Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Con lạc đà thứ mười tám - Một phút suy ngẫm - Luật hấp dẫn

Con lạc đà thứ mười tám
Bạn có thể nhận ra “Con lạc đà thứ mười tám” là một bài toán cổ khá nổi tiếng trong lịch sử toán học thế giới. Trong câu chuyện, một vấn đề hiểm hóc tưởng như đành “bó tay” nhưng đã được giải quyết một cách thông minh và nhanh chóng.
oOo
Chuyện kể rằng có một nhà thông thái cưỡi lạc đà đi vào một ngôi làng vắng vẻ lúc chiều tối khi mặt trời đang dần tắt. Trời đã tối nhưng ông vẫn cảm thấy cái nóng hầm hập của cả đoạn đường dài mà trong ngày ông đã đi qua. Bước xuống khỏi lạc đà, ông hỏi xin một dân làng chút nước uống.
“Được thôi, xin mời ông!”, người dân làng vừa nói vừa đưa cho ông một cốc nước.
Nhà thông thái uống cạn cốc nước, cám ơn rồi nói: “Anh xem, tôi có thể giúp được gì cho anh trước khi tôi đi tiếp?”
Người dân làng trả lời:“Thế thì tốt quá! Bởi vì gia đình tôi đang có chuyện tranh cãi với nhau. Tôi là con út trong gia đình có ba anh em. Gần đây cha tôi đã qua đời. Linh hồn ông giờ đang ở cùng Thượng đế. Ông để lại cho chúng tôi một đàn lạc đà, chính xác là 17 con. Cha tôi dặn dò trước khi qua đời rằng phân nữa số lạc đà sẽ thuộc về anh cả của tôi; một phần ba sẽ thuộc về anh kế của tôi; một phần chín của đàn lạc đà sẽ là sở hữu của tôi. Nhưng làm sao chúng tôi có thể chia nhau một đàn lạc đà gồm 17 con như thế được? Chúng tôi không muốn đem bất kỳ con lạc đà nào chặt ra từng khúc để chia nhau, bởi vì lạc đà sẽ có giá trị nhiều hơn khi chúng còn sống. Bên cạnh đó, cha tôi cũng không cho phép chúng tôi bán đi số lạc đà để lấy tiền chia nhau theo tỷ lệ trên.”
Nhà thông thái mĩm cười: “Tôi rõ rồi. Anh hãy đưa tôi về nhà đi.”
Khi bước vào nhà, ông nhìn thấy hai anh em và người mẹ góa đang cãi nhau quanh đóm lửa. Lời qua tiếng lại giữa họ xem ra càng lúc càng gay gắt. Người em út xen vào và giới thiệu vị khách mới đến. Khi đó nhà thông thái mới lên tiếng:“Mọi người hãy kiên nhẫn một chút. Tôi cho rằng tôi có thể giúp giải quyết được việc này. Bây giờ tôi sẽ đưa cho gia đình con lạc đà của tôi như một món quà. Thế là chúng ta có đến 18 con. Phân nữa lạc đà sẽ thuộc về anh cả, tức là 9 con. Một phần ba là của anh hai, đấy là 6 con. Còn một phần chín sẽ thuộc về anh bạn em út của tôi đây, có 2 con.”
“Vậy là tổng cộng số lạc đà đã chia chỉ có 17 con mà thôi!”, người em út kêu lên.
Nhà thông thái cười và nói: “Đúng vậy! Thật là sự trùng hợp đầy thú vị bởi vì con lạc đà thứ mười tám chính là con của tôi. Nó đã xong công việc ở đây rồi. Nếu các bạn trả nó lại cho tôi, tôi mới có thể tiếp tục cuộc hành trình được.”
Thế là ông rời đi…(1)
oOo
Trở lại câu chuyện “Con lạc đà thứ mười tám” ở trên, biết đâu chừng người cha đã muốn răn dạy các con của mình nhân chuyện phân chia khối tài sản gồm 17 con lạc đà. Có thể người cha thực tâm không muốn các con chia nhau đàn lạc đà; Ông muốn họ hợp tác cùng nhau để khai thác đàn lạc đà và phân chia kết quả có được theo tỉ lệ xác định. Hay có thể người cha cố ý đưa các con vào tình thế khó khăn, để họ phải biết khiêm tốn để học hỏi từ những người giỏi hơn. Hoặc có thể người cha mong muốn các con phải biết giúp đỡ lẫn nhau và giúp đỡ người khác để cùng nhau vượt qua mọi thách thức trong cuộc sống. Câu chuyện trên cho thấy: Nếu người con út không giúp nhà thông thái xoa dịu cơn khát nước trong chuyến hành trình của ông, thì chuyện gia đình của anh sẽ không mau chóng được giải quyết như thế!
Bên cạnh đó, chỗ bí hiểm của phép chia ở đây đó là nhà thông thái đã phát hiện ra tổng ba phân số biểu thị các phần được chia cho các người con theo di chúc là 17/18:
(1/2)+(1/3) +(1/9)=(9+6+2)/18=17/18
Cho nên với 17 con lạc đà mà phân chia theo các tỷ lệ 1/2,1/3 và 1/9 thì sẽ không bao giờ chia chẳn. Do vậy, nhà thông thái đem con lạc đà của mình để cộng vào nâng tổng số lạc đà thành 18 con. Con số 18 là bội số chung nhỏ nhất của 2, 3 và 9 nên luôn chia hết cho những số này. Sau khi đem 18 con lạc đà chia cho các người con theo các tỷ lệ nêu trên thì tổng số lạc đà được chia chỉ mất có 17 con. Còn dư một con lạc đà chính là con thứ mười tám của nhà thông thái.
Con lạc đà thứ mười tám trong câu chuyện trên như là một ẩn dụ về kỹ thuật NLP. Nó được mang đến bởi một nhà thông thái, để nhanh chóng giải quyết một vấn đề và cũng nhanh chóng biến đi như thể chưa bao giờ xuất hiện.
Trích “Khơi dậy tiềm năng”,
Tác giả Nguyễn Khắc Thành Đạt,
Certifed NLP Master Trainer
------
(1) Phỏng theo câu chuyện được kể trong quyển NLP Workbook. Joseph O’Connor (1990), NLP Workbook, tr.3.

Lập Trình Ngôn Ngữ Tư Duy NLP cho người Việt Nam
https://www.facebook.com/NLPvietnamese/posts/838793969521622

---------------------------------------------------------------------------

Một phút suy ngẫm
Trước đây, người ta cho rằng sức người không thể chạy khoảng đường một dặm với thời gian dưới bốn phút. Các nhà khoa học thời bấy giờ cũng khẳng định đó là giới hạn thể lực của con người. Giới hạn này trông rất thực giống như những những người đi biển thời cổ tin rằng giới hạn của các chuyến hải trình xa xôi là những thác nước khổng lồ ở bờ rìa của trái đất.
Khi Roger Bannister chạy một dặm với thời gian 3 phút 59,4 giây vào tháng 5 năm 1954 tại Oxford (Vương quốc Anh), ông là người đầu tiên phá vở cột mốt bốn phút trong lịch sử các kỷ lục. Cái giới hạn 4 phút đã không còn tồn tại!
Từ đó đến nay đã có hàng ngàn người cũng đã làm được như ông. Thực chất, kỷ lục mà Roger Bannister đã tạo được chỉ tồn tại có bảy tuần trước khi vận động viên người Úc John Landy đã phá lỷ lục chạy một dặm với thời gian 3 phút 58 giây .
Điều gì đã khiến cho một việc hầu như không thể đã trở thành có thể, khi mà nhiều vận động viên hàng đầu đã tập đi tập lại nhưng không thành công? Theo Roger Bannister, đã có sự thay đổi trong bản thân ông về thái độ tâm lý, chứ không phải đơn thuần là do ông được huấn luyện chuyên môn hay rèn luyện về thể lực. Ông nói: “… sức mạnh và năng lượng của tâm thức là không có giới hạn… Chúng sẽ được phóng thích nhờ vào thái độ đúng đắn của tâm thức.”
Khi chúng ta phá vỡ giới hạn tâm lý đang trì kéo bản thân, chúng ta sẽ đạt được thành công và thành tích ở cấp độ cao hơn. Bên cạnh đó, nếu chúng ta mô phỏng cách suy nghĩ, ứng xử và hành động của những người thành công trong một lĩnh vực cụ thể nào đó, chúng ta có thể có được thành quả tương tự. Hàng năm đều có nhiều kỷ lục thể thao đẳng cấp thế giới đã bị con người phá vỡ để thiết lập nên những kỷ lục mới.

-------------------------------------------------------------------------

Luật hấp dẫn
Shakti Gawain, tác giả cuốn "Hình dung sáng tạo" nói rằng "Tư duy và cảm xúc có năng lượng nam châm của chúng và có thể hút năng lượng cùng loại. Đây chính là quy luật gởi gì vào vũ trụ sẽ nhận lại được cái đó. Trên quan điểm thực tế thì điều này có nghĩa là chúng ta thu hút vào cuộc sống của mình cái mà mình hay nghĩ đến nhất, tin tưởng nhất hay mong đợi sâu sắc nhất hoặc tưởng tượng sống động nhất".
Richard Bach đã viết "Chúng ta hút vào đời sống của mình cái chúng ta nghĩ trong đầu".
Một ý nghĩ không thể "không là gì", mà là "một cái gì đó". Để nghĩ đến nó được thì nó phải tồn tại. Phải là điều gì hay vật gì đó. Vậy là nó sẽ có năng lượng của nó. Một ý nghĩ cũng sẽ tuân theo những quy luật hay nguyên tắc như tất cả những thứ khác trên đời này.
Có thể là do nhìn từ góc độ này, dễ xác nhận là quy luật hấp dẫn cũng có thật và mạnh mẽ như điện hay trọng lực vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét