Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Làm Chủ Hạnh Phúc

“Mọi việc xảy ra trong cuộc sống đều bắt nguồn từ một lý do cụ thể.”
Quy luật Nhân quả phát biểu rằng, mỗi kết quả trong cuộc sống của bạn đều có một nguyên nhân. Nó còn gọi là “quy luật sắt của vũ trụ”. Theo quy luật này, mọi thứ diễn ra đều có lý do, dù bạn có biết lý do đó hay không. Không có sự ngẫu nhiên nào. Chúng ta sống trong vũ trụ có kỷ luật, bị chi phối chặt chẽ bởi quy luật và sự hiểu biết này là trung tâm của các quy luật hay nguyên tắc khác.
Theo Quy luật Nhân quả, có nguyên nhân cụ thể của thành công và có nguyên nhân cụ thể cho những thất bại. Có nguyên nhân cụ thể cho sức khỏe hay đau ốm. Có nguyên nhân cụ thể cho hạnh phúc hay nỗi buồn. Nếu bạn muốn có được nhiều kết quả mà bạn mong muốn trong cuộc sống thì một việc đơn giản là tìm ra được nguyên nhân và lặp lại chúng. Nếu có một kết quả nào trong cuộc sống mà bạn không thích, bạn cần phải tìm bằng được nguyên nhân của nó và loại bỏ chúng.
Quy luật này cho rằng thành tựu, của cải, hạnh phúc, sự thịnh vượng và thành công trong cuộc sống cũng như trong kinh doanh đều là hệ quả trực tiếp hay gián tiếp hoặc là kết quả của những hành động cụ thể. Điều này có nghĩa rằng bạn có thể đạt được thành quả như mong muốn nếu bạn nhận diện được mục tiêu rõ ràng. Nếu nỗ lực tìm hiểu và học hỏi sự thành công từ những người đi trước, chắc chắn bạn sẽ đạt được thành công như họ.
Quy luật này rất đơn giản, nhưng nó gây trở ngại cho đa số mọi người. Họ tiếp tục làm hay không làm các việc tạo cho họ sự buồn chán và thất vọng, và sau đó họ trách cứ những người khác hoặc xã hội vì những vấn đề của họ.
Sự điên rồ được định nghĩa là “làm những điều giống nhau theo một cách giống nhau nhưng lại hy vọng đạt được kết quả khác”. Ở mức độ nào đó, tất cả chúng ta đều phạm lỗi này. Chúng ta cần đối mặt với xu hướng này một cách nghiêm túc và giải quyết nó một cách trung thực.
Người Scotlen có câu tục ngữ: “Thà thắp sáng một ngọn nến bé nhỏ còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”. Tốt hơn chúng ta hãy ngồi xuống và phân tích cẩn thận nguyên nhân gây ra khó khăn chứ đừng thất vọng và giận dữ về chúng.
Có một câu tục ngữ nói rằng: “Gieo gió, gặp bão”. Quan điểm này của Quy luật Nhân quả được gọi là quy luật của sự gieo và gặt. Nó phát biểu rằng bạn gieo cái gì thì bạn sẽ gặt được cái đó. Và tất cả những gì bạn thu được ngày hôm nay đều là kết quả của những gì bạn đã gieo trong quá khứ. Nếu bạn hy vọng thu được một mùa vụ khác ở bất cứ lĩnh vực nào trong tương lai, thì bạn phải gieo loạt hạt khác ngay hôm nay và tất nhiên, điều này có quan hệ cơ bản với những hạt giống tâm hồn.
Thành công không đến với bạn một cách tình cờ may mắn hay như một phép nhiệm màu. Mọi việc xảy ra đều có nguyên nhân, dù là tốt đẹp hoặc không như mong muốn, dù tích cực hoặc tiêu cực. Isaac Newton nhận định: “Bất kỳ hành động nào cũng dẫn đến một phản ứng tác động ngược lại với mức độ tương đương”. Ứng dụng quan trọng nhất của Quy luật Nhân quả, hay Quy luật Gieo và gặt, là: “Suy nghĩ là nguyên nhân và điều kiện là kết quả”.
Suy nghĩ của bạn là nguyên nhân cơ bản cho những tình huống bạn gặp phải trong cuộc sống. Mọi thứ bạn từng trải qua đều bắt đầu bằng một kiểu suy nghĩ nào đó của bạn hay của người khác.
Mọi thứ bạn đang và sẽ trở thành là kết quả của cách bạn suy nghĩ. Nếu bạn thay đổi chất lượng suy nghĩ thì chất lượng cuộc sống của bạn sẽ thay đổi. Sự thay đổi trong những trải nghiệm bên ngoài của bạn sẽ kéo theo thay đổi trải nghiệm bên trong.
Bạn xây dựng toàn bộ thế giới của mình theo cách bạn suy nghĩ và đặt vấn đề về cuộc sống. Giá trị, ý nghĩa của con người, sự việc và tình huống xảy ra xung quanh đều phụ thuộc vào suy nghĩ của bạn. Chính vì vậy, khi bạn thay đổi suy nghĩ cũng có nghĩa là bạn thay đổi cuộc đời mình, đôi khi sự thay đổi này chỉ diễn ra trong thoáng chốc.
Có lẽ phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại chính là sức mạnh tinh thần của một người có khả năng tạo ra hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc đời họ. Thế giới bên ngoài chính là tấm gương phản chiếu thế giới trong con người bạn, nó tạo nên một triết lý vô cùng giá trị: Bạn sẽ trở thành những gì bạn thường nghĩ đến nhất.
Rõ ràng, không phải những gì xảy ra với bạn mà chính cách bạn suy nghĩ về những gì xảy ra sẽ quyết định cách phản ứng hay cảm nhận của bạn. Không phải thế giới bên ngoài quyết định điều kiện hay hoàn cảnh sống, mà chính thế giới nội tâm mới là yếu tố tạo ra hoàn cảnh cuộc đời.
Quyền tự do lớn nhất của con người là quyền được lựa chọn cuộc sống. Không ai đủ quyền năng buộc bạn phải suy nghĩ, cảm nhận hay hành động theo cách mà bạn không mong muốn. Mọi cảm xúc và cách cư xử của bạn hoàn toàn bắt nguồn từ cách bạn suy nghĩ, nhận thức về thế giới xung quanh và về những gì đang xảy ra. Tiến sĩ Martin Seligman của Đại Học Pennsylvania gọi cách phản ứng này là: “phong cách diễn giải” - cách bạn diễn đạt hay giải thích sự việc xảy ra. Phong cách diễn giải này nằm trong tầm kiểm soát của bạn và có thể đạt được thông qua quá trình học hỏi. Bạn có thể diễn giải sự việc theo cách khiến bản thân thấy vui vẻ và lạc quan thay vì tức giận và thất vọng. Bạn có thể quyết định phản ứng mang tính xây dựng và tích cực thay vì bi quan, yếm thế. Tất cả tùy thuộc vào bạn.
Suy nghĩ và cảm xúc của con người luôn thay đổi và chịu tác động nhanh chóng bởi các sự kiện xung quanh. Ví dụ, khi nhận được một tin tốt lành, bạn lập tức có thái độ hân hoan vui vẻ, lạc quan. Ngược lại, nếu nhận được tin xấu, ngay lập tức bạn sẽ trở nên khó chịu, buồn phiền và nóng nảy, ngay cả khi đó là tin không chính xác hay sai sự thật. Như vậy, cách bạn diễn giải sự việc cho bản thân sẽ quyết định phần lớn cách phản ứng của bạn.
Các quy luật cơ bản của cuộc sống là: Quy luật Niềm tin, Quy luật Kỳ vọng, Quy luật Hấp dẫn, Quy luật Tương ứng. Chúng là những quy luật phụ bắt nguồn trực tiếp từ Quy luật Nhân quả và làm nền tảng cơ bản cho tất cả các quy luật khác, cũng như cho những gì chúng ta đang trải nghiệm. Hạnh phúc và thành công trong cuộc sống đều xuất phát từ việc bạn hiểu biết và chúng sống hài hòa với bốn quy luật này.
Tổng hợp bài viết từ Brian Tracy

===========================
Biết khen ngợi và cảm ơn những người xung quanh một cách chân thành chính là chiếc đũa thần tạo nên nên tình thân ái và nguồn động viên tinh thần to lớn. Đó là niềm vui rằng mỗi người đang được quan tâm, công nhận và yêu thương. Mỗi người được khen ngợi chân thành sẽ tự nhiên sửa đổi những tính xấu để trở nên hoàn thiện hơn.

“Động cơ thúc đẩy sâu sắc nhất trong bản chất con người là sự khao khát được thể hiện mình.” – Nhà triết học Mỹ – John Dewey
https://m.youtube.com/watch?v=HR7EoBDCfJY

========================
Các bạn có thực sự đang sống cuộc sống mình mong muốn hay đang là nô lệ cho những suy nghĩ của người khác?
Tôi không tin vào ngày tận thế, và tôi chắc chắn nhiều bạn cũng vậy.
Thật ra thì nếu có ngày tận thế thật thì cũng hay, tất cả trở về với khói bụi. Tôi hay nghĩ rằng, có 3 sự thật trong cuộc sống, bạn sẽ chết, phải trả thuế và sẽ có người đố kị khi bạn thành công. Nếu đằng nào cũng chết, tôi rất vui được chết vào ngày tận thế, thời gian phải chịu đau khổ khi những người thân xung quanh tôi dần ra đi sẽ được rút ngắn chỉ còn vào giờ hoặc vài phút.
Thế nhưng ngày tận thế đem đến cho tôi một suy nghĩ: Liệu tôi đã sống cuộc sống mà mình luôn mong muốn chưa?
Từ khi sinh ra chúng ta luôn được giáo dục trong một khuôn khổ nhất định. Có thể bố mẹ bạn là bác sĩ, giáo sư hay có thể chỉ là viên chức nhà nước, cách bạn được giáo dục sẽ khác với người bạn ngồi cạnh hồi phổ thông, nhưng tất cả đều nằm trong một khuôn khổ:
Bạn phải tuân theo luật lệ của xã hội, và làm những việc mà số đông cho là đúng.
Không có ngoại lệ. Trừ khi bạn muốn thành một kẻ hư hỏng hay một kẻ thừa của xã hội. Điều này càng đúng hơn với xã hội Việt Nam vốn coi trọng truyền thống và lễ giáo.
Bạn sinh ra, đi học, học cao hơn, đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Đó là con đường duy nhất để có một cuộc sống TỐT.
Khoan bàn tới việc cuộc sống này có tốt thật không, tôi không phủ nhận đây là một con đường đúng đắn. Nhưng việc bị gò ép đi trên con đường này khiến con người đánh rơi mất những ước mơ hy vọng của mình, đánh rơi những ham muốn của chính bản thân mình, những ước mơ từ thuở bé.
Đã bảo lần bạn muốn làm một việc (có thể là khá điên rồ), để rồi sau thoáng suy nghĩ về việc bố mẹ và những người xung quanh chắc chắn sẽ không đồng ý và ủng hộ, bạn lại tạm cất dự định đó vào một ngăn kéo trong não, một ngăn kéo bạn không dám mở ra nữa?
Để rồi khi về già, khi nằm trong bệnh viện với bốn bức tường trắng đầy mùi thuốc tẩy trùng, bạn dần lục lọi từng ngăn kéo rồi thấy hối hận vì mình đã không dũng cảm theo đuổi dự định của bản thân.
Thậm chí không cần về già, ngay tại thời điểm này, bạn có thấy tiếc vì chưa làm việc gì đó không?
Bạn đã vô tình biến mình thành nô lệ của suy nghĩ của những người khác. Hành động của bạn không do bạn điều khiển, mà do suy nghĩ của người khác, do những quy tắc xã hội quy định.
Có một danh sách được gọi là “bucket list”. Danh sách bao gồm những việc bạn muốn làm trước khi chết. Bạn có thể muốn leo Everest, đi đến Nam Cực Bắc Cực, muốn nhảy dù, muốn đi du lịch đến một đất nước xa lạ, muốn ngắm kim tự tháp vào hoàng hôn, hoặc có thể là những việc nhỏ như đứng giữa phố hét thật to, đi ngắm thành phố vào buổi đêm.
Hãy dành 5 phút suy nghĩ về danh sách của bạn.
Hãy dành thêm 5 phút nghĩ về những khó khăn bạn sẽ gặp phải khi theo đuổi những mong muốn của mình. Rồi sau đó hay gạch hết đi, tất cả chỉ là ngụy biện mà thôi, hãy dũng cảm lên và sống cho chính mình, dù chỉ một chút.
---Nexx.alphaart---

========================
Biết đặt nỗ lực đúng chỗ
------------------------------------------------------------------
Trong cuộc sống, một trong những yếu tố cần thiết để tạo nên thành công đó là sự nỗ lực. Nhưng chúng ta sẽ thành công vang dội hơn nữa nếu biết đặt sự nỗ lực đó vào đúng chỗ. Clip” Biết đặt nỗ lực đúng chỗ” là một bài học bổ ích cho chúng ta, giúp chúng ta có được sự nhìn nhận sâu sắc nhất về công việc mà mình đang làm.
Clip kể về câu chuyện một chiếc tàu bị hư. Người chủ tàu đã mời những chuyên gia giỏi nhất vùng đó về để sửa tàu nhưng không ai sửa đươc. Mặc dù những chuyên gia ấy đã nhọc công rất vất vả để kiểm tra máy của con tàu.
Sau đó, người chủ thuyền mời về một ông già - người nổi tiếng về sửa tàu từ khi đang là một cậu bé và cũng nổi tiếng là người lấy tiền công rất đắt. Sau một hồi đi lại tìm tòi, xem xét cẩn thận, ông già đã tìm ra được chỗ hư. Ông già lấy búa gõ vài lần vào chỗ đó, chiếc tàu hoạt động bình thường trở lại.
Người chủ tàu vui mừng và hỏi số tiền mà ông phải gởi cho ông già là bao nhiêu. Ông già nói ”10 ngàn đô la”. Người chủ tàu ngạc nhiên và không hài lòng vì ông cho rằng ông già” hầu như chẳng phải làm gì cả!”. Người chủ tàu yêu cầu ông già liệt kê những khoản cần phải trả để lên tới con số 10 ngàn đôla như vậy. Và ông ta nhận lại hóa đơn ghi:
“Đập búa : 2 đô-la
Tìm ra nơi cần đập: 9.998 đô-la”.
Người chủ tàu lúc này mới hiểu ra và vui vẻ gởi tiền cho ông già.
10 ngàn đôla quả là con số không nhỏ nhưng đó là sự trả công hậu hĩnh, xứng đáng cho tài năng của ông già. Kinh nghiệm, sự lắng nghe, chín chắn, quan sát, cẩn thận, biết xác định mục tiêu chính cần phải làm là yếu tố dẫn đến thành công của ông.
Ông già đã cho ta một bài học rất quý giá về sư nỗ lực. Biết đặt nỗ lực đúng chỗ, bạn sẽ thành công trong công việc của mình. Người hiểu biết không phải là người biết nhiều, mà là người biết rõ những gì mình phải biết và hiểu rõ những gì mình cần phải làm. Hãy giỏi ở lĩnh vực mà bạn theo đuổi. Bạn sẽ tiết kiệm được sức lao động của mình nhưng tiền sẽ kiếm được nhiều hơn những người khác. Danh vọng và tiền tài sẽ đến với bạn khi bạn thực sự là con người tài năng.
-------------------------------------------------------------------------------
Nỗ lực là quan trọng. Nhưng biết đặt những nỗ lực của mình vào đúng chỗ, điều đó mới thực sự là điều giá trị nhất, thực sự làm thay đổi cuộc sống của bạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét