela đã tiết lộ về đức tính của một nhà lãnh đạo:

1. DŨNG CẢM KHÔNG PHẢI LÀ “BẤT” SỢ - NÓ TRUYỀN CẢM HỨNG KHIẾN NHỮNG NGƯỜI KHÁC VƯỢT LÊN TRÊN CẢ LÒNG DŨNG CẢM

Mandela đã từng cảm thấy sợ khi ông tham gia phong trào bí mật, trong thời điểm diễn ra phiên toà Rivonia đã khiến ông lâm vào cảnh tù đày, trong thời kì sống trên đảo Robben. "Tất nhiên tôi đã cảm thấy lo sợ. Tôi không thể giả bộ rằng tôi dũng cảm, và rằng tôi có thể đánh bại cả thế giới. Nhưng là người lãnh đạo, bạn không thể để cho mọi người biết. Bạn phải trình diễn một vẻ mặt ấn tượng".

Và điều ông học làm thật là đáng quý: giả bộ và bằng sự giả bộ, gây cảm hứng cho người khác. Đó chính là một loại kịch câm hoàn hảo mà Mandela đã diễn trên đảo Robben, nơi ông có nhiều điều để sợ. Những tù nhân cùng thời gian với ông kể, chỉ dõi theo Mandela đi ngang qua sân, dáng người vươn thẳng và tự hào, cũng đủ để giúp họ sống qua được những ngày đó. Ông biết rõ ông là hình mẫu cho những người khác, và điều đó tiếp sức cho ông chiến thắng nỗi sợ của riêng mình.

2. CHỈ HUY TỪ PHÍA TRƯỚC - NHƯNG ĐỪNG ĐỂ LẠI MỌI NGƯỜI PHÍA SAU

Đối với Mandela, việc từ chối thương thuyết là sách lược, không phải là nguyên tắc. Trong suốt cuộc đời mình, ông luôn phân biệt rõ điều này. Nguyên tắc không lung lay của ông - lật đổ chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid, và giành được quyền bầu cử cho mỗi người - đã là nguyên tắc bất biến. Nhưng hầu hết những điều giúp ông đạt được mục đích đó được ông gọi là sách lược.

Nhà tù đã cho ông khả năng có tầm nhìn xa. Ông đã suy nghĩ không phải cho vài ngày, vài tuần, mà vài thập kỉ. Ông biết lịch sử đang đứng về phía ông, rằng kết quả là chắc chắn. Chỉ còn lại câu hỏi mọi điều xảy ra nhanh tới cỡ nào và đạt được điều đó bằng cách nào. Thỉnh thoảng ông vẫn nói: "Mọi điều cuối cùng sẽ tốt đẹp hơn". Ông luôn cố gắng cho điều cuối cùng đó.

3. CHỈ HUY TỪ PHÍA SAU - VÀ ĐỂ CHO MỌI NGƯỜI NHẬN THẤY RẰNG HỌ ĐANG Ở PHÍA TRƯỚC

Khi còn bé, Mandela đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi Jongintaba, một tù trưởng đã nuôi dưỡng ông. Khi Jongintaba có buổi chầu, những người đàn ông ngồi thành vòng tròn, và chỉ sau khi tất cả mọi người đã kết thúc ý kiến, tù trưởng mới bắt đầu nói. Công việc của một thủ lĩnh, ông Mandela quan niệm, không phải là bảo người khác làm gì, mà là tạo nên sự nhất trí. Ông vẫn thường nói: "Đừng tham gia vào cuộc tranh luận quá sớm".

“Mưu mẹo” của việc lãnh đạo là để cho bản thân bạn cũng bị người khác dẫn dắt. Ông nói: "Nhà lãnh đạo khôn ngoan là người biết thuyết phục mọi người làm mọi việc và làm cho họ tin rằng đó là ý tưởng của chính họ".

4. THẤU HIỂU KẺ THÙ - VÀ BIẾT RÕ MÔN THỂ THAO ĐỐI THỦ YÊU THÍCH

Đó là một chiến lược với cả hai nghĩa: bằng việc nói tiếng nói của kẻ thù, ông có thể hiểu được sức mạnh và điểm yếu, và dựa vào đó suy tính công thức cho sách lược.

Mandela là một luật sư, và trong tù ông đã giúp các cai ngục giải quyết các vấn đề liên qua đến pháp luật. Họ ít học hơn và không biết cách ăn nói như ông. Và điều lạ thường đối với họ là một người da đen sẵng lòng và có khả năng giúp đỡ họ. Ông Allister Sparks, nhà sử học vĩ đại nhất của Nam Phi, đã nói rằng những cai ngục này là "những gương mặt tàn nhẫn và cục súc nhất của chế độ Apartheid". Còn ông Mandela "nhận thấy rằng thậm chí những kẻ xấu nhất và thô lỗ nhất cũng có thể thương lượng được.”

5. HÃY GIỮ BẠN BÈ Ở GẦN - VÀ GIỮ KẺ THÙ CÒN GẦN HƠN

Mandela tin rằng đối đãi tốt với kẻ thù là một cách để kiểm soát chúng: khi ở một mình, chúng còn nguy hiểm hơn là trong vòng ảnh hưởng của ông. Ông yêu mến lòng trung thành, nhưng không bao giờ bị ám ảnh bởi tình cảm đó. Sau cùng, ông thường nói: "Con người ta hành động theo quyền lợi". Đó chính là một sự thật về bản năng của con người, không phải là sai lầm hay tật xấu. Mặt trái của việc làm một người lạc quan - và ông là một người như vậy - là quá tin mọi người. Nhưng Mandela nhận ra rằng cách ông xử sự với những người ông không tin tưởng đó là vô hiệu hoá họ bằng sự mê hoặc.

6. VẺ NGOÀI RẤT QUAN TRỌNG - VÀ HÃY NHỚ MỈM CƯỜI

Khi tham gia tranh cử chức tổng thống vào năm 1994, ông hiểu rằng bề ngoài cũng quan trọng như nội dung. Và điều quan trọng là nụ cười, nụ cười rạng ngời, hạnh phúc và bao trùm tất cả. Đối với người da trắng ở Nam Phi, nụ cười là tượng trưng cho tâm trạng không hề đau buồn của Mandela, và gợi ý rằng ông đã thông cảm với họ. Đối với những cử tri da đen, nụ cười đó nói với họ rằng, tôi là một chiến binh hạnh phúc, và chúng ta sẽ chiến thắng. Ông Ramaphosa nhận xét: "Nụ cười là một thông điệp".

Sau khi ra khỏi nhà tù, người ta sẽ nói đến kết thúc và chấm hết. Thật hết sức ngạc nhiên là ông không hề đau buồn. Có hàng ngàn điều làm Nelson Mandela phải buồn rầu, nhưng ông hiểu rằng, hơn tất cả bất kì điều gì, ông phải thể hiện một cảm xúc hoàn toàn ngược lại. Ông luôn nói: "Hãy quên quá khứ" - nhưng ông hiểu rằng ông không bao giờ làm được điều đó.

7. KHÔNG CÓ CÁI GÌ LÀ HOẶC ĐEN HOẶC TRẮNG

Thông điệp đã rõ ràng: Cuộc đời không bao giờ là hoặc chỉ cái này/hoặc chỉ cái kia. Các quyết định luôn phức tạp, và luôn có những nhân tố phức tạp. Sẽ là định kiến trong suy nghĩ của con người nếu tìm kiếm những giải thích đơn giản, nhưng nó lại không phù hợp với thực tế. Không có điều gì thành thật như là bản thân nó xuất hiện.

Khi ông chống lại chủ nghĩa Apartheid một cách hiển nhiên và rõ ràng, các mục tiêu của Apartheid rất phức tạp. Chúng mang tính chất lịch sử, xã hội học và tâm lý. Phép tính của Mandela luôn là: đâu là cách thiết thực nhất để tới đó?

8. RA ĐI CŨNG LÀ LÃNH ĐẠO

Làm sao có thể từ bỏ ý nghĩ sai lầm, nhiệm vụ và một quan hệ không phù hợp thường là điều khó khăn nhất đối với một nhà lãnh đạo.

Trong lịch sử Châu Phi, có hàng loạt những nhà lãnh đạo, được bầu theo hình thức dân chủ, đã sẵn lòng rời nhiệm sở. Mandela đã quyết tâm tạo ra một tiền lệ cho những người theo sau ông - không chỉ ở Nam Phi, mà còn trên khắp lục địa.

Sau cùng, chìa khoá để hiểu Mandela là 27 năm sống trong tù. Người đàn ông đã bước đi trên đảo Robben năm 1964 là một người tình cảm, cứng rắn, dễ bị day dứt. Còn người đàn ông bước ra khỏi nhà tù là một người điềm tĩnh và đầy nguyên tắc. Ông nói: "Tôi đã bước ra khỏi nhà tù trở thành một người trưởng thành".
_____________________________
Nguồn: http://www.saga.vn/Nelson_Mandela_va_8_bai_hoc_cho_nha_lanh_dao/25569.saga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét