Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Hỏi - Trả lời & Bản chất con người & Chiến tranh - hòa bình & Phản tư - phản tỉnh

Hỏi – Trả lời

Mọi thứ đều có giá của nó. Trả lời mọi câu hỏi triệt để đều có cái giá của nó. Hiện tại sức người chẳng đáng kể. Vì vậy không phải câu hỏi nào cũng đòi hỏi có ngay câu trả lời hoàn hảo.

Không phải câu hỏi nào cũng đáng được trả lời. Bởi vì sao? Bởi vì không trả lời có thể là câu trả lời tốt nhất cho một câu hỏi nào đó hoặc đó liệu có phải câu hỏi liên quan đến vấn đề của cả hai.

Mọi thứ đều có giá của nó. Muốn có những câu trả lời thì cần biết đặt ra câu hỏi.

Giá trị của một câu hỏi không kém gì so với giá trị của một câu trả lời. Bởi vì giá trị của câu trả lời giúp vận hành cơ chế lý trí của con người, còn giá trị của một câu hỏi sẽ đem đến những câu trả lời.

Niềm tin và sự hiểu là hai mặt biện chứng. Khi ta đã đặt ra câu hỏi cho "sự hiểu" về thế giới tự nhiên tức là ta tin rằng tự nhiên sẽ có câu trả lời cho ta. Tuy nhiên, việc ta tin nó có câu trả lời với việc thật sự có câu trả lời thỏa đáng trong thế giới tự nhiên hay không lại là hai vấn đề hoàn toàn khác. Ta và thế giới là hai mặt biện chứng. Bản thân ta (là thế giới gần ta nhất) mà không nhận thức được thì hy vọng gì ta có thể nhận thức được thế giới. Do vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu không phải là có câu trả lời thỏa đáng hay không mà là có câu hỏi thỏa đáng hay không. Câu trả lời là từ thế giới, nhưng câu hỏi là từ ta.

Thế nào thì gọi là "hỏi"? - nó đã bao hàm ở đó có chủ thể và đối tượng được "hỏi" - thể hiện mối quan hệ tác động qua lại giữa các đối tượng với nhau. "Hỏi" và "trả lời" không bao giờ tách biệt khỏi nhau. Bản thân hành động "hỏi" đã bao hàm nghĩa trông chờ một câu "trả lời". Chủ thể "hỏi" có nghĩa là đang trông chờ vào một sự phản ứng của đối tượng được "hỏi" hoặc là trông chờ vào một sự thay đổi thực trạng của bản thân. Thực trạng của bản thân là thực trạng của trạng thái "hưng phấn-ức chế", còn sự phản ứng của đối tượng mang trong nó "sự hiểu" (đúng-sai) về đối tượng. Vậy nên, không tồn tại một hành động nói chung hay câu "hỏi" nói riêng nào lại không mang trong nó hai cơ chế (cơ chế khoái cảm và cơ chế lý trí).

Ý đồ và ý tưởng là hai mặt biện chứng. Hành động của con người tuân theo hai cơ chế (cơ chế khoái cảm: hưng phấn-ức chế; cơ chế lý trí: đúng-sai). Hỏi và trả lời cũng là dạng hành động của con người. Nhiều khi chúng ta hỏi hay trả lời cũng chỉ để nhằm giải tỏa những ức chế nảy sinh trong cuộc sống của bản thân chứ không phải để nhằm giải quyết, gỡ rối những vướng mắc trong cuộc sống của mình.

Câu hỏi là tiền đề và bản thân câu hỏi chứa đựng nội dung triết lý. Câu trả lời là hệ thống triết lý.


TĨNH THÔNG LINH - Triết Lý Về Cuộc Sống
https://www.facebook.com/TTL.SS/photos/a.223880614419822.1073741828.220659558075261/543661409108406/?type=1
-----------------------------------------------------------------

Bản chất con người

Con người là một dạng tồn tại cũng như mọi dạng tồn tại (vạn vật) khác trong vũ trụ. Giá trị làm nên tồn tại. Do đó, giá trị con người làm nên dạng tồn tại người. Giá trị "Người" nằm ở "văn hóa người" và sự tự ý thức trong việc kiểm soát "bản năng thú tính".

Bản chất của con người (giá trị con người) bao gồm có bản chất tự nhiên (dục tính) và bản chất xã hội (lý tính). Bản tính con người bao gồm dục tính và lý tính: lúc thiên về dục tính, lúc thiên về lý tính. Nhìn về tổng thể, người được coi là thiên về dục tính tức là trạng thái thiên về dục tính trong cuộc sống của họ với tần suất diễn ra nhiều hơn so với tần suất diễn ra trạng thái thiên về lý tính.

Con người chỉ phát huy được bản chất xã hội khi sống trong môi trường "văn hóa - xã hội" (phát sinh mục đích, nảy sinh Ý CHÍ mạnh mẽ), trong cuộc sống giao tiếp giữa con người với con người. Vì sao? Chúng ta có được sáng suốt (lý tính) trong môi trường xã hội là nhờ thông qua cơ chế tương tác giữa con người với con người tạo nên các "thiết chế bên ngoài" - định hình các "thiết chế bên trong" (lý tính) mới ngăn cho chúng ta việc cảm nhận (dục tính) một cách thái quá, vô phương hướng, vô mục đích và ý chí. Cảm nhận một cách thái quá là con đường dẫn tới sự tha hóa lý tính (triệt tiêu hành động ý chí chủ động, thay vào đó là hành động bản năng bị động). Khi sống tách khỏi cộng đồng thì chúng ta sẽ rơi vào sự cám rỗ của sự cảm nhận do dục tính thôi thúc, và do không có gì ngăn cản chúng ta làm điều đó khiến cho chúng ta rơi vào tình trạng cảm nhận thái quá, xa rời lý tính.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải ý thức một điều rằng lý tính không phải là cứu cánh duy nhất khiến cho con người trở thành con người với tính cách là con người đích thực, mà bên cạnh đời sống lý tính (tư duy - tương tác thiết chế bên trong và bên ngoài) còn có đời sống dục tính (cảm nhận) nữa. Đời sống dục tính đã được lý tính hóa.

Khác với muôn loài mà hiện tại của nó được sinh ra từ trong quá khứ (dục tính: phản xạ, bản năng); hiện tại của con người còn được sinh ra từ trong tương lai (lý tính: có mục đích, có phán đoán, có lường tính, có ý chí). Đó là điểm mấu chốt tách xã hội độc lập khỏi tự nhiên.

Bản thân con người lúc mới bắt đầu sinh ra - tự nó chưa có bản chất con người. Khi nói tới bản chất là nói tới bản chất đó đối với ai. Không ai khác là bản chất đó đối với con người-xã hội (có mục đích, có ý chí). Con người-xã hội quy định cho con người khi mới sinh ra có bản chất con người từ trong bào thai từ tháng thứ mấy thì nó có bản chất con người từ khi đó. Và đồng thời với quyết định hành động (có mục đích, có ý chí) đó của con người-xã hội quy định bản chất con người của họ.
Bản chất con người không chỉ do bản tính tự nhiên (dục tính) mà còn do các cơ chế thiết lập (lý tính) quy định. Ta là sản phẩm của tự nhiên, bởi sự thôi thúc của hoạt động tâm sinh lý của bản thân. Ta là sản phẩm của xã hội bởi áp lực và sự kích cầu quyến rũ của xã hội đối với các nhu cầu tâm sinh lý của ta.

Bản chất con người - lưỡng tính sóng-hạt. Tính chất "hạt" thể hiện ở tính đặc thù của mối quan hệ ta-thế giới, tính chất tự ý thức-tự cảm của đối tượng, thì tính chất sóng thể hiện đối tượng là một phần của đối tượng rộng lớn hơn – tự nhiên và xã hội (thế giới). Nói cách khác, nếu xem con người là dạng “hạt” tồn tại thì tự nhiên và xã hội là dạng “sóng” tồn tại, có mối quan hệ với con người như với chức năng là môi trường sóng cho sự tồn tại của hạt.

Đi tìm bản chất của một ai đó thì họ chẳng có bản chất nào cả, nhưng khi bạn quy định bản chất của họ thì dần họ sẽ thích nghi với bạn theo quy định đó, nếu bạn mạnh hơn họ. Nếu không thì bản chất của họ nằm ở năng lực và nhận thức thực hiện khoái cảm của họ trước bạn và thế giới. Như vậy, bản chất của mỗi người nằm trong mối quan hệ của họ với thế giới xung quanh


TĨNH THÔNG LINH - Triết Lý Về Cuộc Sống
https://www.facebook.com/TTL.SS/photos/a.223880614419822.1073741828.220659558075261/543661409108406/?type=1

------------------------------------------------------------------------
Chiến tranh & hòa bình – biểu hiện trạng thái quan hệ giữa dục tính và lý tính thế giới

Ta và thế giới là hai mặt biện chứng. Xã hội là ý niệm từ con người. Trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của thế giới, ta là một người lính ngay trên mặt trận cuộc sống của chính mình. Hòa bình hay chiến tranh thế giới biểu hiện cuộc chiến, sự tự chủ của con người trong cuộc sống của chính bản thân họ. Mọi cuộc chiến tranh quay trở về cuộc chiến đấu với bản thân. Bạn không thể cho người khác thứ gì mà bạn không có. Bạn không thể mang lại một xã hội tích cực chỉ bởi hành động tiêu cực của bạn.

Cuộc sống nói chung và cuộc sống xã hội loài người nói riêng là một mâu thuẫn vì vậy không nên ảo tưởng có một thế giới luôn hòa bình theo nghĩa tuyệt đối. Hòa bình theo nghĩa tương đối chỉ có thể được thiết lập (lý do tồn tại) trong sự đấu tranh không ngừng nghỉ của con người đối với chính mình (lý tính tự đấu tranh với sự vô minh - tự thắc mắc - để nhận thức ra lẽ tất yếu; dục tính tự đấu tranh với lòng tham - điều chế nghiệp - đưa sự tác nghiệp (hành vi, thái độ...) về trật tự của lẽ tất yếu đã được nhận thức). Do đó, hòa bình phụ thuộc vào hai yếu tố: năng lực nhận thức lẽ tất yếu và năng lực chiến thắng dục vọng, lòng tham. Nếu hai năng lực này của con người mà yếu thì chiến tranh trên thế giới là điều không thể tránh khỏi. Chiến tranh thế giới - đó là sự thất bại của lý tính (lương tri) của nhân loại trong việc tự chủ - kiểm soát dục tính của nhân loại. Thất bại - đồng nghĩa với sự trả giá.

Cuộc chiến đấu của con người với chính bản thân con người được triển khai trong các hiện tượng hòa bình hay xung đột xã hội. Từ xưa tới nay, cuộc chiến giữa lương tri và bản năng loài người vẫn diễn ra liên tục. Xã hội bị đe dọa là ở chỗ sức mạnh xã hội nằm trong tay lực lượng lý tính xã hội hay nằm trong tay lực lượng dục tính xã hội. Do đó, giải quyết vấn đề không phải ở việc là tự do hay không tự do mà còn tùy thuộc vào mức độ tương quan giữa lý tính xã hội so với dục tính xã hội như thế nào. Vì vậy, chúng ta muốn có tự do "hoàn toàn" thì chúng ta phải trả giá cho nó bằng việc lý tính của chúng ta không ngừng đấu tranh với dục tính, làm chủ dục tính (chứ không phải là tiêu diệt dục tính); tính người tự kiểm soát được tính thú vật ngay trong bản thân mỗi con người.

Bản tính thế giới là sự thống nhất và đấu tranh giữa lý tính và dục tính thế giới. Thế giới bình (hòa bình) khi lý tính và dục tính thế giới thống nhất, hòa thuận. Thế giới loạn (chiến tranh) khi ý đồ của lý tính (tự giác) mâu thuẫn, chống lại ước vọng của dục tính (tự phát). Trong đó, có ý đồ tốt và có ý đồ xấu, có ước vọng tích cực và có ước vọng tiêu cực. Diễn trình của thế giới là sự triển khai ý niệm từ diễn trình đấu tranh và thống nhất giữa lý tính và dục tính của bản thân mỗi con người. Do đó, để duy trì hòa bình trên thế giới thì sứ mệnh của mỗi một công dân thế giới là sự kiểm soát dục tính và lý tính của bản thân để đi tới thống nhất ở ngay bên trong. Nếu không, chiến tranh thế giới như một lẽ tất yếu cho sự trải nghiệm của loài người. Đến khi nào loài người không chịu đựng nổi sự trải nghiệm "chiến tranh" nữa thì họ sẽ biết phải làm gì. Vấn đề là có còn cơ hội để làm lại.

Lịch sử loài người là diễn trình (quá trình, diễn biến) của cuộc chiến của con người đối với chính con người. Sự trả giá của xã hội là tổng hợp sự trả giá của từng thành viên trong xã hội. Vì vậy, để tránh sự trả giá của xã hội thì cần ý thức cho từng cá nhân tự nhận rõ luật nhân quả để chính họ tự tránh bị trả giá. Ta và thế giới là hai mặt biện chứng. Lo cho bản thân tự ắt lo cho dân; lo cho dân tự ắt lo cho xã hội. Cải tạo xã hội là một quá trình lột xác xã hội đầy đau đớn. Hãy bắt đầu từ cải tạo (lột xác) chính mình và mở rộng cái mình của mình ra.

Xác định được mâu thuẫn cơ bản sẽ xác định được chiến lược. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội loài người là mâu thuẫn giữa lý trí và bản năng loài người.
TĨNH THÔNG LINH - Triết Lý Về Cuộc Sống
-----------------------------------------------------------------------

Phản tư - phản tỉnh

Hành động của con người tuân theo hai cơ chế: cơ chế khoái cảm và cơ chế lý trí. Phản tư cũng là một dạng hành động của con người. Do đó sự phản tư cũng có hai loại:
+ Phản tư là việc quay lại nhận biết diễn biến nội tâm trước ngoại cảnh thay vì việc quan sát diễn biến ngoại cảnh.
+ Phản tư là hoạt động tự phản biện lại những lý lẽ bản thân.

Một cách tự phát, theo cơ chế khoái cảm, con người luôn bị quyến rũ bởi hiện tượng và bị ảo tưởng bởi bản chất. Phản tỉnh là tự thức tỉnh mình thoát khỏi những cơn mê lầm. Như vậy, phản tư là một giải pháp của sự phản tỉnh.

Xã hội là ý niệm từ con người. Phản biện, suy cho đến cùng là sự phản biện giữa "sự hiểu" của lý trí đối với "niềm tin" của con tim chúng ta.

Một kết quả công trình nghiên cứu tốt có vai trò không nhỏ của hoạt động phản biện (thử lửa) có chất lượng tốt. Một sản phẩm thô luôn phải trải qua quá trình "nhiệt luyện" đầu tiên và quan trọng - đó chính là sự tự phản biện của chính bản thân tác giả của sản phẩm đó. Bản thân chúng ta ban đầu bắt tay vào việc viết lách luôn viết ra được nhiều điều một cách dễ dàng bởi vì chúng ta chưa phải là người có năng lực tự phản biện tốt ngay từ đầu. Cảm nhận và tư duy là hai mặt biện chứng. Ý đồ và ý tưởng là hai mặt biện chứng. Ban đầu, phần nhiều chúng ta bắt tay vào viết lách đều là một hình thức để giải tỏa tâm lý ức chế-hưng phấn mang tính cá nhân; sau đó quá trình kiểm soát (phanh) hoạt động cảm xúc (ý đồ) dẫn đến các ý tưởng (tư duy) có giá trị phổ quát.

Nếu như việc phản biện của nhiều người khác – đó là một hình thức tận dụng sự trải nghiệm của nhiều người, dưới nhiều góc độ thay vì sự tự mò mẫm của chính mình. Thì tự phản biện (phản tư) là việc thông qua các góc độ trải nghiệm để kiểm định ở nhiều chiều đối với những tri thức (giả thuyết - vốn được xây dựng bởi sự nhấn mạnh ở một chiều nào đó).


TĨNH THÔNG LINH - Triết Lý Về Cuộc Sống
https://www.facebook.com/TTL.SS/photos/a.223880614419822.1073741828.220659558075261/540489666092247/?type=1&permPage=1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét