Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2015

Kawabata (1899-1972 - Giải Nobel Văn Chương 1968) - Vài đoạn trích



Thói quen cầu khẩn người chết thật là khó chịu. Tuy nhiên niềm tin rằng hiện hữu vẫn tồn tại, ở đời sau, như trong đời này, còn đáng buồn hơn nữa - Vũ nữ Izu.

Trong một thời đại mà những trường hợp loạn thần kinh ngày càng nhiều thêm một cách ngoạn mục, năng lượng của kẻ điên có vẻ như đã vượt xa năng lượng của người trí thức. Để duy trì tư thế của mình, tôi nghĩ có lẽ ít nhất tôi cũng phải trở thành điên như họ - Thư gửi Mishima

Gần đây, tôi khám phá ra là các kinh điển Phật Giáo đều là những ca khúc bi thương. Điều ấy đem lại cho tôi một niềm an ủi lớn lao vô tả. Vì thế, khi khấn cầu người quá cố, tôi muôn vàn lần muốn vái lạy cây mận đỏ kia (...) hơn là nghĩ đến người trong hình dạng xưa cũ - Vũ nữ Izu.

Vì sao mà bộ ngực của phụ nữ, trường hợp duy nhất trong các sinh vật, lại có thể đạt được đến vẻ đẹp như thế ? Nét mỹ miều của bộ ngực phụ nữ phải chăng chính là minh chứng cho vinh quang rực rỡ nhất của sự tiến hóa của loài người ? Người đẹp say ngủ.

Đâu là ý nghĩa của việc con người không thể nhìn thấy gương mặt của chính mình ? (...) Gương mặt, yếu tố đặc thù nhất của cá nhân, lại chỉ dành cho người khác quan sát. Tình yêu có tương tự như thế hay không ? Vũ nữ Izu.

Chết là vĩnh viễn chối từ mọi thông hiểu của tha nhân - Ngàn cánh hạc.

Đức Phật dạy thoát khỏi luân hồi để đi vào Chân Như Niết Bàn. Khi còn lang thang trong các cõi tái sinh thì linh hồn còn lầm than khốn khổ. Tôi nghĩ không có huyền thoại nào mang những mộng mơ phong phú như huyền thoại luân hồi. Phải chăng đó chính là thi phẩm bi thương tuyệt mỹ nhất mà con người đã sáng tác nên ? Vũ nữ Izu.

Đời sống vợ chồng là vũng lầy kinh tởm trong đó những hành vi xấu xa của mỗi người rốt cuộc sẽ được vùi xâu - Tiếng rền của núi.

Có lẽ niềm tin vào linh hồn bất tử diễn đạt sự gắn bó sâu xa với cuộc sống, với người quá cố. Tuy nhiên, tin rằng sau khi chết, chúng ta có thể mang theo cá tính cùng với những yêu ghét của mình sang một dời sống khác, thật là một tập quán đáng buồn và vô nghĩa. (...) Thay vì sống trong cảnh giới mờ tối của linh hồn, sau khi từ trần, tôi muốn chọn trở thành một con bồ câu trắng, hay một cành hoa. Ngay trong hiện tại,  một quan điểm như thế cho phép làm triển nở những mến yêu đa dạng và tự do hơn biết bao - Vũ nữ Izu.

Truyền thống, lẫn lộn với duy trì ổn định, có lẽ chỉ làm tê dại ý thức tội ác - Người đẹp say ngủ.

Đi vào thế giới của chư Phật thật dễ, nhưng đi vào thế giới của Quỷ dữ thì vô cùng khó - câu nói ấy của thiền sư Ikkhu, đánh động vào tận cùng con người tôi. Tất cả các nghệ sĩ hướng đến Chân Thiện Mỹ như mục đích của mình, đều không tránh khỏi bị ám ảnh bởi ước mong phá được cửa vào thế giới của quỷ dữ. Và, một cách công khai hay thầm kín, ý tưởng ấy luôn phân vân giữa sợ hãi và khẩn cầu.

Kawabata (1899-1972 - Giải Nobel Văn Chương 1968)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét